Hôm nay,  

Nhà Thờ Chula Vista

24/12/202101:26:00(Xem: 1565)
dinh cuong mh
Minh họa: Đinh Cường



Thị trấn sa mạc Chula Vista tháng Mười Hai năm nay tự nhiên tuyết đổ trắng xóa phố phường. Người dân Chula Vista trăm người là cả trăm đi ra đi vô, than thở càm ràm,

 

— Trời ơi! Khùng ơi là khùng!

 

Cứ thế, gặp nhau, giáo dân nhà thờ Chula Vista bật ra ngay cửa miệng câu than nghe đến là nhàm. Câu than đều đặn phát ra như chuông đồng hồ điện tử sáng sớm rú lên từng hồi, “Tít! Tít! Tít!” Thôi đủ rồi, đừng rơi tuyết nữa, bởi dân du lịch trốn tuyết của Bắc Mỹ và Âu Châu giờ đã rục rịch dọn đồ bỏ đi trống hoắc phố phường. Nền kinh tế của thị trấn sát đường biên giới với Mễ chỉ trông mong vào khách du lịch mấy tháng cuối năm trời ấm áp, giờ này tanh banh chỉ vì tuyết bất ngờ đổ dầy từng tảng. Thì đấy, ai bảo chế cho lắm xe hơi vào, xăng dầu cứ đổ ồng ộc vô miệng như người chết khát. Giờ thán khí bốc lên xám đen bầu trời, thế là global warming.

 

— Hả? Nói cái gì?

— Điếc hả? Global warming chứ còn nói cái gì nữa. Không tin thì cứ leo hẳn lên nóc tháp chuông nhà thờ Chula Vista mà nom cho rõ. Khói xăng bốc cao đục ngầu cả cái bầu trời San Diego rồi. Sống ở đó, đố mà có nom thấy mặt người!

— Global warming! Rồi thì sao?

— Ơ hay! Có đọc báo nghe đài hay không mà mặt cứ ngớ ngẩn ra như gái Tijuana mới vượt đường biên giới vậy? Thì cứ thử nghĩ coi, cả trăm năm nay rồi, có bao giờ Chula Vista với San Diego đổ tuyết. Quanh năm suốt tháng khu này mùa xuân phơi phới. Thế mà giờ này tuyết rơi ngập đường!

 

Giáo dân nhà thờ Chula Vista cứ than, tuyết vẫn chẳng màng. Tuyết cứ thản nhiên đổ xuống từng tảng bông tuyết trắng xóa. Sáng trưa chiều tối, bốn cữ đủ cả bốn. Tuyết rơi bám trắng tháp chuông nhà thờ Chula Vista vươn cao sừng sững. Cha Quang, người gầy gò ốm yếu nom như dân bàn đèn thuốc phiện. Thế mà sáng trưa chiều tối lại cứ lom khom xách cái xẻng mới mua ngoài tiệm Home Depot ra sân nhà thờ rộng mênh mông cào tuyết. Dân Mễ sùng đạo đi ngang qua ái ngại,

 

— Sao cố không gọi ông Bõ làm cho?

Cha Quang nhìn lên, ánh mắt hấp háy như người mắt toét dưới cặp kính cận dầy cộm,

— Ông Bõ? Ông Bõ nào?

Ông đứng thẳng người, hơi thở đứt quãng,

— Hay là ông chịu làm Bõ thì ghé vào văn phòng ký giấy. Nhà xứ trả lương hẳn hoi.

Anh chàng thanh niên cười cười bỏ đi. Nhưng nghĩ sao đứng lại,

— Cố trả nhiêu một giờ?

Cha Quang chép miệng,

— Chắc cũng chỉ trả lương căn bản mà thôi…

Người thanh niên ái ngại nhìn “cố” Quang gầy ốm như cò ma và nhà thờ Chula Vista mái ngói bạc phếch. Anh chàng ngần ngại nói cám ơn, rồi bỏ đi thẳng một mạch.

 

Sơ Bề Trên gốc Anh, hiệu trưởng trường Mẫu Giáo nằm cách nhà thờ đúng hai góc đường ghé vào nhà xứ ăn nói dấm dẳng,

 

— Thì cha xúc tuyết ngày một lần thôi. Việc gì mà cứ phải vất vả ngày đủ bốn cữ!

 

Cha Quang không nói chi. Ông tiếp tục gặm cái bánh mì sandwich có kẹp miếng thịt nguội đỏ lờ lợ, cọng rau sà lách xanh úa, vài lát cà chua đỏ bầm, và một miếng cheese vàng khô queo.

 

Có người thương cảm,

 

— Đến là khổ. Cứ như người đi tu dòng khó khăn.

 

Có giọng tố khổ,

 

— Chỉ có vẽ chuyện! Tớ Việt Nam, ông cha Quang này hồi xưa ở gần nhà trên khu Little Saigon, lại còn học chung trường. Chuyện gì của ông mà tớ lại không rành. Hồi xưa cũng lăng nhăng lắm. Hết gái Mỹ lại tới Mễ, rồi bẵng đi một dạo. Giờ tự nhiên lại lạc xuống dưới đây làm cha xứ. Thật đúng là thời thế đảo điên…

 

Có âm thì thào,

 

— Thì đã gọi là chuyện phường chèo mà! Thế giới năm 2000 rồi, mở banh mắt ra mà coi. Cha cụ người ta, năm thay xe một lần. Thế mà đằng này cứ xe đạp cọc cạch. Rõ dở hơi!

 

Có lời chửi thề,

 

— Ừ! Ông nói đúng đó. Mẹ kiếp! Tối tối tôi còn nghe thấy tiếng phụ nữ ở trong nhà xứ nữa cơ!

 

Có tiếng bênh vực,

 

— Đừng có mà nói nhảm!

— Sao lại nói nhảm? Tớ là nói có sách, mách có chứng. Thì đấy, mới tuần trước, tớ dẫn con Ki ra ngoài đường cho nó đi ị. Con Ki tối hôm đó cuồng chân chạy toáng cả lên. Vớ vẩn làm sao lại đâm sầm vào ngay sân sau của nhà xứ. Bởi thế tớ mới rõ chuyện…

— Ông có nhìn thấy ba năm rõ mười hay không?

— Cần gì phải nhìn thấy! Đứng ngay bên cạnh hàng rào mà vẫn nghe rõ tiếng thì thào trong nhà bếp thì đủ rồi. Mà đây lại là giọng đàn bà. Thế mới chết chứ lị!

 

Tuyết vẫn rơi nhưng vẫn không che cản nổi hàng rào biên giới giữa Chula Vista và Tijuana. Từ bao lâu rồi, dân nghèo Nam Mỹ cứ nườm nượp kéo lên thành phố địa đầu biên giới Tijuana của Mễ Tây Cơ ăn chực nằm chờ, rình rình giây phút cắt đứt được hàng rào biên giới vượt thoát vào thiên đàng. Tá túc tại thị trấn địa đầu Tijuana, hết tiền, nhỡ độ đường. Vậy là gái Tijuana bán mình cho khách du lịch. Con trai chân cẳng cứng hơn. Có người vượt thoát đường biên giới. Rồi lần đường hương lộ xó xỉnh trốn lên Los Angeles rửa chén cho nhà hàng Tàu, hay là đi cắt cỏ cho người Việt. Nhưng đấy là hên, còn phần nhiều đều bị cảnh sát rượt đuổi, bắn què chân. Mỹ mà, tử tế ra mặt. Bắn què lọi giò con nhà người ta rồi. Nhưng vẫn gọi xe cứu thương chở vào bệnh viện rịt thuốc hẳn hoi. Cẩn thận, đồn biên phòng còn gửi tới một người thông dịch viên đàng hoàng. Chân vừa lành ngày hôm trước, ngày hôm sau xe cảnh sát hú còi ầm ĩ, mang người vượt biên tống thẳng về lại bên kia đường biên giới.

Có lần ông Đại úy Trưởng đồn biên phòng ngờ ngợ, ngón tay điểm mặt người vừa bị ông bắn què đang nằm lăn lộn trên nền đất,

 

— Lại tên này! Đúng là hắn rồi.

 

Ông lật ống quần jean bạc thếch của người thanh niên lên. Vết sẹo của cùng một viên đạn súng lục hiện lên, còn mới tươi. Bởi tuyết, có lần ông Đại úy hụt chân té lăn quay. Lồm cồm ngồi dậy, bấm đèn pin. Ông nhận ra dấu chân biến mất ngay tại sân nhà thờ Chula Vista. Ông gõ cửa nhà xứ. Cha Quang bước ra, ho sù sụ như người ho lao. Ông Đại úy gốc Irish con nhà đạo gốc gỡ nón cầm tay, lúng túng cất tiếng,

 

— Chào cha...

 

Cha Quang tránh sang một bên,

 

— Mời ông Đại úy vào trong nhà uống ly café Mocha của quán Starbucks.

 

Ông Đại úy kín đáo quan sát tình hình, nhã nhặn cúi chào,

 

— Cám ơn cha! Đang trong giờ làm việc, e không tiện…

 

Cha Quang nhìn theo bóng dáng của ông Đại úy, rồi nhẹ nhàng đóng lại cánh cửa nhà xứ. Ông Đại úy quay lại nhìn. Bóng cha xứ khẳng khiu ngồi lặng lẽ bên khung cửa, lời kinh nho nhỏ bắt đầu vọng ra. Ông Đại úy tay làm dấu thánh giá, bỏ đi về đồn biên phòng. Cũng có lần ông nhìn thấy vết máu dừng lại ngay cửa nhà xứ. Ông Đại úy lưỡng lự lắm. Con nhà đạo nòi cả mấy trăm năm nay rồi. Giờ chẳng lẽ lại đi hạch xách cha cụ. Nhưng còn tên tội phạm vượt biên. Rõ ràng là vết máu còn rành rành ngay trước sân nhà xứ. Ông Đại úy đã tính dợm chân bước hẳn vào trong nhà xứ uống một ly café Mocha của Starbucks. Nhưng nhớ tới áo chùng thâm đen và viền cổ trắng của cha Quang, ông lại lưỡng lự, rồi thôi.

 

Nhưng ông Thiếu úy Phó đồn thì không. Ngài Thiếu úy dân Tin Lành. Nửa đêm về sáng dộng cửa ầm ĩ, đòi cha Quang dắt đi xem xét từng ngõ ngách. Chưa hết, ông còn bắt ông cha xứ mở cửa dẫn vào gian cung thánh của nhà thờ lục tìm dưới chân bàn thờ và ngay dưới bệ Nhà Tạm!

Tối hôm nay, Hai Mươi Bốn tháng Mười Hai, lễ Giáng Sinh. Như thông lệ đã có gần hai trăm năm từ hồi lập giáo xứ, năm nay nhà thờ Chula Vista lại tổ chức thánh lễ nửa đêm vào lúc mười hai giờ. Sáu giờ chiều, cha Quang mở cửa bước vào nhà thờ. Ông vui vẻ nhận ra mọi sự đã sẵn sàng cho thánh lễ nửa đêm. Ông huýt sáo nho nhỏ, khoác vào người áo len dầy cộm. Nhìn tuyết trắng trơn trợt mặt đường, ông quyết định không đạp xe, nhưng đi bộ ra tiệm tạp hóa Đại Hàn mua thùng mì cay Nongshim. Tiện đường, ông ghé vào quán café Starbucks móc tiền ra mua mấy gói café Mocha loại thượng hảo hạng.

 

Vừa bước ra khỏi cửa tiệm quán café Starbucks, ông bị một bóng đen nhỏ thó bất ngờ xuất hiện cản lối. Cha Quang nhận ra khuôn mặt một cô gái, người Nam Mỹ, chắc khoảng mười tám, hai mươi. Trời chiều mùa đông nhờ nhợ tô thêm đậm màu da bánh mật căng căng và đôi mắt đầm đậm của cô gái. Thoang thoảng đâu đây mùi nước hoa rẻ tiền bốc mùi hăng hắc. Cô gái ngọng nghịu cất tiếng chào. Người đàn ông nhìn sâu vào đôi mắt xanh đậm nước biển, ông gật đầu chào lại. Cô gái cúi xuống, chỉ phía dưới, giọng chắc nịch,

 

— Bốn chục!

 

Người đàn ông hụp một nhịp thở, tim đập thật nhanh. Bình bịch! Rồi ông bỏ đi. Cô gái chạy theo, tay chỉ vào bộ ngực căng tròn,

 

— Hai chục đô.

 

Người đàn ông vẫn bỏ đi, cô gái đuổi theo,

 

— Mười! Chỉ mười đô thôi… Vậy là rẻ lắm rồi!

 

Ngay tới dưới gốc cây dừa cành lá rậm rạp che kín mặt người, bước chân người đàn ông chậm lại. Ông thở mạnh, hơi thở dồn dập. Ông cởi cởi bao tay, móc móc hai tay vào trong túi quần. Cô gái yên lặng bất động, kiên nhẫn chờ đợi. Người đàn ông móc ra tờ giấy đôla mười đồng. Cầm được tiền, cô gái cúi đầu chậm chạp cởi ra những nút áo len… Ngẩng đầu lên, cô chưng hửng nhận ra người đàn ông đã bỏ đi. Bóng ông ta khuất sâu vào màn đêm đông dầy đặc của đêm Giáng Sinh có tuyết rơi trắng xóa phố phường.

 

Về tới nhà thờ Chula Vista, cha Quang nhận ra bóng một người đang đứng ngay trước cửa nhà xứ. Tưởng ai, hóa ra là anh thanh niên người Mễ đã từng hỏi ông về số tiền lương làm Bõ cho nhà thờ Chula Vista.

 

— Mời anh vào uống ly café Mocha.

Người thanh niên lắc đầu,

— Cố! Cố cho con mượn cái xẻng xúc tuyết…

Cha xứ phá ra cười,

— Tôi đã nói rồi! Nhà xứ chỉ có đủ tiền trả lương căn bản mà thôi…

Người thanh niên lắc đầu quầy quậy,

— Không! Con không nộp đơn xin việc. Từ nay cố cứ để việc xúc tuyết mặc cho con.

Người thanh niên ngần ngừ, hai tay xoa xoa vào nhau, rồi lại đưa tay lên đầu vuốt vuốt tóc,

— Con vừa mới gặp Sơ Bề Trên. Sơ ấy nói cha xúc tuyết ngày đủ bốn lần. Sáng trưa chiều tối, cho nên bị sưng phổi, ho sù sụ như người ho lao.

 

Sơ còn nói…

 

Anh dừng lại, nuốt nước miếng, ánh mắt nhìn về trạm biên phòng ánh đèn sáng chưng một góc trời. Cha Quang tự nhiên nghiêm mặt lại! Không nói chi thêm nữa, ông bỏ đi thẳng vào nhà xứ. Còn lại người thanh niên đứng bên ngoài khung cửa! Anh cầm xẻng bắt đầu xúc tuyết, miệng nói nho nhỏ,

 

— Cố ơi! Thì mình cũng phải xúc tuyết để cho giáo dân đi lễ nửa đêm không trợt chân té đau chứ cố.

Lại thêm tiếng gõ cửa. Cha xứ ôm ngực ho sù sụ đi ra mở cửa. Tưởng ai, hóa ra Sơ Bề Trên, trên tay ôm mấy bọc café Mocha thơm lừng của Starbucks,

— Merry Christmas! Qua thăm cha, tiện dịp tặng cha món quà Giáng Sinh.

 

Cha xứ cau mày nhìn Sơ Bề Trên,

 

— Sao lại là café Starbucks?

 

Sơ Bề Trên nói ngay,

 

— Sao lại không? Cha cứ bày vẽ mua café loại mắc tiền mời khách khứa cho thiên hạ khỏi đàm tiếu nói thế kỷ hai mươi mốt rồi, mà cha vẫn sống khó nghèo kiểu cổ. Nhưng mà thôi, cái đó là tùy cha. Tuy tôi không đồng ý với cách sống khó nghèo như vậy, nhưng tôi vẫn ủng hộ cha.

Sơ Bề Trên đứng lên, tính đi về, nhưng lại ngồi xuống,

— Xin lỗi nếu lời tôi nói có đụng chạm! Nhưng đâu có phải là cha bán xe hơi phun khói ngập trời, lấy số tiền đó cho người nghèo. Rồi cứ cọc cạch đạp xe thì thế giới thôi không bị global warming đe dọa nữa... Cả hằng vạn người vẫn cứ tỉnh bơ lái xe hơi vậy thôi!

Nói xong, Sơ Bề Trên đứng lên bỏ đi. Cha xứ đóng cửa phòng lại. Bên khung cửa, ông vẫn thấy bóng dáng lum khum của người thanh niên Mễ đang xúc tuyết trước cửa nhà thờ. Ông ngồi xuống, tính coi lại bài giảng cho thánh lễ nửa đêm. Nhưng chợt ông nghe tiếng động sột soạt dẫm đạp trên sân vườn phía sau nhà?! Ông dừng lại, nghiêng tai nghe ngóng, mắt nhìn thật nhanh về trạm biên giới. Ông lẹ làng bước xuống nhà bếp. Mở cửa, nhưng không bật đèn sân vườn, ông cẩn thận nhìn ra bên ngoài. Bóng một người phụ nữ đứng lù lù ngay bên khung cửa không làm ông giật mình. Ông đứng tránh sang một bên, nhường chỗ cho cô gái bước vào. Dưới ánh đèn vàng tối tù mù của căn nhà bếp, ông nhận ra cô gái đang ôm trong lòng một đứa bé ngủ say, mặt thằng bé xám ngoét lại vì lạnh. Cha Quang vội vàng đóng lại cánh cửa. Ông bật máy sưởi, đưa tay mời cô gái lạ mặt ngồi xuống ghế nệm cạnh bên lò sưởi. Cha Quang cất tiếng hỏi,

— Cô ăn mì nhé…

Cô gái mệt mỏi gật đầu. Cha Quang đã bước đi nhưng ông dừng lại. Cặp mắt của cả cô gái và cha Quang đều trợn tròn nhìn nhau! Cô gái ngại ngùng cúi mặt nhìn xuống. Cha Quang quay lưng, đi thẳng tới bếp nổi lửa nấu mì Nongshim. Không quay lại, ông hỏi,

— Cô ăn cay có được không?

Cô gái vẫn cúi mặt, miệng nói nho nhỏ,

— Ngày nào mà tôi chẳng ăn thức ăn cay.

— Còn thằng bé?

— Nó mới bú sữa mua ngoài tiệm. Mười đôla, ba bình sữa.

Cô gái yên lặng ngồi ăn hết thật nhanh tô mì cay, tô lớn. Cô đứng dậy,

— Cám ơn cha. Hèn chi họ cứ gọi ông cha tử tế.

Cha Quang gật đầu không nói chi. Cô gái ngần ngừ,

— Nhờ cha giúp cho một chuyện…

Cô gái trao thằng bé cho ông. Cha Quang trợn tròn mắt,

— Giờ này tối khuya rồi, cô còn đi đâu nữa?

Khuôn mặt cô gái xa xầm lại, giọng nhỏ rưng rức,

— Còn đi đâu nữa… Không làm, lấy tiền đâu mà mua sữa cho con?

Cô gái cau mày khó chịu, buông lời nói thẳng thừng,

— Có được hay không?

Cha Quang gật đầu thật nhanh, tay ôm đứa bé vào lòng,

— Ồ! Được chứ. Chắc chắn là được rồi.

Rồi ông nói luôn,

— Tôi cũng có một chuyện.

Cô gái ngần ngừ,

— Cha có chuyện gì?

Cha Quang nhìn đồng hồ trên tường, chép miệng,

— Còn một tiếng đồng hồ nữa thôi là lễ nửa đêm rồi. Cô đi đâu thì đi. Nhưng nhớ quay về lại đây dự lễ Giáng Sinh.

Cô gái bỗng dưng cúi gập người xuống như cây bị sét đánh dính ngay giữa thân. Hai tay cô ôm mặt bật tung tiếng khóc, tóc dài quăn lọn buông rơi tung tóe. Bởi tiếng khóc, thằng bé giật mình cựa quậy, nhưng thật nhanh, lại nhoẻn đôi môi bé tí ti mầu hồng hồng cười tươi, nụ cười thiên đàng. Cha xứ cúi xuống vỗ nhè nhè bàn tay vào lưng thằng nhỏ, miệng cũng cười,

— Đêm nay Giáng Sinh. Dù có chuyện gì đi nữa thì mình cũng vẫn phải đốt nến ăn mừng sinh nhật chứ.

Cô gái ngưng tiếng khóc, ngạc nhiên hỏi lại,

— Sinh nhật? Sinh nhật của ai?

— Thì còn của ai nữa. Đêm nay là đêm Giáng Sinh. Cô quên rồi sao?

Cô gái ngẩng lên nhìn. Cô nhận ra ông cha xứ đang bước từng bước lên bậc thang gỗ mỏng manh ọp ẹp. Vừa đi ông vừa nói,

— Tôi cho thằng nhỏ lên phòng ngủ trước. Hẹn gặp cô lúc nửa đêm. À! Tối nay sau thánh lễ, tôi mời cô ăn tiệc Revillion với Mẹ Bề Trên và ông

Bõ mới của nhà thờ nhé.

 

Bên ngoài, tuyết bông vẫn đổ trắng xóa hằn soi bóng ông Bõ mới đang cắm cúi xúc tuyết trên sân gạch mênh mông của nhà thờ. Bên trong, lò sưởi cháy đỏ than hồng vẫn nổ tí tách tô hồng đôi má cô gái Tijuana đang nhắm mắt ngủ say. Đàn dương cầm từ trong nhà thờ Chula Vista nhè nhẹ nổi lên những nốt đầu tiên của bản nhạc Giáng Sinh bất hủ, “Silent night! Holy night!” Hồi chuông Giáng Sinh bắt đầu vang dội từ trên nóc tháp chuông. Kính koong! Kính koong! Tiếng chuông sinh nhật của hân hoan và mừng vui tiếp tục vang xa xé rách toang màn đêm của sầu tủi và nước mắt. Kính koong! Kính koong!

 

Thị trấn tuyết trắng Chula Vista bắt đầu nửa đêm.

 

Nguyễn Trung Tây

 

 

(Trích trong tập truyện ÔNG GIÁO BÁN MẮM, "Nhà thờ Chula Vista")

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Mạ xếp hạng chuyện học hành của con cái là quan trọng hàng đầu. Với tiệm sách và quán cà phê, Mạ đã quán xuyến, lo cho gia đình có cuộc sống sung túc, thoải mái một thời gian dài...
Nghe tin chú Nghĩa sắp cưới vợ, bà con trong khu phố xôn xao nửa tin nửa ngờ. Chuyện lập gia đình ai trưởng thành chả thế! Ấy vậy mà với chú Nghĩa thì chuyện này hơi lạ. Đến khi chú đem thiệp đi mời hẳn hoi vậy chắc chắn là sự thật rồi không còn nghi ngờ gì nữa!
Từ ngày về hưu non, hai vợ chồng tôi cứ lục lọi hết website này đến website khác để tìm nơi đẹp đi du lịch; sợ rằng sự hào hứng của tuổi trẻ sẽ không còn nữa, nên phải đi hết những chỗ mình ao ước từ hồi nhỏ đã đọc sách mà không có thì giờ và phương tiện để thực hiện...
Cơn mưa nhỏ lướt qua bầu trời từ bình minh cũng đã chấm dứt; một tia nắng vàng lách qua lùm cây sồi chui vào góc chuồng cừu lớn. Những chú cừu đực ngập trong rơm rạ của máng ăn buổi sáng vừa ngẩng đầu về phía tia nắng và kêu be be...
Bây giờ, việc đi về giữa Mỹ và Việt Nam thật dễ dàng. Nhưng vào thập niên 80, 90 người đi kẻ ở tưởng chừng là biệt ly mãi mãi. Bạn đã nói với tôi như thế trong nước mắt. Và với sự ngăn cấm của gia đình, với tuổi trẻ khờ dại nông nổi, họ đã lạc mất nhau. Để rồi suốt phần đời còn lại, nỗi đau vẫn còn là vết thương rưng rức. Tôi xin ghi lại câu chuyện tình của bạn, như là một lời đồng cảm...
Ngạn rời căn nhà đó và xuống đây theo đơn xin đi làm trong hảng thịt bò. Ngày Ngạn đi cũng buồn tẻ ảm đạm như ngày anh rời đất nước. Người vợ và hai đứa con tiễn anh ở bến xe buýt ''Con chó rừng''...
Chiếc ghe vượt biển nhỏ xíu, mỏng mảnh của chúng tôi vậy mà chất lúc nhúc đến hơn 80 thuyền nhân, chẳng khác nào một cái lá lạc loài trên đại dương mênh mông, không biết đâu là bờ bến. Đoàn người rời bỏ quê hương tụm năm tụm ba, rải rác khắp thuyền, co ro trong cái lạnh ngoài khơi xa tít tắp, đầu óc hoang mang với trăm ngàn ý nghĩ...
Hôm ấy, trên facebook Group của nhóm cựu thuyền/ bộ nhân ty nạn Thailand, có xuất hiện bài post của Đức, chụp hình vợ chồng Đức đang tiễn con gái tại sân bay Tân Sơn Nhất đi qua Dallas Hoa Kỳ định cư theo chồng mới cưới. Ôi, chàng Đức chung chuyến tàu của tôi. Nhiều người quen cũ vào để lại những comments chúc mừng, cũng là những người tôi biết mặt biết tên, tôi liền vào tham dự, góp vui...
Người ta nói: “Hết quan là hoàn dân” và chỉ mong có vậy, đừng hết quan hoàn…tàn phế” thì buồn quá! Hôm nay lão Dụng đã tự ngồi dậy được. Lão không nhớ là mình đã nằm như khúc gỗ mục, bất động bao lâu rồi! “Mới đó mà đã lại sang một năm mới. Thời gian bây giờ có nghĩa gì đâu chứ!”: Lão lẩm nhẩm một mình!...
Trong một căn phòng motel nhỏ sạch sẽ gọn gàng chăn ga gối trắng, trên giường phủ một tấm trải lớn có thể dùng làm chăn đắp màu lông chuột, một người phụ nữ nằm khóc, và người đàn ông đang ra sức dỗ dành. Cô gái mếu máo “Anh à, anh X đã bỏ đi rồi!”...
Những ngày cuối tháng tư quân trường Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung vẫn đang cắm trại, chồng tôi chưa về, nhưng trước khi đi anh đã bảo tôi ở nhà có gì thì bám theo cha mẹ và các em để đùm bọc lẫn nhau. Gia đình cha mẹ tôi ở gần nên hai nhà như một...
Tôi bồn chồn liếc mắt nhìn đồng hồ, rồi lại nhìn chừng về phía hội trường đầy ấp hơi người và ồn ào tiếng cười nói. Đã hơn tám giờ mà chương trình vẫn chưa bắt đầu. Chưa bao giờ tôi thấy khó chịu về chuyện giờ giấc như lúc nầy. Thấp thoáng trong đám đông, tôi thấy Khánh đang chạy đôn đáo chừng như kiểm điểm sự có mặt của một số khách “nồng cốt”, để bắt đầu chương trình...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.