Thiệt sự mình không hiểu hết về Đạo Mẫu, vì dân Sài Gòn rặt rất ít tiếp cận với tín ngưỡng này. Nhưng long mình vẫn tin rằng đây là một tín ngưỡng rất đậm chất hồn Việt. Đơn giản vì một đứa Sài Gòn rặt như mình, sinh ra ở Sài Gòn và khi lón lên lâu lâu ghé vào một đền nơi ngõ hẽm Nguyễn Thông để xem lnê đồng, tuy không hiểu bao nhiêu về Đạo Mẫu nhưng lòng vẫn rung động mỗi khi thấy các hình tượng Tứ Phủ, và vẫn rung động khi nghe hát chầu văn, dù là mình chẳng hiểu gì.
Hồn nước Việt nơi Đaọ Mẫu thế nào? Thiệt sự không biết.
May quá, bây giờ có thấy giải thích từ bài viết “GS - TS Ngô Đức Thịnh: Sống chết với đạo Mẫu” trên báo Tiền Phong.
Mình chỉ dựa cột mà nghe thôi, cho nên xin trích những thong tin cô đọng nhất từ bài này:
“ Đạo thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian phổ biến tại Việt Nam, nhưng vì nhiều lý do nên việc nghiên cứu không phổ biến như nghiên cứu đạo Nho, đạo Phật. Một trong những người dày công tìm hiểu đạo Mẫu và viết nhiều công trình giá trị là giáo sư Ngô Đức Thịnh, một người con của đất Nam Định, người tự nhận mình: “Trọn đời nghiên cứu đạo Mẫu”.
Giáo sư Ngô Đức Thịnh sinh ra ở Nam Định nơi phát tích phong tục thờ bà Liễu Hạnh và truyền thuyết dân gian nói rằng bà đã sinh trưởng tại đây. Từ nhỏ, đã được nghe được thấm những điệu hát chầu văn, được dự nhiều cuộc lên đồng, phát lộc. Lớn lên, nghiên cứu rộng về văn hóa dân gian, trong đó có cả khảo cổ, nghiên cứu văn hóa phi vật thể và văn hóa vật thể, một thời gian làm lãnh đạo Viện Nghiên cứu Văn hóa (Hà Nội) song giáo sư thường đơn giản nhận xét về mình là “Một người dành trọn đời mình cho đạo Mẫu”.
Khi tôi theo học tại Viện Nghiên cứu Văn hóa, giáo sư là người trực tiếp giảng dạy chúng tôi về đạo Mẫu. Với giọng nói say sưa, nhiệt huyết vô bờ bến, nhưng cũng với một thái độ khách quan, khoa học, thận trọng, giáo sư Ngô Đức Thịnh luôn phân biệt giữa văn hóa lên đồng của thế giới và đạo Mẫu của Việt Nam. Theo giáo sư: “Lên đồng mà thế giới gọi là Shaman là một hình thức mà con người tìm cách liên thông với thần linh và hình thức này phổ biến ở khắp nơi trên thế giới. Trong đạo Mẫu có việc lên đồng, nhưng lên đồng không phải là toàn bộ bản chất của đạo Mẫu, mà đạo Mẫu là một tôn giáo dân gian phản ánh truyền thống uống nước nhớ nguồn, tinh thần dân tộc và khơi dậy lòng yêu nước của người Việt Nam”.
Khi nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh đi sâu nghiên cứu đạo Mẫu, lúc đó việc lên đồng còn bị cấm vì bị quy là mê tín dị đoan. Việc dám lao vào nghiên cứu một lĩnh vực nhạy cảm như vậy, nhất là với tư cách một nhà nghiên cứu làm việc trong hệ thống nhà nước, không phải là chuyện dễ dàng. Việc công bố, phổ biến và công nhận các nghiên cứu về đề tài này nhiều khi rất hạn chế. Nhưng giáo sư Ngô Đức Thịnh cho biết, ông cảm thấy mình phải có trách nhiệm nghiên cứu, “vì Việt Nam có khoảng 7.000 đền phủ thờ đạo Mẫu trong cộng đồng, chưa kể các đền phủ tư nhân. Là một nhà khoa học thì không thể không công nhận sự thật khách quan ấy, không thể coi như nó không tồn tại, và buộc phải bắt tay vào nghiên cứu để cắt nghĩa vì sao các đền phủ lại phổ biến như vậy và vì sao đạo Mẫu lại có sức sống lâu bền như thế”.
Những năm gần đây, nghi thức tín ngưỡng chầu văn hầu đồng đã được công nhận, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia và hồ sơ di sản này đang được nghiên cứu đệ trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại, cho thấy những băn khoăn mang đầy khát khao khám phá khoa học của giáo sư Ngô Đức Thịnh và những giọt mồ hôi đổ ra trong các công trình nghiên cứu của ông là không uổng. Hiện giáo sư tiến sĩ Ngô Đức Thịnh là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam thuộc Hội Di sản Việt Nam.
Giáo sư Ngô Đức Thịnh thường kết luận với chúng tôi một câu thế này: “Văn hóa là của dân. Người dân sáng tạo ra văn hóa ấy. Muốn tìm nó thì phải về với dân”. Để dẫn chứng, giáo sư đưa chúng tôi đi xuống các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, vào tận các đền phủ ở những làng xa xôi hẻo lánh, xem những cuộc hầu đồng. Gặp gỡ con nhang đệ tử đến xem, gặp những người hầu đồng và gặp cả những “ông đồng bà cốt” bằng xương bằng thịt. Hầu như đền phủ nào họ cũng biết tên giáo sư Ngô Đức Thịnh và đều rất nể trọng ông. Một vị chức sắc trong phủ thờ Mẫu nói: “Giáo sư Thịnh rất nghiêm túc trong việc nghiên cứu. Mỗi đền phủ thường có một khuynh hướng và phong tục thờ Mẫu có nét riêng của mình, nhưng nhìn chung các phủ đều quan tâm đến những nghiên cứu của giáo sư Thịnh”.
Đến mỗi đền phủ, ông đều ghi chép sự tích, xem xét việc thờ phụng những ai, nguyên do thế nào. Ông tìm hiểu từng nét vẽ, từ câu ca. Từ Bắc và Trung, từ Nam rồi lại vượt lên vùng núi cao nơi dãy Trường Sơn hùng vĩ. Những điểm giống, điểm khác nhau ở mỗi ban thờ, mỗi phủ thờ đều được ghi chép cẩn thận…
Nhờ những chuyến điền dã và ghi chép lại mà giáo sư Ngô Đức Thịnh đã phát hiện ra việc hầu đồng không phải là một hiện tượng mê tín dị đoan như người ta nghĩ, khi giáo sư thống kê được “trong số khoảng 50 vị thần mà đạo Mẫu tôn thờ, hầu hết là những nhân vật lịch sử, có công với dân tộc”. Nhiều người anh hùng dân tộc được nhân dân thờ trong các phủ như Đức thánh Trần Hưng Đạo Đại Vương, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng. Nhiều vị cũng được huyền thoại hóa như ông Hoàng Mười ở Nghệ An. Giáo sư cũng phát hiện ra việc hát văn hầu đồng là một văn hóa độc đáo kết nối giữa người miền xuôi với người miền ngược, trong các vị thần được thờ trong đạo Mẫu có hàng chục vị thần là người các dân tộc thiểu số…”(ngưng trích)
Đọc xong, vẫn không hiểu hết về Đạo Mẫu. Không phải vì Sài Gòn không có đền phủ gì đâu. Hồi mấy chục năm trước, gần nhà mình ở hẽm Nguyễn Thông có một ngôi đền Đạo Mẫu… Phải chăng, tôn giáo không phải để hiểu? Phải chăng lý tưởng thanh tịnh bản nhiên của nhà Phật đã nằm sẵn trong cuộc đời của Đức Thánh Trần Hưng Đạo, nên ngài được Đạo Mẫu thờ ngay một cách tự nhiên? Đó là hồn dân tộc, mình lờ mờ thấy thế.
May ra, chờ ông Giáo sư Ngô Đức Thịnh giải thích thêm.