Hôm nay,  

Giới Thiệu Tuyển Tập Nhiều Tác Giả Viết Về Tiếng Hát Thu Vàng

04/09/202114:46:00(Xem: 1990)

Bia sach Tieng Hat Thu Vang
Hình bìa mấy cuốn tuyển tập “Tiếng Hát Thu Vàng” do nhà văn và nhà báo Phan Tấn Hải thay mặt chị Thu Vàng đem đến tặng cho anh chị em trong Tòa Soạn Việt Báo.

 

Cầm trên tay tuyển tập nhiều tác giả viết về Tiếng Hát Thu Vàng vừa mới xuất bản tại California, Hoa Kỳ, mà chị Thu Vàng nhờ nhà văn và nhà báo Phan Tấn Hải mang đến tặng cho anh chị em trong Tòa Soạn Việt Báo, đọc qua mục lục tôi thấy có khoảng 40 nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà báo, nhạc sĩ và họa sĩ viết về tiếng hát của nữ ca sĩ Thu Vàng. Tôi nghĩ tiếng hát của nữ ca sĩ Thu Vàng đã thực sự chinh phục được cảm tình của nhiều người nghe, trong đó có tôi.

Cuốn tuyển tập nhiều tác giả viết về Tiếng Hát Thu Vàng dày gần 250 trang bìa màu và bên trong có nhiều tranh phụ bản màu và trắng đen của các họa sĩ Bé Ký, Cao Bá Minh, Duyên, Lê Ký Thương, Nguyên Khai, Nguyễn Đình Thuần, Nguyễn Thiên Chương, Trương Đình Uyên, Trương Vũ. Họa sĩ Khánh Trường thiết kế bìa, ảnh bìa của nhà văn nhà báo Phan Tấn Hải, với lời giới thiệu của nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh và lời bạt của Trần Thị Nguyệt Mai.

Các tác giả viết về Tiếng Hát Thu Vàng gồm nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ (đã qua đời năm 2021), nhà văn Trần Doãn Nho, nhà thơ Đặng Tiến, nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo, nhà văn Phan Tấn Hải, giáo sư Nguyễn Châu, nhà văn nhà thơ Hoàng Xuân Sơn, nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh, nhà văn nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc, nhà thơ Du Tử Lê, họa sĩ Nguyễn Quang Chơn, Trần Thị Nguyệt Mai, nhà thơ Trần Trung Đạo, nhà thơ Hoàng Lộc, nhà văn Tô Thẩm Huy, nhà văn Văn Công Tuấn, nhà văn Zulu DC, nhà văn Trương Văn Dân, nhà thơ Luân Hoán, nhà văn Lê Lạc Giao, nhà thơ Lê Giang Trần, nhà văn Cao Kim Quy, nhà báo Huỳnh Kim Quang, họa sĩ Nguyễn Thiên Chương, nhà thơ Vũ Hoàng Thư, nhà thơ Duyên, nhà văn Nguyễn Xuân Thiệp, nhà thơ Trịnh Y Thư, v.v…

Trong bài phỏng vấn ca sĩ Thu Vàng do nhà văn Trần Doãn Nho thực hiện, ca sĩ Thu Vàng đã kể về cơ duyên đến với âm nhạc của chị:

“Tôi còn nhớ những năm đầu Trung Học Đệ Nhất Cấp, tôi thích nghe nhạc của chương trình thương mại, thích thú hát theo những bản Bolero. Sau đó ba tôi hướng tôi nghe những bản nhạc xưa do những ca sĩ Thái Thanh, Kim Tước, Mai Hương, Anh Ngọc, Duy Trác… hát, nghe quen rồi dần dần yêu thích. Thời điểm này, tôi được sinh hoạt trong ban nhạc “Tuổi Thơ” ở Hội An do anh Thái Tú Hòa thành lập.

"Anh Hòa và  thầy Lê Khuê, hiệu trưởng trường Nam Tiểu Học, cùng một số anh văn nghệ trong phố đã tập cho bản “Tuổi Thơ” hát những trường ca quan trọng như “Mẹ Việt Nam,” “Con Đường Cái Quan” của Phạm Duy, những bản hùng ca, nhạc thiếu nhi của Hùng Lân, Lê Thương, Phạm Duy… và nhiều tác phẩm giá trị khác. Giai đoạn này thực sự định hình thể loại nhạc tôi theo đuổi đến giờ. Tôi có may mắn được học rất nhiều từ những người thầy rất có tâm này.” (trang 56)

Và chính nhờ được hun đúc bởi những “người thầy có tâm” mà ca sĩ Thu Vàng đã hát bằng cái tâm của chị để được nhiều người yêu thích như chị đã nói trong cuộc phỏng vấn của nhà văn Trần Doãn Nho:

“Nghĩ cho cùng, mọi việc đều đến từ cái duyên cả anh ạ. Cuộc đời đã cho tôi nhiều đau khổ, mất mát nhưng tôi nghĩ, có thật sự kinh qua những đau khổ, mất mát, thiếu thốn thì mới khao khát thương yêu, yêu hết thảy: quê hương, thiên nhiên, con người… Và tôi tin, cái gì xuất phát từ tâm thì sẽ đi vào lòng người.” (tr. 64)

Ca sĩ Thu Vàng đã hát bằng cái tâm và những bản nhạc mà chị chọn lựa để hát là những bản nhạc mà nhà văn Trần Doãn Nho trong cuộc phỏng vấn ca sĩ Thu Vàng nói là “nhạc cổ điển hay nhạc thính phòng,” chuyên chở nội dung sâu lắng, cho nên khi nghe ca sĩ Thu Vàng hát, nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ nói ông đang “nghe kinh.”

 

“Nghe Thu Vàng hát như nghe kinh

Dịu cơn đau thời buổi điêu linh

Tang thương vẫn trôi song lạc chợ

Ngẫu lục còn chảy đời gập ghềnh" (tr. 52)

 

Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ dùng chữ “nghe kinh” ngụ ý tiếng hát của chị Thu Vàng có khả năng làm lắng dịu những đau khổ của “thời buổi điêu linh” giống như kinh kệ có khả năng xoa dịu nỗi đau của kiếp người.

Trong bài “Lấp Lánh Sao Mai” là Lời Giới Thiệu CD Dạ Khúc do ca sĩ Thu Vàng hát, nhà thơ Đặng Tiến thì cho rằng tiếng hát của nữ sĩ Thu Vàng là “tiếng hát hồn nhiên, óng ả”:

“Khi xuất thần, những trắc ẩn bỗng thăng hoa thành tiếng hát. Tiếng hát hồn nhiên, óng ả đầy xúc cảm và truyền cảm.” (tr. 69)

Trong bài “Thu Vàng – Một Tiếng Hát, Một Tài Hoa, Một Nhân Cách,” nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo đã viết về giọng ca Thu Vàng như là “tiếng hát đặc thù”:

“Nhưng điều hạnh hữu hôm nay, lại xuất hiện một tiếng hát Thu Vàng, tiếp nối được các đàn chị kể trên. Lắng nghe, ta sẽ thấy, 90% nghệ thuật của Mai Hương, Quỳnh Giao và Thái Thanh như đang ẩn hiện. Một tài hoa kết tinh tự nhiên có một không hai, đến lạ kỳ. Như thu nhiếp cái chung để làm nên cái riêng, làm nên tiếng hát đặc thù cho chính mình.” (tr. 75)

Nhà văn và nhà báo Phan Tấn Hải trong bài viết “Những Đêm Nhạc Thu Vàng” đã nói lên cảm nghĩ thích thú của anh khi nghe nữ ca sĩ Thu Vàng hát:

“Trong chương trình đêm nhạc khoảng hai giờ đồng hồ, tôi ngồi nghe, như quên hết tháng ngày đang trôi. Có phải đây là đêm, sao giọng ca chị Thu Vàng như dường chói ngời ánh sáng của một chiều xuân? Có phải đây là ca khúc Bến Xuân của Văn Cao, sao nghe như nửa đêm có tiếng chim hót lảnh lót trong giọng ca của chị Thu Vàng? Có phải đây là sân khấu của đài truyền hình 57.3 với ánh đèn màu, sao thấy như chen cánh bay vào có một đàn chim trắng vỗ cánh giữa màu trắng của ngõ vàng quỳ.” (tr. 79)

Nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh trong bài “Thu Vàng – Đêm Nay” đã mô tả tiếng hát của Thu Vàng có sức mạnh “đặt người ta vào nơi chốn vừa thực vừa mơ”:

“Tôi biết Thu Vàng có không ít tri kỷ, dù chị ít xuất hiện, chỉ thu đĩa rồi tặng bạn hữu, hoặc hát mê say ở nơi chỉ có bạn thân. Và những người nghe như tôi, một căn phòng vắng, một đêm rất đầy, một nỗi sầu chưa vơi, đó là những hòa âm chuẩn nhất với thánh thót buồn của tiếng hát Thu Vàng. Một âm giọng đẩy đưa người nghe lên nhiều cung bậc cảm xúc, đặt người ta vào nơi chốn vừa thực vừa mơ, và xóa thời gian dưới tiếng rót trong trẻo của âm thanh.” (tr. 112)

Còn bác sĩ và cũng là nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc thì kể chuyện ông nhớ về tấm lòng của ca sĩ Thu Vàng trong bài viết “Thu Vàng ‘Vọng Ngày Xanh’.”

“Rằng, không chỉ vậy, ở Thu Vàng còn có tấm lòng. Cái tình. Tôi không thể quên Nguyễn Quang Chơn kể lần Thu Vàng ôm bó hoa vào tận Bệnh Viện ở Đà Nẵng, thăm người bạn thơ của chúng tôi, nhà thơ Phạm Ngọc Lư đang bệnh nặng. Cô ôm vào một bó hoa và hát cho nhà thơ nghe. Hôm đó nhà thơ đã khóc. Những bệnh nhân nằm cùng phòng cũng khóc. Thu Vàng còn thường hát cho bạn bè bất cứ nơi đâu… khi Hội An, lúc Huế, lúc Saigon, và nay Lagi.” (tr. 127)

Còn nữa, nhà thơ Du Tử Lê đã viết trong “Ca Sĩ Thu Vàng Và Đam Mê ‘Lội Ngược Dòng’.”

“Bằng đam mê và niềm tin mãnh liệt, Thu Vàng đã tự nguyện tìm về dòng nhạc Tiền Chiến. Sự “lội ngược dòng” của Thu Vàng cho thấy, chí ít cũng là ý thức đáng trân trọng của một tiếng hát, muốn tạo cho mình một nhan sắc riêng. Một chỗ đứng khác, dưới bầu trời trình diễn tân nhạc Việt hôm nay và, ngày mai.” (tr. 138)

Với nhà thơ Trần Trung Đạo trong bài “Tiếng Hát Thu Vàng, Dòng Suối Xanh Vẫn Chảy,” thì tiếng hát của Thu Vàng vẫn mãi mãi trẻ trung như chính tâm hồn của người nữ ca sĩ này:

“Thật vậy, nghe những nhạc phẩm trong các CD của chị chúng ta sẽ ngạc nhiên khi khám phá ra một điều kỳ diệu trong nữ ca sĩ Thu Vàng, đó là thời gian không mất đi khi niềm mơ ước chưa phai. Giọng ca của chị vẫn trẻ trung như mơ ước mãi xanh tươi trong tâm hồn chị.” (tr. 146)

Nhà văn Văn Công Tuấn đã nghe ca sĩ Thu Vàng hát bài “Chiều Về Trên Sông” của nhạc sĩ Phạm Duy mà ngộ ra một điều mà từ 40 năm ông chưa hiểu:

“Hơn 40 năm lưu lạc xa xứ, phải chờ đến khi nghe Thu Vàng hát câu nhạc cuối của bản Chiều Về Trên Sông tôi mới hiểu được tại sao nhạc sĩ Phạm Duy viết như vậy: Bể sầu không nhiều, nhưng cũng đủ yêu!” (tr. 165)

Và còn rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà giáo, nhạc sĩ, họa sĩ khác đã trình bày cảm nhận của mình khi nghe ca sĩ Thu Vàng hát đâu đó, từ trong nước cho đến hải ngoại.

Sự thành công của người ca sĩ đến từ giọng thiên phú, có kỹ thuật điêu luyện và biết chọn nhạc phẩm thích hợp cho mình. Qua khoảng 40 tác giả viết trong tuyển tập Tiếng Hát Thu Vàng, cho tôi thấy nữ ca sĩ Thu Vàng đã có đủ ba yếu tố trên. Ngoài ra, chị còn có tấm lòng không những với nghệ thuật mà còn với bạn bè và người nghe. Bởi thế, chị đã thành công và đã được nhiều người yêu thích là điều dễ hiểu.

Mong rằng chị sẽ tiếp tục góp tiếng hát truyền cảm của chị để làm cho cuộc đời lắng bớt những đau thương và khổ lụy.

Cảm ơn ca sĩ Thu Vàng và tất cả nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà giáo, họa sĩ, nhạc sĩ đã viết trong tuyển tập này.

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Giáo sư Nguyễn Văn Sâm vừa ấn hành một tác phẩm có nhan đề sách rất dài: “Tuồng Bảy Mối Tội Đầu của LM Hồ Ngọc Cẩn và Tuồng Joseph – 1887 của Trương Minh Ký.” Cuốn sách này là tuyển tập 2 vở tuồng được viết trong tinh thần Công Giáo của vùng đất Nam Bộ của thời kỳ cuối thế ký thứ 19 và đầu thế kỷ 20. Đây là ấn bản 2023 do GS Nguyễn Văn Sâm giới thiệu và chú giải.
Bút danh Ninh Giang Thu Cúc, có lẽ bạn đọc miền Nam từ năm đầu thập kỷ sáu mươi thế kỷ XX cũng đã từng biết tới. Miền đất sông Hương núi Ngự đã góp phần hun đúc, nuôi dưỡng hồn thơ, mạch văn của tác giả và mảnh đất Quy Nhơn, Bình Định là nơi chị cống hiến hết mình với lao động nghệ thuật, nghiên cứu, biên khảo và sáng tác. Những trang viết của chị đầy lòng nhân ái, khiêm cung của người phụ nữ Huế cùng với tinh thần từ bi của người thấm nhuần triết lý Phật giáo. Chúng tôi gọi chị là “Con nhà Phật”...
(LGT: Tòa soạn Việt Báo nhận được ấn bản Số 10 của Tạp Chí Thơ Tân Hình Thức, xin trân trọng giới thiệu qua Lời Tòa Soạn của nhà thơ Khế Iêm.)
Dân tộc chúng ta, có lẽ, không phải là một dân tộc mê sắc đẹp. Truyền thuyết, tín ngưỡng dân gian của chúng ta không có nữ thần sắc đẹp. Một nhân vật văn học gắn liền với tín ngưỡng dân gian lẽ ra phải đẹp như Quan Âm - Thị Kính thì, theo logic, cũng khó có thể gọi là đẹp bởi, đã giả được trai để đi tu thì, dù rất đẹp trai, làm sao có thể gọi là một cô gái đẹp? Lịch sử cũng vắng bóng người đẹp. Những người đẹp trong lịch sử như An Tư, Huyền Trân, Đặng Thị Huệ, Ngọc Hân v.v.. thì lại đẹp một cách sơ sài, chúng ta hoàn toàn không thể hình dung vì lẽ các sử gia xưa quá ư kiệm lời.
Để Cho Ngày Ngắn, NXB Thuận Hóa, tháng 9/2022, là tập thơ sau 3 tác phẩm sáng tác bằng tiếng Việt và 4 tác phẩm dịch thơ, văn bằng hữu. Sách dày 224 trang với 144 bài thơ, lời giới thiệu của nhà văn Sóng Triều...
Gia Định, trường Lê. Đó là ngôi trường tôi đã học năm cuối cùng của bậc trung học niên khóa 1971-1972. Trùng hợp làm sao đó là năm đầu tiên trường mở lớp B (ban toán) và cũng là năm đầu tiên thời Việt Nam Cộng Hòa, Bộ Giáo dục chuyển đổi cách gọi các lớp trung tiểu học sang số thứ tự của năm học từ lớp 1 đến lớp 12...
Nhà xuất bản Tiếng Quê Hương của nhà văn Uyên Thao vừa ấn hành truyện ký Người Mẹ Tìm Con” (NMTC) của nhà văn Lê Đức Luận vào mùa Thu 2023. Tác phẩm dày 352 trang gồm 32 bài viết.
Nguyên tác Drawn Swords on Distant. Dịch giả Phan Lê Dũng. Với 800 trang sách tác giả đã bỏ ra nhiều năm để hoàn tất một tác phẩm đầy đủ về lịch sử Quốc Cộng tại Việt Nam. Chúng tôi đọc qua bản dịch Việt Ngữ rất công phu. Tác phẩm Việt Ngữ này sẽ được ra mắt tại San Jose vào 12 giờ trưa ngày thứ bẩy 12 tháng 12 tại hội trường Santa Clara County.
Tuốt Kiếm Phương Xa là tác phẩm đầu tiên đưa ra cái nhìn khác với tất cả những cuốn sách của các sử gia Tây Phương viết về chiến tranh Việt Nam trong nửa thế kỷ qua... Và Hồi ký Bóng Mây Tình Yêu ghi lại cuộc đời sóng gió của một người dân Miền Nam suốt chiều dài cuộc chiến...
Lịch Sử của Một Cộng Đồng – Giới thiệu cuốn “Cộng Đồng Việt Nam Tỵ Nạn Hải Ngoại” và “Communities of Vietnamese Refugees Overseas” – Viện Nghiên Cứu Lịch Sử Và Văn Hoá Việt Nam
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.