Trung tuần tháng 5/2008, dư luận Hà nội xôn xao về việc công an bắt giam hai nhà báo Nguyễn Văn Hải của tờ Tuổi Trẻ và Nguyễn Việt Chiến của tờ Thanh Niên. Tuổi Trẻ và Thanh Niên đều là báo của đảng. Tội được nêu ra là hai nhà báo này đã “lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ” khi thông tin sai lạc về vụ án PMU18 từng làm sôi nổi dư luận trong năm 2006.
Vụ án PMU 18 chính yếu là một vụ án chống tham nhũng, truy tố ông Bùi Tiến Dũng, Tổng giám đốc Ban Quản lý Dự án 18 thuộc Bộ Giao thông Vận tải đã dùng tiền đầu tư của nước ngoài trên một triệu mỹ kim để cá độ bóng đá. Sau đó cuộc điều tra phanh phui ra thêm ông Nguyễn Việt Tiến, thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (Bùi Tiến Dũng và Nguyễn Việt Tiến đều là đảng viên cao cấp của đảng Cộng sản Việt Nam) có dính líu đến vụ PMU 18. Cả hai ông Bùi Tiến Dũng và Nguyễn Việt Tiến đều bị tạm giam và tước đảng tịch. Đó là chuyện năm 2006.
Bỗng nhiên trong tháng 3/2008 tòa án tuyên bố vụ án PMU 18 không có cơ sở, ông thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến được trả tự do và hai tháng sau được trả lại thẻ Đảng.
Và rồi giữa tháng 5/2008 hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải bị bắt giam. Hai nhà báo này là người đã xông xáo xáo nhất trong vụ làm tin về tham nhũng PMU 18 đăng trên hai tờ báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ là hai tờ báo có nhiều độc giả nhất trong nước. Một ngày sau khi bắt giam hai nhà báo, công an truy tố tại ngoại Thiếu Tướng công an hồi hưu Phạm Xuân Quắc, nguyên Cục trưởng cục C14 là Cục điều tra về trật tự xã hội, người đã lãnh đạo cuộc điều tra PMU 18 với cùng một tội danh như tội danh gán cho hai nhà báo Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến.
Vụ việc này đã tạo nên một cơn sóng dữ dội trong giới báo chí Việt Nam cũng như báo chí quốc tế . Thái độ chung trong nước là xem vụ việc xẩy ra như một câu chuyện lạ lùng không thể nào hiểu nổi. Còn dư luận ngoài nước, theo truyền thống thì cho đây là một hành động vi phạm quyền tự do báo chí của chính quyền Việt Nam không phù hợp với một nước hội viên WTO, một thành viên của Liên hiệp quốc nhất là đang là thành viên luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.
Mọi việc khó hiểu vì mọi người đang ôm chân, ôm vòi, ôm tai một con voi để tìm hiểu nó là cái gì. Thì nó chỉ có thể là một cái cột nhà, là một cái gối ôm độn cao su, hay là một chiếc quạt khổng lồ.
Hãy đứng ra xa nhìn vào toàn cảnh, chúng ta sẽ thấy hiện nguyên hình con voi. Con voi đó là tại Việt Nam báo chí và ký giả không có quyền gì cả ngoài quyền nói theo đảng, và không có cái gọi là chống tham nhũng.
Sáu trăm tờ báo giấy (trong đó có hai tờ Tuổi Trẻ và Thanh Niên) và hàng chục báo điện tử đều là công cụ tuyên truyền và thông tin cho đảng và chỉ được viết và đăng những gì “đảng” cho phép. Không một ký giả nào có quyền viết lách tự do, trong đó có cả hai ký giả Nguyễn Việt Tiến và Nguyễn Văn Hải. Không có gì phản ánh tình trạng này cho bằng vụ Trung quốc sát nhập hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tháng 12 năm trước. Theo lệnh của Đảng, không có một tờ báo nào dám lên tiếng phản ảnh dư luận phẫn uất của nhân dân trong nước và đồng bào ngoài nước. Và trong vụ bắt Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến, báo chí được phát biểu ý kiến bất đồng trong 3 ngày sau đó chính quyền ra lệnh không được bàn tán về vụ việc đó nữa thì báo chí trong nước im thin thít một cách ngoan ngoãn .
Còn chống tham nhũng" Để chống tham nhũng cần có hai vũ khí, thứ nhất là tự do báo chí, thứ nhì là một nền tư pháp độc lập. Cơ chế chính trị tại Việt Nam dưới quyền lãnh đạo của đảng cộng sản không có hai cơ chế này nên không thể chống tham nhũng (cho dù trong bộ máy cầm quyền có người bỗng nẩy ra cái ý ngộ nghĩnh chống tham nhũng). Chống tham nhũng cũng chỉ như chém đầu Phạm Nhan, chặt đầu này nó mọc ra đầu khác, có khi chặt một cái đầu nó mọc ra nhiều đầu cũng nên (*). Đảng cộng sản Việt Nam biết rõ họ không thể chống tham nhũng, và nói như một người dân ở trong nước, chống tham nhũng là chống Đảng, vì Đảng đồng nghĩa với tham nhũng.
Nắm được sự thật trần truồng đó dư luận thế giới có thể hiểu được cái gì ở sau lưng vụ truy tố hai ông (giám đốc) Bùi Tiến Dũng và ông (thứ trưởng) Nguyễn Việt Tiến năm 2006 và nay là vụ bắt giam hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải, và truy tố cựu Thiếu Tướng Phạm Xuân Quắc.
Cái sau lưng chuyện chống tham nhũng năm 2006 và bây giờ -năm 2008- truy tố hai nhà báo chỉ là hai mặt của một vấn đề: tranh chấp nội bộ .
Qua Đại Hội đảng năm 2006 ông Nguyễn Tấn Dũng đã củng cố vị thế của mình, và như một thông lệ trong các chế độ cộng sản ông nhắm chặt bớt tay chân của phe phái có thể tranh chấp với ông hay với phe ông. Ông bố trí nắm bộ Công an và bộ Thông tin để làm chỗ dựa ra đòn đánh tham nhũng. Chiêu bài này được ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên truyền như một quốc sách, được dân chúng đồng tình, và các quốc gia viện trợ và đầu tư áp lực. Đánh tham nhũng không thiếu đối tượng vì trong chế độ cộng sản tại Việt Nam hiện nay không một viên chức cao cấp nào trong đảng có thể gọi là trong sạch. Thế là C14 thuộc Bộ Công an của tướng Phạm Xuân Quắc được lệnh ra tay và báo chí được lệnh yểm trợ. Ông Bùi Tiến Dũng và ông Nguyễn Việt Tiến bị chấm đầu tiên vì ông Dũng và ông Tiến là hai nhân vật của một thế lực ông Nguyễn Tấn Dũng đang muốn trấn áp. Rễ và con gái của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đều là người làm việc trong dự án PMU 18. Nếu không có lệnh trên thì ông tướng công an Phạm Xuân Quắc đã không hăng hái như vậy, và hai cây bút xông xáo Nguyễn Văn Hải của báo Tuổi Trẻ và Nguyễn Việt Chiến của báo Thanh niên đã không đầu tư hết tài năng và thiện chí của mình vào cuộc .
Qua động thái của ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng liên quan đến vụ Hoàng Sa và Trường Sa người ta có thễ diễn dịch rằng ông thủ tướng đã được sự bảo trợ của Trung quốc trong việc tranh giành quyền lực. Ông thủ tướng Dũng không hề hé răng bình luận việc Trung quốc sát nhập trên giấy tờ hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng đã chịu khó bay vào tận Sàigòn ra lệnh cho chính quyền địa phương bảo đảm an toàn 100% cho cuộc rước đuốc của Thế Vận Bắc Kinh. Trước đó mấy tháng trong chuyến công du Âu châu, ông đã không chút ngượng mồm xu nịnh Trung quốc khi trả lời một cuộc phỏng vấn (của đài BBC) rằng Trung quốc lớn mạnh bảo đảm an toàn và ổn định cho toàn vùng Á châu. Ông không hề quan tâm đến một nguyên tắc sơ đẳng của địa lý chính trị là một nước nhỏ như Việt Nam bên cạnh một nước đang bành tướng là một đe dọa cho chủ quyền của Việt Nam .
Và điều này không khỏi tạo nên căng thẳng trong nội bộ. Vẫn còn một thành phần quan trọng trong Bộ chính Trị chưa chịu khuất phục Trung quốc. Thành phần này phải đấu tranh để sinh tồn trước khi Nguyễn Tấn Dũng nắm hết mọi thế lực và ra tay triệt hạ.
Không phải do bộ máy tư pháp của chính quyền cộng sản làm việc đàng hoàng mà ông thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến sau 18 tháng tạm giam được xã án và phục hồi đảng tịch. Đó là kết quả của một cuộc đấu tranh nội bộ, một đòn “hồi mã thương” và các bộ phận (công an và báo chí) từng đóng góp trong vụ truy tố các ông Bùi tiến Dũng, Nguyễn Việt Tiến đều phải trả giá.
Trên nguyên tắc ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ không ngồi yên nhìn đàn em của ông bị đánh, nhưng ông ta đang gặp khó khăn và vụ đánh báo chí nhất thời có thể có lợi cho ông.
Đầu tháng 5/2008 ông thủ tướng Dũng ký văn kiện ban hành kế hoạch mở rộng thành phố Hà Nội ra gấp 13 lần lớn hơn (do Nam Hàn bao thầu) bao gồm các tỉnh phụ cận khi chưa thông qua các thủ tục cần thiết như tham khảo ý kiến nhân dân của các tỉnh chung quanh, nhất là chưa tham khảo ý kiến quốc hội . Cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt lên tiếng thắc mắc đầu tiên, sau đó báo chí và quốc hội (đang họp) đặt vấn đề . Cùng một lúc thủ tướng Dũng bị “hai mặt giáp công” và ông thấy việc các nhà báo bị truy tố, báo chí bị bịt mồm trong lúc này có lợi cho ông. Nếu vụ mở rộng thành phố Hà Nội được phanh phui thêm nữa ông sẽ khó ăn khó nói. Những câu hỏi đơn giản như: ký một dự án hàng trăm tỉ mỹ kim như vậy, phần hoa hồng của ông sẽ là bao nhiêu" Tại sao ông Dũng phải ký vội vàng như vậy" là những câu hỏi khó trả lời.
Nhiều người nghĩ rằng vụ truy tố Thiếu tướng công an Phạm Xuân Quắc và hai nhà báo Nguyễn Viết Chiến và Nguyễn Văn Hải sẽ được pháp luật Việt Nam làm sáng tỏ khi ra tòa. Nhưng làm gì có chuyện đó, vì tại Việt Nam tòa án chỉ xử theo lệnh đảng, trong trường hợp này sẽ xử theo phe phái nào nắm thượng phong trong đảng .
Sự thật của vụ truy tố Phạm Xuân Quắc, Nguyễn Viết Chiến và Nguyễn Văn Hải chỉ là như vậy. “Sinh vì nghề tử vì nghiệp” là một nguyên tắc phổ biến trong các chế độ độc tài toàn trị.
Trần Bình Nam
May 17, 2008
(*) truyền thuyết dân gian đời Trần.