Các cuộc vận động ngoại giao gần đây của Mỹ, Pháp, Đức, NATO, Liên Âu với Nga về cuộc xung đột tại Ukraine đã thất bại. Liệu chiến tranh sẽ bộc phát và một thảm hoạ sẽ không thể tránh khỏi?
Các nhà bình luận của báo giới quốc tế đang đi đến một kết luận chung là một giải pháp hòa bình không còn khả thi và nguy cơ chiến tranh sẽ bùng nổ trước mắt. Sau đây là phần tuyển dịch một số các luận điểm chính.
Nhật báo THE OBSERVER cho là Putin người chịu trách nhiệm.
“Nếu ngoại giao thành công, nó đòi hỏi không phải chỉ là sự hỗ trợ toàn diện của Liên Hiệp Quốc mà còn của tất cả các nhà lãnh đạo trong khối NATO”, nhà bình luận của nhật báo "The Observer" từ Vương Quốc Anh viết.
Điều này cũng áp dụng cho Boris Johnson, người đã công khai đe dọa Nga, nhưng hầu như không đưa ra bất kỳ một giải pháp xây dựng nào. Điều quan trọng nhất là Putin phải thấy được những hậu quả kinh tế nghiêm trọng.
“Các biện pháp trừng phạt chống lại chế độ của Putin và cá nhân Putin phải tiến hành càng nhanh càng tốt, và Đức, Hungary, Áo, và những người trì hoãn khác phải tham gia. Cuối cùng, Anh cũng phải hành động để chấm dứt các hoạt động rửa tiền của Nga ở Luân đôn”. Việc đổ lỗi của tờ báo rất rõ ràng: “Phương Tây đã không tìm kiếm tranh chấp này và không muốn có nó”.
“Cuối cùng, phải chịu trách nhiệm về điều này rõ ràng là những lời nói dối của Putin và Putin. Đây là cuộc xung đột của Putin”.
NZZ ấn bản Chúa nhật viết là: “Các dấu hiệu cho thấy đang đứng trước chiến tranh”.
“Về mặt quân sự, đối với Nga, cuộc xâm lược Ukraine có vẻ như là một công việc có thể giải quyết được, nhưng về mặt chính trị là vô nghĩa. Đó sẽ là một cuộc phiêu lưu điên rồ”. NZZ ấn bản Chúa nhật từ Zürich, Thụy Sĩ phân tích.
“Điện Kremlin muốn làm gì với một Ukraine bị đánh bại và ném bom? Chia rẽ, thiết lập một chế độ thân Nga ở Kiev? Thực thi một nền hòa bình bằng bạo lực và có thể chấp nhận việc hàng chục ngàn người chết, hàng triệu người tị nạn và một sự đoạn giao kinh tế với phương Tây?”
Cuộc khủng hoảng Ukraine càng kéo dài, thì càng thấy rõ ràng rằng, Vladimir Putin và bộ máy an ninh của Putin đã lạc lối. Ngược lại, phương Tây đã phản ứng chính xác bằng cách giải thích nhiều lần với Tổng thống Nga về các tốn kém của hành động và đề nghị các cuộc đàm phán.
“Thật khó để tưởng tượng làm thế nào Putin có thể hủy bỏ sự bao vây quân sự ở Ukraine mà không mất thể diện và thiệt hại chính trị. Các dấu hiệu cho thấy đang đứng trước cuộc chiến”.
Nhật báo TAZ ở Berlin kết luận là Ukraine phải trả giá.
“Các nhà chiêm tinh của điện Kremlin bây giờ nên chuyển sang số de”, nhật báo TAZ từ Berlin đòi hỏi.
Thật là không có lợi gì khi suy đoán về việc liệu Moscow có hài lòng với việc phô diễn thành tích quân sự ở biên giới Ukraine không hay khoảng 130.000 binh sĩ vẫn sẽ tiến vào nước láng giềng”.
Tuy nhiên, thực tế là mọi thứ có thể tồi tệ hơn đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin và đoàn tùy tùng. Trong nỗ lực ngăn chặn chiến tranh, và vì những lý do chính đáng, các chính trị gia phương Tây lặp đi lặp lại là Nga sẽ phải trả với “cái giá quá mắc” nếu tình trạng nghiêm trọng xảy ra. Suy luận ngược lại, điều này có nghĩa là, nếu Putin không làm như vậy, sẽ không có chi phí. Nhưng những người khác phải trả cái giá cho họ, trước hết là Ukraine.
Ukraine hiện đang phải đối mặt với kế hoạch địa chính trị lớn hơn: ngày càng có nhiều người Ukraine có ấn tượng rằng Pháp và Đức, với tư cách là trung gian hòa giải theo định dạng Normandy, cũng đang gây áp lực cho Kiev theo nghĩa của Moscow để đưa các thỏa thuận Minsk thực thi. “Người ta luôn nói rằng không có quyết định nào được đưa ra về Ukraine, mà chỉ với Urkraine.”
Nhật báo LA REPUBBLICA từ Ý cho là vấn đề liên hệ với Nga còn quan trọng hơn với Ukraine.
“Cuộc điện đàm sôi nổi trong ngày hôm qua giữa Joe Biden và Vladimir Putin khiến cho Ukraine và toàn bộ châu Âu đứng trên bờ vực của chiến tranh”, La Republica nhận định.
Theo bài báo, ba mục tiêu tạo ra hành động của Putin là: “Khôi phục phạm vi ảnh hưởng địa chính trị theo mô hình Liên Xô vào năm 1989; tạo sự chia rẽ giữa các đồng minh phương Tây để làm suy yếu NATO; thay đổi cán cân chiến lược trên lục địa châu Âu theo hướng có lợi cho Nga”.
Do đó, kết luận là: trò chơi cho Ukraine có giá trị hơn nhiều so với đặt cược: đó là phần chính của một thách thức hỗn hợp nhằm chống lại phương Tây để tái khẳng định các lợi ích quốc gia của Nga trên quy mô toàn cầu.
Nhật báo BILD am SONNTAG của Đức nhận xét là chiến tranh là chuyện đã chung quyết.
“Từ năm 2014, chính phủ Đức đã khuất phục trước quan niệm sai lầm chết người cho rằng không nên đụng quá mạnh tới Putin”, "Bild am Sonntag" từ Berlin chỉ trích.
Bài báo đã dựa trên các luận điểm với các trưng dẫn về những trì trệ của nền chính trị Đức: Nord Stream 2 vẫn chưa bị phong toả, mặc dù là mọi người đã lên tiếng ủng hộ cho việc này. Các biện pháp trừng phạt kinh tế đã không được thắt chặt vì không muốn gây hại cho các doanh nghiệp Đức.
Tóm lại: “Bây giờ mọi thứ có thể đã quá muộn, chiến tranh đã được chung quyết từ lâu. Hôm thứ Ba này tại Moscow, Thủ tướng Scholz có lẽ có cơ hội cuối cùng để ngăn chặn Vladimir Putin tham chiến”.
Nhật báo SÜDDEUTSCHE ZEITUNG từ miền Nam Đức giải thích liệu Putin có thực sự biết mình muốn gì không?
“Nhiều người đang lo sợ rằng Nga tấn công Ukraine. Cho dù điều này thực sự xảy ra, có lẽ chỉ có một người biết việc này là Vladimir Putin”.
Gần đây, Tổng thống Nga đã gửi nhiều xe thiết giáp và binh sĩ đến gần biên giới Ukraine. Putin nói không muốn tấn công bất cứ ai. Nhưng tại sao sau đó Putin lại di chuyển phần lớn quân đội?
Süddeutsche Zeitung từ München đặt câu hỏi và đề cập đến khối NATO.
“Putin coi liên minh này là một đối thủ. Đó là lý do tại sao Putin cũng lo âu bởi thực tế là ngày càng có nhiều quốc gia gia nhập khối NATO. Trong số đó có nhiều nước từng thuộc Liên Xô cùng với Nga. Putin muốn khối NATO rút khỏi các nước này. Ngoài ra, liên minh nên đảm bảo với Putin rằng họ sẽ không thu nhận các quốc gia khác”.
Theo quan điểm của tờ báo này, Mỹ và châu Âu sẽ có khó khăn với câu trả lời. Họ đã gửi trang thiết bị đến Ukraine, đe dọa Nga bằng các biện pháp trừng phạt và nhiều nhà lãnh đạo đã cố gắng thuyết phục Putin về một giải pháp hòa bình.
“Thủ tướng Liên bang Đức Olaf Scholz cũng sẽ bay tới Moscow vào tuần tới để đàm phán. Tuy nhiên, cho đến nay, Putin vẫn chưa rút lại yêu cầu của mình. Có lẽ tự Putin vẫn chưa quyết định liệu có muốn chiến tranh hay không”.
Nhật báo FRANKFURTER ALLGEMEINE ZEITUNG đề cập đến cuộc xung đột Ukraine-Nga như sau.
“Nỗ lực ngăn cản Nga tấn công Ukraine đã thất bại chưa? Các xe tăng vẫn chưa lăn bánh, nhưng cánh cửa ngoại giao dường như đang đóng lại. Có thể Thủ tướng Scholz là vị khách cuối cùng từ phương Tây đến điện Kremlin vào thứ ba trước khi vị gia chủ ra lệnh tấn công. Tổng thống Mỹ Biden đã cảnh báo cho Scholz và những người khác về một cuộc tấn công vào thứ Tư. Thủ tướng Scholz đứng trước nguy cơ trở thành một người đóng vai phụ trong một trò chơi do Vladimir Putin săp đặt”.
Đối với Joe Biden, dường như còn không liên lạc được với Putun nữa. Tổng thống Pháp Macron cũng đã thất bại trong nỗ lực gây ảnh hưởng đến Nga. Ở điện Kremlin, Macron đã bị Putin dẫn dắt", FAZ nhấn mạnh.
Nhật báo NEUE OSNABRÜCKER ZEITUNG phân tích:
“Tổng thống Nga chắc chắn không phải là một nhà dân chủ hoàn hảo, mà là một nhà chiến thuật khéo léo. Do cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine, giá khí đốt có thể sẽ tăng hơn nữa, điều này có lợi cho một nhà xuất khẩu lớn như Nga. Đồng thời, Putin muốn kiểm tra xem EU, NATO và Mỹ sẽ gắn bó nhau như thế nào sau Brexit, Afghanistan và Corona. Chỉ riêng sự ô nhục ở Kabul đã khiến phương Tây trở nên yếu hơn bao giờ hết kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh”.
Theo quan điểm của Moscow, bây giờ là thời điểm tốt để khẳng định lợi ích của Nga - nếu cần thiết cũng bằng các biện pháp quân sự", NEUE OSNABRÜCKER ZEITUNG viết.
Nhật báo STUTTGARTER ZEITUNG chỉ ra rằng:
“Những lời kêu gọi rời khỏi Ukraine đang gia tăng. Với tất cả sự hiểu biết đưa đến một việc cẩn trọng: mục tiêu gây bất ổn của Nga đã đạt được mà không cần bắn một phát súng nào. Không ai đầu tư vào một đất nước mà người ta phải giả định rằng sẽ không còn gì để xây dựng”.
Nhật báo NÜRNBERGER ZEITUNG nhấn mạnh:
“Hai bên trực tiếp tham gia cuộc xung đột cáo buộc lẫn nhau là đã không đáp ứng được các điều kiện của hoà ước Minsk đề ra. Ở biên giới Ukraine có hơn 100.000 binh sĩ Nga bao gồm cả thiết bị quân sự. Thực sự là chỉ để phô diển hay ủng hộ phe ly khai theo Nga? Rõ ràng ở khu vực Donbass Ukraine cũng có một phe tham chiến. Kiev muốn ngăn chặn khu vực này thực tế trở thành một phần của Nga. Điều này là không thể, nếu không có bạo lực. Ngoại giao trong cuộc xung đột vẫn chưa kết thúc. Putin đặc biệt không thể - và sẽ không - đủ khả năng để thoát khỏi điều này mà không mất mặt”.
– Đỗ Kim Thêm
(Tổng hợp từ các nguồn của SPIEGEL-ONLINE, DEUTSCHLANDFUNK)