Hôm nay,  

WORLD CUP! WORLD CUP!

31/10/202212:21:00(Xem: 3496)
Phiếm

IMG_3473


Đối với những người yêu thích môn bóng đá thì không ai không biết Giải Bóng Đá Thế Giới (World Cup) năm nay được diễn ra tại Qatar từ ngày 20 tháng 11 đến ngày 18 tháng 12. Tôi cũng xin tự nhận là “fan” của World Cup, với niềm háo hức nôn nao cho mùa giải bốn năm mới có một lần này, được ghi lại chút kỷ niệm của mình với những mùa World Cup đã qua trong đời.

 

World Cup đầu tiên tôi được biết là World Cup tại Tây Ban Nha năm 1982 khi tôi đang học lớp mười. Lúc ấy, tôi chưa biết về các giải bóng đá quốc tế, nhưng cũng có một chút “hiểu biết” về môn thể thao này, vì hai người anh tôi là cầu thủ bóng đá sinh viên, có đôi lần tôi đi xem anh thi đấu, tập dượt, anh là thủ môn nên lần nào đấu xong cũng mang thành tích đầy mình: đầu gối trầy trượt, bong gân, trật tay đủ cả. Mùa hè 1982, buổi tối anh em tôi phải đi học thêm Anh Văn ở Trung Tâm Ngoại Ngữ ngoài Phú Nhuận, nhưng đến ngày World Cup, anh rủ tôi trốn học để xem bóng đá. Tôi nào biết sự quyến rũ của World Cup, nhưng nghe nói không đi học là mừng rơn, chịu liền không cần suy nghĩ. Chúng tôi đến một nhà xóm trên xem ké vì nhà này là số hiếm hoi có ti vi màu thuở ấy. Con gái chủ nhà là bạn của anh tôi, rộng lượng pha trà, mang đậu phộng rang cho mọi người vừa xem vừa nhâm nhi. Tôi cũng chẳng ngờ, đó là mùa WorldCup đã đưa tôi vào niềm say mê vô tận không ngơi với chiến thắng giòn giã của đội Italy vô địch.

 

World Cup 1986 tiếp theo tại Mexico cũng là một kỷ niệm đẹp, vì mùa hè đó trường chúng tôi đi chơi thành phố Đà Lạt. May mắn sao, nhà nghỉ của Sở Giáo Dục nơi chúng tôi ở có nhà ăn rộng rãi và màn hình ti vi khổng lồ 100 inch. Thế là không hề mệt mỏi sau một ngày leo đồi xuống dốc, đêm đến chúng tôi lại đi qua những vạt đồi cỏ ướt đẫm sương Đà Lạt để xem trực tiếp bóng đá, và khỏi cần nói, giữa mênh mông bao la những con đồi, chúng tôi tha hồ reo hò, ca hát cổ vũ cho đội bóng yêu thích của mình. Năm ấy Argentina đoạt chức vô địch với Maradona thần sầu, mặc dù bàn thắng của anh ta có nhiều tranh cãi.

 

Nhưng có thể nói mùa World Cup đặc biệt nhất chính là World Cup Italy 1990  mà tôi được xem ở trại tỵ nạn Thailand. Như cá gặp nước vì lúc đó các anh trong Bưu Điện nơi tôi làm việc đều không những say mê bóng đá mà còn là những “nhà bình luận” rất xuất sắc với những kiến thức am hiểu của họ về môn thể thao này. Tôi đã ngồi hàng giờ chỉ để nghe các anh dự đoán, bàn luận mà không thấy chán. Đêm nào cũng vậy, chúng tôi rủ nhau cùng đi xem, có cá độ hẳn hoi, hôm nào có hai trận thì coi luôn tới 4 giờ sáng, về nhà mắt nhắm mắt mở được vài tiếng là thức dậy đi làm, vừa gặp mặt nhau còn ngái ngủ nhưng câu nói đầu tiên là: hôm nay bắt đội nào? Năm đó, đội Đức chiến thắng vinh quang đã cho tôi cảm tình với đội này và ủng hộ cho đến bây giờ. Dù tương lai còn mờ mịt nơi trại tỵ nạn, dù chen chúc nhau xem trong “rạp” chật hẹp, dù chung độ chỉ là những gói mì Mama nhưng chúng tôi đã có một mùa World Cup tuyệt vời, khó quên!

 

Nếu World Cup Italy 1990 là mùa World Cup vui nhộn, thì World Cup USA 1994 là mùa buồn nhất vì tôi vừa mới chân ướt chân ráo định cư Canada được vài tháng, không người thân, không bạn bè (để… cá độ), một mình trong căn apartment xem bóng đá lặng lẽ, buồn muốn khóc. Cũng may, có mấy đứa cháu bên Mỹ hằng ngày gọi phone bàn luận với tôi tin tức World Cup cũng nguôi ngoai nỗi buồn. Lúc đó tôi cũng phát hiện ra dân Bắc Mỹ không mê bóng đá như các sắc dân khác. Đối với họ, chỉ có hockey, football (bóng bầu dục), baseball, basketball, cho nên mùa World Cup chẳng thấy không khí tưng bừng như ở Việt Nam hay trại tỵ nạn Thailand.

 

Các mùa World Cup tiếp theo tôi đã quen dần với không khí World Cup xứ Bắc Mỹ. Không sôi động như Châu Âu, không điên cuồng như Nam Mỹ, cũng chẳng cháy bỏng khát vọng như Á Châu, nhưng tôi cảm nhận dân Canada cũng thích bóng đá. Ở đây, có cả một kênh thể thao phục vụ mùa World Cup, có phóng viên đến tận nước chủ nhà để tường thuật, rồi trên ti vi là người anchor ngồi giữa, có hai bình luận viên nhà nghề để hầu chuyện khán giả mọi chuyện trong và ngoài trận đấu. Giữa hai hiệp và kết thúc trận đấu luôn luôn có phần highlight lại những pha gay cấn, những cú sút ghi bàn đẹp, rồi tiên đoán kết quả trận sắp tới. Tôi xem ti vi không lãng phí một giây phút nào, vì ngay cả phần quảng cáo của các nhà sponsors lừng danh như CocaCola, MasterCard, Adidas… đều có những màn quảng cáo đặc biệt xuất sắc cho riêng mùa World Cup.

 

Có lẽ Canada là xứ sở nhân đạo hiền hòa, đón nhận mọi sắc dân trên thế giới, thành ra World Cup mới có chút không khí xôn xao? Chạy xe một vòng xuống downtown Edmonton, các quán bar đua nhau treo cờ các đội vào World Cup để dụ dỗ  Soccer fans vào uống bia, ăn nachos, chicken wings và enjoy trận đấu trên màn hình cực lớn. Các tiệm bán đồ Sports bán các áo thun các đội tuyển World Cup, giá từ 100 đến 200 dollars một cái, (ông xã và con trai tôi cũng bon chen gom góp hơn chục áo thun World Cup), còn có cả cờ các quốc gia để gắn trên xe chạy diễu hành trên đường phố. Năm nay Canada có mặt World Cup, chắc tôi phải treo cờ Canada cho đến khi Canada... bị loại rồi mới dám treo cờ đội khác, kẻo bị goánh!

 

Gần khu nhà tôi, có vùng Little Italy, mùa World Cup nào cũng ồn ào vì những cổ động viên khoái ăn Pizza và Spaghetti này. World Cup 2006 đội Italy vô địch, dân Little Italy ở đây một phen náo động, say sưa với niềm hạnh phúc, họ chạy xe vòng quanh thành phố, giương cờ Italy, la hét và bóp còi inh ỏi. Suốt thời gian diễn ra World Cup, thỉnh thoảng trên đường phố, tôi lại bắt gặp một chiếc áo vàng Brazil, áo cam Holland, đỏ sậm Mexico, xanh ngát France, trắng tươi viền đỏ cam của Germany, xanh dương sọc trắng Argentina, làm lòng người hâm mộ cũng thấy vui.

 

Dù sao, tôi cũng phải thú nhận, là giống như nhiều phụ nữ xem World Cup khác, tôi xem bóng đá với cảm tính nhiều hơn, vì cho đến bây giờ tôi chẳng rành rọt mấy cái luật lệ bóng đá, chẳng biết thế nào là “việt vị”, lúc nào là “ném biên”, khi nào “phạt góc” (biết chết liền đó). Nhưng có sao đâu nhỉ, tôi vẫn biết trái bóng vào khung thành đối phương là ghi bàn, và nhất là tôi cũng biết la hét, run rẩy hồi hộp khi xem đá phạt đền luân lưu để quyết định thắng bại cho hai bên, như vậy cũng đủ điều kiện để làm fan bóng đá rồi, phải không?

 

Năm nay tôi đã chuẩn bị tinh thần cho World Cup đầu tiên không làm vào mùa Hè mà là mùa Đông, và xứ sở Qatar có biết bao điều thú vị để khoa trương cho cả thế giới chiêm ngưỡng. Trận chung kết ngày 18 tháng 12 gần ngày Lễ Noel bận rộn, nhưng tôi thề sẽ không bỏ sót trận nào, vì  năm nào cũng đón Chúa giáng sinh, còn World Cup thì phải chờ đến... bốn năm!

 

Theo thống kê, World Cup được nhiều người xem nhất trên hành tinh này. Nếu như trận chung kết giữa đội Pháp và Croatia ở World Cup 2018 có hơn 1 tỷ người theo dõi thì số người xem lễ bế mạc Winter Olympic 2022 vừa qua tại Bắc Kinh ế thảm thê, với con số chưa đầy 7 triệu!

 

Bây giờ tôi đã có thêm nhiều bạn để… cá độ, từ các bạn ở chung thành phố đến bạn ở xa cá độ qua Facebook. “Chung độ” đơn giản là một chầu cafẹ, một bữa ăn trưa, hoặc tùy lòng hảo tâm, chung gì cũng được, miễn đừng... “xù”.

 

Hầu như ai cũng có một đội bóng yêu thích, nhưng tiên đoán có được vô địch hay không thì còn quá sớm, vì khi quả bóng bắt đầu lăn trên sân cỏ thì chuyện gì cũng có thể xảy ra, nhưng chắc chắn sẽ có nhiều bất ngờ, thú vị.

 

Tại bút: Ông xã mới hỏi tôi năm nay chọn đội nào, tôi quyết chí không nói và sẽ giải thích trong một bài viết khác về World Cup, hãy đợi đấy!

 

-- Kim Loan

(Edmonton, Mùa World Cup 2022)

   

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Một tay cầm micro, tay kia cố gắng lật trang sách để giữ nó cố định, Thái Nguyễn chỉ vào hình ảnh cô tài tử Hollywood gốc Việt đang tiếp nhận những ‘hào quang ánh sáng’ của báo chí điện ảnh Mỹ, trong tà áo dài màu xanh lá cây đậm, giới thiệu về sách thiếu nhi Mai’s áo dài: “Đây là lần đầu tiên áo dài Việt Nam hiện diện trên thảm đỏ Oscar!”
Từ đó, nàng được mang tên Nữ Hoàng Chân Đất (hay Nữ Hoàng Sân Cỏ)(*). Những bước chân trần tìm về dấu vết tình yêu nguyên thủy. Những bước chân đi khâu vá lại vết thương của một thời máu xương điên loạn.
“Nếu không có tiếng hát Khánh Ly thì chúng ta có những gì, còn gì?” Nếu chỉ được chọn một câu để nói về người ca sĩ đã cống hiến gần cả cuộc đời cho âm nhạc, thì tôi xin chọn câu nói trên của MC Lê Đình Ysa trong “Đêm mừng Khánh Ly 80 tuổi” được nhóm bạn trẻ Nina Hòa Bình Lê, Ann Phong, Lê Đình Ysa, Nguyễn Lập Hậu & Jimmy Nhựt Hà... tổ chức vào tối thứ Sáu 7/3/2025 tại quận Cam, Nam California.
Người ta thường gói ghém một cuộc đời trong dăm ba trang giấy để gọi là hồi ký. Người ta cũng thường dùng thước đo của 10 năm, 20 năm, 30 năm… để hoài niệm một điều gì đó, cho dù là hạnh phúc hay mất mát. Nhưng không dễ gì để tái hiện cả một cuộc đời dài 80 năm, trong đó có lịch sử, có tình yêu, có nhân quả, có triết lý sống, có ân tình, có nghệ thuật, có tài năng… chỉ trong một đêm. Vậy mà, Đêm-Khánh-Ly-80-Tuổi, đã làm được điều đó.
Bước vào phòng triển lãm, ba bức tranh đầu tiên bên tay phải đập vào mắt người thưởng ngoạn là ba tác phẩm của họa sĩ Ann Phong: “I Told You, The Earth Is Warming Up”; “Looking Back, Looking Forward”; “If We Don’t Care For Nature, It Will Disappear.” Chọn ba tác phẩm này cho cuộc triển lãm, họa sĩ giải thích: “Các tác phẩm nghệ thuật của tôi phản ánh mối quan hệ giữa người với người; trách nhiệm mà chúng ta phải có đối với trái đất nơi chúng ta đang sống. Thật đau lòng khi chứng kiến ​​thiên nhiên bị tàn phá bởi lòng tham và sự thiếu hiểu biết của con người. Có vẻ như khi chúng ta càng làm cho cuộc sống của mình trở nên tiện nghi, thì chúng ta càng tạo ra nhiều ô nhiễm hơn; càng làm cạn kiệt tài nguyên của trái đất một cách bất cẩn hơn…”
Quý bạn yêu nhạc muốn ủng hộ đêm nhạc Mắt Nâu với những tình khúc của Hoàng Tử Bé - Jayden Nguyễn tại Coffee Factory (15582 Brookhurst St, Westminster, CA 92683) vào ngày Lễ Tình Nhân, Thứ Sáu, 14 tháng 2, xin vui lòng nhắn tin đến 714-592-8941 để đặt vé.
Tuyết rơi như lông ngỗng, như hoa rụng tùng chùm, bám trên nóc xe, trắng xóa mặt đường và tan dưới lằn bánh xe cán ngang. Hơi lạnh len cả vào chân tóc. Mùa Đông thật sự đã đến.
Nếu "Lữ Hành" là cuộc hành trình thơ thới và bất tận của loài người và được ông sáng tác tại Sàigòn vào năm 1953 đầy hy vọng thì "Dạ Hành" là lúc con người đi trong đêm tối. Mà bóng tối ở đây không là một khái niệm về thời gian khi thiếu ánh mặt trời. Bóng tối là chông gai hiểm hóc của phận người và ca khúc cũng được viết tại Sàigòn nhưng mà là Sàigòn khói lửa của chiến chinh tham tàn năm 1970. Rồi Phạm Duy mới nói về cuộc đi bình thường là bài "Xuân Hành", sáng tác năm 1959, ở giữa hai bài hành kia. Hành trình bình thường và muôn thuở như câu hỏi đầy vẻ triết học là "người là ai, từ đâu tới và sẽ đi về đâu ".... Ngươi từ lòng người đi ra rồi sẽ trở về lòng người. Người vừa là thần thánh, vừa là ma quỷ, biết thương yêu dai mà cũng biết hận thù dài…. Nhất là biết vui buồn giữa hai nhịp đập của con tim, ngay cả khi tim ngừng đập.
Bài viết của nhà thơ Ngu Yên ở Texas “Cảm Xúc Trong Tiếng Hát” có nhiều điều lý thú trong lãnh vực âm nhạc. Ngu Yên đã dấn thân trong hai lãnh vực Thơ, Nhạc… Ngoài các tập thơ đã được ấn hành, khoảng cuối năm 1995 ở Houston, Ngu Yên tổ chức những buổi ra mắt sách, băng nhạc, CD và tổ chức những buổi trình diễn ca nhạc. Năm 1998, Ngu Yên đứng ra thành lập nhóm Viet Art Productions để thỏa mãn sự ham vui theo sở thích cùng nhau vui chơi, tổ chức trên 50 buổi trình diễn như đại hội chợ, trong những dịp lễ, sinh hoạt cộng đồng… ngoài Texas còn có nhiều nơi khác. Vì vậy trong lãnh vực âm nhạc, Ngu Yên có kinh nghiệm và khả năng viết về đề tài nầy… Qua bài viết của tác giả Ngu Yên tạo cho tôi cảm hứng góp phần chia sẻ với “lời bàn Mao Tôn Cương” tế nhị vì cũng ngại làm phật ý với “ca sĩ” trình diễn và góp ý thêm cho sinh động trong chuyện vãn.
Thứ Tư, ngày 15 tháng 1, 2025, gia đình và đông đảo bạn hữu đã đưa tiễn họa sĩ/nhà văn Khánh Trường về nơi an nghỉ ở Peek Family, Westminster. Chương trình tang lễ ngắn gọn nhưng ấm cúng, thân tình, và thật cảm động với nhiều lời phát biểu chia sẻ của gia đình và nghệ sĩ thân hữu. Việt Báo đã đăng tải và chia sẻ nhiều bài viết từ bạn bè, văn hữu trong số báo đặc biệt về Khánh Trường ngày 3 tháng 1, 2025, sau đây là bài điếu văn của con gái út của Khánh Trường, Annie Nguyễn Trường An, đọc bởi chồng Cô trong buổi tang lễ bằng tiếng Anh, Lê Anh Dũng biên dịch sang tiếng Việt.

LTS: Mời quý vị nghe bài phát biểu của Dân Biểu Liên Bang Derek Trần tại Hạ Viện Hoa Kỳ sáng thứ Ba 29 tháng Tư, 2025 về Dấu Mốc 50 Năm Tháng Tư Đen.



***
Kính thưa Ngài Chủ Tịch Hạ Viện, 

Hôm nay tôi xin được phép phát biểu trong vài phút để chia sẻ một điều rất quan trọng đối với cộng đồng người Việt hải ngoại.

Tháng Tư Đen – không chỉ là một ngày buồn trong lịch sử, mà còn là dấu mốc nhắc nhở chúng ta về một ngày tang thương, khi chúng ta mất tất cả – mái ấm, quê hương, cuộc sống, và cả tương lai ở mảnh đất mà ta từng gọi là tổ quốc.

Cách đây 50 năm, vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, miền Nam Việt Nam rơi vào tay chế độ cộng sản. Khi đó, Mỹ đã di tản khoảng 6.000 người, bao gồm cả người Mỹ và người Việt, đến nơi an toàn. Rồi hàng trăm ngàn người Việt khác cũng lần lượt vượt biển ra đi, không biết phía trước là gì, chỉ biết phải rời đi để tìm sự sống.

Những người còn ở lại đã phải chịu cảnh sống ngày càng khắc nghiệt dưới chế độ cộng sản. Nhiều người bị đưa vào trại cải tạo – không chỉ mất nhà cửa, mà mất cả tự do, nhân phẩm, và không ít người mất luôn cả mạng sống.

Đây là một ngày đau buồn. Một ngày để chúng ta tưởng niệm, suy ngẫm, và để nhìn lại tất cả những gì đã mất.

Có hơn 58.000 lính Mỹ và hơn 250.000 binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh. Những người này đã chiến đấu và ngã xuống vì tự do. Họ xứng đáng được chúng ta biết ơn mãi mãi. Chúng ta tưởng niệm không chỉ những người lính, mà còn hàng triệu người dân vô tội đã chết trong chiến tranh, những người bị đàn áp sau ngày 30 tháng 4, và những người bỏ mạng trên biển trong hành trình vượt thoát.

Chúng ta có trách nhiệm sống xứng đáng với sự hy sinh của họ — bằng cách sống trọn vẹn và sống có ý nghĩa trong cuộc đời mới này.

Tôi là một trong hàng trăm ngàn người Mỹ gốc Việt được sinh ra trong những gia đình tị nạn – những người cha, người mẹ ra đi tay trắng, chỉ mang theo niềm hy vọng. Nhưng họ không để hành trình khổ cực ấy định nghĩa cuộc đời mình ở Mỹ. Họ xây dựng cộng đồng mạnh mẽ, thành công, và luôn giữ gìn bản sắc, lịch sử dân tộc.



Và hôm nay, sau 50 năm, chúng ta không chỉ tưởng niệm mà còn tự hào về những gì cộng đồng người Việt đã làm được. Từ tro tàn chiến tranh, chúng ta đã đứng dậy và vươn lên.

Chúng ta có những người gốc Việt làm tướng, đô đốc trong quân đội Mỹ, có nhà khoa học đoạt giải thưởng lớn, doanh nhân thành công, giáo sư, bác sĩ, nghệ sĩ – ở mọi lĩnh vực. Từ người tị nạn, chúng ta đã viết nên câu chuyện thành công chỉ trong vòng năm mươi năm.

Nhiều người trong số họ là con em của thuyền nhân – hoặc chính là những người vượt biển. Họ là minh chứng sống động cho tinh thần không chịu khuất phục, không ngừng vươn lên của người Việt.

Riêng tôi, là người Mỹ gốc Việt đầu tiên đại diện cho cộng đồng Little Saigon ở Quận Cam trong Quốc Hội. Tôi rất vinh dự và cảm thấy trách nhiệm nặng nề khi mang theo câu chuyện lịch sử của chúng ta. Little Saigon – nơi có cộng đồng người Việt lớn nhất thế giới – là biểu tượng sống động cho nghị lực, cho hy vọng, và cho tinh thần vượt khó.

Tôi nối bước những người đi trước – những lãnh đạo người Việt ở California và khắp nước Mỹ – những người đã mở đường để thế hệ chúng tôi có thể tiếp bước. Tôi là người thứ ba gốc Việt được bầu vào Quốc hội, sau Dân biểu Joseph Cao ở Louisiana và Nữ dân biểu Stephanie Murphy ở Florida. Tôi không quên rằng mình đang tiếp nối di sản mà bao người đã hy sinh để giữ gìn.

Mỗi ngày, tôi đều nhắc mình rằng: Chúng ta phải giữ gìn câu chuyện này, phải kể lại trung thực, để không ai – kể cả chế độ cộng sản – có thể viết lại lịch sử của chúng ta.

Tôi mong các đồng nghiệp trong Quốc Hội hãy cùng tôi không chỉ tưởng nhớ những nỗi đau mà chúng tôi đã trải qua, mà còn tôn vinh tinh thần bất khuất của người Việt Nam. Hãy vinh danh các cựu chiến binh – cả Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa – những người đã hy sinh cho tự do.

Và trong ngày kỷ niệm đau thương này, hãy cùng nhau nhắc lại cam kết: giữ vững các giá trị quan trọng nhất – dân chủ, nhân quyền, và khát vọng sống tự do.

Xin cảm ơn quý vị, tôi xin kết thúc phần phát biểu.

Derek Trần

NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.