Năm 2024 chào đón hàng loạt phát hiện thú vị trong nhiều lĩnh vực khoa học, không chỉ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán mà còn trong các lĩnh vực sinh học và y tế. Sau đây là bảy thành tựu y tế nổi bật trong năm nay, phản ánh những tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực y học, đem lại hy vọng cho hàng triệu người trên khắp thế giới
1. Thuốc tránh thai không cần kê toa
Một trong những bước tiến đáng chú ý nhất trong năm nay là sự ra đời của Opill, thuốc viên tránh thai đầu tiên không cần kê toa ở Hoa Kỳ. Năm ngoái, Cơ quan Kiểm soát Thực-Dược phẩm (FDA) đã chuẩn thuận cho thuốc viên tránh thai uống hàng ngày Opill; hiện nay thuốc đã có mặt trên thị trường, có sẵn cho tất cả mọi người, không phân biệt độ tuổi, phạm vi bảo hiểm y tế hoặc đã đi khám bác sĩ hay chưa.
Không giống với các loại thuốc viên tránh thai thông thường chứa hai hormone là estrogen và progesteron, Opill chỉ chứa progestin, một loại hormone tổng hợp bắt chước tác dụng của progesterone. Các loại thuốc chỉ chứa progestin, hay còn gọi là “minipills,” thường có ít phản ứng phụ (side effects) hơn và có thể sử dụng an toàn cho phụ nữ đang cho con bú, người có huyết áp cao, hoặc có bệnh sử bị máu đông cục (blood clots).
2. Van tim thay thế có thể phát triển cùng cơ thể
Năm nay ghi nhận ca phẫu thuật ghép tim một phần (partial heart transplant) đầu tiên trên thế giới, các bác sĩ đã thay van tim cho một bé trai sơ sinh bị khuyết tật van tim bằng một bộ van tim mới, có thể phát triển cùng với cơ thể của em bé.
Trong hơn 60 năm qua, phẫu thuật thay thế van tim bằng van cơ học hoặc van sinh học đã là phương pháp điều trị phổ biến, nhưng những van này không thể phát triển hay tự điều chỉnh. Đặc biệt đối với các van kim loại, bệnh nhân phải sử dụng thuốc chống đông máu suốt đời.
Tuy nhiên, trong ca phẫu thuật mới, các bác sĩ đã thay van tim cho bé trai sơ sinh bằng một bộ van tim lấy từ một trẻ sơ sinh khác. Trẻ sơ sinh này cần thay một trái tim khác (full heart transplant), nhưng phần van tim và động mạch vẫn hoạt động bình thường. Vì các van cấy ghép là mô sống, chúng có khả năng phát triển và tự điều chỉnh theo thời gian, như một trái tim hoàn chỉnh.
3. Cấy ghép nội tạng từ heo qua người
Trong năm 2024 có nhiều ca cấy ghép cơ quan nội tạng từ heo sang người – thắp lên niềm hy vọng mới cho những người đang chờ đợi ghép tạng. Một trong những ca thành công đáng chú ý là ghép thận heo đã được chỉnh sửa gen cho một bệnh nhân 62 tuổi tại Boston. Thận là cơ quan cần ghép nhiều nhất, và nhu cầu ghép thận ngày càng tăng do tỷ lệ bệnh thận giai đoạn cuối đang tăng nhanh.
Trong ca ghép thận ở Boston, thận của heo đã được chỉnh sửa gen để loại bỏ các gen có thể gây hại cho người và thêm vào các gen người để cải thiện tính tương thích. Ngoài ra, các khoa học gia cũng đã vô hiệu hóa các siêu vi trùng của heo để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng.
Tương tự, ở New York, các bác sĩ cũng thực hiện thành công ca cấy ghép thận và tuyến ức (thymus gland) từ heo đã qua chỉnh sửa gen để ngăn chận phản ứng loại tế bào lạ của cơ thể (rejection).
Một thí nghiệm khác ở TQ cũng có sự tiến bộ khi các bác sĩ cấy ghép gan heo vào cơ thể một người đã chết lâm sàng. Gan được ghép vẫn tiếp tục sản sinh mật trong suốt 10 ngày thử nghiệm.
Dù các kết quả ban đầu rất lạc quan, việc ghép tạng dị loài (xenotransplantation) vẫn còn nhiều thách thức. Các bệnh nhân trong các thử nghiệm chỉ sống sót được trong thời gian ngắn, dù nguyên nhân tử vong chủ yếu đều không liên quan trực tiếp đến nội tạng được ghép. Các khoa học gia hiện vẫn đang nghiên cứu cách vượt qua rào cản về cơ chế loại bỏ tế bào lạ của cơ thể người đối với cơ quan nội tạng của con vật khác.
4. Xét nghiệm máu phát hiện Alzheimer
Các khoa học gia Thụy Điển đã phát triển một phương thức xét nghiệm máu có thể phát hiện bệnh Alzheimer ở người cao niên với độ chính xác lên đến 90%.
Hiện nay, để chẩn đoán bệnh Alzheimer, bệnh nhân thường phải thực hiện một trong hai phương pháp: lấy mẫu dịch não tủy hoặc sử dụng PET scan. Tuy nhiên, các phương thức này không thể thực hiện tại các phòng khám đa khoa, nơi bác sĩ thường gặp bệnh nhân đến khám lần đầu để kiểm tra các triệu chứng.
Xét nghiệm mới tên là PrecivityAD2, đo lường tỷ lệ của nhiều dấu ấn sinh học (biomarkers) quan trọng trong máu có liên quan đến Alzheimer. Theo các chuyên gia, PrecivityAD2 có thể mở rộng cơ hội được xét nghiệm, rút ngắn thời gian chẩn bệnh và giúp bệnh nhân bắt đầu điều trị sớm hơn. Tuy nhiên, xét nghiệm này vẫn chưa được FDA chuẩn thuận, và cũng chưa được bảo hiểm chi trả, bao gồm cả Medicare, Medicaid hay bảo hiểm tư nhân.
5. Vắc-xin kết hợp phòng COVID-19 và cúm
Tiêm chủng là một trong những biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất đối với đại dịch COVID-19 và cúm, nhưng việc tiêm cả hai loại vắc-xin này mỗi năm sẽ khá bất tiện và khó khăn cho nhiều người.
Việc phát triển vắc-xin RNA kết hợp bảo vệ đồng thời chống lại cả COVID-19 và cúm đánh dấu một bước tiến quan trọng trong năm nay. Moderna đã thử nghiệm thành công vắc-xin kết hợp phòng ngừa cả COVID-19 và cúm. Vắc-xin RNA này không chỉ cho thấy phản ứng miễn dịch tốt hơn so với tiêm riêng biệt từng vắc-xin, mà còn có độ an toàn và hiệu quả dung nạp tương tự trong các thử nghiệm lâm sàng.
Tuy nhiên, không phải tất cả các thử nghiệm đều đạt kết quả khả quan. Một loại vắc-xin RNA kết hợp khác của BioNTech và Pfizer không đạt được hiệu quả bảo vệ hoàn toàn đối với cúm. Đồng thời, các thử nghiệm lâm sàng đối với vắc-xin kết hợp thứ ba do Novavax phát triển đã bị trì hoãn do lo ngại về an toàn, dù sau đó các vấn đề an toàn này được xác định là không liên quan đến loại vắc-xin, nhưng sự chậm trễ đã ảnh hưởng đến tiến trình phát triển.
Ngoài ra, FDA cũng đã chuẩn thuận một xét nghiệm nhanh tại nhà, có thể phát hiện đồng thời COVID-19 và cúm. Xét nghiệm ba trong một này có thể phát hiện cả COVID-19, cúm A và cúm B trong mẫu dịch mũi chỉ trong vòng 15 phút. Nhưng cũng giống như các xét nghiệm nhanh khác, nếu ra kết quả âm tính nhưng vẫn có triệu chứng như sốt, ho hoặc khó thở, quý vị vẫn cần phải gặp bác sĩ để xác định có phải là kết quả giả âm tính hay không.
6. Hiểu rõ hơn lý do phụ nữ dễ mắc các bệnh tự miễn dịch hơn
Trên thực tế, phụ nữ chiếm hơn 78% tổng số trường hợp mắc các bệnh tự miễn dịch (autoimmune, hệ thống miễn dịch bị nhầm lẫn mà tấn công các tế bào của cơ thể), chẳng hạn như lupus và phong thấp (rheumatoid arthritis). Nhưng nguyên nhân tại sao phụ nữ lại dễ mắc các bệnh này hơn nam giới vẫn luôn là điều bí ẩn.
Năm 2024, các khoa học đã phát hiện ra rằng sự trục trặc trong cơ chế vô hiệu hóa nhiễm sắc thể X ở phụ nữ có thể là nguyên nhân gây ra các bệnh này. Nam giới chỉ có một nhiễm sắc thể X, trong khi phụ nữ có hai. Bình thường, một nhiễm sắc thể X ở phụ nữ sẽ bị tắt trong các tế bào, nhưng cơ chế này có thể bị lỗi, nhiễm sắc thể X không bị “tắt” hoàn toàn, kích thích các phản ứng bất thường của hệ thống miễn dịch và gây ra các bệnh tự miễn dịch.
Mặc dù nghiên cứu này mở ra một hướng mới trong việc hiểu các bệnh tự miễn dịch, các chuyên gia vẫn nhấn mạnh rằng cần nghiên cứu thêm để hiểu rõ hơn về các tác động và ứng dụng chúng trong việc phát triển phương pháp điều trị mới.
7. Thuốc giảm nguy cơ phản ứng dị ứng với đậu phộng
Một tin vui cho nhiều bậc phụ huynh có con em bị dị ứng thực phẩm: FDA đã chuẩn thuận cho omalizumab được dùng để giúp giảm bớt nguy cơ bị dị ứng với đậu phộng và các loại thực phẩm khác.
Tại Hoa Kỳ, có hơn 1/10 dân số bị dị ứng thực phẩm, và tình trạng này phổ biến hơn ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi. Dị ứng thực phẩm có thể xảy ra chỉ trong vòng vài phút hoặc vài giờ sau khi tiêu thụ thực phẩm, với các triệu chứng từ nhẹ cho đến nguy hiểm tính mạng.
Omalizumab, được biết đến với tên thuốc thương mại là Xolair, đã được FDA chuẩn thuận từ năm 2003 để điều trị hen suyễn dị ứng từ mức độ vừa đến nặng ở người lớn và thanh thiếu niên. Năm 2024, nghiên cứu mới đã chứng minh rằng thuốc này có thể giảm đáng kể nguy cơ bị dị ứng thực phẩm sau khoảng bốn tháng điều trị. Nhưng omalizumab không chữa khỏi hoàn toàn dị ứng thực phẩm, nên bệnh nhân vẫn cần tránh tiếp xúc với các chất gây dị ứng.
Nguồn: “7 medical breakthroughs that gave us hope in 2024” được đăng trên trang Nationalgeographic.com.
Gửi ý kiến của bạn