Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

Thiên Lý Tương Ngộ

12/02/202100:00:00(Xem: 4136)
 
thien-ly-Tranh-Sơn-Dầu-Nguyễn-Trung-&-Cành-Mai-Tân-Sửu
Tranh Sơn Dầu Nguyễn Trung & Cành Mai Tân Sửu
  
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ. Tham gia VVNM từ những năm đầu của giải thưởng, tác giả nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.“
Đây là bài VVNM mới nhất của cô gửi đến Việt Báo ngày 30 Tết, cùng lời chúc Tết gửi đến các tác giả và độc giả Viết Về Nước Mỹ: “Kính chúc quý cô chú bác anh chị và các bạn thân thương gần xa năm mới Tân Sửu 2021 được nhiều phước đức, an lành, sức khỏe và may mắn.”
 
***
 
Mới Cũ
 
Những ngày gần cuối năm, chúng tôi nhận một ngôi nhà “mới” (của mình và “cũ” của người ta) không có đồ đạc và cần sắm sửa một vài thứ căn bản. Đồ mới, đồ đẹp thì ai lại không mê, nhưng ngặt nỗi đâu phải cái gì thích cũng đều có khả năng mua mới.  Quần áo giày dép nào thích có khi còn nán đợi sale giảm giá vài ba lần mới mua, huống hồ những thứ đồ lớn với giá tiền gấp cả trăm lần… Phải thực tế và biết mình hỏng phải “First Daughter” (con gái lớn của tổng thống) mà là con gái lớn của cái anh Hai Lúa nhà kia từng làm việc ở tiệm Thrift Store (tiệm bán đồ của mấy nhà dư giả “biếu”). 
 
Đã 10 giờ tối, nằm trong túi ngủ (sleeping bag) trải trên sàn nhà (vì chưa có giường), tụi tôi “đi dạo” trên mạng xem có ai trong vùng rao bán gì hấp dẫn không.  Có một quảng cáo chỉ vừa mới đăng chừng 5 phút rất ngắn gọn: “Bộ bàn ăn 8 ghế gỗ và da – giá $395, bán bởi chủ nhà”. 
 
Nhìn hình kèm lời quảng cáo phải nói là có cảm tình liền.  Nguyên bộ bàn nhìn rất chắc và rất đẹp. Có vẻ là đồ “hiệu” thiết kế chứ không phải đồ sản xuất hàng loạt.  Da bọc nệm lại còn màu xanh là màu tôi yêu thích.  Qua hình thấy còn rất mới.  Chúng tôi xem quảng cáo tới lui, vừa thích thú vừa lo ngại có khi nào người chủ nhà có đăng lộn giá (?).  Dù không phải hàng mới tinh và dù bộ bàn ghế có làm bằng loại bột gỗ ép chứ không phải gỗ cây đi chăng nữa, giá $395 phải nói là quá thấp cho một bộ bàn ghế như trên hình.  Mấy hôm nay chúng tôi có đi dạo quanh những tiệm bán đồ nội thất.  Tùy mới hay đã dùng, tùy kiểu, tùy tên hiệu, tùy kích thước, tùy chất lượng và vật liệu, tùy số lượng ghế đi chung với bàn… giá mỗi bộ bàn ăn bằng gỗ xê dịch từ $500 tới mười mấy hai ba chục ngàn.
 
Vì đã qua 10 giờ tối nên chúng tôi không gọi điện thoại, cũng không dám nhắn tin ngại điện thoại có thể gây tiếng động sẽ làm phiền.  Sáng sớm hôm sau chúng tôi mau mau gọi điện thoại, tỏ bày đã muốn liên lạc ngay từ tối hôm qua nhưng đợi đến sáng. Chúng tôi khen bộ bàn ghế trông rất đẹp và muốn được xem và mua.  Người phụ nữ như có vẻ im lặng lắng nghe rồi từ tốn trả lời, “Quý vị thật lễ độ và tinh mắt. Đúng là tối qua chúng tôi đã đăng quảng cáo hơi trễ, cứ nghĩ chắc sẽ không ai thấy cho đến trễ hơn hôm nay. Bộ bàn ghế đúng rất tốt và đẹp.”  Bà chủ nhà hỏi chúng tôi có thể nào đến trước 5 giờ chiều cùng ngày không. Chúng tôi mau mắn sắp xếp công việc và theo địa chỉ bà cho, đến ngay sáng hôm đó.
 
Nhà họ không mấy xa chỗ chúng tôi nhưng thuộc khu có gác cổng.  Khi đến cổng phải trình căn cước và cho biết đến nhà địa chỉ nào, chủ nhà tên gì. Người gác cổng đã biết trước tên của chúng tôi.  Mọi thứ phải ăn khớp với lời báo trước của chủ nhà.  Có nghĩa tất cả những ai ra vào khu dân cư này đều được biết trước chứ không có ngạc nhiên; không có chuyện người lạ thình lình gõ cửa. 
 
Cánh cổng sắt lớn mở ra và chúng tôi chậm rãi lái xe vô trong.  Không cần tả chi tiết chắc quý vị vẫn có thể hình dung cảnh nhà cửa và trang hoàng vườn tược từ cổng đi vô từng con đường nhỏ phía trong đẹp và gọn gẽ ra sao.  Trừ Châu Âu, ít thấy nhà mái ngói bên Mỹ.  Ở đây, cảnh nhà mái ngói bên các hồ nước với nhiều cây cổ thụ trông rất lạ và đẹp mắt.  Nhà nào dường như cũng nhìn ra bờ hồ.  Tôi đã từng mơ có một ngôi nhà bên bờ hồ để tha hồ thả hồn rong chơi với thiên nhiên và sáng chiều viết lách (… khi về hưu, vì bây giờ sáng chiều vẫn còn phải đi làm, hihi).  Cảnh đẹp với toàn “dream house” này làm chúng tôi (nhất là tôi) quên mất mình đang đi xem mua một bộ bàn ghế cho một ngồi nhà còn đang trống không!
 
Đến nơi, người phụ nữ ngoài 50 tuổi đi ra lịch sự chào đón chúng tôi.  Bước vào nhà họ, tôi không khỏi trầm trồ bởi những đồ trang trí mắc tiền.  Nào là đàn piano, nào là tranh và bao nhiêu là tủ bàn ghế thuộc loại thiết kế đặc biệt.  Nhìn xuyên qua bức tường kiếng phía sau phòng khách là hồ nước và cây cối… Mọi thứ đẹp một cách lạ thường.  Bà đưa chúng tôi đi qua phòng ăn gia đình và bộ bàn trên hình quảng cáo tối qua hiện ra ở trước mắt.  Nó lớn hơn là chúng tôi đã hình dung.  Phải công nhận bộ bàn ghế thật đẹp và gần như mới.  Bàn ăn trong phòng ăn gia đình có lẽ luôn là món đồ nội thất ở tình trạng mới nhất trong nhà.  Dường như nó nhằm để trưng hơn là để dùng. Vì ăn uống hàng ngày thường diễn ra tại bàn ăn trong nhà bếp; bàn ăn gia đình trong dinning room thường chỉ dùng khi có khách hoặc cho những ngày lễ đặc biệt. 
 
Tôi nghĩ thầm bộ bàn ghế này ít nhất phải chục ngàn, cớ sao họ lại đăng bán chỉ $395?  Mà tại sao lại phải bán?  Chắc chắn không phải vì cần tiền mà bán. Họ cũng không có vẻ dọn nhà và không chở đi được.  Một cảm giác bình an toát ra từ ngôi nhà và người chủ nhà.  Tối qua tôi có thấy vui trong lòng khi tìm được một bộ bàn ghế đẹp với giá gần như chỉ tượng trưng. Nhưng giờ đây khi đứng trước khung cảnh này, trong nhà một gia đình người Mỹ khá giả và xa lạ, tôi trở nên vô cùng thắc mắc tại sao những chuyện này đang diễn ra và tại sao bộ bàn ghế đang thật đẹp và ăn khớp với mọi trang hoàng trong nhà lại tự nhiên phải đi nơi khác (?)!
 
Nếu là người Việt với nhau thì chắc chúng tôi đã mạnh miệng hỏi thêm… một lô câu hỏi.. . ủa cái này… ủa cái kia… (hihi). Với người Mỹ thì mình phải giữ kẽ một chút, không dám quá thân thiện và hỏi những điều có thể hơi cá nhân và gây khó trả lời.  Thế nên chúng tôi chỉ khen nhà bà, khu nhà bà ở và nói chuyện xã giao rằng chúng tôi cũng vừa mới đến vùng này và nhận thấy mọi người nơi đây thật hiền hòa thân thiện; các sinh hoạt cũng đỡ bận rộn hơn nhiều so với vùng Thủ Đô ở phía bắc.  Chúng tôi không dám hỏi chi tiết về bộ bàn ghế.  Chẳng lẽ lại đi hỏi “Ủa sao bộ bàn ghế của bà đẹp vậy mà bà lại đi bán mà còn bán rẻ như thế?”  Mau mau xin phép đem về đi chứ còn hỏi tới hỏi lui cái gì nữa.  Nói đùa chút thôi chứ chúng tôi cũng có hơi ngại không chắc giá đăng là đúng $395.  Chắc họ phải đăng thiếu ít nhất một con số­­­ không ở đằng sau (?!).  Chúng tôi chưa kịp nói tới chuyện giá cả thì bà bắt đầu chuyện trò.
 
Bà cảm ơn chúng tôi đã mau mắn sắp xếp đến trước 5 giờ và giải thích, “Chúng tôi không có ý hối thúc quý vị đến gấp nhưng vì chiều nay chúng tôi phải ra sân bay.”
“Ô, chắc ông bà đi xa nghỉ lễ cuối năm?”  Chúng tôi bắt đầu đối thoại qua lại thật vui vẻ.
“Không, chúng tôi không đi xa nghỉ lễ mà là đón người từ xa đến mừng lễ với chúng tôi.”
“Chắc các con ông bà được nghỉ lễ về nhà ha?”
“Đúng là các con, nhưng chúng không trở về mà là mới đến…”  Ngộ chưa, các con… mà lại không phải trở về (come back) mà là mới đến (newly come)… Bà nói tiếp,
“Chúng tôi vừa nhận ba đứa con mới, 3, 5 và 6 tuổi. Có lẽ chúng đến cùng xứ sở với quý vị… Chúng sẽ đến Mỹ và về nhà chiều nay…” Nghe đến đó, chúng tôi mở tròn mắt và nói, “Ôi chao, thật vậy sao, bà xin một lúc những ba đứa con nhỏ về nuôi?” 
 
Bà như hiểu ý chúng tôi e ngại cho sự vất vả không chăm nổi, liền tiếp tục, “Vợ chồng tôi cũng có ba đứa con sinh ba. Ba cô nàng nay đã lớn và vào đại học. Chúng tôi đã quen cảnh chăm cho ba đứa con cùng một lúc ra sao.”
“Ôi! Tuyệt vời chưa.  Vậy chúng có đến từ Việt Nam không? Chúng tôi là người Việt Nam.”
“À... vậy thì chúng chỉ ở gần đất nước nguyên thủy của quý vị thôi.  Chúng đến từ Indonesia.”
 
Ôi chao ơi, phải nói là chúng tôi vô cùng bất ngờ.  Không thể tưởng có thể có người xin một lúc ba đứa bé nhỏ về nuôi, lại còn ngay trong mùa dịch, khó khăn biết bao để ra vào nước Mỹ. Chúng tôi vẫn chưa liên hệ được chuyện ba đứa bé và bộ bàn thì bà nói tiếp, “Nếu không có dịch Covid thì chúng tôi đã sang Indonesia để đón chúng về. May thay có dịch vụ có thể đưa ba đứa bé sang dùm.  Ba đứa bé này đang rất cần giúp đỡ nên chúng tôi đã quyết định không chờ hết mùa dịch hay chờ lâu thêm để thực hiện. Chúng tôi đã sắp xếp mọi thứ sẵn sàng cho ba bé về ở nhưng còn thiếu chỗ để bàn học và để dạy cho cả ba cùng lúc nên đã quyết định xin phép bộ bàn này nhường chỗ cho các bạn nhỏ của chúng ta có chỗ ngồi học…” 
 
À, thì ra là vậy! 
 
Chúng tôi cứ hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Nuôi một đứa con đã mệt, sanh đôi càng cực hơn, họ có tới sanh ba. Cứ tưởng những người cha mẹ này sẽ phải mừng lắm khi ba cái “của nợ” (như người Việt Nam mình hay đùa nói) đã lớn vì sẽ được nghỉ ngơi và hưởng thụ, không còn phải bận rộn, mệt nhọc… Đằng này họ lại đi rinh về ba đứa nhỏ khác để tiếp tục nuôi nấng, chăm sóc, dạy dỗ, yêu thương...  Đó là chưa kể bao nhiêu là thời gian phải cho đi và những tốn kém vật chất.
 
Bà kể tiếp, “Lúc vợ chồng tôi dọn về đây, chồng tôi đã đặt với hãng Biedermeier tái tạo một bộ bàn ghế vừa với kích thước phòng cơm gia đình nhà và màu da ghế cũng hạp với màu tranh và sơn tường.  Hy vọng nó cũng sẽ hạp với nhà của quý vị.”  Tôi để ý lắng nghe từng lời bà nói nhưng không nghe bà kể chồng bà đã trả bao nhiêu tiền khi đặt bộ bàn ghế.  Có lẽ bà tế nhị, nhưng tôi hơi ngại, lỡ bà đăng lộn giá thì… không biết làm sao luôn á vì chúng tôi chỉ có trong túi vừa đủ số tiền đăng trên quảng cáo.  Chúng tôi tìm cách đặt câu hỏi để nghe bà xác nhận lại giá trước khi rinh bộ bàn đi. Chứ còn hấp tấp rinh ra, đến khi trả tiền không có đủ thì lại rinh vô… sẽ hơi kỳ à nha.  “Có phải bà đăng bán $375 không, thưa bà?” Chúng tôi giả bộ hỏi.  Bà ngừng lại như mườn tượng cái quảng cáo. Bà bình thản trả lời, “Ô, thật vậy sao? Tôi nhớ đã đăng $395 mà.  Để tôi xem lại xem.” 
 
Chúng tôi cười lại với bà và trả lời rằng chúng tôi chỉ đùa để nghe bà xác nhận giá. Chúng tôi cũng thú nhận khi nhìn thấy bộ bàn ghế thì đã nghĩ chắc bà đã đăng nhầm giá rồi.  Bà trả lời, “Không, vợ chồng tôi quyết định chỉ bán $395 thôi. Chúng tôi cũng mong bộ bàn ghế này sẽ được về căn nhà nào nó có duyên. Về phần chúng tôi thì một khi các bé về đến nhà thì chúng tôi sẽ bận rộn, vì vậy chúng tôi đã suy nghĩ và quyết định đưa bộ bàn đi trước khi rước các cháu về.  Và chỉ muốn đổi lấy vừa đủ số tiền mua mấy bàn học cho ba đứa bé.  Quý vị đã đến đúng thời điểm cần thiết.  Nếu quý vị thích bộ bàn và nó hạp với nhà của quý vị thì đây đúng là một trao đổi công bằng và hoàn hảo.” 
 
Bà ấy thật vui. Chúng tôi cũng thật vui và không thể ngờ những gì bà vừa nói. Tôi nghe rành rành mọi thứ mà vẫn chưa tin vào sự thật.  Tôi không biết nó công bằng ở chỗ nào trong đầu bà, nhưng với tôi, rõ ràng sự trao đổi này không thể nào so sánh với một mua bán bình thường cho được. 
 
* Cuộc hành trình đi “mua” bộ bàn ghế của chúng tôi càng lúc càng lý thú…
 
Chúng tôi đưa cho bà bốn tờ $100 đô. Bà cầm lấy và nói, “Ngay bây giờ tôi không có tờ $5 để thối, chút nữa tôi sẽ thối lại sau nhe. Bây giờ mình thử ra xe đo xem.”  Bà đem ra cái thước đo và vừa đi ra xe chúng tôi vừa chuyện trò, “Trước kia vợ chồng tôi cũng có chiếc xe như của hai vị để chở ba đứa nhỏ đi học, và nhất là mỗi lúc chúng đi chơi bóng và đi chung với các bạn học, chở dùm thêm mấy đứa, nên phải luôn có xe lớn.  Nhưng tôi e rằng xe sẽ không đủ chỗ cho cả bộ bàn.  Chắc phải đi hai lần.”  Quả thật! Diện tích mặt bàn hơi lớn.  Nhiều lắm là chỉ chở được tám cái ghế nếu sắp xếp giỏi.  Khi chúng tôi bắt đầu khiêng các ghế đi ra thì bà điện thoại nói chuyện với ai đó.  Nãy giờ không thấy chồng bà dù bà hay nhắc ông.
                                                                                          
Khi chúng tôi đang sắp xếp ghế vô xe thì một người đàn ông Mỹ lớn tuổi hơn đi về. Chúng tôi nhìn thấy ông mà lòng hơi lo lo.  Có khi nào ông về và ngăn cản chuyện mua bán không?  “…ủa, ai cho bà bán đồ khi tôi đi vắng?  Mà bán bao nhiêu?  $395?  Bộ điên sao?  $395 không đủ cả tiền chở…”  Khi trong đầu chúng tôi hiện lên bao nhiêu là câu hỏi thì người đàn ông tiến về phía chúng tôi, tự giới thiệu là người chồng và chào chúng tôi.  Ông lấy trong bóp ra và đưa cho bà chủ nhà tờ tiền $5 đô.
 
Chúng tôi có nói với bà rằng bà không cần phải thối $5 đô. Ấy vậy mà bà vẫn nói chuyện với chồng bà đang đi đâu đó và chắc đã nhờ ông ghé qua đổi tiền trước khi về nhà.  Tôi càng lúc càng khâm phục hai vợ chồng người Mỹ này.  Họ thật rõ ràng và tự trọng.  Họ không “xin” $5 đô kia vì họ đã quyết định bán đúng $395.
 
Trong khi chồng bà ra vô phụ chúng tôi mang những ghế còn lại ra xe thì bà đi vô và mang ra một tờ giấy.  Bà mở cho chúng tôi xem và nói, “Kèm với bộ bàn ghế, tôi rất muốn tặng quý vị tờ bill này để làm kỷ niệm vì nó có tóm tắt “khai sinh” của bộ bàn ghế từ năm 1880, nhưng vì tờ bill có nhiều món hàng khác chúng tôi đã đặt làm chung với bộ bàn nên không đưa tờ bill cho quý vị được.  Đây là tên kiểu mẩu của bộ bàn nếu quý vị có nhu cầu mua thêm gì khác cho cùng kiểu. Tôi sẽ gửi thêm một số thông tin cho quý vị sau.”
 
Ôi chao ơi, tôi vừa nhìn thấy trên tờ bill ghi 8 cái ghế 8 ngàn đô và cái bàn 10 ngàn đô, chưa cộng thuế. Địa chỉ của họ khi đặt làm bộ bàn ghế trước khi về Florida là Holywood. Ngày tháng giao hàng là tháng 12 năm 2018. Có nghĩa bộ bàn về ở nhà họ chỉ vỏn vẹn hai năm. 
 
Lúc chuyện trò, bà có nhắc cái tên "Biedermeier", nhưng lúc đó tôi mà biết chữ đó viết làm sao thì lăn đùng chết liền.  Nhờ nhìn tờ bill tôi mới biết tên hiệu đó là Biedermeier, và dỉ nhiên nó cũng hoàn toàn xa lạ đối với tôi.  Hihi…  Trong đời tôi, có lẽ tôi chưa bao giờ mua đồ hiệu nào mà nhiều tiền đến như vậy. Dỉ nhiên là trừ cái nhà, cái xe… nhưng mấy thứ đó lớn hơn và được dùng thường xuyên hàng ngày, và cũng có thể trả trong vòng 15 hay 30, hoặc ít nhất là 5 năm lận kia mà. Hihi
 
Chuyển Kiếp
 
Chúng tôi chở tám cái ghế về nhà trước, và sau đó thuê xe có thùng rộng, loại xe cho thuê để dọn nhà, và trở lại chở cái bàn đi sau; thong thả xong mọi thứ trước khi ông bà phải đi ra sân bay đón ba người bạn nhỏ mới của họ về nhà.
 
Bộ bàn ghế đã về nhà chúng tôi.  Nó rất vừa vặn, ăn khớp và đẹp mắt trong dinning room của nhà chúng tôi.  Cứ như nó cũng đã được tái tạo cho nhà của chúng tôi vậy.  Nó đã đi lanh quanh, dạo chơi đông tây nam bắc, ngừng ở mỗi nơi nó được định sẽ ngừng… gần 150 năm trước khi ngừng lại ở nhà của chúng tôi.  Chúng tôi cứ càng ngẫm nghĩ thì càng thấy mọi chi tiết thật kỳ diệu.
 
T”ôi chợt nhớ câu nói của nhà bác học Albert Einstein: Chúng ta có thể sống và không nhìn thấy có gì là phép lạ, hoặc nhìn thấy tất cả mọi thứ đều là phép lạ.”  (“You can move through life seeing nothing as a miracle, or seeing everything as a miracle.”)
 
Chuỗi của những sự nhiệm màu (hay kỳ diệu hay phép lạ) đã và đang tiếp tục diễn ra khiến chúng tôi muốn thụt lùi về từ đầu và tìm hiểu biết thêm về gốc tích của bộ bàn ghế đặc biệt này.
 
Nhà thiết kế Biedermeier ở miền Nam nước Đức. Những cây gỗ ở rừng Black Forest đã được nhà thiết kế Biedermeier chuyển kiếp trở thành những bộ bàn ghế cho những nhà quý tộc bắt đầu từ những năm 1815.
Riêng bộ bàn ghế này thì ra đời năm 1880. Sau đó một nhà tỷ phú nào đó ở khu Thousand Oaks ở California đã mua bộ bàn ghế này vào những năm đầu 1900… Qua nhiều lần chuyển kiếp và tái sinh, bộ bàn đến với gia đình ông bà người Mỹ này năm 2018. Và đúng vào chiều ngày Giáng Sinh, nó đến nhà chúng tôi…
 
Mỗi vật hay mỗi cá thể trong cuộc đời này luân chuyển và trải qua nhiều kiếp khác nhau. Qua những lần đổi kiếp như vậy đều có giá trị riêng của nó trong quan hệ và hoàn cảnh của kiếp sống đó.
 
Tái Sinh
 
Từ tháng ba năm 2020, khi mùa dịch bắt đầu, như phần đông chúng ta khắp nơi, tôi cũng làm việc từ xa, không cần lui tới văn phòng hàng ngày như thường lệ.  Lịch sử nhân loại đã chứng minh, khi văn minh và sự tham lam, kiêu ngạo của loài người đến một đỉnh điểm nào đó, theo quy luật, sẽ có những sự kiện tai ương xảy ra để nó sẽ phải ngừng lại, đi chậm lại.  Trong suốt bốn năm qua, có những lúc tình hình thời sự làm chúng ta đã phải xin phép Phật Chúa cho nghỉ tu năm phút...  Rồi từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, trong những mất mát, như nhiều thứ khác, nhiều giá trị tốt xấu thật hư hiện lên.  Dường như con người có dịp sống chậm lại, biết thận trọng hơn, biết quán chiếu và chánh niệm từng cử chỉ, hành động, lời nói và việc làm hơn…
 
Trong gần hai tháng qua, khi biến thể của Covid-19 xuất hiện, nhiều người ra đi hơn. Trong số những người thân quen bạn bè gần xa của gia đình tôi, cũng có một vài người đột ngột ra đi… Hằng ngày tôi thường nhắc nhớ chính mình: Thời buổi dịch bệnh này, ai còn được mạnh khỏe, có cơm ăn áo mặc, có mái che nắng gió tuyết sương... là một Diễm Phúc và mỗi giây phút chúng ta được hiện hữu là một Phép Lạ (miracle). Chúng ta học hỏi để biết khiêm nhường. Đổi cách suy nghĩ và thói quen hay đòi hỏi (expectation) thành biết trân quý (appreciation), biết trân quý từng thứ nhỏ được có và sống bớt vật chất, bớt tham lam, bớt hơn thua… Không ngừng cảm tạ Bề Trên mỗi giây phút cho tất cả những gì chúng ta được nhận.  Tập sống yêu thương tha thứ như hôm nay là ngày cuối vì không biết khi nào giờ của mình đến và mình sẽ phải ra đi bỏ lại mọi thứ sau lưng…
 
Bộ bàn ghế đã về nhà chúng tôi được sáu tuần nay.  Mỗi lần đi qua nhìn bộ bàn, tôi không thể nào ngưng nghĩ về vô vàn điều kỳ diệu bên trong. Tôi đã ngồi xuống, và quyết định khai bút viết mở hàng một bài viết, nói về câu chuyện của chính nó, về những mầu nhiệm chúng ta được lãnh nhận mỗi giây phút.
 
Một câu hỏi đến trong đầu, rồi lại câu thứ hai…
                                                                                                                           
Ai trong chúng ta sẽ mạnh dạn cho (gần như) không một bộ bàn ghế giá trị hai chục ngàn đô?  Chúng ta có sẽ tiếc không?  Có nhiều cách để chúng ta có thể đổi nó lấy vài ngàn dễ dàng, chứ không phải chỉ $395.  Nhưng chắc chúng ta quên, khi đến giờ chúng ta phải ra đi, chúng ta sẽ phải bỏ lại mọi thứ, không chỉ bàn ghế, nhà cửa, công danh, sự nghiệp, người thân gia đình… và quan trọng hơn hết là mạng sống không thể mua hay đổi được bằng tiền.
 
Ai trong chúng ta, nếu có khả năng tài chính, thời gian, và sức khỏe… sẽ muốn xin ba đứa con nuôi về nuôi cùng một lúc.  À mà ba đứa cùng lúc có thể hơi nhiều, thôi thì hai đứa thôi vậy?  Hay là chỉ tập tành xin một đứa thử xem sao?  Còn không thì chúng ta có thể bảo trợ một gia đình nghèo khó nào đó ở một đất nước nào đó và giúp đỡ họ khi chúng ta có thể, chứ không cần phải chính thức nhận nuôi ai thường trực tại nhà.
 
Hai vợ chồng ông bà người Mỹ xa lạ kia quả thật không coi trọng vật chất.  Như họ đã nói khi chuyện trò với chúng tôi, “Chúng tôi đã luôn nhận được rất nhiều ơn phước.  Chúng tôi có bổn phận chia sẻ chúng với những người cần và chúng tôi rất hạnh phúc khi có thể làm những gì có thể.”
 
Họ đã chứng tỏ điều đó khi “1 bán 99 cho” chúng tôi bộ bàn ghế thật đẹp kia.
Họ đã chứng tỏ điều đó khi xin cùng một lúc ba đứa con khác giòng máu khác màu da về nuôi khi ba đứa con ruột của họ đã lớn… và ngay trong mùa dịch khi mọi thứ phải ngừng lại… Có vẻ không có gì có thể ngừng lòng bác ái nhân từ của gia đình họ.
Họ cứ vẫn tiếp tục gieo những hạt giống phước đức dù chưa hẳn khi họ làm những gì họ làm họ đã làm với mục đích tích lũy phước đức cho chính họ… Và có lẽ nhờ vậy mà phước đức của họ càng lớn hơn.
 
Khi con người ác độc, tham lam, dối trá… chúng lây lan như dịch bệnh.  Khi chúng ta thanh thản, nhẹ nhàng, bình an, và hạnh phúc, chúng ta sẽ toát ra sự bình an và hạnh phúc. Chính lúc đó, chúng ta đang tích lũy phước đức, và cho dù chúng ta không cố gắng, không ráng sức, không nỗ lực làm cho những người chung quanh, ông bà, cha mẹ, con cháu mình hạnh phúc, nhưng chính thái độ ung dung đó, an nhàn đó đã khiến họ thấy bình an và hạnh phúc khi sống bên cạnh chúng ta.  Cứ như thế mọi người bình an, thế giới bình an.  
 
Lời Phật nói: Tái sinh là một quá trình xảy ra trong từng giây từng phút. Chúng ta chết đi và sinh ra trở lại trong từng phúc từng giây. Có thể chúng ta nghĩ rằng chúng ta đã già nhưng chúng ta còn rất trẻ, vì chúng ta luôn vừa được sinh ra.  Có ai trong chúng ta tìm lại được chúng ta 5 phút về trước không?  Chúng ta luôn luôn mới, chúng ta luôn luôn được sinh ra.            
Ai trong chúng ta cũng có lúc lạc khỏi chính mình, và cùng lúc cũng rất thường xuyên, chúng ta lại nhận những cái rất lạ trở thành mình…
 
Bộ bàn ghế chúng tôi vừa nhận được, có người sẽ cho là cũ, nhưng nó lại hoàn toàn mới với chúng tôi, vì vừa tái sinh trong nhà chúng tôi. Tái sinh trong mắt của chúng tôi, hòa chung nhịp đập và hơi thở hàng ngày của chúng tôi.
 
Trong suy nghĩ này, những bạn hữu người thân đã ra đi của chúng ta, họ không ra đi, không biến mất, không mất. Họ đã tái sinh trong chúng ta qua những kỷ niệm có với chúng ta, qua những thói quen tốt mà chúng ta học được, qua tình thương yêu mà họ đã để lại cho chúng ta.
 
Món quà chúng tôi được nhận từ gia đình ông bà Mỹ này không phải chỉ bộ bàn ghế giá trị gần hai chục ngàn đô.  Đó là hữu vi.  Món quà lớn hơn vô giá đó là cách sống và cách chia sẻ và tích lũy phước đức. Những giá trị vô hình đó đã “tái sinh” trong chúng tôi.
 
 
Anne Khánh Vân
Tết Tân Sửu
Feb 9, 2021

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Một ngày cuối tháng tám, vợ chồng tôi chở anh chị đi chơi, ăn uống; đang ăn bỗng dưng anh nhìn xa xăm, nói vu vơ như không cần người nghe: - Tôi cần một phương pháp trợ tử! Tôi giật mình lo lắng đưa mắt nhìn chị, nước mắt đong đầy trong hốc mắt, chị nhẹ nhàng tâm sự: - Ai cũng phải đến ngày đó thôi! Anh đã chịu đựng đau đớn mỗi lần lọc thận về, ăn uống không được ngon miệng nữa, ngủ nửa đêm thức giấc vì nóng hay lạnh quá, không được uống quá nhiều nước cho dù có khát cách mấy vì thận đã không làm việc nổi. Anh lại thương chị mỗi khi thấy chị cực giúp anh làm vệ sinh cá nhân. Con cái ở xa, chúng có cuộc sống riêng, đâu thể lúc nào cũng kề cận lo cho cha mẹ mãi được, khi cần chúng có thể đến giúp có hạn mà thôi…
Tuy không còn ở đó nhưng hắn vẫn thường nhớ những chiếc lá vàng trên cây khế nhẹ rơi, giàn hoa giấy rực rỡ cười với nắng trước mưa chiều. Cái máy hát cũ kỹ với băng đĩa nhão vừa hợp với nhạc sến, “tình chỉ đẹp khi còn dang dở…” Hắn gởi gió cho mây ngày bay một đoạn đời hư thực huyền ảo như lời nhạc rả rích từ cái máy hát lớn tuổi hơn hắn lúc bấy giờ khi những toan tính về tương lai chưa có đáp số thì bài toán một với một đã không bao giờ là hai từ khi em lấy chồng.
Chiếc Airbus A380 của hãng hàng không Emirates từ từ đáp nhẹ nhàng xuống phi trường quốc tế Tokyo Narita. Airbus A380 là loại máy bay khổng lồ, có thể chứa trên 500 hành khách, chỗ ngồi rộng rãi, thoải mái và bay rất êm...
Tuy Hòa, nơi tôi sống quãng đời thơ ấu, là một thành phố nhỏ hiền hòa nằm sát bờ biển, giống như nàng “Mỹ Nhân Ngư” phơi tấm thân kiều diễm trên bãi cát trắng tinh. Nàng dựa đầu trên núi Chóp Chài, đôi mắt mơ màng nhìn ra biển Đông, nghe gió thổi vi vu qua những bãi thùy dương dày đặc trên bãi biển Đại Lãnh, đầu đội vương miện hình Tháp...
Hôm nay, tôi lại có dịp ghé vào “cõi riêng” của tôi để lau dọn, quét bụi. Nhìn thùng sách nằm nơi góc phòng, tôi nhớ anh Quang, không dám mở thùng sách ra, rồi chẳng hiểu sao, lại tha thẩn ngồi xuống ngắm nghía những cuốn albums và tủ sách của riêng mình. Tôi nhẹ nhàng lấy ra từng cuốn sách, xem tựa đề, để tâm hồn lại lang thang trôi về quá khứ.
Có nhiều người tự hỏi là tại sao sang đến xứ tự do tạm dung này lại có những chuyện buồn như thế xảy ra cho người đàn ông, thay vì chỉ thường thấy xảy ra cho người đàn bà khi chúng ta còn ở quê nhà. Chắc rất nhiều người trong chúng ta, nhất là phái nam, đều hiểu rõ có nhiều nguyên nhân rất sâu xa, tế nhị, phức tạp, không tiện nêu ra ở đây, nhưng câu chuyện tình buồn được kể lại sau đây là một trong những trường hợp điển hình
…Khi anh tới cổng viện dưỡng lão, trời đã chạng vạng tối, chỉ còn bà mẹ anh và bà thư ký ngồi co ro trên ghế đá… họ đợi anh, bà thư ký vội báo cho anh hay là anh hãy canh giữ, nuôi bà cụ khoảng một tháng, chờ tình hình dịch bệnh tăng giảm ra sao, rồi thành phố sẽ quyết định và nhà già sẽ liên lạc với anh ngay sau đó. Bà thư ký đi khỏi, anh quay lại ngó mẹ và đau lòng thấy bà cụ co dúm như một mớ giẻ rách khô… anh đỡ mẹ ra xe, và nhỏ nhẹ khuyên trấn an: - Mẹ cứ về ở với con ít lâu, coi tình hình ra sao?
Có nhiều người sợ hãi khi nghĩ đến cái chết, nhưng thật ra nếu nghĩ thường xuyên đến cái chết là một việc hết sức tích cực và giúp cho người già rất nhiều. Mỗi khi nghĩ đến cái chết giúp cho ta thức tỉnh và sống trở lại giây phút hiện tại và quán chiếu xem mình phải làm gì trước khi nhắm mắt lìa đời. Nghĩ đến cái chết giúp ta dừng lại, xem xét những việc mình đang làm, những gì mình ước mong thực hiện và những tham vọng về tiền tài, chức phận, vật chất để được hưởng thụ. Khi tuổi về già chúng ta không nên tránh né nghĩ đến cái chết, mà nên nghĩ đến nó thường xuyên và nhất là nên chuẩn bị cho cái chết. Khi chuẩn bị cho cái chết ta sẽ suy nghĩ chín chắn hơn những gì nên và không nên làm trước khi qua đời và mình sẽ tự giúp tránh những việc vô ích, không có ích cho ai và mất thì giờ, để dành cho những việc quan trọng hơn, có ích lợi
Xâu chuỗi ngọc. Những viên đá quý. Tôi lại mỉm cười. Quý hay không quý tôi cũng không biết. Tôi không biết gì về vàng bạc, nữ trang. Tôi chỉ biết là tôi thích những tia màu phản chiếu lấp lánh phát ra từ những hạt đá nhỏ trong xâu chuỗi. Những tia màu như những câu chào hỏi rộn ràng. Cũng có thể xâu chuỗi làm bằng những hạt đá giả bằng nhựa. Bởi chúng rất nhẹ. Người đàn bà làm tôi xiêu lòng. Tôi sẽ mua tặng người yêu như lời bà ta nhắc nhở, dù tôi không chắc là đến ngày tháng này tôi đã có người yêu hay chưa. Tiểu Quyên là người nữ duy nhất trong thế giới tôi. Nhưng Tiểu Quyên với tôi là hai người bạn, hay đúng hơn là hai chú cháu.
Chiếc xe đò rẽ vào ngả ba Lộ Tẻ, chạy chậm lại rồi ngừng hẳn. Trên xe một số người nhốn nháo, ló đầu ra cửa sổ xem có chuyện gì. Anh phụ xe nhảy xuống vội vàng chạy về phía trước. Đã hơn 2 giờ chiều, trong xe hầm nóng và trở nên ồn ào. Vài phút sau, anh phụ xe trở lại và báo tuyến đường về Rạch Giá đã đóng vì nước lũ về ngập một số đoạn đường dài phía trước. Tất cả bà con phải xuống xe, hoặc tìm nhà nghỉ tạm chờ nước rút, hoặc bao đò máy về Rạch Giá. Đó là một buổi chiều giữa mùa nước nổi, tôi theo dòng người bước xuống xe, trời hanh nắng và đứng gió. Đường xá, đò ghe tôi không biết rành, chắc là phải tìm nhà xin trọ, chờ nước rút.
Rứa là tui được hưởng hai cái bánh nhỏ thanh tao dòn rụm, bột họ pha răng mà mê rứa không biết, kèm mấy lát vả, lát khế, rau sống chấm nước tương pha chế ngon ơi là ngon. Tỉnh táo bao tử rồi hắn chở tui đi vòng thành phố Huế, qua khu Thương Bạc, ủa bữa ni răng mà người đông rứa, bớt vẻ yên tĩnh như ngày xưa, tiệm quán cũng mọc lên khó còn đất trống. Vừa đi hắn vừa kể nỗi gian khổ lúc trẻ, nay thì hậu vận quá tốt, con có địa vị thành công, chồng cưng yêu nhiều hơn lúc tuổi xế chiều, mà nhìn kỹ hắn tươi đẹp mặn mà ghê, chắc hạnh phúc gia đình biến sắc thêm xinh hè. Đi nửa ngày hắn thả tui về nhà” tau bận chút chuyện, sẽ gặp mi sau nữa nghe. Tui cám ơn hắn, gần 50 năm tuy xa mà hắn vẫn nhớ, vẫn đầy tình bạn thân thiết như hồi mô.
Sàigòn cũng như Phan Rang không có 4 mùa, nhất là mùa Thu. Nhưng Sàigòn cũng như Phan Rang đều có những đêm trăng Thu mờ ảo đẹp và buồn giống như mắt của em.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.