Gió Đông Gió Tây

08/04/202209:21:00(Xem: 1537)

Tùy bút

macronslap

 

Hôm 11 tháng 06 năm 2021, chúng ta nghe tin tổng thống Emmanuel Macron của nước Pháp bị hai người thanh niên trẻ 28 tuổi sáp lại gần hành hung, một trong hai người đó đã dang tay tát thẳng cái bốp vô mặt Macron bất ngờ trong dịp ông đi thăm một trường học. Khoảng 3, 4 giờ đồng hồ sau, ông tiếp tục đi thăm một nơi khác. Có một em học sinh hỏi:

 

« Ông bị đánh vậy có buồn không? »

 

« Có, có buồn chứ, mà bây giờ, giờ này thì hết buồn rồi ». Ông trả lời.

 

« Tại sao? »

 

« Tại vì… ce n’est pas mal, mais c’est désagréable… vous, vous ne faites pas ça dans l’heure de récréation ».

 

Đứa bé lặng lẽ nhìn ông, gật đầu, nhưng hai con mắt nó có vẻ không bằng lòng với câu trả lời.

 

Chuyện xẩy ra rất nhanh, như gió thoảng, tôi bàng hoàng một chút, tôi nghĩ cũng có nhiều người cảm nhận như vậy, kể cả một số người không ưa Macron. Nếu như mà lúc này, ngài Khổng Tử còn tại thế, chắc ngài sẽ thở dài ngao ngán cho những trật tự đạo đức của ngài tuần tự bị lung lay, đến đổ nhào. Quân, Sư, Phụ.

 

Phụ là cha, chúng có đánh lâu rồi, thỉnh thoảng còn đánh tiếp, ở đâu đó, cũng khá nhiều mà không ai biết rõ lắm. Sư là thầy, thầy cũng bị trò cho ăn đòn dài dài và liên miên và lung tung đâu đó. Quân, thì ngay thời điểm này, tổng thống Macron bị ăn một cái tát tai. Nhiều người lắc đầu ngao ngán chẳng ai dậy dỗ được ai nữa. Chẳng biết lỗi do ai?

 

Thôi ta cứ cho là lỗi của thời đại, của văn minh quá cỡ và của tự do tràn bờ!

 

Ở bên Mỹ, họ cầm súng ám sát tổng thống của họ, vì bên đó tự do dùng súng. Đoàng! Tổng thống gục xuống, đi đời nhà ma, không biết gì nữa… khỏi phải nói désagréable! Làm gì có cảm xúc! Hình như đối phương muốn thể hiện quyền tự do tuyệt đối, muốn làm mất thể diện người bị đánh? Trên bình diện quốc gia, tổng thống bị tát tai như vậy, ai là người xấu hổ, mất mặt? Toàn dân Pháp ai cũng có thể trả lời theo cảm ứng và cảm ý riêng tư, nhất là ở một xứ sở mà mọi người đều lắm lời, ưa cãi nhau hơn là đánh nhau, vì sợ vô tù.

 

Tiếp liền theo đó là thủ tướng Catex lên tiếng phản đối. Sau đó một nhân vật đối lập cũng lên tiếng kết tội người đã đánh tổng thống, bà hoàn toàn đúng và rất đúng ở mọi khía cạnh, vì nếu một mai, bà lên chức ấy, sợ có thể bà bị đánh nhiều hơn, vì bà vốn lắm lời quá lắm. Cái xứ sở gì ai cũng ham nói, và nói vì cớ gì đi nữa, thì sự nóng giận đi tới chỗ đánh người đều làm mất tính cách nhân bản của tự thân và gây ra tội ác.

 

Đại đức Thích Minh Thiền đang ra sức giảng: khi ta nóng giận ta được cái đầu tiên là cái ngu, giận mất khôn là vậy. Đúng là lúc nóng giận ta ngu muội làm mất cái ta hồn nhiên trong ta. Ta tự đốt ta bằng lửa, lửa làm cháy rụi cả, tất cả.

 

Chỉ vài giờ sau, ông Macron tiếp tục chuyến đi, xem như khá bình thản, có lẽ ông không ngờ tình huống đã xẩy ra, vì cũng vô tâm đến quá gần những người khác. Cho hay với một người mới ngoài 40 tuổi mà sau vài phút thôi đã kiềm hãm được phản ứng xốc nổi như vậy là khá giỏi, tự biết dẹp lửa giận hay và mau. Ai cũng đã từng biết chiến thắng khó khăn nhất là sự chiến thắng được bản thân mình. Một trong hai người rủ nhau đi hành hung ông Macron, bị tuyên án lúc đầu là 4 năm tù và phải nộp phạt vạ là 45000 euros. Nhưng hôm sau đó, án hạ xuống còn 4 tháng tù, một hình phạt nhẹ hều.

 

So ra khi xưa mà mang tội khi quân thì bị tử hình có khi là bị chu di tam tộc, tiêu biểu như nghi án của bà Nguyễn Thị Lộ và công thần Nguyễn Trãi từ xửa xừa xưa ở nước Việt Nam ta.

 

C.T. tôi vẫn hơi bần thần, tôi gọi một chị bạn thân và tâm sự về chuyện này, tôi bảo với bạn tôi, mình buồn và nản vì cái sự nóng giận thái quá của giới trẻ ngày nay, cái tự do chính trị một cách mất bình tĩnh không giải quyết được vấn đề chỉ làm đau lòng và ghi thêm một vết đen vào lịch sử. Tôi còn nói thêm khi biết bạn đang chăm chú nghe «… này mình cũng thương ông Macron… như thương một đứa con ». Bạn tôi gõ tay nhẹ nhẹ: « Bạn lẩn thẩn lắm, và bạn cũng vô tình mắc tội khi quân, ai đời một công dân quèn mà lại nói thương vua như con mình? Ngớ ngẩn không đúng mùa ».

 

Tôi ngớ ngẩn thiệt, tại vì tôi cũng nhớ thêm nóng giận là vô bổ, đơn cử cái nóng giận của thi sĩ Tô Đông Pha đời Tống, tác giả Tiền/ Hậu Xích Bích, bên Tàu, xưa thật xưa, xa rồi. (Tôi muốn nói đến nước Trung Hoa khi rất lâu rồi của đức Khổng Tử, tôi đâu thèm lý gì đến Chine đang và đã gây ra đại họa Covid-19 cho nhân loại, mà còn ngoan cố không nhận tội).

 

Ông Tô Đông Pha là một thi sĩ đời Tống, nên không thuộc nhóm Đường thi. Không may cho ông là nhà cầm quyền Vương An Thạch bấy giờ muốn cải cách xã hội nhưng không ưa gì nhóm thi sĩ tài ba. Ngược lại là họ muốn đầy ải, chê bai, khiêu khích nhà thơ. Họ phát vãng thi nhân xuống những nơi rừng thiêng nước độc như Hải Nam, Quảng Đông, Quảng Tây…

 

Sau này ở Việt Nam chúng ta, một thời thầy Tuệ Sỹ cảm động cái tài năng và thi tứ năng động lung linh của thi nhân nhà Tống mà thầy chúng tôi đã đi vào « Tô Đông Pha khung trời viễn mộng » đầy thiên đạo và thi ca:

 

Ngược xuôi nhớ nửa cung đàn

Ai mang quán trọ mà ngăn nẻo về? (Bùi Giáng dịch?)

 

Tô Đông Pha đã mang vào « khung trời viễn mộng » những gì ngoài nguồn thơ lai láng lung linh, còn lại những đọa đầy, những khổ lụy và nhiều phiêu bồng tân toan.

 

Đá mòn phơi nẻo tà dương

Nằm nghe nước lũ khóc chừng cuộc chơi.

 

A Di Đà Phật. Bạch thầy, chẳng biết chữ nghĩa năm nảo năm nào thầy đọc thầy giảng rát cổ bỏng họng, con có còn nhớ được đúng bao nhiêu?

 

Lại nói về thi nhân tác giả Tiền/ Hậu Xích Bích, là ngài đã từng bị ngồi tù, vì Vương An Thạch không thích người mà theo ông là cổ hủ, thoái hóa, chỉ biết ngồi làm thơ than mây khóc gió. Khi Tô Đông Pha bị đả kích ở Hoàng Châu thì may thay cho ông là ông gặp được nhà sư Phật Ấn ở chùa Quy Tông, khi đó Tô Đông Pha đã ngoài 60 tuổi. Hoàng Châu và Quy Tông là đối ngạn. Bên này và bên kia một dòng sông. Nhờ đó nhà thơ và hòa thượng Phật Ấn thường qua lại giao tiếp, trao đổi thi văn và cùng ngoạn cảnh.

 

Nhà sư cảm thi ca tuyệt vời của Tô Đông Pha. Tô Đông Pha cảm thiền đạo của sư phụ. Ngài Phật Ấn Liễu Nguyên hiệu là Giác Lão, ngài dạy Phật pháp và Thiền đạo cho họ Tô. Tới một ngày họ Tô làm được một bài kệ hay, liền viết vội vào giấy hoa tiên, nhờ một tiểu đồng đi xuồng chèo ngay qua sông, đến Quy Tông trình cho sư phụ Phật Ấn, tỏ cùng ngài là ông đã xả bỏ hết « lợi, suy, vui, khổ, vinh, nhục, khen, chê », ông muốn chứng tỏ với sư phụ là ông không còn bị lay động bởi bát phong nữa.

 

Sư phụ đọc xong thì phê ngay vào sau bài kệ hai chữ « trung tiện » rồi bảo tiểu đồng mang về đưa cho họ Tô. Đọc thấy hai chữ « trung tiện », họ Tô như bị kiến cắn, lửa đốt, tự tay chèo đò sang sông tức thì, đến nơi đã thấy có sẵn ngài Phật Ấn ung dung đứng chờ bên bờ. Họ Tô liền trách sư phụ coi rẻ công tu tập của ông, ông kể lể là ông đã theo ngài học Thiền đạo bấy lâu, sao ngài nỡ lòng mà đối xử với ông thô bạo như thế?

 

Ngài Phật Ấn nghe trách móc, chỉ mỉm cười, đi qua đi lại rồi ung dung nói:

 

« Ô hô, ngươi bảo là bát phong không còn làm ngươi lay động, mà giờ này ngươi lại bị lay động vì hai chữ đó thôi ư? »

           

Tô giật mình, hiểu ra ngay, lặng lẽ vái chào ngài Phật Ấn rồi bơi đò âm thầm tự về bờ bên này. Chưa đáo bỉ ngạn!

 

Khen thay, họ Tô đã tự nổi lửa, lửa vừa bùng lên, ông lại tự mình dập tắt được lửa thiêu đốt ấy! Lúc đó họ Tô được 60 tuổi nhi nhĩ lâu rồi. Khác với ông Tô đã già -- hồi xưa 60 tuổi là già lão rồi -- ngày nay 40 tuổi như ông tổng thống Macron ở Pháp này là còn trẻ trung, đang tuổi sung mãn để làm việc. Lại nữa ông là người Tây phương, sinh ra đời và lớn lên ở xứ sở này, trưởng thành và học hỏi và sinh sống toàn bằng lý tưởng tự do pha đậm màu trong máu, tự bẩm sinh. Thế mà, ô hay! Sao ông cũng biết cách ứng xử nhẹ nhàng nhường ấy, trước một áp đảo vũ lực đập vào mặt rất bất ngờ, rất ngỡ ngàng, hình như ngỡ ngàng đến lúng túng?

 

Có thể nói vent d’est vent d’ouest có một lúc nào đó thổi cùng chiều? Hay là bản tính con người ta sinh ra phần nhiều khác nhau một trời một vực, nhưng biết đâu đó có những người họ cùng tần số.

 

C.T. phân vân, vội chạy đi hỏi bạn đạo Tuệ Minh, Tuệ Minh trả lời sòng phẳng:

 

« Ai mà đánh mình, tát vô mặt mình bất thình lình thì phải làm sao ư? Tôi sẽ tát lại ngay đứa đó, hay có thể, tôi rút súng của người bảo vệ tôi, tôi bắn nó, cho nó thấy đánh người hay giết người là phải đền tội, luật công bằng ».

 

Cũng đúng. Nhưng chưa thỏa mãn, C.T. lại tìm đến hỏi Thanh Bình, một người bạn đạo lâu đời, để hỏi cùng câu hỏi. Anh ấy trả lời hơi buông xuôi, nhưng đầy đạo vị:

 

« Ai đánh mình như đánh tổng thống hả, ừ, nếu là tôi bị đánh, tôi bỏ qua, nó đánh mình rồi nó sẽ bị một đứa nào khác vả vô mặt nó, y như vậy, nhưng sẽ phạt tiền nó nặng và lấy tiền đó xung vào công quỹ quốc gia ».

 

Rồi một hồi sau đó, về chùa gặp cô Diệu Trí, cô bảo là:

 

« Ôi kệ thây nó! Nó đánh người, luật pháp sẽ trừng phạt nó. Dù chỉ có 4 tháng tù ở, thấy nhẹ hều, nhưng với cái lý lịch đã ở tù, nó còn làm ăn gì mà sống. Tội nghiệp! »

 

« Ôi, cô khỏi lo, khỏi phải tội nghiệp. Ra tù, nó sẽ có cái đảng cực hữu của nó mướn nó làm việc, có thể còn được trả lương hậu! »

 

Cô Diệu Hòa nghe cô Diệu Trí nói xong, cô bổ túc thêm:

 

« Ờ, nó đánh mình thì sẽ có đứa khác đánh nó, những đứa hung hăng sẽ bị ăn đòn dài dài. Vỏ quýt dày sẽ có móng tay nhọn. Thêm nữa không nên đánh lại người vừa đánh mình, vì mình sức đâu mà đánh được nó. Nó né tránh, luồn lách, mình lao vô chỉ có đau thêm! »

 

« Nhưng mà cô Chúc Thanh đừng có so sánh ông tổng thống thời nay với thi sĩ Tô Đông Pha đời xưa… họ ở hai cực điểm thời gian, không gian khác nhau xa quá xá! »

 

« Vâng, nhưng mà họ là vẫn là hai con người của thế gian, của ái, ố, hỉ, nộ… của ngủ uẩn… »

 

« Nếu nói vậy, cũng tạm OK, vậy chúng ta sẽ noi gương họ để khi lửa phừng phừng nổi lên, ta mau mau dừng bước, quán chiếu, dập nóng giận và hy vọng là mình lại tìm thấy mình không bị phỏng ».

 

« Cũng không biết là có khi ông lo chuẩn bị cho hậu vận bầu cử? Nhưng rồi sau một lát, thấy bà vợ lớn tuổi của ông xuất hiện ngay bên chồng, tì tay lên vai, nắn cánh tay để che chở bảo vệ ».

 

« Vậy thì Tuệ Minh đừng có kết án là Chúc Thanh phạm tội khi quân khi Chúc Thanh nói thương tổng thống Emmanuel Macron như thương con nhe, tại vì nhìn hai vợ chồng họ đứng bên nhau, Chúc Thanh e ông sẽ bị mồ côi vợ! »

 

« Chúc Thanh lại lo vớ vẩn kiểu lo con bò trắng răng nữa ».

 

« Không, này, Chúc Thanh nói chuyện rất trang nghiêm, Chúc Thanh rất quý và nể cái mối lương duyên ngoài quán tưởng của vợ chồng ông bà Macron. Chuyện này làm Chúc Thanh liên tưởng ngay tới vợ chồng bà văn sĩ Nguyễn Thị Vinh và ông Nguyễn Hữu Nhật… Mà này, không chắc bị ăn tát tai  giữa công chúng và giữa thanh thiên bạch nhật mà ông Macron sẽ bị thất cử đâu nhe ».

 

« Chờ xem ».

 

« Mà cứ nói như Chúc Thanh thì lôi thôi lắm, dây cà ra dây muống, nói tới 100 năm cũng không hết chuyện! »

 

« Hy vọng là còn sống qua đợt dịch toàn cầu này, thì còn nói. Nói để trả nợ đã ăn hại cơm trời, uống cạn nước sông! »

 

Chúc Thanh

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Có thể nói ai cũng có lần nói lái ở trong đời, đôi lúc chỉ vô tình thôi. Nếu bạn buột miệng nói “đi giữa trời nắng cực quá” hoặc khi đèn điện không sáng mà bạn nói “điện sao lu quá chừng”, người nghe sẽ cho là bạn nói tục, có oan cũng đành chịu vì, dù bạn không cố ý nhưng nắng cực, điện lu nói lái nghe tục thật. Tương tự như thế, hãy cẩn thận đừng nói dồn lại, dồn lên, đồn láo, đồn lầm…
Không biết có phải do được học tập và làm việc trong môi trường lập trình điện toán nên tôi cứ nghĩ rằng mọi việc xảy ra trên thế gian này đều được an bài qua việc lập trình sẵn. Có người cho rằng sự lập trình sẵn này là định mệnh, là do ông trời sắp đặt hay do thượng đế an bài. Tuy nhiên, sau khi được tiếp cận với giáo lý nhà Phật, tôi cho rằng không ai lập trình sẵn cho cuộc đời mình, tất cả đều do nhân duyên.
Cách nay mười năm tôi có một chuyến sang Nhật Bản vào mùa xuân. Chọn đi vào dịp này là để xem anh đào ngoài chuyện viếng các thắng cảnh nổi tiếng như núi Phú Sĩ, Kim Các Tự, các đền đài, cổ thành, hào lũy… qua các thời trị vì của các tướng quân cũng như thăm một số thành phố như Tokyo, Kyoto, Kobe, Nagoya, Osaka…
Hễ mỗi lần nghe nói ai mới qua định cư xứ tự do, mà họ bày tỏ lòng biết ơn, cảm kích với quê hương thứ hai, tôi cũng thấy mát lòng mát dạ sao á!
Thơ của hai thi sĩ: Trần Yên Hòa & Quảng Tánh Trần Cầm...
Được biết đến nhiều nhất về một tiểu thuyết về chế độ nô lệ –Uncle Tom’s Cabin (Túp Lều của Chú Tom), xuất bản năm 1852 – tác giả Harriet Beecher Stowe, nhà văn người Mỹ gốc Âu tích cực ủng hộ chủ nghĩa bãi nô...
Thuở xưa, theo lệ thường, những cô gái được tuyển vào cung bao giờ cũng phải được các vị nữ quan hoặc các viên thái giám dạy dỗ qua một hai khóa về lễ nghi để biết phép tắc cư xử trong cung, để ôn lại bổn phận người đàn bà, v.v... Một phụ nữ từ dân giả được tuyển vào cung, dần leo lên tới địa vị quốc mẫu lẽ nào lại không trải qua những khóa giáo dục đó? Khi đã được giáo dục mà không chịu theo phép tắc, hành động vượt lễ nghi đến nỗi gây tai tiếng trong dân gian thì khó ai chấp nhận được. Những động lực thúc đẩy mấy người “đàn bà yếu đuối” ấy dám đạp đổ cả lễ nghi của triều đình thường là tình yêu, tình dục, lòng tham... Liệt kê những phụ nữ này vào hạng “lộng hành phép nước” chắc hẳn không oan!
Ở Việt Nam, hồi xa xưa đó, cuộc sống giản dị nên rất ít nhà tư có mắc điện thoại, điện thoại công cộng đặt ở các bưu điện nhưng người dân ít quen sử dụng. Khi có việc cấp bách thì đánh điện tín. Ở công sở, trường học có trang bị điện thoại, nhưng thường chỉ có các sếp lớn gọi nhau đi họp hẹn hò cờ bạc hay hoạt náo cuối tuần...
Khi tình yêu đến độ mùi mẫn, khi hai tâm hồn hòa hợp đến mức không thể xa nhau, khi trái tim đã thuộc về nhau… Người con trai cất lời: “Em bằng lòng làm vợ anh không?” Đây là giây phút tuyệt đẹp, đẹp nhất đời, đây là cái khoảnh khắc tuyệt diệu nhất của kiếp người. Tình yêu thăng hoa bay bổng, hai người quyết định về với nhau, gắn bó với nhau, bây giờ thế giới của hai người là cả một cung trời mộng, mặt đất này là cõi địa đàng bướm hoa...
Gần đây cô cũng hay nghĩ về người chồng xấu số. Đúng ra cô thấy anh trong những giấc mơ. Cô thấy anh và cô đi dạo tại những nơi chốn thơ mộng của vùng đất cố đô nơi cô sinh ra và lớn lên. Những giấc mơ lạ, bởi cô gặp anh và kết hôn với anh khi cô đã vào Nam. Anh là người miền Nam và không hề ra thăm miền đất đó bao giờ. Nhưng trong giấc mơ cô thấy cô và anh thật rõ, khi thì ngồi bên nhau trong ngôi nhà cổ của ba mạ cô ở khu Gia Hội, khi thì thơ thẩn bên bờ sông Hương gần ngôi trường Trung học thân yêu của cô, khi thì đứng dưới bóng mát ngôi nhà thờ uy nghiêm sừng sững trên một ngọn đồi.
Thầy THÍCH PHÁP HÒA sẽ có buổi thuyết pháp tại chùa Bảo Quang vào thứ bẩy ngày 22 tháng 4 năm 2023, lúc 2 giờ chiều
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.