– Thương tặng Thủy Triều, Thủy Trân, và Tang Quyến, cùng Đại gia đình Việt ngữ Cộng đoàn Westminster.
Một ngày cuối tháng Hai, 2022.
Tôi đang dạy con học thì chị Ngọc Phượng gọi. Trời đã nhá nhem tối. Lâu rồi, hai chị em không gọi nhau. Chị bận rộn công việc và cùng chồng lo cho hai con trai đang học đại học. Tôi dạy con tại gia, kiêm thủ quỹ, thư ký, hiệu trưởng, lao công, đầu bếp, giám thị, và cô giáo của ngôi-trường-nhà có ba học trò tí hon vốn hiếu động, hiếu kỳ, hiếu phá, hiếu học, hiếu ăn, và thỉnh thoảng, cũng có chút hiếu thảo. Nên tuy có nhớ nhau mà hai chị em cũng không gặp nhau được, nhất là thời đại dịch.
Chị Phượng nói, Cô Chúc mất rồi. Tôi sững sờ. Cả mấy năm rồi, tôi không gặp Cô, nhưng Cô còn quá trẻ để ra đi. Trong lòng tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh Cô Chúc ngày nào, luôn khoác trên môi nụ cười hiền lành, dễ thương, và trên người chiếc áo dài thanh thoát. Cô mảnh khảnh, nên lúc nào mặc áo dài cũng đẹp. Mà Cô lại khéo chọn những kiểu áo thanh tao. Con gái Huế mà! Ở Việt Nam, Cô Chúc dạy học, nên Cô là một chuẩn mực nhà giáo, nhẹ nhàng, chừng mực. Tôi không nghe Cô cười lớn tiếng bao giờ. Và khi nói chuyện thì Cô rất nhỏ nhẹ, từ tốn.
Có lần, nói chuyện với Cô sau lớp tiếng Việt, Cô có vẻ hơi buồn. Cô nói, “Có phụ huynh phàn nàn là Cô đọc giọng Huế, các em nghe không được nên viết sai chính tả.” Tôi nói với Cô, “Nhưng giọng Huế nên thơ! Trong giọng Huế có nhạc mà! Các em trong lớp Cô được may mắn biết thêm được ngữ giọng của thành nội. Ngày nào Cô cũng đọc giọng Huế, chứ đâu phải đến khi kiểm tra chính tả mới đọc giọng Huế đâu!” Cô vẫn thấy e ngại. Từ đó, khi nói chuyện với Cô, tôi đều nói giọng Huế, để Cô biết, có người tôn trọng và quý mến âm giọng của Cô.
Lúc còn thường xuyên gặp nhau, có lần tôi thấy Cô hơi xanh xao. Tôi hỏi, thì Cô nói Cô có chút bệnh, nhưng không sao. Bây giờ nghe tin Cô mất, hưởng dương 74 tuổi, tôi bàng hoàng. Tôi nói với Thầy Vũ Hoàng, thầy hiệu trưởng đầu tiên của trường Việt ngữ, “Bất ngờ quá Thầy Hoàng!” Thầy Hoàng nói, “Đúng vậy, nhận được tin rất sửng sốt! Mọi sự được an bài trong đôi bàn tay của Chúa.” Tôi sắp có vinh dự được mừng Đại Thọ 90 của một nhân sĩ trong vùng trong hai tuần nữa. Tôi cũng có những bạn văn đã ngoài 80, vẫn cầm bút đều đặn. Cô Chúc đi sớm quá. Tôi nghĩ đến những người còn ở lại. Đến những đứa cháu ngoại xinh xắn mà Cô chưa có dịp trông nom ẵm bồng. Vợ chồng Cô Chúc có ba cô con gái xinh đẹp, ngoan hiền, là Thủy Tiên, Thủy Trân, và Thủy Triều. Khi Cô Chúc bắt đầu đi dạy Việt Ngữ, chị Thủy Tiên đã lớn và đi làm, lập gia đình, có con nhỏ, nên Cô chỉ đưa Thủy Trân và Thủy Triều theo học ở trường. Hai em học rất chăm chỉ, và sau này, Cô cũng muốn hai em làm phụ giáo để tiếp tay với trường trong việc duy trì tiếng Mẹ ở quê người.
Chị Phượng đỡ đầu cho Thủy Trân, nên liên lạc với em và gởi cáo phó cho chị Thanh Tuyền và tôi. Cô Chúc ra đi làm ba chị em chúng tôi nhớ lại cái thời xưa yêu dấu, gần ba mươi năm trước, khi Trường Việt Ngữ Cộng Đoàn Westminster mới thành lập. Chị Tuyền và chị Phượng cũng là người Huế. Tôi nhớ, lúc vào dạy năm đầu, tôi dạy chung với chị Tuyền và chị Ánh Hồng. Tôi là con nít, chưa biết điệu, nhưng tôi thích chị Thanh Tuyền chọn màu son hồng nhạt, rất hợp với phong cách và vẻ đẹp của chị. Và thích chị Ngọc Phượng hay dùng son đỏ, màu son sôi nổi như sự nhiệt tình và thân thiện của chị.
Ba chị em cùng nhau hồi tưởng những kỷ niệm ngày còn ngơ ngác đi dạy Việt Ngữ với nhau. Chị Phượng giả làm học trò, nói “Cô Tuyền còn nhớ không, Cô dạy chúng em hát bài ‘Bụi Phấn’ đó!” Chị còn nói, bây giờ có cả bản tiếng Anh, nhưng nghe tiếng Việt vẫn thấm hơn. Chị Tuyền nói, ba chúng tôi là ba cô giáo phá nhất trường. Nhưng tôi đính chính, “Có mình em phá thôi, hai chị là thục nữ!” Chị Phượng nói nằm mơ, thấy Cô Chúc đem bánh bột lọc nóng hổi qua cho chị! Những kỷ niệm nhẹ nhàng, bình dị làm nên nếp sống người Việt xa quê. Tôi thì nhớ nhất lần Cô Chúc nhờ tôi đỡ đầu Thêm Sức cho Thủy Triều. Vì công việc nghiên cứu về người Việt hải ngoại của tôi khá bề bộn, mà tôi hay phải đi xa để thuyết trình và thực hiện các cuộc phỏng vấn lịch sử truyền khẩu, nhất là có năm đi tận Bắc Âu, nên tôi xin Cô cho tôi giới thiệu một cô giáo khác trong trường thay tôi. Cô Chúc nhất định không chịu.
Chiều thứ Bảy đó, sau khi dạy Việt Ngữ, tôi nói Cô cho tôi một tuần để suy nghĩ. Nhưng mới sáng thứ Hai, Cô Chúc không chờ nổi, đã gọi điện thoại đến nhà tôi. Cô gặp Mẹ tôi, và Mẹ tôi mau mắn nhận lời thay tôi. 9 giờ rưỡi đêm, tôi đi học đi làm về tới nhà. Mẹ đang ở trong bếp. Mẹ nói, Mẹ đã giúp Cô Chúc điền đơn ghi danh cho Thủy Triều lãnh bí tích Thêm Sức, tôi làm mẹ đỡ đầu. Tôi ngạc nhiên, hỏi Mẹ, “Con còn đang nói chuyện với Cô Chúc mà?” Mẹ tôi nói gọn hơ, “Sáng nay Cô gọi, Mẹ thấy Cô nhờ thì Mẹ nhận lời rồi.” Mẹ tôi hồi đó cũng là cô giáo. Hai cô giáo với nhau, nói chuyện một câu là hợp rơ liền, không cần gặp mặt, chỉ cần nói qua điện thoại. Nghĩ lại, tôi thấy thương Cô. Cô muốn gởi gắm con cái cho người quen nên đã nhất mực nhờ tôi đỡ đầu cho cô học trò nhỏ. Cô muốn con cái giữ tình thân với Thầy Cô Việt Ngữ, giữ nếp sống gắn bó với cộng đồng văn hóa gốc. Tôi sợ mình không tròn trách nhiệm, nhưng Cô nhất mực không nghe.
Nhà Cô Trúc ở đường Trask. Từ nhà Cô, đi xuống tới đường Olive, quẹo phải một đoạn là tới nhà thờ. Cô Chúc là một người Mẹ Việt Nam bình dị, mẫu mực. Có lần, Cô rủ tôi đi ăn tối với gia đình Cô, trước khi tôi đi nghiên cứu tại Châu Âu. Tôi thấy, vợ chồng Cô rất hợp tính nhau, vì Thầy ít nói và hiền từ. Tôi biết Cô Chúc muốn tôi dẫn dắt con gái út của Cô. Trong những chương trình văn hóa nghệ thuật mà tôi tổ chức, tôi vẫn mời các bạn trẻ tham gia, và dành thời gian hướng dẫn và tập luyện cho các em, từ sinh viên, học trò Việt ngữ, đến các thành viên của các hội đoàn trong cộng đồng và ở trường đại học. Trong những dịp này, tôi cũng mời Thủy Triều tham dự. Lần đầu là khi tôi mời em đọc thơ trong chương trình song ngữ “of things i've seen - những điều trông thấy" vào mùa hè 2004 tại Nhật báo Người Việt. Thủy Triều ngạc nhiên, “Cô muốn con đọc giọng Huế hả Cô?” Dĩ nhiên rồi! Con đọc giọng Huế hay như rứa thì đọc giọng Huế chứ đọc giọng chi nữa bi chừ? Cô học trò nhỏ nói, “Con run lắm! Con chưa bao giờ đọc thơ trước mặt nhiều người.” Tôi phải trấn an cô bé, “Đừng lo! Cô sẽ đọc chung với con! Con đọc tiếng Việt, giọng Huế, cô đọc phần tiếng Anh.” Tôi đứng bên em, làm điểm tựa tinh thần cho một cô bé lần đầu trình diễn thơ trước khán giả. Thuỷ Triều đọc bài thơ với giọng Huế ngọt ngào, thanh trong của tuổi hồn nhiên mới lớn. Đó là một trong những kỷ niệm đẹp của tôi với gia đình Cô Chúc.
Nhớ đến Cô Chúc, là tôi nghĩ đến tấm lòng của người Mẹ. Tôi muốn nói với Thủy Triều, giờ đã là một người mẹ trẻ, rằng dù khi bóng Mẹ đã qua đồi, thì tình Mẹ vẫn còn bao phủ đời em mãi mãi. Những tâm tình Mẹ đã trao cho em qua suốt bao tháng năm sẽ là gia tài mà em tiếp tục giữ và trao lại cho con cái. Tình thương của Mẹ sẽ theo em và gia đình mới của em luôn, để tình thương đó sẽ là lá chắn cho em qua những bão tố cuộc đời, cho dù Mẹ không còn hiện diện bên cạnh em nữa. Không gì có thể xoa dịu nỗi đau mất Mẹ quá bất ngờ này. Tôi chỉ có thể cầu xin Thiên Chúa và Mẹ Maria nâng đỡ và ủi an em và Tang Gia trong lúc đau buồn này, và xin những kỷ niệm dấu yêu của Cô Chúc sẽ tiếp tục giữ cho gia đình ba thế hệ của Cô được an vui, hạnh phúc, gắn bó bên nhau luôn mãi.
– Trangđài Glassey-Trầnguyễn