Hôm nay,  

Chuyện Dài Dài Thẩm Mỹ: Chỗ Nào Có Khói Là Có Tiệm Nails

12/05/201800:00:00(Xem: 2124)
Trương Ngọc Bảo Xuân

 
Hôm trước đi bộ ra công viên tập thể dục, cô Năm đi ngang qua một dãy phố, đọc tên bảng hiệu chơi, chợt thấy tiệm làm nails. Sống trong khu này gần 10 năm mà cô không biết có tiệm nails gần nhà như vầy. Không biết cũng phải thôi vì đi đâu cô cũng leo lên xe chạy cái vù tới nơi, về tới chốn thì còn biết gì về xung quanh hàng xóm nữa. Bây giờ tà tà đi bộ mới thấy đời sống và con người quanh đây quá phong phú.

Đây là một dãy tiệm có vẻ ngoài khang trang, sân trước là bãi xe sạch sẽ đậu được cỡ 10 chiếc. Có tiệm Tacos, văn phòng luật sư, phòng nha sĩ, tiệm đổi tiền, tiệm bánh donut, tiệm làm massage... Và tiệm nails.

Một tiệm làm nails ngay đây chỉ là chuyện ắt có. Quả đúng như câu nói truyền miệng của thế kỷ này, chỗ nào có khói là có tiệm nails của người Việt. Nhìn cách sắp xếp hàng quán của cái khu thương mại mini này mà bắt thấy cười. Lãnh lương ra vô tiệm đổi thành tiền, vô cho người ta xoa bóp thân thể cho khỏe khoắn, xong qua làm bộ móng tay đẹp, rồi ghé quán ăn bánh ngọt...

Hôm nay cô Năm ghé vô, làm thử, nếu ưng ý thì sẽ tới đây thường xuyên vì gần nhà quá trời, đi bộ vài trăm bước là tới, vừa làm đẹp vừa thể dục luôn. Cô bước vô tiệm. Tranh tối tranh sáng chưa thấy rõ thì nghe tiếng chào bằng tiếng Anh. Nghe giọng cô biết người này là phe mình rồi. Cô hỏi:

-Tui muốn làm bộ móng bột, làm liền được hông?

Tiếng trả lời mau mắn:

-Dạ được dạ được cô. Trời ơi thấy cô cứ tưởng người Hàn quốc. Mời cô ngồi ngồi đi cô.  Cô làm chân luôn nghen cô em làm tay chân nước kiểu Việt Nam đã lắm cô. Làm tay chân nước trước khi làm bột nha cô.

Thấy cô thợ sốt sắng vui vẻ, cô Năm ừ liền. Nhưng cô dặn trước:

-Ờ ờ làm tay chân mà đừng có cắt khóe nghen.

-Ủa sao vậy cô? Cắt khóe móng mới lộ rõ sơn đẹp hơn cô.

-Hông hông, tui sợ cắt khóe lắm hồi đó tui bị một lần rồi, cắt khóe sâu quá bị phạm vô thịt làm độc sưng lên đi cà nhắc cả tuần đó. Cũng may là hổng bị mất luôn móng chân.

-Ạ ạ ạ... tại họ làm ẩu mới bị phạm còn em làm kỹ mà.

-Kỹ gì kỹ tui cũng hông muốn cắt khóe nghen. Đẩy da rồi vanh mấy chỗ da chết thôi. Nhứt là bàn tay làm sơ sơ thôi tại vì da tui mỏng lắm.

Cô thợ bưng thau nước nhỏ tới cho cô ngâm chân, cô cắt trái chanh bự ra làm hai rồi cho cô Năm bấu năm ngón tay vô. Nhìn trái chanh làm cô Năm nhớ hồi còn ở Việt Nam có lần cô cũng vô một tiệm hớt tóc có làm tay chân luôn. Thuở đó chưa có làm móng bột như bây giờ, chỉ làm tay chân nước hay ngâm dầu rồi sơn thôi. Cũng chưa có vụ vẽ vời hay gắn vàng gắn bạc gì hết như thời hoàng kim của nghề làm nails bây giờ. Kiểu sơn “mode” nhứt lúc đó là sơn hai màu, màu đậm bên dưới, thường là màu đỏ, màu lợt bên trên, thường là màu bạc nên móng tay có ánh lấp lánh ẩn hiện, linh động lắm. Thợ thời đó và thợ thời nay, cách nhau hơn nửa thế kỷ, cách làm cũng y như nhau, cho cô bấu mấy đầu móng tay vô trái chanh cắt đôi như vầy.

Ngộ thiệt, đôi khi có một động tác, một mùi hương, một hình ảnh nào đó làm người ta nhớ lại những chuyện của ngày xa xưa những tưởng đã quên mất tiêu, nay bỗng chợt hiện về, rõ mồn một. Cô thợ của ngày xưa xách đồ nghề đựng trong cái giỏ đi chợ bằng nhựa, lủ khủ vài trái chanh, vài chai nước sơn, cây dũa giấy, cây dũa sắt, cây kềm cắt da, rất đơn giãn. Nghĩa là bằng bao nhiêu thứ vật dụng cô sẽ phục vụ cho biết bao khách hàng mỗi ngày. Cô thợ ngày nay thì có bàn đàng hoàng nhưng cách cô làm việc chẳng khác xưa mấy. Rõ ràng y như lời cô giới thiệu, làm móng kiểu Việt Nam.

Cô Năm ngó lên tường coi coi cô thợ có treo cái văn bằng làm nails hay không. Có. Có thấy tấm văn bằng loại có hình đàng hoàng. Đây là cái văn bằng lấy được lần đầu tiên nên mới có hình. Cô vững bụng vì cô này có thi cử  làm ăn đàng hoàng. Nhìn quanh chẳng thấy ai khác, cô hỏi:

-Ủa. Tiệm lớn vầy mà  chỉ có một mình em làm hả?

-Dạ. Đâu mà mình em, có cô chủ mới bước qua tiệm kế bên mua gì đó, cổ về liền mà. Tại sáng sớm chưa đông khách đó chớ xế xế một chút là có mấy người khách hẹn, thợ cũng vô thêm mấy người nữa. Em là thợ cựu cho nên em vô sớm mở cửa với bà chủ. Cô mới là người khách thứ hai đó. Ờ, em tên Lan.

Cô Lan ngồi trên cái ghế thấp trước mặt cô Năm, đưa trái chanh cắt đôi ra cho cô Năm bấu năm ngón tay vô đó, đặt cái thau nhỏ xíu biểu cô Năm ngâm hai bàn chân vô đó. Vừa thò chân vô, cô Năm rút chân lại, la:

-Úi, eo ơi sao lạnh quá vậy? Sao hổng cho nước nóng vô ngâm?

Lan cười hề hề:

-Nước ấm mà cô. Tại chân cô đi giày nãy giờ nên nó nóng, ngâm chân vô nước mát mát như vầy mới tốt đó cô.

Trời đất ơi. Ngâm chân cốt ý là để cho lớp da chai da chết nó mềm ra mới đẩy mới cắt được, cô nầy học sách nào vậy ta? Ở Mỹ, thế kỷ lên sao Hỏa rồi mà em! Mùa này trời còn lạnh thấy bà cố, mát mát cái nổi gì? Chắc là bà chủ tiết kiệm tiền điện tiền gas!

Nhưng cô Năm cũng làm thinh để coi coi. Ngâm chân trong lúc Lan làm móng tay. Lan chùi chùi cho sạch chanh cầm bàn tay cô Năm đặt lên đầu gối mình, có lót một cái khăn hơi âm ẩm. Lan  bắt đầu dùng cây dũa giấy dũa xoèn xoẹt qua lại như cưa cây, xong rồi lấy cây đẩy da bằng sắt, xủi xủi quanh móng rồi dùng cây kềm cắt lớp da vừa mới xủi lên, miệng nói:

-Da cô bị khô quá chắc lâu rồi cô ổng có làm phải hôn lần này em làm xong là thế nào cô cũng trở lại. Nè coi nè, lộ cái móng tay ra đẹp chưa?

Cô Năm lật bàn tay lên nhìn. Dĩ nhiên là phải đẹp hơn hồi chưa đẩy gọt cắt tỉa mà. Bàn tay Lan thiệt là nhanh nhẹn. Cô vừa làm vừa nói chuyện. Tiệm vắng khách mà, có người khách mới dĩ nhiên là thợ có thì giờ chăm sóc hơn, hy vọng người nầy sẽ trở thành khách hàng ruột mà.

Cô Năm hỏi:

-Lan vô nghề bao lâu rồi?

-Dạ cũng cả hơn 5 năm rồi.

-Ủa, sao thấy cái văn bằng của Lan mới quá.

-Dạ, tại vì em cũng mới có bằng đó cô. Em làm nails lâu rồi nhưng mới thi đậu. Thi khó quá mấy lần mới đậu tại vì em mắc lo đi làm nuôi con đâu có thì giờ học bài cứ thi rớt môn viết đó cô.

Ạ, thì ra. Lúc trước cô Lan làm mà không có văn bằng.

Xong hai bàn tay, cô Năm ngắm nghía. Sạch sẽ. Lan bắt đầu lựa 5 cái móng tip cho vừa móng tay xong lấy thêm 5 cái típ cùng số, cắt, tỉa, chế keo lên, dán vô đầu móng. Cô lấy cây cọ to ra chấm vô hũ nước và hũ bột rồi để cục bột lên móng. Chỉ 1 cục bột thôi đã lấp đầy cái móng. Cô này vô nghề lâu kinh nghiệm cùng mình, cũng phải. Đắp xong bàn tay này thì tay kia cũng vừa khô, cô cầm cây dũa ra dũa xoành xoạch.  Cô Năm lấy tiền ra để sẵn chớ chút nữa sợ quẹt lem nước sơn. Cô chọn một màu hồng vỏ ốc. Lan bàn:

-Hay sơn french tip đi cô, phía trong màu hồng hồng phía đầu màu trắng vừa sang vừa sạch cô, thêm có 3 đô thôi cô.

Cô Năm nói:

-Ừ, vậy đi, cho nó sang.

Lan bắt đầu làm chân.

Tuy bị ngâm trong “nước mát” nhưng nhờ ngâm lâu da chai gì cũng mềm ra. Khi Lan vớt bàn chân lên, cô Năm còn dặn thêm:

-Đừng cắt da nghen.

-Dạ dạ hổng cắt đâu hổng cắt đâu.

Lan lấy cây chà da chai lên, chà vô gót chân chỗ da dầy, hỏi:

-Cô có muốn bào da chết hông? Da chỗ này chai hết rồi.

-Thôi thôi tui sợ cây bào da lắm. Ủa sao nghe nói bị cấm xài mờ.

-Dạ cấm thì cấm tụi em cũng phải có. Làm mà thấp thỏm, sợ bị tụi thanh tra của Board tới xét bất tử thì phạt nặng lắm nhưng mà hổng có hổng được vì có nhiều người khách vô đây là để bào da chai không mà cô. Họ đòi mình phải làm thì họ mới trở lại mà cô. Em làm nhẹ nhàng kỷ lưỡng nên em có khách Mỹ vô làm chân nhiều lắm cô à.

Ạ, đúng là chuyện tự nhiên, cung cầu, cầu cung.

-Tiệm này có bao giờ bị xét chưa?

-Dạ, em làm ở đây trên năm năm rồi chưa từng bị xét. Chắc họ thiếu nhân viên. Tiệm nào xui lắm mới bị xét, hay là bị đâm thọt họ mới biết mà xét. Tiệm nào bị xét chém chết cũng tốn tiền phạt mấy ngàn đô luôn. Mà hễ xét thì tụi nó tới ba lần luôn. Em nghe nói vậy đó cô.

Vừa làm vừa nói chuyện, Lan cũng xủi da chết rồi lấy góc khăn mà chà chà miết miết từng cái móng chân. Làm sạch sẽ rồi Lan mới bóp bóp bàn chân, vuốt vuốt từng ngón chân rồi kéo ra nghe cái cốc. Úi trời, lâu lắm rồi cô Năm mới được kéo xương ngón chân như vầy. Đã làm sao!

Lan hỏi:

-Sơn “french tip” luôn hả cô? Bớt cho cô, thêm 2 đô nữa thôi.

-Ừa,vậy đi, cho “sang toàn tập” luôn.

Khi sơn móng, vừa sơn vừa dùng móng tay của mình mà vanh mà chùi cho nên không bị lem chút xíu nào hết. Lan này làm việc một cách cẩn trọng.  Đẹp thiệt. Cô Năm cảm thấy thoải mái. Chỉ có điều cô không thích là dụng cụ thấy không mấy gì sạch sẽ với cây dũa cũ và cái khăn ẩm, chắc là những thứ vừa mới làm cho người khách thứ nhứt của Lan. Cô Năm đọc báo thường thấy có nhiều người lên tiếng về việc những tiệm làm nails không giữ vệ sinh, bị thưa gởi hoài. Tiệm nầy đã lâu mà chưa bị khám xét, mở mỗi ngày, ngày phục vụ bao nhiêu người khách, thử hỏi, họ có theo đúng những kỷ thuật vệ sinh sát trùng dụng cụ để bảo vệ sự an toàn cho khách hay không?

Thời xưa ấy, những người làm móng tay móng chân ấy, vật dụng của họ có thay đổi, có rửa ráy, có sát trùng bao giờ không? Và có bao nhiêu khách hàng bị nhiễm trùng bị mất móng tay móng chân bao giờ chưa? Và nếu có thì thưa gởi ai đây? Bởi vì chẳng có luật lệ nào hết.

Ở Mỹ, còn có Hội Đồng Thẩm Mỹ (The Board) đi khám xét hằng ngày. Nhưng trên toàn quốc có bao nhiêu tiệm nails và The Board thì có bao nhiêu nhân viên? Làm sao đủ để xét từng tiệm nails đây?

Vì vậy cho nên họ kêu gọi khách hàng, hãy lên tiếng cho họ biết tiệm nào làm ăn dơ dáy cẩu thả để họ tới tận nơi khám xét phạt vạ. Luật lệ không bằng phạt, có đụng vô túi tiền thì luật lệ mới có hiệu quả hơn.

Nghĩ vậy, cô Năm nói:

-Đồng hương với nhau cô nói thiệt Lan đừng tự ái nghen, đồ đạc Lan xài thấy hổng được sạch sẽ cho lắm. Nên xài loại dũa giấy xài một lần rồi bỏ, khăn phải là khăn sạch cho mỗi khách hàng, như vậy nhiều khách hàng mới trở lại đó em.

-Dạ, tại chị chủ dặn phải xài tiết kiệm như vầy cô ơi. Tờ khăn giấy còn phải tách ra mỏng lét, xài cho có, cây dũa phải xài nhiều lần...

-Thì bàn với cổ thay vì xài cây dũa dầy như vầy thì đổi qua loại dũa mỏng cũng rẻ mờ.

-Dạ dạ, cám ơn cô nhe, em sẽ nói lại với chị chủ.

Cô Năm ra về. Trong bụng nghĩ thầm, nếu họ không thay đổi ý nghĩ và cách làm việc dựa trên sự an toàn và vệ sinh, chắc cô không trở lại tiệm nầy đâu.

À, nhưng phải trở lại lần nữa mới biết là người ta có sửa đổi hay không chớ, cũng như thanh tra khi xét tiệm lần đầu, tiệm bị phạt hay cảnh cáo thì thanh tra sẽ trở lại lần sau để coi những lỗi ấy có được sửa đúng theo luật hay không chớ./.

Trương Ngọc Bảo Xuân

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trước hết, chúng ta thừa hưởng một nền văn hóa phụ hệ. Người đàn ông nắm hết quyền hành và đàn áp đàn bà theo ý riêng. Những thế hệ trước năm 1950, hầu hết đàn bà Việt là nô tỳ cho đàn ông, một loại nô lệ tự nguyện theo truyền thống và có thể bị hành hạ nhiều hơn nữa, nhưng không được xã hội, chính quyền bênh vực. Về sau, nhờ du nhập văn hóa, văn minh tây phương và bộ luật gia đình thời đệ nhất cộng hòa, người đàn bà Việt mới trút bớt gánh khổ bị áp bức, tuy nhiên, tinh thần tự nguyện nô tỳ vẫn hiện diện trong huyết mạch của những thế hệ trẻ, kéo dài qua hải ngoại, cho dù nơi đây tôn trọng phụ nữ bậc nhất.
Nghe họ nói chuyện với nhau thì hiểu ra. Nhóm phụ nữ này hầu hết hơi phúng phính nên họ đã tạo ra một trò chơi vừa vui vừa có ích, họ mang vô sở cái cân và mạnh ai nấy leo lên cân rồi ghi số cân vô sổ. Họ mở ra một cái quỹ, mỗi tuần mỗi người góp vô quỹ 5 đô la rồi bắt đầu ăn cữ ăn kiêng, tới cuối tháng, người nào sụt số cân nhiều nhứt sẽ được thưởng số tiền gom chung đó, rồi họ bắt đầu góp tiền cho tháng tới. Họ làm sao mà giống giống như chơi hụi mở hụi khui hụi góp hụi vậy ta.
Hiểu biết về màu sắc làm nền cho nghề nghiệp thẩm mỹ, đặc biệt trong công việc trang điểm và nhuộm, tẩy tóc; ví dụ như: Màu đỏ dự phần vào đời sống con người qua máu và lửa. Chúng ta cũng nhận xét rằng những người thời xưa đã kết hợp màu đen với bóng đêm, và màu vàng cho những ngày tươi sáng. Màu trắng tượng trưng cho sự trinh trắng, trong khi màu tím chỉ được dùng trong giới trưởng giả mà thôi.
Có những chiều thu vương nắng cuối thôn …mùa thu đã về trên bầu trời thênh thang mây, mùa thu về với những chiếc lá nâu vàng thay nhau đổi màu, mùa thu về trên vai áo nâu non, tóc mùa thu cũng nâu vàng theo nắng thu rất vội. Mùa thu chỉ vừa mới chớm.
Tối qua ngủ được, sáng sớm chị Ngà thức dậy, khỏe khoắn, lòng vui vui. Đứng lên quơ tay quơ chưn, làm vài động tác cho giãn gân cốt. Hai cánh tay dơ lên cao khỏi đầu, hạ xuống ngang vai, rồi khỏi hông. Hít thở vài cái. Một hồi.
Đường nâu + sữa = hợp chất tẩy da chết cho toàn thân thể. Da-ua + mật ong = dưỡng chất dành cho da nhạy cảm (sensitive skin) và da hay bị ửng đỏ
Chúng ta thường đi bộ, nhiều người thích đi bộ. Từ đi bộ trong nhà, cho tới ngoài đường, chợ búa, mua sắm, trong sở làm v…v…như là một sinh hoạt tự nhiên. Đi bộ thực ra cũng là một môn thể thao chậm, kiểu “Low-impact”. Đi bộ vừa thong thả tự do, thích hợp với mọi lứa tuổi mà còn rất tốt cho sức khoẻ và sắc đẹp cho cả hai phái nam và nữ.
Phần mái ở trước trán (bang), nhiều bạn gái thích cắt ngắn, trông nhí nhảnh trẻ trung, nhất là khi cột tóc đuôi ngựa. Nhưng phần tóc nầy mọc ra dài rất nhanh, chúng ta nên tập tự cắt lấy, để khỏi phải chạy ra tiệm chỉ để cắt chút xíu ở phần tóc nầy, vừa mất thì giờ lại tốn tiền.
Nè mấy người, ai muốn học gắn lông mi từ sợi từ sợi y như lông mi thiệt hông tui dạy tính rẻ, lấy vốn đồ nghề lại coi. Thu chanh chua càng nói càng lớn tiếng: Xời ơi bà nầy, vừa vô ơn vừa bòn. Trong túi có chín đồng, cố ngó quanh quất xung quanh coi có lòi ra thêm một đồng nào đâu đó đặng bỏ vô túi. Chẵn mười đồng!
Quí vị muốn tránh cảm giác choáng váng hay nhức đầu dữ dội sau khi uống rượu chăng ? Hãy ăn vài lát dưa leo trước khi đi ngủ. Khi thức dậy, quí vị sẽ thấy tỉnh táo và hết nhức đầu. Dưa leo chứa một lượng đường vừa đủ, các loại vitamin B, và các chất điện giải để tái bổ sung những tinh chất sinh tố cần thiết mà cơ thể đã bị mất đi, hầu tái lập sự cân bằng, xua tan cảm giác choáng váng hay nhức đầu.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.