Hôm nay,  

Lạc Khúc Kinh Cầu

24/12/202106:43:00(Xem: 4361)


“Cho mẹ mượn cái headphone.” Mẹ hỏi lúc con gái vừa ló mặt ra khỏi phòng. Con gái đứng sựng lại, toan hỏi mẹ mượn headphone làm gì vậy nhưng ngừng lại đúng lúc. Con bé mở vội hộc tủ, lấy cái headphone bạn trai mua cho hôm trước, chạy ra đưa cho mẹ.

Mẹ vội vàng đón lấy. Con bé nhìn mẹ, nhoẻn miệng cười theo thói quen. Rồi vội vã quay về phòng. Chợt con bé đứng sựng lại. Dường như lúc mẹ đưa tay đón lấy cái headphone, những đầu ngón tay gầy của mẹ run rẩy ít nhiều. Bên ngoài tuyết đổ trắng phố phường nhưng trong này ấm áp. Ít ra là ấm áp đối với con bé. Sao hình như những ngón tay của mẹ run run. Nhà đâu có lạnh mà mẹ run thế nhỉ. Ngẫm nghĩ, rồi con bé nhún vai. Chắc chẳng có gì đâu. Mình hấp tấp nên nhìn ra như vậy thôi. Con bé tự trấn an, rồi lại nhìn mình trong tấm gương hình chữ nhật. Một vệt son lem ở cánh môi. Con bé trong gương mỉm cười. Hai con mắt to tròn. Jimmy bảo Jimmy thích hai con mắt to tròn và đen láy này. Jimmy là bạn trai của con bé. Bố cũng thường bảo con bé có hai con mắt của mẹ. Ngày trước bố vẫn hay nói vậy.

Con bé nhìn đồng hồ. Còn gần một tiếng đồng hồ nữa mới tới giờ hẹn. Và Jimmy sẽ lại đón. Biết vậy sao mình vẫn nôn nóng. Con bé lại nhìn mình trong gương. Mái tóc đong đưa hai bờ vai. Hai con mắt chớp điệu đà.

Con bé bước ra phòng khách, vén tấm mành cửa, nhìn ra ngoài. Tuyết đang rơi. Bụi tuyết bay lượn như lũ bướm đêm dưới ánh sáng của ngọn đèn đường. Lái xe cẩn thận nghe Jimmy; lái xe cẩn thận nghe cưng! Cô gái thì thầm một mình. Tuyết nhiều lắm đó!

Con bé quay vào. Những ngón tay xoắn lấy đuôi tóc quăn quăn đậu trên vai. Con bé đi qua phòng ngủ của mẹ. Cửa phòng mở hé. Mẹ ngồi bệt dưới thảm, lưng dựa vào thành giường. Headphone của con bé viền quanh đầu tóc mẹ, trông như chiếc vương miện lỏng lẻo trên đầu một nữ hoàng bị thất sủng trong cổ tích. Mặt mẹ ngước lên trần nhà. Mắt mẹ nhắm. Mẹ đang nghe nhạc.

Buổi tối hôm Giáng Sinh, mẹ ngồi một mình. Mẹ mở nhạc nghe một mình.

Khoảng một tiếng đồng hồ nữa Jimmy sẽ đến. Khoảng một tiếng đồng hồ nữa nhà sẽ vắng tanh. Cây thông Giáng Sinh ở phòng khách nhấp nháy những ngọn đèn. Những ngọn đèn xanh xanh đỏ đỏ không làm ấm nổi căn nhà. Con gái nhìn mình trong gương. Con mắt của mẹ. Bố vẫn bảo thế. Ấy là ngày trước, lúc con gái còn bé. Lâu lắm rồi bố không còn nói vậy nữa. Có phải tại con bé chỉ có đôi mắt của mẹ khi còn nhỏ. Con gái nghĩ thế nhưng ngại hỏi bố. Bố bận rộn tối ngày. Rồi bố đi đi về về thất thường, chả có dịp nào cho con bé hỏi nữa. Con bé cũng không muốn hỏi mẹ. Bởi mẹ có bao giờ nói là con gái có đôi mắt của mẹ đâu, cũng có thể tại mẹ không nhìn rõ được mắt của mẹ nên mẹ không so sánh được.

Con bé muốn đẩy cánh cửa phòng mẹ đang hé mở, để bước vào ngồi xuống cạnh mẹ. Ít ra hai mẹ con sẽ có được với nhau những giây phút ấm cúng buổi tối hôm lễ Giáng Sinh trước khi con bé đi lễ nửa đêm với bạn trai. Và không chừng sẽ vắng nhà cho tới hết ngày mai. Lễ Giáng Sinh nơi đây là mở đầu cho cả một mùa lễ nghỉ.


Chợt con bé thấy những giọt long lanh ở đuôi mắt mẹ.

Mẹ khóc.

Tim con bé đập hụt mất một nhịp. Đúng là mẹ khóc. Một giọt long lanh lăn dài xuống một bên má của mẹ. Con bé đẩy cửa bước vào. Ngồi thụp xuống bên mẹ.

“You okay, mom? Are you crying, mom? You okay?” Những câu hỏi tuột ra khỏi cánh môi hồng con gái. Lúc hoảng hốt con bé hay nói tiếng Anh. Mẹ ngồi im như pho tượng. Hai tay đặt trên lòng. Một chân co một chân duỗi dài trên thảm.

Con gái gỡ cái headphone ra khỏi tai mẹ, đeo vào tai mình. Tiếng chuông giáo đường. Những lời ca tiếng Việt. Con bé cố lắng nghe. “Nhớ tới đêm đầy ánh sáng, hương trong gió tràn mênh mang giây phút như ngừng thôi rơi tiếng kinh muôn lời...” Con bé tròn đôi con mắt, cố hình dung những hình ảnh đang được nhắc tới qua lời bài hát. “Trong giáo đường đêm Noel ấy…” Những câu những chữ quen thuộc. Ngày trước bố vẫn dạy con bé Noel là Christmas. Giáo đường là church. Nàng là cô gái, là she; là her... Nhưng sao những câu hát ấy cứ lập đi lập lại. Con bé cầm cái máy hát cassette cũ kỹ của mẹ lên xem. Tới thế kỷ này mà mẹ vẫn ôm ghì lấy cái máy hát cũ mèm. Một cuộn băng mỏng teo trong ấy. Và dường như cuộn băng chỉ có mỗi một bài với những “đến chốn xưa nàng vắng bóng” và “mắt nàng huyền mơ” mà con bé không hiểu cho lắm.

Chợt mẹ như bừng tỉnh. Mẹ mở choàng hai mắt, vội vàng đưa tay áo chùi những giọt long lanh trên má.

“Mẹ nghe gì mà mỗi một bài vậy?” Con bé hỏi.

Mẹ gượng một nụ cười, “Mẹ chỉ thích mỗi bài ấy thôi.”

“Tại sao? Why?”

Nụ cười nặn ra một cách khó khăn trên cánh môi mẹ. “Cái máy này của bố tặng mẹ, lâu rồi.” Và mẹ đổi giọng vui, “Con chưa đi lễ nửa đêm à?”

Con bé không trả lời câu hỏi của mẹ. “Kể cho con nghe đi. Tell me about it, mom!”

Thế là mẹ kể hết.

Và đêm Giáng Sinh con bé biết thêm một chương sách dễ thương trong cuốn truyện tình yêu của bố mẹ. Một cô gái ngoan đạo, một chàng thanh niên vì yêu thầm cô gái mà cũng trở thành ngoan đạo. Con gái ngồi dựa vào người mẹ. Mẹ là cô gái của Sài Gòn ngày xưa, cô gái ấy đang ngồi ở đây. Còn người thanh niên của Sài Gòn ngày trước giờ này ở đâu?

Tiếng chuông cửa. Có khi nào giờ này bố về không nhỉ. Con bé thầm hỏi. Và chạy vội ra cửa. Cái lạnh gay gắt bám lấy cô. Cô rùng mình. Không phải bố. Cũng không phải Jimmy. Giờ này Jimmy chưa đến được. Chỉ là bà hàng xóm. Một cái thư nhân viên bưu điện đưa nhầm địa chỉ.

“Jimmy lại hở con?” Đứng sau lưng con gái, mẹ hỏi.

Cô gái nhìn mẹ. “Con sẽ bảo Jimmy ở đây đón Giáng Sinh với mình.”

Mẹ ngập ngừng, “Cũng được, nhưng cho mẹ mượn lại cái headphone! Mẹ muốn nghe hoài bài hát Giáng Sinh của mẹ.”

***
Ghi chú: “Giáo Đường Im Bóng” là tựa đề bài hát được nhắc đến trong truyện. Nhạc của Nguyễn Thiện Tơ, lời của Phi Tâm Yến.
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trần Trọng Tâm sinh trưởng tại thành phố Quy Nhơn. Anh tốt nghiệp Đại Học sư phạm lý năm 1980 (anh là bạn học của anh rể tôi). Anh được bổ nhiệm vào dạy học ở Bình Chánh. Anh dạy tốt, kiến thức vững, nghệ thuật truyền đạt dễ hiểu. Phụ huynh học sinh rất quý anh! Ngoài giờ dạy anh thường ra uống cà phê ở quán bác Xuyến gần trường...
Sáu chị em chúng tôi vẫn chưa tưởng tượng được mình đã xa Ba Mạ, anh Lam và Kanh Kem, xa thật xa. Quê hương xa lắc, xa lơ bên kia bờ đại dương. Chừ mới thấm, thế nào là cây xa cội, nước xa nguồn. Anh chị Hải Điền và cu Nam đón chúng tôi ở phi trường Düsseldorf. Mừng mừng, tủi tủi...
Thằng Tường uống một ngụm bia, bọt bia trắng viền trên miệng nó thành một viền tròn. Nó đã bắt đầu ngà ngà say. Để chiếc ly xuống bàn chuếnh choáng, nó vung tay nói...
Tiếng tụng kinh đều đều, vừa tai nhẹ nhàng quen thuộc của chồng tôi ở phòng bên vọng ra làm tôi cảm thấy tâm hồn mình thêm bình an; đứng lên bước ra ngoài hàng hiên của căn airbnb ở tầng thứ 10 cao nhất của building mà chúng tôi được các con mướn cho một tuần lễ nghỉ hè mừng ngày sinh nhật đám cưới 40 năm của chúng tôi, cả tâm hồn theo dòng thác chảy rào rạt kỷ niệm xa xưa…
Ông làm bí thơ, quyền lực trùm một phương, ở triều đình hay ngoài châu quận đều đứng trên vạn người trong thiên hạ. Người ta vẫn bảo ông làm vua một cõi, điều này chẳng phải nói điêu mà thật sự như vậy! Lời bàn tán cũng đến tai ông, ông không nói năng gì nhưng tỏ vẻ hài lòng và mặc nhiên cho là thế. Ông chẳng phải là nhân viên công quyền mà chỉ là người đứng đầu một bang phái nhưng quyền hành của ông phủ khắp, mọi việc lớn nhỏ đều do ông định đoạt, mọi chức vụ cao thấp do ông đặt để...
Trung úy Nguyễn Thanh Long, đã hy sinh 1972 ở Núi dài Châu Đốc. Anh tốt nghiệp Sĩ Quan Võ Bị Đà Lạt. Cùng khóa của anh nhiều người cũng đã hy sinh trong cuộc chiến tranh khốc liệt...
Ở cái xứ sở u Tây này cũng có quá nhiều tự do, thành ra cuộc sống có lúc thành bất cập, công đoàn ra sức nhiều lần đình công, yêu sách này kia, đòi tăng lương, đòi làm ít thời giờ hơn, đòi nghỉ hưu sớm v.v… nhất là công đoàn CGT vận chuyển công cộng người đi làm việc như métro, RER, tramway, bus…
Ngày 21 tháng 4 năm 1975, Tư Tưởng ghé ngang hậu cứ, dẫn ba thằng em: Bắc Hà, Th/úy Trọng và tui đi nhậu ở quán Thuỷ Tiên, gần Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn ngày xưa, trước khi dời vô Phi trường Vĩnh Long...
Trên đường đến phòng trưng bày tác phẩm nghệ thuật của Gertrude Stein, tôi bước đi với tâm trạng phấn khích của một người sắp gặp Ernest Hemingway. Nắng chiều Paris phản chiếu từ cửa sổ những quán cà phê xuống con đường đá cũ tạo thành bóng râm dài phía trước. Tiếng reo hò chen lẫn tiếng đàn từ mấy quán bar nhỏ nơi góc phố gây nên bầu không khí sôi động dội vào tâm trí tôi...
Tôi bán hàng giải khát trước cổng nhà máy, khách hàng là những công nhân, bộ đội và cán bộ trong nhà máy. Tôi là “mụ” bán hàng “phản động” luôn tơ tưởng đến chuyện vượt biên. “tri kỷ” của tôi có chị Ky buôn bán ở xa cảng miền Tây, nghề mới của chị sau cuộc đổi đời 1975, trước kia chị là nhân viên một ngân hàng quận Gò Vấp. Chị Ky là hàng xóm, hôm nào ghé quán tôi không chỉ để uống ly đá chanh, uống ly cà phê mà cũng là dịp cùng tôi tâm tình than thở cuộc sống dưới thời xã hội chủ nghĩa, mơ ước chuyện vượt biên...
Mạ xếp hạng chuyện học hành của con cái là quan trọng hàng đầu. Với tiệm sách và quán cà phê, Mạ đã quán xuyến, lo cho gia đình có cuộc sống sung túc, thoải mái một thời gian dài...
Nghe tin chú Nghĩa sắp cưới vợ, bà con trong khu phố xôn xao nửa tin nửa ngờ. Chuyện lập gia đình ai trưởng thành chả thế! Ấy vậy mà với chú Nghĩa thì chuyện này hơi lạ. Đến khi chú đem thiệp đi mời hẳn hoi vậy chắc chắn là sự thật rồi không còn nghi ngờ gì nữa!