Hôm nay,  

Ngày Tết

10/02/202109:49:00(Xem: 2099)

Hôm nay thứ Sáu, còn đúng một tuần nữa là Tết, vì thế mà ra khỏi sở sớm để ghé chợ mua vật dụng về nấu bánh chưng cuối tuần nầy. Coi đi coi lại cái list đã làm không biết bao năm trước. Cũng chừng đó thứ thôi: nếp Nhật hạt tròn, đậu xanh, thịt ba rọi, lá chuối, đủ nấu chừng mười lăm cái mà khi nào cũng dư lại một ít đậu xanh. Nhưng cũng nhờ thế mà nấu được thêm mấy chén chè bông cau, để nhớ ngày xưa…

Đã mấy mươi năm nay chưa bao giờ mua một cái bánh chưng ngoài chợ và không nhớ lần cuối ăn một miếng là lúc nào. Có người em năm nào cũng cho một cặp bánh chưng từ một  tiệm nổi tiếng ngoài Bolsa, rất to, vuông vắn, lá xanh tươi, nơ thắt ngay ngắn… nghe đâu bây giờ tới hơn hai mươi đồng mỗi cái, nhưng mở ra, thấy rồi thì hết muốn thử. Năn nỉ anh nầy đừng cho nữa nhưng Tết nào cũng nhận một cặp, chắc anh sợ mình tủi thân vì trong nhà ai cũng có mà mình thì không. Không có những thứ người khác có chưa chắc là chuyện không hay!

Năm nào cũng nấu. Có năm nói thôi, có ăn uống chi đâu mà phải mất công, nhưng rồi gia đình, bạn bè nhắc, nay lại thêm hai người con đang “về nguồn”, biết “quý” cái bánh chưng ngày Tết vì thế mà cứ tiếp tục. Có cô em người bạn ăn bánh chưng ở nhà anh chị, gặp mình nói em biết là anh chỉ nấu ít thôi nên em không dám xin nguyên cái, năm tới anh cho em nửa cái cũng được. Cô nầy đam mê nấu ăn, nhất định phải nấu đêm nấu ngày nồi bún bò Huế cho đến khi nào “tới” mới thôi. Chắc bây giờ “tới” rồi nên hai vợ chồng ra mở tiệm. Cô biết thức ăn “ngon” không nằm ở lượng mà ở phẩm. Thức ăn dù ngon đến mấy cũng chỉ ngon vài ba miếng đầu, càng ăn thêm càng dở. Tiệm ăn càng cao cấp thì portion càng nhỏ, dọn ra một cái dĩa rất lớn mà chỉ có vài ba miếng lèo tèo ở giữa.

Nói là mất công nhưng không phải là không có phần trông ngóng. Im lặng hằng giờ, thong thả vò nếp, vò đậu, lau lá, nấu bánh, vớt bánh, ép bánh…mà lòng nhẹ như mây!  Thiếu cái cảm giác ấm áp khi ngồi canh lửa cạnh nồi bánh, có khi suốt đêm, như ở bên nhà, nhưng vẫn còn cái tỉnh lặng nhẹ nhàng trong lòng. Những lúc như thế nầy, bên tai như vẫn còn nghe tiếng mưa rơi trên mái tranh lẫn trong tiếng chuông chùa sáng sớm, khi ngồi bên bếp lửa chờ nghe tiếng kêu leng keng của cái xách cơm bằng nhôm đụng lên cái ghi-đông xe đạp vọng đến từ rất xa, biết là người bạn học sắp đi ngang, để ra chờ sẵn cùng đạp xe tới trường. Có những chiều tan học đạp xe về nhà thì trăng sớm đã lên, con đường làng êm ả sáng dưới trăng, thơm mùi rạ từ những thửa ruộng vừa xong mùa gặt.

**    


Nấu bánh chưng có chi là khó! Vo nếp, đậu như cách người Nhật vo gạo. Phải nói là “rửa” gạo mới đúng. “Rửa” nhiều lần, mỗi lần phải quay qua quay lại quanh cái thau ba mươi hai lần (?) cho dến khi nước trong như nước mưa. Rồi phải đợi cho nếp và đậu thật ráo nước. Gói không chặt quá để nếp và đậu có chổ nở ra và dính lại với nhau, nhưng không lõng quá để nước thấm vào làm nhão bánh. Sắp những miếng thịt như thế nào để khi chín, có chút mỡ chảy ra nhưng không dính tràn ra ngoài nếp. Úp mặt ngoài miếng lá chuối vào là cái bánh chưng xanh như ngọc khi mở ra. Có điều vì làm thế mà mặt ngoài chiếc bánh không xanh như bánh ngoài chợ. Nếu được đẹp cả trong lẫn ngoài thì quá quý, nhưng nếu chỉ có một thì mình chọn giữ cái đẹp phía trong. Để bánh có màu xanh nhiều nơi dùng phẩm màu trộn vào nếp, có khổ tâm không. Một người có nhan sắc, khôn ngoan và tự tin thì bôi son quét phấn, mang vòng vàng cà rá đầy người làm chi cho nhiều!
Trúc xinh trúc đứng một mình cũng xinh!

Cái khó của bánh chưng nằm ở chổ tìm ra cái balance giữa nếp, đậu và thịt. Người thích nhiều nếp, người thích nhiều đậu. Người thích có chút mỡ, người tìm bỏ ra. Sở thích ăn uống là chuyện rất “cá nhân”, không có chuyện “rành ăn” hay không “rành ăn” ở đây. Chín người mười ý. Thôi cứ nấu theo ý mình, bởi vì nấu ăn cũng là chuyện “cá nhân”. 

Một bà làm cùng sở có chồng người Nhật mở một tiệm ăn chuyên về thịt gà rất nổi tiếng trên Los Angeles, một ngày kia Jane Fonda đến ăn. Jane Fonda muốn lấy da gà ra trước khi nấu và người bếp làm theo, nhưng rồi ra gặp Jane Fonda sau khi xong bữa ăn và nói vì bà lần đầu đến đây nên tôi chìu bà mà lấy da gà ra, nhưng lần tới tôi không làm như thế nữa vì đó là cách tôi nấu thịt gà, nếu bà không thích thì bà không cần phải trở lại. 

Mấy mươi năm trước khi cuộc chiến Việt Nam bùng phát dữ dội, “chị Jane” qua thăm Hà-Nội, mặc đồ bà ba, đội mũ cối, tươi cười ngồi trên dàn súng phòng không. Dĩ nhiên là chị được chiêu đãi hoành tráng, nhưng không biết có thịt gà không và “chị Jane”có bảo họ bỏ da gà ra vì ăn da gà không tốt cho sức khỏe của chị! 

Ngày xưa, người ta nhớ tới Ông Đồ Già mỗi lần Tết đến, ngày nay mình nhớ mấy cái YouTube của những nhóm sinh viên ở Sài-Gòn, tụ lại với nhau nấu bánh chưng bánh tét rồi đêm đến đem phân phát cho những người không nhà không cửa sống lây lất trên vĩa hè. Thấy người nào cũng vui, cũng đẹp và gói bánh cực kỳ giỏi. Chỉ mong một ngày nào về cùng gói bánh với họ, rồi theo họ đi “giao hàng”. Mình không biết gói bánh tét nhưng chắc học cũng mau thôi vì đã có “căn bản” rồi. Và chắc là sẽ rất “vui”.

**


Ông
manager phụ trách một shopping center của công ty vừa ghé lại hỏi tại sao không ghé lại lấy cái nồi đã để sẵn ở office của Ông. Có một tiệm ăn ở shopping center nầy dọn ra nhiều năm trước để lại nhiều vật dụng, trong đó có cái nồi nấu xúp rất lớn mà Ông giữ lại để dành cho mình, đủ để nấu mười mấy cái bánh chưng mà không sợ nước tràn ra ngoài và khỏi phải canh chừng để châm thêm nước mỗi vài giờ. Ông tử tế vì ông là người…tử tế, không phải vì có lần ông ghé qua bàn công chuyện, thích tấm ảnh hai vợ chồng đang bắt ốc giữa giòng sông Irrawaddy ở Miến Điện mình phóng lớn treo trên tường và muốn một tấm, rồi mấy hôm sau ghé lại cám ơn tấm hình nhận được, thấy cái khung hình trống trơn nằm trong góc phòng. Ông nói năm nầy cho ông một cái để biết nấu cái gì mà năm nào cũng hăm hở nấu. Chắc gói riêng cho ông một cái nhỏ thôi, vì nghe đâu ông ở một mình sau ba lần ly dị.


blank

Sông Irrawaddy, Miến-Điện.


Tuần rồi mấy ông tướng Miến-Điện lại đảo chánh. Đây là xứ sở Phật Giáo, với những ngôi chùa đồ sộ thay lớp vàng dát trên tháp mỗi bốn năm, với cả hàng ngàn ngôi đền chen chúc ở Bagal. Thế mà, bên ngoài những bức tường cao kiên cố vây bọc dinh thự của mấy ông tướng là những người phụ nữ ốm yếu, đội trên đầu thúng đá vá đường với mức lương nghe đâu khoảng bốn mươi xu Mỹ mỗi ngày và còn cho là
overpaid! Những ông tướng nầy và gia đình họ chắc là đi chùa, tụng kinh niệm Phật thường xuyên, thế thì họ cầu nguyện, tu tập điều gì? 



Giữa sân một khách sạn ở Mandalay, xứ sở của những ngọn núi đá cẩm thạch mà những viên tướng nầy đang cấu kết với thương lái Trung Quốc cướp bóc, có một tảng đá lớn với tấm bảng bên cạnh ghi trị giá hơn hai triệu đô la Mỹ. Nếu không cắt ra thì đó chỉ là một tảng đá thô, không ai biết cẩm thạch. Phải chi thay tảng đá vô dụng xấu xí, choán chổ nầy bằng một trường học, trường dạy nghề hay bệnh xá thì phước đức biết bao. 

Đến thăm người bạn có công ty du lịch ở Miến Điện và nhiều nước Đông Nam Á.  Anh nói anh thích người Miến nhất vì họ rất thông minh và hiền hòa. Mấy năm trước qua đây hơn một tuần mà ở trên tàu chạy dọc theo ông Irrawaddy mất mấy ngày rồi, nhưng cũng có dịp tiếp xúc với nhiều người Miến, trở về sống trên đất nước mình sau thời gian làm việc ở Singapore dù có chức vụ cao và lương bỗng hậu hĩ. Một xứ sở như thế mà chịu quá nhiều tai ương. Sau một thời gian dài tự phong tỏa, vừa khá lên chút là bị thế giới lên án vụ Rohingya, rồi COVID và nay đảo chánh…Những người làm việc cho người bạn vô cùng khốn đốn.  Mình quá hoang mang, hay là Chúa đã bỏ loài người, Phật đã bỏ loài người…(t.c.s.)



 blank

Bagal, Miến-Điện


**


Ông
manager tử tế nhớ đến ngày Tết để cho mình mượn cái nồi nấu bánh chưng còn dạy mình không biết bao nhiêu điều: nuôi cá koi ra sao, làm cái biological filter như thế nào mới đúng để nước cho trong. Có lần làm cây cầu bắt qua hồ cá, chỉ mua gổ, design chút ít rồi đem vào nhờ ông cắt, mình chỉ đem về đóng lại, sơn lên là xong. Nhưng ông đâu phải là người tử tế duy nhất ở đây. Ở đây ai cũng tử tế. Mình ngồi thấp mà nước thì chảy chổ trũng nên may mắn mọi bề. Ra khỏi cửa bên tay phải là mấy ông kiến trúc sư, có ông giúp design cái studio của mấy người con thành hai cái sleeping compartment. Bên trái là mấy người CPA, có thắc mắc gì việc thuế má, vay nợ mới, đầu tư…cứ “vô tư” hỏi. Cách mấy phòng là chổ của mấy người luật sư, có người giúp sửa lại tờ thỏa thuận với người tông xe mình để bảo đảm là mình không gặp rắc rối về sau. Bên kia parking lot là nông trại, cần ít đất trồng cây là họ xúc vào mấy cái container đễ sẵn cho. Có lần rũ người làm vườn trồng thử dưa hấu vuông như nên Nhật coi ra sao. Ai cũng giỏi trong lãnh vực của mình mà không lấy việc hơn người khác làm mục tiêu ở đời. Nhiều khi không khỏi lo bởi mình chẳng có chi đền bù cho sự tử tế của họ. 

Chính vì thế mà đã mấy mươi năm qua, ít có ngày nào thức dậy lại không muốn vào sở làm. Có quá nhiều điều mới để được hỏi, được học, được làm hằng ngày, để cải thiện bản thân, để hơn chính bản thân hôm qua, như cái mantra một người bạn vừa text cho và đã in ra treo trên cái pc monitor: Don’t try to be perfect. Just try to be better than you were yesterday!

Đến tuổi nầy “mà lòng phơi phới dậy tương lai (t.h.)” thì mất nết quá. 


**


Mấy tháng ở trại tỵ nạn sau khi tàu chìm tạt vào Thai Lan là dịp Tết. Thấy có gia đình bên cạnh sửa soạn nấu bánh chưng nên hỏi xin mượn cái thùng khi họ nấu xong. Cái khuôn thì đã có rồi, làm bằng một miếng gổ lấy từ chiếc tàu mình đi vượt biên bị vỡ chìm nằm nửa trên nửa dưới trên bờ và vẫn còn giữ tới bây giờ. Người hàng xóm có cái nồi nấu bánh chưng, nghe giọng mình nặng nề trọ trẹ, nói: “thôi cậu ơi, bày đặt học nấu bánh chưng làm gì cho mất công. Bánh chưng là của chúng tôi. Để tôi nấu xong cho mấy cô cậu một cái ăn cho biết…” Không thể không đồng ý với ông hàng xóm nầy, ẩm thực là vấn đề văn hóa. Thử tưởng tượng mình học được cách nấu phở, bạn bè đến ăn khen ngon khuyên nên mở tiệm kẻo bỏ phí “tài năng”, thế là mở tiệm phở, lại còn treo một cái bảng quãng cáo “
Phở Bắc chính gốc” thì có chướng không. Như có người đã nói như thế nầy khi so sánh phim cao bồi Mỹ với phim cao bồi Ý: “Phim cao bồi Ý súng nổ nhiều hơn, đào đẹp và sexy hơn, ngựa phi nhanh hơn…nhưng thiếu một thứ không bao giờ có thể có: bụi Texas…

Nhưng bánh chưng thì có thể là chuyện khác, ngoại lệ. Người hàng xóm nấu xong gọi qua lấy thùng và cho một cái bánh chưng. Tới phiên mình nấu xong đem thùng qua trả và “lại quả” ông một cái. Không nghe ông nói chi về bánh chưng từ đó…  


 **


Đi ra
park có sân tennis đánh vào tường kiếm chút mồ hôi trước khi tới sở làm. Mừng gặp lại hai anh Việt-Nam hiền lành, vui vẻ.

Đây là hai người mình gặp lần đầu ở đây mấy tuần trước. Một anh đứng nhìn mình tự tập một hồi lâu rồi bước đến nói mình đánh sai ở chỗ nào, tại sao sai. Chi cũng sai cả: forehand, backhand, volley, drop shot, down the line…Té ra, đánh đã mấy chục năm, đọc bao sách vở, coi bao nhiêu video mà vẫn không biết cái sai, cái dở của mình. Từ đó, mỗi khi ra đây may mắn gặp anh, anh chỉ dạy tận tình. Có khi mình đánh trả lại bị hư, banh ra ngoài hay dính lưới, anh lại còn xin lỗi, nói là tại anh đưa banh qua không chính xác! 

Anh kể vừa mới đươc chích COVID vaccine dù anh chưa tới sáu mươi lăm tuổi vì anh đưa đón bệnh nhân tới phòng mạch hay nhà thương  nên có phòng mạch nào đó cho anh chích. Chắc anh làm thiện nguyện thôi, có lần anh nói anh về hưu rồi vì không có “nhu cầu”. Nói chuyện vaccine rồi qua chuyện Pfizer, Moderna stock. Anh nói mỗi ngày anh mua bán năm bảy cổ phần cho vui thôi. Mới đây, anh có một niềm vui lớn hơn. Anh mua Moderna $140 một cổ phiếu và bán lại $120, chỉ lỗ có $20 một cổ phiếu thay vì lỗ $35 vì trước đó một ngày Moderna xuống còn $105.

Cần đi đâu cho xa để tìm Bồ Tát!


**


Từ nhiều năm nay, chổ làm luôn tổ chức một “sự kiện” rất lớn cho ngày Tết,
Lunar New Year, không phải Chinese New Year. Năm ngoái có cả một ngàn năm trăm người được mời. Rất may mắn vì COVID sập tới chỉ một tuần sau đó. 

Năm nay, vì không thể tổ chức “sự kiện” nên họ làm một cái virtual show và người phụ trách hỏi là nên làm gì cho phần của  cộng đồng Việt-Nam. Đề nghị họ mời vài ca nhạc sĩ Việt-Nam ở đây trình diễn bài Ly Rượu Mừng.  Có phần phụ đề tiếng Anh, để người của các nền văn hóa khác nghe người Việt chúng tôi chúc gì nhau trong ngày Tết, ngày thiêng liêng nhất trong mỗi một người chúng tôi.


Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi
Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi
Người thương gia lợi tức
Người công nhân ấm no
Thoát ly đời gian lao nghèo khó
Nhấp chén đầy vơi
Chúc người người vui
Muôn lòng xao xuyến duyên đời
Rót thêm tràn đầy chén quan san
Chúc người binh sĩ lên đàng
Chiến đấu công thành
Sáng cuộc đời lành
Mừng người vì Nước quên thân mình
Kìa nơi xa xa có bà mẹ già
Từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa
Chúc bà một sớm quê hương
Bước con về hòa nỗi yêu thương

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ngày 21 tháng 4 năm 1975, Tư Tưởng ghé ngang hậu cứ, dẫn ba thằng em: Bắc Hà, Th/úy Trọng và tui đi nhậu ở quán Thuỷ Tiên, gần Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn ngày xưa, trước khi dời vô Phi trường Vĩnh Long...
Trên đường đến phòng trưng bày tác phẩm nghệ thuật của Gertrude Stein, tôi bước đi với tâm trạng phấn khích của một người sắp gặp Ernest Hemingway. Nắng chiều Paris phản chiếu từ cửa sổ những quán cà phê xuống con đường đá cũ tạo thành bóng râm dài phía trước. Tiếng reo hò chen lẫn tiếng đàn từ mấy quán bar nhỏ nơi góc phố gây nên bầu không khí sôi động dội vào tâm trí tôi...
Tôi bán hàng giải khát trước cổng nhà máy, khách hàng là những công nhân, bộ đội và cán bộ trong nhà máy. Tôi là “mụ” bán hàng “phản động” luôn tơ tưởng đến chuyện vượt biên. “tri kỷ” của tôi có chị Ky buôn bán ở xa cảng miền Tây, nghề mới của chị sau cuộc đổi đời 1975, trước kia chị là nhân viên một ngân hàng quận Gò Vấp. Chị Ky là hàng xóm, hôm nào ghé quán tôi không chỉ để uống ly đá chanh, uống ly cà phê mà cũng là dịp cùng tôi tâm tình than thở cuộc sống dưới thời xã hội chủ nghĩa, mơ ước chuyện vượt biên...
Mạ xếp hạng chuyện học hành của con cái là quan trọng hàng đầu. Với tiệm sách và quán cà phê, Mạ đã quán xuyến, lo cho gia đình có cuộc sống sung túc, thoải mái một thời gian dài...
Nghe tin chú Nghĩa sắp cưới vợ, bà con trong khu phố xôn xao nửa tin nửa ngờ. Chuyện lập gia đình ai trưởng thành chả thế! Ấy vậy mà với chú Nghĩa thì chuyện này hơi lạ. Đến khi chú đem thiệp đi mời hẳn hoi vậy chắc chắn là sự thật rồi không còn nghi ngờ gì nữa!
Từ ngày về hưu non, hai vợ chồng tôi cứ lục lọi hết website này đến website khác để tìm nơi đẹp đi du lịch; sợ rằng sự hào hứng của tuổi trẻ sẽ không còn nữa, nên phải đi hết những chỗ mình ao ước từ hồi nhỏ đã đọc sách mà không có thì giờ và phương tiện để thực hiện...
Cơn mưa nhỏ lướt qua bầu trời từ bình minh cũng đã chấm dứt; một tia nắng vàng lách qua lùm cây sồi chui vào góc chuồng cừu lớn. Những chú cừu đực ngập trong rơm rạ của máng ăn buổi sáng vừa ngẩng đầu về phía tia nắng và kêu be be...
Bây giờ, việc đi về giữa Mỹ và Việt Nam thật dễ dàng. Nhưng vào thập niên 80, 90 người đi kẻ ở tưởng chừng là biệt ly mãi mãi. Bạn đã nói với tôi như thế trong nước mắt. Và với sự ngăn cấm của gia đình, với tuổi trẻ khờ dại nông nổi, họ đã lạc mất nhau. Để rồi suốt phần đời còn lại, nỗi đau vẫn còn là vết thương rưng rức. Tôi xin ghi lại câu chuyện tình của bạn, như là một lời đồng cảm...
Ngạn rời căn nhà đó và xuống đây theo đơn xin đi làm trong hảng thịt bò. Ngày Ngạn đi cũng buồn tẻ ảm đạm như ngày anh rời đất nước. Người vợ và hai đứa con tiễn anh ở bến xe buýt ''Con chó rừng''...
Chiếc ghe vượt biển nhỏ xíu, mỏng mảnh của chúng tôi vậy mà chất lúc nhúc đến hơn 80 thuyền nhân, chẳng khác nào một cái lá lạc loài trên đại dương mênh mông, không biết đâu là bờ bến. Đoàn người rời bỏ quê hương tụm năm tụm ba, rải rác khắp thuyền, co ro trong cái lạnh ngoài khơi xa tít tắp, đầu óc hoang mang với trăm ngàn ý nghĩ...
Hôm ấy, trên facebook Group của nhóm cựu thuyền/ bộ nhân ty nạn Thailand, có xuất hiện bài post của Đức, chụp hình vợ chồng Đức đang tiễn con gái tại sân bay Tân Sơn Nhất đi qua Dallas Hoa Kỳ định cư theo chồng mới cưới. Ôi, chàng Đức chung chuyến tàu của tôi. Nhiều người quen cũ vào để lại những comments chúc mừng, cũng là những người tôi biết mặt biết tên, tôi liền vào tham dự, góp vui...
Người ta nói: “Hết quan là hoàn dân” và chỉ mong có vậy, đừng hết quan hoàn…tàn phế” thì buồn quá! Hôm nay lão Dụng đã tự ngồi dậy được. Lão không nhớ là mình đã nằm như khúc gỗ mục, bất động bao lâu rồi! “Mới đó mà đã lại sang một năm mới. Thời gian bây giờ có nghĩa gì đâu chứ!”: Lão lẩm nhẩm một mình!...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.