Hôm nay,  

Đọc «Sương Ký Ức» của Đặng Mai Lan

01/06/202116:15:00(Xem: 2515)

Suong Ky Uc_Dang Mai Lan


"Lần nào cũng vậy, về lại Sài-Gòn, tôi hay lang thang tìm về những nơi chốn cũ. Tìm tuổi thơ, tuổi trẻ một thời. Tìm những thứ không hình tượng rõ nét trong một ký ức bùi ngùi tiếc nhớ. Tôi tìm những mảnh trời thất lạc, và chỉ thấy mình lạc vào một vùng đất xa lạ. Bây giờ kỷ niệm là đây." ( tr 11)


Đó là nỗi ngậm ngùi của nhân vật Mỹ Linh trong "Sương Ký Ức"  mà nhà văn Đặng Mai Lan vừa mới viết xong sau khi tập truyện ngắn "Người Lạ Người Quen" ra mắt độc giả khắp nơi cách đây không lâu. 

Đặng Mai Lan là một nhà văn không cần dài dòng giới thiệu. Bởi vì, không ai có thể nói về một nhà văn xác thực hơn bằng tác phẩm mà họ đã viết ra. Chính thế, tác phẩm làm nên dấu ấn và làm nên một nhà văn, không ai khác.

Đặng Mai Lan đã tạo ra dấu ấn của mình qua các tập truyện ngắn: Phòng 111 (2000), Tập Sống (2009) Người lạ Người Quen (2018). Và mới nhất là truyện dàì "Sương Ký Ức" (2020).

Sương Ký Ức là cuộc hội ngộ của đôi bạn thân trong bối cảnh của Đà Lạt sương mù. Mỹ Linh và Ly là đôi bạn bé thơ hồn nhiên với những lần bịn rịn chia tay nhau bên cây cầu bắc ngang qua xóm nhỏ. Như hai đoá hoa cúc vàng chớm nở, cô bé ở nơi đầu cầu và cô bé ở cuối chân cầu cùng lớn lên, trở thành hai cô nữ sinh xinh đẹp của tỉnh thành; ngày ngày bay lượn vui chơi trên những con đường Sài-gòn sau giờ tan học. Và với sự hồn nhiên ấy, họ mơ hồ học bài học chiến tranh đầu tiên qua những bài ca phản chiến. Để rồi, định mệnh của họ cũng giống như định mệnh của biết bao người con gái lớn lên trong một đất nước tàn khốc chiến tranh, yêu những người con trai ra chiến trường. Những người đi, và không bao giờ trở lại...

Chiến tranh đã đem đến những cái chết tức tưởi cách chia. Và chiến tranh cũng đã làm cho đôi bạn lưu lạc mỗi người mỗi hướng. Một Mỹ Linh tha hương tận mãi trời Âu, hành trang mang theo là một ký ức chắt chiu; là bóng hình người thương đã không còn rõ nét nhưng nỗi đau trong cô vẫn còn rất mới. Và vì thế, vạt sương ký ức mang theo của Mỹ Linh mãi mãi là mảnh khăn tang trên mái tóc xanh mà cô không thể nào bỏ xuống được. Dù người chết đã hồn tan xác mục. Và đất. Đất đã khô loáng máu...

Từ nửa  vòng trái đất xa xôi, Mỹ Linh băn khoăn tìm về quá khứ. Về, như đi tìm chính mình. Về, để nhìn lại nỗi buồn thanh xuân. Về, để xót xa tìm câu trả lời.

Bạn của Mỹ Linh, Ly; một đứa bé bị bỏ rơi và lớn lên một mình, chẳng ai biết, chẳng ai hay. Mẹ và cha là hai viên kẹo đường mà Ly không bao giờ có được trong đời, vì:

"Cái nghèo nàn cơ cực, sự khốn cùng đã giữ chân mẹ theo lòng bội phản và bạo lực của cha tôi. Một người chồng tính khí lang bạt, suốt đời mê mệt đuổi bắt theo những xa hoa phù phiếm...

... Hạnh phúc nhất của mẹ, của người thôn nữ hiền lành ấy là ngày cô rời bỏ cái khung dệt chiếu. Rời bỏ những bó cói nêm chặt, những cuộn cói  đã se, cuộn tròn lăn lóc trong góc nhà. Rời bỏ gian bếp  tối ám để bước vào ngôi nhà khang trang hơn, gia đình của người thanh niên tuấn tú mà cô từng thầm lặng ngắm nhìn qua song cửa.... ." (tr 23)


Tình yêu dành cho người chồng bội bạc, vũ phu đã khiến cho mẹ của Ly chấp nhận tất cả mọi đắng cay. Theo chồng, bà cam tâm sống ngoài vòng pháp luật, hòa mình với cuộc sống tối đen. Tương lai là chuỗi ngày tháng vô định, là những cuộc truy lùng bắt bớ.

Dưới mái nhà chung của chồng và nàng thiếp non trẻ, người vợ cả chỉ là một kẻ tôi đòi không hơn không kém, bỏ mặc đứa con gái nhỏ của mình ngày qua ngày, lăn lóc sống bên ông bà nội trong lẻ loi hờn tủi.

Không chỉ có sự ruồng rẩy từ gia đình, cha mẹ. Những người đàn ông trong đời cũng bỏ Ly đi, như chú Thịnh: 

"Chú Thịnh nằm trong chiếc bọc nhựa dầy, khuôn mặt phồng lên đầy những lỗ đen sâu hoắm do những mảnh đạn cắm vào" ...(tr 84 )

Và cái chết đau buồn của ông nội, với sợi dây thòng lọng oan nghiệt mãi mãi còn lơ lửng trong Ly:



"...khi tôi được phép bước vào nhà thì ông đã được đặt nằm ngay ngắn ở nhà trên, nơi tấm phản. Bà nội phủ lên người ông một tấm mền mỏng, trước khi chạy ra chợ mua vội vàng một tấm khăn trải giường màu trắng...

...Tôi không được phép  nhìn ông. Nhưng tôi nhìn thấy những sợi giây thừng mà ông bác gần nhà đã quấn lại và niêm kỹ vào một chiếc túi". (tr 84)


Không riêng gì những người thân đã lần lượt bỏ Ly đi, hai cuộc tình yêu dấu với Thiện và người con trai cũng tên Thịnh, rốt cuộc cũng đi vào ngõ cụt vì những định kiến mơ hồ về sự nghèo hèn và môn đăng hộ đối:


"Thế mà Thiện đã rời bỏ tôi không một nguyên nhân. Một lúc nào rồi Thịnh cũng thế thôi...

Tôi nghĩ, đến một lúc nào đó, cái bức tường gia giáo sẽ hiện ra, chắn lối. Và thương tôi cỡ nào Thịnh cũng không cách chi phá vỡ để vượt qua....

...Thịnh sẽ ra đi ngày mai, coi như đã ra đi. Tôi ở lại với mẹ tôi, tôi phải gần bà suốt đời dù cả hai không ai có thể mang lại hạnh phúc cho ai. Nhưng hai mẹ con tôi phải dính liền nhau ở cái chái bếp này, mỗi buổi tối bên thúng lá, rổ đậu và những giọt nước mắt riêng tư thầm lặng..."(tr 129)


Đêm cuối cùng chia tay Thịnh, Ly dứt khoát quay lưng với cơ hội theo người yêu đến một nơi không còn sự ghẻ lạnh. Đi với Thịnh, một chân trời mới sẽ mở ra. Tương lai sẽ mở ra. Đi với Thịnh, biết đâu cô sẽ có một mái ấm gia đình của chính mình nơi xứ người. Nhưng không, cô không muốn bỏ mẹ như mẹ đã từng bỏ cô. Sự hy sinh của người con bị ruồng rẩy thật là quá lớn...Vì thương mẹ, Ly đã chọn ở lại. Ở lại, để từng ngày, từng ngày chìm trôi trong những vạt sương buồn không lối thoát. Sương quá khứ bủa vây, cùng với một hiện tại khốn khổ đã khiến cho người bạn của Mỹ Linh từ bao giờ đã trở nên chai lì, dửng dưng với một tương lai mà có lẽ cô không bao giờ nắm bắt và hình dung được.


Qua Sương Ký Ức, nhà văn đã đưa người đọc trở về không gian "Sài Gòn xưa" của hơn bốn mươi lăm năm về trước với các nơi chốn như Đa Kao, công trường Kennedy, bánh cuốn Tây Hồ, v..v.. Với ngôn ngữ thời thượng của lớp choai choai như " bum", "ban" và "xét giấy". Và các vật dụng hàng ngày nhỏ nhoi, tầm thường nhất nhưng vô cùng yêu dấu như công tắc điện bằng sứ, đôi guốc, tà áo dài lụa, xe Yamaha, chiếc dây thắt lưng có khoen vàng to bự, vòng đeo tay rất mode của mấy cô. Và dễ thương nhất là hình ảnh quen thuộc của các cô nàng hippie cuống cuồng khi làm rớt chiếc giày Sa-bô xuống đường trong lúc đèo nhau trên Honda lượn lờ rong chơi.

Trong suốt mười sáu chương, Đặng Mai Lan đã lật lại từng trang ký ức của mỗi nhân vật. Mỗi chương là một nỗi buồn không tan. Mỗi chương là một vạt sương ký ức mênh mang…

Ai ai cũng có ký ức. Ký ức. Mong manh như sương khói. Từng vạt. Trôi tản mản trong tiềm  thức của mỗi người. Có khi tưởng chừng như đã biến tan theo thời gian, theo cuộc sống.

 Vậy mà..., đôi khi trong phút không ngờ nhất và ở một chỗ không ngờ nhất..., lại trùng trùng từ trong tận cùng nỗi nhớ lồng lộng hiện về vây bũa...

Ký ức. Chỉ là sương. Chỉ là huyễn mây. Nhưng khi hiển hiện, có thể khiến cho người ngậm ngùi hạnh phúc hoặc có khi đem về lại những niềm đau quắn quíu...Và có mấy ai trong chúng ta cũng như Ly, như Mỹ Linh;  không từng một lần trong đời, loanh quanh trong rừng ký ức mù sương của mình...

Và vì thế; mời bạn, hãy cùng đi vào vùng "Sương Ký Ức" của Đặng Mai Lan để bước xuyên thủng qua lớp sương mù ký ức dày đặc của chính mình. Chiêm nghiệm lại nỗi buồn hay hạnh phúc quẩn quanh cất dấu. Và, một lần. Cất bước đi tìm lại chính bạn...



Hoàng Thị Bích Ti

(Tháng mười , 2020)



* Bạn đọc có thể tìm mua "Sương Ký Ức" tại trang nhà Barnes & Noble vào link kèm dưới đây :

 

https://www.barnesandnoble.com/w/suong-ky-uc-dang-mai-lan/1137979956?ean=9781663583895

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong đời, thế nào cũng có lúc chúng ta nằm bệnh, hoặc có người thân nằm bệnh. Trường hợp như thế, lời khuyên thực dụng nhất là nên tìm đọc và áp dụng những dòng thơ Ngọa Bệnh Ca của Ni Trưởng Trí Hải. Thí dụ như những dòng thơ: Hãy để tâm vắng lặng Theo dõi hơi ra vào Thấm nhuần chân diệu pháp Trong từng mỗi tế bào Hãy biến ngay giường bệnh Thành một chốn đạo tràng.
Đọc xong đã lâu, định bụng sẽ viết những cảm nhận nhưng cứ lần lữa hoài. Dẫu biết rằng “Phò mã tốt áo” không cần phải khen, nói chỉ thêm dở, tán thêm tệ, viết lại thừa nhưng không viết thì tâm cảm thấy không yên. Cuối cùng rồi tôi cũng thắng được sự lười biếng để ngồi xuống trang trải chút tâm ý với đời. Cuốn Trong Những Thoáng Chốc dày 350 trang là tập tùy bút và tạp ghi của nhà văn Vĩnh Hảo. Vĩnh Hảo là một cây bút đầy nội lực và sung mãn, anh viết trong suốt mấy chục năm ở hải ngoại. Anh đã cho xuất bản 13 tác phẩm văn và thơ, ngoài ra còn có hàng trăm bài viết khác trên các trang mạng của bạn bè. Anh còn có trang web www.vinhhao.info lưu giữ tất cả những sáng tác. Vĩnh Hảo vừa là họ tên và cũng là bút danh.
Đọc xong hai quyển “Theo dấu thư hương” và “Chỉ là đồ chơi” của nhà văn Trịnh Y Thư đã lâu, trong lòng cảm hứng muốn viết một chút cảm nhận nhưng cứ bận bịu nên lần lữa mãi. Thật ra mà nói thì tôi cũng không biết viết như thế nào và bắt đầu từ đâu, đây là lần đầu làm cái việc viết cảm nhận về sách. Tôi biết mình không có khả năng đọc sâu, nhìn nhận hay phân tích. Tôi xưa nay vốn đơn thuần dùng cảm tính chứ chẳng biết dùng lý tính nên cứ mơ hồ ngu ngơ...
Từ hồi trẻ, tôi đã có thói quen là những ngày giáp Tết thì bắt đầu chọn một vài bài nhạc xuân để nghe; và trong những ngày đầu năm thì sẽ đọc một cuốn sách. Thói quen “khai sách đầu xuân” có thêm một chi tiết khi tuổi quá độ “ngũ thập nhi tri thiên mệnh”: đọc một cuốn sách có chủ đề về Phật Giáo. Trong năm Giáp Thìn này, tôi chọn cuốn “Từ Mặc Chiếu Đến Như Huyễn” của một tác giả cũng tuổi con rồng: cư sĩ Nguyên Giác, cũng là nhà báo Phan Tấn Hải. Giới thiệu “tác giả, tác phẩm” dài dòng như vậy, nhưng đối với tôi, người viết đơn giản chỉ là anh Hải, một người anh thân thiết, đã từng có một thời ngồi gõ bàn phím chung trong tòa soạn Việt Báo ở phố Moran. Đọc sách của anh Hải, tôi cũng không dám “điểm sách” hay “phê bình sách”, vì có thể sẽ bị anh phán rằng “… viết như cậu thì chỉ… làm phí cây rừng thôi!” Bài viết này chỉ ghi lại một vài niềm hứng khởi khi được tặng sách, khi đọc qua cuốn sách mà cái tựa cũng đã chạm sâu thẳm vào những điều bản thân đang chiêm nghiệm.
Tiểu Lục Thần Phong, tên thật là Nguyễn Thanh Hiền, sinh năm 1971, nguyên quán Diêu Trì, Bình Định, hiện sinh sống tại Georgia, Hoa Kỳ, là cây viết sung sức và quen thuộc của các báo Chánh Pháp, Việt Báo (California), Trẻ (Houston, Texas)... Đã xuất bản 10 tác phẩm gồm Văn, Thơ và nhiều tác phẩm in chung khác...
Phê Bình . Nhận Định -- BÙI VĨNH PHÚC -- VĂN HỌC PRESS xuất bản, 2024...
NGÔ THẾ VINH, BẰNG HỮU VÀ VĂN CHƯƠNG là tuyển tập đặc biệt thứ ba, do tạp chí Ngôn Ngữ hân hạnh đứng tên xuất bản và phát hành rộng rãi...
Trong 3 thập niên qua, trong lãnh vực văn học nghệ thuật với văn, thơ, âm nhạc... tôi đã viết về tác giả, tác phẩm cho các tờ báo cộng tác và đảm trách sau đó được phổ biến trên các website & blogspost...
Gọi là “Hạnh ngộ” vì đây là sự kiện thi ca hiếm có xảy ra tại Việt Nam, do một cá nhân, chính là dịch giả chuyển ngữ đề xướng và được hơn 240 tác giả thơ ở khắp nơi trong nước và 60 tác giả thơ hải ngoại, sinh sống và làm việc tại 7 quốc gia trên thế giới cùng “gặp nhau” trong một tuyển tập “đồ sộ” song ngữ Việt-Anh, mang tên “Nhịp Điệu Việt / The Rhythm of Vietnam”...
Chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ và nay chúng ta đang sống trong giai đoạn 4.0 nên thế giới phẳng. Nhờ đó có sự kết nối giao lưu tương tác giữa những người có cùng sở thích. Trong số những tín đồ thi ca, tác giả Ngọc Trân là một trong những cây bút sáng tác nhiều thơ trữ tình. Gần đây anh có gửi cho tôi bản thảo tập thơ Tìm Lại Dấu Xưa sắp xuất bản có trên 100 bài...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.