Câu Chuyện Cuối Tuần: Vở Tuồng Nguyễn Phú Trọng
-Cao Minh Hưng-
"Hoàng đế cộng sản" Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng tai Beijing 1/2017 (Photo: screenshot VTV)
Cái chết của ông Trần Đại Quang đã dấy lên làn sóng dư luận cho là ông ta đã bị đầu độc chết, chứ không phải do “nhiễm virus lạ" và theo như cách nói một cách châm biếm của người dân trong nước, thì ông Quang "chết đúng thep quy trình". Những gì đã xảy ra trong Hội Nghị Trung Ương đảng cộng sản lần thứ 8 vừa qua đã làm cho những lời bàn tán này càng thêm có cơ sở. Nhìn lại lịch sử của đảng cộng sản Việt Nam từ ngày thành lập đến nay, chúng ta thấy những chính sách của chính quyền cộng sản Việt Nam đều nhất nhất rập khuôn theo những gì xảy ra ở nước đàn anh cộng sản Trung cộng trước đó. Từ những vụ đổi tiền, đánh tư sản, lập khu kinh tế mới, tịch thu ruộng đất của người dân để mở hợp tác xã nông nghiệp, v.v. hay trước đó là những cuộc đấu tố, rồi đến chiến dịch cải cách ruộng đất ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, v.v.
Cách đây không lâu, Tập Cận Bình đã dùng chiêu bài thanh trừng tham nhũng, mà thực chất là chiến dịch thanh trừng nội bộ, bắt giam những tay chân đàn em của các tên lãnh đạo, các tổng bí thư tiền nhiệm. Tập Cận Bình đã chính thức hoá vai trò "hoàng đế" của mình vào ngày 17 tháng 3 năm 2018 khi toàn bộ 2,970 thành viên tại Đại hội Đại biểu "đồng lòng bổ nhiệm" làm chủ tịch nước mà không có giới hạn nhiệm kỳ. Chúng ta thấy vở tuồng này được lập lại với tổng bí thư đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng cũng dùng chiêu bài "diệt tham nhũng" nhưng thực chất là dần dần loại trừ các thế lực, tay chân đàn em của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đưa người của mình vào những vị trí then chốt nắm quyền cai trị đất nước. Chưa thỏa mãn với quyền hành của mình, khi nắm mồ của tên chủ tịch nước cộng sản từng nắm bộ công an giết hại bao nhiêu người là Trần Đại Quang còn chưa xanh cỏ, thì Nguyễn Phú Trọng đã cho diễn tiếp màn kịch hội nghị trung ương đảng lần thứ 8 để chính thức hóa soán luôn ngôi chủ tịch nước với con số "100% đại biểu quốc hội ủng hộ” cho ông ta vào vai trò chủ tịch nước. Tấn tuồng này đúng theo kịch bản mà đàn anh Tập Cận Bình đã diễn xong cách đây không lâu.
Mọi người giờ đây đều nhìn rõ hơn bản chất của cái gọi là "quy trình" này. Đối với những người thờ ơ, thì cho rằng dù Nguyễn Phú Trọng có lên làm chủ tịch nước hay một tên cộng sản nào khác, thì đất nước Việt Nam vẫn trong vòng luẩn quẩn nghèo khổ như trong bao nhiêu thập niên qua, nên chẳng có gì đáng phải bận tâm. Tuy nhiên, nếu chúng ta theo dõi những sự kiện trong thời gian qua, việc Nguyễn Phú Trọng chiếm ngôi chủ tịch nước rồi đây sẽ làm cho thảm cảnh của đất nước vốn đã tồi tệ càng thêm xấu hơn với mối hiểm nguy đất nước sớm rơi vào tay Trung cộng.
Trước đây, trong vai trò là tổng bí thư đảng, những thỏa thuận hay văn kiện mà ông ta có ký kết với Trung cộng thì vẫn có tính cách là của một người lãnh đạo của một đảng phái, chứ không phải là của một quốc gia. Rồi đây với vai trò “hoàng đế” chủ tịch nước kiêm tổng bí thư này, chế độ độc tài của đảng cộng sản vốn đã tàn bạo với người dân trong bao nhiêu năm nay lại càng thêm tệ hại thêm và những văn kiện bán nước, bán đất đai lãnh hải của Tiền Nhân sẽ được mang tính cách quốc gia, khó hủy bỏ được. Nguy cơ quê hương Việt Nam trở thành một chư hầu, một tỉnh của Trung cộng đang ngày càng đến gần hơn!
Mong lòng dân mau thức tỉnh để dẹp tan chế độ cộng sản đang cầm quyền trước khi vở tuồng được những con rối đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng diễn xong thì đã quá muộn.
Cao Minh Hưng
6 tháng 10, 2018