Hôm nay,  

Dòng Sữa

27/04/202513:09:42(Xem: 1774)

Into the Storm
Tranh Nguyễn Việt Hùng

 

Khi một đứa trẻ khóc, có một điều gì đang xảy ra. Đói, khát, bệnh tật, giận dữ, đau, một điều gì trẻ con không diễn tả được. Người lớn không khóc vì họ biết cách diễn tả những xúc cảm ấy. Khi không biết cách, người lớn cũng khóc. Chiếc thuyền nổ máy rẽ sóng chạy đi, đứa trẻ cuối thuyền lại khóc rất to. Người mẹ lấy tay bịt miệng, nhưng nó khóc dữ quá, không ngừng. Tôi cố xích lại gần, đưa tay sờ lên trán. Đó là đứa bé trai mới sinh, vài ba tháng, xanh lét, gầy yếu. Không sốt, chỉ khóc ngằn ngặt, lịm người, mẹ dỗ thế nào cũng không nín. Thỉnh thoảng chị úp mặt đứa bé vào bầu vú, nó ngậm một lát, lại nhả ra, khóc ngất. Ngực chị xẹp lép, nhão, da từng lớp nhăn lại, tôi nghĩ như vậy là mất sữa, không phải tắc sữa. Nếu tắc, ngực sẽ cương, đau nhức.

Khoang thuyền chật, ngột ngạt hơi người, đứa trẻ càng khóc dữ. Một người nào lớn tiếng mắng nhiếc người mẹ. Nhiều người khác cũng bực bội lên tiếng hùa theo, mỉa mai, đe dọa. Ai cũng biết khi đi qua các trạm kiểm soát, tiếng khóc của đứa bé có thể làm lộ bí mật. Nhưng làm cho một đứa trẻ ba bốn tháng tuổi đang đói khát hay đang bệnh không khóc nữa là chuyện không thể được. Có một khoảnh khắc lẫn lộn khi ánh sáng và bóng tối xô vào nhau, bôi xóa, làm thành nhau, khi người ta ở trong sự lẫn lộn ấy, không có một quyết định nào được sinh ra. Người mẹ ngơ ngác nhìn quanh, tuyệt vọng, ngượng ngùng cúi mặt ôm con. Đứa bé càng khóc lớn, người mẹ cố dỗ cho con bú, chị lại đút núm vú đen đen vào miệng nó. Thằng bé ngậm một hồi ngắn, mút, nhả ra, về sau không thèm ngậm nữa. Nó khóc vì đói. Người mẹ, tôi nghĩ, có thể bị bệnh, có thể thiếu ăn, hay mệt mỏi do chạy trốn nhiều ngày, lo lắng, nên mất sữa. Người chủ ghe quay đầu xuống nhắc lần thứ hai, lần thứ ba, bảo cô ta làm cho đứa bé im miệng đi, ông nói, sắp qua trạm gác quan trọng trên sông, trước khi ra cửa. Lát sau, một người cúi đầu xuống qua lỗ thông hơi báo cho chúng tôi biết, bây giờ đã hết lãnh vực bảo trợ của họ, qua chòi canh này mọi người sẽ ra biển, đây là chòi canh hỗn hợp, vậy cần tuyệt đối trật tự, im lặng, anh dặn. Mọi người nhận ra tình huống gay cấn, căng thẳng, trong thuyền nghe được tiếng thở của nhau. Đứa bé sau một lúc mút mãi đầu núm vú nhăn khô nứt nẻ, lại khóc ngằn ngặt. Mọi người nhìn nhau. Sự bất lực là một cảm giác dị thường. Tôi không biết làm gì với tình huống trước mắt, tôi cố gắng kiểm soát những điều không thể kiểm soát.

Sự tồn tại của linh hồn trong thể xác là sự tồn tại mong manh. Không có nước uống trong ba ngày, tôi sẽ chết. Không có không khí để thở trong một phút, tế bào não tổn thương, trong ba phút, tôi mất ý thức, trong năm phút, cái chết đến. Sự biến mất của sự sống ra khỏi thân xác là không hồi phục. Sự tồn tại của con người thật yếu đuối, chỉ một thoáng, vô vàn hung hiểm. Chúng ta chỉ còn biết dựa vào nhau. Con người chỉ tồn tại trong mối quan hệ với người khác. Tôi thuộc về người khác.

Làm sao tôi có tự do nếu tôi thuộc về người khác?

Chính là trong khi thuộc về người khác mà tôi có tự do.

Một người nhìn tôi, từ phía sau. Người phụ nữ ngồi bên kia mạn tàu đối diện hai mẹ con khom người đứng dậy. Tôi tránh ra, tò mò quan sát. Một phụ nữ trẻ, có lẽ chưa đến ba mươi, môi son, mặt phấn, quầng mắt thâm lại, lông mày dài, ánh mắt nhìn mệt mỏi, buồn chán, bất cần, nhưng lấp loáng một tia sáng khó hiểu. Cách ăn mặc lạ, diêm dúa một cách dễ ghét, một cách ngây thơ, một cách đáng yêu. Giữa những người phụ nữ khác, lam lũ, bần hàn, ở giữa những bộ áo quần xám ngoét mà mọi người cố tình mặc vào trên đường trốn chạy, phong cách của cô thật không hợp tí nào. Thấy tôi nhìn tò mò, người đàn ông ngồi bên cạnh bảo khẽ vào tai tôi, nửa châm biếm nửa thích thú, đó là gái, từ Sài Gòn. Cô lách qua những kẻ nằm ngồi, tiến tới người mẹ, quỳ xuống trước mặt đứa bé, đưa tay ôm lấy nó. Người mẹ trao đứa con, ngỡ ngàng, cam chịu. Cô gái úp đứa bé vào ngực mình, luồn một tay vào dưới người nó, nâng lên, mở bật cúc áo ngực của mình. Cô ngồi nghiêng, dựa vào mạn thuyền, ép cho hai người khác ngồi xích ra. Trước khi tôi kịp nhìn kỹ, đứa bé đã vùi mặt nó vào ngực của người đàn bà lạ, mút lấy mút để. Thì ra đó là một người đàn bà cũng đang cho con bú, vì bầu ngực vẫn còn căng sữa.

Cô xuống thuyền lúc nào không ai biết, cô đi một mình hay đi với ai, đứa con đang bú sữa của cô thất lạc ở đâu, hay để lại trên bờ, cho ai, tại sao, mọi thứ đều mơ hồ. Bất cứ một kết luận nào vào lúc này là không thể. Không ai nói gì, mọi người lặng lẽ đưa mắt nhìn cảnh một người đàn bà cho trẻ bú. Tôi ngồi đó dưới quầng sáng của ngọn đèn vàng ảm đạm trên trần, nhìn người phụ nữ vạch áo, cúi xuống. Thời tôi còn nhỏ, mẹ tôi cũng bị khắt sữa, khi tôi lên ba tháng tuổi, bà đã bồng tôi đi bú nhờ những người phụ nữ mới sinh con khác trong xóm. Người quê tôi nói việc bú nhờ ấy là mẹ tôi tìm cách gọi sữa về. Sữa của người khác kêu gọi sữa mẹ về. Sữa mẹ cũng là sữa mẹ của người khác. Tôi nhìn thấy sự phụ thuộc, nhìn thấy tình yêu, sự gắn bó, nhìn thấy tình mẫu tử, sự đói khát, nỗi khổ nhục và lòng hy vọng trên khuôn mặt người đàn bà, hơi cúi xuống, xoay người lại. Tôi nhìn thấy ngọn đèn điện vàng lắc lư, không phải vì sóng lớn dù thuyền ngày một chạy ra gần phía cửa biển, mà vì những người ngồi trong thuyền lòng lo âu, không yên ổn. Người sợ hãi, người tức giận, người cầu nguyện, người chửi rủa, người thỏa hiệp, người chạy trốn, người tỏ niềm yêu thương, những tâm sự ấy thay đổi, khi nặng khi nhẹ, khi xa khi gần, làm con thuyền lảo đảo. Thế rồi nó cũng chạy ra đến giữa dòng sông và bắt đầu chạy băng băng dưới ánh sáng của vài ngôi sao thưa thớt, lúc này đã rẽ mây lộ ra, chiếu qua cái lỗ nhỏ trước mặt tôi, ở mũi thuyền. Tôi không thể nhìn thấy chính tôi được. Đời sống không phải là một tấm gương. Bên ngoài tấm gương, tôi cười nói thế nào, cử động ra sao, yêu mến và căm giận thế nào, trước mắt người khác, tôi không thể biết được. Khi nhận xét người khác, tôi cố không quên rằng người khác không nhìn thấy hình ảnh của họ như tôi nhìn thấy.

Con người ngậm kín cái tốt vào lòng. Để khỏi mua lấy vạ hiềm nghi ghen ghét. Tôi nhìn đứa bé từ sau lưng, sự rung động khẽ của đôi vai nhỏ bé, vẻ hạnh phúc của cái gáy nhỏ xíu măng tơ. Phút này qua phút khác, có lẽ lâu lắm, cho đến khi đứa bé bắt đầu thỏa mãn, bú chậm lại, nhưng nó vẫn ôm lấy bầu ngực của người đàn bà lạ, ngủ thiếp đi. An tâm, âu yếm úp mặt vào ngực người đàn bà, người mẹ thứ hai của nó, vì người đàn bà nào mà cuối cùng không phải là một người mẹ, khuôn mặt của nó đẹp như thiên thần. Bây giờ người phụ nữ ngồi im lặng. Cô lắng nghe tiếng động khẽ khàng của đứa bé, hơi thở của nó, nhịp tim đập của nó, sự vận động của các bắp thịt, tiếng nước chảy, lắng nghe khuôn mặt của đứa bé, run rẩy, hạnh phúc. Sau này, mỗi khi nhớ lại, hình ảnh người đàn bà và đứa trẻ lại hiện ra trong tôi tươi mát như mưa xuân trên mạn thuyền, khi người ta có thể gọi sữa về từ một bến bờ xa lạ nhưng cũng thật gần. Tôi nhận ra không phải ta đi tìm tuổi thơ của mình mà tuổi thơ đi tìm ta, tìm và lay gọi.

 

Nguyễn Đức Tùng

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chúng ta khi sống trên xứ người, đều mang theo một chút quê hương theo mình. Có thể là một con đường, một góc phố, hay một xóm nhỏ yêu thương đã gắn bó một quãng đời dài. Tôi cũng có một quê hương trong trái tim mà mỗi khi nhớ đến vẫn làm tôi thổn thức, rạo rực khôn nguôi...
Mưa Saigon chỉ đủ cho Nguyễn Đình Toàn, Thanh Tâm Tuyền, Cung Tiến, Mai Thảo xót xa, tiếc nhớ thêm về những dấu yêu xưa, những kỷ niệm cũ thời sống với Hà Nội…
Sài Gòn Nhỏ được mệnh danh là thủ đô của người Việt hải ngoại, một thủ đô nhỏ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Sài Gòn Nhỏ hình thành từ sau khi những lớp người Việt di tản đầu tiên được đưa về quận Cam (Orange County)… và từ đó dần dần thành hình vóc dáng và tầm cỡ như ngày nay. Ở đây hầu như tụ hội đầy đủ các cơ quan truyền thông Việt ngữ, các văn nghệ sĩ danh tiếng một thời của miền Nam, trong số đó có tờ Việt Báo là một tờ báo lớn nhất, lâu đời nhất của người Việt hải ngoại. Sáng lập tờ Việt Báo là nhà văn Nhã Ca và nhà thơ Trần Dạ Từ...
Có lúc nào anh ngộ ra rằng: Tại mình mua lấy những đa đoan?
“Tánh anh nóng nảy, nổi cộc lên thì coi hung lắm, phải đi chùa cho nó trầm tính lại”. Đã một thời, nhiều lần vợ tôi đã nhận xét và đề nghị như vậy...
Lâu lắm rồi chúng tôi – Nguyễn Hoàng Văn, Nguyễn Hưng Quốc, Lê Văn Tài và Võ Quốc Linh – mới có dịp hẹn nhau ở Sydney, tâm tình qua tô phở nóng và ly cà phê lạnh. Đang nhâm nhi cà phê, Võ Quốc Linh bảo phải chụp chung mấy tấm hình bởi, biết đâu được, đây có thể là lần cuối!
Có một dạo tôi thắc mắc mãi về dung mạo của Cúc Tiểu Muội, người đàn bà khiến Nguyễn Tuân, dù chỉ nghe kể qua thôi, cũng phải thốt lên: “Tôi hết sức bị kích thích. Chắc nàng phải đẹp quá. Đẹp hơn cả Mỹ Thuật”...
Tôi đã chuẩn bị mọi thứ để ngày mai chiên chả giò tham dự tiệc lễ Tạ Ơn với lớp ESL do cô giáo Linda tổ chức. Lớp học ESL gần 20 người, một nhóm người Lào thì hùn tiền nhau order món gà tây nướng lò bán trong chợ, còn lại kẻ thì mang giấy napkin, mang nước ngọt, trái cây, bánh kẹo...
Cách nay đã hai tuần lễ, hôm đó là cuối tháng mười dương lịch, 30 tháng 10, mùng 1 tháng 11, dịp lễ hội Halloween. Chúng tôi đi mua bánh biscuit gói nhỏ nhỏ, loại petit beure pocket, kẹo chocolat đủ loại đủ màu, tất cả làm thành từng gói để chờ tối ngày lễ Halloween làm một màn phát quà cho các em nhỏ gõ cửa các nhà làm ma xin quà. Chúng tôi đã sẵn sàng sửa soạn hai bọc khá lớn để góc nhà chờ đợi...
Một chữ ơn tưởng chừng đơn giản và nhỏ bé, ấy vậy mà cả đời không đáp được, có chăng cũng chỉ hời hợt chút chút gọi là. Chữ ơn hàm ý cao cả và thâm sâu, dù nói thế nào cũng không tả hết. Con người ở đời tương tác với nhau, ơn nghĩa với nhau là lẽ đương nhiên, tuy nhiên với những cái ơn hoàn toàn chỉ có thi ơn mà không hề mong báo đáp bao giờ, chẳng hạn như: Ơn Phật, ơn ông bà cha mẹ. Phật và ông bà cha mẹ có bao giờ đòi hỏi chúng ta phải báo đáp, phải nhớ ơn mình? nhớ hay không là tự thân mỗi người chúng ta, điều này cũng thể hiện được nhân cách, văn hóa và giáo dục mà chúng ta có...
"Nghề giáo không được cái gì cả, chỉ được hai điều, thứ nhất là tình thầy trò, thứ nhì là tình đồng nghiệp.” -- Nhà Giáo & Nhà Văn Doãn Quốc Sỹ.
Một buổi sáng đầu đông được ủ ấm bởi những vạt nắng vàng mơ màng như màu lụa Hà Đông. Tôi thầm biết ơn màu xanh mênh mông của những đám mây, màu vàng thắm của lá phong còn lưu luyến mùa thu, màu tím biếc của hoa dại, màu lam nhạt của con đường mến bước chân qua và màu giao cảm từ mỗi nụ cười chào nhau của những người bộ hành mà tôi được gặp. Tôi gọi không gian quen thuộc này là ngọn đồi cổ tích vì nơi đây cho tôi nguồn năng lượng bình an để bắt đầu mỗi ngày mới.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.