Sông Cạn, Giếng Khô
Bạn,
Theo báo Sài Gòn, trong hơn hai tháng qua,nguồn nước từ các dòng sông cung cấp cho các hồ thủy điện và hệ thống thủy lợi tại nhiều tỉnh miền Trung bị cạn kiệt. Trong khi đó, nguồn nước từ các giếng nước của cư dân cũng khô cạn, không có nước để dùng hàng ngày và cung cấp nước cho gia súc. Báo SGGP đã ghi nhận về thực trạng này qua bản tin như sau.
Tỉnh Quảng Nam có 75 hồ chứa nước đang đưa vào khai thác, phục vụ tưới cho khoảng 33 ngàn hécta gieo trồng đất sản xuất nông nghiệp. Riêng hồ Phú Ninh - công trình thủy lợi lớn thứ 2 Việt Nam có mức nước thấp hơn năm 2009 gần 1.5m, hồ Khe Tân thấp hơn gần 1m, hồ Thái Xuân thấp hơn 2.9m, hồ Cao Ngạn (huyện Thăng Bình) thấp hơn 3.5m...
Tại Quảng Ngãi, công ty Khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã báo động nguồn nước các hồ chứa nước có dung tích nhỏ hơn 1 triệu khối trên địa bàn tỉnh chỉ còn dưới 50% so với dung tích thiết kế và đã có một số hồ chứa nước xuống đến mực nước chết.
Tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, công ty Quản lý - Khai thác các công trình thủy lợi cũng khẳng định tình trạng nắng hạn như hiện nay nếu kéo dài khoảng một tuần nữa sẽ có khoảng 30% diện tích lúa trên địa bàn tỉnh bị khô hạn. Những vùng có nguy cơ mất trắng vụ hè thu chủ yếu ở vùng cao Nam Đông và A Lưới.
Trong khi đó, trên sông Gianh, tỉnh Quảng Bình, 11 cồn nổi giữa dòng sông này thuộc huyện Quảng Trạch người dân sống giữa bốn bề nước mặn vây bủa, họ sống nhờ vào nước mưa dự trữ bằng chum, lu, nay đã cạn kiệt, hơn 2 tháng chờ mưa, phải chèo thuyền qua bắc sông Gianh mua nước với mỗi khối nước ngọt 100 ngàn đồng. Cư dâng Hoàng Xuân Hiền (ở thôn Tân Hóa, xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa) làm nghề lái đò chở khách dọc nguồn Rào Trổ cho biết, bình thường mỗi ngày chạy hai chuyến đò chở khách, nhưng mấy ngày nay khi nước sông xuống thấp, vất vả lắm ông mới chạy được một chuyến. Thậm chí có ngày phải nghỉ vì nước sông Gianh đã cạn.
Bạn,
Cũng theo báo SGGP,để cứu lúa, một số tỉnh đã đề ra các kế hoạch chống hạn. Riêng tỉnh Quảng Nam đã lập "phương án chống hạn" cho vụ hè thu cho 18 huyện, thị trong đó 4 huyện nặng nhất là Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên và Thăng Bình... chống hạn cứu lúa. Tuy nhiên, nhiều chuyên viên ngành nông nghiệp, thủy lợi một số tỉnh đều tỏ ra rất ít lạc quan, nếu trời không "cứu" trong vòng 10 ngày tới có mưa thì đến 30% -40% lúa hè thu ở miền Trung sẽ mất trắng.