Tìm hiểu lịch sử
Những năm tôi còn học ở bậc tiểu học và trung học, những ngày lễ thường được nghỉ học từ một đến hai ba ngày, có khi được nghỉ cả tuần hoặc hơn. Tính theo âm lịch thì đầu năm là tết Nguyên Đán được nghỉ hai tuần (trước và sau tết). Ngày 6 tháng 2 lễ Hai Bà Trưng. Lễ Hai Bà Trưng là ngày lễ được tổ chức rất lớn trên khắp cả nước “Miền Nam Việt Nam”. Ngày này cũng là ngày “Phụ Nữ Việt Nam” nên vào lúc bấy giờ lễ được tổ chức rất lớn tại thủ đô Sài Gòn có bà Ngô Đình Nhu đến chủ tọa đọc diễn văn vào thời kỳ Đệ Nhất Cộng Hòa. Tham dự có các hội phụ nữ như Nữ Quân Nhân, Nữ Y Tá, hội Phụ Nữ Liên Đới, học sinh các trường nữ trung học tại thủ đô như Gia Long, Trưng Vương…với cuộc diễu hành trông rất ngoạn mục. Đặc biệt là có hai thớt voi trên lưng là Hai Bà Trương Trắc và Trưng Nhị trông rất uy nghi, theo sau là đám lính hầu và các chiến sĩ mặc binh phục, cầm gươm dáo thời chống nhà Đông Hán.
Tại các địa phương (tỉnh, thị xã) cũng đều cử hành trọng thể lễ Hai Bà Trưng và dĩ nhiên chúng tôi được nghỉ học ngày hôm đó. Đám “con gái” phải mặc áo dài trắng và sáng sớm đã có mặt tại sân vận động để dự lễ Hai Bà. Có hai nữ sinh thuộc loại “hoa khôi, hoa hậu, á hâu…” được chọn đóng vai Hai Bà ngồi trên lưng voi dưới hai chiếc lộng màu vàng rực rỡ. Còn bọn con trai thì tha hồ ngủ trễ ngày hôm đó. Qua đến thời kỳ “Đệ Nhị Cộng Hòa” lễ Hai Bà vẫn tiếp tục được cử hành như một truyền thống của người Miền Nam Việt Nam, đôi lần có bà Nguyễn Văn Thiệu đọc diễn văn trong “Ngày Phụ Nữ” này.
Sau cái ngày Miền Nam “được giải phóng”, chính quyền mới cũng giải phóng luôn các ngày lễ kỷ niệm các vị anh hùng dân tộc, trong đó có ngày lễ Hai Bà Trưng. Họ không còn nhắc nhở gì đến các bậc tổ tiên, tiền bối đã có công dựng nước và giữ nước suốt mấy ngàn năm để đưa nước Việt Nam đến các thời độc lập tự chủ. Đã không nhớ đến tổ tiên thì chớ, họ còn cố tình sửa lại lịch sử dân tộc đã bao phen đánh thắng đám giặc phương Bắc. Trên một trang web nói về Hai Bà Trưng, bọn sử nô đã trích từ sách “Hậu Hán Thư” của Tàu nói về Hai Bà có đoạn như sau: “Năm Quý Mão (43) Hai Bà Trưng chống cự lại với quân nhà Hán ở Cẩm Khê, thất thế, đều tử trận. Theo Hậu Hán Thư (1), sách của Trung quốc, hai bà đã bị quân Mã Viện bắt được và chặt đầu đem về Lạc Dương…”
Bài học lịch sử mà thế hệ chúng tôi tại Miền Nam đã học ghi rằng: “Hai Bà Trưng là tên của hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị, hai vị nữ anh hùng dân tộc của dân tộc Việt Nam. Trong sử sách, Hai Bà được biết đến như là những thủ lĩnh khởi binh chống lại chính quyền đô hộ của Đông Hán, lập ra một quốc gia đóng đô tại Mê Linh. Thời kỳ của hai Bà xen giữa thời kỳ Bắc thuộc lần 1 và Bắc thuộc lần 2 trong lịch sử Việt Nam.
Năm Kiến Vũ thứ 16, thời Hán Quang Vũ Đế, hai người phụ nữ Giao Chỉ là chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị là con gái của Lạc tướng huyện Mê Linh. Trưng Trắc có chồng là Thi Sách ở huyện Chu Diên bị giặc Đông Hán giết. Thái thú quận Giao Chỉ là Tô Định là kẻ cai trị tàn bạo. Trưng Trắc phẫn nộ, bèn chiêu binh mãi mã đứng lên chống quân Đông Hán. Những tộc trưởng ở các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố hưởng ứng và Bà đã chiếm được 65 thành trì và xưng là Nữ Vương.
Năm thứ 18, Quang Vũ Đế sai Phục Ba tướng quân Mã Viện, Trung lang tướng Lưu Long và Lâu thuyền tướng quân Đoàn Chí dẫn quân Trường Sa, Quế Dương, Linh Lăng, Thương Ngô hơn vạn người sang đánh nước ta. Vào mùa hè năm 43, Mã Viện cầm quân đánh phá Giao Chỉ, sau nhiều trận giao tranh khốc liệt, quân Hai Bà thua chạy. Hai Bà nhảy xuống dòng sông Hát để tự tử.
Sách Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca của nhà sử học lê Ngô Cát triều Nguyễn có đoạn kể về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng:
Bà Trưng quê ở Châu Phong
Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên
Chị em nặng một lời nguyền
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân
Ngàn Tây nổi áng phong trần
Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên
Hồng quần nhẹ bước chinh yên
Đuổi ngay Tô Định, dẹp yên biên thành
Kinh kỳ đóng cõi Mê Linh
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta
Ba thu gánh vác sơn hà
Một là báo phục hai là Bá Vương
Uy danh động tới Bắc Phương
Hán sai Mã Viện lên đường tấn công
Hồ Tây đua sức vẫy vùng
Nữ nhi địch với anh hùng được sao!
Cẩm Khê đến lúc hiểm nghèo
Hai Bà thất thế cùng liều với sông!
Trước là nghĩa, sau là trung
Kể trong lịch sử anh hùng ai hơn.
Hằng năm, vào ngày 6 tháng 2 âm lịch, ngày giỗ hay lễ hội tưởng nhớ Hai Bà được tổ chức là ngày lễ chính thức của Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1955 đến 1975. Ngày này cũng là Ngày Phụ nữ Việt Nam của miền Nam Việt Nam dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa.
– Phong Châu
(Ngày 6 tháng 2 năm Quý Mão)
(1) Hậu Hán Thư: Bộ sử Tàu viết từ thời Đông Hán.