Hôm nay,  

Sông Nước Mùa Hè

05/08/202200:00:00(Xem: 2122)
chim coc khoi canh

Chim cốc phơi cánh. (Ảnh của NTHH)

 
Nếu bạn ở một nơi có mùa đông dài 5 tháng, và nhiệt độ ban ngày thấp hơn độ đóng băng của nước, bạn sẽ thích mùa hè. Nhưng dù bạn có thích mùa hè đến mấy thì cũng có những ngày nóng ngộp thở. Bạn làm gì để giải nhiệt? Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng đã mời gọi: “Mùa hè năm nay anh sẽ đưa em rời phố chợ đôi ngày.”  Thật là chí lý. Mùa hè ở trong thành phố rất nóng. Cái nóng hắt từ mặt đường tráng nhựa và từ xe cộ thải ra rất khó chịu. Một trong những cách giải nhiệt giản dị nhất là xa rời phố thị, đi về quê. Còn gì sung sướng hơn “Chín mươi ngày nhảy nhót ở đồng quê. Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ.”(1)  Người xưa từng nói về cái khoái lạc của mùa hè là tắm ao sen, hạ thưởng lục hà trì. Chúng ta có thể thay thế ao sen bằng hồ, sông, hay biển. Không cần ngụp lặn nếu bạn sợ dính bùn, hay nước mặn gắt, chỉ cần bạn đi dọc theo bờ sông, bờ hồ, hưởng làn gió từ mặt nước thổi lên là thấy người khoan khoái hẳn lên.
 
Trên đường trail Delaware and Raritan không có hoa sen nhưng hoa súng rất nhiều. Không phải loại hoa súng water lily của Việt Nam. Đây là loại hoa nhỏ như một quả banh golf màu vàng, gọi là pond-lily hay cow-lily. Loại hoa súng này tôi đã gặp trong một bức tranh của Hokusai. Có nghĩa là bên Nhật cũng có hoa này. Ở đây, mùa nào có hoa nấy. Đầu tháng Sáu hoa hồng dại và honeysuckles nở trắng hai bên đường. Hương hoa ngan ngát quyện vào mỗi bước chân. Tháng Bảy và tháng Tám, hoa mallow, một loại hoa dâm bụt nở màu hồng thắm mỗi hoa to như cái đĩa bàn. Hoa có mùi thơm nhẹ, nhụy có mật ngọt nên thường quyến rũ kiến và ong. Hoa thistle, còn gọi là hoa kế, vừa có nhan sắc lại vừa có hương thơm nhưng hiểm hóc đầy gai nhọn. Loại hoa hoang dại này lại được chọn tô điểm cho quốc huy của Tô Cách Lan. Hoa dại, hình như, ít khi màu đỏ. Chỉ thỉnh thoảng tôi mới gặp sát mé nước một loại hoa, cánh hoa nhỏ hơn hoa huệ (loại huệ trắng tuberose bên mình hay chưng trên bàn thờ chứ không phải loại hoa loa kèn lily), giống như hình con hạc màu đỏ thắm gọi là hoa cardinal có nghĩa là hoa hồng y. Cùng màu đỏ tươi thắm có trái dâu tây strawberry và trái redberry. Chừng ấy màu đỏ đủ gợi nhớ câu thơ nổi tiếng trong bài Tình Sầu của Huyền Kiêu, “Hạ đỏ vẫn chàng đến hỏi. Em thơ, chị đẹp em đâu.” Dọc dòng sông Millstone có rất nhiều ngỗng Canada và chim nước. Chim nước hay water-fowl, water-bird là loại nửa chim nửa vịt, có thể bay và đồng thời có thể bơi. Ở đây tôi thấy có merganser, Mallard duck, wood duck, và bufferhead. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy nó, con chim màu chocolate, nó đứng trên một tảng đá giữa khúc sông cạn, dang rộng đôi cánh như chờ gió lên cho đầy cánh để bay. Mãi về sau tôi mới biết tên chim là cormorant. Người Việt gọi là chim cốc. Rồi đột ngột nó cất cánh nhưng không bay cao, đuôi sà xuống chạm vào mặt nước, lệt phệt vài lần như thể bay không nổi để lại trên mặt sông mấy chỗ lõm gợn sóng. Về sau, tôi mới “ngộ” ra là nó đang rình để bắt cá chứ không phải tập bay.
 
Chim cốc không đẹp nếu dựa trên màu sắc. Những con chim được khen là đẹp đều có màu rực rỡ. Chim hồng y (cardinal) có màu đỏ tươi; bluejay màu xanh với nhiều sắc đậm nhạt có điểm trắng; hoàng yến, hoàng oanh (gold finch và oriole) có màu vàng tươi; két có đủ màu xanh đỏ; hoặc nếu không màu thì phải hoàn toàn trắng, trắng tươi, trắng xóa, như thiên nga. Chim cốc có nhiều loại, đốm vàng ở cổ, hay đốm trắng ở ngực, tuy vậy đa số đều có bộ lông màu nâu sậm. Thiếu ánh sáng trông nó đen thui. Mỏ nó dài, nhọn, và khoằm. Đôi mắt xanh đục, và đằng sau gáy có chùm lông dựng đứng. Người ta nói mình chỉ nhìn thấy cái mình biết. Khi chưa biết nó là ai, tôi không hề có cái khái niệm gì về con chim cốc. Nhưng khi biết có con chim cốc trên cuộc đời này thì tôi gặp nó ở nhiều nơi. Đặc biệt, nó xuất hiện rất nhiều trong văn chương của châu Âu.
 
Thi sĩ John Milton đã so sánh chim cốc với quỷ Satan. Trong bộ trường thi Paradise Lost (Thiên Đường Đã Mất) quyển số 4, Milton kể hai mạch truyện. Một mạch truyện nói về Adam và Eve. Mạch truyện còn lại nói về Satan (còn gọi là Lucifer). Satan vốn là thiên thần, sau khi quyết định nổi loạn chống lại Chúa, đã bay đến Eden (vườn địa đàng). Gã quỷ sứ đã đáp xuống cái cây to và cao nhất ở giữa vườn địa đàng. Đó là Cây Cuộc Đời  (Tree of Life). Hắn ngồi trên cây giống như một con chim cốc, suy nghĩ tìm cách mang cái chết đến cho loài người.(2)
 
Cốc nhỏ hơn hạc xám (great blue heron), thiên nga, hoặc ngỗng Canada, nhưng to hơn vịt Mallard đầu xanh. Lớp lông bên ngoài không thấm nước, nhưng lớp lông mềm bên trong có khi ngấm nước nên chim cốc thường dang cánh để hóng gió cho khô. Có lần nhìn hai con chim cốc há mỏ ra đối đáp với nhau, tôi thấy chúng trông có vẻ như đang cãi vã rất dữ dằn, nhưng biết đâu chừng đó là cái cách chúng nói những lời yêu thương với nhau.
 
Cốc lặn rất sâu và rất xa. Đứng rình chụp ảnh, tôi thấy nhiều lần chim cốc lặn rồi biến mất luôn. Có thể nó xuôi dòng đi rất xa và khi trồi lên lẩn vào gốc cây và rễ cây ở phía bên kia bờ sông tôi không tìm được. Chim cốc là loài chim săn cá thượng hạng. Cốc có thể nuốt con cá to gấp mấy lần vòng cổ của nó và có thể ăn cả chục con cá to trong chớp mắt. Chính vì khả năng này mà chim cốc bị Geoffrey Chaucer, thi sĩ nổi tiếng vào thế kỷ 14 với tác phẩm The Canterburry Tales, gán cho tật xấu là tham ăn. Năm trăm năm sau Bram Stoker, trong tác phẩm Dracula đã cho nhân vật của ông tự nhận là “ta có khả năng ăn nhiều như loài chim cốc.”
 
Từ biểu tượng của sự tham ăn, chim cốc dần dần biến thành biểu tượng của gian thương dùng mánh khóe của con buôn để bóc lột người mua, những người cho vay ăn lời cắt cổ, thậm chí là biểu tượng của những nhà sư hổ mang gian hùng và tham lam.
 
Cốc là loại chim mùa đông thiên di. Ở New Jersey khi trời trở lạnh là chúng biến mất. Vào tháng Năm trời ấm lại thấy vài con lác đác bơi trên sông. Chừng tháng Bảy tháng Tám chúng đậu đầy ở những cái đập trên sông để bắt cá. Chim cốc có mặt trên nước Mỹ, Anh, Tô Cách Lan và ở châu Á như Trung quốc và Nhật Bản. Tôi đã nhìn thấy cốc bay thành đàn ở những cái cầu tàu chung quanh Fisherman Wharf, San Francisco. Mấy chục con bay hàng dọc, là là sát mặt nước, bay một đỗi thật xa, theo hướng gió đánh vòng tròn quay trở lại, như là một đoàn quân diễn hành cho du khách thưởng lãm, trông rất ngoạn mục. Tôi cũng gặp chim cốc ở Uji, ngoại thành của Kyoto, một trong 13 nơi của Nhật dùng chim cốc để săn bắt cá. Ở gần chân cầu Kisen bắc ngang con kênh dẫn nước từ sông Uji, có trại nuôi chim cốc để đi săn.
 
Năm 1900 ở Flannan Isles, một quần đảo Tô Cách Lan, đã xảy ra một vụ mất tích thật kỳ bí mà người ta không tìm ra nguyên nhân, cũng không thể giải thích được. Trên đảo Eilean Mòr (đảo chính của Flannan Isles) có một ngọn hải đăng và một ngôi nhà nguyện đã bị hư nát. Có ba nhân viên chăm sóc ngọn hải đăng này, James Ducat, Thomas Marshall, và Donald McArthur. Họ được tuyển chọn, đào tạo, rất thiện nghệ và hoàn toàn được tin cậy. Ngày 15 tháng 12 năm 1900, chiếc tàu Archtor từ Philadelphia đến Leith (Tô Cách Lan) thấy hải đăng không hoạt động, có lẽ vì thời tiết quá xấu. Ngày 18 tháng 12 tin hải đăng không hoạt động được báo cáo với Northen Lighthouse Board. Ngày 26 tháng 12, bão dịu xuống, mới có người đến được ngọn hải đăng và khám phá ra cả ba nhân viên chăm sóc ngọn hải đăng đều mất tích như tan biến vào thinh không. Tất cả đồ dùng trên đảo và đồ dùng của ba người đều còn nguyên vẹn, ngoại trừ bãi cập bến ở bờ Tây bị hư hại nặng vì cơn bão. Người ta đưa ra nhiều giả thuyết, những giả thuyết này được viết thành tiểu thuyết, làm thành phim. Một trong những giả thuyết này là ba nhân viên trông coi ngọn hải đăng đã biến thành ba con chim cốc bay ra khỏi đảo theo sự tưởng tượng của Wilfrid Wilson Gibson trong bài thơ Flannan Isles.
 
Gần đây nhất, cuốn phim Vanishing (Biến Mất) phát hành năm 2018 với Gerad Butler là diễn viên chính, đạo diễn Kristoffer Nyholm đã đưa ra một giả thuyết để giải thích vì sao ba nhân viên hải đăng đồng loạt biến mất.
 
Chim cốc xuất hiện trong văn học như một biểu tượng của ý nghĩ đen tối hay hành động xấu xa. Ngay cả Shakespeare cũng chê chim cốc không tiếc lời. Trong Richard II, act 2, scene 1, đại thi hào đã miêu tả chim cốc như sau:
 
Kiêu hãnh, chim cốc không bao giờ thỏa mãn
Phương tiện để tiêu thụ, sớm muộn gì cũng trở thành miếng mồi của chính nó.
 
Người Trung Hoa và Nhật Bản đều dùng chim cốc để săn bắt cá. Người Nhật Bản không nghĩ xấu về chim cốc. Họ nuôi và huấn luyện chim cốc để phục vụ loài người. Lợi dụng tài săn cá cũng như tật ăn tham của chim cốc, họ cột ngang cổ cốc một cái vòng, cột dây vào chân và thả cốc xuống nước đi săn. Sau đó họ nặn cổ chim cốc bắt nhả ra những con cá đã săn được. Chim cốc nhiều lần làm “người mẫu” cho nhà danh họa Hokusai. Trên mạng thấy lưu truyền một bức tranh chim cốc của Hokusai khá to và dữ dằn. Còn một bức khác tôi gặp trong quyển Hokusai Beyond the Great Views do Timothy Clark biên soạn. Bức tranh vẽ chim cốc đậu trên một cột gỗ dưới chân cột là hoa pond-lily màu vàng.
 
Các nhà thơ Nhật nổi tiếng như Issa, Onitsura, và Basho cũng viết rất nhiều bài haiku về chim cốc.
 
Thật thú vị làm sao,
chiếc thuyền săn chim cốc!
Nhưng chỉ một lúc sau
Tôi cảm thấy nỗi sầu.
 
 
Thú thật, những lời chê bai của các nhà văn châu Âu về chim cốc không thể bôi xóa được hình ảnh đẹp mà chim cốc đã mang đến cho tôi. Tôi xem một vài cuốn phim người ta dùng chim cốc đi săn trong đêm. Ông câu chèo phía sau, chim cốc ngồi trên thuyền như một người bạn đồng hành, bên cạnh là thùng lửa đốt để soi sáng. Hình ảnh lửa thuyền chài trên sông đã khiến tôi nhớ đến một câu trong bài thơ cổ.”Giang phong ngư hỏa đối sầu miên.”  Thi sĩ Tản Đà đã dịch nguyên bài như sau:
 
Quạ kêu, trăng lặn, sương rơi
Lửa chài, cây bãi, đối người nằm co
Con thuyền đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San
.(3)
 
Bài thơ có thể tả cảnh mùa hè, ban ngày trời nóng nhưng đêm có sương. Trước kia đọc bài thơ tôi không thể tưởng tượng được hình ảnh giang phong ngư hỏa như thế nào. Một ngày cuối hè đứng ở bến sông Uji, bên chân cầu Kisen, nhìn những con chim cốc được nuôi trong lồng, và lửa thuyền chài trên một tấm áp phích, tôi dường như nghe được tiếng chuông chùa, không phải của Hàn San Tự mà của Byodo-in cách đó chừng vài trăm mét. Bài thơ cổ trở nên lộng lẫy hơn nhờ hình ảnh thuyền chài đi săn cá bằng con chim cốc.
 
Nguyễn Thị Hải Hà
 
Chú thích:
 
(1)    Xuân Tâm, Nghỉ Hè.
(2)    Thence up he flew, and on the tree of life,
The middle tree and highest there that grew,
Sat like a cormorant; yet not true life
Thereby regained, but sat devising death.
John Milton, Paradise Lost (Kindle Locations 951-952).
(3)    Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô tô thành ngoại hàn san tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền
.
Trương Kế, Phong Kiều Dạ Bạc.
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Memphis là thành phố lớn của tiểu bang Tennessee, nổi tiếng là một trong những cái nôi của dòng nhạc Blues & Jazz của nước Mỹ. Cách đây 4 năm, tôi lái xe đến thăm Memphis chỉ để được nghe nhạc Blues “nguyên chất” tại B.B King’s Blues Club, một trong những “việc đáng làm trong đời” đối với những người mê nhạc Jazz. Nghe nhạc Jazz ở Memphis sẽ thấy được dòng nhạc như chảy trong huyết quản của người da đen ở Miền Nam Hoa Kỳ. Vào đầu tháng 10 năm nay, tôi trở lại thành phố Memphis, nhưng đó không phải là đích đến của chuyến đi. Memphis có phi trường chỉ cách Tu Viện Mộc Lan khoảng hơn một tiếng lái xe. UH, một cô bạn đồng tu đã từng cùng học với một vị thầy, cùng sinh hoạt trong một nhóm Phật tử ở Quận Cam California được chấp nhận vào ni đoàn, làm lễ xuống tóc xuất gia tại Mộc Lan. Tôi cùng một nhóm bạn nhận lời mời đến dự sự kiện trọng đại của một đời người này.
Đọc xong email của Cathy, Khôi mỉm cười khoan khoái, bước xuống phòng khách pha cho mình ly cà phê nóng của buổi sáng cuối tuần. Trời đã cuối Thu, những chiếc lá khô cuối cùng lao xao đuổi nhau theo những cơn gió nhẹ trên mặt đường, tạo nên một âm thanh vui tai. Hàng cây khô trụi lá khẳng khiu đang rung rinh trước gió, chuẩn bị cho những ngày đông dài sắp tới. Khung cảnh thật bình yên. Bình yên như tâm hồn Khôi sau những tháng ngày băn khoăn, ray rứt đã qua.
Vào cuối tháng 5 vừa qua, tôi lại có dịp quay trở về lại mái trường xưa, để tham dự buổi lễ ra trường của một cháu gái Cynthia Ngô, được lãnh nhận bằng Tiến Sĩ Luật Khoa, tại Đại Học Oklahoma City University (OCU), mà tôi là người đỡ đầu (God Father) khuyến khích cho cháu này theo học ngành luật khoa, cũng tại ngôi trường trước kia tôi học.
Dù bạn chưa từng đến Huế, nhưng đã từng nghe tiếng địa danh này qua hai câu hò quen thuộc: Gió đưa cành trúc la đà, Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương... ..
Đây là chuyện tình yêu xưa, xa xưa lắm rồi, nhưng dư âm vẫn còn ảnh hưởng sâu đậm đến thế hệ chúng ta hôm nay… hình như con người sống nương tựa rất nhiều vào tình yêu… tình yêu cho con người nhiều ý nghĩa thiêng liêng, nhiều gia vị đậm đà đáng sống. Nếu hỏi tại sao là vậy, thì thưa rằng bên cạnh tình yêu và cuộc mưu sinh, ta còn có những gì? Bầu cử ư, bầu cử đã qua rồi, ngã ngũ rồi, không còn gì để bàn nữa. Nhưng nếu bạn muốn theo dõi hậu bầu cử, đó cũng là ưu điểm, coi thế sự cuộc đời sẽ diễn tiến ra sao những ngày sắp tới. Trước mắt, bên cạnh, xung quanh còn vây phủ đe dọa đầy chiến tranh tàn khốc hủy diệt đe dọa sự sống còn của nhân loại bằng những vũ khí của khoa học hiện đại tân tiến, cộng với lòng ác độc của tham vọng, của chính trị không phương giải quyết.
Một người bạn nói với tôi rằng có những bài thơ hoặc những đoạn văn nằm hoài trong đầu của mình từ hồi còn nhỏ, nên khi được nhắc tới thì tự động tuôn ra. Tôi thấy có lý. Mỗi khi có dịp nói chuyện với ai về lòng biết ơn, tôi cứ như theo quán tính, chia sẻ một bài thơ ngày xưa tôi học ở bậc Tiểu Học. Không hiểu vì sao! Vì mình có tính hoài cổ? Hay vì đầu óc tuổi nhỏ dễ khắc ghi? Hay vì đây là bài học bắt buộc trong sách giáo khoa? Hay chỉ đơn giản là vì bài thơ có lời lẽ giản dị mà sâu sắc?
Nắng đã tắt từ lâu. Trời đen thẫm bên ngoài. Mùa đã về qua những chiếc lá vàng rơi rải rác theo những câu thơ trong những tạp chí văn chương của thành phố. Mùa thu nằm co trên trang giấy. Heo may lẩn quẩn đầu môi những kẻ gạ tình. Không có mùa thu ngoài đời sống ở nơi này. Hơi nóng vẫn râm ran không khí. Bên ngoài vắng gió. Trong này, chiếc quạt trần lờ lững quay. Và cuộc đối thoại nhì nhằng mãi chẳng đi đến đâu.
Đi dạo trong công viên Vigelandsanlegget, trời rét căm căm. Bỗng dưng, tôi nghe tiếng nhạc réo rắt. Một nhạc công phong cầm ngồi giữa băng tuyết, đang chơi bài Sóng Nước Biếc. Thật là tình cờ kỳ diệu. Mới hôm qua, hôm kia, ở Đức, khi chậm chân nghe nhạc công chơi phong cầm ở nhà ga, trí tôi lao xao nhạc điệu bài Sóng Nước Biếc. Bươn bả chạy nhanh cho kịp giờ xe, tôi tiếc, định bụng hôm nào thuận tiện sẽ đến yêu cầu. Hôm nay, ở Oslo, tôi được nghe Waves of the Danube của nhà soạn nhạc người Lỗ-Ma-Ni, Iosif Ivanovici. Lời Việt Sóng Nước Biếc của nhạc sĩ Phạm Đình Chương thật tuyệt vời. Trong cái lạnh cắt da, giữa công viên rộn ràng du khách, tôi mơ màng.
Bạn bè hay nói tôi khó chịu từ khi còn nhỏ, như ngẫu hứng ghé nhà người bạn học nào đó trên đường đi học về. Dĩ nhiên tuổi nhỏ đâu có tính trước chuyện gì, nhưng khi tôi cảm thấy không tiện ở lại thì tôi tự ý ra về và chưa bao giờ hiểu được cảm giác đó từ đâu đến để tôi có quyết định trái ý bạn bè, mang tiếng khó chịu.
Tôi ở đâu mà tôi đến đây | Ngày xưa ai đứng ở chỗ này | Hạt sương Trời khóc ngàn năm trước | Sao còn ướt trên lưng bàn tay (tmt)
Thành phố ven quốc lộ cách đó năm cây số, trong khách sạn nhỏ, Hồng chờ người yêu đến hẹn. Đã muộn gần một ngày. Từ hồi hộp sung sướng chuyển sang lo lắng nghi ngờ, giờ đây, thất vọng hoàn toàn xâm chiếm với cảm giác rủ liệt.Trước khi rời Sài Gòn, Dũng nhắn tin cho nàng, sau đó biệt tích. Không ai trả lời điện thoại. Hồng đã viết thư để lại cho Ali, giải thích sự ra đi. Vì mẹ, nàng lấy Ali, vì tình, nàng theo Dũng. Không thể quay trở về.
Mục đích duy nhất của chúng tôi muốn viết bài này, là chỉ để thuật lại và chia sẻ cho các độc giả đọc những lời tâm sự từ đáy lòng của ông bạn chí thân cao niên này của chúng tôi, về nỗi buồn đơn độc, đêm ngày ông ra vô căn nhà ở của ông, cũng chỉ thấy có một thân một mình ông thôi.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.