Hôm nay,  

TẢN MẠN GIAO THỪA

25/01/202017:53:00(Xem: 3630)

Dao NhuĐêm nay, tôi nhớ về anh, người lính, người bạn và cũng là một bịnh nhân. Trong những lúc cần tư vấn tâm thần, anh đã ghé lại truyện vãn chia sẻ với tôi. Như anh đã nói: Cuộc đời chúng ta là những mảnh vụn được ráp nối từ nhiều nơi chốn khác nhau mà chúng ta đã đi qua.  Nhưng ngoãnh mặt lại, nhìn thấy mình đi qua nhiều đất nước mà bản thân mình đã đánh mất quê hương. Anh thường ray rức, cho dù quê hương không còn chúng ta, chúng ta vẫn còn quê hương ngày ngày đến với ta trong từng bát cơm, đôi đũa. Đêm đêm quê hương hiện về ấp ủ ta từng giấc ngủ, chiêm bao. Quê hương của chúng ta cũng có những khó khăn như mọi nơi trên thế giới: Hạt mầm phải nẻ đất mà chun ra, cây lúa đứng lên cũng phải đạp đất đội trời!

 Nhiều lúc không e-dè, anh mạnh dạng bảo, chúng ta muốn trút bỏ thân phận lưu đày, trở về với quê hương. Ai? Ai dám tước đoạt lòng yêu nước của chúng ta? Ai dám tước đoạt quyền công dân của chúng ta? Ấy thế mà vẫn có người đấy. Tự do, Dân chủ là văn hóa của dân tộc. Nó đựơc kiện toàn trong lòng của mỗi dân tộc. Tự do dân chủ không thể nào là một thể chế áp đặt từ bên ngoài. Ấy thế mà vẫn có những kẻ đang rấp tâm đấy.  Anh có lần nói với tôi là trái đất hẹp quá, nhỏ quá, cằn cỗi quá không đủ đất dung thân cho những người yêu nước như chúng ta.

 

      Đêm hôm ấy anh gọi tôi. Vâng, anh gọi tôi, vào lúc giao thừa. Đêm hôm ấy, ngoài trời, Chicago, tuyết đổ ngập đường và tê buốt hơn đêm nay nhiều. Anh bảo với tôi là anh buồn lắm. Anh tố cáo cái đầu của anh đang vô cùng căng thẳng nó sắp nổ tung. Anh cảm thấy đời anh vô vọng. Anh không hiểu là anh sẽ làm gì, chuyện gì sẽ xảy đến cho anh và cho cậu con trai của anh trong một vài giờ tới. Tôi hỏi anh, anh thấy trong người như thế nào?. Anh bảo anh là một vật đang rơi ngoài trọng tâm, đang rơi ngoài thế giới của Newton, nó đang rơi như chiếc F5 của anh bị trúng đạn hỏa tiển địa không rớt năm 1972.. Tôi hiểu ngay điều gì anh muốn nói. Tôi hỏi anh, anh đang có ý định tự tử phải không?. Tôi nghe anh cười ngặt ngoẹo. Tôi nghĩ gương mặt anh lúc đó trông thật là khủng khiếp. Anh trách tôi là trong gần hai năm qua tôi không ngừng hỏi anh câu hỏi ấy. Đó là câu hỏi mà anh rất sợ. Anh đã từng bảo với tôi: Anh sợ nhất là phải nói sự thật về những điều mình đang suy nghĩ, về những điều mình muốn làm. Ngay cả mình muốn chết mình cũng không dám nói vì người ta sẽ hỏi lại mình như Néron đã từng hỏi một xác chết: “Ai cho phép hắn tự tử? Ai cho phép hắn chết?”...Tôi nghe anh nói rất nhỏ: Vâng, ông ạ, tôi đang muốn tự tử đây. Tôi đang muốn chết đây. Điều khó là làm sao tôi rức thằng con tôi ra khỏi tôi. Tôi đâu có quyền giết con tôi. Mà này nhé, nếu ông gọi 911, tôi chỉ cần nghe tiếng còi hụ của xe cứu thương hay anh đèn xanh đỏ của xe cảnh sát lập lòe dưới building tôi ở, là tôi cho nổ ngay thùng xăng trước mặt tôi.

    Tôi hứa với anh là tôi không gọi 911. Tôi van anh, anh hiểu cho tôi, tôi sẽ đến anh ngay, trong vòng 30 phút.

 

Tôi đến anh vào lúc nửa khuya, giao thừa.

    - Chào Trung Tá, năm mới tôi ‘đạp đất’ nhà ông đây. Chúc ông năm mới bay cao, ngoài tầm sát hại của hỏa tiển địa không- Sức khỏe vẹn toàn.

     Anh quát vào mặt tôi

- Thôi đừng có láo! Ông đang rơi xuống hố thẩm của đời. Đừng có vờ vĩnh. Ông đang ở bên bờ vực thẩm. Không thể nào trốn thoát được. Trên đầu là cái thòng lỏng đang trao vào cổ, dưới chân là đất đang sụp lỡ, đất đang chùi. Cái chết là ông nhìn thấy chắc rồi. Không! Không! Không! Nó không phải là ảo tưởng. Nó không phải là hoang tưởng. Nó là sự thật. Chúng ta sống trong khổ đau, trong trần truồng không một tia hy vọng dù cho một hy vọng nhỏ nhoi. Đời ác độc với tôi quá.

Rồi Anh đau đớn. Anh bảo anh không phải là thằng người ham sống, không phải là kẻ hèn. Anh chỉ vì thằng con anh còn nhỏ quá, mới có 10 tuổi. Nó cần phải sống. Nó là những gì còn lại của anh trên trần gian này. Anh ngồi bệt xuống, tay bưng mặt khóc rưng rưng. Trong một gốc tường, tôi thấy cặp mắt của con trai anh đang hướng về anh. Cháu đứng dậy, tiến đến anh. Cháu dìu anh ngồi vào ghế y như cháu là người đã lớn đã trưởng thành. Ít ra cháu cũng đã trưởng thành với những trạng huống như thế này. Có phải chăng sống trong cảnh khốn cùng nhiều lúc làm cho con người trưởng thành trứơc tuổi.

 

     Thế rồi vào một buổi sáng mùa Thu tại Chicago, anh đến gặp tôi. Lại mùa Thu! Mùa Thu là mùa của hòai niệm, mùa của hình ảnh kẻ chinh phu trở về trong lòng người cô phụ, mùa của những người tình nhớ những người tình. Nhưng đối với một Bác sĩ chuyên về bịnh tâm thần như tôi, mùa Thu là mùa của u-hoài, trầm cảm, mùa trổi dậy của quá khứ đau thương, những vết thương lòng tưởng chừng như đã quên. Hương sắc của mùa Thu làm quay quắt lòng người. Mùa Thu Chicago, mùa trầm cảm của người bi bịnh tâm-thần phân-liệt. Anh đã đến gặp tôi trong khung cảnh mùa Thu như vậy đó. Hôm ấy anh đến thăm tôi và cho tôi hay là anh mắc phải một bịnh chứng quái ác: Co thắt động-mạch-chủ (coarctation of aorta), anh cần giải phẫu để giải phóng co thắt và thay‘van’ động mạch chủ. Hiện giờ thường xuyên huyết áp của anh lên cao, khiến anh nhức đầu, nhức đầu kinh khủng đến độ nhiều lúc anh chán nãn và vô vọng. Anh ca ngợi bác sĩ của Cook County Hospital, là người chân thật, can đảm, ông nói tất cả sự thật tương lai bịnh tình của anh: Không mổ dĩ nhiên sẽ gặp nhiều tai biến vô cùng nguy hiểm. Còn mổ thì khả năng tử vong cao. Nhưng sống được thì cuộc đời vui vẻ hơn trong vài ba năm. Anh bảo anh đến gặp tôi như tìm đến tham khảo ý kiến. Anh cho hay là bác sĩ phẫu thuật của Cook County Hospital đã giới thiệu anh vào trong nhóm bịnh nhân ‘Selfhelp Group’ gồm có những người bị bịnh như anh. Trong bọn họ có những người chờ mổ thay van như anh, cũng có những người đã mổ rồi đã thay van trong vòng hai năm trở lại. Anh cúí xuống anh nói rất nhỏ, hình như anh muốn nói vừa đủ cho một mình anh nghe: Không ai sống quá ba năm sau khi mổ cả…

     Vụt anh đứng phắc dậy. Anh đấm mạnh vào tường anh tức tối: Tôi phải chết. Tôi phải chết trong oan nghiệt thế này sao? Tôi phải chết trong cô đơn như thế này sao? Tôi chết như một kẻ vô gia đình, vô tổ quốc? Tôi chết trong thân phận lưu đày. Chiến tranh đã hủy hoại đời tôi và định mệnh đang vây bủa và vùi dập tôi. Tôi là một phi công, tôi đã từng là Pilot đưa các nhà ngoại giao, những vị nguyên thủ quốc gia, đi đến 37quốc gia trên thế giới. Tôi sống nhiều năm ở châu Âu và Maroc, Alger, Marakech, Mỹ. Tôi biết cả ngàn con đĩ và đàn bà của gần hơn cả trăm quốc tịch khác nhau. Tôi lái C130 rải thuốc khai hoang màu vàng cam nữa. Như vậy đó! Như vậy đó…Tội ác của mày lớn lắm...Nghe anh tự kết án đời mình, tôi thật sự hiểu anh và kính trọng anh. Tôi cũng mong rằng anh hiểu cho tôi, tôi đang đau khổ cho anh cũng như anh đang đau khổ cho chính bản thân tôi. Tôi là bác sĩ phẫu thuật, tôi thấu hiểu tất cả tai biến của thay van động mạch chủ trong lúc phẫu thuật cũng như sau khi phẫu thuật. Tôi đau đớn nghe những lời sấm hối của anh. Thật sự anh không hề làm những gì để có thể gọi là tội ác cả. Tất cả tại chiến tranh. Chính chiến tranh mới là tội ác.

 

    Sau đó mấy tháng, tôi đưa anh vào bịnh viên Cook County Hospital để chuẩn bị mổ cho anh. Vì là một counselor của anh, và cũng vì anh không có một thân nhân nào trên 18 tuổi bên cạnh anh trong lúc này, nên tôi phải ‘cosign’ theo lời yêu cầu của bịnh viện, bản cam kết đồng ý chấp nhận phẩu thuật cho anh. Khi tôi cúi xuống ký tên bên cạnh chữ ký của anh, tôi nghe anh nói: Cám ơn bác sĩ, bác sĩ là người can đảm phi thường.  Không đâu anh, anh có biết, sau khi đưa anh qua bên trong cánh cửa phòng mổ, tôi bưng mặt khóc rưng rưng. Thú thật tôi không hiểu là tôi khóc cho anh? Tôi khóc cho tôi? Tôi khóc cho chúng ta? Hay tôi khóc cho một cái gì đó, vừa mơ hồ vùa xác đáng. Tôi khóc cho thân phận con người trong chiến tranh và sau chiến tranh…

  

    Vài tháng, sau đêm giao thừa hôm ấy, anh qua đời vì tai biến đột quị. Bây giờ tôi viết về anh. Tôi không hiểu tôi sẽ nói những gì với anh? Thật khó! Khó lắm phải không anh? Mặc dầu chúng ta đã có những giờ phút san sẻ, gửi gấm, trút hết cho nhau mọi tấc lòng. Nhưng có một điều tôi chưa chia sẻ với anh là cách đây hai tháng tôi được đọc một bài thơ của Phùng Khắc Bắc. Phùng Khắc Bắc là cựu chiến binh bên kia chiến tuyến, anh còn sống sót đến ngày 30/4/75. Anh cũng là một nhà thơ trẻ đầy nhiệt huyết với hòa bình với tổ quốc. Sau 30/4/75 đơn vị anh giải thể. Anh về với gia đình với mẹ đơn côi. Anh viết bài thơ:

 

NGÀY HÒA BÌNH ĐẦU TIÊN

                                        

 Những sợi nắng xuyên qua nhà mình

Thành những mũi tên

Thành những viên đạn

Bắn tiếp và anh không gì che chắn

Phải nhận tất cả

Van anh

 

Hôm qua chưa nhận được một viên đạn

Hôm nay nhận được lỗ thủng

Anh về quê không mang súng

Vũ khí lúc này là hai bàn tay...

 

Mẹ giục ăn cơm con

Hòa bình trong canh cua, rau mồng tơi, cà

Và mùi ổ rơm./.

 

Một bài thơ rất người, rất nhân bản. Thế mới biết những anh em bên kia chiến tuyến cũng đồng máu huyết, hoàn cảnh, với anh em chúng ta. Khi đọc bài thơ chúng ta nghe thật đau như viên đạn xé tim mình. Ôi chiến tranh! Ấy thế mà nhà thơ Phùng Khắc Bắc không còn nữa anh ạ. Anh ấy qua đời trước tuổi 40. Anh ấy hình như bị giết chết vì biến chứng của sốt rét ác tính mà anh mắc phải ở Trường sơn trong thời kỳ anh đi ‘B’. Chiến tranh vẫn theo đuổi anh ấy. Cũng như anh, nhà thơ Phùng Khắc Bắc đã chết vì tai biến của chiến tranh trong những ngày hòa bình…/.

 

 

 

Đào Như

Oak park, Illinois, USA

Tiết Xuân BinhTuất-2006

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong một căn phòng motel nhỏ sạch sẽ gọn gàng chăn ga gối trắng, trên giường phủ một tấm trải lớn có thể dùng làm chăn đắp màu lông chuột, một người phụ nữ nằm khóc, và người đàn ông đang ra sức dỗ dành. Cô gái mếu máo “Anh à, anh X đã bỏ đi rồi!”...
Những ngày cuối tháng tư quân trường Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung vẫn đang cắm trại, chồng tôi chưa về, nhưng trước khi đi anh đã bảo tôi ở nhà có gì thì bám theo cha mẹ và các em để đùm bọc lẫn nhau. Gia đình cha mẹ tôi ở gần nên hai nhà như một...
Tôi bồn chồn liếc mắt nhìn đồng hồ, rồi lại nhìn chừng về phía hội trường đầy ấp hơi người và ồn ào tiếng cười nói. Đã hơn tám giờ mà chương trình vẫn chưa bắt đầu. Chưa bao giờ tôi thấy khó chịu về chuyện giờ giấc như lúc nầy. Thấp thoáng trong đám đông, tôi thấy Khánh đang chạy đôn đáo chừng như kiểm điểm sự có mặt của một số khách “nồng cốt”, để bắt đầu chương trình...
Tiếng hát Cẩm Vân trong trẻo, vút cao, nghèn nghẹn đầy xúc cảm. Tôi buông thả Mi7 và chuyển vội La thứ như chưa muốn ngừng những âm vang cuối. Nốt dứt đoạn ngân dài, tất cả lặng yên, bên ngoài có tiếng gió đêm Sài Gòn vội về, bất chợt...
Tố Như tiên sinh đã để lại cho hậu thế câu thơ tháng ba đẹp như tranh trong truyện Kiều, “cỏ non xanh tận chân trời/ cành lê trắng điểm một vài bông hoa…” Đọc xong câu thơ thì nửa số người đọc đã nhắm mắt lại để hình dung ra bức tranh mùa xuân vẽ bằng thơ; với hai màu xanh, trắng vào tay hoạ sĩ, chúng ta có bức tranh chiêm ngưỡng bằng mắt, nhưng với nhà thơ chúng ta có bức tranh trong trí tưởng tuyệt vời… Tôi nói với ông bạn mê thơ đang ngồi chung bàn cà phê mà mọi người đang nói chuyện thời sự nên không phù hợp với một sáng tháng ba trời mát lạnh vì mưa đêm qua rả rích tới sáng, anh em rủ nhau ra ngoài trời ngồi uống cà phê cho mấy ông bạn còn hút thuốc được thỏa mãn thú tính. Thế là những ông đã giã từ làn khói mỏng bị những ông còn hút thuốc giận cho, rồi cãi nhau.
Đầu tháng Tư, hoa tulip đã vội gõ cửa mọi nhà sau giấc đông miên ngắn ngủi. Mùa Xuân cũng theo hoa tulip trở về, mở ra khúc giao mùa. Trong gió Xuân đầu mùa còn lạnh, ngoài xa trên cánh đồng rừng quê muôn vạn búp non đang nẩy lộc đâm chồi. Cỏ non, cây rừng già vẫn mạnh mẽ vươn lên tràn đầy sức sống. Đàn cá hồi thức giấc bắt đầu vượt thác trở lại quê hương nguồn cội...
Một thời gian ngắn sau Hiệp Định Genève tháng 7, 1954, gia đình chúng tôi rời Phủ Cam dọn vào ở trong khuôn viên trường Đồng Khánh. Măng chúng tôi dạy môn Nữ Công Gia Chánh, và có lẽ vì là một quả phụ với 6 con, nên được Bà Hiệu Trưởng Nguyễn Đình Chi, ưu ái giúp đỡ cho gia đình được sống trong 2 căn phòng trên lầu Ba (bên phải, nếu từ cổng trước nhìn vào). Cùng ở trên lầu Ba sát cạnh gia đình chúng tôi là gia đình của bà quả phụ Trần Thi, mà chúng tôi thường kêu là Dì Hoàn vì Dì là bạn của Măng tôi từ khi 2 người học chung với nhau tại trường Đồng Khánh trong thập niên 30. Gia đình Dì cũng đông không kém gia đình tôi – 7 người. Dì ít cười và có vẻ nghiêm khắc. Các nữ sinh nghỉ trưa tại trường rất sợ gặp “Bà Thi”, dễ bị Bà la rầy hay cho “kỷ luật”, nhất khi bị bắt gặp đi lang thang trong hành lang thay vì phải ở trong phòng học.
Hạo chỉ có cậu Tân là người cậu duy nhất. Mẹ Hạo là chị cả trong gia đình có bốn người con. Mẹ, dì Hiên, cậu Tân và dì út Hậu. Cậu Tân vốn là một nông dân chính hiệu. Hình như cậu học mới qua bậc tiểu học là cậu bỏ cây bút để cầm cái cày, cái cuốc. Đến năm cậu trên bốn mươi, cậu đã có bảy người con, bốn trai, ba gái. Có lẽ cậu thấy cuộc sống làm một người nông dân quá cực hay sao mà cậu nhảy ra tham gia chánh quyền. Cậu được bầu làm xã trưởng...
Những chuyến xe ngập ngừng, chậm chạp lăn trên con đường gập ghềnh để chuyên chở đoàn người đi thăm cha, anh, em, con, chồng ở khắp nơi trong những trại tù, nơi mà lớp người mới gọi là "Trại Học Tập Cải Tạo" nghe ngược ngạo, chua chát nhiều đắng cay. Từ Quốc Lộ 1, phải đi khoảng chừng 2 cây số, trên một con đường mòn, xuyên qua rừng cây gỗ quý cẩm lai là đến trại tù cải tạo Hàm Tân...
Cuộc hôn nhân ngắn ngủi vài năm của Bình với người vợ cũ tan vỡ. Mộng Điệp là người phụ nữ vật chất, đứng núi này trông núi nọ, tính nết đanh đá chua ngoa luôn có những lời nặng nhẹ chê bai chồng không biết kiếm tiền giỏi như người ta...
Chuỗi dài thời gian của quá khứ ta còn giữ được. Giữ được mãi mãi cho đến khi trí đã mòn sức đã kiệt. Giây phút hiện tại coi như chẳng có gì. Nó vuột khỏi tay ta từng sát na rồi cũng tan biến vào quá khứ đề xếp hàng cùng với chuỗi thời gian đã qua. Tương lai là điều chưa có, chưa đến nên ta cũng chẳng làm chủ được gì của những điều ở cõi xa thẳm diệu vợi...
Hôm đi Cần Thơ, đứa cháu gọi bằng chú kể chuyện đi Hòn Kẽm- Đá Dừng, ranh giới tự nhiên hiện nay giữa 2 huyện Quế Sơn-Hiệp Đức, một địa danh mà thời trung học và đến mãi sau này tôi vẫn nghĩ là vùng núi non hiểm trở phía thượng nguồn sông Thu Bồn, nơi được biết đến nhiều bởi trận lụt kinh hoàng ở Quảng Nam năm Giáp Thìn 1964...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.