Hôm nay,  

Bọ Ngựa

17/01/202500:00:00(Xem: 2812)

bo ngua

Bọ ngựa giơ càng ra oai.



Lóng rày tôi hay tẩn mẩn viết về những hồi tưởng tuổi thơ, nhất là những côn trùng ngày xa xưa đó như chuồn chuồn, bươm bướm, ve sầu, dế mèn…Nhiều lúc ngồi nghĩ lẩn thẩn: tại sao vậy? Chắc đó là tâm trạng của người tuổi sắp hết đếm số, tiếc nuối những khi còn cắp sách tới trường. Cắp sách tới trường không phải là chuyện vui nhưng tuổi học trò thì vui thật. Lúc nào, khi nào, chỗ nào cũng toàn thấy chuyện vui chơi. Bạn chơi là người nhưng nhiều lúc là những côn trùng quanh quẩn bên người. Một ông bạn mới gặp nhướng mắt hỏi tôi viết về những bạn chơi nhiều hơn hai chân nhưng chưa thấy nhắc tới bạn của ông ấy. Đó là bọ ngựa. Ông này thuộc loại rắn mắt. Tôi không chung tuổi  thơ với ông nhưng chắc ông cũng thuộc loại phá làng phá xóm. Ông kể chuyện ăn me chua trước mấy ông lính thổi kèn trong hàng ngũ khiến mấy ông thợ kèn này chảy nước miếng thổi không được. Tôi thuộc loại hiền nên không có bạn không hiền như bọ ngựa. Ông ta thì khoái bọ ngựa.

Bọ ngựa lúc nào cũng giơ hai cái càng nặng hơn thân mình, có hai hàng răng cưa như muốn cưa địch thủ. Hồi nhỏ nghe nói bọ ngựa cái xơi tái bọ ngựa đực khi giao phối, tôi đã bán tín bán nghi, chỉ mong được một lần trông thấy nhãn tiền nhưng chẳng bao giờ được mục kích hành động sát nhân tàn bạo đó. Khoa học gọi hành động bạc tình bạc nghĩa này là sexual cannibalism. Thực ra chỉ có 38 trong số 2.400 loài bọ ngựa được ghi nhận có hành vi này. Khi giao phối và thụ tinh, bọ ngựa cái xơi tái bọ ngựa đực là chuyện đã được tạo hóa sắp đặt. Thịt bọ ngựa đực giúp bọ ngựa cái có nhiều protein hơn. Lượng protein này con cái không dùng riêng cho mình mà chuyển sang trứng mà con đực vừa cho thụ tinh. Anh đực tạo nghiệp phải hy sinh thân mình để gánh vác chuyện nuôi con.

Giáo sư Nathan Burke của Đại học Auckland ở New Zealand đã bỏ công ra nghiên cứu chuyện sinh tử này. Theo một nghiên cứu của ông vào năm 1994 thì chỉ có khoảng từ 13% đến 28% bọ ngựa đực bị xực phàn trong khi giao phối. Nhưng tỷ lệ này lên tới 60% trong loài bọ ngựa đốm. Giáo sư Burke cho biết bọ ngựa đực thường xuất hiện trước khi giao phối. Điều này cho thấy bọ ngựa đốm cái hoàn toàn không quan tâm đến việc giao phối mà chỉ quan tâm đến việc săn mồi. Ngoài ra trứng của bọ ngựa đốm cái có thể sinh sản ra con cái mà không cần thụ tinh. Chúng có thể sinh sản dị tính nên dưới mắt của bọ ngựa cái, bọ ngựa đực chỉ đơn thuần là thực phẩm. Biết vậy, bọ ngựa đực hình thành các kỹ năng tránh bị ăn thịt mà vẫn giao phối thành công.  Chúng sẽ bò tới con cái từ phía sau và dùng hai càng để quặp chặt con cái. Đòn tấn công và phòng thủ này thường để lại một vết thương dưới bụng bọ ngựa cái. Vết thương này làm con cái yếu đi khiến con đực có thể dễ dàng bỏ chạy sau khi phóng tinh. Bọ ngựa đực bảo toàn được sinh mạng nhưng hành động khôn ngoan này lại di hại tới trứng. Khi con cái thiếu protein thì trứng có thể không nở. Chuyện truyền giống bị dang dở. Thực ra sự hy sinh của bọ ngựa đực cũng chỉ để cân bằng với quá trình duy trì nòi giống của cả bọ ngựa đực với bọ ngựa cái. Bởi vì bọ ngựa cái cũng sẽ chết ngay sau khi sanh ra bọc trứng.

bo ngua 2

Bọ ngựa cái ăn đầu bọ ngựa đực khi giao phối.

Bọ ngựa thường chỉ sống được một năm. Cũng như các loại côn trùng khác, vòng đời của bọ ngựa cũng qua ba giai đoạn: trứng, ấu trùng và trưởng thành. Bọ ngựa cái thường sanh một bọc trứng có khoảng từ 100 đến 400 trứng. Bọc trứng khá cứng để bảo vệ trứng khỏi những biến đổi thời tiết có tên là ootheca. Trứng được đặt tại nơi an toàn, thường là trên lá cây hoặc gốc cây. Trứng nở vào mùa xuân tạo ra những ấu trùng. Tác giả Vũ Tú Nam đã may mắn mục kích cảnh trứng nở. Cành chanh bên cửa sổ đung đưa, xanh mát sau cơn mưa. Mấy quả chanh non mới đậu nom đáng yêu lạ. Bỗng một sự việc xảy ra khiến tôi phải đặc biệt chú ý: trứng bọ ngựa nở. Tôi đến tận gốc chanh chăm chú theo dõi. Từng đợt, từng đợt, bảy tám con một lúc, những chú bọ ngựa bé tí ti như con muỗi, màu xanh cốm, ló cái đầu tinh nghịch có đôi mắt thô lỗ lách khỏi kẽ hở trên ổ trứng mẹ, cố trườn ra, thoát được cái đầu, cái mình, rồi nhẹ nhàng tọt khỏi ổ trứng, treo lơ lửng trên một sợi tơ rất mảnh bay bay theo chiều gió. Mới ra khỏi ổ trứng, các chú nằm đờ một lát, rồi ngọ ngoạy. Các chú càng cựa quậy thì sợi tơ càng dài ra, từ từ thả các chú xuống phía dưới. Chú bọ ngựa con đầu đàn “nhảy dù” trúng một quả chanh non. Chú đứng hiên ngang trên quả chanh tròn xinh, giương giương đôi tay kiếm nhỏ xíu, võ sĩ, ngước nhìn từng loạt, từng loạt đàn em mình đang “đổ bộ” xuống hết sức chính xác và mau lẹ. Đàn bọ ngựa mới nở chạy nhanh, mỗi con mỗi ngả bắt đầu một mình lắc lư theo kiểu tíu tít, lập tức dàn quân ra khắp cây chanh mỗi con mỗi ngả bắt đầu một cuộc sống dũng cảm, tự lập”.

Cuộc sống này không phải không gian truân. Khi mới nở ra từ trứng, các ấu trùng chỉ dài khoảng 4 ly. Chúng ăn thịt lẫn nhau để sinh tồn. Sau đó chúng săn những con mồi nhỏ như ruồi giấm. Trong vòng đời ấu trùng, chúng phải lột xác khoảng 6 lần để phát triển. Thời gian này, chúng là mồi ngon cho các loại côn trùng khác. Một số không nhỏ ấu trùng đã không qua khỏi giai đoạn bị ăn hiếp này.

Những ấu trùng sống sót bước qua giai đoạn trưởng thành. Chúng lột da và trốn tránh vào những nơi an toàn cho tới khi kết thúc thời kỳ phát triển. Bọ ngựa trưởng thành có kích thước từ 2,5 tới 15 phân. Chúng săn mồi, giao phối và đẻ trứng. Ngay sau khi đẻ trứng, bọ ngựa cái giã từ cõi thế. Tổng cộng vòng đời chỉ được một năm.

Bọ ngựa ăn thịt các loại côn trùng nhỏ khác như  ruồi, bướm, ấu trùng, bọ cánh cứng, ong, gián. Thậm chí chúng còn chơi lớn bằng cách ăn cả những chú chim nhỏ, thằn lằn, rắn, chuột. Chúng săn mồi bằng cách treo mình lơ lửng trên thân cây hay cành lá, chờ con mồi đi ngang qua. Bọ ngựa có khấc cổ rất linh hoạt, có thể quay ngoắt 180 độ để quan sát con mồi. Với đôi mắt luôn rộng mở có thể nhìn xa tới khoảng một thước rưỡi để nhận diện con mồi. Một khi đã nhắm được mồi, chúng  dùng hai chân trước có gai nhọn, gập lại như một con dao gấp, bắt và nhanh như chớp kẹp con mồi lại. Con mồi sẽ không chết ngay nhưng bọ ngựa đã bắt đầu xực con mồi khi chúng vẫn còn sống. Bọ ngựa không bao giờ ăn những con mồi đã chết. Nhưng vào mùa hè và mùa đông, các loại côn trùng khan hiếm, bọ ngựa ăn lá cây non.

bo ngua 3
Ngoại hình bọ ngựa nhìn không cân đối. Cái đầu to nối với thân hình bằng cái cổ nhỏ. Mọc ngay giữa cổ là đôi càng bự so với thân hình, giống như hai thanh kiếm, có những răng cưa để bắt mồi và tấn công địch thủ. Hai cánh trước và sau phát triển rộng. Hai cánh sau trông như hai tấm kính chỉ có viền trên đầu mút. Cánh có màu xanh lá cây nhạt hoặc nâu nhạt. Màu sắc có thể thay đổi theo màu của nơi tá túc, lúc thì xanh lá cây, lúc thì màu cỏ úa, lúc thì vàng hoặc nâu. Việc có thể thay đổi màu giúp cho bọ ngựa ngụy trang, tránh bị các đối thủ phát hiện. Nếu chẳng may chuyện ngụy trang không mà mắt được đối thủ, bọ ngựa sẽ dùng chước thứ ba mươi sáu: bỏ chạy. Không chạy được thì giả vờ chết. Toàn những thứ phòng thủ thụ động.

Nhưng một khi phải chiến đấu, chúng cũng ngang tàng chiến tới cùng. Tôi mới đọc được một bài viết không đề tên tác giả nói về một lần mục kích giờ phút chiến đấu kiên cường của bọ ngựa. Năm tôi học lớp hai hay ba gì đó, ngày ấy cuộc sống chẳng thể gọi là khá giả. Tuy nhiên, trẻ con lại có nhiều trò chơi hơn bây giờ, niềm vui của chúng tôi hồi ấy là đi bắt những con kim kim, châu chấu, cánh cam, giun… về nghịch.  Một lần, tôi cùng bọn trẻ trong xóm bắt được một con bọ ngựa rất to màu xanh lá cây tuyệt đẹp, trông nó mạnh mẽ với đôi càng to và vẻ mặt lạnh lùng giống như một kiếm sĩ. Nhìn con bọ ngựa, cả bọn thống nhất sẽ không tra tấn và buộc nó lên như các con bọ khác mà chúng tôi hay bắt được. Tôi thả nó lên nóc bếp nhà tôi, nóc bếp được lợp bằng những chiếc lá cọ to, là nơi trú ẩn của rất nhiều côn trùng khác nhau. Chúng tôi đứng nhìn theo để xem nó sẽ đi đâu. Bất chợt xuất hiện một con thằn lằn rất to bò tới, nó đứng đối diện con bọ ngựa. Chúng tôi không ai bảo ai, nín thở theo dõi, trong thâm tâm biết chắc về một kết cục thảm thương cho bọ ngựa. Nhưng một hình ảnh mà mãi mãi không bao giờ tôi quên, nó tác động rất mạnh vào tâm trí tôi, nó là tất cả những gì bi hùng nhất đánh mạnh vào trái tim của một đứa trẻ tám tuổi. Trước vẻ lạnh lẽo nhưng tàn bạo của thằn lằn, bọ ngựa bình tĩnh giương cao đôi càng, nó sẵn sàng chiến đấu trước đối thủ mà có lẽ nó biết không thể chiến thắng. Thằn lằn lao đến thật nhanh, chỉ trong tích tắc bọ ngựa bị ngoặm chặt và bị nuốt dần vào bụng nó. Nghe bọn trẻ thở than vì đi thả con bọ ngựa để rồi làm hại nó, tôi không có cảm giác buồn hay ân hận. Tôi chỉ thấy một sự bất lực mơ hồ nào đó, sự bất lực mà đến tận bây giờ tôi vẫn hay cảm thấy. Tôi thường tưởng tượng những viễn cảnh của sự bất lực trước một kẻ mạnh đàn áp một kẻ yếu, trong mọi tình huống. Câu chuyện nhỏ ấu thơ ấy đã đi theo tôi suốt những năm tháng cuộc đời, có lẽ vì những tác động ấy mà tôi yêu văn học của Jack London. Yêu những nhân vật của ông, luôn chiến đấu trong sự tuyệt vọng trước những đối thủ không thể đánh bại mà vẫn đầy kiêu hãnh. Nghĩ về những kỷ niệm thời ấu thơ, thường hiện lên trong tôi là hình ảnh con bọ ngựa kiêu dũng. Trong ánh nắng của buổi trưa hè năm nào, trên nóc căn bếp cũ lợp đầy lá cọ, nó không chỉ còn là con bọ ngựa màu xanh mỏng manh nữa. Nó hoà lẫn vào màu nắng chói chang của buổi trưa hè tháng sáu, nó giương đôi càng với niềm kiêu hãnh trong khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đời. Con bọ ngựa sinh ra để trở thành một dũng sĩ và nó đã chết theo cái cách ấy. Nó đã dạy cho tôi một bài học giản dị nhất về tình yêu cuộc sống, một bài học từ một cuộc chiến đấu nhỏ nhưng thật dữ dội và đầy đam mê trong khoảnh khắc cuối cùng”.

Nói tới bọ ngựa, không thể không nhắc tới “Dế Mèn Phiêu Lưu Ký” và “Võ Sĩ Bọ Ngựa” của nhà văn Tô Hoài.  Tô Hoài đã kết truyện Võ Sĩ Bọ Ngựa bằng cuộc hàn huyên giữa hai mẹ con bọ ngựa.  Như đã viết ở trên, bọ ngựa cái chết ngay sau khi đẻ ra bọc trứng nhưng nhà văn đã nhân cách hóa bọ ngựa nên mới có chuyện mẹ con bọ ngựa sống với nhau. Chàng dũng sĩ đã tự hào khoe thành tích chiến đấu trong khi bọ ngựa mẹ vắng nhà. Nào là đánh châu chấu ma khiến nó phải nhận là thầy, nào là cho gián ông một trận. Bà mẹ ôn tồn nói với con là châu chấu ma vốn sợ mọi địch thủ, ông gián già yếu xìu đánh đấm chi. Bà nói với chàng võ sĩ: “Con đã làm một việc thừa và ác!”. Tác giả kết câu chuyện giữa hai mẹ con: Chú Bọ Ngựa tiu nghỉu hơn, và chú không khoe thêm gì nữa. Chú im lặng, nhìn ánh nắng rung rinh trong lá cây. Nhưng bà lão Bọ Ngựa đã nói tiếp:“Và con sang đánh nhau cả với Bọ Muỗm, con bắt mụ ấy gọi con là võ sĩ Đại Mã. Mụ ấy nện cho con một trận mê tơi. Con phải bỏ chạy về. Nhưng con cũng không chừa được cái thói khoác lác. Cho nên, khi con nghe tiếng đồn có ông Dế Mèn đi phiêu lưu thì con cũng tập tọng đi. Con đã quên cả lời mẹ dặn. Con đi, con gặp bác Cồ Cộ, con dọa dẫm cả bác ta. Bác ta liền túm cổ con, bay lên ngọn cây dừa. Đến đây con mới thực là sợ, biết chừa thói ngông cuồng và con mới thực hiểu rằng đường đời mỗi bước một khó. Con chạy trở về. Phải kể đến đây mới là hết những chuyện mà con đã làm trong khi vắng mẹ. Có phải thế chăng? Con ơi! Bác Bọ Muỗm chỉ cho con một cái đá hậu, là con thủng bụng. Bác Cồ Cộ chỉ buông con từ ngọn cây cho rơi xuống, là con đủ tan xương. Các bác ấy đã thương con đấy. Trong khi bà lão Bọ Ngựa nói, chú Bọ Ngựa cứ ngẩn mặt. Rồi hai hàng nước mắt rưng rưng. À, chú Bọ Ngựa  hợm mình đã biết hối rồi”.

Tôi không đọc truyện của Tô Hoài ngày còn nhỏ nên không biết tới những giọt nước mắt của chú Bọ Ngựa trong truyện có tính cách giáo dục này. Nếu được đọc truyện từ ngày đó không biết tôi có coi bọ ngựa là bạn không. Tôi chẳng có thể quay ngược về những ngày tháng non nớt đó để đo lòng mình. Ngày đó tôi vốn là một thằng bé nhiều tình cảm nên dễ mủi lòng, có thể cảm theo nhà văn Tô Hoài, không coi bọ ngựa như một loài hung hãn đáng xa lánh tới nỗi bây giờ tôi đã quên khuấy tới bọ ngựa mà tôi đã có lần bẻ đôi càng lúc nào cũng giơ lên đe dọa. Tôi đã quên hẳn thứ côn trùng võ sĩ khó ưa đó để tới nay anh bạn tôi phải nhắc nhở. Và bài bọ ngựa này đáng lẽ đã được viết từ trước, đồng thời với những châu chấu, bươm bướm, dế mèn, ve sầu. Những bạn côn trùng thời thơ ấu của tôi.
 
                                                                                                    12/2024
                                                                                 Website: www.songthao.com
 
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Biển đêm như vô thức một màu đen mênh mông, nhưng biển chứa toàn bộ lịch sử con người từ lúc còn là tế bào phôi sống cho đến khi biến thành DNA, rồi từ thú vật tiến lên con người. Lịch sử đó đầy ngập dữ liệu nhưng chôn sâu dưới đáy nước. Hồi tưởng chỉ là những con sóng nổi dập dìu, cho dù sóng lớn dữ dằn trong bão tố vẫn không mang được hết đáy nước lên trên mặt. Vì vậy, biển lúc nào cũng bí mật. Vô thức cũng bí mật. Càng gây thêm khó khăn để chứng minh sự thật vì vô thức có khả năng biến đổi dữ liệu hồi tưởng. Chỉ những người thiếu bản lãnh mới tin vào trí nhớ của mình và của người khác. Nhưng toàn bộ nhân loại sống và tạo ra ý nghĩa hầu hết dựa vào bộ nhớ. Một số ít người hiểu rõ điều này, nhưng không làm gì khác hơn, vì hồi tưởng tự động và tự nhiên xuất hiện dù không đầy đủ, kể cả, khi con người kêu gọi ký ức đến, nó cũng đến trên xe lăn, hoặc chống nạn, hoặc bò lết như kẻ tàn tật.
Chiến tranh là một nỗi đau dằn vặt của nhân loại vì không ai muốn nó xảy ra, nhưng chiến tranh vẫn cứ xảy đến như một điều kiện cần thiết biện minh cho sự tồn tại của thế giới con người. Ngày Ba mươi tháng 4 năm 1975 là một cột mốc đánh dấu một biến cố chính trị trong lịch sử chính trị thế giới, ngày cuộc chiến tranh Việt Nam (1954-1975) chấm dứt.
Năm mươi năm nhìn lại, sau ngày 30 tháng 04, 1975, cái dấu mốc lịch sử đau thương của đất nước Việt Nam, nói chung, và người dân miền Nam nói riêng. Sự thật lịch sử về ngày này đã được phơi bày rõ ràng trên mọi phương tiện truyền thông, tin tức, và trong thế giới sử. Ai cũng đã rõ, phe thắng trận, sai, phe thua trận, đúng. Điều này không cần bàn cãi nữa; cho dù kẻ chiến thắng cố tình viết lại lịch sử Việt Nam theo ý mình khi sức mạnh của họ nằm trên nòng súng. Phe thua cuộc lại là phe thắng được nhân tâm.
Tháng Tư chuếnh choáng. Say chẳng phải vì rượu dẫu chỉ nhấp môi hoặc thậm chí trong đám bạn có kẻ chẳng uống giọt nào. Nhưng họ vẫn say như thường. Những hồi ức tháng Tư lần lượt xuất hiện như một chất men nhưng không thể làm người ta quên mà chỉ là giây phút hiếm hoi nhắc nhớ để rồi quên. Quên tạm thời nỗi niềm chất chứa mà không làm sao quên hẳn.
Hai tên đeo băng đỏ đưa tôi đến một căn nhà nằm trên đường Tôn Thất Thuyết. Nay mới biết là cơ sở kinh tài của Việt Cộng. Vào bên trong, tôi thấy có một số người bị bắt trước ngồi trên băng ghế đặt ở góc một phòng lớn rộng rãi. Họ ngước mắt nhìn tôi có vẻ ái ngại. Tôi biết những người ngồi đó là thành phần đặc biệt nằm trong danh sách tìm bắt của chúng. Nhìn họ, tôi thấy mấy người quen quen. Hình như họ là viên chức Chính Phủ trong tỉnh. Tôi được đưa đến ngồi cạnh họ. Tất cả đều im lặng, không ai nói với ai lời nào ngay cả khi bất chợt nhìn thấy tôi. Có lẽ im lặng để che đậy cái lý lịch của mình, làm như không quen biết nhau, nếu có khai láo cũng không liên lụy đến người khác.
Trong cuộc đời, ắt hẳn bạn đã nhiều lần bước trên lối mòn giữa một cánh đồng cỏ hay trong một khu rừng? Thoạt đầu, lối mòn ấy cũng đầy hoa hoang cỏ dại như chung quanh, nhưng những bước chân người dẫm lên qua ngày tháng đã tạo thành một con đường bằng phẳng. Ký ức chúng ta cũng tương tự như lối mòn ấy. Những trải nghiệm với cảm xúc mạnh mẽ trong quá khứ được nhớ đi nhớ lại như những bước chân đi trên lối mòn góp phần hình thành ký ức, và cả con người chúng ta. Người Mỹ gọi loại ký ức này là “core memory” mà ta có thể dịch ra Việt ngữ là ký ức cốt lõi. Với tôi, ký ức cốt lõi ấy là những gì xẩy ra cho tôi và gia đình trong quãng thời gian kể từ khi thị xã Ban Mê Thuột thất thủ ngày 12 tháng Ba năm 1975, kéo theo sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam chưa đến bẩy tuần sau đó. Tôi vẫn nhớ, và nhớ rất rõ.
Vốn là một quân nhân, sau khi triệt thoái từ miền Trung về Saigon, tôi được bổ xung cho một đơn vị pháo binh đang hành quân ở vùng Củ Chi, Tỉnh Tây Ninh, yểm trợ sư đoàn 25 Bộ BinhB. Khoảng ba tuần trước khi mất nước tôi bị thương ở chân. Nằm trong quân y viện Tây Ninh vài ngày, bác sĩ cho về nhà dưỡng thương một tháng ở Saigon.
Ngày xưa, thông thường, chồng của cô giáo được gọi là thầy, cũng như vợ của thầy giáo được gọi là cô. Cho dù người chồng hoặc vợ không làm việc trong ngành giáo dục. Nhưng trường hợp cô giáo tôi, cô Đỗ Thị Nghiên, trường Nữ Tiểu Học Quảng Ngãi thì khác. Chồng của cô, thầy Nguyễn Cao Can, là giáo sư dạy trường Nữ Trung Học Quảng Ngãi. Cô Đỗ Thị Nghiên dạy lớp Bốn, trường Nữ Tiểu Học. Trong mắt nhìn của tôi, của con bé mười tuổi thuở ấy, cô Nghiên là một cô giáo rất đặc biệt. Cô nói giọng bắc, giọng nói trầm bổng, du dương. Tóc cô ngắn, ôm tròn khuôn mặt. Da cô trắng nõn nà. Có lần ngoài giờ học, trên đường phố của thị xã Quảng Ngãi, tôi thấy hai vợ chồng thầy Can, cô Nghiên đèo nhau trên xe gắn máy. Cô mặc jupe, mang kính mát, ngồi một bên, tréo chân, khép nép dựa vai thầy. Ấn tượng để lại trong trí của con bé tiểu học là hình ảnh của đôi vợ chồng sang trọng, thanh lịch, tân thời, cùng mang thiên chức cao cả: dạy dỗ lũ trẻ con nên người.
Tháng Tư này tròn 50 năm biến cố tang thương của miền Nam Việt Nam, những người Việt hải ngoại, đời họ và thế hệ con cháu đã trưởng thành và thành công trên xứ người về mọi mặt học vấn cũng như công ăn việc làm. Họ đang hưởng đời sống ấm no tự do hạnh phúc đúng nghĩa không cần ai phải tuyên truyền nhồi sọ. Nhưng trong lòng họ vẫn còn bao nhiêu kỷ niệm thân thương nơi chốn quê nhà.
Có một buổi trưa, hai đứa đang thưởng thức bò bía, đậu đỏ bánh lọt ở chùa Xá Lợi, góc Bà Huyện Thanh Quan và Ngô Thời Nhiệm (?), thì gặp một "cái bang". Đầu đội khăn rằn, đeo mắt kiếng cận nặng, cổ quấn vài ba chiếc khăn đủ màu và ông còn dẫn theo hai con chó, vừa đi vừa múa tay múa chân như người say rượu. Chừng như ông không cần thấy ai, chung quanh chỉ có ông và hai con chó. Người đàn ông "cái bang" đó là nhà thơ, nhà văn, nhà biên khảo nổi tiếng của Việt Nam: Bùi Giáng. Hai con chó vừa đi vừa sủa vang, khiến một số nữ sinh Gia Long đang đứng quanh xe bò bía, vội vã chạy né qua bên kia đường. T
Một ngày nọ, ngài gặp một bà mẹ, bà ôm một đứa con vừa mất vừa đi vừa khóc lóc thảm thiết, ai cũng mũi lòng thương, thông cảm vì mất con là nỗi đau khổ nhứt trong cuộc đời… người ta mách bảo là bà nên gặp Sa Môn Cồ Đàm, bà sung sướng bế con đã mất đi ngay và gặp phật, xin phật dùng phép thần thông cứu sống con bà. Xung quanh phật, các tì kheo đang ngồi cầu nguyện cho chúng sanh được giải thoát và cũng cầu nguyện cho các chúng sanh còn tại thế sẽ may mắn mà gặp được giáo pháp của Như Lai. Rồi người mẹ đau khổ cũng được gặp phật.
Cuối tháng Ba, những cơn gió nóng tràn về thành phố. Một hai trận mưa lạc loài đến sớm rồi thôi. Không khí ngột ngạt. Mùi đất nồng khó chịu. Như một cô gái uể oải trong cơn bệnh, thành phố trông mệt mỏi, rạc rời. Đoan đi vào Câu lạc bộ của trường. Bình thường, cứ đến thứ Sáu là không khí chuẩn bị cho chiều văn nghệ thứ Bảy lại nhộn nhịp. Nhưng hôm nay, như có một cái gì kéo mọi thứ chùng xuống. Chị Thuận, người phụ trách Câu lạc bộ, mỉm cười khi thấy Đoan, nhưng là một nụ cười kém tươi. Chị vẫn câu chào hỏi thường lệ: “Em uống gì không?” “Dạ, chị cho em nước chanh.” Chị Thuận pha ly nước chanh đặc biệt, nóng, ít đường, mang đến để trước mặt Đoan, và kéo ghế ngồi xuống bên Đoan. Hình như không có gì để bắt chuyện, chị Thuận nhìn ra sân, nói nhỏ:
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.