Hôm nay,  

Dòng Sữa

4/27/202513:09:42(View: 1769)

Into the Storm
Tranh Nguyễn Việt Hùng

 

Khi một đứa trẻ khóc, có một điều gì đang xảy ra. Đói, khát, bệnh tật, giận dữ, đau, một điều gì trẻ con không diễn tả được. Người lớn không khóc vì họ biết cách diễn tả những xúc cảm ấy. Khi không biết cách, người lớn cũng khóc. Chiếc thuyền nổ máy rẽ sóng chạy đi, đứa trẻ cuối thuyền lại khóc rất to. Người mẹ lấy tay bịt miệng, nhưng nó khóc dữ quá, không ngừng. Tôi cố xích lại gần, đưa tay sờ lên trán. Đó là đứa bé trai mới sinh, vài ba tháng, xanh lét, gầy yếu. Không sốt, chỉ khóc ngằn ngặt, lịm người, mẹ dỗ thế nào cũng không nín. Thỉnh thoảng chị úp mặt đứa bé vào bầu vú, nó ngậm một lát, lại nhả ra, khóc ngất. Ngực chị xẹp lép, nhão, da từng lớp nhăn lại, tôi nghĩ như vậy là mất sữa, không phải tắc sữa. Nếu tắc, ngực sẽ cương, đau nhức.

Khoang thuyền chật, ngột ngạt hơi người, đứa trẻ càng khóc dữ. Một người nào lớn tiếng mắng nhiếc người mẹ. Nhiều người khác cũng bực bội lên tiếng hùa theo, mỉa mai, đe dọa. Ai cũng biết khi đi qua các trạm kiểm soát, tiếng khóc của đứa bé có thể làm lộ bí mật. Nhưng làm cho một đứa trẻ ba bốn tháng tuổi đang đói khát hay đang bệnh không khóc nữa là chuyện không thể được. Có một khoảnh khắc lẫn lộn khi ánh sáng và bóng tối xô vào nhau, bôi xóa, làm thành nhau, khi người ta ở trong sự lẫn lộn ấy, không có một quyết định nào được sinh ra. Người mẹ ngơ ngác nhìn quanh, tuyệt vọng, ngượng ngùng cúi mặt ôm con. Đứa bé càng khóc lớn, người mẹ cố dỗ cho con bú, chị lại đút núm vú đen đen vào miệng nó. Thằng bé ngậm một hồi ngắn, mút, nhả ra, về sau không thèm ngậm nữa. Nó khóc vì đói. Người mẹ, tôi nghĩ, có thể bị bệnh, có thể thiếu ăn, hay mệt mỏi do chạy trốn nhiều ngày, lo lắng, nên mất sữa. Người chủ ghe quay đầu xuống nhắc lần thứ hai, lần thứ ba, bảo cô ta làm cho đứa bé im miệng đi, ông nói, sắp qua trạm gác quan trọng trên sông, trước khi ra cửa. Lát sau, một người cúi đầu xuống qua lỗ thông hơi báo cho chúng tôi biết, bây giờ đã hết lãnh vực bảo trợ của họ, qua chòi canh này mọi người sẽ ra biển, đây là chòi canh hỗn hợp, vậy cần tuyệt đối trật tự, im lặng, anh dặn. Mọi người nhận ra tình huống gay cấn, căng thẳng, trong thuyền nghe được tiếng thở của nhau. Đứa bé sau một lúc mút mãi đầu núm vú nhăn khô nứt nẻ, lại khóc ngằn ngặt. Mọi người nhìn nhau. Sự bất lực là một cảm giác dị thường. Tôi không biết làm gì với tình huống trước mắt, tôi cố gắng kiểm soát những điều không thể kiểm soát.

Sự tồn tại của linh hồn trong thể xác là sự tồn tại mong manh. Không có nước uống trong ba ngày, tôi sẽ chết. Không có không khí để thở trong một phút, tế bào não tổn thương, trong ba phút, tôi mất ý thức, trong năm phút, cái chết đến. Sự biến mất của sự sống ra khỏi thân xác là không hồi phục. Sự tồn tại của con người thật yếu đuối, chỉ một thoáng, vô vàn hung hiểm. Chúng ta chỉ còn biết dựa vào nhau. Con người chỉ tồn tại trong mối quan hệ với người khác. Tôi thuộc về người khác.

Làm sao tôi có tự do nếu tôi thuộc về người khác?

Chính là trong khi thuộc về người khác mà tôi có tự do.

Một người nhìn tôi, từ phía sau. Người phụ nữ ngồi bên kia mạn tàu đối diện hai mẹ con khom người đứng dậy. Tôi tránh ra, tò mò quan sát. Một phụ nữ trẻ, có lẽ chưa đến ba mươi, môi son, mặt phấn, quầng mắt thâm lại, lông mày dài, ánh mắt nhìn mệt mỏi, buồn chán, bất cần, nhưng lấp loáng một tia sáng khó hiểu. Cách ăn mặc lạ, diêm dúa một cách dễ ghét, một cách ngây thơ, một cách đáng yêu. Giữa những người phụ nữ khác, lam lũ, bần hàn, ở giữa những bộ áo quần xám ngoét mà mọi người cố tình mặc vào trên đường trốn chạy, phong cách của cô thật không hợp tí nào. Thấy tôi nhìn tò mò, người đàn ông ngồi bên cạnh bảo khẽ vào tai tôi, nửa châm biếm nửa thích thú, đó là gái, từ Sài Gòn. Cô lách qua những kẻ nằm ngồi, tiến tới người mẹ, quỳ xuống trước mặt đứa bé, đưa tay ôm lấy nó. Người mẹ trao đứa con, ngỡ ngàng, cam chịu. Cô gái úp đứa bé vào ngực mình, luồn một tay vào dưới người nó, nâng lên, mở bật cúc áo ngực của mình. Cô ngồi nghiêng, dựa vào mạn thuyền, ép cho hai người khác ngồi xích ra. Trước khi tôi kịp nhìn kỹ, đứa bé đã vùi mặt nó vào ngực của người đàn bà lạ, mút lấy mút để. Thì ra đó là một người đàn bà cũng đang cho con bú, vì bầu ngực vẫn còn căng sữa.

Cô xuống thuyền lúc nào không ai biết, cô đi một mình hay đi với ai, đứa con đang bú sữa của cô thất lạc ở đâu, hay để lại trên bờ, cho ai, tại sao, mọi thứ đều mơ hồ. Bất cứ một kết luận nào vào lúc này là không thể. Không ai nói gì, mọi người lặng lẽ đưa mắt nhìn cảnh một người đàn bà cho trẻ bú. Tôi ngồi đó dưới quầng sáng của ngọn đèn vàng ảm đạm trên trần, nhìn người phụ nữ vạch áo, cúi xuống. Thời tôi còn nhỏ, mẹ tôi cũng bị khắt sữa, khi tôi lên ba tháng tuổi, bà đã bồng tôi đi bú nhờ những người phụ nữ mới sinh con khác trong xóm. Người quê tôi nói việc bú nhờ ấy là mẹ tôi tìm cách gọi sữa về. Sữa của người khác kêu gọi sữa mẹ về. Sữa mẹ cũng là sữa mẹ của người khác. Tôi nhìn thấy sự phụ thuộc, nhìn thấy tình yêu, sự gắn bó, nhìn thấy tình mẫu tử, sự đói khát, nỗi khổ nhục và lòng hy vọng trên khuôn mặt người đàn bà, hơi cúi xuống, xoay người lại. Tôi nhìn thấy ngọn đèn điện vàng lắc lư, không phải vì sóng lớn dù thuyền ngày một chạy ra gần phía cửa biển, mà vì những người ngồi trong thuyền lòng lo âu, không yên ổn. Người sợ hãi, người tức giận, người cầu nguyện, người chửi rủa, người thỏa hiệp, người chạy trốn, người tỏ niềm yêu thương, những tâm sự ấy thay đổi, khi nặng khi nhẹ, khi xa khi gần, làm con thuyền lảo đảo. Thế rồi nó cũng chạy ra đến giữa dòng sông và bắt đầu chạy băng băng dưới ánh sáng của vài ngôi sao thưa thớt, lúc này đã rẽ mây lộ ra, chiếu qua cái lỗ nhỏ trước mặt tôi, ở mũi thuyền. Tôi không thể nhìn thấy chính tôi được. Đời sống không phải là một tấm gương. Bên ngoài tấm gương, tôi cười nói thế nào, cử động ra sao, yêu mến và căm giận thế nào, trước mắt người khác, tôi không thể biết được. Khi nhận xét người khác, tôi cố không quên rằng người khác không nhìn thấy hình ảnh của họ như tôi nhìn thấy.

Con người ngậm kín cái tốt vào lòng. Để khỏi mua lấy vạ hiềm nghi ghen ghét. Tôi nhìn đứa bé từ sau lưng, sự rung động khẽ của đôi vai nhỏ bé, vẻ hạnh phúc của cái gáy nhỏ xíu măng tơ. Phút này qua phút khác, có lẽ lâu lắm, cho đến khi đứa bé bắt đầu thỏa mãn, bú chậm lại, nhưng nó vẫn ôm lấy bầu ngực của người đàn bà lạ, ngủ thiếp đi. An tâm, âu yếm úp mặt vào ngực người đàn bà, người mẹ thứ hai của nó, vì người đàn bà nào mà cuối cùng không phải là một người mẹ, khuôn mặt của nó đẹp như thiên thần. Bây giờ người phụ nữ ngồi im lặng. Cô lắng nghe tiếng động khẽ khàng của đứa bé, hơi thở của nó, nhịp tim đập của nó, sự vận động của các bắp thịt, tiếng nước chảy, lắng nghe khuôn mặt của đứa bé, run rẩy, hạnh phúc. Sau này, mỗi khi nhớ lại, hình ảnh người đàn bà và đứa trẻ lại hiện ra trong tôi tươi mát như mưa xuân trên mạn thuyền, khi người ta có thể gọi sữa về từ một bến bờ xa lạ nhưng cũng thật gần. Tôi nhận ra không phải ta đi tìm tuổi thơ của mình mà tuổi thơ đi tìm ta, tìm và lay gọi.

 

Nguyễn Đức Tùng

 

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Nhà vẫn đơn côi bên bờ sông. Gió về mở hội từng đêm. Đom đóm về thắp đèn. Ánh sáng lập lòe dọi qua cánh màn mỏng ngả màu vàng như quả dưa gang. Mẹ Thời ngồi đó trông ra, chiếc quạt để đầu giường. Bà lấy tay xua xua những con muỗi. Thằng Đắc đã viết gì về chưa con? Chưa mẹ ạ, có gì con sẽ báo. Mà mẹ cũng đừng nghĩ ngợi nữa, tuổi này ta sống thế này có phải vui không? Sau tiếng vui, Thời huýt một đoạn sáo gợi lên những ca từ dí dỏm lắm trong một bài hát, tiếng sáo đi xa tận ngõ, nghe được cả tiếng cá đớp ở con lạch cạnh bờ sân chạy vào. Mẹ Thời thở mạnh một cái, nó buồn hay vui bà đâu biết.
Trên vùng đồng bằng im lặng, những người chăn cừu bước đi một cách nghiêm trang, mang những lễ vật khiêm tốn của mình đến dâng cho Chúa Hài Đồng...
Chị Bông đã chuẩn bị sẵn hai chậu hoa Trạng Nguyên và ổ bánh Giáng Sinh đặt ở tiệm để mang đến nhà sui gia tương lai Brown. Họ trân trọng mời anh chị Bông tới dự bữa tiệc Christmas Eve dinner. Chị Bông ngắm hai chậu hoa tươi đẹp kể với chồng...
Ông Tư và ông Năm có một những ngày tuổi thơ rất xanh màu da trời và rất hồng màu ráng chiều, nghĩa là ở một vùng quê có dòng suối Sầu Đâu và dòng sông Tam Mỹ. Dòng suối chảy vòng vòng qua những làng trên xóm dưới. Dòng suối cạn nên hai đứa bé cởi bò, bơi qua suối trong những ngày mùa gặt, cả khu Đồng Đất ồn ào rộn rịp, ca bài ca gánh gánh gánh gánh thóc về...
... Cũng vì vậy, đọc thơ Tuệ Sỹ, tôi cứ thấy hình ảnh con đường dài, và muôn dặm bóng cô lữ một khung trời viễn mộng dằng dặc nỗi ưu tư...
Phi trường Heathrow ấm dần trong không khí nhộp nhịp vào những tuần đầu tiên của mùa lễ hội lớn nhất trong năm. Cứ mỗi lần được đến Vương Quốc Anh, tôi có thêm nhiều kỷ niệm với đất nước có nền văn minh lâu đời này. Câu hát "giấc mơ trở thành hiện thực" ("your dream comes true") được cất lên với giai điệu nhẹ nhàng làm ấm cả không gian trắng như tuyết phủ...
Trước cổng nhà, bác bầy một cái tủ kính nhỏ, đã nói là bác khéo tay lắm, trong tủ kính bán bánh mì đó, bác bán bánh mì kẹp thịt đỏ, xá xíu, pâté gan và đồ chua, tất cả là do hai bàn tay thiện nghệ của bác sáng tạo… và bán rất đắt hàng, bán rẻ mà...
Mỗi khi ngày lễ Noel về, hồn chúng tôi ngây ngất với biết bao hoài niệm của thuở thiếu thời. Nhớ về một Sàigòn xa xưa như nhớ về một thiên đường đã mất. Nhà thờ Đức Bà-Notre Dame Cathédrale vẫn sừng sững trong trí nhớ, nơi chúng tôi đã từng đứng trong giáo đường nghe thời gian rơi theo từng hồi chuông nhà thờ đổ. Con đường Catinat, phố Bonnard, phố Nguyễn Huệ... biết bao lần thay đổi, nhưng cái nét Hòn Ngọc Viễn Đông từ ngàn xưa của Sàigòn không một phai mờ...
Thấm thoát Quán Văn đã ra được trăm số báo... Còn niềm vui nào hơn!
Về tới nhà, chúng tôi vội vàng thay quần áo để chuẩn bị ăn sáng. Uyên luôn tỏ ra nhanh nhẹn trong việc bếp núc. Chỉ một thoáng chúng tôi đã có sẵn sàng một bữa cơm ngon. Nói là ăn sáng, nhưng đúng ra, với những món ăn được đặt trên bàn phải được gọi là bữa ăn trưa mới đúng...
Canada năm nay kỳ thiệt à nghen! Đó là tôi đang nói đến chuyện thời tiết, mà cụ thể là chuyện “tuyết rơi mùa Đông”, bởi nói đến Canada mà không nói chuyện nàng tuyết thì còn biết nói chuyện gì...
Trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, tôi thích nhất nhân vật Hồng Thất Công, bang chủ Cái Bang (kế thừa là Kiều Phong), ông già tính khí trẻ con. Tôi thích vì rất hợp tạng. Nói cách khác, tôi rất sợ những chuyện nghiêm túc. Ở đây bạn đọc sẽ bắt gặp mọi chuyện: chính trị, xã hội, kinh tế, văn chương, thi ca, nghệ thuật…, kể cả những chuyện tầm phào như gái trai, rượu chè hoang đàng nhăng nhít... Nói gọn, mảnh vườn "Ba Điều Bốn Chuyện" này luôn rộng cửa, bạn đọc hãy cùng tôi rong chơi. Xin giới thiệu truyện ký của nhà văn Thận Nhiên. (Khánh Trường)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.