Hôm nay,  

Thị Trường Và Dân Chủ

7/1/200600:00:00(View: 3354)

Với mọi thành tích kinh tế, Trung Quốc đang chứng minh dân chủ là cần thiết…

Kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Trung Quốc, hôm 30 vừa qua, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã đọc một bài diễn văn kêu gọi diệt trừ tham nhũng. Nghe cứ hùng hồn như Hà Nội! Hơn cả Hà Nội, trước đó một ngày, ba đảng viên cao cấp đã mất ghế đại biểu Quốc hội, trong đó có một Phó Đô Đốc, vì tội tham nhũng. Đã hùng hồn lại còn cương quyết nữa.

Từ Tháng Ba vừa qua, lãnh đạo Bắc Kinh ban hành Kế hoạch Năm năm 2006-2010 với những chương trình cải cách cơ chế được Hội nghị Trung ương đảng đề ra từ Tháng 10 năm ngoái. Một trọng tâm cải cách chính là cơ chế đảng, lồng bên dưới là nỗ lực diệt trừ tham nhũng đang làm đảng mất uy tín và gây làn sóng bất mãn trong quần chúng.

Cho nên, phải tin rằng Hồ Cẩm Đào đã nói là làm… không như người Hà Nội.

Từ bên ngoài, thế giới ưa có cái nhìn trên tổng thể - và nông cạn - về quốc gia có một tỷ ba trăm triệu dân và đà tăng trưởng kinh tế tới 9-10% một năm.

Lý luận theo đường thẳng thì cứ đà này thì chỉ hai kế hoạch năm năm nữa là kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Nhật Bản, đến năm 2030 sẽ hơn toàn khối Âu châu. Nếu lại đạt tốc độ tăng trưởng chừng 12% trong khi các nước công nghiệp hoá giỏi lắm thì chỉ cầm cự được với tốc độ 5% thì 30 năm nữa, kinh tế Trung Quốc còn lớn hơn tổng số sản xuất Mỹ-Nhật. Đứng đầu thế giới!

Trước một thế lực như vậy cho một thị trường có triển vọng như thế, các doanh nghiệp đầu tư của quốc tế đều sẵn lòng bỏ qua những chứng tật lặt vặt của chế độ. Microsoft, Google hay Yahoo!, v.v… đều lý luận như thế cả.

Thành tích ấy khiến nhiều người phân vân tự hỏi: một chế độ độc đảng theo kinh tế thị trường có thể tạo ra phép lạ kinh tế" Người ta phân vân như đã từng phân vân như vậy nửa thế kỷ trước về phép lạ công nghiệp hoá của Liên Xô. Dường như chế độ độc tài có khả năng sung dụng tài nguyên dù độc đoán thì cũng hiệu quả hơn sự mù quáng của thị trường.

Ai đó phân vân chứ giới lãnh đạo Hà Nội tin chắc như vậy.

Cũng chỉ vì một cái nhìn nông cạn.

Từ hai năm nay, lãnh đạo Bắc Kinh đã nhiều lần báo động là kinh tế tăng trưởng quá mạnh nên phải có biện pháp hạ nhiệt. Ngần ấy biện pháp đều chẳng công hiệu cho nên năm ngoái, đầu tư cố định cho sản xuất đã lên tới 45% tổng sản lượng nội địa GDP, và năm nay sẽ còn mấp mé 50%. Xưa kia, khi Nhật Bản rồi Đại Hàn hay Đài Loan thắt lưng buộc bụng để dồn sức cho sản xuất thì cũng chưa hề đạt nổi mức đầu tư cố định là 40% GDP, vậy mà cũng thành rồng cọp.

Giờ đây, Trung Quốc đầu tư còn lớn hơn thế thì chuyện qua mặt Nhật Bản là tất yếu!

Thực ra, với trình độ kỹ thuật hiện nay thì mức đầu tư ấy phải dẫn tới kết quả tăng trưởng cao hơn 10%, phải từ 12 đến 15%. Thực tế, một số địa phương như thành phố Thiên Tân đã có mức tăng trưởng lên tới 20%. Nhưng để làm gì"

Trong 27 năm qua, cùng với đà tăng trưởng kinh tế rất cao khiến người ta nhớ tới phép lạ Đông Á, thì dị biệt giàu nghèo đã đào sâu gấp bội, ngược hẳn với các nước Đông Á như Nhật Bản, Đại Hàn hay Đài Loan. Mà các xứ này lại không đề cao lý tưởng xã hội chủ nghĩa và phải chấp nhận quy luật dân chủ để có một chế độ chính trị ngày càng cởi mở hơn theo đà tăng trưởng. Nghĩa là họ tăng trưởng có phẩm chất, xã hội có phát triển.

Ngày nay, Trung Quốc đạt mức tăng trưởng cao, nhưng thiếu phẩm chất và gây rất nhiều phí tổn ngầm, loại "ẩn phí" không ai kiểm tra nổi, như nạn ô nhiễm môi sinh hay thái độ vô trách nhiệm về xã hội. Vì vậy, kết quả tăng trưởng ấy đã không được phân bố đồng đều mà cũng sẽ không bền. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và những người cùng ông lên cầm quyền từ năm 2002 đã bắt đầu hiểu ra điều ấy và đang cố gắng cải sửa, thành thật cải sửa, khác hẳn Hà Nội.

Khi ta thấy kết quả tổng hợp là tăng trưởng 10% một năm mà Thiên Tân lại vượt bậc với 20% thì mình phải suy ra là nhiều tỉnh chỉ có mức tăng trưởng 5%, những tỉnh nằm sâu trong lục địa và chưa ra khỏi thế kỷ 19.

Thiên Tân sở dĩ đáng chú ý vì Chủ tịch Ủy ban Nhân dân là Đới Tương Long, đã có một thời làm Thống đốc Ngân hàng Trung ương.

Khi làm Thống đốc, ông nhìn tình hình kinh tế ở tầm vóc quốc gia, nay về lãnh đạo một tỉnh, ông thấy chính quyền trung ương là một… chướng ngại. Khi làm Thống đốc, ông ta muốn mọi địa phương hay doanh nghiệp phải chấp hành chánh sách tiền tệ và tín dụng của trung ương, ngày nay, ông thấy chủ trương mới của chính quyền trung ương gây thiệt hại cho Thiên Tân.

Lãnh đạo Bắc Kinh - những Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo hay Uý Kiện Hành - đều hiểu ra là đường lối phát triển kinh tế do Đặng Tiểu Bình đề xướng và Giang Trạch Dân áp dụng đã đi hết sự vận hành của nó và ngoài lượng thì còn phải chú trọng đến phẩm. Họ chủ động yêu cầu giảm đà tăng trưởng, cải cách cơ chế - từ luật lệ (về đất đai) đến thuế khoá và giáo dục y tế - để nâng đỡ nông thôn và các tỉnh khiếm khai trong lục địa. Nếu không cấp bách tiến hành việc ấy thì xã hội Trung Quốc có thể vỡ đôi, nông dân sẽ nổi loạn.

Đồng thời, họ cũng hiểu là nếu tiếp tục đường lối cũ là dồn tiền từ ngân hàng vào các doanh nghiệp nhà nước để sản xuất tối đa với giá thành tối thiểu hầu bán thật rẻ ra ngoài thì các ngân hàng sẽ sụp đổ dưới núi nợ thối không thể đòi lại từ các doanh nghiệp. Trước khi gặp nguy cơ động loạn xã hội, Trung Quốc có thể lãnh nguy cơ khủng hoảng tài chánh. Hoặc nói theo trình tự hợp lý, khủng hoảng tài chánh sẽ xoá sạch tiền ký thác của dân chúng và dẫn tới động loạn, cả trương chủ ở thành phố tới nông dân ở thôn quê sẽ cùng biểu tình với công nhân bị sa thải từ các doanh nghiệp nhà nước bị phá sản.

Đây là viễn ảnh đang chờ đợi họ sau những hồ hởi tưng bừng của Thế vận hội Bắc Kinh 2008, như một đỉnh cao báo trước sự sụp đổ của hệ thống chính trị hiện hành.

Vì vậy, họ mới vận động cải cách và… đụng vào cái vảy ngược của con rồng, của một bầy rồng.

Việc cải cách ấy xâm phạm vào quyền lợi của các địa phương, của các đảng ủy và cán bộ đã trục lợi và làm giàu nhờ đường lối kinh tế cũ. Chẳng những các tỉnh ngoài duyên hải không ưa gì chủ trương cải cách mà các tỉnh nằm sâu trong lục địa cũng vậy vì đảng viên nơi ấy vẫn có những đặc quyền và đặc lợi vượt khỏi tầm tay người dân. Và nhiều đảng viên địa phương bắt đầu bất mãn với việc cải cách của Hồ Cẩm Đào nên lặng lẽ phá hoại, nhẹ nhất thì cũng ù lỳ không chấp hành những biện pháp giảm đà tăng trưởng.

Từ bên ngoài, vì bị mê hoặc ở tốc độ tăng trưởng cao và viễn ảnh bán cho mỗi người dân Hoa lục một sản phẩm của mình, thế giới không nhìn ra là chính quyền trung ương hiện không kiểm soát được nền kinh tế, mỗi nơi lại tăng trưởng một cách theo những tính toán lợi hại của từng địa phương.

Đâm ra nếu không cải cách thì xã hội vỡ đôi mà tiến hành cải cách thì có khi đảng sẽ vỡ đôi.

Cho đến nay, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào bắt đầu áp dụng bài bản của Mao Trạch Đông trong cuộc Đại Văn Cách: vận động thế lực của quần chúng, kể cả sự bất mãn của nông dân, làm đòn bẩy tấn công ngược vào các đảng viên tham ô. Cũng trong chiều hướng ấy, họ còn tung ra lập luận là kinh tế thị trường và giới đầu tư nước ngoài đã hủ hoá đảng viên cán bộ. Đây cũng một hình thức mị dân, khơi động tinh thần độc lập, hay bài ngoại, của người dân, nhằm gây sức ép vào trong đảng, để cứu đảng.

Những chuyện ấy đáng để cho thế giới nhìn lại Trung Quốc với con mắt thực tế hơn.

Chế độ chính trị, cái "định hướng xã hội chủ nghĩa" nói theo Hà Nội, đã gây vấn đề cho việc sung dụng tài nguyên và phân phối lợi ích kinh tế. Tài nguyên được trút vào những dự án ít giá trị kinh tế nhưng có lợi cho đảng viên kiêm doanh gia, và thành quả kinh tế được phân phối trước tiên cho tập đoàn lãnh đạo ở các địa phương. Phép vua của Bộ Chính trị vẫn thua lệ làng của các Trung ương Ủy viên ở cấp địa phương.

Đảng Cộng sản Trung Quốc chưa thể mường tượng ra một thể chế liên bang cho một xứ sở rộng lớn, có nhiều dị biệt và mâu thuẫn như vậy. Họ cũng không muốn nghĩ đến một giải pháp chính trị thích hợp cho hình thái kinh tế thị trường. Họ muốn có một chế độ phi cầm phi thú để chiếm lợi thế của kinh tế tự do lẫn chính trị độc tài, và họ gặt hái kết quả tệ hại nhất trong cả hai lãnh vực: kinh tế tự do thiếu luật lệ công minh và chính trị độc tài thiếu giải pháp cứu vãn.

Tại Việt Nam, mỗi khi cần tranh luận về việc kinh tế thị trường có cần tới chính trị dân chủ hay không, người ta thường viện dẫn mẫu mực Trung Quốc để biện minh cho sự chuyên quyền của giới lãnh đạo. Lý luận ấy sắp trở thành lỗi thời.

Nhưng dù sao thì đấy cũng chỉ là một vấn đề lý luận. Trong thực tế thì khi Trung Quốc bị khủng hoảng, Việt Nam sẽ bị họa lây. Chuyện ấy mới là điều đáng quan tâm hơn!

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Một thế hệ trí thức Việt Nam mới xuất hiện trong thập niên đầu thế kỷ XX, quyết tâm đấu tranh vì độc lập dân tộc và hiện đại hóa xã hội Việt Nam...
Vua nước Chiêm Thành là Chế Mân, người anh hùng chiến thắng cả được quân Nguyên Mông, thế mà lại phải đầu hàng trước nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành của Huyền Trân Công chúa. Ông liền dâng cả miền đất của Châu Ô, Châu Rí cho Việt Nam để làm quà sính lễ xin cưới Huyền Trân về làm vợ. Nàng hy sinh, giúp mở được con đường Nam Tiến. Vua Trần đổi tên hai châu thành Thuận Châu và Hóa Châu, gọi tắt là Thuận Hóa. Chữ 'Hóa' dần dần đọc trại đi thành "Huế."
Việt Nam và Trung Quốc sẽ là những nước dân chủ. Vấn đề không phải là sẽ dân chủ hay không, mà vấn đề là vào thời điểm nào. Chính các người Cộng Sản tại hai quốc gia này cũng phải công nhận tính bất khả vãn hồi của tiến trình dân chủ hóa đó...
Rất ít từ nào được liên kết một cách chặt chẽ với Henry Kissinger quá cố hơn là "hòa hoãn". Thuật ngữ này lần đầu tiên được sử dụng trong ngành ngoại giao vào đầu những năm 1900, khi vị đại sứ Pháp tại Đức đã cố gắng - và thất bại - để cải thiện mối quan hệ đang xấu đi của đất nước của ông với Berlin, và vào năm 1912, khi các nhà ngoại giao Anh cố gắng làm điều tương tự...
Năm 2022 Bắc Kinh phong tỏa nghiêm nhặc nhiều thành phố lớn (gồm cả Thượng Hải) khi đại dịch Vũ Hán bùng phát trở lại ở Trung Quốc , sang đến đầu năm 2023 lại đột ngột hủy bỏ mọi lệnh cấm. Thế giới cho rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ phát triển nhảy vọt sau một thời gian dài bị kềm hãm nhưng trong thực tế tăng trưởng trì trệ khác với mong đợi. Sau 30 năm tương đối dễ thở dân Tàu chợt nhớ mình vẫn sống ngột ngạt dưới chế độ toàn trị...
LTS. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, nguyên Tổng Trưởng Kế Hoạch VNCH, là người được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ủy thác nhiều công việc trong những ngày tháng cuối, trước khi Sàigòn sụp đổ . Tại Hoa Kỳ, sau 1975, ông là tác giả nhiều cuốn sách được phổ biến rộng rãi như "Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập", "Khi Đồng Minh Tháo Chạy", "Khi Đồng Minh Nhảy Vào", và sắp xuất bản cuốn BỨC TỬ VNCH - KISSINGER VÀ 8 THỦ ĐOẠN NHAM HIỂM. Mời đọc bài viết mới nhất được tác giả gửi cho Việt Báo.
Tuy nhiên trong trường hợp các chế độ độc tài, thì câu trả lời rất phức tạp. Lý do là chế độc độc tài nào cũng “làm ra vẻ” dân chủ cả. Phương pháp chung của các chế độ độc tài là sử dụng một mô hình dân chủ, nhưng “làm bẩn” hay “làm ô uế” mô hình này, bằng một số thủ thuật “ma giáo”...
Tầm quan trọng của vấn đề nhân quyền đối với Phật giáo là hiển nhiên, vì trong những thập niên gần đây chủ đề này đã thu hút được sự quan tâm. Giới lãnh đạo Phật giáo từ nhiều nước châu Á, như Đức Đạt Lai Lạt Ma (Tây Tạng), Aung San Suu Kyi (Myanmar), A. T. Ariyaratne (Sri Lanka), Maha Ghosananda (Kampuchea) và Sulak Sivaraksa (Thái Lan) đã nhiều lần bày tỏ mối quan tâm về các vấn đề xã hội và chính trị bằng cách sử dụng ngôn ngữ của nhân quyền. ..
Khi nhìn thấy các chữ cái A, B, C, D, E, F, G… nhiều người sẽ tự động muốn ngân nga bài hát bảng chữ cái. Nhưng không có lý do gì mà người ta phải học các chữ cái theo thứ tự nhất định. Có nhiều cách khác nhau để sắp xếp bảng chữ cái; và bàn phím máy tính là một thí dụ về một cách sắp xếp khác. Ngoài ra, còn có rất nhiều bảng chữ cái khác, cũng như các ngôn ngữ không sử dụng bảng chữ cái.
Khủng hoảng nhà đất hiện đe dọa sự tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc. Ngành xây cất chiếm 30% GDP (so với Hoa Kỳ 15-18% GDP) và là đầu tàu tăng trưởng thay thế cho xuất khẩu chậm lại sau khủng hoảng kinh tế ở Âu-Mỹ kể từ năm 2008. Nay đến lượt thị trường nhà đất suy thoái thì Bắc Kinh phải tìm cho ra đầu tàu mới để thay thế nhằm đạt mục tiêu phát triển 5% mỗi năm trong khi chính nhà nước còn đang lúng túng giải quyết khối nợ xấu khổng lồ ở các địa phương và của những công ty xây dựng. Bài 3 này đúc kết nhiều dữ kiện đã trình bày trước đây trong phần 1 và 2 để có cái nhìn toàn diện về khủng hoảng nhà đất ở Trung Quốc...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.