Thường lệ hàng năm, mỗi khi giao thừa đến thì ba nó sẽ đốt pháo, năm nay nó xí phần. Nó vừa mừng vừa hồi hộp, phong pháo chuột treo tòn ten trước hiên nhà. Nó bèn lấy mảnh giấy báo cuốn vào tim pháo, làm thành một đoạn dài đủ an toàn để sau khi đốt thì lui lại. Tiếng pháo chuột đì đẹt, lách tách nghe vui tai nhưng nhanh chóng tan loãng vào vô số tiếng đì đùng của pháo đại, pháo tống, pháo tổng...Sau khi đốt pháo nó cảm thấy như trưởng thành và lớn hơn một chút, mà thực quả thế, nó đã thêm một tuổi đời!
Giờ phút giao thừa qua đi, tiếng pháo tắt hẳn rồi, trời đất không gian dường như tịch mịch hơn cả khi chưa có tiếng pháo. Cái tĩnh mịch sâu lắng của đêm trường đã đưa nó vào giấc ngủ đầy mộng đẹp của mùa xuân.
Sáng mồng một tết, nó diện bộ đồ mới mà mẹ mua cho hôm tháng chạp, cả nhà còn ngủ nướng vì những ngày tháng chạp bận rộn. Nó mở cửa ra đường đi loanh quanh trong trấn nhỏ, vui quá là vui, ai ai cũng mặc áo mới, tươi cười như hoa, gặp nhau chúc mừng năm mới, trước nhà ai cũng có một hai chậu hoa như thược dược, cúc, vạn thọ, mồng gà...Bác Ba ròm, người trong trấn mở gian hàng bầu cua cá cọp ngay trước hiên nhà, bác ra điều kiện:” Mình vui xuân là chính, chơi chút chút lấy hên, không đặt cược lớn, kẻo mất vui”. Thiên hạ thường nói:” Nhà cái luôn luôn thắng, vì họ nắm đằng chuôi”, ấy vậy mà có khi cũng sai. Bác Ba ròm cầm cái bầu cua cá cọp chừng một giờ đồng hồ là thua sạch túi, có lẽ bác không gặp may trong ngày đầu xuân.
Đi lòng vòng trong trấn một lát, nó quay về nhà ăn sáng với cả nhà. Mồng một tết ăn chay nên chỉ ăn bánh tét với dưa kiệu và rau sống, món bì thì sang mồng hai mới được ăn. Món bì của ngoại nó làm ngon có tiếng trong thị trấn, mấy phần đầu đuôi thủ vĩ của con heo được ngoại chế biến sơ rồi bọc trong lá ổi và bó rơm ở ngoài, tết không thể thiếu món này!
Cả nhà qua bên ngoại, lên lầu lễ Phật, lạy gia tiên mừng tuổi ông bà, sau đó thì chúc tết ngoại. Ba nó nói và anh em nó lập lại:” Con kính chúc ngoại mạnh khỏe, sống lâu trăm tuổi, sống vui cùng con cháu, cầu Phật gia hộ cho ngoại”, chúc xong ngoại lì xì mỗi đứa một bao lì xì đỏ tươi. Mồng một tết, ngoại còn cho ba anh em nó mỗi người một cái phái ( bùa). Phái là một mảnh giấy toàn chữ Tàu, viết bằng mực xạ và đóng con dấu đỏ chót, mảnh giấy gấp lại nhỏ bằng ba ngón tay, ép nhựa kín lại và có dây để đeo lên cổ. Ngoại nói cái phái hộ vệ cho các cháu khỏe mạnh, khỏi bị tà ma quấy nhiễu, đêm ngủ không bị ác mộng...
Ngoại căn vặn má nó: ”Quét nhà dồn vào xó bếp, qua mùng bảy mới được đổ rác, đi chợ nhớ mua trầu cau, muối...” hồi ấy nghe nhưng không hiểu vì sao, sau này lớn lên mới biết những thế hệ ông bà xưa thường kỵ đổ rác ngày tết vì sợ sẽ mất tài lộc. Mua trầu cau là ước vọng vợ chồng anh em trong nhà yêu thương gắn bó nhau như sự tích trầu cau. Mua muối là ước vọng cho sự đầy đủ lương thực thức ăn, đời sống đầy đủ no ấm… Trong nhà ngoài bàn thờ Phật, bàn thờ gia tiên còn có một bàn thờ nho nhỏ gần bên cửa vào gian phòng thờ, không thấy có hình ảnh hay tượng gì, chỉ thấy hai hũ muối và gạo mà thôi. Lớn lên rồi nó mới biết đó là sự cầu kiến một cuộc đời được gia hộ no ấm và đầy đủ.
Chúc tết ngoại xong, cả nhả lên chùa Khánh Lâm (tục gọi chùa Bàu Lương) để lễ Phật đầu năm. Thầy trụ trì pháp danh gì hổng biết, chỉ biết mọi người vẫn thường gọi một cách thân mật là thầy Trí. Ông thầy già, hiền lành luôn luôn mỉn cười, lông mày dài, bạc trắng rớt che cả mắt, trông ông thầy cứ như ông Bụt, ông tiên trong truyện cổ tích bước ra. Nó cũng đốt nhang và xì sụp lạp Phật, lạy hết các bàn thờ có ở trong chùa. Mẹ nó đến bàn thờ thần tài và cầm cái hũ đựng những thẻ xăm sóc sóc cho tới khi có một cái thẻ rơi ra. Thẻ ghi toàn chữ Tàu, mọi người cầm cái thẻ ấy xuống nhà khách nhờ thầy Trí giải thích cho. Thầy Trí bận cả buổi sớm mai, bà Ba Bụng, bà Trùm Ba, bà Chín Đỏ, bà Hai Gạo… lần lượt chờ thầy đọc thẻ xăm. Lễ Phật xong, nó theo ba đi tảo mộ tổ tiên, đi thăm viếng và chúc tết họ hàng gần xa. Đến nhà nào mấy anh em nó cũng được lì xì, nó thấy má nó cũng lì xì lại cho những người anh em họ.
Lễ chùa và thăm họ hàng xong cũng đã xế chiều, về đến nhà là nó chạy ngay ra chợ. Ngôi chợ giữa trấn đông vui vô kể, mấy mươi gian hàng trò chơi như: bầu cua cá cọp, thảy vòng, ném lon, thảy đầu vịt...rồi những hàng ăn uống nữa, nhưng vui và rộn ràng nhất là quầy hô bài chòi và hô lô tô. Tiếng hò và hô lô tô vang vọng:” … Con mấy vị ra, con mấy vị ra, con gì nó ra đây...ngựa chạy bon bon, con vượn bồng con lên non hái trái, anh cảm thương nàng phận gái thuyền quyên, con hai mươi nguyên...” những người hô lô tô thật giỏi và nhanh nhẹn, phải thuộc nhiều bài hát, ca dao... hát sao cho chữ cuối nó liền vần với con số.
Nó đâu có biết rằng, tiếng hô bài chòi, hô lô tô, tiếng pháo giao thừa, âm thanh sôi nổi của hội xuân, hình ảnh hoa quả bánh mức, hình ảnh ngôi chùa quê với ông thầy hiền như Bụt ấy in sâu vào tâm khảm nó. Mà đâu chỉ có thế, hình ảnh bộ lư đồng sáng choang, ngọn đèn hột vịt leo lét trên bàn thờ cũng nạm vào hồn của nó. Sau này lớn lên đi bốn phương trời, nó vẫn nhớ như in những bóng hình ấy, cứ mỗi độ xuân về là tâm nó lại mở ra những ký ức xưa, cứ như một cuộn phim chậm rãi chiếu lại tết xưa đẹp như một truyện cổ tích.
TIỂU LỤC THẦN PHONG
Ất Lăng thành, 01/2021