Sống Cùng Bụi Đá
Bạn,
Theo báo Sài Gòn, trên địa bàn tỉnh Bình Dương, hàng trăm gia đình cư dân ở xã Thường Tân, huyện Tân Uyên, đang lâm vào cảnh đi không được, ở cũng không xong, ngày đêm nơm nớp lo sợ vì hơn chục mỏ đá và công ty khai thác đá trên địa bàn hoạt động suốt ngày, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống. Báo Tiền Phong ghi nhận thực trạng này qua bản tin như sau.
Con đường ĐT 746 đi vào xã Thường Tân phủ một màu trắng xóa. Cây cối, vườn tược, quán xá hai bên đường đều ken đặc bụi. Hàng ngàn lượt xe tải, xe ben chở đá qua về, cày con đường thành vô số ổ voi, ổ gà và những đám bụi bốc lên dày đặc. Ông Nguyễn Đức Sự, ở ấp 3, nói: "Chú coi đó, bụi phủ khắp mọi nơi. Nhà tôi trồng gần chục sào bưởi giờ chết hết cả, hoa bưởi bị bụi đá bám vào có ra trái được đâu. Trong nhà thì ở đâu cũng có một lớp bụi dày, đến bữa cơm cũng không được yên...".
Năm 2009, ủy ban xã yêu cầu các doanh nghiệp khai thác đá phải bồi thường thiệt hại về sản xuất nông nghiệp cho nông dân. "Mỗi năm sản xuất 3 vụ, nhưng từ khi bị bụi đá vây kín, chúng tôi chỉ sản xuất được 2 vụ chính. Hạt lúa lép, xay ra có lẫn màu đỏ vì lúc cây lúa ngậm sương, bụi bám đặc trên thân cây. Gạo mang đi bán thì người ta không mua, vì vậy tôi phải mua gạo trắng về trộn lẫn để ăn, mặc dù cũng lo gạo độc nhưng không lẽ mang đi đổ" Đền bù cũng chỉ cho có, trong khi với các cây lâu năm, cây công nghiệp thì người ta ngó lơ, hỏi thì người ta bảo là khó đánh giá tác động ô nhiễm đối với các loại cây này. Không biết khó ra sao chứ nhiều bà con trồng cây lên rồi chết, kiến nghị mãi cũng không được nên bán tống bán tháo đất luôn cho... công ty. Trước kia vùng này đất đai, cây cối trù phú, giờ nhìn đâu cũng toàn đá và bụi", chị Lan, người dân ở ấp 3 cho biết như thế.