Theo báo Tuổi Trẻ, tại phường 14 quận Tân Bình, Sài Gòn có một tiệm vá xe ở số 20/18 đường Âu Cơ được giới chủ xe, tài xế gọi là tiệm vá xe 5 cô vì tất cả thợ đều là nữ và cùng là chị em ruột trong một gia đình. Họ theo nghề do cha mẹ chỉ dẩn từ khi còn nhỏ và tiếp tục hành nghề cho đến bây giờ. Điều đáng nói là cả năm cô đều né chuyện hôn nhân gia đình, suốt ngày gắn bó với công việc vá xe để mưu sinh. Trong một lần vá xe tại tiệm này, một phóng viên báo Tuổi Trẻ đã được nghe kể nhiều điều lý thú về các cô.
Mô tả về tiệm này, báo quốc nội cho biết đó là một cửa tiệm lụp xụp thiếu ánh sáng, không có bảng hiệu nằm trên đường Âu Cơ. Cửa tiệm bộn bề chất đầy những đống vỏ xe, ruột xe, máy móc. Ngoài đường cứ gần như liên tục những xe tải nhỏ, xe lam, xe ba gác máy, Honda đỗ xịch lại để vá lốp xe tại cái tiệm sửa xe không có đàn ông này. Trong lúc chờ đợi, phóng viên nói trên nghe được những mẩu chuyện về tiệm này và đã ghi lại như sau.
Kể về tiệm vá xe của 5 chị em, cô Tư nói: “Chị em tụi tui từ 6-7 tuổi đều đã phụ cha làm. Tụi tui cứ vậy lớn lên và sống bằng cái nghề đàn ông này. Cực lắm, tụi tui không bao giờ mặc được bộ đồ mới vì bụi bặm, dầu nhớt dơ bẩn, nhưng riết rồi cũng quen.” Cô Chín lâu lâu lại chạy ra làm phụ, còn thường thì cặm cụi may áo quần cho người nhà mặc, đôi khi rảnh lại may thêm cho người nước ngoài. Cô kể: “Từ Mậu Thân 1968, cửa tiệm mới chính thức mở cửa ra tới bây giờ. Những ngày đầu tiên chuyển qua làm xe lớn, có cái bánh xe lam cũng hì hục đụi từ sáng tới chiều. Nhưng chỉ trong vòng vài năm từ xe hàng, xe khách của các chủ xe bến Bà Quẹo-Chợ Lớn, Bà Quẹo-Lê Minh Xuân, Bà Quẹo-Cầu Muối cho đến xe của các hãng dệt Đông Phương, Đông Nam, nhà đèn đều ghé cái tiệm nhỏ không tên này. Vào khoảng sau 1975 xe đâu có nhiều, mấy chị em bỏ nghề bôn ba làm đủ công việc từ buôn bán gánh bưng đến làm công cho người ta. Bao nhiêu khó khăn nhưng rồi tiệm này cũng qua được.”
Cũng theo ghi nhận của phóng viên báo quốc nội, cha mẹ của các cô có chín người con đều là con gái. Nhưng từ nhỏ cô nào cũng theo nghề bơm vá xe của cha mẹ. Lớn lên người chị hai năm nay đã 48 tuổi rút vào hậu trường, cô Tư đến 38 tuổi cũng sang nghề khác, chị Út sinh năm 1974 theo nghề buôn bán nhưng những khi đông khách quá thì chị em ai rảnh cũng nhào vô làm. Cô Chín kể: “Má tui giỏi nghề lắm. Cha tui mất năm 1987 sau khi bị tai biến mạch máu não và nằm liệt giường mấy năm. Má tui làm đến năm 65 tuổi mới chịu ngồi nghỉ nhìn đám con gái làm.” Trường kỳ nhất có cô Ba, cô Sáu, cô Tám và cô Chín. Cô Ba quản lý tài chính, tất cả mọi việc, chi tiêu của tiệm và gia đình có đúng 20 người cùng ở, ăn chung. Công việc bận rộn, nhiều hôm khách còn thấy họ vừa ăn, vừa làm, chạy ra chạy vào nhộn nhịp cả cửa tiệm.
Bạn,
Nói về các cô, một tài xế xe tải tên là Lâm kể vui: “Trời đất, xe bị hư tuốt dưới Gò Vấp mà tui cứ rán mò về đây. Mấy cô mà làm thì yên tâm, cái niềng xe không phải trầy da tróc vảy mà giá cả cũng tình thương mến thương, không như những tay thợ khác mỗi lần nạy không ra là đập cái niềng xe thấy mà thương.” Những người khách lâu năm kể: “Ngày xưa ngoài này cũng có cái võng, mấy anh xe tải mang một lúc hai ba bánh xe tới, cứ việc leo lên ngủ, làm xong mấy cổ khều dậy kêu về”. Phóng viên trên còn kể lại rằng trong lúc chờ vá xe thì có một chủ chiếc xe ba gác chở hàng vừa đổ xịch ngoài đường kêu: Bị bể bánh từ dưới hương lộ mà tui ráng chạy về. Tui chạy xe sáu năm thì sáu năm làm một chỗ này. Trong giới chạy xe ai mà không biết, ghé tiệm năm cô vá là bảo đảm.”