Hôm nay,  

Quên, Có Được Không?

23/07/202100:00:00(Xem: 4533)

Mười bảy tuổi đã làm mẹ. Cô gái ấy rụt rè như đứa trẻ. Cô đứng nhìn đứa bé sơ sinh như nhìn một vật lạ. Đứa bé có nước da vàng sậm. Người ta đặt nó trong lồng kính. Cô y tá bảo đó là cái incubator. Cái lồng ấp. Ấp đứa bé như người ta ấp trứng. Nhưng cái lồng ấp trong bệnh viện hôm nay không ấp trứng mà ấp đứa bé mới chào đời. Bác sĩ bảo cơ thể hài nhi tự nó chưa đủ khả năng biến dưỡng chất mật nên bilirubin tràn lan trong máu và đọng lại dưới da, thành ra da đứa bé màu vàng sậm. Bệnh viện đặt con của cô trong lồng ấp vài hôm dưới ánh đèn màu xanh da trời để tia sáng giúp làm tan bớt chất sắc tố mật đọng dưới da. Người mẹ đứng vẩn vơ bên cạnh cái lồng ấp. Đứa bé có miếng vải che hai con mắt để tia sáng khỏi làm hư nhãn cầu. Mười bảy tuổi. Người mẹ vừa mới qua cái tuổi dậy thì; cái tuổi (lẽ ra) bận rộn với đèn sách và (dĩ nhiên) tíu tít những hẹn hò.

Bạn thân mến. Đó là phần đầu của một câu chuyện thật. Phần cuối mới có nhiều điều đáng nói. Và trước khi kể tiếp câu chuyện có thật này có lẽ tôi cũng nên học theo những tay nhà báo trong nước, và chạy một cái “tít” đầy lôi cuốn, đại khái như: “Chuyện một người mẹ cho đi đứa con mới chào đời và cái kết bất ngờ.”

Đứa bé vàng khè như củ nghệ ấy nằm trong lồng ấp chỉ vài hôm thì cái thứ sắc tố màu vàng kia tan đi, và da dẻ nó hồng hào trở lại. Như người nữ diễn viên o bế nhan sắc để khi lên sân khấu khán giả thấy cô lung linh, rực rỡ; như con gà con vịt vỗ cho béo tốt, hồng hào để bán cho được giá; đứa trẻ sơ sinh ấy được nuôi trong lồng ấp cho da dẻ thôi vàng sậm, cho hồng hào, dễ thương trước khi người mẹ đặt tay lên tờ giấy cam kết ký vào cái ô đồng ý cho đi núm ruột của mình.

Bạn thân mến. Tôi có dịp làm nhân chứng cho buổi ký giấy tờ “sang nhượng” ấy. Tờ giấy quan trọng ấy bảo rằng người mẹ mười bảy tuổi kia sẽ tuyệt đối không được tiếp xúc, liên lạc - trực tiếp hay gián tiếp - với đứa bé – nó không phải là con của cô nữa đâu nhé! (nhân viên xã hội dặn dò người mẹ mười bảy tuổi như thế) – cho đến khi đứa bé lên 18 tuổi.

Những giấy tờ ấy đã được ký cách đây ba chục năm. Nếu ký ngày hôm nay, hẳn sẽ có thêm những chi tiết như “không tiếp xúc, không liên lạc trực tiếp hay gián tiếp, với đứa bé qua các phương tiện như điện thoại, Facebook, email, twitter, Viber, Whatsapp, Instagram…” hệt như điều kiện trong những “restraining order” của tòa án.

Mấy mươi năm rồi, tôi vẫn nhớ những giọt nước mắt của người mẹ trẻ khi ngập ngừng ký tên mình vào tờ “án lệnh”, và tôi cũng không quên được con mắt đen tròn của đứa bé khi cô y tá đem nó ra khỏi cái lồng ấp cho mẹ nó bế nó trên tay một lần cuối cùng. Tôi vẫn nhớ khi nó ọ oẹ đòi bú, mẹ nó đút ngón tay vào miệng nó, và nó ngậm lấy ngón tay ấy mút ngon lành theo phản xạ. Mấy mươi năm rồi, tôi vẫn băn khoăn không biết khi qua cái tuổi mười tám, đứa bé năm xưa có truy tìm cho ra mẹ ruột của nó không.

Rồi khi biết những người nuôi mình từ buổi sơ sinh là cha mẹ nuôi và nó bỗng dưng muốn nói với mẹ ruột (cô gái mười bảy tuổi năm xưa) chỉ một câu thôi, thì nó sẽ nói câu gì?

Đứa bé chắc chắn không thể hình dung ra khuôn mặt, ra vóc dáng, ra giọng nói, ra cử chỉ của mẹ nó nhưng mẹ nó – cô gái mười bảy tuổi năm ấy – có lẽ sẽ không quên nước da hồng hào của nó khi người ta đem nó ra khỏi lồng ấp, cùng hình ảnh cái miệng nhỏ xíu ọ oẹ đòi bú và cảm giác êm ái khi cái miệng bé tí ấy mút trên đầu ngón tay mình.

Mà có chắc cô gái mười bảy tuổi dạo ấy còn nhớ không. Nhiều hy vọng cô đã có một mái gia đình êm ấm, cô đã có những đứa con, và những đứa con ấy có cha có mẹ trọn vẹn chứ không như đứa bé vàng vọt ngày xưa trong khai sinh còn chưa kịp mang họ mẹ. Tôi đoán người mẹ ấy đã quên, và nếu quên hẳn được thì đó biết đâu lại là điều may mắn. Bởi có nhớ cũng chẳng thay đổi được gì.

Trên thế giới này có không biết bao nhiêu người mẹ phải cho đi đứa con mình vất vả cưu mang suốt chín tháng mười ngày. Và những chuyện như thế tưởng chừng chỉ có trong những cuốn phim bộ dài tới mấy mươi tập, để khán giả trốn chạy thực tại được phút nào hay phút ấy, tránh né được càng nhiều càng tốt những cảnh đời nhiễu nhương giữa cuộc sống nghèo nàn, đầy áp bức, bất công; và để khi thấy nhân vật đau khổ, người xem bỗng dưng thấy mình dù sao cũng còn hạnh phúc.

Chuyện tôi vừa kể xảy ra ở Xứ Tuyết. Bạn hãy cùng tôi về đất nước có cái tên dài lê thê Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

Hãy hình dung một người đàn bà lam lũ, nặng trĩu trên vai quang gánh kẽo kẹt những củ khoai củ sắn sần sượng. Và khệ nệ phía trước một cái bụng vun tròn của bào thai vừa bước vào tháng thứ tám. Trên con dốc mòn dẫn ra phố chợ, một khách hàng đón đầu chị bán khoai, hỏi han chiếu lệ về những củ khoai sùng trong cái thúng tuột cạp phải niềng thêm bằng những sợi dây lác chằng chịt. Người đàn bà mừng rỡ vì có người hỏi tới những củ khoai củ sắn ế ẩm. Nhưng chuyện bán buôn dừng lại ở đó, bởi người khách kia hỏi thẳng chị có muốn có một số tiền lớn không. Chị bán khoai ngỡ ngàng. Tiền thì ai không muốn. Gia tài nhà chị chưa bao giờ có được tới mười triệu đồng tiền nhà nước Việt Nam. Chị đặt quang gánh xuống, vừa thở hì hạch vừa nhìn người khách lạ mà không biết trả lời sao cho phải lẽ. Người khách ấy không vòng vo xa xôi. Người khách ấy nhìn đăm đăm vào mắt chị, rồi chỉ vào cái bụng căng tròn nếp áo của chị và bảo nếu chị chịu qua Trung Quốc để sinh con thì chị sẽ có tám mươi triệu nếu đứa bé là con gái, và từ bốn mươi đến năm mươi triệu nếu đứa bé là con trai.

Chị bán khoai có ba ngày để suy nghĩ. Suốt ba ngày ấy, con số 40 cùng con số 80 ám lấy chị. Hạn ba ngày chưa hết, chị đã xuống phố chợ, tìm người khách kia, cho chị ta câu trả lời.

Và khi thai kỳ qua đến tháng thứ chín, người đàn bà bán khoai ấy quyết định sang Tàu đẻ con.

Người ta đưa chị đến thị trấn ven biên, người dẫn đường đưa chị len lỏi những lối mòn hoang vu, qua những khoảng rừng thưa, băng qua nhiều con suối, đi thuyền, đi xe cả ngày trời. Và người ta giấu chị trong một căn nhà tối tăm ẩn khuất cuối con ngõ cụt. Người ta cho chị ăn uống đầy đủ nhưng không được phép ra ngoài. Chị bán khoai Việt Nam lưu lạc giữa một thôn xóm xa lạ trong nội địa nước láng giềng phương bắc.

Rồi cái ngày quan trọng đã tới. Những cơn đau rung cả giường chiếu. Những lời trấn an (hay la mắng) bằng ngôn ngữ xa lạ vây quanh chị. Thời gian ngừng trôi. Bọc nước ối vỡ. Đứa bé chào đời. Sản phụ người Việt Nam dẫu lả đi vì cơn đau bất tận cũng cố chống tay ngồi dậy để nhìn con mình, nhưng một người đàn ông đã nhanh nhẹn cuốn hài nhi vào mấy lớp khăn vải và bế vội ra ngoài. Sản phủ nghiêng đầu lắng nghe tiếng khóc trẻ sơ sinh xa dần rồi chìm vào tiếng xào xạc của cành lá rậm rạp cọ vào mái nhà. Sản phụ người Việt Nam xớn xác hỏi: Cháu là con trai hay con gái vậy? Những người Tàu chung quanh không trả lời. Có thể vì họ không hiểu tiếng Việt, cũng có thể họ không bận tâm trả lời. Một người đưa cho chị cọc tiền giấy. Sản phụ run rẩy mở mớ Nhân Dân Tệ ấy ra đếm. Sản phụ nhẩm tính. Sản phụ băn khoăn không biết con mình là trai hay gái, cho đến khi đếm xong cọc tiền và nhẩm tính trị giá tương đương qua tiền nhà nước Việt Cộng. Tám mươi triệu. Chị hiểu là chị vừa sinh con gái.

Và chị thầm hỏi không biết con gái có giống mình không.

Ngày hôm sau, người ta đốc chị khăn gói chuẩn bị lên đường. Chị lại đi xe cả ngày trời, lại đi thuyền, lại lội suối, lại băng rừng, lại len lỏi những lối mòn để về lại quê nhà.

Chuyến vượt biên mẹ đi cùng với con. Chuyến hồi hương mẹ chỉ có một mình.

Đường về, chị gặp người đồng cảnh ngộ. Cũng người Việt, cũng phụ nữ, cũng nghèo, cũng có thai, cũng đem con đi bán, nhưng người đồng cảnh ngộ ấy không may mắn như chị. Người ấy chỉ thu về được có bốn mươi triệu tiền nhà nước Việt Cộng.

Bạn thân mến. Tôi chỉ gặp người mẹ mười bảy tuổi một lần duy nhất khi cô ấy ký giấy cho đi đứa con mới sinh được một tuần. Tôi cũng chỉ thấy đứa bé ấy thấp thoáng qua khung kính khu trại trẻ sơ sinh lúc mẹ nó đút ngón tay vào miệng cho nó mút. Không bao giờ gặp lại họ nên tôi không có “cái kết bất ngờ” như các anh chị nhà báo Việt Cộng hay “giật tít”. Tôi cũng không biết đoạn kết liên quan đến những sản phụ Việt Nam sang Tàu bán con ra sao. Tôi chỉ biết thương những bé gái Việt (dưới một góc nhìn khác) sau khi bị bán sang Tàu, sẽ chỉ là những công cụ đáp ứng cho hậu quả của việc nhà nước cộng sản Tàu áp đặt chính sách mỗi nhà chỉ được phép có một con phối hợp với quan niệm cổ lỗ và phản khoa học rằng chỉ con trai mới có thể duy trì nòi giống; còn những bé trai Việt Nam lớn lên trong gia đình Tàu, nói tiếng Tàu, thấm nhuần thứ văn hóa của những kẻ tự nhận là mình trung tâm của thế giới, lớn lên đi lính Tàu và biết đâu trong một lần “dạy cho bọn Việt Nam một bài học”, nó gặp lại người đàn bà đem nó đi bán năm xưa.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Một thời gian ngắn sau Hiệp Định Genève tháng 7, 1954, gia đình chúng tôi rời Phủ Cam dọn vào ở trong khuôn viên trường Đồng Khánh. Măng chúng tôi dạy môn Nữ Công Gia Chánh, và có lẽ vì là một quả phụ với 6 con, nên được Bà Hiệu Trưởng Nguyễn Đình Chi, ưu ái giúp đỡ cho gia đình được sống trong 2 căn phòng trên lầu Ba (bên phải, nếu từ cổng trước nhìn vào). Cùng ở trên lầu Ba sát cạnh gia đình chúng tôi là gia đình của bà quả phụ Trần Thi, mà chúng tôi thường kêu là Dì Hoàn vì Dì là bạn của Măng tôi từ khi 2 người học chung với nhau tại trường Đồng Khánh trong thập niên 30. Gia đình Dì cũng đông không kém gia đình tôi – 7 người. Dì ít cười và có vẻ nghiêm khắc. Các nữ sinh nghỉ trưa tại trường rất sợ gặp “Bà Thi”, dễ bị Bà la rầy hay cho “kỷ luật”, nhất khi bị bắt gặp đi lang thang trong hành lang thay vì phải ở trong phòng học.
Hạo chỉ có cậu Tân là người cậu duy nhất. Mẹ Hạo là chị cả trong gia đình có bốn người con. Mẹ, dì Hiên, cậu Tân và dì út Hậu. Cậu Tân vốn là một nông dân chính hiệu. Hình như cậu học mới qua bậc tiểu học là cậu bỏ cây bút để cầm cái cày, cái cuốc. Đến năm cậu trên bốn mươi, cậu đã có bảy người con, bốn trai, ba gái. Có lẽ cậu thấy cuộc sống làm một người nông dân quá cực hay sao mà cậu nhảy ra tham gia chánh quyền. Cậu được bầu làm xã trưởng...
Những chuyến xe ngập ngừng, chậm chạp lăn trên con đường gập ghềnh để chuyên chở đoàn người đi thăm cha, anh, em, con, chồng ở khắp nơi trong những trại tù, nơi mà lớp người mới gọi là "Trại Học Tập Cải Tạo" nghe ngược ngạo, chua chát nhiều đắng cay. Từ Quốc Lộ 1, phải đi khoảng chừng 2 cây số, trên một con đường mòn, xuyên qua rừng cây gỗ quý cẩm lai là đến trại tù cải tạo Hàm Tân...
Cuộc hôn nhân ngắn ngủi vài năm của Bình với người vợ cũ tan vỡ. Mộng Điệp là người phụ nữ vật chất, đứng núi này trông núi nọ, tính nết đanh đá chua ngoa luôn có những lời nặng nhẹ chê bai chồng không biết kiếm tiền giỏi như người ta...
Chuỗi dài thời gian của quá khứ ta còn giữ được. Giữ được mãi mãi cho đến khi trí đã mòn sức đã kiệt. Giây phút hiện tại coi như chẳng có gì. Nó vuột khỏi tay ta từng sát na rồi cũng tan biến vào quá khứ đề xếp hàng cùng với chuỗi thời gian đã qua. Tương lai là điều chưa có, chưa đến nên ta cũng chẳng làm chủ được gì của những điều ở cõi xa thẳm diệu vợi...
Hôm đi Cần Thơ, đứa cháu gọi bằng chú kể chuyện đi Hòn Kẽm- Đá Dừng, ranh giới tự nhiên hiện nay giữa 2 huyện Quế Sơn-Hiệp Đức, một địa danh mà thời trung học và đến mãi sau này tôi vẫn nghĩ là vùng núi non hiểm trở phía thượng nguồn sông Thu Bồn, nơi được biết đến nhiều bởi trận lụt kinh hoàng ở Quảng Nam năm Giáp Thìn 1964...
Mùa hè một chín bảy hai, cha tôi tử trận ở Long Mỹ, để lại một vợ và bốn con. Mẹ lúc đó mới ba mươi sáu, tôi mười lăm và thằng Thanh vừa bảy tuổi. Sau gần ba tháng bàng hoàng, tang thương mẹ tôi trở lại với cuộc sống cơm áo đời thường với đàn con nhỏ dại...
Ngồi trên bãi biển Nha Trang khi thủy triều xuống cuốn nước xa bờ để lại vạt cát dài màu trắng mịn, và lúc nắng chiều chiếu xiên trên mặt biển gợn sóng lăn tăn, trông như dải lụa dát vàng lung linh đến tận các hải đảo xa mờ mây nước, khách nhàn du sẽ mê mẩn với sắc màu kỳ diệu của buổi chiều tà mà quên hết cảnh huyên náo chung quanh...
Buổi tối hôm ấy, Quân đến nhà Phượng chơi như thường lệ. Sau vài câu thăm hỏi tình hình bệnh của má Phượng, chàng thầm thì...
Mấy nay phân xưởng Debug của hãng máy tính nhận người vô liên tục, hàng hóa đang cần gấp. Hoài Hương lướt web và thấy hãng IMF đang cần nhiều người làm việc, có thể làm bán thời gian hoặc toàn phần...
Hoạt đạp chiếc xe đạp cà tàng đi lang thang trên khắp những con đường Sài Gòn để mua đồ phế liệu...
Tôi thuộc lứa sinh viên “tú tài Mậu Thân, cử nhân Nhâm Tý”, nhưng chỉ được vế đầu, còn đỗ cử nhân thì phải đợi đến… Giáp Dần...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.