Hôm nay,  

Gặp Gỡ - Nhớ Quên -- Trích đoạn "Catfish and Mandala"

09/03/201900:05:00(Xem: 3826)

ANDREW PHAM

Tôi không rõ tại sao tôi trèo lên xe xích lô của anh ta. Chắc hẳn vì bộ ria Hitler ngược của anh ta, nhúm râu nằm dưới thay vì trên đôi môi. Anh đạp xích lô của tôi phải theo thời trang lông mặt kiểu mới nhất hoặc chỉ là một tên vụng về giao tiếp. Dù sao chăng nữa, trong lúc tôi ngắm bộ ria không thể rời mắt, tự hỏi tên ngố nào lại để bộ ria lố bịch dường ấy, anh ta dụ tôi đi xích lô không mất tiền một vòng quanh Huế, trước kia là kinh đô của Việt Nam trong thời quân chủ. Giờ này cũng không có nhiều khách, mình cứ đi vòng vòng. Không tính tiền. Tôi đề nghị đi ăn chè, món ăn khuya có đậu ngọt và nước dừa.


Anh ta chở tôi vòng quanh phố bằng xe xích lô thuê rẻ tiền, mèng đến mức không có cả thắng. Muốn ngừng, Tin nhảy xuống xe, hai tay ghì chặt yên như đấy là chuyện sống chết, vừa kéo lê người sau xe, vừa mài nát đôi dép nhựa trên mặt đường. Xuống con dốc sâu, anh ta la lên báo hiệu và tôi nhảy khỏi xe để giúp anh ta kéo chiếc xe ngược hướng trọng lực. Ngay với một con dốc lên vừa phải, Tin cũng không đủ sức, thế nên cả hai chúng tôi vừa thở hổn hển vừa kéo xe lên đỉnh dốc. Dĩ nhiên, đến nơi rồi thì chúng tôi lại phải chống chọi để chiếc xe không nhào xuống phía bên kia và làm què chân tay người qua đường. Chúng tôi ăn chè bên vệ đường ở một sạp bốn ghế đẩu. Rồi tôi nhất quyết đến phiên tôi đạp xe chở anh ta. Anh ta muốn tôi gặp chú anh ta, người cũng như là cha anh từ khi cha anh qua đời khoảng mười năm trước. Tin kể tôi nghe anh có vợ và ba con nhỏ. Gần nhà anh ta, hàng xóm và bạn đạp xích lô của anh ta reo hò: Chuyện lạ rứa? Ngạc nhiên khi nhìn thấy anh ta ngồi trong khoang xe, còn tôi trên yên đạp. Tin nhún vai và bảo họ tôi là người ngoại quốc, điều có vẻ khiến tất cả hài lòng vì chả ai biết được ngoại kiều thèm muốn thứ gì. Tôi uống trà với chú anh ta và họ đối xử với tôi như người nhà. Chú anh ta kể lể những bất hạnh của anh ta. Còn trẻ như vậy mà đã có nhiều trách nhiệm lại ít tiền. Cậu nói chuyện với nó hỉ. Không chừng cậu khuyên được nó. Khuyến khích nó hỉ.

Khi Tin đưa tôi về khách sạn, tôi buộc anh ta nhận chút gì cho vợ con anh. Anh ta từ chối, nên tôi nhét đủ tiền vào tay anh ta để tối nay anh kiếm tiền nhiều hơn bình thường. Anh ta nhận tiền và nói chỗ bạn bè tiền bạc không cần thiết. Tôi bảo anh ta ghé ngang sáng mai, hy vọng thuê anh ta làm hướng dẫn.

Tin gặp tôi ở quán cà phê và đạp xe chở tôi xuống bờ sông với chiếc xích lô thuê. Trời âm u và thành phố dậy mùi ẩm mốc. Cổ thành Huế, một khu nhà một và hai tầng, dường như muôn thuở ảm đạm. Bùn ướt trơn đường phố. Người ta lết bết đi, không hề chú ý đến mặt đất nhão nhoẹt, y như trong thời hoàng kim của những thị trấn dầu hỏa Trung Tây nước Mỹ. Chân họ đầy bùn, nhầy nhụa như mỡ. Những tòa nhà đổ nát, những khu phố liền nhau với mặt xi măng phủ rêu và tường vôi loang lổ nước mưa. Thời tiết khiến chúng hư hại nhanh hơn sức người dân có thể sửa chữa.

Như tôi yêu cầu ngày hôm qua, Tin thu xếp cho một người phụ nữ chở chúng tôi xuôi dòng sông Hương trên con đò của chị. Tôi nuốt ực xuống cổ khi nhìn thấy con thuyền, một cái ống thiếc rò rỉ, cắt theo chiều dài và gò nhọn hai đầu để ra vẻ mũi và đuôi tàu. An toàn lắm, chị trấn an tôi, khi chị và Tin chật vật giữ cho con thuyền không bị lật trong lúc tôi bước lên. Tôi ngồi đằng mũi, Tin ngồi giữa, và người phụ nữ ngồi phía đuôi thuyền. Sau khi tất cả đã lên thuyền, chúng tôi lướt vào dòng nước, thành thuyền trên mặt nước khoảng mười phân. Nếu một người hắt xì, tất cả sẽ rơi xuống nước. Người phụ nữ lèo lái con thuyền rời bến với mái chèo duy nhất. Tin tát nước ra khỏi thuyền với cái ly nhựa duy nhất. Tôi nín thở.

catfish
Chúng tôi lướt trên mặt nước phẳng lặng, màu rêu cũ, ngược dòng để xem những người sống trên thuyền. Chung quanh Huế, sông Hương bốc mùi hôi. Từ xa, đám tàu thuyền hỗn độn trông giống một lũ nhện lăng xăng trên mặt nước. Tất cả thuyền thuôn dài, hai đầu cong, ở giữa là căn nhà. Đa số thuyền trên mực nước khá cao, ít nhất mười mét. Cả gia đình tám đến mười hai người sống trên một thuyền, chỉ đủ chỗ trải chiếu nằm. Tuy vậy họ sống động hơn những người ở trên đất liền, trong những căn lều vách đất dựng trên những cái cọc dọc theo hai bờ sông đất sét đỏ đặc, Người ta tắm giặt, tiêu tiểu trên dòng sông. Một sà lan đi ngang và suýt nhận chìm chúng tôi trong luồng nước phía sau. Bầu trời màu bê tông bắt đầu mưa lác đác và Tin không tát nước kịp. Tôi nói thôi về. Cả người phụ nữ lẫn Tin nhẹ người thấy rõ.

Tôi trả công cho chị lái đò và Tin, thêm tiền thưởng đủ để căng mắt hai người. Tôi biết Tin đang cố gắng cho đứa con trai lớn đi học, nên tôi cho anh ta thêm chút ít. Cho gia đình anh mà, tôi nằng nặc nói, và Tin nói anh rất cảm kích. Người ướt và lấm bùn, tôi trở về khách sạn tắm. Tin và tôi dự định gặp nhau khoảng giờ ăn tối. Tắm rửa xong, tôi tà tà đi xuống chợ gần bờ sông để mua mấy bịch kẹo, vì gần đây tôi thích phát kẹo cho những trẻ ăn xin. Tôi tình cờ gặp thím của Tin và mời bà cùng ăn bún.

“Thằng Tin lười lắm. Em họ của nó mới xong đại học. Em gái của nó là cô giáo còn anh nó có tiệm sửa xe máy”, người thím than thở trong hơi khói đậm đà mắm muối từ tô bún. “Nó hai mươi lăm tuổi rồi mà chưa chịu cố gắng chi cả”.

“Cháu tưởng anh ấy hai mươi tám rồi”, tôi nói. Ngày hôm qua Tín bảo tôi anh ta hai mươi tám tuổi.

“Không. Nó hai mươi lăm. Chưa lập gia đình nữa mà. Nếu nó đợi nữa thì nó sẽ ế vì lúc đó đâu phải nó chỉ có già thôi. Nó sẽ vừa già vừa nghèo”.

Tôi để mặc thím của Tin và mấy bà khách khác ca cẩm về tính nết không ra gì của các đấng mày râu trong gia đình. Tôi đi dạo dọc bờ sông ngắm cảnh với vẻ ngơ ngác và dè chừng của một người lạ bị bỏ rơi, lại thêm một du khách khờ khạo.

............

anh-lon-3d-ha-noi-xua-2
Trong khu phố cổ Hà Nội nơi những ngôi nhà đã gần trăm năm tuổi, một cô bé mười lăm tuổi ngồi trên lề đường hỏi tôi có muốn mua bánh trôi nước không. Cạnh bên cô là hai cái thúng. Hai bàn chân cô xếp ngoặt vào bên dưới một cách thiếu tự nhiên. Cô ngồi với bạn, một cô gái hai mươi mấy tuổi với hai thúng đu đủ, giống đu đủ nhỏ hơn, màu xanh của miền Bắc. Cả hai là con nhà nông miền quê, gầy gò, chân đất. Tôi mua bánh và đu đủ với điều kiện hai người ăn phụ giúp tôi. Chúng tôi ngồi trên vỉa hè vừa nhai vừa nói chuyện, trong khi những chiếc xe máy phun khói chạy qua trên con đường hẹp, người bộ hành đi qua lại chung quanh.

Cô bánh trôi nước muốn biết giá vé máy bay đi Mỹ. Nhiều lắm, tôi nói, tôi phải để dành thật lâu.

"Một trăm đô Mỹ", cô đu đủ phỏng đoán, rõ ràng đưa ra con số cô cho là to ghê lắm. Tôi gật gù, không nỡ nói thật.


"Ôi chao, trời ơi, không tưởng tượng nổi. Phải năm năm chúng em mới để dành được nhường ấy", cô bánh trôi nước lẩm bẩm. Bạn cô gật đầu xác nhận sự bất khả của việc để dành số tiền như thế.

Đổi đề tài, cô bánh trôi nước bảo tôi: "Anh đẹp trai".

"Tôi ấy à? Đâu có, tôi xấu òm. Lang thang lâu ngày nên giống như du thủ du thực. Tóc không cắt, râu không cạo".

"Không phải," cô giải thích, "anh trông đẹp: anh mặc đẹp".

"À, ý em nói quần jean và áo thung cũ này?"

"Áo thung đẹp chứ. Ở đây không mua được".

"Vì màu cam như vầy?"

"Không phải, vì áo bó người. Bên cạnh không có đường nối. Nguyên miếng vải hình ống, lại là vải cô tông nữa".

"Ồ". Tôi đã không để ý. "Em xinh lắm".

"Vớ vẩn", cô đu đủ mắng. "Chúng em mà đẹp gì. Chúng em chỉ là gái quê, bán đu đủ và bánh trôi".

"Anh tên gì thế?" cô bánh trôi nước hỏi, rõ là rất thưởng thức lát đu đủ.

"Phạm Xuân An".

"Tên hay nhỉ", cô đu đủ nói, bạn cô gật đầu đồng ý. "Xuân An - xuân bình yên - đẹp đấy".

"Giống tên con gái. Em tên gì?'

"Tên em chả đẹp", cô bánh trôi nước thừa nhận không chút mắc cỡ, lấy thêm đu đủ ăn. "Nhà em nghèo, bố mẹ chưa hề đi học".

"Tên em cũng không đẹp", cô đu đủ thú nhận.

Tôi an ủi hai cô "Chỉ là cái tên thôi mà".

"Đúng thế, nhưng em không có cái tên thật sự. Bố mẹ em gọi em là Cái Ba".

"Đó là thứ tự, tên ở nhà. Em không có tên thật sao?"

"Không có, bố mẹ em mù chữ. Anh không biết là đặt tên đẹp cho con khi biết con mình sẽ sống nghèo khó là đáng xấu hổ, là xui xẻo sao? Nông dân mà có tên đẹp hơn hoàng tử thì trông như thế nào?"

Làng của hai cô cách Hà Nội ba mươi dặm. Mỗi tuần bốn ngày hai cô đi bộ ra đường lộ rồi đi xe lam vào Hà Nội. Cô bánh trôi nước tự làm bánh còn cô đu đủ hái trái trong vườn nhà. Cả hai không có đủ hàng để mở sạp ở chợ hoặc kiếm đủ tiền trả cho giấy phép bán trên vỉa hè, thế nên họ đi bán dạo.

Có tiếng huyên náo trong đám đông cuối đường. Hai cô nhỏm dậy, quay ngoắt người như hai chú thỏ hoảng hốt. Họ vội vã thu xếp đĩa và ghế đẩu nhỏ.
"Chào anh nhé. Cám ơn anh đã nói chuyện với chúng em. Công an đến rồi, chúng em phải đi, nếu không họ tịch thu hàng của chúng em mất", cô đu đủ vừa nói vừa đặt quang gánh lên vai, hai chiếc thúng đong đưa hai đầu như một bàn cân.

Hai cô gật đầu chào rồi vội bước đi. Cô bánh trôi nước bị khập khiễng nặng, bước đi bằng cạnh ngoài của bàn chân trái dị dạng. Mới buổi trưa. Hà Nội lớn rộng mà.

...........

CATFISH BOOK
Không-tên là một thằng bé bụi đời mười tuổi. Một đứa bé câm điếc suốt ngày lang thang trong khu du khách ngoại quốc. Nó làm quen mấy người du khách và theo họ lòng vòng phố xá. Bạn du khách của nó không biết nó ở đâu. Dường như không người nào trên phố biết gì về nó. Tôi chỉ có thể dò được tông chi họ hàng của nó một tháng trước ngày tôi gặp nó. Một cặp người Đức, trong một chuyến thăm Hà Nội ngắn ngủi ba ngày, đã làm bạn với nó. Họ giới thiệu nó với một cô gái Pháp, người trước khi ra đi làm quen nó với Steve, người Úc. Steve dẫn thằng bé đi ăn tối với một nhóm du khách và giới thiệu nó là Không-tên. Cái tên ấy trở thành tên nó luôn. Steve ở chung nhà trọ với William. Khi Steve lên xe lửa về Sài Gòn, anh gửi gắm một tấm bản đồ Hà Nội và Không-tên cho William, người rất muốn biết thêm về cậu bé không nói năng này. Tôi xuất hiện cũng như thế, người anh nuôi kế tiếp.

Lợi thế của Không-tên là nụ cười rực sáng căn phòng, yếu điểm của nó là cái mũi không ngừng chảy nước nó quệt vào tay áo len đang mặc. Nó là phép màu của đường phố. Bạn có thể lang thang, mua sắm, ăn uống bất cứ đâu trong vòng mười con phố quanh khu vực của nó, và đột nhiên, nó hiện ra, đi bên cạnh bạn, đứng ngang khuỷu tay bạn, hoặc nhăn mặt làm trò với bạn qua cửa kính tiệm ăn. Nó đi với bạn như thể nó và bạn chưa hề xa nhau giây nào. Nhưng nó không phải là Oliver Twist móc túi bạn. Nó nguy hiểm hơn nhiều. Nó đánh cắp trái tim bạn, và khi bạn ra đi, trái tim bạn cũng vỡ tan như là tim nó.

Tôi thấy mình chần chừ không rời Hà Nội vì nó. Khi tôi đạp xe đi chơi quanh Hà Nội, nó phóc lên yên sau để được chở theo, cười vang tiếng cười của người câm: ắc cà cắc ắc ắc. Tôi chở nó đi, chú khỉ nhỏ, thằng em nhỏ của tôi. Chúng tôi giơ tay chỉ những cảnh cả hai chẳng biết là cảnh gì và cười với nhau. Rồi nó bỏ đi đến một nơi nào khác trong lãnh thổ của nó. Có lẽ đi thăm một du khách khác. Có lẽ về nhà - chỗ nào nó ở.

Nó đơn độc, bị đám trẻ trong khu vực xa lánh. Một thằng bé bề ngoài xốc xếch mắt sáng rỡ, nhỏ con nhất trong bọn. Trẻ con tàn ác theo kiểu trẻ con, và Không-tên dường như lúc nào cũng phải né trò trêu chọc của đứa bắt nạt này hoặc né đòn của đứa bắt nạt khác. Chúng ghen ghét vì Không-tên dễ dàng bè bạn với những người ngoại quốc da trắng. Những đứa bé này ăn mặc tươm tất, có da có thịt, và tắm rửa sạch sẽ, dấu ấn của những trẻ em có gia đình và tổ ấm. Không-tên ở đâu đó bên cạnh, ngoài lề. Nó mang dấu riêng của một đứa trẻ bị bỏ mặc cho một mình bà ngoại/bà nội hoặc người dì/cô nghèo khó chăm lo.

Tôi chăm chỉ gìn giữ thói quen cà phê buổi sáng và Không-tên thường đến thăm tôi trong giờ giấc tôi quạu quọ nhất. Một ly nước cam cho nó. Một tách espresso cho tôi. Chúng tôi cùng ăn bánh mì nướng, bơ, phó mát. Nó chỉ để tôi đãi một nửa lần gặp. Nó trả phần mình bằng một nắm giấy bạc lẻ nhớp nháp. Mấy cô hầu bàn trước kia thường đuổi nó ra ngoài, nhưng có lần bảy du khách, với tôi là thông dịch viên, bảo chủ tiệm là nếu cô ngược đãi Không-tên, chúng tôi sẽ không bao giờ ăn ở quán của cô nữa. Những du khách khác sẽ biết đến sự nhẫn tâm của cô. Những quán này lệ thuộc rất nhiều vào lời đồn của du khách nên cô chủ quán lắng nghe liền. Giờ đây, cách hai sáng một lần, Không-tên ngồi cạnh tôi, nghiền ngẫm vũ trụ của những hạt bụi trong ánh nắng chiếu nghiêng qua cửa sổ trong lúc tôi đọc báo.

Một buổi sáng, nó ra dấu hỏi tôi bằng ngôn ngữ riêng của nó. Nó không biết đọc biết viết. Hai tay giơ ra, mặt quay lại, nhìn; những ngón tay chạm vào tóc, hai bàn tay cách xa nhau; ngón trỏ chỉ mặt trời; hai tay lưng chừng gối, tả một món trang phục: Chị tóc dài màu nắng vàng đâu rồi? Tôi lắc đầu, những ngón tay ra dáng bước chân đi. Đi rồi, đi mất rồi, tôi nói, và nó quay mặt đi. Tôi thấy lệ rướm trên mắt nó. Nó vùi đầu vào hai cánh tay khoanh lại trên bàn. Khi cô hầu bàn mang nước cam của nó đến, nó bỏ chạy ra đường, không đụng đến thức ăn sáng.

Tôi biết khi tôi ra đi, tôi sẽ lặng lẽ ra đi như Jen vậy. Một buổi sáng nó sẽ đến và tôi sẽ không có mặt cùng với tờ báo và tách espresso. Và một sáng nào đấy, đâu đó cách xa cả thế giới, tôi sẽ nhìn ánh nắng chiếu nghiêng qua cửa sổ và tôi sẽ nhớ đến thằng bé được gọi là Không-tên.

Andrew X Phạm
Hồ Như chuyển ngữ

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hình ý quyền là gì? Là một trong ba hệ thống nội gia quyền có nguồn gốc Thiếu Lâm của võ học Trung Hoa: Thái Cực, Bái Quái và Hình Ý Quyền.
Từ lâu rồi, tôi vẫn ước mơ được đi du lịch Bhutan, hay “Thiên Đường Hạ Giới Cuối Cùng” (The Last Shangri-la), thăm viếng một nơi chốn được mệnh danh là “Xứ Sở Hạnh Phúc” vì sự phát triển của đất nước này được đo bằng hạnh phúc toàn diện của người dân chứ không dựa trên tổng sản phẩm trong nước.
Có thể nói rằng may mắn của tôi cũng như một số anh em văn nghệ cùng thế hệ tôi là được ngồi uống trà, trò chuyện với Trần Vàng Sao trong một bối cảnh hết sức đặc biệt.
Ở đây thăm thẳm hiên đời Mù sương quyện đất với trời dưới chân
chàng là ai, ai định nghĩa được chàng chàng là trăng là sao là mênh mang
Trong đầu hắn vẽ ra cảnh một người đàn ông trần truồng rơi vào giữa khoảng trống của hai bức tường, bị bức tường kẹp dính lại ở giữa, lưng ở bức tường phía sau, ngực ở bức tường phía trước, phía sau màu trắng, phía trước màu đen
Nhưng gần hai thế kỷ trước, Phật Giáo đã có ảnh hưởng lớn trong nền văn học Mỹ qua phong trào triết lý và văn học American Transcendentalism (Phong Trào Siêu Việt Mỹ), với các văn thi sĩ lừng danh như Ralph Waldo Emerson (1803-1882), Henry David Thoreau (1817-1862), Walt Whitman (1819-1892).
Xin chào nhau giữa con đường Mùa xuân phía trước, miên trường phía sau
Thưởng ngoạn thiên nhiên tươi đẹp, sống trong thân thiện, tình cảm cộng đồng, lễ nghĩa với tổ tiên ông bà, thụ hưởng cuộc hội hè, ăn chơi trong và sau tết, bà con gọi chung thời gian này là Ăn Tết; Tết Ta.
Những lễ hội đem thêm màu sắc cho ngày Xuân, và làm cho hương vị mùa Xuân thêm mặn mà. Có lẽ dân chúng kinh đô thời ấy cũng trông cho tới ngày được thấy cảnh rước thần đầy màu sắc của lễ Tấn Xuân hay cái nghi vệ huy hoàng của lễ Du Xuân, mong được nghe trăm phát súng lệnh tống cựu nghinh tân đầy náo nức lòng người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.