Hôm nay,  
CTA_United Educators_Display_300x250_Vietnamese - Nguoi Viet

Truyện trinh thám buồn

02/08/202400:00:00(Xem: 2003)
        
truyen trinh tham
Lặng Lẽ, tranh Hoàng Thanh Tâm
 
Nàng tỉ tê với nhỏ bạn về những cuộc “thảo luận” sôi nổi của vợ chồng nàng. Bằng mọi giá, nàng muốn giữ cho đứa con có tuổi thơ tươi đẹp, hạnh phúc. Bao năm qua, đã có lúc nàng buồn rầu nghĩ, mình như con gà đẻ trứng vàng. Chỉ được việc, nhờ biết đẻ trứng vàng. Nàng không dám đề cập đến chuyện tiền bạc, sợ làm chồng buồn, cho rằng nàng cậy sức mạnh kim tiền lấn áp chồng. Nàng rất may mắn trong cuộc sống ngoài xã hội. Chưa ra trường, nàng đã nhận được hợp đồng làm việc với một trong những hãng hàng đầu của nước Đức. Ngược lại, chồng nàng quá lận đận. Cả năm trời, anh chạy đôn, chạy đáo tìm việc, mà vẫn phải nằm nhà. Nàng tự nhủ, tài lộc trời ban, gia đình sống thoải mái, chứ tính toán chi mà mất hòa khí vợ chồng. Tháng tháng, nàng thanh toán nợ to, nợ nhỏ, hàng hàng lớp lớp chi phí tất yếu của xã hội văn minh. Nàng thu xếp nhiều kỳ nghỉ ngắn, dài trong năm cho gia đình. Nàng mở sổ tiết kiệm cho con, đóng vài bảo hiểm nhân thọ. Nàng không ngại cực thân, mặc nhiên chấp nhận làm cột trụ tài chính gia đình. Miễn sao, chồng con vui lòng là nàng toại nguyện. Nghe những đoản khúc, trường khúc của nàng, nhỏ bạn chép miệng như thạch sùng:

-Tại ảnh là chồng mày. Chứ không, như vậy người ta gọi là “nuôi giai” đó.

Nàng cố cười thành tiếng để bạn yên lòng:

-Trời cho tao mát tay, hái ra tiền, dư dả nuôi con, thì tao được phép “nuôi giai” chứ lỵ.

Nàng thầm mong, “giai” cho nàng chút yên ổn tương đối trong hồn, đừng thỉnh thoảng làm nàng tối tăm mặt mũi với những bất ngờ oái oăm.
            
Nàng rủ chồng đi xem văn nghệ. Anh bảo: “Tốn kém lắm. Mình nên sống tiết kiệm.” Thấy chồng không vui, nàng xếp xó dự định du hí cuối tuần. Không đi chơi, rảnh rỗi, nàng vào hộp thư, xem thư nào cũ, xóa bớt cho nhẹ máy. Có thư mới của anh Khắc bên Việt Nam, bạn chồng nàng. Nàng lơ đễnh đọc đôi lời thăm hỏi đầu thư. Chợt nàng chú ý câu: “Cảm ơn mày đã lo lắng chu đáo cho Hảo...” Tay kéo con chuột, nàng đọc tiếp những thư lui tới trước đó giữa hai người. “Tao đã bàn mọi chuyện với Hảo...” Nàng đọc đi, đọc lại mấy lần, gần thuộc những emails. Hy vọng mình hiểu sai tiếng Việt viết không dấu. Đổi dấu bao nhiêu nữa, sự thật vẫn rõ mồn một. Chồng nàng sẽ mua vé máy bay cho gia đình Hảo, cô em của bạn anh, từ Mỹ qua Đức chơi. Sao lại thế này nhỉ! Đầu óc nàng lan man nhớ chuyện năm ngoái. Nàng đề nghị gia đình nghỉ hè bên Mỹ. Anh gạt phăng:

- Mình đã đi Mỹ cách đây mấy năm. Vậy là đủ rồi.

Nàng xuống nước:

- Hồi đó cu Tí còn nhỏ quá, đi chơi không nhớ gì nhiều. Bây giờ Tí ao ước mãi, xin được đi Mỹ lần nữa.

Anh bực dọc:

- Dư tiền lắm sao mà đi hoài.

Nàng năn nỉ:

- Số cổ phiếu hãng em thưởng nhân viên lên giá vùn vụt. Em bán, dư sức trang trải chuyến đi anh à.

Chồng nàng lạnh lùng:

- Để từ từ rồi tính.
            
Nàng hiểu, “từ từ”  có nghĩa là vài năm nữa nàng mới có thể “đệ đơn” lại. Dường như chồng nàng tránh né những chuyến đi chơi ra khỏi nước Đức. Mỗi khi lên chương trình du lịch, nàng chờ lúc chồng vui vẻ, mở lời đề nghị. Nhất nhất mọi chi phí nàng đều lo liệu gọn gàng, chỉ cần anh gật đầu ưng thuận. Nhưng anh luôn ngần ngại, không muốn đi, vì nhiều lý do. Mà tiền bạc vẫn luôn là lý do chính. Thương con, muốn cho con đi chơi đầy đủ cả cha lẫn mẹ, nàng nhanh nhẹn giải quyết vấn đề “đầu tiên”. Thế mà, đã có những chuyến đi chơi, đứa con phải buồn buồn hỏi: “Sao ba không đi chung với mình hở mẹ?”
            
Nàng nhìn chằm chằm vào những dòng chữ Việt không dấu trên màn ảnh, đầu óc rối bời. Nàng níu áo nhỏ bạn kể lể. Bạn kiên nhẫn nghe nàng bù lu, bù loa, dịu giọng vỗ về:

- Thương mày quá. Mày ráng bình tĩnh, nói chuyện với ảnh để biết thực hư thế nào. 

Buổi tối, chàng ngồi trước computer, nàng nhìn vào phòng con, đứa con đã ngủ. Nàng nhẹ nhàng đóng cửa. Đến bên cạnh chồng, nàng cố giữ giọng bình thản:

- Anh à, tình cờ, em biết anh sẽ mua vé máy bay cho gia đình Hảo qua Đức chơi. Bao lâu nay, anh bảo mình phải sống tiện tặn. Lo xa tất nhiên là tốt. Giúp họ hàng nghèo khó bên Việt Nam, em sẵn lòng. Nhưng em không muốn mẹ con em phải hy sinh cho người ngoài vui chơi...

Chồng nàng nóng nảy cắt ngang:

- Tại sao em đọc thư của anh. Anh rất ghét tính tò mò.

Nàng ngạc nhiên:

- Đây là hộp thư chung mình dùng để liên lạc bạn bè. Hồi giờ mình vẫn đọc thư của nhau mà.

- Đúng rồi. Nhưng Khắc là bạn của anh.

- Ủa, anh chẳng thường nói bạn anh là bạn em sao!

Nàng ngưng một chút rồi cho những ý nghĩ đặc kín trong đầu tuôn ra:

- Con mình ao ước du lịch xa. Anh không muốn, ngại tốn kém. Mà anh lại đài thọ người ngoài đi chơi. Gia đình Hảo ở Mỹ chẳng thiếu thốn gì. Biết đâu, họ còn khá giả hơn mình. Niềm vui cho con, anh không màng, mà lại...

Chồng nàng gầm gừ:

- Em đừng dạy đời anh. Lúc nào em cũng nghĩ là mình biết hết mọi chuyện.

Mắt vẫn nhìn vào màn hình, tay lăn lăn con chuột, anh tiếp lời:

- Đó không phải tiền của anh. Mà là tiền của chú Bảy. Chú đưa tiền, nhờ anh mua vé cho gia đình Hảo.
            
Nàng kinh ngạc. Chú Bảy, ông chú họ của chồng, mất việc vì hãng đóng cửa. Cả năm nay, ông chẳng xin được việc mới, đành chờ ngày về hưu. Tháng trước gặp chú, chú than, tiền thất nghiệp ít quá. Chú muốn đi Canada thăm người em ruột mà đành chịu. Để dành bao lâu nay vẫn chưa đủ tiền vé. Nàng nhìn chồng dò hỏi:

- Gia đình Hảo là bạn anh, chứ có phải bạn của chú Bảy đâu. Chú muốn đi thăm người nhà, nhưng không đủ tiền mua một vé cho mình. Thế mà, chú lại có tiền mua vé cho ba người ngoài. Em không thể hiểu được.

Anh gay gắt:

- Gia đình anh có lối chi tiêu khác gia đình em.

Nàng nhún vai:

- Không những khác gia đình em mà khác cả thế gian. Với suy nghĩ bình thường, không ai làm chuyện quá sức vô lý như vậy.

Anh gằn từng chữ:

- Tại em hẹp hòi, em không hiểu được.

Như muốn chấm dứt cuộc đối thoại, anh giáng đòn phủ đầu:

- OK, em không tin anh, thì từ nay anh chẳng bao giờ tin em. Anh chỉ yêu cầu một điều: Em đừng xía vô chuyện riêng của gia đình anh.

Cơn giận dữ xìu xuống, trong lòng nàng chỉ còn nỗi chán ngán ê chề. Nàng cười nhạt:

- Anh nghĩ em hẹp hòi. Em đành chịu. Nhưng em không tin.

Nàng nói chuyện với người anh chồng, thanh minh không khí ngột ngạt của hai vợ chồng nàng. Ông anh lắc đầu:

- Anh không đồng ý chuyện nó làm. Anh nói em đừng giận. Lỗi do ở em một phần. Em dại quá. Hai vợ chồng phải cùng nhau gánh vác chuyện tài chính chứ. Chuyện gì em cũng kham hết. Lâu ngày, nó thấy như vậy bình thường. Nó có tiền, không biết làm gì, thì tiêu bậy, đem cho bá tánh. Anh nghĩ, trong nhà nó chỉ nghe lời má thôi. Em nhờ má nói chuyện với nó đi.
      
Giải pháp ông anh chồng đề nghị không mới mẻ gì với nàng. Cách đây mấy năm, gặp chuyện lớn, nàng đã cầu cứu mẹ chồng. Lần đó, chị Nhị, người hàng xóm của mẹ chồng, gọi điện thoại cho nàng:

- Em ơi, nhờ em ứng trước 1000 Đức mã đưa anh Tư mang về Việt Nam cho mẹ chị. Gấp quá, chị chuyển tiền qua ngân hàng sợ không kịp.

Nàng ngạc nhiên:

- Dạ, chuyện tiền em sẵn sàng. Nhưng ông xã em không định đi Việt Nam.

Đến phiên chị bạn ngạc nhiên:

- Chị mới gặp bác sáng nay. Bác nói, anh Tư về Việt Nam xây cất nhà cửa cho bác. Ngày mốt ảnh bay rồi.
 
Nàng ngồi bệt xuống sàn nhà, áp ống điện thoại sát tai, đầu óc quay mòng mòng với thông tin, hai ngày nữa chồng nàng về Việt Nam, mà giờ này nàng vẫn chưa hay biết. Không nghe tiếng nàng, chị Nhị hỏi dồn:

- Em, có sao không em?

Nàng cố nuốt nghẹn, nói nhỏ:

- Không có vấn đề gì đâu chị. Tối nay em đưa tiền cho ảnh. 

Bữa cơm chiều, nàng dằn lòng, giữ vẻ tự nhiên, cười nói, góp chuyện với con. Mãi đến khuya, đứa con đã ngủ say, chồng đang xem phim trước ti vi, nàng đến ngồi bên anh:

- Hồi trưa, chị Nhị gọi em, nhờ em đưa anh tiền, để anh mang về Việt Nam cho mẹ chị. Em đoán là chị nghe lầm.

Anh không quay qua nàng, ngập ngừng:

- Chị Nhị nghe đúng rồi. Anh cần về Việt Nam lo công chuyện cho má.

Nàng cố ghìm giọng mình run rẩy:

- Anh ráng chờ hai tháng nữa, con nghỉ hè. Em lấy ngày phép, cả nhà mình về chung.

Anh cầm remote control, bấm đổi đài liên tục:

- Anh phải về sớm trông coi chuyện xây nhà cho má. Không chờ được.

Nàng thắc mắc:

- Má đang ở đây, đầy đủ con cháu. Tại sao phải gấp gáp như vậy?

- Anh không thể thay đổi gì nữa. Anh đã quyết định bay vào thứ Hai.

Nàng thảng thốt:

- Trời ơi, sao đến bây giờ anh mới nói.

Anh cầm remote control tăng âm thanh. Có lẽ để che bớt lời qua, tiếng lại đang càng lúc càng dữ dội.

- Anh biết tính em. Nói sớm, chỉ mất công em lo, chứ đâu ích lợi gì.

Nàng òa khóc, nói trong những tiếng nấc:

- Tại sao? Tại sao anh đối xử với mẹ con em tàn tệ như vậy?

Nàng nghe anh nói loáng thoáng: “Em thông cảm cho anh. Anh rất thương em, thương con. Nhưng anh phải lo cho má...”  Nàng lấy khăn giấy, lau mắt, xịt mũi, giọng lạnh tanh:

- Anh muốn đi lúc nào, về lúc nào, tùy ý. Chẳng có gì quan trọng.
          
Tối Chủ Nhật, cơm chiều xong, nàng giục con chuẩn bị sách vở và đi ngủ sớm.

- Ba phải đi gấp Việt Nam, lo công chuyện cho bà nội. Bắt đầu từ ngày mai, mẹ sẽ đưa đón con đi học.

Cu Tí hỏi ngay:

- Tại sao? Bao giờ ba về?

Nàng liếc nhìn chồng, trả lời con:

- Ba chưa biết. Lo xong việc cho bà nội là ba về liền với Tí. 

Sáng thứ Hai, anh ôm cu Tí, dặn dò:

- Cu Tí ở nhà phải ngoan, nghe lời mẹ nha. Ba thương con lắm.

Nàng hối:

- Mau lên con, kẻo trễ xe.

Nàng nhìn chồng, ánh mắt đầy trách móc, giận hờn, rồi quày quả dắt con ra trạm xe buýt.
            
Cuối tuần, nàng dắt con về thăm bà nội. Nàng kể cho mẹ chồng nghe những nỗi nhọc nhằn của đứa con. Sáng nó phải dậy sớm hơn, theo nàng đi xe buýt đến trường. Chiều, nàng nhờ mẹ của bạn con đón, xin ở tạm nhà họ, chờ nàng tan sở. Nàng hy vọng, bà nội nghe vậy, xót thằng cháu cưng, bà sẽ bàn với con trai, mau mau về nhà, cho cháu bà đỡ vất vả. Nhưng nàng thất vọng não nề. Khi hai mẹ con lủi thủi ra ga xe lửa, tai nàng vẫn văng vẳng lời mẹ chồng: “Bây giờ thằng Tư chưa đi làm. Nó rảnh không, thì giờ làm gì cho hết. Để nó về bển, coi chuyện nhà cửa. Hồi nào má về Việt Nam, có chỗ đàng hoàng, khỏi phải ở nhờ người khác.”
                                               
*          *          *
           
Nhỏ bạn chuyên làm quân sư cho nàng nghiêm giọng: “Mày làm như vầy, mày làm như kia... cho tao.” Bạn gọi điện thoại “kiểm tra” kết quả. Nàng ấp úng trả bài. Bạn băn khoăn:

- Ủa, sao mày cứ giậm chân tại chỗ vậy. Có tiến bộ gì đâu!

Lâu lâu nghe nàng tường thuật một “sự kiện lịch sử” mới, bạn lại phải suy tính tìm cách giải quyết. Bạn xót xa:

- Ui, tao mệt cho mày ghê. Truyện trinh thám của mày căng thẳng, hồi hộp phát khiếp.

Nàng tỉnh rụi:

- Vậy là mày lời quá rồi. Được coi phim điệp viên 007 miễn phí.

- Xì, tao chẳng ham. Phim của mày làm khán giả đau tim hơn phim James Bond nhiều.

- Vậy thì tao là điệp viên 009. Nàng ngắt lời bạn, tưởng mình có tài ứng biến nhanh hơn 007.

Nhỏ bạn đáp ngay:

- Chín nút hay bù luôn đó. Phim James Bond chẳng có gì đặc biệt. Kết cục lúc nào cũng rõ ràng. Mấy cha điệp viên luôn luôn thắng. Còn mày, sao tao thấy...
 
Nhỏ bạn bỏ lửng câu nói, thở dài sườn sượt. Nàng hiểu những chữ bạn không nói ra. Nàng chẳng thiết thắng bại trong những dàn binh bố trận đang tiếp diễn. Truyện trinh thám buồn của nàng chẳng là một thất bại lớn trong đời nàng đó sao!
 
Hoàng Quân
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nếu quý vị độc giả nào đã đọc câu chuyện tình cảm éo le, oan trái tràn đầy nước mắt: "Thằng Cu Tí và Thằng Cu Tèo" và nếu quy vị nào chưa đọc, thì xin hãy mở Google.com sẽ thấy đế tài này thuật lại 2 vị cao niên về thăm VN để hưởng tuần lễ trăng thanh gió mát quê nhà, sau nhiều năm phải rời bỏ quê hương để sống tha hương ngàn trùng xa cách nơi đất khách quê người đi tìm sự tự do. Nay mới có dịp được quay trở về thăm quê cha đất tổ, đồng thời còn được thưởng thức những món ăn đặc sản quê hương
Tôi lắng nghe, ngạc nhiên nhiều hơn thương cảm. Một người như Tầm mà bị lường gạt về lãnh vực 'xương máu' của mình. Tôi có thể hiểu và cảm thông an ủi trong mọi hoàn cảnh đau buồn, thất vọng của người thân chung quanh. Nhưng tôi lại rất vụng về khi phải đề cập đến mọi giao cảm đối với những con số. Tôi không có duyên phận và chung đường với nó. Nên tôi chỉ biết yên lặng, chờ đợi.
Lúc xưa thật xưa, người Việt Nam ta có tục lệ bầy cỗ Trung Thu vào dịp tết trăng tròn tháng 8 âm lịch. Cỗ này thường để dành cho trẻ con, vừa vui Trung Thu, vừa ăn bánh vừa ngắm trăng tròn, sáng tỏ. Thường cỗ này gồm phần lớn là bánh Trung Thu, bánh dẻo bánh nướng và rất nhiều thứ trái cây, trái cây chánh là bưởi, bưởi hồng đào ngọt và tròn xoay như một vầng trăng. Ăn bưởi xong, có thể sâu hột trái bưởi, phơi khô đi sem sém, và có thể đốt hạt bưởi từng sâu như đốt nến, đèn cầy.
Tường Vi sinh ra lớn lên từ miền “quê hương em nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo hè thời thiếu cơm”. Trước 1975, ba Vi có chức vụ lớn trong quân đội, làm việc tại Đà Nẵng cuối tuần mới ra Huế. Gia đình Vi ở bên kia bờ Sông Hương nằm trên đường Nguyễn Công Trứ, khu nhà vườn rộng mênh mông có bến sông sau, trước ngõ trồng hàng loạt hoa Tường Vi. Mẹ rất thích loại hoa này, nên đặt tên Vi giống loài hoa. Vi có bốn chị em gồm hai em trai (Vinh, Lộc) và gái út (Tường Như), Vi là chị đầu đàng. Năm 13 tuổi vì thi rớt nên phải học trường tư thục Bồ Đề đến năm lớp tám, ba Vi từ Đà Nẵng dẫn theo người thanh niên về Huế giới thiệu tên Sơn, ra Huế học đại học luật khoa, sẽ dạy kèm chị em, làm gia sư ăn ở trong nhà luôn. Vì tò mò hỏi mạ
Sau này, mỗi khi muốn kết bạn với ai, tôi thường nghĩ về Bi, về lúc Bi cầm tay tôi cho con Nâu ngửi với sự trấn an vô tư của trẻ con thời khó khăn nhất. Chúng tôi không có đồ chơi, không có không gian lớp học năng khiếu, thi tài, không có những cuộc chạy đua đồ đạc mới hay chôm đồ đạc của nhau trong lớp học. Chúng tôi chỉ có bàn tay, con Nâu, đường đất đỏ về nhà và một bờ sông nguy hiểm.
Kể cả sau khi ra trường đi dạy, góc nhìn chọn lựa đàn ông của tôi rất giới hạn. Không cần đẹp trai, nhưng không thể xấu. Không quá cao, cũng không thể lùn. Không ăn diện thời trang, cũng không quê mùa. Không nói nhiều, cũng không câm nín. Không cần thông minh, nhưng đừng ngu khờ. Không cần làm anh hùng, nhưng đừng hèn nhát. Nhưng các tiêu chuẩn này không có nghĩa tôi sẽ chọn người trung bình.
Một ngày cuối tháng tám, vợ chồng tôi chở anh chị đi chơi, ăn uống; đang ăn bỗng dưng anh nhìn xa xăm, nói vu vơ như không cần người nghe: - Tôi cần một phương pháp trợ tử! Tôi giật mình lo lắng đưa mắt nhìn chị, nước mắt đong đầy trong hốc mắt, chị nhẹ nhàng tâm sự: - Ai cũng phải đến ngày đó thôi! Anh đã chịu đựng đau đớn mỗi lần lọc thận về, ăn uống không được ngon miệng nữa, ngủ nửa đêm thức giấc vì nóng hay lạnh quá, không được uống quá nhiều nước cho dù có khát cách mấy vì thận đã không làm việc nổi. Anh lại thương chị mỗi khi thấy chị cực giúp anh làm vệ sinh cá nhân. Con cái ở xa, chúng có cuộc sống riêng, đâu thể lúc nào cũng kề cận lo cho cha mẹ mãi được, khi cần chúng có thể đến giúp có hạn mà thôi…
Tuy không còn ở đó nhưng hắn vẫn thường nhớ những chiếc lá vàng trên cây khế nhẹ rơi, giàn hoa giấy rực rỡ cười với nắng trước mưa chiều. Cái máy hát cũ kỹ với băng đĩa nhão vừa hợp với nhạc sến, “tình chỉ đẹp khi còn dang dở…” Hắn gởi gió cho mây ngày bay một đoạn đời hư thực huyền ảo như lời nhạc rả rích từ cái máy hát lớn tuổi hơn hắn lúc bấy giờ khi những toan tính về tương lai chưa có đáp số thì bài toán một với một đã không bao giờ là hai từ khi em lấy chồng.
Chiếc Airbus A380 của hãng hàng không Emirates từ từ đáp nhẹ nhàng xuống phi trường quốc tế Tokyo Narita. Airbus A380 là loại máy bay khổng lồ, có thể chứa trên 500 hành khách, chỗ ngồi rộng rãi, thoải mái và bay rất êm...
Tuy Hòa, nơi tôi sống quãng đời thơ ấu, là một thành phố nhỏ hiền hòa nằm sát bờ biển, giống như nàng “Mỹ Nhân Ngư” phơi tấm thân kiều diễm trên bãi cát trắng tinh. Nàng dựa đầu trên núi Chóp Chài, đôi mắt mơ màng nhìn ra biển Đông, nghe gió thổi vi vu qua những bãi thùy dương dày đặc trên bãi biển Đại Lãnh, đầu đội vương miện hình Tháp...
Hôm nay, tôi lại có dịp ghé vào “cõi riêng” của tôi để lau dọn, quét bụi. Nhìn thùng sách nằm nơi góc phòng, tôi nhớ anh Quang, không dám mở thùng sách ra, rồi chẳng hiểu sao, lại tha thẩn ngồi xuống ngắm nghía những cuốn albums và tủ sách của riêng mình. Tôi nhẹ nhàng lấy ra từng cuốn sách, xem tựa đề, để tâm hồn lại lang thang trôi về quá khứ.
Có nhiều người tự hỏi là tại sao sang đến xứ tự do tạm dung này lại có những chuyện buồn như thế xảy ra cho người đàn ông, thay vì chỉ thường thấy xảy ra cho người đàn bà khi chúng ta còn ở quê nhà. Chắc rất nhiều người trong chúng ta, nhất là phái nam, đều hiểu rõ có nhiều nguyên nhân rất sâu xa, tế nhị, phức tạp, không tiện nêu ra ở đây, nhưng câu chuyện tình buồn được kể lại sau đây là một trong những trường hợp điển hình
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.