Hôm nay,  

Hoàng Cầm & Đào Hiếu Trả Giá Cho Văn Chương

18/03/201800:05:00(Xem: 4792)
hoangcam_dinhcuong_s
Hoàng Cầm, tranh sơn dầu Đinh Cường.


Nói về những người cầm bút từ trước tới nay, có lẽ con số không dưới mười đầu ngón tay, đó là trường hợp những người cầm bút gạo cội, chứ nói đến người cầm bút theo cách “trăm hoa đua nở” thì có lẽ, phải mượn cách nói của Bùi Chát “chắc chở cũng được một xe GMC”. Hai người tuổi Tuất tôi muốn nói đến ở đây, một người còn sống, một người đã khuất núi, một người viết rất tỉnh, một người lơ mơ lớ mớ cõi phù trầm. Đào Hiếu và Hoàng Cầm, hai con người, hai thế giới nhưng lại có những nét tương đồng rất ngộ nghĩnh.

Hoàng Cầm

Hoàng Cầm sinh ngày 22 tháng 2 năm 1922, tuổi Nhâm Tuất. Mất ngày 6 tháng 5 năm 2010. Ông mệnh danh là thi sĩ của những vần thơ ốp đồng bởi văn phong rất lạ. Có những địa danh, chủ thể trong thơ ông hầu như không có thật và khi viết xong, ông cũng không biết đó là nơi nào. Lá diêu bông là một ví dụ, đến khi nhắm mắt, ông cũng không hiểu được tại sao lại có lá diêu bông trong thơ ông và nó là gì. Mặc dù nó không có thật nhưng tác phẩm Lá Diêu Bông lại có sức sống dị thường, vượt thời gian…

Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều
Cuống rạ
Chị bảo
Đứa nào tìm được lá diêu bông
Từ nay ta gọi là chồng

Hai ngày em tìm thấy lá
Chị chau mày
Đâu phải lá diêu bông

Mùa đông sau em tìm thấy lá
Chị lắc đầu
trông nắng vãn bên sông

Ngày cưới chị
Em tìm thấy lá
Chị cười xe chỉ ấm trôn kim

Chị ba con
Em tìm thấy lá
Xoè tay phủ mặt chị không nhìn

Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi
Diêu bông hời...
...ới diêu bông...!
(Lá diêu bông – Hoàng Cầm)

Nha Tho Hoang Cam hinh internet 2
Nhà Thơ Hoàng Cầm



Có thể nói rằng một tác phẩm bị giải mã, tùng xẻo, thậm chí bị bóp méo nặng nề nhất trong các giáo trình đại học tại Việt Nam, cho đến thời điểm hiện nay, phải nói tới Lá diêu bông. Tôi còn nhớ năm tôi học năm thứ hai đại học luật, hồi đó chơi với Lý Đợi và Bùi Chát, thỉnh thoảng qua ngồi dự thính cùng Lý Đợi trong trường văn khoa Sài Gòn (gọi là trường đại học xã hội và nhân văn đóng ở số 12 – Đinh Tiên Hoàng - quận 1, Sài Gòn). Có một buổi học giải mã văn tác phẩm do một ông giáo sư khá nổi tiếng của trường này, thu hút rất đông sinh viên. Ông chọn giải mã bài Lá diêu bông của Hoàng Cầm.

Thú thực là phong cách, điệu bộ của ông rất lôi cuốn, ông dạy như thôi miên các sinh viên. Từ cách lập luận “con người Á Đông nặng về số phận, bàn tay hàm chứa số phận, khi chị xòe tay phủ mặt chẳng dám nhìn cũng có nghĩa là chị chẳng dám nhìn vào số phận của mình… Và váy Đình Bảng buông chùng cửa võng cho thấy đây là dáng điệu của một cô gái mặc chiếc váy Đình Bảng ngồi trên võng, dáng buông chùng, một vẻ đẹp nền nã, cổ kính và bí nhiệm…”. Ông giáo sư này dùng toàn từ ngữ lạ khiến sinh viên mê mẩn. Nhưng đến nước này thì tôi hết chịu được, tôi giơ tay phản biện.

“Tại sao nếu cho rằng đây là câu thơ mô tả cô gái ngồi trên võng thì không dùng chữ ‘dáng võng’, ‘nét võng’, ‘nếp võng’… mà phải là cửa võng. Vậy cửa võng có ý nghĩa gì?”. Ông giáo sư nghiêm nét mặt: “Vậy theo anh câu này mang ý nghĩa gì?". Tôi nói tiếp: “Thưa thầy, cửa võng, hoành phi và câu đối là những vật thể văn hóa rất căn bản của người nông dân đồng bằng Bắc Bộ. Câu đối nằm hai bên cột chính gian thờ, hoành phi nằm trước nhà hoặc che trước bàn thờ, cửa võng nằm trên cổng ra vào hoặc trên diềm nhà. Ở đây, váy Đình Bảng buông chùng cửa võng nhằm ám chỉ vẻ đẹp vừa cổ độ, tôn nghiêm, bí ẩn của váy Đình Bảng, đồng thời cũng muốn ám chỉ sức mạnh của Tính Mẫu, của Nữ Tính, váy buông chùng nét cửa võng nhưng váy cũng chùng phủ lên cửa võng. Nôm na, có thằng thi sĩ nào mà không từng tôn thờ cái váy của người đẹp…”.

Nghe đến đây ông giáo sư tống cổ tôi ra khỏi lớp và không quên hỏi “cậu học lớp nào?”. Tôi nói “dạ em không học trường này!”. Ông nói tiếp “sao trường lại để lọt kiểu sinh viên này vào được chứ!”. Mặc dù bị đuổi nhưng trưa hôm đó, lúc ăn cơm, tôi được một bạn trong lớp văn đó cho cái trứng vịt kho bởi “ông nói nghe đã quá, tôi thấy ông có lý!”. Chuyện xảy ra cũng ngót nghét hai mươi năm. Vậy mà tình cờ đọc lại bài thơ Lá diêu bông của Hoàng Cầm, cái cảm giác vừa hơi quấy quấy, điên điên, lơ mơ của thời sinh viên lại cứ như đang là. Có một thứ gì đó làm tôi phải liên tưởng đến các nhà ốp đồng, ngoại cảm khi đọc thơ Hoàng Cầm.

Bởi Hoàng Cầm từng ốp đồng với tác phẩm Bên Kia Sông Đuống, sau một ngày bom dội, ông nghe tin cả gia đình của người yêu bị chết, ông xúc động đến tột độ, đêm đó, khi mọi người đã ngủ, bên tai ông cứ văng vẳng câu “em ơi buồn làm chi…”. Vậy là ông bật dậy viết liên tục 148 câu thơ, Bên kia sông Đuống ra đời, mà sau này, có nhiều câu, nhiều địa danh trong thơ, khi hỏi lại, ông không biết nó ở đâu. Chính cái chi tiết ốp đồng này khiến tôi nghĩ đến chuyện tuổi Tuất của ông, nó có chút gì đó rất “ngoại cảm”. Bởi theo một nghiên cứu, số đông các thi sĩ tuổi Tuất và nhà ngoại cảm đều có liên quan đến chó – con vật cầm tinh của tuổi Tuất.


Một người sống bình thường, không có khả năng đặc biệt, bị chó cắn, tự dưng thành nhà ngoại cảm, nhìn thấy thế giới khác… Nhưng không phải ai bị chó cắn cũng thành nhà ngoại cảm, phải là những con chó sủa đêm, nghĩa là trong một bầy chó, thậm chí hàng trăm con chó trong làng, chỉ có một vài con chuyên sủa đêm, sủa nhát gừng, thỉnh thoảng lại gâu lên mấy tiếng. Người ta nói rằng loại chó này có thể nhìn thấy thế giới khác đang di chuyển trong bóng tối nên nó sủa. Mà ai bị những con chó này cắn thì trước sau cũng thành nhà ngoại cảm. Nói thì nghe vô lý và hơi buồn cười, nhưng nó lại liên quan đến các nhà thơ tuổi Tuất, gần như các ông/bà thi sĩ, văn sĩ tuổi Tuất đều có giọng viết lạ, nửa âm ti nửa trần gian, nửa người nửa ma. Thơ của họ (như thơ Hoàng Cầm là một ví dụ) cũng rất lạ, có chút gì đó ốp đồng, chút gì đó không phải cõi người.

Có lẽ, kỷ niệm của Hoàng Cầm với tôi chỉ qua tác phẩm, tôi chưa từng gặp mặt ông. Nhưng dường như mỗi khi chạm tới tác phẩm của ông, tôi luôn gặp một “sự cố” nào đó rất kì lạ.

Đào Hiếu

Ông sinh ngày 10 tháng 2 năm 1946, tuổi Bính Tuất. Ông là tác giả của hơn 20 đầu sách gồm tiểu thuyết, thơ và tạp văn. Ngoài ra, ông cũng là tác giả của hàng trăm bài ký sự, phóng sự. Những tác phẩm Lạc Đường, Vua Mèo, Vượt Biển, Nổi Loạn, Mạt Lộ… được xem là tác phẩm làm thay đổi cuộc đời của ông và thay đổi nếp nghĩ độc giả. Đây cũng là những tác phẩm gây khó khăn cho ông, khiến ông bị cấm xuất cảnh và gặp những tai nạn đáng ngờ…

Nha van Dao Hieu, hinh chup o Van Thanh
Đào Hiếu


Đào Hiếu, một hậu duệ của nhà soạn tuồng Đào Tấn (người được xem là tổ phụ của nghệ thuật hát tuồng), cũng có những nét dị biệt, khó nói, và ông cũng tuổi Tuất. Đào Hiếu ngược hẳn với Hoàng Cầm ở chỗ ông viết rất tỉnh, truyện của ông là những câu chuyện chép thật từ những trải nghiệm của bản thân một người lính Cộng sản (biệt động Sài Gòn những năm 1960 đến 1975) sau khi đất nước “giải phóng” thì nhận ra mình bị lừa quá lâu trong cái nếp nghĩ sẽ giải phóng cho đất nước thoát khỏi chiến tranh bằng chiến tranh và làm cho đất nước tiến bộ hơn. Suốt quá trình vật vạ trên con đường quan lộ trái khoáy và đầy bi kịch, ông đã viết nên tác phẩm. Hầu hết tác phẩm của ông đề cao nỗi đau và sự hi sinh của người phụ nữ. Nhưng không phải là hi sinh vì công cuộc chiến đấu chống miền Nam Việt Nam mà là hi sinh vì đã quá tin vào chế độ Cộng sản và bỏ phí tuổi xanh cho cái công cuộc đầy phực tạp của đảng. Nhiều người đã trả giá cho sự hi sinh này bằng những vết đau, thậm chí vết nhơ phẩm hạnh và ngục tù lương tri suốt quãng đời còn lại.

Có thể nói rằng Đào Hiếu là một con người độc dị, với vẻ bên ngoài rắn rỏi của một võ sư thứ thiệt, gốc Bình Định, từng tham chiến nảy lửa trong chiến tranh và độ sát thương đối phương của ông khiến nhiều võ sư tên tuổi phải kiêng dè… Thì bên trong, ông có một tâm hồn nhạy cảm và mềm như sương sớm, bảng lảng, yếu đuối và đa sầu đa cảm. Hầu hết những tác phẩm của ông, cho dù có hàm chứa thông điệp gân guốc cỡ nào thì bàng bạc trong đó vẫn là hình ảnh cái đẹp của người phụ nữ cũng như nước mắt của các cô đang yêu và cả nước mắt của người đàn bà lỡ thì, cô đơn vì đã dành toàn bộ tuổi trẻ cho “công cuộc cách mạng vĩ đại” của ai đó.

Có thể nói rằng cả Hoàng Cầm và Đào Hiếu đã trả giá cho văn chương quá nặng nề, Hoàng Cầm đau khổ, dằn vặt, sống dở chết dở cũng vì thơ, Đào Hiếu bị tai nạn xe gãy chân, bị đe dọa, bị cấm xuất cảnh, bị mất mát nhiều thứ cũng vì viết văn. Bởi với họ, dường như văn chương không phải là thứ phản bội lại chính tư tưởng của mình và văn chương không phải là một cái thang để thăng tiến trên đường hoạn lộ. Chính tiếng nói, hơi thở trong văn chương của họ đã làm cho ai đó khó chịu và cuối cùng, thơ, văn của họ trở thành kẻ thù chế độ, kẻ thù của đảng.

Mot so tac pham cua nha van Dao HieuA
Nói về Hoàng Cầm và Đào Hiếu, một bài viết vài ngàn chữ sẽ chẳng thể nói được gì về họ, nhưng ở đây, tôi muốn nói đến người tuổi Tuất cũng như tính khí của họ theo quan niệm tử vi phương Đông. Đó là những người có tố chất trung thành và tánh linh khác thường, một khi đã có lý tưởng về một điều gì đó, họ sẽ theo điều đó đến khi xuống mộ. Và các nhà văn, nghệ sĩ tuổi Tuất cũng có tánh linh khác người, họ nhanh chóng “đánh mùi” thời đại họ đang sống cũng như hệ thống họ đang phục vụ… điều đó gây cho họ không ít khó khăn trong đời sống.

Kỷ niệm với Đào Hiếu, có lẽ nhiều hơn những gì tôi muốn nói, bởi ngồi với nhau ở cà phê Bông Giấy, Sài Gòn cũng nhiều, nghe ông kể chuyện đời cũng không ít. Nhưng có lẽ kỷ niệm nhớ nhất là cái lần ông lấy chiếc xe hơi cổ, chở tôi và bà xã tôi đi khu du lịch Văn Thánh, Sài Gòn để giới thiệu về địa danh này và đãi món cá lóc đồng nướng trui. Lần đó, ông nói nhiều về tai nạn xe dành cho các nhà văn phản tỉnh cũng như nỗi trăn trở của một nhà văn, nghệ sĩ trước hiện tình đất nước. Không biết câu chuyện ông kể có ảnh hưởng gì ai lúc đó không mà khi tính tiền, hóa đơn chỗ này khiến ông và tôi nổi đóa, đến phần lấy xe để đi, ông lại tiếp tục bị chặt chém tiền gửi xe trong khi bản giữ xe miễn phí cho khách vào ăn nhà hàng vẫn còn dán trước cổng.

Có thể nói rằng, những tác phẩm và suy nghĩ của ông đã làm khổ ông nhiều thứ. Nhưng ông đã chọn cho mình một cõi văn chương riêng biệt và lấy tình yêu đất nước, yêu dân tộc làm lối đi. Một lối đi đầy chông gai!

Liêu Thái

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong quá trình nhiều thập niên giảng dạy võ học và võ thuật, chúng tôi có sưu khảo, nghiên cứu nhiều môn võ Á châu và Thế giới để tìm hiểu, so sánh, chắt lọc tinh hoa nhằm nâng cao, canh tân cải tiến và hiện đại hóa một số kỹ năng võ thuật Việt Nam cho kịp đà tiến triển của võ học thế giới.
Hoan đặt chiếc ly không xuống mặt bàn ngổn ngang vỏ chai.
Nhiều người đã từng sống ở Miền Nam trước 1975 đồng ý với nhau rằng, chỉ cần nghe bài hát Ly Rượu Mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương là đã thấy tết đến, xuân về.
Đã có những niềm tin rồi không màng nói đến Lặng thinh môi thở khô cằn
Tôi còn nhớ, chị tên Yến. Chị có một mái tóc dài chấm eo. Eo chị rất nhỏ, vóc dáng mảnh mai, xinh đẹp. Chị mang dòng máu nửa Hoa nửa Việt, ở đâu tuốt chợ lớn, đến nhà tôi mướn một góc mặt tiền để bán bánh ngọt.
Loài chó đã kết nghĩa từ lâu đời với con người khắp thế giới, trong đó có Việt tộc: di chỉ khảo cổ và truyền thuyết dân gian chứng minh dồi dào điều đó.
Truyện đăng trên tờ Sáng Tạo, số báo xuân Mậu Tuất 1958 đúng 60 năm trước.
Nhà văn Cung Tích Biền tên thật Trần Ngọc Thao, sinh năm 1937 tại Thăng Bình, Quảng Nam. Từ 1970 là giảng viên Trường Sĩ Quan Hành Chánh Sài Gòn. Ông giải ngũ năm 1973 với cấp bậc Đại úy. Sau đó làm Giáo Sư Thỉnh Giảng Viện Đại Học Cộng Đồng Quảng Đà, Đà Nẵng.
Bài thơ xuôi này được sáng tác trong lớp học làm thơ tài trợ bởi học bổng cộng đồng Jenny McKean Moore của đại học George Washington, Hoa Thịnh Đốn. Tôi nộp đơn và may mắn được tuyển chọn vào lớp này cùng với 14 thí sinh khác.
Cánh đồng trải rộng mênh mông ngút ngàn, nhìn xa xa chỉ thấy sương mờ tựa mây lãng đãng bay thấp, lòa xòa bôi xóa nhạt nhòa đường viền chân trời.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.