Ai hiểu ra những ngoắt ngoéo chính trị và tài chánh xảy ra trong hai ngày Thứ Năm và Thứ Sáu vừa qua thì đã có thể là... triệu phú nhờ suy đoán ra sự chuyển động của thị trường chứng khoán và các cổ phiếu tài chánh. Đoán sai thì lặng lẽ xếp hàng vào hàng ngũ những người bị lỗ!
Chúng ta cần trở lại toàn bộ vấn đề, khi thị trường đang là con tin của chính trường, trong một mùa bầu cử tốn kém nhất lịch sử Hoa Kỳ!
Sau năm ngày biến động thị trường từ 15 đến 19, với vụ ngân hàng đầu tư Lehman Brothers bị phá sản, ngân hàng đầu tư Merrill Lynch bị mua lại, bộ Ngân khố và Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ đã đề nghị một kế hoạch cấp cứu, được loan báo chiều Chủ Nhật. Kế hoạch thành hình sau những thảo luận liên tục giữa Tổng trưởng Ngân khố Hank Paulson và Chủ tịch Hội đồng Dự trữ Liên bang (Thống đốc Ngân hàng Trung ương) Ben Bernanke với các lãnh tụ hữu trách của Quốc hội, hiện do đảng Dân Chủ kiểm soát. Đó là Nghị sĩ Chris Dodd, Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng của Thượng viện và Dân biểu Barney Franck, Chủ tịch Ủy ban Dịch cụ Tài chánh của Hạ viện. Ngẫu nhiên sao mà truyền thông Mỹ không khui ra cho rõ: hai vị dân cử này có trách nhiệm khá nặng trong vụ khủng hoảng của Fannie Mae và Freddie Mac (hãy nhớ lại lời trấn an của họ khi hai công ty ấy sắp sụp đổ!)
Bốn nhân vật trên, và ban tham mưu chuyên môn của họ, biết rất rõ kế hoạch cấp cứu, cứ được gọi tắt là 700 tỷ, và thu gọn thành một văn kiện ba trang được Chính quyền Bush trình sang Quốc hội xin phê chuẩn. Tin vừa loan ra, các thị trường chứng khoán trên thế giới đều thở phào nhẹ nhõm và thị trường New York tăng giá ngoạn mục vào ngày Thứ Hai.
Thế rồi, mọi chuyện lại như vuột khỏi tầm tay của người trong cuộc và hôm sau, thị trường chứng khoán Mỹ tuột giá vào ngày Thứ Ba, và dầu thô tăng giá 25 đồng nội trong một ngày!
Đấy là lúc người ta đã phải dừng tay tìm hiểu vì sao.
Đây là kế hoạch có quy mô lớn được thành hình chủ yếu qua sự hợp tác của Hành pháp, Ngân hàng Trung ương và Quốc hội Dân chủ, giữa sự hốt hoảng của thị trường. Khi kế hoạch được đưa ra thảo luận qua cuộc điều trần trước Quốc hội của Tổng trưởng Paulson, Thống đốc Bernanke, Chủ tịch Ủy ban Giao dịch Chứng khoán (SEC) Chris Cox và Giám đốc Cơ quan (Kiểm soát) Tài trợ Gia cư FHFA mới thành lập là James Lockhard, giới chức dân cử mới nêu lên một số vấn đề và đòi mở thêm một số điều kiện khác trong kế hoạch cấp cứu.
Nhu cầu tranh cử vào mùng bốn tháng 11 tới đây khiến họ cần chứng tỏ là họ quan tâm đến quyền lợi của cử tri, với những câu hỏi gay gắt và nhiều điều kiện ràng buộc chặt chẽ hơn, kể cả điều kiện mở rộng chương trình cấp cứu cho người không có khả năng trả tiền nhà.
Nhưng, dường như những kẻ trong cuộc đã chủ quan đánh giá sai phản ứng của công chúng, và nhất là của các Dân biểu Cộng Hòa. Xưa nay phe Cộng hoà vốn hoài nghi việc tăng cường quyền hạn cho Chính quyền, và lần này lại lấy tiền thuế của dân để chuộc nợ cho các công ty đầu tư tài chánh bất cẩn, thậm chí bất lương. Cho nên, trong khi thị trường tài chánh bị chấn động, một đợt sóng ngầm đã nổi lên từ bên dưới mà đa số truyền thông lại không thấy.
Góp phần cho kế hoạch cấp cứu ngay từ tuần trước, đảng Dân Chủ muốn gài thêm vài điều kiện chính trị an toàn trước khi Quốc hội nghỉ họp vào cuối tuần để các Dân biểu Nghị sĩ trở về lo chuyện tranh cử. An toàn nhất là phải có đảng Cộng Hoà kề vai chia sẻ trách nhiệm về kế hoạch cấp cứu. Đảng Dân Chủ đang chiếm đa số trong Quốc hội nên có thừa phiếu thông qua kế hoạch họ đã gọt rũa với Hành pháp. Nhưng, vì đa số dân Mỹ vẫn hoài nghi nên đảng này cần kéo phe Cộng Hoà vào lãnh trách nhiệm nạn, nếu như bị nạn sau này!
Chủ tịch Thượng viện Harry Reid nói ra điều ấy khi yêu cầu Nghị sĩ John McCain lên tiếng ủng hộ kế hoạch. Ông dại dột mở ra một thế cờ mới cho ứng cử viên Tổng thống bên đảng Cộng Hoà (và sau này lại chối - như thường lệ)!
Nghị sĩ McCain có thấy làn sóng chống đối bên đảng Cộng Hoà, hôm sau được xác nhận bởi một bài nhận định đầy nghi ngờ về kế hoạch cứu nguy 700 tỷ, do 166 kinh tế gia đưa ra, trong đó có ba giải Nobel Kinh tế. Ông bèn chụp cơ hội tung ra một đòn chính trị ngoạn mục mà đầy rủi ro: ông tuyên bố tạm ngưng tranh cử, trở lại thủ đô tìm giải pháp khai thông kế hoạch mà ông khẳng định là đang bị bế tắc.
Mục tiêu của McCain là chứng tỏ rằng minh 1) coi quyền lợi quốc gia là tối thượng - hơn là nhu cầu tranh cử, 2) quan tâm đến nỗi lo của dân chúng, 3) không hậu thuẫn Tổng thống Bush trong kế hoạch cấp cứu, 4) có ảnh hưởng đối với giới dân cử Cộng hoà, và 5) có thể tìm hậu thuẫn lưỡng đảng cho một giải pháp cứu vãn có giá trị hơn. Nôm na là phải cải sửa kế hoạch cấp cứu thì mới xong.
Phe Dân Chủ lập tức phản ứng mạnh, với sự phụ hoạ của truyền thông: gIữa lúc dầu sôi lửa bỏng, McCain lại chính trị hoá một vấn đề khẩn cấp và ông thực sự không đóng góp gì nhiều cho một giải pháp đã sẵn có. Nôm na là McCain làm bộ hoãn tranh cử và nhảy vào ăn có để lấy công chứ kế hoạch này sẽ sớm được thông qua tại thủ đô.
Dường như hiểu ra những đòn phép ấy trên chính trường, tối Thứ Tư, Tổng thống Bush lên truyền hình báo động dư luận, rằng tình hình đã quá nguy kịch nên mọi người trong cuộc cần hợp tác để kịp thời tìm ra giải pháp. Trong tinh thần ấy, ông mời lãnh đạo Lưỡng viện Quốc hội và hai ứng cử viên Tổng thống cùng họp chung trong toà Bạch Ốc vào chiều Thứ Năm. Đâm ra việc McCain ngưng tranh cử và tranh luận để về Washington cứu nguy lại có vẻ hợp thời - và hợp lý! Nếu tinh ma hơn một chút, người ta có thể suy đoán rằng Bush kín đáo giúp McCain khi tạo điều kiện cho ứng cử viên Cộng Hoà có cơ hội... phản đối Hành pháp của mình: McCain không là một Bush nối dài!
Đó là khung cảnh của chuyện chính trường đánh võ.
Nói vắn tắt lại, phe Dân Chủ tưởng kế hoạch cấp cứu sẽ được thông qua dễ dàng, với đôi ba điều kiện bổ túc do mình đưa ra (hạn chế mức lương của những doanh gia điều hành các công ty được cấp cứu, chi thêm một ngân khoản quãng 56 tỷ để cứu trợ những người có thể mất nhà, ngân khoản 700 tỷ sẽ được chia thành nhiều đợt, thi hành tới đâu thì tính tới đó với sự kiểm soát chặt chẽ hơn). Vì tin như vậy, trong khi Quốc hội thảo luận vào sáng Thứ Năm, tin tức được họ tiết lộ cho báo chí rằng Quốc hội sắp thông qua kế hoạch. Hàm ý bên dưới là chẳng ai cần tới sự tham dự hay hoà giải, hoặc giả bộ vận động của hiệp sĩ McCain!
Nhưng vào buổi chiều, đòn chính trị tinh vi ấy nổ ngay trước mặt mọi người tại tòa Bạch Ốc, trước sự tuyệt vọng của Tổng trưởng Paulson. Trong khi John McCain vẫn ngồi yên sau một phát biểu ngắn.
Thật ra, ông lặng lẽ để các Dân biểu Nghị sĩ Cộng Hoà công khai bày tỏ sự phản đối và hội nghị hoà giải tan vỡ. Lý do phản đối bên phía Cộng Hoà là 1) các Dân biểu Cộng Hoà tại Hạ viện không được tham khảo ý kiến về kế hoạch cấp cứu, 2) không đồng ý với khuynh hướng bao cấp là bành trướng vai trò của chính quyền, 3) lại dùng tiền thuế của dân giải quyết khủng hoảng. Vì vậy, phe Cộng Hoà đề nghị một giải pháp điều chỉnh.
Phản ứng của bên Cộng Hoà khiến "thượng đỉnh hoà giải" của Bush tan vỡ vào buổi chiều Thứ Năm và mở ra một cuộc thảo luận kéo dài đến khuya mà không ngã ngũ bên Quốc hội!
McCain bỗng có lý khi báo động rằng kế hoạch sẽ bị chống, chứ không thuận buồm xuôi gió như bên Dân Chủ loan tin! Đòn tháu cáy của ông - nếu quả thật rằng đó là một đòn tháu cáy - bỗng có vẻ khả tín hơn.
Trong khi ấy, đến lượt công ty tài chánh Washington Mutual lâm nạn vì trương chủ lo sợ rút tiền ký thác ào ạt, trong hai ngày rút mất 70 tỷ! Chính quyền phải nhảy vào kiểm soát và khoản ký thác của các trương chủ được bán lại cho tổ hợp ngân hàng JP Morgan Chase. Kết cuộc thì WM vẫn mở cửa, thân chủ ký thác không mất tiền, nhưng chủ đầu tư của công ty này mất quyền chủ động. Nghĩa là chính trường đấu võ, thị trường bị đo ván!
Qua Thứ Sáu mọi việc mới có vẻ ngã ngũ.
Khi thị trường vừa mở cửa, Tổng thống Bush lại xuất hiện trấn an trong khi hai đảng họp báo đổ lỗi cho nhau. Bên trong, họ cử đại diện ra họp hành để tìm giải pháp suốt một buổi sáng. Tới trưa, McCain tuyên bố rằng kế hoạch giải cứu coi như có triển vọng hoàn tất, nên mình khỏi cần ở lại thủ đô. Ông bay đi Mississippi tranh luận với đối thủ về chánh sách đối ngoại. Tới buổi chiều, chỉ số Kỹ nghệ Dow Jones ngoi lên khỏi vực và thắng được hơn trăm điểm...
Những ai dự đoán đúng kết quả của cục diện thì có thể... đoán may! Sự thật lại rắc rối hơn thế.
Đa số dân Mỹ không tin tưởng vào kế hoạch cấp cứu theo như bộ Ngân khố trình bày. Đảng Dân Chủ biết rõ nội dung mà vẫn đóng kịch là không đồng ý lắm vì họ thiết tha đến quyền lợi người dân. Họ đàn hặc Hành pháp với vài đề nghị bổ túc nhuốm mùi mị dân. Đảng Cộng Hoà tương kể tựu kế bày ra một vụ nổi loạn chống lại kế hoạch tổng hợp sự thỏa hiệp giữa Hành pháp và phe Dân Chủ. Đang thất thế nhẹ trước đối thủ - vốn cũng mù mờ chưa biết sự tình ra sao - Nghị sĩ John McCain bèn cướp thời cơ nhảy vào ủng hộ cuộc nổi loạn của phe Cộng Hoà rồi... trở về lo chuyện tranh cử! Đảng Dân Chủ được một bài học về cách hợp tác lưỡng đảng!
Đến tối Thứ Sáu, dư luận đều sẵn sàng quên hai ngày sóng gió vừa qua để theo dõi cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên tổng thống về chủ trương đối ngoại.
Nhận xét riêng của người viết là ngôi nhà đang cháy, có người đề nghị phải cấp tốc chữa cháy đã, có người lại nêu câu hỏi về... kiến trúc của ngôi nhà khiến hoả hoạn đã xảy ra. Một cách tuyệt đối thì cả hai người đều có thể có lý. Nhưng có lý một cách... tương đối thôi. Thứ Hai này, thị trường mở cửa thì mình sẽ biết: Hoa Kỳ không thể không chữa cháy được!
Một câu hỏi nên được đặt ra trong cuộc tranh luận tối Thứ Sáu là Hoa Kỳ sẽ còn cà chớn tới mức nào khi gây hoạn nạn cho toàn thế giới, rồi mất một tuần cãi cọ linh tinh trong khi thị trường toàn cầu náo loạn. Hình ảnh đội lính cứu hoả Mỹ... xịt nước vào nhau trong khi đám cháy lan rộng ở chung quanh không là một gương sáng của nền dân chủ Mỹ! Thị trường phải trả giá cho sự cà chớn tuyệt vời đó.
Bảo sao mà thiên hạ không ghét Mỹ!