Hôm nay,  

Đọc «Sương Ký Ức» của Đặng Mai Lan

01/06/202116:15:00(Xem: 3119)

Suong Ky Uc_Dang Mai Lan


"Lần nào cũng vậy, về lại Sài-Gòn, tôi hay lang thang tìm về những nơi chốn cũ. Tìm tuổi thơ, tuổi trẻ một thời. Tìm những thứ không hình tượng rõ nét trong một ký ức bùi ngùi tiếc nhớ. Tôi tìm những mảnh trời thất lạc, và chỉ thấy mình lạc vào một vùng đất xa lạ. Bây giờ kỷ niệm là đây." ( tr 11)


Đó là nỗi ngậm ngùi của nhân vật Mỹ Linh trong "Sương Ký Ức"  mà nhà văn Đặng Mai Lan vừa mới viết xong sau khi tập truyện ngắn "Người Lạ Người Quen" ra mắt độc giả khắp nơi cách đây không lâu. 

Đặng Mai Lan là một nhà văn không cần dài dòng giới thiệu. Bởi vì, không ai có thể nói về một nhà văn xác thực hơn bằng tác phẩm mà họ đã viết ra. Chính thế, tác phẩm làm nên dấu ấn và làm nên một nhà văn, không ai khác.

Đặng Mai Lan đã tạo ra dấu ấn của mình qua các tập truyện ngắn: Phòng 111 (2000), Tập Sống (2009) Người lạ Người Quen (2018). Và mới nhất là truyện dàì "Sương Ký Ức" (2020).

Sương Ký Ức là cuộc hội ngộ của đôi bạn thân trong bối cảnh của Đà Lạt sương mù. Mỹ Linh và Ly là đôi bạn bé thơ hồn nhiên với những lần bịn rịn chia tay nhau bên cây cầu bắc ngang qua xóm nhỏ. Như hai đoá hoa cúc vàng chớm nở, cô bé ở nơi đầu cầu và cô bé ở cuối chân cầu cùng lớn lên, trở thành hai cô nữ sinh xinh đẹp của tỉnh thành; ngày ngày bay lượn vui chơi trên những con đường Sài-gòn sau giờ tan học. Và với sự hồn nhiên ấy, họ mơ hồ học bài học chiến tranh đầu tiên qua những bài ca phản chiến. Để rồi, định mệnh của họ cũng giống như định mệnh của biết bao người con gái lớn lên trong một đất nước tàn khốc chiến tranh, yêu những người con trai ra chiến trường. Những người đi, và không bao giờ trở lại...

Chiến tranh đã đem đến những cái chết tức tưởi cách chia. Và chiến tranh cũng đã làm cho đôi bạn lưu lạc mỗi người mỗi hướng. Một Mỹ Linh tha hương tận mãi trời Âu, hành trang mang theo là một ký ức chắt chiu; là bóng hình người thương đã không còn rõ nét nhưng nỗi đau trong cô vẫn còn rất mới. Và vì thế, vạt sương ký ức mang theo của Mỹ Linh mãi mãi là mảnh khăn tang trên mái tóc xanh mà cô không thể nào bỏ xuống được. Dù người chết đã hồn tan xác mục. Và đất. Đất đã khô loáng máu...

Từ nửa  vòng trái đất xa xôi, Mỹ Linh băn khoăn tìm về quá khứ. Về, như đi tìm chính mình. Về, để nhìn lại nỗi buồn thanh xuân. Về, để xót xa tìm câu trả lời.

Bạn của Mỹ Linh, Ly; một đứa bé bị bỏ rơi và lớn lên một mình, chẳng ai biết, chẳng ai hay. Mẹ và cha là hai viên kẹo đường mà Ly không bao giờ có được trong đời, vì:

"Cái nghèo nàn cơ cực, sự khốn cùng đã giữ chân mẹ theo lòng bội phản và bạo lực của cha tôi. Một người chồng tính khí lang bạt, suốt đời mê mệt đuổi bắt theo những xa hoa phù phiếm...

... Hạnh phúc nhất của mẹ, của người thôn nữ hiền lành ấy là ngày cô rời bỏ cái khung dệt chiếu. Rời bỏ những bó cói nêm chặt, những cuộn cói  đã se, cuộn tròn lăn lóc trong góc nhà. Rời bỏ gian bếp  tối ám để bước vào ngôi nhà khang trang hơn, gia đình của người thanh niên tuấn tú mà cô từng thầm lặng ngắm nhìn qua song cửa.... ." (tr 23)


Tình yêu dành cho người chồng bội bạc, vũ phu đã khiến cho mẹ của Ly chấp nhận tất cả mọi đắng cay. Theo chồng, bà cam tâm sống ngoài vòng pháp luật, hòa mình với cuộc sống tối đen. Tương lai là chuỗi ngày tháng vô định, là những cuộc truy lùng bắt bớ.

Dưới mái nhà chung của chồng và nàng thiếp non trẻ, người vợ cả chỉ là một kẻ tôi đòi không hơn không kém, bỏ mặc đứa con gái nhỏ của mình ngày qua ngày, lăn lóc sống bên ông bà nội trong lẻ loi hờn tủi.

Không chỉ có sự ruồng rẩy từ gia đình, cha mẹ. Những người đàn ông trong đời cũng bỏ Ly đi, như chú Thịnh: 

"Chú Thịnh nằm trong chiếc bọc nhựa dầy, khuôn mặt phồng lên đầy những lỗ đen sâu hoắm do những mảnh đạn cắm vào" ...(tr 84 )

Và cái chết đau buồn của ông nội, với sợi dây thòng lọng oan nghiệt mãi mãi còn lơ lửng trong Ly:



"...khi tôi được phép bước vào nhà thì ông đã được đặt nằm ngay ngắn ở nhà trên, nơi tấm phản. Bà nội phủ lên người ông một tấm mền mỏng, trước khi chạy ra chợ mua vội vàng một tấm khăn trải giường màu trắng...

...Tôi không được phép  nhìn ông. Nhưng tôi nhìn thấy những sợi giây thừng mà ông bác gần nhà đã quấn lại và niêm kỹ vào một chiếc túi". (tr 84)


Không riêng gì những người thân đã lần lượt bỏ Ly đi, hai cuộc tình yêu dấu với Thiện và người con trai cũng tên Thịnh, rốt cuộc cũng đi vào ngõ cụt vì những định kiến mơ hồ về sự nghèo hèn và môn đăng hộ đối:


"Thế mà Thiện đã rời bỏ tôi không một nguyên nhân. Một lúc nào rồi Thịnh cũng thế thôi...

Tôi nghĩ, đến một lúc nào đó, cái bức tường gia giáo sẽ hiện ra, chắn lối. Và thương tôi cỡ nào Thịnh cũng không cách chi phá vỡ để vượt qua....

...Thịnh sẽ ra đi ngày mai, coi như đã ra đi. Tôi ở lại với mẹ tôi, tôi phải gần bà suốt đời dù cả hai không ai có thể mang lại hạnh phúc cho ai. Nhưng hai mẹ con tôi phải dính liền nhau ở cái chái bếp này, mỗi buổi tối bên thúng lá, rổ đậu và những giọt nước mắt riêng tư thầm lặng..."(tr 129)


Đêm cuối cùng chia tay Thịnh, Ly dứt khoát quay lưng với cơ hội theo người yêu đến một nơi không còn sự ghẻ lạnh. Đi với Thịnh, một chân trời mới sẽ mở ra. Tương lai sẽ mở ra. Đi với Thịnh, biết đâu cô sẽ có một mái ấm gia đình của chính mình nơi xứ người. Nhưng không, cô không muốn bỏ mẹ như mẹ đã từng bỏ cô. Sự hy sinh của người con bị ruồng rẩy thật là quá lớn...Vì thương mẹ, Ly đã chọn ở lại. Ở lại, để từng ngày, từng ngày chìm trôi trong những vạt sương buồn không lối thoát. Sương quá khứ bủa vây, cùng với một hiện tại khốn khổ đã khiến cho người bạn của Mỹ Linh từ bao giờ đã trở nên chai lì, dửng dưng với một tương lai mà có lẽ cô không bao giờ nắm bắt và hình dung được.


Qua Sương Ký Ức, nhà văn đã đưa người đọc trở về không gian "Sài Gòn xưa" của hơn bốn mươi lăm năm về trước với các nơi chốn như Đa Kao, công trường Kennedy, bánh cuốn Tây Hồ, v..v.. Với ngôn ngữ thời thượng của lớp choai choai như " bum", "ban" và "xét giấy". Và các vật dụng hàng ngày nhỏ nhoi, tầm thường nhất nhưng vô cùng yêu dấu như công tắc điện bằng sứ, đôi guốc, tà áo dài lụa, xe Yamaha, chiếc dây thắt lưng có khoen vàng to bự, vòng đeo tay rất mode của mấy cô. Và dễ thương nhất là hình ảnh quen thuộc của các cô nàng hippie cuống cuồng khi làm rớt chiếc giày Sa-bô xuống đường trong lúc đèo nhau trên Honda lượn lờ rong chơi.

Trong suốt mười sáu chương, Đặng Mai Lan đã lật lại từng trang ký ức của mỗi nhân vật. Mỗi chương là một nỗi buồn không tan. Mỗi chương là một vạt sương ký ức mênh mang…

Ai ai cũng có ký ức. Ký ức. Mong manh như sương khói. Từng vạt. Trôi tản mản trong tiềm  thức của mỗi người. Có khi tưởng chừng như đã biến tan theo thời gian, theo cuộc sống.

 Vậy mà..., đôi khi trong phút không ngờ nhất và ở một chỗ không ngờ nhất..., lại trùng trùng từ trong tận cùng nỗi nhớ lồng lộng hiện về vây bũa...

Ký ức. Chỉ là sương. Chỉ là huyễn mây. Nhưng khi hiển hiện, có thể khiến cho người ngậm ngùi hạnh phúc hoặc có khi đem về lại những niềm đau quắn quíu...Và có mấy ai trong chúng ta cũng như Ly, như Mỹ Linh;  không từng một lần trong đời, loanh quanh trong rừng ký ức mù sương của mình...

Và vì thế; mời bạn, hãy cùng đi vào vùng "Sương Ký Ức" của Đặng Mai Lan để bước xuyên thủng qua lớp sương mù ký ức dày đặc của chính mình. Chiêm nghiệm lại nỗi buồn hay hạnh phúc quẩn quanh cất dấu. Và, một lần. Cất bước đi tìm lại chính bạn...



Hoàng Thị Bích Ti

(Tháng mười , 2020)



* Bạn đọc có thể tìm mua "Sương Ký Ức" tại trang nhà Barnes & Noble vào link kèm dưới đây :

 

https://www.barnesandnoble.com/w/suong-ky-uc-dang-mai-lan/1137979956?ean=9781663583895

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Không ai ngờ nhà thơ này làm được các bài thơ kể chuyện về các Thiền sư Việt Nam trong thể thơ Đường luật, y hệt như khai mở lại một mạch nguồn thi ca sinh động. Những bài thơ của thầy, tinh luyện từng chữ, dịu dàng mang hơi thở Thiền Tông Việt Nam. Tôi đọc và kinh ngạc, như gặp lại một tri kỷ những năm rất xưa cũ, nhưng với một chân trời thi ca hoàn toàn mới. Nơi đó, riêng một mình Thầy Thích Chúc Hiền bước đi đơn độc, trong văn phong thanh thản, giữa những như dường gian nan trong từng chữ, từng ý đối, từng vần trau chuốt khó gieo, và trong từng âm vang Thiền ngữ. Tôi đọc và cảm nhận từng trang thơ đầy những tràn ngập hạnh phúc, hẳn nhiên là cho cả thi sĩ Thích Chúc Hiền và cho cả những độc giả khó tính như tôi. Từ thầy, tôi nhận ra rằng thơ Đường luật không hề cũ, chỉ là vì mình đã tránh né một lối đi rất khó khăn của thi ca.
THUYỀN là cuốn tiểu thuyết của nhà thơ Nguyễn Đức Tùng. Tác phẩm thuật lại chuyến vượt biên bằng đường biển của một nhóm người khi phong trào vượt biên trong nước lên cao, vào khoảng giữa hai thập niên 70s và 80s. Vì là tiểu thuyết nên cuốn sách thoát xác ra khỏi dạng hồi ký (mặc dù tự sự của nó bám sát sự thật và những điều có thể xem như sự thật) và nhất là nhờ được viết với bút pháp “dòng ý thức” nên nó đồng thời bật mở những suy nghiệm về lịch sử, chiến tranh, quê hương, tình yêu, sự sống, sự chết, sự tàn bạo, lòng nhân đạo, ký ức, lòng khao khát được sống, dòng chảy thời gian, cái nhẹ của nhân sinh, và nhiều thứ khác...
Tôi kinh ngạc khi thấy mình có thể sống trong rất nhiều thế giới trong một ngày. Bật máy vi tính lên, tìm các bản tin thế giới và quê nhà qua Google, chọn tin và dịch. Từ những xúc động có khi rơi nước mắt khi đọc tin về nỗi đau đớn của những người đang sống dưới mưa bom như Palestine, Ukraine, cho tới nỗi lo lắng khi thấy các bản tin về Biển Đông và đói kém ở quê nhà, cho tới những sân si trong thế giới quyền lực ở Hoa Kỳ... Thời gian nghỉ tay, đọc những dòng thơ nơi này hay nơi kia, từ khắp thế giới, là hạnh phúc đời thường của tôi. Trong đó, tôi thường theo dõi những dòng chữ của nhà thơ Thiện Trí, người cũng là một thiền sư đang dạy Thiền thực nghiệm ở Nam California. Có khi tôi mở bản sách giấy ra xem, và có khi vào Facebook tìm đọc "Monk Thiện Trí."
Cuốn tiểu thuyết “Đường về thủy phủ” của nhà văn Trịnh Y Thư là một tác phẩm ám ảnh và đầy trăn trở, khiến tôi phải đọc đi đọc lại và phải suy ngẫm nhiều lần. Vì sao? Vì mỗi khi khép sách lại, tôi luôn có cảm tưởng dường như mình đã bỏ sót một điều gì đó…
Tôi sẽ nói gì về Phiến Hạ khi mùa hè chưa tới? Khi biển đã rộn ràng khơi nồng trong gió? Tôi có thể gợi khêu gọi nắng lên nhân quần khi lạnh gây vẫn u ẩn không gian? Có lẽ tôi sẽ mơ một khắc giây hội tụ, khát vọng liền tâm. Những mối dây xoắn gút cột thắt linh hồn. Ôi tôi mong bức đứt, chặt phăng mắt xích trói ghì...
Viết cho thế hệ trẻ là quan tâm lớn của nhiều nhà văn gốc Việt. Và mới trong tháng qua, nhà văn Trần Ngọc Ánh vừa ấn hành 2 bản dịch tiếng Anh, tiếng Pháp của tập hồi ký “Ba, Con Không Muốn Là Người Cộng Sản.” Bản dịch sang tiếng Anh do dịch giả Kim Vũ từ California thực hiện, nhan đề “Daddy, I don't Want to be a Communist.” Bản dịch sang tiếng Pháp do dịch giả Bảo Hưng từ Paris thực hiện, nhan đề “Papa, Je ne voudrais pas être communiste.” Cả hai bản dịch này ấn hành chung trong cuốn sách dày 184 trang. Bìa sách thực hiện bởi hai họa sĩ: Trần Nho Bụi và Phan Trường Ân. Một số tranh trong sách là từ họa sĩ Nguyễn Tư.
Có những cách để tưởng niệm 50 năm ngày Miền Nam tự do sụp đổ. Trong khi những cuộc hội thảo, chiếu phim, nhạc hội... do cộng đồng tổ chức sôi nổi khắp những tuần lễ trong tháng 4/2025, nhà văn Phan Nhật Nam và dịch giả Kim Vu có một cách lặng lẽ hơn: Dịch giả Kim Vu trong tháng Tư 2025 đã ấn hành tác phẩm tiếng Anh “The Sound Of A Suffering Land” – tuyển tập bản dịch 8 truyện của nhà văn Phan Nhật Nam.
Thơ mộng, uyên bác, thấu suốt Phật lý... Những dòng thơ của Thầy Tuệ Sỹ hiện lên trang giấy như các dãy núi nơi những đỉnh cao ẩn hiện mơ hồ giữa các vầng mây. Do vậy, dịch thơ Thầy Tuệ Sỹ qua tiếng Anh cũng là một công trình lớn, khi phải cân nhắc từng chữ một để giữ được cái thơ mộng, cái uyên bác, và cái nhìn thấu suốt ba cõi sáu đường của một nhà sư thiên tài, độc đáo của dân tộc. Hai dịch giả Terry Lee và Phe X. Bạch đã làm được phần rất lớn trong việc giới thiệu thơ của Thầy Tuệ Sỹ cho các độc giả trong thế giới Anh ngữ.
Mặc dù chỉ mới ba năm trôi qua kể từ khi bà Merkel rời nhiệm sở, nhưng thế giới đã thay đổi quá nhiều đến mức mà chức thủ tướng của bà đã được cảm thấy như nó thuộc về một thời đại khác. Cuốn hồi ký mới của bà cho thấy bà bình tâm với những quyết định đã đưa ra, bao gồm cả những quyết định bị phê phán nghiêm khắc nhất.
Nhà thơ, nhà báo Phạm Chu Sa đã tổ chức một buổi ra mắt hai tác phẩm trong vòng thân hữu tại tư gia của họa sĩ Nguyễn Đình Thuần chiều Thứ Sáu 2/5/2025. Tập thơ nhan đề “Tình Không” -- ấn hành cuối đời, gom lại tất cả các bài thơ tình của nhà thơ trong đó có 36 bài thơ đã đăng trước 1975 trên các tuần báo Khởi Hành, Tuổi Ngọc và các tạp chí Văn, Vấn Đề... và nhiều bài thơ tình gần đây. Cuốn thứ nhì là hồi ức “Chuyện Làng Văn” về các mảng đời trước và sau 1975 của 50 văn nghệ sĩ mà tác giả có cơ duyên thân tình.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.