Hôm nay,  

Con Tôm Nướng Đã Dặn Dò Như Thế

15/10/202100:00:00(Xem: 2005)

 

Đúng mười một giờ đêm nay là tròn sáu tháng. Sáu tháng ân cần che chắn, chia sẻ êm đềm. Sáu tháng ấm áp nghĩa đồng hương, sáu tháng ngọt ngào tình đôi lứa. Men rượu cháy bỏng hai vành tai, xém cả vùng da cổ. Cái mặt chắc đỏ như mặt trời cuối mùa hạ. Cái mặt trời tối nào cũng đi ngủ muộn.

“Bữa nay em lái xe khá lắm rồi.” Người đàn ông gật gù, tay vẫn cầm chắc cái ly thủy tinh mà chất lỏng đỏ sẫm sóng sánh bên trong chỉ còn vơi một nửa.
“Em vẫn run quá trời.”

“Có gì mà run,” giọng người đàn ông nhừa nhựa như tẩm đầy thứ nước đường sậm màu những bà nội trợ vẫn thắng lên để kho cá.

Ngồi cạnh người đàn ông, người đàn bà còn rất trẻ nghiêng đầu, trề môi, “Hở chút là la ầm lên, hổng run sao được.”

“Phải la chứ, em đạp ga vù vù, gần tới đèn đỏ vẫn nhấn ga không la sao được.” Người đàn ông nói và đưa cái ly lên miệng uống một hơi cái chất lỏng màu đỏ sẫm.

Uống xong, gã đặt ly xuống bàn. Hắn cố nhẹ tay nhưng cái ly như bỗng dưng nặng cả ký lô, kéo tay gã xuống, giộng mạnh trên mặt bàn.

Người đàn bà tròn mắt nhìn hắn. Hai con mắt nhíu lại của hắn với những vết chân chim nhùng nhằng hai khóe khiến khuôn mặt hắn hiền hậu như khuôn mặt một ông già đầy lòng nhân ái. Sáu tháng trời dan díu cô đã quen với những biểu hiện trên khuôn mặt người đàn ông. Nét nhăn nhúm ấy không phải là dấu hiệu của cơn giận. Cô yên tâm nhấc chai rượu, đổ thêm một chút vào ly cho hắn.

Hắn nhướng mắt nhìn cô. Ánh đèn xiên góc trên trần, vạch ra trước mắt hắn một khuôn mặt trái xoan, một đôi mắt đen, một miệng son đỏ với cặp môi đầy vun.

“Rót rượu gì mà nhỏ giọt như thế.”

Hắn nói, và hắn nghe ra cái giọng nặng nề như âm thanh thoát ra từ chiếc thùng sắt ai đó kéo lê trên mặt đường gồ ghề.

“Anh còn phải về nữa...” Cô gái nhỏ giọng vỗ về. Cái giọng vừa nhắc nhở vừa đặm màu trách móc. Hắn nhìn hai con mắt có hàng lông mi dài. Hàng lông mi khéo tay cấy của chuyên viên thẩm mỹ khiến cái nhìn của cô lướt thướt như sương mù sớm mai. Cái nhìn thay cho vô số những câu kỳ kèo, năn nỉ, thuyết phục và hờn trách.

Hắn xoay về đề tài cũ.

“Đang tập lái xe mà đầu óc cứ lông bông ở đâu ấy.”

Rót rượu vào ly cho hắn xong, bàn tay cô gái vẫn nắm lấy cổ chai rượu như sợ hắn sẽ giằng lấy mà rót thêm. Cô khẽ lắc đầu làm những sợi tóc lòa xòa trước trán.

“Bảo ghi tên cho người ta học trường lái thì tiếc tiền.”

Hắn nhìn chai rượu trong tay cô.

“Cả ngàn đồng mà không bao đậu thì học làm gì.” Hắn cằn nhằn.

“Chạy xe của trường lái vẫn thích hơn chớ; xe có bảng hiệu để người ta tránh mình, xe có đủ thứ an toàn, lại có thày ngồi kế bên nhắc nhở mình, mình yên tâm hơn.”

“Ai chẳng biết.” Hắn gạt ngang. “Anh ngồi bên không được sao?”

“Cái miệng anh la nghe muốn khùng, em làm sao tập trung mà lái được chớ.”

Những giờ ngồi cạnh cho nàng tập lái xe thoáng hiện ra trong đầu hắn. Học trò cầm tay lái. Ông thầy người nhà ngồi kế bên. Học trò cong lưng, nhô hai vai ra trước. Dáng ngồi mất thẩm mỹ. Thầy nhắc hoài đâm chán. Học trò chỉnh kính chiếc hậu hai ba lần theo lời dặn. Đề máy, cho xe bò ra khỏi bãi đậu. Rụt rè nhập vào dòng xe cộ. Cái mắt thì liếc ngang liếc dọc. Chạy ngang tiệm thời trang thì xớn xác đọc bảng quảng cáo hàng sale. Đến ngã tư thì cố nhấn ga cho kịp đèn vàng. Và qua ngã tư, đang có đèn xanh mà thấy xe nào ở con đường bên cạnh lăm lăm chạy tới là bóp kèn náo động cả phố phường. Cô gái còn quen hoi hướm quê nhà. Lái xe mà không bóp còi thì chết nửa đời người. Hắn ngồi cạnh mà hai tay nắm chặt lấy hai bên nệm ghế, cái miệng lắp bắp nhắc nhở và cái đầu xáo xác khấn thầm. Lần nào về bãi đậu xe chung cư rồi hắn mới thở được nhẹ nhàng, và lần nào cũng thầm hứa sẽ ghi tên cho cô học ở trường cho chắc ăn.

Cô gái kéo hắn về với thực tại. Cái thực tại ấm áp men rượu, đĩa thịt heo quay, đĩa vịt nướng, và đĩa rau cải xào mua ở nhà hàng Tàu trên đường ghé lại thăm cô.

“Dạy người ta thì ít mà la lối thì nhiều.”

“Em lái như vậy thầy nào cũng phải la giống hệt anh thôi.”

Hắn đưa cái ly lên miệng, uống cạn chất nước sóng sánh màu đỏ sẫm trong lòng ly. Và hắn đưa tay nhìn đồng hồ.

“Còn năm phút nữa...”

Nàng ngước nhìn mặt cái đồng hồ trên lò vi ba, nhắc lại câu hắn nói, “Ừa, còn năm phút nữa.”

“Cụng với anh một ly nữa đi cưng.” Hắn xuống giọng nài nỉ. “A-ni-vẹc-sơ-ri của hai đứa mình.”

“Mới sáu tháng mà a-ni-vợẹ-sơ-ri cái gì chớ!”

“Cụng ly cái đi mà!”

Nàng miễn cưỡng làm theo. Hai cái đầu gật gưỡng bên nhau. Cứ gật gưỡng như thế quên cả thời gian.

Một giờ sáng, những chai rượu đã cạn.

“Khuya rồi, anh phải về.”

“Về đâu?” Nàng nhướng đôi con mắt mệt mỏi, lè nhè.

“Về nhà.”

“Về với vợ.” Nàng sửa.

“Về với con mụ chằng tinh.” Hắn cải chính.

“Chằng tinh cũng là vợ.”

“Chằng tinh là chằng tinh.”

“Chằng tinh mà đêm nào cũng cho anh đi tới gần sáng...”

“Anh đi làm mà.”

“Làm ca chiều thì mười một giờ đêm đã xong rồi.”

“Hãng bắt làm overtime, biết không... Làm tới sáng luôn.” Hắn nheo mắt với nàng sau câu nói.

Nàng ném cho hắn một cái liếc sắc cạnh, “Làm ô-vờ-thai ở nhà bồ nhí.” Và nàng ban cho hắn một nụ cười cảm thông. “Thôi, sửa soạn về đi, đi đêm hoài coi chừng gặp ma đó.”

“Ma cũng chẳng sợ bằng chằng tinh.”

Và hắn quơ tay vạch một đường vòng quanh cái không gian nồng mùi xào nấu của căn chung cư nhỏ bé, căn hộ hắn bỏ tiền túi ra thuê cho nàng.

“Anh thích cái nhà này.”

“Thích mà không dám ở lại.” Nàng lại lên giọng trách móc.

Hắn lè nhè, “Ở nhà kia là cai tù, ở nhà này là...”

“Là cái gì?” nàng ngắt lời hắn.

“Là... là...” hắn chêm tiếng Anh vào cho câu chuyện trôi chảy, “là... là my baby.”

Hai giờ sáng. Cơn say đã giảm. Hắn phải về. Ăn vụng thì phải biết chùi mép. Nói dối cũng phải biết cái giới hạn của những câu nói dối. Làm giờ phụ trội từ mười một giờ đêm tới hai giờ sáng đã là nhiều lắm rồi. May mà chằng tinh không thắc mắc.

Hắn chống tay đứng dậy. Cô gái nằm co quắp trên chiếc ghế nệm dài, cái chăn mỏng kéo lên tận cổ. Hắn nhìn cái dáng mỏng, cong vòng như con tôm nướng trên bếp lửa. Con tôm nướng làm nước miếng hắn ứa ra ở những chân răng. Hắn khẽ lắc cái đầu váng vất. Ăn mừng kỷ niệm ngày hai đứa gặp nhau nên nhậu thả dàn. Nhìn dáng tôm nướng co quắp trong bộ bà ba màu xanh nhạt, dưới lớp chăn len, lòng hắn rạo rực. Nhưng giờ này sức cùng lực cạn, chỉ lái xe không thôi cũng chả chắc về được đến nhà; cái nhà có mụ cai tù chằng ăn trăn quấn kia.


Hắn khom người xuống, luồn tay vào tấm chăn, lách sâu vào ngực áo cô gái. Cái ngực săn cứng nhịp nhàng hơi thở. Nàng ngọ ngoạy cái đầu, nhúc nhích thân mình, và đưa tay nắm nhẹ bàn tay sần sùi của hắn, hai mắt vẫn nhắm nghiền. Hắn không biết nàng đã thức hay vẫn còn vướng vất trong chiêm bao. Rồi hắn rút tay ra, sửa lại mép chăn trên ngực nàng, và quay ra cửa.

Hắn tắt đèn, nhẹ nhàng mở cửa. Quay lại nhìn con tôm nướng đẵm nước sốt chua ngọt trên mặt lò than thêm một lần, nuốt nước bọt, khẽ vặn chốt khóa cửa, rồi lách ra ngõ. Hắn lảo đảo bước về phía thang máy.

Gió đêm gai gai lạnh trên lớp da mặt sần sùi. Hắn mò mẫm biết bao lâu mới ra chiếc chìa khóa xe, và phải mất mấy phút đồng hồ mới đề được máy xe. Chiếc Lexus màu xám chậm rãi bò ra khỏi lối vào chung cư, rẽ trái, vào con đường nhỏ, về phía căn nhà có bà chằng tinh làm cai tù gác cửa.

Đường phố vắng tanh. Khúc này không có những ngọn đèn đường. Hai mắt mỏi rời nên hắn phải mở đèn pha để nhìn xoáy được vào bóng đêm và tránh những chiếc xe đậu dọc hai bên lề đường. Hai cánh tay nặng nề bẻ tay lái một cách khó khăn. Hắn đưa tay vén những sợi tóc lòa xòa trước trán. Và đâm sầm vào một chiếc xe đậu bên lề đường.

Tiếng động chát chúa. Máy xe tắt ngúm. Đèn xe nhấp nháy loạn xạ. Sau một thoáng hoảng hốt hắn tỉnh hẳn. Hắn bước xuống xe. Đường phố không một bóng người. May quá, không ai thấy. Chắc bỏ chạy quá. Tối thế này ai mà biết. Ý nghĩ thoáng hiện trong đầu. Không ai thấy, cứ bỏ chạy về nhà. Hư chỗ nào thì tính sau. Chứ nếu để đổ bể ra là chuyện lớn. Uống rượu lái xe, gây tai nạn, treo bằng lái, giam xe, không chừng còn bị tù nữa. Không thể để chuyện đó xảy ra được. Hắn lẩm nhẩm câu ấy. Không thể để cảnh sát dính vào. Phải trốn ngay thôi. Hắn vội vã chui vào xe, run run đề máy. Nhưng cái xe khục khặc, như con lừa quá kiệt sức, thúc bao nhiêu cũng nằm ì ra đấy. Hắn bước ra khỏi xe, nhướng mắt nhìn. Tấm cản xe hắn móc vào tấm cản chiếc xe Toyota đậu bên lề đường như hai con bọ hung đang miệt mài giao cấu. Thôi rồi. Không bỏ đi được rồi, cho dù con phố không một bóng người.

Sớm muộn gì thì cũng sẽ có cuộc điều tra của cảnh sát. Và người ta sẽ bắt hắn thổi vào cái máy đo nồng độ rượu. Cái máy sẽ phanh phui ra là hắn nhất định đã uống hai chai rượu đỏ, nhiều đến độ mức đo trong máu cao gấp hai ba lần mức độ an toàn mà luật pháp cho phép.

Phanh phui xong, hắn sẽ phải ra tòa. Sẽ bị treo xe, sẽ bị mất bằng lái cả năm trời, sẽ phải đóng tiền thi bằng lái lại, sẽ phải tăng tiền bảo hiểm, sẽ phải bồi thường cho chủ chiếc Toyota mắc dịch này, và bị cấm lái xe nghĩa là sẽ phải đi làm bằng xe buýt hay gọi tắc xi, nghiêm trọng nhất là sẽ không còn cách nào ghé thăm con tôm nướng tươm nước sốt chua ngọt trên chiếc vỉ lò đỏ rực lửa than.

Cả năm trời như thế chịu gì thấu.

Phải nghĩ cho nhanh ra cách nào đó.

Và hắn nghĩ ra.

Hắn sẽ gọi điện thoại về nhà bảo vợ lái xe lại chỗ này, rồi đổi chỗ cho hắn, và khai với cảnh sát rằng vợ mới là người lái chiếc Lexus đang gắn cứng vào chiếc Toyota mắc dịch kia. Sẽ bị phạt nhưng vợ không uống rượu nên hình phạt sẽ nhẹ hẳn đi. Hắn thở phào khoan khoái. Nhưng một ý nghĩ thoáng qua trong đầu. Vợ sẽ hỏi đi đâu mà bị tai nạn ở cái chỗ hẻo lánh này, rằng cái hãng của anh đâu có ở khu này, rồi vợ sẽ truy ra cái chuyện làm giờ phụ trội, mấy tháng trời nay ngày nào cũng có giờ phụ trội. Trương mục ngân hàng riêng, tôi biết, nhưng chỉ cho tôi xem, tiền của hãng anh deposit ở chỗ nào. Tôi không thèm của anh một xu nhưng tôi không chấp nhận cái sự lừa dối của anh vân vân và vân vân. Thật là phiền phức. Và rồi không chừng vợ sẽ phanh phui ra cái tổ ấm thứ nhì của hắn nơi con tôm nướng tội nghiệp kia đang nằm co trên vỉ nướng than hồng đỏ rực.

Hắn nuốt nước miếng một cách khó khăn. Và hắn nghĩ tới nàng. Ồ, thật ngốc, từ căn hộ chung cư của nàng lại đây chỉ có hai cái ngã tư. Gọi nàng lại, nhận tội thay cho hắn là hay nhất. Con tôm nướng tươm nước sốt chua ngọt, mới nghĩ đến thôi mà hắn đã thấy tim đập rộn ràng. Chỉ khó khăn là nàng chưa có bằng lái chính thức. Người ta - tức là cảnh sát đấy - sẽ hỏi chưa có bằng lái chính thức làm sao dám lái một mình. Hắn sẽ bảo hắn được phép ngồi bên cạnh. Người ta - cũng vẫn là cảnh sát - sẽ hỏi đi đâu đêm hôm khuya khoắt thế này. Hắn sẽ bảo tập lái xe đêm khuya đường vắng mới yên tâm. Người ta - cũng vẫn là cảnh sát - sẽ thắc mắc khi ngửi mùi rượu nồng nặc từ người hắn, từ hơi thở hắn, sẽ đặt câu hỏi khi thấy hai con mắt hắn đỏ ngầu. Hắn sẽ giải thích hôm nay anniversary của hai người nên hắn nhậu để ăn mừng và nàng chỉ ngồi tiếp rượu. Và hắn cố nhớ xem ban nãy trong bàn ăn, sau khi bị hắn kỳ kèo, ép uổng, nàng có uống rượu đến mức đủ say không. Hắn nhớ nàng bỏ cuộc sớm, lăn vào cái sofa, nằm co như con tôm nướng trong lúc hắn còn say sưa với heo quay, vịt nướng và rượu vang đỏ.

Hắn lấy điện thoại trong túi ra, nhìn đăm đăm màn hình. Bây giờ có hai con số để gọi. Số của mụ chằng tinh và số của con tôm nướng. Biết gọi số nào đây. Cuộc đời sao cứ có những lúc bắt người ta phải chọn lựa khổ tâm như thế này không biết.

Đầu ngón trỏ lướt trên màn hình như vẽ bùa. Hắn ợ một cái thât to, và cắn môi suy nghĩ.

Chợt ánh sáng loé lên. Ngọn đèn trước cửa căn nhà có chiếc xe Toyota bật sáng. Tim hắn thót lại trong lồng ngực. Tiếng cửa mở và hai bóng người - một đàn ông, một đàn bà - trong bộ đồ ngủ với chiếc áo khoác thùng thình bước ra.

“Ông có sao không?” Giọng đàn bà.

“Chúng tôi nghe tiếng động...” Giọng đàn ông.

Hắn lắp bắp, “Tôi trả tiền mặt. Làm ơn... đừng báo cảnh sát.”

“Ồ,” giọng đàn bà. “Không sao, chúng tôi đã gọi cảnh sát rồi. Họ đang trên đường đến đây. Ông có sao không?”

Hắn thừ người ra. Trước khi bày tiệc, con tôm nướng đã dặn dò: “Uống sương sương thôi, đừng có xỉn!”  Hắn ham vui, quên mất tiêu. “Mới sáu tháng mà kỷ niệm cái gì chớ!” Con tôm nướng nói vậy mà chí lý. Phải như để đúng một năm mới làm tiệc aniversary thì đâu đến nỗi này.

Nov. 03. 2020
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ngày 21 tháng 4 năm 1975, Tư Tưởng ghé ngang hậu cứ, dẫn ba thằng em: Bắc Hà, Th/úy Trọng và tui đi nhậu ở quán Thuỷ Tiên, gần Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn ngày xưa, trước khi dời vô Phi trường Vĩnh Long...
Trên đường đến phòng trưng bày tác phẩm nghệ thuật của Gertrude Stein, tôi bước đi với tâm trạng phấn khích của một người sắp gặp Ernest Hemingway. Nắng chiều Paris phản chiếu từ cửa sổ những quán cà phê xuống con đường đá cũ tạo thành bóng râm dài phía trước. Tiếng reo hò chen lẫn tiếng đàn từ mấy quán bar nhỏ nơi góc phố gây nên bầu không khí sôi động dội vào tâm trí tôi...
Tôi bán hàng giải khát trước cổng nhà máy, khách hàng là những công nhân, bộ đội và cán bộ trong nhà máy. Tôi là “mụ” bán hàng “phản động” luôn tơ tưởng đến chuyện vượt biên. “tri kỷ” của tôi có chị Ky buôn bán ở xa cảng miền Tây, nghề mới của chị sau cuộc đổi đời 1975, trước kia chị là nhân viên một ngân hàng quận Gò Vấp. Chị Ky là hàng xóm, hôm nào ghé quán tôi không chỉ để uống ly đá chanh, uống ly cà phê mà cũng là dịp cùng tôi tâm tình than thở cuộc sống dưới thời xã hội chủ nghĩa, mơ ước chuyện vượt biên...
Mạ xếp hạng chuyện học hành của con cái là quan trọng hàng đầu. Với tiệm sách và quán cà phê, Mạ đã quán xuyến, lo cho gia đình có cuộc sống sung túc, thoải mái một thời gian dài...
Nghe tin chú Nghĩa sắp cưới vợ, bà con trong khu phố xôn xao nửa tin nửa ngờ. Chuyện lập gia đình ai trưởng thành chả thế! Ấy vậy mà với chú Nghĩa thì chuyện này hơi lạ. Đến khi chú đem thiệp đi mời hẳn hoi vậy chắc chắn là sự thật rồi không còn nghi ngờ gì nữa!
Từ ngày về hưu non, hai vợ chồng tôi cứ lục lọi hết website này đến website khác để tìm nơi đẹp đi du lịch; sợ rằng sự hào hứng của tuổi trẻ sẽ không còn nữa, nên phải đi hết những chỗ mình ao ước từ hồi nhỏ đã đọc sách mà không có thì giờ và phương tiện để thực hiện...
Cơn mưa nhỏ lướt qua bầu trời từ bình minh cũng đã chấm dứt; một tia nắng vàng lách qua lùm cây sồi chui vào góc chuồng cừu lớn. Những chú cừu đực ngập trong rơm rạ của máng ăn buổi sáng vừa ngẩng đầu về phía tia nắng và kêu be be...
Bây giờ, việc đi về giữa Mỹ và Việt Nam thật dễ dàng. Nhưng vào thập niên 80, 90 người đi kẻ ở tưởng chừng là biệt ly mãi mãi. Bạn đã nói với tôi như thế trong nước mắt. Và với sự ngăn cấm của gia đình, với tuổi trẻ khờ dại nông nổi, họ đã lạc mất nhau. Để rồi suốt phần đời còn lại, nỗi đau vẫn còn là vết thương rưng rức. Tôi xin ghi lại câu chuyện tình của bạn, như là một lời đồng cảm...
Ngạn rời căn nhà đó và xuống đây theo đơn xin đi làm trong hảng thịt bò. Ngày Ngạn đi cũng buồn tẻ ảm đạm như ngày anh rời đất nước. Người vợ và hai đứa con tiễn anh ở bến xe buýt ''Con chó rừng''...
Chiếc ghe vượt biển nhỏ xíu, mỏng mảnh của chúng tôi vậy mà chất lúc nhúc đến hơn 80 thuyền nhân, chẳng khác nào một cái lá lạc loài trên đại dương mênh mông, không biết đâu là bờ bến. Đoàn người rời bỏ quê hương tụm năm tụm ba, rải rác khắp thuyền, co ro trong cái lạnh ngoài khơi xa tít tắp, đầu óc hoang mang với trăm ngàn ý nghĩ...
Hôm ấy, trên facebook Group của nhóm cựu thuyền/ bộ nhân ty nạn Thailand, có xuất hiện bài post của Đức, chụp hình vợ chồng Đức đang tiễn con gái tại sân bay Tân Sơn Nhất đi qua Dallas Hoa Kỳ định cư theo chồng mới cưới. Ôi, chàng Đức chung chuyến tàu của tôi. Nhiều người quen cũ vào để lại những comments chúc mừng, cũng là những người tôi biết mặt biết tên, tôi liền vào tham dự, góp vui...
Người ta nói: “Hết quan là hoàn dân” và chỉ mong có vậy, đừng hết quan hoàn…tàn phế” thì buồn quá! Hôm nay lão Dụng đã tự ngồi dậy được. Lão không nhớ là mình đã nằm như khúc gỗ mục, bất động bao lâu rồi! “Mới đó mà đã lại sang một năm mới. Thời gian bây giờ có nghĩa gì đâu chứ!”: Lão lẩm nhẩm một mình!...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.