Giã Từ Huy Phương (1937-2021)
Tam Giang Hoàng Đình Báu
Tôi và Huy Phương học lớp đệ thất trường Việt Anh, Huế vào năm 1950. Hồi đó có những bạn cùng lớp ngồi cùng bàn thường chơi thân với nhau nhưng khi chuyển lên trường Khải Định (Quốc Học Huế) một thời gian thì mỗi người đi mỗi ngã. Người đi Hải Quân, người đi Không Quân, riêng Huy Phương đi ngành nhà giáo. Có lẽ Huy Phương thích nghề nầy vì bố cũng là một nhà mô phạm thời đó.
Huy Phương tên thật Lê Nghiêm Kính sinh năm 1937 tại Huế. Tốt nghiệp Quốc Gia Sư Phạm Saigon. Dạy học tại Trung Học Nguyễn Hoàng, Quảng Trị, sau bị động viên vàoTrường Thủ Đức, rồi vào Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, cấp bậc Đại uý, làm biên tập biên báo chí và Đài Phát Thanh Quân Đội dưới thời VNCH.
Định cư tại Mỹ năm 1990 theo diện HO sau 7 năm tù tập trung dưới chế độ Cộng Sản. Huy Phương đã cộng tác với đài truyền hình SBTN, Việt Nam Radio và VOA. Là biên tập viên thường trực của NB người Việt ở California, Tuần báo Tré, Hoa Kỳ và Thời Báo, Canada.
Mười mấy năm trong quân đội hai đứa tôi ít khi găp nhau. Mãi đến năm 1978 lúc ở trại giam Suối Máu, Biên Hoà, cộng sản đưa các tù cải tạo xuống tàu Sông Hương để ra Bắc hai đưa tôi mới thật sự gặp lại nhau. Tàu Sông Hương đáp xuống cảng Hải Phòng. Tất cả tù cải tạo đưa lên Hoàng Liên Sơn sát biên giới Việt Trung. Ở đây một năm thìTrung Quốc tấn công Việt Nam. Chúng tôi di tản xuống Sơn La, Lai Châu, sau đó xuống Yên Báy. Đến năm 1981 hai đứa mới gặp nhau và ở chung trại giam số 3 Nghệ Tĩnh.
Qua Mỹ định cư. Chúng tôi gặp nhau mỗi tháng một lần tại nhà hàng Hương Vỹ. Chúng tôi là bạn học xưa có nhu cầu hàn huyên tâm sự trong tuổi già. Gặp mặt thường có các bạn Lê Bá Khiếu, Trần Dật, Hồ Văn Phú, Hồ Hiệp, Nguyễn Văn Long, Trần Hà Thanh, Nguyễn Loan, Lê Đình Kỳ, Nguyễn Văn Minh, Lâm Bàng, Hà Ngọc Lương, Hoàng Lân…
Có một lần NT Bùi Cửu Viên từ DC qua Cali, ba chúng tôi hẹn găp nhau tại quán phở Quang Trung. Hôm đó Huy Phương đến ngồi một chút thì cảm thấy mệt nên xin về sớm. Sau nầy mới biết Huy Phương đau ruột già. NT Viên và Huy Phương quen nhau qua những bài tạp ghi mà thường viết xong Huy Phương gửi cho NT Viên để phổ biến cho bạn đọc xa gần.
Một người ái mộ các tác phẩm của Huy Phương thường hay nhắc đến Huy Phương trong những ngày tháng anh lâm trọng bệnh, đó là anh Phạm Đình San, một người bạn Hải quân đã muốn cùng tôi đến thăm Huy Phương nhưng rất tiếc tôi bận nên không thể đi được.
Ngoài ra những cuộc hội luận giữa Huy Phương và cô Ngọc Lan trên báo Người Việt cũng được nhiều người theo dõi.
Huy Phương là con người nghiêm túc qua cách ăn mặc, tóc tai, lời ăn tiếng nói và giờ giấc. Những cuộc gặp không thành là kỷ niệm không quên giữa tôi cùng bạn bè với Huy Phương.
Khoảng tháng 6 năm 2020 Huy Phương bị “stroke” phải vào bệnh viên sau đó về nhà nằm dưỡng bệnh do chị và cô con gái săn sóc. Ngoài stroke, Huy Phương còn bị ung thư trực tràng và đã chạy hoá trị. Từ đó hai đứa tôi thường điện thoại cho nhau.
Trưa ngày 24/02/2021. Huy Phương với vẻ bình tĩnh gọi tôi và nói: “Tau sắp vào Hospice” rồi cúp máy, tôi chưa kịp trả lời.
Huy Phương đã để lại những tác phẩm: Mắt Đêm Dài,Mây Trắng Đồn Xa,Nước Mỹ Lạnh Lùng, Đi Lấy Chồng Xa, Ấm Lạnh Quê Người, Nhìn Xuống Cuộc Đời, Hạnh Phúc Xót Xa, Những Người Muôn Năm Cũ, Quê Nhà Quê Người, Những Người Thua Trận, Chúc Thư Của Một Người Lính Chết Già, Ngậm Ngùi Tháng Tư, Chân Dung HO (Huy Phương và Võ Hương An), Ga Cuối Đường Tàu với 80 bài văn tiêu biểu cho lối viết tạp ghi của Huy Phương.
Qua Mỹ, Huy Phương còn phụ trách chương trình Huynh Đệ Chi Binh và tham dự, yểm trợ các kỳ đại nhạc hội Cám Ơn Anh hằng năm do Nam Lộc và chị Hạnh Nhân phụ trách.
Lối viết của Huy Phương lúc nào cũng trăn trở, vui buồn với vận nước và con người Việt Nam dù ở quê hương hay trên đất khách quê người. Các tạp ghi đầy nồng thắm tình quê hương nên đã cuốn hút nhiều người đọc trong và ngoài nước.
Lối nói thật, nói thẳng của Huy Phương làm nhiều người thích và cũng không ít người không thích. Có người ví von Huy Phương là người vác thánh giá ở Bolsa. Những tạp ghi của Huy Phương là những khám phá bản thân và xã hội đang sống, có lúc vui, có lúc buồn, có lúc cay nghiệt qua cái nhìn của một nhà giáo, một người lính thua trận. Dù sao Huy Phương cũng đã thành công trong chuyển hải hành đầy phong ba bão táp nầy. Anh xứng đáng là một chiến binh thua trận nhưng chưa bao giờ bỏ bút mà vẫn chiến đấu cho đến giờ phút cuối cùng.
Ga Cuối Đường Tàu là tác phẩm viết năm Huy Phương 80 tuổi. Đúng như Huy Phương đã nói. Cuộc đời là một chuyến tàu, vợ chồng, bạn bè cùng trường, cùng lứa tuổi, cùng đi một chuyến tàu nhưng mỗi người lại xuống một ga, có điều sớm hay trễ mà thôi. Cho nên hôm điện thoại cho tôi ”Tao đi Hospice” như là một báo hiệu ga cuối cùng, thời gian gần hết, chẳng còn được bao nhiêu nhưng Huy Phương vẫn tỉnh táo.
Để tưởng nhớ một người bạn thân suốt gần 70 năm. Tôi xin ghi lại bài thơ tựa đề “Bài Tháng Tư” rất tâm đắc của Huy Phương.
Lũ chúng ta, ván bài dở cuộc
Tướng bỏ thành, phá tượng buông xe
Ta thân tốt chân trời góc bể
Nỗi qua sông chẳng hẹn ngày về
.
Những hố bom ngày xưa đã lấp
Biển muôn trùng xanh những nương dâu
Chiến trường xưa đã mờ dấu tich
Sao lòng ta nặng vết hằn đau
.
Người lính già tuổi chiều bóng xế
Chẳng còn xưa chẳng có mai sau
Những tháng ngày sầu niềm đất khách
Vết thương lành vết sẹo còn đau
.
Ôi tháng tư, đốt lò hương cũ
Khóc người xưa, nhỏ lệ cho ta
Người đã khuất - còn nguyên khí phách
Ta sống còn - tháng đoạn, ngày qua.
.
Trưa ngày 06/04/2021. Huy Phương gọi tôi cho biết đang ở nhà và rất yếu.
Ngày 14/04/2021 nhiều bạn bè dến nhà thăm Huy Phương trong số đó có các cựu quân nhân Sư đoàn 1, các bạn bè xưa và các cựu học sinh thời trường trung học Nguyễn Hoàng, Quảng Trị.
Tối ngày 15/05/2021, Huy Phương gọi cho biết mệt, ăn vào ói ra.
Ngày 10/06/2021. Tôi và Đặng Thành Long đến nhà thăm Huy Phương lúc 10 giờ sáng, chị ra mở cửa. Ngồi ở phòng khách đợi, một lát sau Huy Phương chống gậy ra với hình hài gầy yếu nhưng nét mặt còn sáng với đôi lông mày đen rậm giữa hai mái tóc trắng như ngày nào. Ngồi sát nhau, Huy Phương nói, tao chẳng còn bao nhiêu ngày. Tôi hỏi, mầy chôn hay đốt, Huy Phương trả lời đốt. Chúng tôi im lặng hỏi nhau ít câu, nắm tay nhau thật lâu rồi tôi nói nhỏ với HP có gì gọi cho tao biết, HP gật đầu. Chúng tôi giã từ Huy Phương và bà xã với bao niềm xúc cảm vì Huy Phương lúc nào cũng bình an và tỉnh táo.
Ngày 19 /11/21, chị Huy Phương gửi text cho tôi biết, “Cám ơn anh đã nhiều lần gọi thăm Kính, anh Kính vì đau ở chỗ ung thư phải uống morphine nên cứ ngủ li bì, nói chuyện thì thều thào khó nghe nên phải cất phone vô tủ. Xin lỗi anh. Thăm anh chị.”
Vẫy tay chào Huy Phương. Tiếng còi tàu đã cất lên, con tàu giảm tốc độ, thở những hơi dài não nuột, chậm rãi vào sân ga. Rồi tiếng két của cái thắng, đoàn tàu dừng lại.
Được tin bạn xuống sân ga lúc 4 giờ chiều ngày 25-2-2022. Tôi lại nhớ 4 câu cuối của bài “chúc thư” của bạn:
.
Chiến hữu tôi chết đầu sông cuối biển
Ngày tan hàng đành nằm lại quê hương
Không ai thổi cho khúc kèn truy điệu
Không có ai phủ giúp ngọn cờ vàng.
.
Bạn ra đi nhưng hình ảnh bạn luôn bên mọi người yêu quê hương và yêu tự do cho một Việt Nam sáng ngời nay mai. Tỉnh như bạn, nở nụ cười trên môi vì bạn đã sắt son đời lính, nghĩa đồng bào.Bạn không còn nuối tiếc gì cả vì bạn đã làm được những điều bạn muốn.
Chúng tôi còn lại cũng đang chuẩn bị để xuống ga sau. Chỉ một điều không biết, nào có ai dưới kia chờ đón chúng ta, nhưng chắc chắn chúng ta sẽ đến cõi vĩnh hằng.
Chân thành chia buồn cùng chị Huy Phương và các cháu.
Người bạn lâu năm
California ngày 26 tháng 2 năm 2022
Tam Giang Hoàng Đình Báu