Hôm nay,  

Một chút cảm nhận

18/02/202410:36:00(Xem: 1175)

Screenshot 2024-02-13 080940



Đọc xong hai quyển “Theo dấu thư hương” và “Chỉ là đồ chơi” của nhà văn Trịnh Y Thư đã lâu, trong lòng cảm hứng muốn viết một chút cảm nhận nhưng cứ bận bịu nên lần lữa mãi. Thật ra mà nói thì tôi cũng không biết viết như thế nào và bắt đầu từ đâu, đây là lần đầu làm cái việc viết cảm nhận về sách. Tôi biết mình không có khả năng đọc sâu, nhìn nhận hay phân tích. Tôi xưa nay vốn đơn thuần dùng cảm tính chứ chẳng biết dùng lý tính nên cứ mơ hồ ngu ngơ.
    Việc nhận định một tác phẩm hay một quyển sách đòi hỏi người viết phải đọc kỹ, kiến văn quảng bác, biết lý luận, phân tích và cần có công tâm, bản lãnh. Một điều rất quan trọng nữa là phải lương thiện, không vì phe ta mà bốc thơm, áo thụng vái nhau. Không vì không thuộc phe ta mà chê bai hay phủ nhận cái hay của người. Việc nhận định, phê bình một quyển sách là một việc làm khó, rất khó, dễ gây thù chuốc oán với tác giả. Ấy vậy mà sau khi đọc xong “Theo dấu thư hương” và “Chỉ là đồ chơi” thì tôi rất khâm phục anh Trịnh Y Thư. Anh đã làm được cái việc khó khăn này một cách xuất sắc. Nhờ đọc những phân tích, nhận định của anh mà tôi hiểu thêm nhiều điều, thấy thêm những mặt khuất mà khi đọc những tác phẩm ấy đã không nhận ra.
    Hai chữ “Thư hương” rất hay, rất đẹp, gợi lên trong tâm trí chúng ta một chút hoài niệm của một thời. Ngày xưa những anh học trò, nho sinh, người biết chữ, người đọc sách, người võ vẽ về căn chương… đều được cho là “Nòi thư hương”. Chữ Nho có câu: “Vạn bang giai hạ phẩm/ duy hữu độc thư cao” là vậy. Với người xưa, phàm những ai dính dáng đến chữ nghĩa, văn thơ, sách vở… đều rất được tôn trọng, cho là cao quý, cho dù đó chỉ là anh học trò nghèo. Hai chữ “Thư hương” cũng đồng nghĩa cốt cách Nho gia. Ngày xưa những nhà Nho thanh bạch học chữ, đọc sách để dưỡng tâm, luyện chí chứ không phải để làm quan hay mưu cầu công danh. Khi nhà phê bình văn học Trịnh Y Thư chọn cái tựa sách “Theo dấu thư hương” thì lập tức tự nhiên thấy thân thương chi lạ cho dù chưa đọc đến nội dung.
    Quyển thứ hai “Chỉ là đồ chơi”, tên sách khiến tôi liên tưởng đến thi sĩ Bùi Giáng. Ông ấy luôn miệng bảo rằng: “Chơi thôi mà” mỗi khi có ai khen hay tán thưởng thơ ông. Ừ, thì có sá gì, chỉ là đồ chơi thôi mà! Sách vở, văn thơ, chữ nghĩa… là đồ chơi của những người mang nghiệp viết lách, sá gì lời khen hay chê. Đòi mấy mươi năm ấm lạnh cũng chỉ là một cuộc chơi, nhân tình thế thái là một cuộc chơi của tâm thức. Quốc gia là cuộc chơi quyền biến. Thế giới và vũ trụ cũng là một cuộc chơi của tụ tán và tuần hoàn. Vậy thì sách vở văn chương kia có ý nghĩa gì? cũng chí là món đồ chơi, những món đồ chơi được nặn ra bởi tim óc và tâm ý của những thi sĩ, văn sĩ. Những món đồ chơi hao hơi tổn lực, lao tâm khổ trí rất nhiều. Những món đồ chơi chứa đựng cả một trời tâm sự buồn-vui và bao nhiêu sắc thái khác của tâm hồn. Những món đồ chơi tuy không hề có dụng ý “Văn dĩ tải đao” nhưng tự thân nó cũng đã chuyển tải và bao hàm rồi, có thể nhiều-ít, hoặc vô tình hay cố ý. Thế giới muôn loài, duy chỉ loài người mới có tri giác, có văn tự. Chỉ có loài người mới biết chế ra và thưởng lãm những món đồ chơi ấy!
    Đọc xong cả hai quyển sách, cảm nhận đầu tiên của tôi choáng ngợp trước sức đọc và tầm mức đa văn túc trí của anh Trịnh Y Thư. Anh đọc và quán xuyến rất nhiều tác phẩm văn học cả phương đông lẫn phương tây, không chỉ những tác phẩm danh tiếng, tác phẩm đoạt giải thưởng lớn mà ngay cả những tác phẩm đã lặng yên phần nào với thời gian. Anh đọc rộng rãi từ văn học cổ điển cho đến hiện đại và những trào lưu mới nhất của Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Nhật... dĩ nhiên là cả Việt Nam.
Điểm thứ hai tôi cảm nhận là ngòi bút phê bình, nhận định của anh rất sắc bén và sâu sát. Lời bàn thấu tình đạt lý, không dùng từ ngữ đao to búa lớn, khen chê chừng mực, không cực đoan, thuần túy bình yếu tố văn, ngôn ngữ, bút pháp…
    Tôi đã đọc qua tiểu thuyết Jane Eyre của Charlotte Bronte, tuy nhiên đọc một cách hời hợt và nhảy cóc, mãi đến khi đọc những nhận định của anh Trịnh Y Thư thì tôi mới thấy thêm nhiều điều mới mẻ, mới cảm nhận sâu hơn một chút về Jane Eyre. Cái xã hội Anh ở thế kỷ XIX cũng như trước đó quả thật vô cùng nghiệt ngã. Người phụ nữ phải sống như cây tầm gởi. Cả ba chị em nhà Charlotte Bronte viết sách mà không dám dùng tên thật của mình, phải giả một cái tên đàn ông để in sách. Jane Eyre và cũng là chính tác giả đã dũng cảm đương đầu với những định kiến và định chế xã hội để có một chỗ đứng độc lập. Cái xã hội ấy sao mà giống hệt cái hoàn cảnh của xã hội phong kiến Việt Nam. Thời ấy người phụ nữ chỉ có bổn phận bếp núc thêu thùa hoặc là “gái trong kim chỉ trai ngoài bút nghiên”. Cái tư tưởng phong kiến này hoàn toàn ăn ý với cái tư tưởng nam quyền của xã hội Anh thời ấy. Thi sĩ Robert Southey đã trả lời Charlotte như sau: “Văn chương không thể là công việc trong đời sống người phụ nữ, và không nên biến nó thành như thế...” Nữ văn sĩ Charlotte Bronte khi viết Jane Eyre đã làm nên một cuộc cách mạng nữ quyền  thông qua câu chuyện một cô gái mồ côi, nghèo khổ, không nhan sắc nhưng đã vươn lên bằng nghị lực, thông minh và ý chí của mình; đã tự định đoạt tương lai của mình. Đọc Jane Eyre ta cảm nhận ấy chính là tự truyện của tác giả. Đọc xong tôi cũng liên tưởng đến trường hợp Hồ Xuân Hương của Việt Nam ta.
    Ở bài phân tích và nhận định về quyển “Đời nhẹ khôn kham” của Milan Kundera. Trịnh Y Thư mở ra cho chúng ta thấy một khía cạnh khác. Anh trích dẫn câu nói của Milan Kundera: “Tiểu thuyết gia không phải là người hầu của sử gia” điều này cho thấy lịch sử chính trị chỉ là bối cảnh. Tôi cảm nhận cả dịch giả và tác giả đều chống lại chủ thuyết luận đề trong văn chương, không chấp nhận văn chương là một văn bản tuyên truyền chính trị. Tôi nhận thấy Trịnh Y Thư rất dị ứng với lối văn dính vào chính trị, tuyên truyền chính trị và anh cũng không thích cái lối “Văn dĩ tải đạo”. Ấy là một trong nhiều lý do mà anh rất thích và mến mộ Milan Kundera.

    Khi dịch quyển “Huyền thoại mùa thu” của Jim Harrison, Trịnh Y Thư đã giúp cho chúng ta biết đây là một câu chuyện thuật lại bằng bút pháp đặc biệt, giọng văn giản dị, không dùng ý niệm siêu hình hay trừu tượng. Jim Harrison cùng với nhiều người khác đã định hình cho một diện mạo phong phú và đa dạng của văn xuôi Mỹ. Jim Harrison còn là một thi sĩ và ông đã sống trọn đời cho văn chương nghệ thuật.
    Cũng trong quyển “Theo dấu thư hương” này, Trịnh Y Thư giúp “khai mở” một góc độ nào đó cho độc giả khi đọc văn của Cung Tích Biền, Ngô Thế Vinh, Trần Vũ, Nguyễn Thanh Việt… và thơ của Nguyễn Thị Khánh Minh, Nguyễn Lương Vỵ, Khế Iêm... Ở đây tôi chỉ nói cái cảm nhận riêng của mình, có thể hợp với người này nhưng không hợp với người khác, thậm chí rất “tào lao” hay “tầm phào” với ai đó… Quý vị hãy đọc “Theo dấu thư hương” để thấy một dịch giả tài hoa như thế nào, một nhà phê bình sâu sắc như thế nào.
    Giới văn nghệ sĩ vẫn thường bảo nhau Trịnh Y Thư còn là một tay guitar xuất sắc, ngoài viết văn làm thơ, dịch thuật anh thường đắm mình trong những cung bậc guitar cổ điển. Khi đọc bài văn anh viết về nhạc sĩ Lê Văn Khoa, nhất là khi anh nhận định và phân tích khúc giao hưởng “Symphony Viet Nam 1975” thì độc giả có thể mường tượng ra kiến thức về nhạc lý, đôi tai thẩm âm của anh vi diệu như thế nào. Anh phân tích từng hành khúc, chỉ ra sự kết hợp của nhạc ngũ cung Việt với nhạc cụ phương tây, bấy giờ độc giả chỉ còn biết ngẩn ngơ ra trước sự thẩm âm thượng thừa của một tay guitarist điêu luyện. Anh dẫn dắt độc giả đi từ hành âm thứ nhất với âm hưởng dân ca “Trèo lên quán dốc”, hành âm thứ hai “Đám rước”, hành âm thứ ba “Hội hè”, hành âm thứ tư “trăng rằm”… Anh đã kết luận khi nghe xong khúc giao hưởng “Symphony Viet Nam 1975” rằng: “ Đấy là human spirit… Tôi nhận ra khát vọng muốn sống của con người, con người nói chung, không riêng gì con người Việt Nam. Sống như một con người. Một con người tự do”.
    Cũng trong quyển “Chỉ là đồ chơi” anh biểu tỏ cái nhìn của anh về hội họa, cụ thể qua những tác phẩm của họa sĩ Nguyên Khai. Ở bức tranh “Âm nhạc xanh” anh viết: “... La đà. Vô định. Dật dờ. Nào biết về đâu. Nào biết đâu là thủy, đâu là chung. Như cái hư vô của trời đất. Như cái bóng của thời gian...” Bức tranh với gam màu xanh thẫm làm nền gợi nhớ nỗi buồn vô hạn, trên ấy loáng thoáng những vệt sáng như bóng nước, như bông gòn lại như tuyết phất phơ… Ở bức tranh “Cũng có nhà thờ Đức Bà ở New York”, anh giúp độc giả hiểu một cách đại khái về ý nghĩa bức tranh. Anh viết: “Trơ trọi, ngơ ngác – nằm lạc lõng giữa trùng vây những tòa nhà chọc trời New York... Nhưng chẳng mấy chốc tiếng gọi từ vô thức bỗng vọng về khiến người xem tranh sực nhớ ra nỗi buồn vẫn nằm sâu trong tiềm thức”. Tất nhiên là mỗi người có cái cảm nhận khác nhau, những gì anh phân tích chỉ là gợi ý cho những ai vốn không phải là người am hiểu nghệ thuật. Tôi cũng vậy, một kẻ mù trong nghệ thuật, nhiều khi yêu thích là vậy nhưng đứng trước một bức tranh trừu tượng, lập thể, siêu hình… thì chịu chết, chẳng biết gì, chẳng hiểu gì, chẳng thấy điều họa sĩ gởi gắm trong ấy. Rồi khi anh xem tác phẩm “Cổng vườn xưa” của họa sĩ Nguyễn Đình Thuần, anh đã chỉ ra cách bố cục, phối màu và những ẩn ý trong tranh. Anh nhận xét: “Bức họa được phân bố hài hòa, tinh tế, bố cục không gian cân xứng chuẩn mực, màu sắc xướng họa nhịp nhàng...” Đọc những phân tích của anh tôi cũng chút ít nhìn ra được cái đẹp của bức họa.  Người ta thường bảo “Người Hà Nội tinh tế” và bây giờ thì tôi thấy chất tinh tế rất Hà Nội ở anh Trịnh Y Thư.
    Đọc xong hai quyển sách anh tặng, tôi ngẩn ngơ và thấy ngợp trước một con người quá giỏi và đa năng, mặt nào cũng xuất sắc. Anh lại là người khá thâm trầm dí dỏm. Tôi cũng cảm nhận anh không thích “thể hiện” mình nơi ồn ào đông đảo, có lẽ anh rất tự tại khi ở một mình trong căn phòng với cây guitar hay với cây bút. Tôi vốn là người lớp sau, chỉ vì yêu thích văn chương nên võ vẽ viết nhì nhằng chẳng ra gì. Những dòng chữ cảm nhận này là thật từ tâm ý, là sự khâm phục của bản thân. Văn học nghệ thuật hải ngoại vốn có nhiều nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ… nhưng thiếu những nhà phê bình văn học, thiếu người thẩm định và điểm sách… Anh Trịnh Y Thư mà một trong số những người hiếm hoi vậy.
    Nhờ đọc những nhận định và phê bình của anh Trịnh Y Thư mà tôi hiểu hơn một chút về những tác phẩm-tác giả ở trong hai quyển “Theo dấu thư hương” và “ Chỉ là đồ chơi”. Nói theo kiểu nữ văn sĩ Virginia Woolf là nhờ những nhận định phê bình của anh đã dắt độc giả vào những cung bậc mới trong tác phẩm mà khi chúng ta đọc hời hợt đã không nhận ra. Dĩ nhiên là khi tôi đọc sách tôi có quan điểm riêng của tôi, không phải tất cả những nhận định và phê bình của anh làm cho tôi hài lòng.
    Điểm thứ ba tôi cảm nhận sau khi đọc xong hai quyển sách “Theo dấu thư hương” và “Chỉ là đồ chơi” là trình độ dịch thuật của anh Trịnh Y Thư rất xuất sắc, một dịch giả tài năng và tài hoa. Trình độ Anh ngữ chuẩn, kiến thức phong phú, cái nhìn sâu sắc. Anh là một dịch giả uy tín và hàng đầu hiện nay. Tôi khâm phục anh, một bậc đàn anh, bậc thầy trong làng văn chương chữ nghĩa không chỉ hải ngoại mà bao hàm cả quốc nội. Tiếng tăm và uy tín đã được nhiều nhà xuất bản tin tưởng mời cộng tác. Đây cũng là ấn chứng cho trình độ, năng lực của anh, một nhà văn, một nhà thơ, một nhà phê bình văn học, một dịch giả xuất sắc.


– Tiểu Lục Thần Phong

Ất Lăng thành, 02/2024
                                                                                                                                                                                         

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Đây là tập sách tranh song ngữ Anh-Việt của họa sĩ Lê Triều Điển. Xuyên suốt quyển sách là quá trình sống, học hành, sáng tác và bao nhiêu kỷ niệm từ thơ ấu cho đến ngày hôm nay. Đọc qua tập sách tôi thấy họa sĩ đã chọn tên sách có ý nghĩa rất hay, đầy hình tượng, thanh âm và sắc màu. Cuộc đời nhiều chìm nổi lênh đênh của người họa sĩ y hệt như những dòng sông mang nặng phù sa của vùng đất phương Nam...
Trong đời, thế nào cũng có lúc chúng ta nằm bệnh, hoặc có người thân nằm bệnh. Trường hợp như thế, lời khuyên thực dụng nhất là nên tìm đọc và áp dụng những dòng thơ Ngọa Bệnh Ca của Ni Trưởng Trí Hải. Thí dụ như những dòng thơ: Hãy để tâm vắng lặng Theo dõi hơi ra vào Thấm nhuần chân diệu pháp Trong từng mỗi tế bào Hãy biến ngay giường bệnh Thành một chốn đạo tràng.
Đọc xong đã lâu, định bụng sẽ viết những cảm nhận nhưng cứ lần lữa hoài. Dẫu biết rằng “Phò mã tốt áo” không cần phải khen, nói chỉ thêm dở, tán thêm tệ, viết lại thừa nhưng không viết thì tâm cảm thấy không yên. Cuối cùng rồi tôi cũng thắng được sự lười biếng để ngồi xuống trang trải chút tâm ý với đời. Cuốn Trong Những Thoáng Chốc dày 350 trang là tập tùy bút và tạp ghi của nhà văn Vĩnh Hảo. Vĩnh Hảo là một cây bút đầy nội lực và sung mãn, anh viết trong suốt mấy chục năm ở hải ngoại. Anh đã cho xuất bản 13 tác phẩm văn và thơ, ngoài ra còn có hàng trăm bài viết khác trên các trang mạng của bạn bè. Anh còn có trang web www.vinhhao.info lưu giữ tất cả những sáng tác. Vĩnh Hảo vừa là họ tên và cũng là bút danh.
Từ hồi trẻ, tôi đã có thói quen là những ngày giáp Tết thì bắt đầu chọn một vài bài nhạc xuân để nghe; và trong những ngày đầu năm thì sẽ đọc một cuốn sách. Thói quen “khai sách đầu xuân” có thêm một chi tiết khi tuổi quá độ “ngũ thập nhi tri thiên mệnh”: đọc một cuốn sách có chủ đề về Phật Giáo. Trong năm Giáp Thìn này, tôi chọn cuốn “Từ Mặc Chiếu Đến Như Huyễn” của một tác giả cũng tuổi con rồng: cư sĩ Nguyên Giác, cũng là nhà báo Phan Tấn Hải. Giới thiệu “tác giả, tác phẩm” dài dòng như vậy, nhưng đối với tôi, người viết đơn giản chỉ là anh Hải, một người anh thân thiết, đã từng có một thời ngồi gõ bàn phím chung trong tòa soạn Việt Báo ở phố Moran. Đọc sách của anh Hải, tôi cũng không dám “điểm sách” hay “phê bình sách”, vì có thể sẽ bị anh phán rằng “… viết như cậu thì chỉ… làm phí cây rừng thôi!” Bài viết này chỉ ghi lại một vài niềm hứng khởi khi được tặng sách, khi đọc qua cuốn sách mà cái tựa cũng đã chạm sâu thẳm vào những điều bản thân đang chiêm nghiệm.
Tiểu Lục Thần Phong, tên thật là Nguyễn Thanh Hiền, sinh năm 1971, nguyên quán Diêu Trì, Bình Định, hiện sinh sống tại Georgia, Hoa Kỳ, là cây viết sung sức và quen thuộc của các báo Chánh Pháp, Việt Báo (California), Trẻ (Houston, Texas)... Đã xuất bản 10 tác phẩm gồm Văn, Thơ và nhiều tác phẩm in chung khác...
Phê Bình . Nhận Định -- BÙI VĨNH PHÚC -- VĂN HỌC PRESS xuất bản, 2024...
NGÔ THẾ VINH, BẰNG HỮU VÀ VĂN CHƯƠNG là tuyển tập đặc biệt thứ ba, do tạp chí Ngôn Ngữ hân hạnh đứng tên xuất bản và phát hành rộng rãi...
Trong 3 thập niên qua, trong lãnh vực văn học nghệ thuật với văn, thơ, âm nhạc... tôi đã viết về tác giả, tác phẩm cho các tờ báo cộng tác và đảm trách sau đó được phổ biến trên các website & blogspost...
Gọi là “Hạnh ngộ” vì đây là sự kiện thi ca hiếm có xảy ra tại Việt Nam, do một cá nhân, chính là dịch giả chuyển ngữ đề xướng và được hơn 240 tác giả thơ ở khắp nơi trong nước và 60 tác giả thơ hải ngoại, sinh sống và làm việc tại 7 quốc gia trên thế giới cùng “gặp nhau” trong một tuyển tập “đồ sộ” song ngữ Việt-Anh, mang tên “Nhịp Điệu Việt / The Rhythm of Vietnam”...