Hôm nay,  

TẢN MẠN GIAO THỪA

25/01/202017:53:00(Xem: 3633)

Dao NhuĐêm nay, tôi nhớ về anh, người lính, người bạn và cũng là một bịnh nhân. Trong những lúc cần tư vấn tâm thần, anh đã ghé lại truyện vãn chia sẻ với tôi. Như anh đã nói: Cuộc đời chúng ta là những mảnh vụn được ráp nối từ nhiều nơi chốn khác nhau mà chúng ta đã đi qua.  Nhưng ngoãnh mặt lại, nhìn thấy mình đi qua nhiều đất nước mà bản thân mình đã đánh mất quê hương. Anh thường ray rức, cho dù quê hương không còn chúng ta, chúng ta vẫn còn quê hương ngày ngày đến với ta trong từng bát cơm, đôi đũa. Đêm đêm quê hương hiện về ấp ủ ta từng giấc ngủ, chiêm bao. Quê hương của chúng ta cũng có những khó khăn như mọi nơi trên thế giới: Hạt mầm phải nẻ đất mà chun ra, cây lúa đứng lên cũng phải đạp đất đội trời!

 Nhiều lúc không e-dè, anh mạnh dạng bảo, chúng ta muốn trút bỏ thân phận lưu đày, trở về với quê hương. Ai? Ai dám tước đoạt lòng yêu nước của chúng ta? Ai dám tước đoạt quyền công dân của chúng ta? Ấy thế mà vẫn có người đấy. Tự do, Dân chủ là văn hóa của dân tộc. Nó đựơc kiện toàn trong lòng của mỗi dân tộc. Tự do dân chủ không thể nào là một thể chế áp đặt từ bên ngoài. Ấy thế mà vẫn có những kẻ đang rấp tâm đấy.  Anh có lần nói với tôi là trái đất hẹp quá, nhỏ quá, cằn cỗi quá không đủ đất dung thân cho những người yêu nước như chúng ta.

 

      Đêm hôm ấy anh gọi tôi. Vâng, anh gọi tôi, vào lúc giao thừa. Đêm hôm ấy, ngoài trời, Chicago, tuyết đổ ngập đường và tê buốt hơn đêm nay nhiều. Anh bảo với tôi là anh buồn lắm. Anh tố cáo cái đầu của anh đang vô cùng căng thẳng nó sắp nổ tung. Anh cảm thấy đời anh vô vọng. Anh không hiểu là anh sẽ làm gì, chuyện gì sẽ xảy đến cho anh và cho cậu con trai của anh trong một vài giờ tới. Tôi hỏi anh, anh thấy trong người như thế nào?. Anh bảo anh là một vật đang rơi ngoài trọng tâm, đang rơi ngoài thế giới của Newton, nó đang rơi như chiếc F5 của anh bị trúng đạn hỏa tiển địa không rớt năm 1972.. Tôi hiểu ngay điều gì anh muốn nói. Tôi hỏi anh, anh đang có ý định tự tử phải không?. Tôi nghe anh cười ngặt ngoẹo. Tôi nghĩ gương mặt anh lúc đó trông thật là khủng khiếp. Anh trách tôi là trong gần hai năm qua tôi không ngừng hỏi anh câu hỏi ấy. Đó là câu hỏi mà anh rất sợ. Anh đã từng bảo với tôi: Anh sợ nhất là phải nói sự thật về những điều mình đang suy nghĩ, về những điều mình muốn làm. Ngay cả mình muốn chết mình cũng không dám nói vì người ta sẽ hỏi lại mình như Néron đã từng hỏi một xác chết: “Ai cho phép hắn tự tử? Ai cho phép hắn chết?”...Tôi nghe anh nói rất nhỏ: Vâng, ông ạ, tôi đang muốn tự tử đây. Tôi đang muốn chết đây. Điều khó là làm sao tôi rức thằng con tôi ra khỏi tôi. Tôi đâu có quyền giết con tôi. Mà này nhé, nếu ông gọi 911, tôi chỉ cần nghe tiếng còi hụ của xe cứu thương hay anh đèn xanh đỏ của xe cảnh sát lập lòe dưới building tôi ở, là tôi cho nổ ngay thùng xăng trước mặt tôi.

    Tôi hứa với anh là tôi không gọi 911. Tôi van anh, anh hiểu cho tôi, tôi sẽ đến anh ngay, trong vòng 30 phút.

 

Tôi đến anh vào lúc nửa khuya, giao thừa.

    - Chào Trung Tá, năm mới tôi ‘đạp đất’ nhà ông đây. Chúc ông năm mới bay cao, ngoài tầm sát hại của hỏa tiển địa không- Sức khỏe vẹn toàn.

     Anh quát vào mặt tôi

- Thôi đừng có láo! Ông đang rơi xuống hố thẩm của đời. Đừng có vờ vĩnh. Ông đang ở bên bờ vực thẩm. Không thể nào trốn thoát được. Trên đầu là cái thòng lỏng đang trao vào cổ, dưới chân là đất đang sụp lỡ, đất đang chùi. Cái chết là ông nhìn thấy chắc rồi. Không! Không! Không! Nó không phải là ảo tưởng. Nó không phải là hoang tưởng. Nó là sự thật. Chúng ta sống trong khổ đau, trong trần truồng không một tia hy vọng dù cho một hy vọng nhỏ nhoi. Đời ác độc với tôi quá.

Rồi Anh đau đớn. Anh bảo anh không phải là thằng người ham sống, không phải là kẻ hèn. Anh chỉ vì thằng con anh còn nhỏ quá, mới có 10 tuổi. Nó cần phải sống. Nó là những gì còn lại của anh trên trần gian này. Anh ngồi bệt xuống, tay bưng mặt khóc rưng rưng. Trong một gốc tường, tôi thấy cặp mắt của con trai anh đang hướng về anh. Cháu đứng dậy, tiến đến anh. Cháu dìu anh ngồi vào ghế y như cháu là người đã lớn đã trưởng thành. Ít ra cháu cũng đã trưởng thành với những trạng huống như thế này. Có phải chăng sống trong cảnh khốn cùng nhiều lúc làm cho con người trưởng thành trứơc tuổi.

 

     Thế rồi vào một buổi sáng mùa Thu tại Chicago, anh đến gặp tôi. Lại mùa Thu! Mùa Thu là mùa của hòai niệm, mùa của hình ảnh kẻ chinh phu trở về trong lòng người cô phụ, mùa của những người tình nhớ những người tình. Nhưng đối với một Bác sĩ chuyên về bịnh tâm thần như tôi, mùa Thu là mùa của u-hoài, trầm cảm, mùa trổi dậy của quá khứ đau thương, những vết thương lòng tưởng chừng như đã quên. Hương sắc của mùa Thu làm quay quắt lòng người. Mùa Thu Chicago, mùa trầm cảm của người bi bịnh tâm-thần phân-liệt. Anh đã đến gặp tôi trong khung cảnh mùa Thu như vậy đó. Hôm ấy anh đến thăm tôi và cho tôi hay là anh mắc phải một bịnh chứng quái ác: Co thắt động-mạch-chủ (coarctation of aorta), anh cần giải phẫu để giải phóng co thắt và thay‘van’ động mạch chủ. Hiện giờ thường xuyên huyết áp của anh lên cao, khiến anh nhức đầu, nhức đầu kinh khủng đến độ nhiều lúc anh chán nãn và vô vọng. Anh ca ngợi bác sĩ của Cook County Hospital, là người chân thật, can đảm, ông nói tất cả sự thật tương lai bịnh tình của anh: Không mổ dĩ nhiên sẽ gặp nhiều tai biến vô cùng nguy hiểm. Còn mổ thì khả năng tử vong cao. Nhưng sống được thì cuộc đời vui vẻ hơn trong vài ba năm. Anh bảo anh đến gặp tôi như tìm đến tham khảo ý kiến. Anh cho hay là bác sĩ phẫu thuật của Cook County Hospital đã giới thiệu anh vào trong nhóm bịnh nhân ‘Selfhelp Group’ gồm có những người bị bịnh như anh. Trong bọn họ có những người chờ mổ thay van như anh, cũng có những người đã mổ rồi đã thay van trong vòng hai năm trở lại. Anh cúí xuống anh nói rất nhỏ, hình như anh muốn nói vừa đủ cho một mình anh nghe: Không ai sống quá ba năm sau khi mổ cả…

     Vụt anh đứng phắc dậy. Anh đấm mạnh vào tường anh tức tối: Tôi phải chết. Tôi phải chết trong oan nghiệt thế này sao? Tôi phải chết trong cô đơn như thế này sao? Tôi chết như một kẻ vô gia đình, vô tổ quốc? Tôi chết trong thân phận lưu đày. Chiến tranh đã hủy hoại đời tôi và định mệnh đang vây bủa và vùi dập tôi. Tôi là một phi công, tôi đã từng là Pilot đưa các nhà ngoại giao, những vị nguyên thủ quốc gia, đi đến 37quốc gia trên thế giới. Tôi sống nhiều năm ở châu Âu và Maroc, Alger, Marakech, Mỹ. Tôi biết cả ngàn con đĩ và đàn bà của gần hơn cả trăm quốc tịch khác nhau. Tôi lái C130 rải thuốc khai hoang màu vàng cam nữa. Như vậy đó! Như vậy đó…Tội ác của mày lớn lắm...Nghe anh tự kết án đời mình, tôi thật sự hiểu anh và kính trọng anh. Tôi cũng mong rằng anh hiểu cho tôi, tôi đang đau khổ cho anh cũng như anh đang đau khổ cho chính bản thân tôi. Tôi là bác sĩ phẫu thuật, tôi thấu hiểu tất cả tai biến của thay van động mạch chủ trong lúc phẫu thuật cũng như sau khi phẫu thuật. Tôi đau đớn nghe những lời sấm hối của anh. Thật sự anh không hề làm những gì để có thể gọi là tội ác cả. Tất cả tại chiến tranh. Chính chiến tranh mới là tội ác.

 

    Sau đó mấy tháng, tôi đưa anh vào bịnh viên Cook County Hospital để chuẩn bị mổ cho anh. Vì là một counselor của anh, và cũng vì anh không có một thân nhân nào trên 18 tuổi bên cạnh anh trong lúc này, nên tôi phải ‘cosign’ theo lời yêu cầu của bịnh viện, bản cam kết đồng ý chấp nhận phẩu thuật cho anh. Khi tôi cúi xuống ký tên bên cạnh chữ ký của anh, tôi nghe anh nói: Cám ơn bác sĩ, bác sĩ là người can đảm phi thường.  Không đâu anh, anh có biết, sau khi đưa anh qua bên trong cánh cửa phòng mổ, tôi bưng mặt khóc rưng rưng. Thú thật tôi không hiểu là tôi khóc cho anh? Tôi khóc cho tôi? Tôi khóc cho chúng ta? Hay tôi khóc cho một cái gì đó, vừa mơ hồ vùa xác đáng. Tôi khóc cho thân phận con người trong chiến tranh và sau chiến tranh…

  

    Vài tháng, sau đêm giao thừa hôm ấy, anh qua đời vì tai biến đột quị. Bây giờ tôi viết về anh. Tôi không hiểu tôi sẽ nói những gì với anh? Thật khó! Khó lắm phải không anh? Mặc dầu chúng ta đã có những giờ phút san sẻ, gửi gấm, trút hết cho nhau mọi tấc lòng. Nhưng có một điều tôi chưa chia sẻ với anh là cách đây hai tháng tôi được đọc một bài thơ của Phùng Khắc Bắc. Phùng Khắc Bắc là cựu chiến binh bên kia chiến tuyến, anh còn sống sót đến ngày 30/4/75. Anh cũng là một nhà thơ trẻ đầy nhiệt huyết với hòa bình với tổ quốc. Sau 30/4/75 đơn vị anh giải thể. Anh về với gia đình với mẹ đơn côi. Anh viết bài thơ:

 

NGÀY HÒA BÌNH ĐẦU TIÊN

                                        

 Những sợi nắng xuyên qua nhà mình

Thành những mũi tên

Thành những viên đạn

Bắn tiếp và anh không gì che chắn

Phải nhận tất cả

Van anh

 

Hôm qua chưa nhận được một viên đạn

Hôm nay nhận được lỗ thủng

Anh về quê không mang súng

Vũ khí lúc này là hai bàn tay...

 

Mẹ giục ăn cơm con

Hòa bình trong canh cua, rau mồng tơi, cà

Và mùi ổ rơm./.

 

Một bài thơ rất người, rất nhân bản. Thế mới biết những anh em bên kia chiến tuyến cũng đồng máu huyết, hoàn cảnh, với anh em chúng ta. Khi đọc bài thơ chúng ta nghe thật đau như viên đạn xé tim mình. Ôi chiến tranh! Ấy thế mà nhà thơ Phùng Khắc Bắc không còn nữa anh ạ. Anh ấy qua đời trước tuổi 40. Anh ấy hình như bị giết chết vì biến chứng của sốt rét ác tính mà anh mắc phải ở Trường sơn trong thời kỳ anh đi ‘B’. Chiến tranh vẫn theo đuổi anh ấy. Cũng như anh, nhà thơ Phùng Khắc Bắc đã chết vì tai biến của chiến tranh trong những ngày hòa bình…/.

 

 

 

Đào Như

Oak park, Illinois, USA

Tiết Xuân BinhTuất-2006

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Từ muôn đời nay tình yêu là một giấc mộng đẹp giữa đời thường cuộc sống. Có tình yêu, cuộc sống của con người ý nghĩa hơn vì mọi hỷ, nộ, ái, ố cũng như... thất tình sẽ "được" tình yêu mang đến cuộc sống của chúng ta một cách nhanh chóng và "đầy đủ"...
Cơn mưa đột ngột buổi chiều vào ngay giờ cao điểm đông xe, đông người trên phố. Trở lại công việc ngay mùng Ba Tết, bữa nay thì phải chạy giao hàng từ sáng sớm, tôi mệt mỏi tách chiếc ‘cánh én’ cà tàng của mình ra khỏi luồng xe, tấp đại vô một mái hiên. Một chiếc hai bánh khác cũng tấp theo và một cặp trai gái hối hả bỏ xe chạy vô đứng cạnh tôi...
Từ mấy ngày nay, chợ Đầm đã rộn rịp cho bốc thăm, chia lô để làm chợ Tết. Năm nay, theo lệnh nhà nước, Tết đến sớm hơn mọi năm một tháng. Như để nhắc nhở, lịch năm mới được bày nhan nhản khắp các cửa tiệm. Đặc biệt là các cửa hàng quốc doanh thì lại chẳng có cuốn lịch nào, vì lịch đã chui ra ngoài cả rồi. Lịch năm nay trông tiến bộ lắm, thôi thì các tài tử tha hồ mặc đủ loại áo quần thời trang từ nước ngoài gửi về, nghiêng bên này, liếc bên kia, õng ẹo không kém gì các minh tinh màn bạc Hồng Kông. Có cô còn cầm trên tay một trái táo đỏ nhập theo hàng hoá của các tàu buôn chở đến, ra cái điều sung túc lắm. Ngự Chiêu và Thư Hương nắm tay nhau đi thơ thẩn qua các cửa hiệu, vừa chỉ trỏ các cô tài tử trên lịch, vừa cười khúc khích phê bình vô tội vạ. Thư Hương cười đến suýt ngất khi thấy hình một cô gái miền Bắc mặc áo dài cổ cao thật là cao kiểu một ngàn chín trăm... hồi đó!
Sáng hai mươi tám tết, tôi đạp xe xuống quán cà phê Quỳnh Giao ở gần nhà. Quỳnh Giao học sau tôi hai lớp ở trường trung học vài năm trước, nay thì mức độ nổi tiếng của cô ấy như vết dầu loang ra khỏi vùng ngoại ô, lên tới cổng trường đại học bên Sài gòn vì nhan sắc hơn người. Quỳnh Giao đẹp rực rỡ trong mấy chị em gái đều xinh xắn, nhưng tính nết dễ gần của cô được lòng người lớn kẻ nhỏ hơn chị em trong nhà có quyền thế trước biến cố lịch sử. Họ cắn răng chịu đựng cuộc đổi đời hơn là thả lỏng để hoà vào cuộc sống đã đổi thay nhiều như Quỳnh Giao.
Vài cái Tết thuộc những năm người dân cả nước ‘ăn độn’ trong thập niên 1970 thế kỷ trước đã để lại trong tâm khảm tôi dư vị rất chua chát. Nay ngồi chợt nhớ lại mà không khỏi chạnh lòng, vừa sượng sùng vừa tội nghiệp chính mình...
Thật ra mỗi năm đến Tết Ba Má đều xếp vàng bạc để cúng và đặc biệt nhớ tới ông bà và cha mẹ, chứ mình không có tin dị đoan con ạ! Người chết là hết, vàng bạc đối với họ đâu có ý nghĩa gì! Ý nghĩa là với người sống thôi! Sống sao cho đẹp, đó là mình đã làm cho họ vui lòng.
Chị Bông gọt sát vỏ bưởi vỏ chanh, nấu nước lấy tinh dầu gội đầu. Xem mấy Youtube và bạn bè chỉ dẫn chị Bông đã từng làm theo, từ dễ cho đến khó: nào gội đầu bằng baby shampoo ít hóa chất để bảo vệ da đầu trẻ em thì cũng tốt cho da đầu người lớn, nào hạn chế nhuộm tóc, hạn chế gội đầu xấy tóc thường xuyên, nào massage đầu với dầu ô liu, nào massage đầu với dầu dừa rồi quấn khăn lại ủ tóc 15 phút, công phu và khó chịu như thế chị Bông cũng kiên nhẫn làm đến hết chai dầu ô liu xong hết cả hũ dầu dừa organic cũng chẳng thấy kết quả gì mà hình như tóc càng rụng thêm...
Tôi còn nhớ một cái Tết năm xưa, tôi lái xe đưa gia đình từ Seattle xuống Tacoma một thành phố lân cận để đến lễ đầu năm tại một ngôi chùa và chọn cho đúng hướng xuất hành năm mới. Ngôi chùa này và nhà sư trụ trì còn trẻ, lại là một nhà thơ mà tôi đã nghe một người bạn nhắc đến và đây là lần đầu chúng tôi đến lễ...
Dù có nao nức đợi chờ hay hững hờ thờ ơ, dù có mong mỏi hay chẳng cầu vọng thì mùa xuân vẫn hiển hiện trong đất trời, trong lòng người. Nhớ ngày xưa còn bé, như muôn vạn đứa trẻ khác trên đời này, gã cũng mong chờ, nao nức tết để được lì xì, được mặc áo mới, được đi chơi thoải mái mà không bị la, được nghỉ học và không phải học bài…
Gần nửa thế kỷ rồi, mà giờ đây, nhắc tên Nguyên, trong trí nàng hiện lên hình ảnh nhà Hường, êm đềm, thân thiết. Lệ thường, khi nàng đến, Hường lôi tuồn tuột nàng vào phòng học. Ngang qua phòng khách, “giang sơn” của bạn bè anh Hưng, nàng liến thoắng chào hỏi các anh...
Ông bóc tờ lịch cuối cùng của năm 2023. Giao thừa bước vào 2024 đã qua năm phút, ông hồi hộp chờ chuông điện thoại reo. Từ năm Canh Thìn 2000 đến nay Giáp Thìn 2024, đã hai mươi bốn năm, mỗi năm ông đều nhận được hai cuộc điện đàm từ Paris vào giao thừa tây lịch và giao thừa âm lịch...
Tôi may mắn hơn nhiều người Việt sống bên ngoài Việt nam là được sống trong một thành phố không cần biết tiếng Anh vì mọi dịch vụ đều có người Việt phục vụ đồng hương. Dịch vụ mới nhất tôi nghe được trong chiều ba mươi từ người bạn bị mất việc hôm tháng trước, anh giao hết cho dịch vụ trương bảng nhận khai thuế nhưng có làm thêm dịch vụ xin tiền thất nghiệp, nghĩa là lo khâu xin việc mỗi tuần ở những hãng xưởng khác nhau theo yêu cầu của Sở thất nghiệp TWC để được hưởng tiền thất nghiệp hàng tuần nhưng bảo đảm không ai gọi đi làm đâu mà sợ. Tiền thất nghiệp cứ chuyển vào tài khoản nhà băng người thất nghiệp mỗi tuần, không phải lo gì hết ngoài việc trả cho dịch vụ vài chục bạc. Nghe xong không biết nên vui hay buồn với cộng đồng mình vào một chiều cuối năm ở hải ngoại.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.