Hồ Sơ Nhiệt Hoá Địa Cầu
Nguyễn Xuân Nghĩa
...Trung Quốc tiếp tục nhả khói lên trời, thế giới tiếp tục kết án nước Mỹ...
Tan trong lạnh lẽo...
Khí hậu trái đất bị hâm nóng bởi thán khí do con người thải ra trong tiến trình kỹ nghệ hóa. Khí thải ấy lại bị vây trong tầng khí quyền nên gây ra hiện tượng lồng kính - trái đất bị hâm nóng - và sẽ có ảnh hưởng tai hại cho con người. Thí dụ như băng tan, nước lụt, v.v....
Nhiều nhà khoa học đã nêu vấn đề như vậy. Nhiều nhà khoa học khác thì phản bác. Hai phe đều có con số đầy khoa học để bênh vực lập luận của mình. Nhưng cuộc tranh luận không chỉ thu gọn vào khía cạnh khoa học mà biến ra tranh chấp trong nội bộ từng quốc gia và giữa các nước với nhau. Vấn đề trở thành mâu thuẫn về địa dư chiến lược giữa các quốc gia, các khối kinh tế.
Và hội nghị quốc tế do Liên hiệp quốc tổ chức tại Copenhagen lâm vào bế tắc mới một thông cáo chung hoàn toàn vô giá trị vì không có tính chất cưỡng hành, bắt buộc. Hãy nhìn lại cho kỹ, chứ đừng nghe lời ca ngợi của các lãnh tụ, đi không chẳng lẽ lại về không!
Cuối năm 1997, Ủy ban Liên hiệp quốc về hiện tượng Thay đổi Khí hậu đã thông qua một Công ước Quốc tế tại Kyoto của Nhật Bản, gọi là Kyoto Protocole. Đây là văn kiện có giá trị tự nguyện, không cưỡng hành - không bắt buộc. Hoa Kỳ có tham gia thảo luận và ký vào văn kiện này, nhưng không áp dụng trong thực tế. Lý do đơn giản là trước đó, Thượng viện Hoa Kỳ đã nghiên cứu và bỏ phiếu chống với tỷ lệ 95-0, tức là không một Nghị sĩ nào ủng hộ. Chính quyền Bill Clinton vì vậy cho chìm xuồng luôn theo lối ỡm ờ: không xin Quốc hội phê chuẩn nhưng cũng không rút tên khỏi Công ước - cho đến ngày nào mà các nước đang phát triển cũng tự nguyện áp dụng một số đề nghị tiết giảm khí thải. Những chuyện ấy xảy ra từ năm 1997-1998, khi ông George W. Bush còn làm Thống đốc Texas và chưa vào tòa Bạch Cung.
Chính quyền Bush lên thay thế cũng theo đúng nếp xưa và nêu vấn đề là Công ước Kyoto không có giá trị thực tế nếu một quốc gia đang thải ra nhiều thán khí như Trung Quốc lại không tuân thủ những khuyến cao của Liên hiệp quốc. Ông Bush đề nghị giải pháp khác, đó là tìm thế hợp tác Mỹ-Hoa, và rộng lớn hơn, giữa Hoa Kỳ và các nước (đang phát triển) tại Á châu Thái bình dương để cùng tiết giảm khí thải. Hoa Kỳ sẵn sàng chia xẻ kiến thức kỹ thuật cho việc đó. Nếu không, việc Hoa Kỳ tự nguyện tuân thủ khuyến cáo của Công ước chỉ gây thiệt hại kinh tế cho nước Mỹ, một cách oan uổng.
Trong khi ấy, các nước công nghiệp hoá Âu châu cũng tìm cách tự đặt ra những tiêu chuẩn và chỉ tiêu tiết giảm khí thải lạc quan và ít được chấp hành trong thực tế khi mà thời hạn của Công ước Kyoto sắp mãn.
Nhưng dù sao mặc lòng, thủ phạm của mọi chuyện vẫn là Hoa Kỳ và sự ngang bướng của ông Bush, có gia đình vốn dĩ gắn bó với kỹ nghệ dầu hỏa. Lập luận đơn giản là trăm tội vì Bush - mà ít ai chịu khó kiểm chứng.
Thật ra, sau khi nhậm chức, Tổng thống Barack Obama cũng tuyên bố tại Turkey vào tháng Tư năm nay, rằng Công ước Kyoto sắp hết hạn nên thật vô lý nếu Hoa Kỳ lại ký vào đó. Như hai Chính quyền tiền nhiệm, Chính quyền Obama chưa khi nào yêu cầu Thượng viện xét lại hồ sơ nhiệt hoá địa cầu để tìm cách khai thông. Nhưng, như các chính quyền tiền nhiệm, Hoa Kỳ thời Obama cũng tìm giải pháp khác, thí dụ như Hạ viện đã thông qua đạo luật về năng lượng sạch - nôm na vẫn gọi là cap and trade. Đó là cuộc tranh luận Mỹ-Mỹ, trong nội bộ Hoa Kỳ và giữa hệ thống luật lệ liên bang với quyết định riêng của từng tiểu bang.
Bây giờ, Liên hiệp quốc muốn hâm nóng hồ sơ nhiệt hoá này với một hội nghị quốc tế kéo dài 12 ngày tại Copenhagen. Ngay từ hội nghị ở cấp chuyên môn, tình hình đã rối bù khiến viên chức tổ chức đã từ chức, đại diện các nước nghèo thì bỏ về vì bị ép phải tích cực hơn trong việc tiết giảm khí thải. Ở bên ngoài, dân chúng biểu tình phản đối việc công nghiệp hoá đang tàn phá địa cầu....
Tới Copenhagen hôm 17, Thủ tướng Trung Quốc là Ôn Gia Bảo đã chụp lấy vai trò đại diện các nước đang phát triển để quyết liệt phản đối một thỏa ước quốc tế sẽ bắt các nước này phải tuân thủ những tiêu chuẩn hạn chế khí thải. Những gì mà Hoa Kỳ dự đoán từ 1997 tới nay đều đang xảy ra như vậy: quyền lợi kinh tế và trình độ kỹ thuật không đồng khiến mâu thuẫn bùng nổ giữa hai khối "giàu-nghèo". Hoa Kỳ tiết giảm khí thải chừng nào thì Trung Quốc hay các xứ kia lại thải ra chừng đó thán khí, vì nhu cầu tăng trưởng kinh tế của họ, như vậy làm sao giải quyết một vấn nạn chung của thế giới"
Các nước công nghiệp hoá đều đang tiến tới trình độ hậu công nghiệp, với khu vực dịch vụ nay chiếm một tỷ trọng lớn nhất trong hệ thống sản xuất. Các nước này cũng có trình độ kỹ thuật cao hơn nên kỹ nghệ chế biến có hiệu năng tiêu thụ năng lượng khá hơn, nghĩa là dùng ít năng lượng và thải ít thán khí hơn để cung cấp cùng một đơn vị sản phẩm. Trong khi ấy, các nước đang phát triển thì chiếm lĩnh khu vực chế biến, dốc sức sản xuất rất nhiều và rẻ để bán cho các nước kỹ nghệ hoá. Nghĩa là gây ô nhiễm nhiều hơn. Muốn họ tiết giảm khí thải để cùng cứu lấy địa cầu, các nước công nghiệp hoá không nên đòi hỏi những hạn chế ngặt nghèo về kinh tế mà sinh tử về chính trị. Ngược lại, nên viện trợ kỹ thuật tiên tiến cho họ cải thiện hiệu năng tiêu thụ năng lượng. Thí dụ như tìm ra năng lượng sạch để thay than chẳng hạn.
Là điều Chính quyền Bush đã đề nghị với các nước Á châu Thái bình dương từ năm 2005.
Chính quyền Obama thường xuyên đổ lỗi cho người tiền nhiệm về mọi khó khăn đang gặp. Đấy là chuyện chính trị thông thường. Nhưng, trong bối cảnh kinh tế suy trầm, thất nghiệp chưa giảm, bội chi ngân sách kỷ lục, Hoa Kỳ sẽ lại phải chi tiền cho các nước nghèo để cùng nhau cứu vãn địa cầu. Chi bao nhiêu cho đủ, để kỹ nghệ Trung Quốc bớt lệ thuộc vào than như một nguồn năng lượng chính" Mà nếu không dùng than, Trung Quốc giải quyết thế nào nhu cầu sản xuất rẻ và xử lý ra sao khu vực công nghiệp nặng là cung cấp than để sản xuất điện năng" Không khéo thì công nhân hầm mỏ sẽ nổi lên làm cách mạng!
Vì vậy, con rồng Trung Quốc tiếp tục nhả khói lên trời, và thế giới tiếp tục kết án nước Mỹ. Phải chi, ông Bush vẫn còn ngồi đó thì tiện biết mấy!