Hôm nay,  

Mẹ ơi!

13/05/202321:16:00(Xem: 1841)
Tùy bút Mother's Day

IMG_5439


Gửi đến Mẹ tình yêu của con

Mong Mẹ nơi xa ấm linh hồn

Đời con kể từ khi vắng Mẹ

Chẳng còn nỗi buồn nào buồn hơn

 

Trong tám anh chị em tôi, Mẹ cưng chiều tôi nhiều hơn, có lẽ vì tôi thuộc nhóm út ít và… dữ như bà chằng (ai biểu Mẹ sinh ra tôi với cái mũi tẹt và cái trán dồ làm chi!).
     Đi đâu Mẹ cũng đưa tôi theo, hoặc do tôi đòi theo, thì dù có bận rộn thế nào mẹ cũng cho đi, còn hơn là để con bé đùng đùng giãy khóc. Buổi sáng hai mẹ con thường ra chợ nhỏ trong xóm, mấy bà bán hàng nhìn thấy hai mẹ con, gọi đùa tôi là  “bé Tẹt cục vàng” của Mẹ, khiến tôi hãnh diện vênh vênh cái mặt tròn như bánh cam với mái tóc muỗm dừa. Trong lúc Mẹ lo chuyện chợ búa thì tôi tha hồ ăn hàng, các bà bán hàng quen Mẹ nên bán quà cho tôi hậu hỉ hơn người khác.
     Thỉnh thoảng Mẹ dẫn tôi bắt taxi ra Sài Gòn đến ngân hàng Việt Nam Thương Tín gửi tiền rồi ghé qua Chợ Bến Thành mua sắm. Đi chợ xa, như cá gặp nước, tôi đòi Mẹ mua các thứ “thời trang” điệu đà. Mới 7-8 tuổi đầu, mà tôi có đầy đủ: guốc gỗ bước đi nghe lộc cộc, áo dài màu vàng, cây dù đỏ chói loá, bóp đầm màu hồng tía, và cả đôi mắt kiếng “thời thượng”, đó là chưa kể bông tai, dây chuyền vàng (giả) đeo khắp người.
     Mỗi lần mua sắm lung tung như thế, về đến nhà, hai mẹ con phải canh chừng nếu có anh Hai của tôi ở nhà thì sẽ... né. Anh đang học Đại Học Khoa Học, anh rất siêng năng chăm chỉ vì quyết chí vào Y Khoa. Anh thường ngồi ngay chiếc bàn giữa nhà, anh nhét bông gòn vào hai lỗ tai để khỏi phải nghe những tiếng động xung quanh. Anh cúi đầu vào sách vở, dùng hai bàn tay che hai bên mắt để tập trung toàn bộ chuyện học hành. Tôi đứng thập thò ngoài cửa với những túi đồ mới sắm, Mẹ rón rén vào trước, nếu thấy anh không nghe biết gì, Mẹ vẫy tay ra dấu, lúc ấy tôi mới từ từ, nhẹ nhàng lách vào nhà, tới cầu thang leo lên gác coi như …thoát nạn thành công.
Anh Hai hay phàn nàn Mẹ chiều con Tẹt quá, mua sắm cho nó đủ thứ mai mốt nó sẽ quen thói đua đòi và với tôi thì anh nghiêm trang răn dạy, kể cả đe dọa bắt quỳ gối đánh đòn nếu tôi vẫn vòi vĩnh Mẹ. Mỗi lần bị anh Hai mắng, tôi tìm Mẹ để khóc bắt đền. Mẹ lại dỗ dành và hứa hẹn lần sau Mẹ sẽ mua cho tôi… nhiều hơn.
     Có lần, Mẹ tiễn tôi ra cửa đi học. Trường cách nhà một con đường nên tôi đi bộ đến trường. Mẹ cho tôi 2 đồng như thường lệ để ăn quà, hôm đó tôi lại xin 5 đồng để mua thêm món đồ chơi, lần này Mẹ không chiều tôi vì tôi đã có một mớ đồ chơi còn cất dấu trên gác. Tôi vùng vằng trả lại Mẹ 2 đồng và bước đi. Được vài bước, tôi nghe Mẹ gọi với theo: “ Tẹt ơi, quay lại lấy 5 đồng đi con!”
     Mẹ đã chịu thua tôi, thế mà tôi vẫn giận Mẹ, lầm lì bỏ đi một mạch, không thèm 2 đồng hay 5 đồng, mặc kệ Mẹ đứng đó nhìn theo.
     Mẹ đổ bệnh vào thời điểm tháng tư 1975, ngay như bà chị Cả mới hơn hai mươi tuổi đầu còn chưa hiểu thấu, huống gì những anh chị em còn lại, ở tuổi xấp xỉ nhau, “ăn chưa no lo chưa tới”. Rồi Sài Gòn bị “giải phóng”, căn bệnh của Mẹ không phải là bệnh hiểm nghèo, nhưng trong lúc xã hội nhiễu nhương, bệnh viện thiếu thốn từ bác sĩ đến thuốc men nên Mẹ đã ra đi khi tôi vừa chín tuổi. Ở cái tuổi còn quá ngây thơ, tôi đã khóc khi biết mình mất Mẹ, nhưng nỗi buồn cũng thoáng qua mau.
     Đêm cuối cùng trước khi Mẹ được đem ra nghĩa trang, tôi nằm ngủ trên gác, trong chiếc mùng rộng với một số anh chị em họ hàng khác. Chúng tôi nằm chồng chéo, ngổn ngang vì mệt nhoài của những ngày đám tang. Nửa đêm trong cơn mộng mị, tôi thấy Mẹ vén mùng, vào đắp mền cho tôi như mọi khi, nhưng lần này Mẹ mặc áo dài, tà áo dài của Mẹ, màu dưa cải bằng vải “tê tơ rông” mềm mại, lướt trên người tôi êm ái, phảng phất một mùi hương quen thuộc, mùi của Mẹ. Mẹ cúi xuống ngắm khuôn mặt tôi rất gần, hình như Mẹ muốn ôm tôi. Nhưng tôi bỗng choàng tỉnh dậy vì những tiếng động dưới nhà chuẩn bị cho buổi lễ di quan, đưa tôi trở về thực tại, và tôi nhận ra chiếc áo dài hồi nãy trong mơ chính là chiếc áo dài Mẹ đang mặc trong quan tài. Thế là tôi bật khóc nức nở như chưa bao giờ được khóc. Bà thím và bà chị họ nằm mùng bên cạnh liền qua hỏi han, dỗ dành, tôi càng khóc lớn hơn và mếu máo nói, rõ ràng tôi vừa thấy Mẹ về, làm bà thím và bà chị họ cũng sụt sùi khóc theo.
     Mẹ đi rồi, nhà vắng buồn tênh, lại là khoảng thời gian đối đầu với chế độ mới, bận rộn mưu sinh, thiếu Mẹ là thiếu người lo toan cho chúng tôi từ việc nhỏ đến việc lớn: món ăn ngon Mẹ tẩm bổ cho anh tôi thức đêm học thi, nhắc nhở tấm áo dơ tôi chưa kịp thay cho Mẹ giặt ...Những thời gian đầu vắng Mẹ ấy, chúng tôi thường nhìn ảnh Mẹ trên bàn thờ mà khóc. Đầu óc thơ trẻ của tôi ước ao có phép lạ cho Mẹ sống lại, để tôi vẫn được theo Mẹ ra chợ, đi chơi và về nhà với các món hàng tôi đòi Mẹ mua sắm.
     Mẹ có “về” thăm một người hàng xóm thân thiết của gia đình. Bà ấy kể, Mẹ nói nhớ chúng tôi lắm, nhưng biết chúng tôi yếu bóng vía, sợ ma, nên Mẹ không dám “về” với chúng tôi.
     Rồi tôi cũng lớn dần theo thời gian, hình bóng Mẹ còn đầy ắp trong căn nhà và trong lòng chúng tôi. Trên gác, tủ quần áo của Mẹ vẫn còn một vài món đồ chơi của tôi mà hai mẹ con đã cất dấu trong đó, tôi không dám mở tủ vì biết mình sẽ khóc òa với bao kỷ niệm.
     Vào tuổi thiếu niên, những buổi chiều tối chơi với lũ bạn trong xóm, chúng được mẹ ra tận nơi gọi về ăn cơm hay đi ngủ, còn tôi thì tự đi về, tôi lại cảm thấy nhớ Mẹ vô cùng.
     Hồi tôi học cấp hai, trường có tổ chức buổi picnic mùa hè cho các học sinh. Tôi đến nhà nhỏ bạn thân từ mờ sáng chờ nó cùng đi ra chỗ picnic. Nó vẫn chưa chuẩn bị xong vì mẹ nó còn lúi húi gói cho nó miếng xôi mới nấu, dặn dò nó đủ thứ linh tinh và đưa cả túi quần áo thiệt bự có cả dầu gió, thuốc thang tùm lum. Tôi chạnh lòng, bỏ ra ngoài sân và tự nhủ: “Mình không còn Mẹ, nhưng mình còn Ba và bảy anh chị em khác nữa. Cả nhà mình yêu thương, chăm sóc lẫn nhau, mình được ăn học đầy đủ, tử tế. Còn nhỏ bạn này, nó không có anh chị em, nên mẹ nó không lo cho nó thì lo cho ai?!” Trấn an mình xong, tôi thấy mình rất can đảm và mạnh mẽ.
     Nói thì nói thế, càng lớn khôn thêm, tôi càng đa sầu đa cảm, dễ xúc động, mong manh. Mỗi khi nghe bài hát Kỷ Niệm của Phạm Duy: “Cho tôi lại ngày nào/Trăng lên bằng ngọn cau/Me tôi ngồi khâu áo /bên câу đèn dầu hao /Ϲha tôi ngồi xem báo/ Phố xá vắng hiu hiu/ Trong đêm mùa khô ráo /tôi nghe tiếng còi tàu…” là lòng tôi lại thổn thức!
     Dẫu sao, sau mỗi lần yếu đuối, khóc thương, tôi lại thấy mình thêm trưởng thành. Có lẽ Mẹ biết vậy, nên đã “về” thăm tôi một lần trong giấc mơ.
     Tôi thấy một buổi tối, cả xóm cúp điện lặng im như tờ, tôi đi lang thang vô định ra đầu ngõ. Đúng lúc ấy, một chiếc xe bus dừng lại để tôi bước lên. Cả chiếc xe vắng tênh mờ ảo, chỉ thấy bóng người tài xế và một hành khách ngồi bất động nơi cuối xe. Tôi tiến về phía đó thì nhận ra Mẹ, tôi mừng rỡ kêu lên “Mẹ Ơi!” rồi ngồi thụp xuống dưới chân Mẹ, vùi đầu vào lòng Mẹ. Mẹ không nói gì, chỉ cúi xuống xoa mái tóc tôi. Tôi lặng im tận hưởng những phút giây ấm áp sung sướng đó. Rồi xe bus dừng lại, tôi phải đứng dậy xuống xe, mà Mẹ vẫn ngồi im. Tôi hỏi: “Mẹ về nhà với con không?” Mẹ vẫn không nói mà chỉ lắc đầu. Nước mắt tôi ràn rụa bước ra khỏi xe như cơn mộng du. Rồi tiếng reo hò của lũ trẻ con trong xóm vang lên: “Có điện! Có điện!” khiến tôi bừng tỉnh giấc chiêm bao. Chiếc áo gối đã ướt đẫm nước mắt và mồ hôi của tôi tự lúc nào.
Đó là giấc mơ tôi gặp Mẹ “về”, cùng với giấc mơ đêm nào trước khi tiễn Mẹ ra nghĩa trang, sẽ mãi mãi theo tôi suốt cuộc đời!
     Con bé Tẹt mê "shopping" của Mẹ ngày xưa, bây giờ vẫn thích "shopping" mua sắm điệu đàng, nhưng không đua đòi như anh Hai đã từng lo xa và nhất là không còn bướng bỉnh như đã từng "hành hạ" Mẹ nữa.
     Mẹ ơi, nếu giờ đây vẫn còn Mẹ, dù con có luôn gần kề Mẹ, chăm sóc chiều chuộng Mẹ thật nhiều lúc tuổi già, thì cũng không thể nào đền đáp đầy đủ tình yêu Mẹ đã dành cho con một thuở bé thơ.
 

– Kim Loan

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Mạ xếp hạng chuyện học hành của con cái là quan trọng hàng đầu. Với tiệm sách và quán cà phê, Mạ đã quán xuyến, lo cho gia đình có cuộc sống sung túc, thoải mái một thời gian dài...
Nghe tin chú Nghĩa sắp cưới vợ, bà con trong khu phố xôn xao nửa tin nửa ngờ. Chuyện lập gia đình ai trưởng thành chả thế! Ấy vậy mà với chú Nghĩa thì chuyện này hơi lạ. Đến khi chú đem thiệp đi mời hẳn hoi vậy chắc chắn là sự thật rồi không còn nghi ngờ gì nữa!
Từ ngày về hưu non, hai vợ chồng tôi cứ lục lọi hết website này đến website khác để tìm nơi đẹp đi du lịch; sợ rằng sự hào hứng của tuổi trẻ sẽ không còn nữa, nên phải đi hết những chỗ mình ao ước từ hồi nhỏ đã đọc sách mà không có thì giờ và phương tiện để thực hiện...
Cơn mưa nhỏ lướt qua bầu trời từ bình minh cũng đã chấm dứt; một tia nắng vàng lách qua lùm cây sồi chui vào góc chuồng cừu lớn. Những chú cừu đực ngập trong rơm rạ của máng ăn buổi sáng vừa ngẩng đầu về phía tia nắng và kêu be be...
Bây giờ, việc đi về giữa Mỹ và Việt Nam thật dễ dàng. Nhưng vào thập niên 80, 90 người đi kẻ ở tưởng chừng là biệt ly mãi mãi. Bạn đã nói với tôi như thế trong nước mắt. Và với sự ngăn cấm của gia đình, với tuổi trẻ khờ dại nông nổi, họ đã lạc mất nhau. Để rồi suốt phần đời còn lại, nỗi đau vẫn còn là vết thương rưng rức. Tôi xin ghi lại câu chuyện tình của bạn, như là một lời đồng cảm...
Ngạn rời căn nhà đó và xuống đây theo đơn xin đi làm trong hảng thịt bò. Ngày Ngạn đi cũng buồn tẻ ảm đạm như ngày anh rời đất nước. Người vợ và hai đứa con tiễn anh ở bến xe buýt ''Con chó rừng''...
Chiếc ghe vượt biển nhỏ xíu, mỏng mảnh của chúng tôi vậy mà chất lúc nhúc đến hơn 80 thuyền nhân, chẳng khác nào một cái lá lạc loài trên đại dương mênh mông, không biết đâu là bờ bến. Đoàn người rời bỏ quê hương tụm năm tụm ba, rải rác khắp thuyền, co ro trong cái lạnh ngoài khơi xa tít tắp, đầu óc hoang mang với trăm ngàn ý nghĩ...
Hôm ấy, trên facebook Group của nhóm cựu thuyền/ bộ nhân ty nạn Thailand, có xuất hiện bài post của Đức, chụp hình vợ chồng Đức đang tiễn con gái tại sân bay Tân Sơn Nhất đi qua Dallas Hoa Kỳ định cư theo chồng mới cưới. Ôi, chàng Đức chung chuyến tàu của tôi. Nhiều người quen cũ vào để lại những comments chúc mừng, cũng là những người tôi biết mặt biết tên, tôi liền vào tham dự, góp vui...
Người ta nói: “Hết quan là hoàn dân” và chỉ mong có vậy, đừng hết quan hoàn…tàn phế” thì buồn quá! Hôm nay lão Dụng đã tự ngồi dậy được. Lão không nhớ là mình đã nằm như khúc gỗ mục, bất động bao lâu rồi! “Mới đó mà đã lại sang một năm mới. Thời gian bây giờ có nghĩa gì đâu chứ!”: Lão lẩm nhẩm một mình!...
Trong một căn phòng motel nhỏ sạch sẽ gọn gàng chăn ga gối trắng, trên giường phủ một tấm trải lớn có thể dùng làm chăn đắp màu lông chuột, một người phụ nữ nằm khóc, và người đàn ông đang ra sức dỗ dành. Cô gái mếu máo “Anh à, anh X đã bỏ đi rồi!”...
Những ngày cuối tháng tư quân trường Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung vẫn đang cắm trại, chồng tôi chưa về, nhưng trước khi đi anh đã bảo tôi ở nhà có gì thì bám theo cha mẹ và các em để đùm bọc lẫn nhau. Gia đình cha mẹ tôi ở gần nên hai nhà như một...
Tôi bồn chồn liếc mắt nhìn đồng hồ, rồi lại nhìn chừng về phía hội trường đầy ấp hơi người và ồn ào tiếng cười nói. Đã hơn tám giờ mà chương trình vẫn chưa bắt đầu. Chưa bao giờ tôi thấy khó chịu về chuyện giờ giấc như lúc nầy. Thấp thoáng trong đám đông, tôi thấy Khánh đang chạy đôn đáo chừng như kiểm điểm sự có mặt của một số khách “nồng cốt”, để bắt đầu chương trình...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.