
Đào Văn
Chính phủ Trump giải mật tài liệu chống Trung Quốc sớm 28 năm
Vào ngày 31 tháng 12 năm 2018, TT Trump ký ban hành đạo luật tái bảo đảm an ninh vùng Ấn Độ Thái Bình Dương, Asia Reassurance Initiative Act (ARIA) nhằm "Thiết lập một chiến lược đa diện của Hoa Kỳ tăng cường an ninh, lợi ích kinh tế và giá trị của Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương". Qua đạo luật ARIA khẳng định lại sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Đài Loan - khuyến khích việc đi lại của các quan chức cấp cao của Hoa Kỳ tới Đài Loan, phù hợp với Đạo luật Du lịch Đài Loan đã được ban hành thành luật vào năm 2018. Hai ngày sau khi ban hành luật ARIA, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên tiếng nhấn mạnh rằng vấn đề Đài Loan là vấn đề nội bộ của Trung Quốc và không cho phép sự can thiệp từ bên ngoài.
Ngoài việc ban hành luật ARIA phủ tổng thống còn soạn ra văn kiện điều hành chính sách về vùng này, được xếp loại mật chỉ được công khai sau 30 năm. Nhưng văn kiện này lại được cố vấn phủ tổng thống phổ biến sớm 28 năm. Theo bản văn ngày 12 tháng 1 năm 2021, Cố vấn An ninh Quốc gia Robert C. O’Brien cho biết việc giải mật sách lược của Mỹ về vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, nhằm hướng dẫn chiến lược tổng thể trong suốt 3 năm thực hiện Chiến lược An ninh Quốc gia trong khu vực kinh tế và đông dân nhất thế giới. Xin tóm lược trích đoạn nội dung tài liệu "Khung chiến lược Hoa Kỳ về Ấn Độ-Thái Bình Dương- United States Strategic Framework for the Indo-Pacific":
"Nền An ninh và thịnh vượng của Mỹ phụ thuộc vào sự tự do và cởi mở tiếp cận với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, khu vực này sẽ vẫn là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ, của khu vực và của toàn cầu. (trang 1/10)
Các nước Đông Nam Á gắn kết chặt chẽ với nhau hơn về kinh doanh, an ninh và xã hội dân sự - bao gồm cả việc thông qua Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần được củng cố - và hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ và các đồng minh, cũng như các đối tác để duy trì các nguyên tắc đã xác định ở trên. Khu vực Đông Nam Á có khả năng kiểm soát các mối đe dọa khủng bố với sự hỗ trợ tối thiểu từ các quốc gia ngoài ASEAN.(trang 3/10)
[...] Mục tiêu: Thúc đẩy và củng cố vai trò trung tâm của Đông Nam Á và ASEAN trong cấu trúc an ninh của khu vực, đồng thời khuyến khích các nước này cùng chung tiếng nói đối với các vấn đề chính.
Hành động: Làm sâu sắc hơn mối quan hệ của chúng tôi với Singapore, Malaysia, Việt Nam và Indonesia. Đề cao vai trò trung tâm của ASEAN như một thành phần cốt lõi của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở". (Trang 9/10).
[...] Mục tiêu: Thúc đẩy và củng cố vai trò trung tâm của Đông Nam Á và ASEAN trong cấu trúc an ninh của khu vực, đồng thời khuyến khích các nước này cùng chung tiếng nói đối với các vấn đề chính.
Hành động: Làm sâu sắc hơn mối quan hệ của chúng tôi với Singapore, Malaysia, Việt Nam và Indonesia. Đề cao vai trò trung tâm của ASEAN như một thành phần cốt lõi của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở". (Trang 9/10).
Sau đây là phản ứng của các quốc gia trong khu vực từ phía Đông Á, Đông Nam Á đến Nam Á Châu về tài liệu trên:
* Á Châu Thời Báo - Việc giải mật hầu như toàn bộ tài liệu " Khung chiến lược Hoa Kỳ năm 2018 về Ấn Độ - Thái Bình Dương", không theo tiêu chuẩn thông thường của Hoa Kỳ là giải mật sau 30 năm. Nhưng việc công khai tài liệu mật lần này tại sao lại không áp dụng theo quy trình đó? Đừng mong đợi câu trả lời từ Trump hoặc từ Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O’Brien. Về mặt quân sự qua tài liệu, mọi thứ trở nên phức tạp hơn: Điều cấp thiết hiện nay là bằng mọi cách phải ngăn chặn Bắc Kinh trong toan tính “thống trị chuỗi đảo thứ nhất”- tức là vùng đảo từ quần đảo Nhật Bản đến Đài Loan cho đến tận miền bắc Philippines và Borneo. Và “tính ưu việt” cũng nên được duy trì trong “khu vực xa hơn”. Với chính phủ tân nhiệm, nhằm đối phó với Trung Quốc chắc chắn Biden-Harris sẽ chọn Kurt Campbell, nhân vật trước đây đã đề xướng chính sách “xoay trục sang châu Á” (Pivot) vào thời Barack Obama làm Tổng thống.


* Korea Thời Báo -Tôi hoan nghênh sự lựa chọn ngôn ngữ của Biden, ngôn ngữ này dường như bao hàm phạm vi địa lý trong "Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" của Trump hơn là sự trở lại chính sách "xoay trục sang châu Á" (Pivot) của Obama. Đây là một quyết định hợp lý. Việc chấm dứt đột ngột một chính sách đã được tán thành trong nhiều năm qua sẽ làm suy yếu tính nhất quán trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ. Trong ngoại giao, thiếu nhất quán đồng nghĩa với việc làm mất lòng tin.Thế giới có muôn vàn thách thức, nhưng chính châu Á sẽ quyết định sự thành bại trong chính sách đối ngoại của chính quyền Biden. Cả khu vực đang chờ xem Hoa Kỳ định hướng và thực hiện chính sách của mình như thế nào trong khu vực. Nhân cuộc điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Thủ tướng Australia Scott Morrison, Tổng thống đắc cử Biden đã nhấn mạnh sự hợp tác vì một "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương an ninh và thịnh vượng," dường như đó là cụm từ đặc trưng chính sách châu Á của tân tổng thống.
* Nhóm nghiên cứu Ấn Độ - Tài liệu "khung chiến lược của Hoa Kỳ đối với vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương" viết về việc xây dựng tiềm năng của Ấn Độ và coi nước này như một đối trọng với Trung Quốc. Chính sách được chính quyền Trump cổ vũ, có sự thống nhất về mặt chiến lược giữa Ấn Độ và Hoa Thịnh Đốn, hy vọng rằng chính quyền Biden sẽ không thay đổi quá nhiều chính sách này. Tài liệu mới được giải mật của Hoa Kỳ xác nhận Ấn Độ đóng vai trò trung tâm trong chiến lược về chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, đảm bảo và duy trì sự lãnh đạo của Hoa Kỳ nhằm đối phó với Trung Quốc trong các lĩnh vực chiến lược, quân sự, ngoại giao và công nghệ.
* Radio quốc tế Đài Loan -Liên quan đến Đài Loan, tài liệu nói rằng Mỹ nên "Xây dựng và thực hiện một chiến lược quốc phòng tạo khả năng, nhưng không giới hạn ở việc: (1) phủ nhận chủ quyền trên không và trên biển thuộc toàn vùng "chuỗi đảo thứ nhất" [*] hiện nay đang bị Trung Quốc đe dọa; (2 ) bảo vệ các quốc gia thuộc chuỗi đảo này bao gồm cả Đài Loan; và (3) Kiểm soát tất cả các khu vực bên ngoài "chuỗi đảo thứ nhất”. Và Mỹ nên "Cho phép Đài Loan phát triển một chiến lược có khả năng phòng thủ hiệu quả nhằm giúp đảm bảo an ninh, và khả năng đối đầu với Trung Quốc theo các điều kiện của riêng mình."
* Đài Radio VOV -Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 14/1, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị đưa ra bình luận về tài liệu "Khung chiến lược của Mỹ tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương" mà phía Mỹ mới giải mật, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Lập trường nhất quán của Việt Nam là mong muốn và hoan nghênh các sáng kiến liên kết, kết nối ở khu vực, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực dựa trên luật lệ và tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của tất cả các nước, bao gồm vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình".
* Tờ Hoa Nam Buổi Sáng,(Hồng Kông)- Ông Kurt Campbell, kiến trúc sư trưởng của chính sách “ xoay trục sang châu Á thời cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, dự kiến sẽ chiếm một vị trí mới đối với các chính sách châu Á khi tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức vào tuần tới. Mục tiêu của chiến lược là đầu tư và thúc đẩy hợp tác ở châu Á, đặc biệt là với Trung Quốc, về các vấn đề khác nhau, từ biến đổi khí hậu đến an ninh khu vực do Hoa Kỳ lãnh đạo. Tuy nhiên chính sách trên đã được Tổng thống Donald Trump thay thế bằng chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương, liên quan đến việc đánh giá lại quan hệ đối tác với các nước Nam Á nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
* Tờ The Diplomat, Nhật Bản -Về Tài liệu "Khung chiến lược của Mỹ tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương" xác định “lợi ích hàng đầu” của Hoa Kỳ trong khu vực, "nhằm nâng cao uy tín và hiệu quả của các liên minh của chúng ta; và duy trì ưu thế của Hoa Kỳ trong khu vực đồng thời bảo vệ các giá trị cốt lõi và quyền tự do của Hoa Kỳ tại quê nhà. " Như Ankit Panda, một cựu biên tập viên của The Diplomat, trên Twitter đã lưu ý điều này tương đương với “một sự chắt lọc phi ngôn ngữ khá tốt về ý nghĩa thực sự của‘ trật tự quốc tế tự do ’ở châu Á.” Sau đó là cam kết trong khuôn khổ đối với “vai trò trung tâm” của ASEAN. Xác định vị trí trung tâm của ASEAN là một khái niệm mơ hồ và đôi khi khó nắm bắt, một khái niệm mà Hoa Kỳ có thể sẽ luôn đấu tranh để khẳng định lại theo cách thức làm hài lòng các chính phủ trong khu vực. Trong quá khứ, sự can dự ngoại giao của chính quyền Trump với ASEAN còn rời rạc và chưa đạt được hiệu quả. Việc không cử đại diện cấp cao tham dự các hội nghị thượng đỉnh ngoại giao quan trọng như Hội nghị cấp cao Đông Á - và ngay cả vào năm 2020, qua các cuộc họp ảo đã không tham dự - cũng không duy trì được dù là tối thiểu nhất về vị trí trung tâm của ASEAN. Với thỏa thuận gần đây của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, bao gồm Trung Quốc, ASEAN và năm quốc gia khác, Hoa Kỳ có thể nhận thấy mình đang bị gạt ra ngoài đối với hai hiệp ước thương mại tự do lớn của châu Á. Trong tài liệu "Khung chiến lược của Mỹ tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương" cũng không đề cập đến Thái Lan và Philippines, dù cả hai đều là đồng minh của Hoa Kỳ, mà chỉ đề cập đến Indonesia và Việt Nam, hai đối tác ngày càng quan trọng của Mỹ.
* Japan Thời Báo - Ông Campbell là tác giả của chính xách " xoay trục" (The Pivot) thời chính quyền Obama nhằm tái cân bằng các nguồn lực của Hoa Kỳ tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh một nước Trung Quốc trên đà trỗi dậy. Nhưng kế sách "xoay trục" dưới thời chính phủ Obama cuối cùng không diễn ra như điều ông Campbell mong đợi. Michael Green, cố vấn an ninh quốc gia về châu Á của Tổng thống George W. Bush, người có quan hệ chặt chẽ với các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản, đã viết trong bài bình luận trên tạp chí Foreign Policy: “Việc bổ nhiệm Campbell sẽ nâng cao vị thế của chính quyền sắp tới ở châu Á. Lập trường cứng rắn nhưng đầy sắc thái của Campbell về Bắc Kinh sẽ được hoan nghênh tại Tokyo, đặc biệt là phản ứng của ông ta đối với sự quyết đoán về khu vực Biển Hoa Đông và Biển Đông. Sự lựa chọn Campbell có thể giảm bớt một số lo ngại của một số quốc gia trong khu vực, đặc biệt là ở Nhật Bản. Euan Graham, thành viên cấp cao về An ninh Châu Á - Thái Bình Dương của Shangri-La thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho biết.
* Cơ quan truyên thông ABC Úc Đại Lợi - Giáo sư Rory Medcalf, Hiệu trưởng Trường An ninh Quốc gia trực thuộc Đại học Quốc gia Australia, nói đây là tài liệu "vô cùng quan trọng" và việc giải mật sớm là diễn biến "khác thường". "Tôi nghĩ rằng đây là tín hiệu mà chính phủ Mỹ muốn cho thấy tính liên tục trong quan hệ giữa Mỹ với Ấn Độ-Thái Bình Dương, bao gồm việc kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc". Ngôn ngữ của tài liệu "rất thẳng thắn với Trung Quốc", cho thấy Mỹ "không hoàn toàn muốn đối đầu nhưng rất cứng rắn". Mục tiêu của Mỹ đối với Ấn Độ là "đẩy nhanh sự trỗi dậy của Ấn Độ để nước này đóng vai trò là nhà cung cấp an ninh", và "giúp giải quyết các thách thức tại châu lục như tranh chấp biên giới với Trung Quốc"- "Chiến lược này thiết lập một tiêu chuẩn rất cao cho sự thành công của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - trong việc vừa giải giáp hạt nhân Triều Tiên, ngăn chặn Trung Quốc, đầu tư vào khu vực, khơi thông đầu tư tư nhân của Mỹ, gia tăng sức mạnh của các nền dân chủ", giáo sư Rory Medcalf thuộc Đại học Quốc gia Australia chia sẻ quan điểm.
Đào Văn.
Ghi chú: [*] "Chuỗi đảo đầu tiên" bao gồm: quần đảo Kuril, quần đảo Nhật Bản, quần đảo Ryukyu, Đài Loan (Formosa), phía bắc Philippines và Borneo; từ bán đảo Kamchatka đến bán đảo Mã Lai.
Gửi ý kiến của bạn