Hôm nay,  

Dòng Sữa

27/04/202513:09:42(Xem: 1770)

Into the Storm
Tranh Nguyễn Việt Hùng

 

Khi một đứa trẻ khóc, có một điều gì đang xảy ra. Đói, khát, bệnh tật, giận dữ, đau, một điều gì trẻ con không diễn tả được. Người lớn không khóc vì họ biết cách diễn tả những xúc cảm ấy. Khi không biết cách, người lớn cũng khóc. Chiếc thuyền nổ máy rẽ sóng chạy đi, đứa trẻ cuối thuyền lại khóc rất to. Người mẹ lấy tay bịt miệng, nhưng nó khóc dữ quá, không ngừng. Tôi cố xích lại gần, đưa tay sờ lên trán. Đó là đứa bé trai mới sinh, vài ba tháng, xanh lét, gầy yếu. Không sốt, chỉ khóc ngằn ngặt, lịm người, mẹ dỗ thế nào cũng không nín. Thỉnh thoảng chị úp mặt đứa bé vào bầu vú, nó ngậm một lát, lại nhả ra, khóc ngất. Ngực chị xẹp lép, nhão, da từng lớp nhăn lại, tôi nghĩ như vậy là mất sữa, không phải tắc sữa. Nếu tắc, ngực sẽ cương, đau nhức.

Khoang thuyền chật, ngột ngạt hơi người, đứa trẻ càng khóc dữ. Một người nào lớn tiếng mắng nhiếc người mẹ. Nhiều người khác cũng bực bội lên tiếng hùa theo, mỉa mai, đe dọa. Ai cũng biết khi đi qua các trạm kiểm soát, tiếng khóc của đứa bé có thể làm lộ bí mật. Nhưng làm cho một đứa trẻ ba bốn tháng tuổi đang đói khát hay đang bệnh không khóc nữa là chuyện không thể được. Có một khoảnh khắc lẫn lộn khi ánh sáng và bóng tối xô vào nhau, bôi xóa, làm thành nhau, khi người ta ở trong sự lẫn lộn ấy, không có một quyết định nào được sinh ra. Người mẹ ngơ ngác nhìn quanh, tuyệt vọng, ngượng ngùng cúi mặt ôm con. Đứa bé càng khóc lớn, người mẹ cố dỗ cho con bú, chị lại đút núm vú đen đen vào miệng nó. Thằng bé ngậm một hồi ngắn, mút, nhả ra, về sau không thèm ngậm nữa. Nó khóc vì đói. Người mẹ, tôi nghĩ, có thể bị bệnh, có thể thiếu ăn, hay mệt mỏi do chạy trốn nhiều ngày, lo lắng, nên mất sữa. Người chủ ghe quay đầu xuống nhắc lần thứ hai, lần thứ ba, bảo cô ta làm cho đứa bé im miệng đi, ông nói, sắp qua trạm gác quan trọng trên sông, trước khi ra cửa. Lát sau, một người cúi đầu xuống qua lỗ thông hơi báo cho chúng tôi biết, bây giờ đã hết lãnh vực bảo trợ của họ, qua chòi canh này mọi người sẽ ra biển, đây là chòi canh hỗn hợp, vậy cần tuyệt đối trật tự, im lặng, anh dặn. Mọi người nhận ra tình huống gay cấn, căng thẳng, trong thuyền nghe được tiếng thở của nhau. Đứa bé sau một lúc mút mãi đầu núm vú nhăn khô nứt nẻ, lại khóc ngằn ngặt. Mọi người nhìn nhau. Sự bất lực là một cảm giác dị thường. Tôi không biết làm gì với tình huống trước mắt, tôi cố gắng kiểm soát những điều không thể kiểm soát.

Sự tồn tại của linh hồn trong thể xác là sự tồn tại mong manh. Không có nước uống trong ba ngày, tôi sẽ chết. Không có không khí để thở trong một phút, tế bào não tổn thương, trong ba phút, tôi mất ý thức, trong năm phút, cái chết đến. Sự biến mất của sự sống ra khỏi thân xác là không hồi phục. Sự tồn tại của con người thật yếu đuối, chỉ một thoáng, vô vàn hung hiểm. Chúng ta chỉ còn biết dựa vào nhau. Con người chỉ tồn tại trong mối quan hệ với người khác. Tôi thuộc về người khác.

Làm sao tôi có tự do nếu tôi thuộc về người khác?

Chính là trong khi thuộc về người khác mà tôi có tự do.

Một người nhìn tôi, từ phía sau. Người phụ nữ ngồi bên kia mạn tàu đối diện hai mẹ con khom người đứng dậy. Tôi tránh ra, tò mò quan sát. Một phụ nữ trẻ, có lẽ chưa đến ba mươi, môi son, mặt phấn, quầng mắt thâm lại, lông mày dài, ánh mắt nhìn mệt mỏi, buồn chán, bất cần, nhưng lấp loáng một tia sáng khó hiểu. Cách ăn mặc lạ, diêm dúa một cách dễ ghét, một cách ngây thơ, một cách đáng yêu. Giữa những người phụ nữ khác, lam lũ, bần hàn, ở giữa những bộ áo quần xám ngoét mà mọi người cố tình mặc vào trên đường trốn chạy, phong cách của cô thật không hợp tí nào. Thấy tôi nhìn tò mò, người đàn ông ngồi bên cạnh bảo khẽ vào tai tôi, nửa châm biếm nửa thích thú, đó là gái, từ Sài Gòn. Cô lách qua những kẻ nằm ngồi, tiến tới người mẹ, quỳ xuống trước mặt đứa bé, đưa tay ôm lấy nó. Người mẹ trao đứa con, ngỡ ngàng, cam chịu. Cô gái úp đứa bé vào ngực mình, luồn một tay vào dưới người nó, nâng lên, mở bật cúc áo ngực của mình. Cô ngồi nghiêng, dựa vào mạn thuyền, ép cho hai người khác ngồi xích ra. Trước khi tôi kịp nhìn kỹ, đứa bé đã vùi mặt nó vào ngực của người đàn bà lạ, mút lấy mút để. Thì ra đó là một người đàn bà cũng đang cho con bú, vì bầu ngực vẫn còn căng sữa.

Cô xuống thuyền lúc nào không ai biết, cô đi một mình hay đi với ai, đứa con đang bú sữa của cô thất lạc ở đâu, hay để lại trên bờ, cho ai, tại sao, mọi thứ đều mơ hồ. Bất cứ một kết luận nào vào lúc này là không thể. Không ai nói gì, mọi người lặng lẽ đưa mắt nhìn cảnh một người đàn bà cho trẻ bú. Tôi ngồi đó dưới quầng sáng của ngọn đèn vàng ảm đạm trên trần, nhìn người phụ nữ vạch áo, cúi xuống. Thời tôi còn nhỏ, mẹ tôi cũng bị khắt sữa, khi tôi lên ba tháng tuổi, bà đã bồng tôi đi bú nhờ những người phụ nữ mới sinh con khác trong xóm. Người quê tôi nói việc bú nhờ ấy là mẹ tôi tìm cách gọi sữa về. Sữa của người khác kêu gọi sữa mẹ về. Sữa mẹ cũng là sữa mẹ của người khác. Tôi nhìn thấy sự phụ thuộc, nhìn thấy tình yêu, sự gắn bó, nhìn thấy tình mẫu tử, sự đói khát, nỗi khổ nhục và lòng hy vọng trên khuôn mặt người đàn bà, hơi cúi xuống, xoay người lại. Tôi nhìn thấy ngọn đèn điện vàng lắc lư, không phải vì sóng lớn dù thuyền ngày một chạy ra gần phía cửa biển, mà vì những người ngồi trong thuyền lòng lo âu, không yên ổn. Người sợ hãi, người tức giận, người cầu nguyện, người chửi rủa, người thỏa hiệp, người chạy trốn, người tỏ niềm yêu thương, những tâm sự ấy thay đổi, khi nặng khi nhẹ, khi xa khi gần, làm con thuyền lảo đảo. Thế rồi nó cũng chạy ra đến giữa dòng sông và bắt đầu chạy băng băng dưới ánh sáng của vài ngôi sao thưa thớt, lúc này đã rẽ mây lộ ra, chiếu qua cái lỗ nhỏ trước mặt tôi, ở mũi thuyền. Tôi không thể nhìn thấy chính tôi được. Đời sống không phải là một tấm gương. Bên ngoài tấm gương, tôi cười nói thế nào, cử động ra sao, yêu mến và căm giận thế nào, trước mắt người khác, tôi không thể biết được. Khi nhận xét người khác, tôi cố không quên rằng người khác không nhìn thấy hình ảnh của họ như tôi nhìn thấy.

Con người ngậm kín cái tốt vào lòng. Để khỏi mua lấy vạ hiềm nghi ghen ghét. Tôi nhìn đứa bé từ sau lưng, sự rung động khẽ của đôi vai nhỏ bé, vẻ hạnh phúc của cái gáy nhỏ xíu măng tơ. Phút này qua phút khác, có lẽ lâu lắm, cho đến khi đứa bé bắt đầu thỏa mãn, bú chậm lại, nhưng nó vẫn ôm lấy bầu ngực của người đàn bà lạ, ngủ thiếp đi. An tâm, âu yếm úp mặt vào ngực người đàn bà, người mẹ thứ hai của nó, vì người đàn bà nào mà cuối cùng không phải là một người mẹ, khuôn mặt của nó đẹp như thiên thần. Bây giờ người phụ nữ ngồi im lặng. Cô lắng nghe tiếng động khẽ khàng của đứa bé, hơi thở của nó, nhịp tim đập của nó, sự vận động của các bắp thịt, tiếng nước chảy, lắng nghe khuôn mặt của đứa bé, run rẩy, hạnh phúc. Sau này, mỗi khi nhớ lại, hình ảnh người đàn bà và đứa trẻ lại hiện ra trong tôi tươi mát như mưa xuân trên mạn thuyền, khi người ta có thể gọi sữa về từ một bến bờ xa lạ nhưng cũng thật gần. Tôi nhận ra không phải ta đi tìm tuổi thơ của mình mà tuổi thơ đi tìm ta, tìm và lay gọi.

 

Nguyễn Đức Tùng

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Điều đáng nể phục và cũng đáng yêu quý là, sau trận cháy rừng năm 2019/2020, vùng thác Fitzroy tiêu điều tàn tạ – nhưng chỉ trong vòng 1 tuần sau đám cháy, trên cây khuynh diệp cổ thụ này đã có những chồi lá thật tươi non, đầy sức sống lại ngông nghênh nhô ra từ lớp vỏ cây xù xì đã cháy xém…
Hầu như người Việt nào cũng biết câu, “nhân sinh thất thập cổ lai hy”. Tuổi thọ ngày xưa thật đúng là khó có người sống qua bảy mươi tuổi vì điều kiện sống, chế độ dinh dưỡng, chăm sóc y tế còn hạn chế, là chưa nói tới tâm lý người lớn tuổi được sống vui với con cháu, xóm làng, hay tuổi già neo đơn vì hoàn cảnh cũng tác động nhiều đến tuổi thọ. Ngày xưa, người sáu mươi tuổi đã được con cháu mừng thọ dịp sinh nhật thứ sáu mươi. Ai tới bảy mươi là con cháu mừng ông (bà) đại thọ. Hiếm hoi có người sống tới tám mươi thì con cháu mừng thượng thọ. Qua tám mươi cũng có nhưng rất hiếm vì bảy mươi đã được coi là hiếm hoi - cổ lai hy. Nhưng nay đời sống sung túc hơn, hiện đại hơn, và y học tiến bộ hơn nên những lão ông, lão bà bảy mươi bây giờ còn khoẻ re vì họ còn có thể vui chơi, du lịch, tham gia sinh hoạt xã hội, cộng đồng… bệnh tật của họ có bác sĩ chăm sóc với y khoa hiện đại. Đời sống tinh thần vui hay không cũng tùy người, tùy suy nghĩ cá nhân vì người thấy nhà vắng con cháu thì buồn, tr
Hè năm ấy tôi dấn thân vào một việc mà kể từ nhỏ tới lớn tôi chưa từng làm. Dĩ nhiên là không có tý kinh nghiệm nào và vô cùng mạo hiểm. Nhưng người xưa có câu “đói thì đầu gối cũng phải bò”. Thôi kệ phải liều, biết đâu “không thành công, cũng thành nhân”. Sống là trải nghiệm mà...
Mỗi lần đi mua quà cho ai đó, kể cả quà Giáng Sinh, tôi thường bị tẩu hoả nhập ma, có khi đi cả buổi chẳng mua được gì. Chọn quà tân gia càng khó hơn, tôi đi hết tiệm này qua tiệm khác, suy nghĩ về “gia chủ” để đoán xem họ thích quà loại nào, cuối cùng tôi cũng phải chọn một món khi trời đã quá trưa...
Có nhiều lý do để tôi không thích và thường tránh né khi phải lái xe vào khu trung tâm thành phố. Một trong lý do chính là hầu hết các con đường trong trung tâm thành phố trên toàn nước Mỹ đều là đường một chiều...
Có một Ông Già Noel như thế, mang họ Nguyễn trên đất nước Hoa Kỳ này. Không rõ tôi gọi như thế có bị xem là sai phạm luật đạo gì không, vì tôi không phải tín đồ Công Giáo, nên những so sánh văn chương có thể không thích nghi với luật đạo. Nhưng, nếu gọi Ông Già Noel là người mang những món quà yêu thương tới cho những người tội nghiệp trên trần gian này, thì ông cụ họ Nguyễn đó còn mệt nhọc hơn nữa, vì trong hơn hai thập niên, ngày nào cũng là ngày để ông tặng quà yêu thương, nghĩa là, ngày nào ông cũng thấy là ngày Lễ Giáng Sinh và ông hóa thân ra thành 365 Ông Già Noel để bận rộn trọn năm (Đúng ra, nên trừ các ngày cuối tuần mới chính xác, nhưng như thế là chẳng văn chương gì cả).
Mùa Đông năm 1975 gia đình tôi dự Lễ Giáng Sinh đầu tiên trên đất Mỹ. Tôi nhớ rất rõ đêm Giáng Sinh đó, hình ảnh đó cho đến ngày hôm nay, gần 50 năm sau vẫn hiện ra rõ rệt...
Năm 1954 và 2024 là hai năm đánh dấu 70 năm ngày đất nước chia đôi, dòng sông Bến Hải đã làm biên giới giữa hai miền. Miền Bắc thuộc về Cộng Sản, miền Nam là vùng Quốc Gia tự do...
Ông già đi vào phòng ngủ. Hai cái gối ở đầu giường ngểnh cổ nhìn ông. Ông nheo mắt nhìn lại chúng nó. Hình như cái gối của ông còn nhoẻn miệng cười. Còn cái gối của vợ ông thì nheo một con mắt, cái kiểu đá lông nheo của cô gái nghịch ngợm. Ông khẽ lắc đầu. Và ông nhắm chặt hai mắt. Loay hoay một hồi, ông ra phòng khách, nhìn trước nhìn sau. Cái ti vi dán vào vách tường nhìn ông dò hỏi. Ban nãy ông đã tắt tiếng, chỉ để hình nên ông không hiểu nó muốn nói gì.
Tôi thích hai chữ “Xóm Đạo” để chỉ một khu dân cư gồm toàn những người theo Ki Tô giáo sống chung, sinh hoạt với nhau chung một niềm tin. Xóm Đạo không nằm giữa lòng đô thị, không phố xá nhà cao cửa rộng, không có tiếng xe cộ ồn ào, không có đường lớn, không chợ búa đồ sộ bán buôn tấp nập…
Thập niên 50 thế kỷ trước, ở quê tôi không hề thấy những Nhà Thờ Thiên Chúa Giáo, chỉ rải rác vài chùa Phật giáo, đa số là các Thánh thất Cao Đài ở nhiều xã trong quận. Những năm học tiểu học, 1956-61, mỗi năm đi học được nghỉ lễ “Bấc” một tuần, cứ ngỡ là gió bấc...
Không hiểu sao Ông Già Noel lại đọc được tất cả thư của trẻ em trên khắp thế giới! Vậy Ông là ai? Ông có thật hay không? Nhà của Ông ở đâu? Đó là những câu hỏi quá quen thuộc mà các bé vẫn đặt ra, làm cha mẹ của các bé khó trả lời, có chăng là những câu trả lời để tránh làm các bé thất vọng...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.