Hôm nay,  

Đọc «Sương Ký Ức» của Đặng Mai Lan

01/06/202116:15:00(Xem: 2502)

Suong Ky Uc_Dang Mai Lan


"Lần nào cũng vậy, về lại Sài-Gòn, tôi hay lang thang tìm về những nơi chốn cũ. Tìm tuổi thơ, tuổi trẻ một thời. Tìm những thứ không hình tượng rõ nét trong một ký ức bùi ngùi tiếc nhớ. Tôi tìm những mảnh trời thất lạc, và chỉ thấy mình lạc vào một vùng đất xa lạ. Bây giờ kỷ niệm là đây." ( tr 11)


Đó là nỗi ngậm ngùi của nhân vật Mỹ Linh trong "Sương Ký Ức"  mà nhà văn Đặng Mai Lan vừa mới viết xong sau khi tập truyện ngắn "Người Lạ Người Quen" ra mắt độc giả khắp nơi cách đây không lâu. 

Đặng Mai Lan là một nhà văn không cần dài dòng giới thiệu. Bởi vì, không ai có thể nói về một nhà văn xác thực hơn bằng tác phẩm mà họ đã viết ra. Chính thế, tác phẩm làm nên dấu ấn và làm nên một nhà văn, không ai khác.

Đặng Mai Lan đã tạo ra dấu ấn của mình qua các tập truyện ngắn: Phòng 111 (2000), Tập Sống (2009) Người lạ Người Quen (2018). Và mới nhất là truyện dàì "Sương Ký Ức" (2020).

Sương Ký Ức là cuộc hội ngộ của đôi bạn thân trong bối cảnh của Đà Lạt sương mù. Mỹ Linh và Ly là đôi bạn bé thơ hồn nhiên với những lần bịn rịn chia tay nhau bên cây cầu bắc ngang qua xóm nhỏ. Như hai đoá hoa cúc vàng chớm nở, cô bé ở nơi đầu cầu và cô bé ở cuối chân cầu cùng lớn lên, trở thành hai cô nữ sinh xinh đẹp của tỉnh thành; ngày ngày bay lượn vui chơi trên những con đường Sài-gòn sau giờ tan học. Và với sự hồn nhiên ấy, họ mơ hồ học bài học chiến tranh đầu tiên qua những bài ca phản chiến. Để rồi, định mệnh của họ cũng giống như định mệnh của biết bao người con gái lớn lên trong một đất nước tàn khốc chiến tranh, yêu những người con trai ra chiến trường. Những người đi, và không bao giờ trở lại...

Chiến tranh đã đem đến những cái chết tức tưởi cách chia. Và chiến tranh cũng đã làm cho đôi bạn lưu lạc mỗi người mỗi hướng. Một Mỹ Linh tha hương tận mãi trời Âu, hành trang mang theo là một ký ức chắt chiu; là bóng hình người thương đã không còn rõ nét nhưng nỗi đau trong cô vẫn còn rất mới. Và vì thế, vạt sương ký ức mang theo của Mỹ Linh mãi mãi là mảnh khăn tang trên mái tóc xanh mà cô không thể nào bỏ xuống được. Dù người chết đã hồn tan xác mục. Và đất. Đất đã khô loáng máu...

Từ nửa  vòng trái đất xa xôi, Mỹ Linh băn khoăn tìm về quá khứ. Về, như đi tìm chính mình. Về, để nhìn lại nỗi buồn thanh xuân. Về, để xót xa tìm câu trả lời.

Bạn của Mỹ Linh, Ly; một đứa bé bị bỏ rơi và lớn lên một mình, chẳng ai biết, chẳng ai hay. Mẹ và cha là hai viên kẹo đường mà Ly không bao giờ có được trong đời, vì:

"Cái nghèo nàn cơ cực, sự khốn cùng đã giữ chân mẹ theo lòng bội phản và bạo lực của cha tôi. Một người chồng tính khí lang bạt, suốt đời mê mệt đuổi bắt theo những xa hoa phù phiếm...

... Hạnh phúc nhất của mẹ, của người thôn nữ hiền lành ấy là ngày cô rời bỏ cái khung dệt chiếu. Rời bỏ những bó cói nêm chặt, những cuộn cói  đã se, cuộn tròn lăn lóc trong góc nhà. Rời bỏ gian bếp  tối ám để bước vào ngôi nhà khang trang hơn, gia đình của người thanh niên tuấn tú mà cô từng thầm lặng ngắm nhìn qua song cửa.... ." (tr 23)


Tình yêu dành cho người chồng bội bạc, vũ phu đã khiến cho mẹ của Ly chấp nhận tất cả mọi đắng cay. Theo chồng, bà cam tâm sống ngoài vòng pháp luật, hòa mình với cuộc sống tối đen. Tương lai là chuỗi ngày tháng vô định, là những cuộc truy lùng bắt bớ.

Dưới mái nhà chung của chồng và nàng thiếp non trẻ, người vợ cả chỉ là một kẻ tôi đòi không hơn không kém, bỏ mặc đứa con gái nhỏ của mình ngày qua ngày, lăn lóc sống bên ông bà nội trong lẻ loi hờn tủi.

Không chỉ có sự ruồng rẩy từ gia đình, cha mẹ. Những người đàn ông trong đời cũng bỏ Ly đi, như chú Thịnh: 

"Chú Thịnh nằm trong chiếc bọc nhựa dầy, khuôn mặt phồng lên đầy những lỗ đen sâu hoắm do những mảnh đạn cắm vào" ...(tr 84 )

Và cái chết đau buồn của ông nội, với sợi dây thòng lọng oan nghiệt mãi mãi còn lơ lửng trong Ly:



"...khi tôi được phép bước vào nhà thì ông đã được đặt nằm ngay ngắn ở nhà trên, nơi tấm phản. Bà nội phủ lên người ông một tấm mền mỏng, trước khi chạy ra chợ mua vội vàng một tấm khăn trải giường màu trắng...

...Tôi không được phép  nhìn ông. Nhưng tôi nhìn thấy những sợi giây thừng mà ông bác gần nhà đã quấn lại và niêm kỹ vào một chiếc túi". (tr 84)


Không riêng gì những người thân đã lần lượt bỏ Ly đi, hai cuộc tình yêu dấu với Thiện và người con trai cũng tên Thịnh, rốt cuộc cũng đi vào ngõ cụt vì những định kiến mơ hồ về sự nghèo hèn và môn đăng hộ đối:


"Thế mà Thiện đã rời bỏ tôi không một nguyên nhân. Một lúc nào rồi Thịnh cũng thế thôi...

Tôi nghĩ, đến một lúc nào đó, cái bức tường gia giáo sẽ hiện ra, chắn lối. Và thương tôi cỡ nào Thịnh cũng không cách chi phá vỡ để vượt qua....

...Thịnh sẽ ra đi ngày mai, coi như đã ra đi. Tôi ở lại với mẹ tôi, tôi phải gần bà suốt đời dù cả hai không ai có thể mang lại hạnh phúc cho ai. Nhưng hai mẹ con tôi phải dính liền nhau ở cái chái bếp này, mỗi buổi tối bên thúng lá, rổ đậu và những giọt nước mắt riêng tư thầm lặng..."(tr 129)


Đêm cuối cùng chia tay Thịnh, Ly dứt khoát quay lưng với cơ hội theo người yêu đến một nơi không còn sự ghẻ lạnh. Đi với Thịnh, một chân trời mới sẽ mở ra. Tương lai sẽ mở ra. Đi với Thịnh, biết đâu cô sẽ có một mái ấm gia đình của chính mình nơi xứ người. Nhưng không, cô không muốn bỏ mẹ như mẹ đã từng bỏ cô. Sự hy sinh của người con bị ruồng rẩy thật là quá lớn...Vì thương mẹ, Ly đã chọn ở lại. Ở lại, để từng ngày, từng ngày chìm trôi trong những vạt sương buồn không lối thoát. Sương quá khứ bủa vây, cùng với một hiện tại khốn khổ đã khiến cho người bạn của Mỹ Linh từ bao giờ đã trở nên chai lì, dửng dưng với một tương lai mà có lẽ cô không bao giờ nắm bắt và hình dung được.


Qua Sương Ký Ức, nhà văn đã đưa người đọc trở về không gian "Sài Gòn xưa" của hơn bốn mươi lăm năm về trước với các nơi chốn như Đa Kao, công trường Kennedy, bánh cuốn Tây Hồ, v..v.. Với ngôn ngữ thời thượng của lớp choai choai như " bum", "ban" và "xét giấy". Và các vật dụng hàng ngày nhỏ nhoi, tầm thường nhất nhưng vô cùng yêu dấu như công tắc điện bằng sứ, đôi guốc, tà áo dài lụa, xe Yamaha, chiếc dây thắt lưng có khoen vàng to bự, vòng đeo tay rất mode của mấy cô. Và dễ thương nhất là hình ảnh quen thuộc của các cô nàng hippie cuống cuồng khi làm rớt chiếc giày Sa-bô xuống đường trong lúc đèo nhau trên Honda lượn lờ rong chơi.

Trong suốt mười sáu chương, Đặng Mai Lan đã lật lại từng trang ký ức của mỗi nhân vật. Mỗi chương là một nỗi buồn không tan. Mỗi chương là một vạt sương ký ức mênh mang…

Ai ai cũng có ký ức. Ký ức. Mong manh như sương khói. Từng vạt. Trôi tản mản trong tiềm  thức của mỗi người. Có khi tưởng chừng như đã biến tan theo thời gian, theo cuộc sống.

 Vậy mà..., đôi khi trong phút không ngờ nhất và ở một chỗ không ngờ nhất..., lại trùng trùng từ trong tận cùng nỗi nhớ lồng lộng hiện về vây bũa...

Ký ức. Chỉ là sương. Chỉ là huyễn mây. Nhưng khi hiển hiện, có thể khiến cho người ngậm ngùi hạnh phúc hoặc có khi đem về lại những niềm đau quắn quíu...Và có mấy ai trong chúng ta cũng như Ly, như Mỹ Linh;  không từng một lần trong đời, loanh quanh trong rừng ký ức mù sương của mình...

Và vì thế; mời bạn, hãy cùng đi vào vùng "Sương Ký Ức" của Đặng Mai Lan để bước xuyên thủng qua lớp sương mù ký ức dày đặc của chính mình. Chiêm nghiệm lại nỗi buồn hay hạnh phúc quẩn quanh cất dấu. Và, một lần. Cất bước đi tìm lại chính bạn...



Hoàng Thị Bích Ti

(Tháng mười , 2020)



* Bạn đọc có thể tìm mua "Sương Ký Ức" tại trang nhà Barnes & Noble vào link kèm dưới đây :

 

https://www.barnesandnoble.com/w/suong-ky-uc-dang-mai-lan/1137979956?ean=9781663583895

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Mẩu đối thoại trên là của chàng thanh niên 27 tuổi là Ralph White với nhân viên Đại sứ quán Hoa Kỳ trong những ngày cuối tháng Tư năm 1975 của miền Nam Việt Nam trong cuốn hồi ký Thoát Khỏi Sài Gòn (Getting Out of Saigon) của ông vừa được nhà xuất bản Simon and Schuster phát hành...
Hai mươi lăm truyện trong tập sách, ngoài những mảnh đời oái oăm của thế thái nhân tình trong đời sống xã hội hiện tại. Bạn và tôi còn đọc được những câu chuyện thú vị như: Vong Hồn Trên Sông, Đứa Con Phù Thủy, Đôi Mắt Tiền Kiếp, Hẹn Hò… Những câu chuyện có tính cách hoang đường, ma mị, xảy ra ở một quận lỵ heo hút nào đó của tỉnh Quảng Trị, nơi tác giả sinh ra và đã có một thời thơ ấu êm đềm...
Trust (tạm dịch là Niềm Tin) là cuốn sách thứ hai, đoạt giải Putlizer 2023, thuật lại những khúc mắc của chủ nghĩa tư bản thời hiện đại. Mở đầu bằng sự việc dẫn đến sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1929, sau những đợt bùng nổ và sụp đổ của lịch sử kinh tế từ quan điểm của từng cá nhân. Trust là một tác phẩm hiện đại táo bạo — trong suốt bốn màn, mỗi màn được đóng khung như một “cuốn sách” — tìm cách phá bỏ những quy ước chắc nịch làm nền tảng cho những huyền thoại về sức mạnh của nước Mỹ.
Tôi đưa quyển sách cho con trai, nói con đọc đi. Nó đọc một hai truyện gì đó, rồi nói, ngôn ngữ cũ mèm má ơi. Có vài chỗ khó hiểu nữa. Phải, ngôn ngữ “cũ mèm”, và có vài chỗ “khó hiểu” nữa, ngay cả với tôi. Con tôi thuộc thế hệ của Doraemon rồi Harry Potter. Tôi thuộc thế hệ của Hương Rừng Cà Mau của Sơn Nam, của những truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc trên tạp chí Hương Quê một thời xa lơ xa lắc có lẽ đã trên dưới 60 năm. Cho nên tôi đã miệt mài “ôm” quyển sách trong nhiều ngày liên tục, rảnh được lúc nào là đọc, không theo thói quen con-cà-con-kê của mình...
Tôi chẳng nhớ là mình đã đi vào Thiền tự bao giờ, chỉ biết rằng những ý tưởng nhuốm màu Thiền đã nhật tích nguyệt lũy thấm dần vào tôi như những giọt nước rơi liên tục làm lõm phiến đá. // I cannot recall when I entered Zen Buddhism. I only know that, like drops of water persistently indenting a stone, Zen-like thoughts have been seeping into my mind day by day and month by month.
Tác giả là Ben Kiernan, sinh năm 1953, từng là Giáo sư “Sử học và Các Môn Học Quốc tế và Vùng” tại Đại học Yale nổi tiếng. Ông từng lập ra Chương trình về Diệt Chủng Cambodia và Chương Trình Nghiên Cứu Về Diệt Chủng. Sách của ông trước đây bàn về diệt chủng ở Cambodia cũng như trong những giai đoạn khác của lịch sử loài người
Chúng ta phần lớn từng học sử theo niên đại với nhiều chi tiết tên tuổi cần phải nhớ để đi thi, hay đọc sử nước nhà qua lăng kính của một người công dân gắn bó với quê hương và di sản tổ tiên để lại. Tác giả Goscha là một nhà khoa bảng chuyên về sử học từng được một giáo sư sử học quốc tế nổi tiếng người Việt (từng là giáo sư của Miền Nam Việt Nam) hướng dẫn, và từng huấn luyện và khảo cứu ở nhiều nước liên hệ đến Việt Nam (Pháp, Mỹ, Canada, Úc, Thái Lan). Được một chuyên gia tầm cỡ như thế trình bày những câu chuyện về đất nước, ông bà của của chính chúng ta qua lăng kính đặc biệt của một người ngoại cuộc giúp chúng ta có một cái nhìn toàn diện hơn, và không kém phần thú vị về một đề tài tuy cũ nhưng vẫn còn nhiều điều mới mẻ.
Tuy nhiên, cuốn “Sống Với ‘Thán Dị Sao’ Của Ngài Thân Loan” còn có một phần rất đặc biệt mà chính phần này làm cho tôi thật sự thích thú. Đó là bản dịch tiếng Việt do HT Thích Như Điển thực hiện với đầy đủ 18 chương của cuốn “Thán Dị Sao” từ bản tiếng Nhật hiện đại của Giáo Sư Yamazaki Ryuumyou.
Tóm lại, A History of the Vietnamese là một cuốn sách rất công phu, chi tiết về lịch sử Việt Nam, chú trọng về văn hóa và xã hội, do một Giáo sư Sử học và Việt học người Mỹ từng huấn luyện nhiều sử gia Mỹ về chuyên ngành Việt Nam. Người quen đọc (hay học) sử tiếng Việt theo truyền thống chủ nghĩa dân tộc, hay người từng dùng chủ nghĩa dân tộc như một khí cụ chính trị có thể không đồng ý về một số kết luận, ví dụ về nguồn gốc tiếng Việt hiện đại hay về sự hiện hữu hay không của một "quốc hồn, quốc tính" Việt Nam. Tuy nhiên, đọc một cuốn sử dùng các sử liệu mới nhất và phân tích theo chiều hướng khoa học sử và chính trị hiện đại, người viết bài này cảm thấy biết ơn một nhà học giả ngoại quốc đã đem bao nhiêu thời giờ và tâm huyết để tạo nên một công trình đồ sộ như vậy, chưa từng có trong Anh văn. Ước mong một bản dịch tiếng Việt với đối chiếu các danh từ Anh-Việt và Hán sẽ xuất hiện một ngày nào đó không xa.
Trong những ngày cuối cùng của tháng 4 năm 1975, các máy bay trực thăng Mỹ đã bay lên bầu trời Sai Gòn và tìm các đường đến các tàu ở Biển Đông (được những người bên ngoài Việt Nam gọi là Biển Hoa Nam). Chiếc máy bay mà người Việt gọi là "con chuồn chuồn", đã xé nát các gia đình nhưng cũng ràng buộc Mỹ và Việt Nam với nhau.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.