Hôm nay,  

Ts Nguyễn Thanh Giang Sợ Csvn Giành Ghế, Dân Tắm Máu

3/22/200100:00:00(View: 4204)
Đài Á Châu Tự Do phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang về Đại hội 9 Đảng Cộng sản Việt Nam và tình hình hiện nay của đất nước.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang sinh năm 1936 tại Thanh Hóa. Ông tốt nghiệp Đại học Hà Nội về môn Toán lý và Tiến sĩ Địa Vật lý. Ông từng là Chủ Tịch Hội Địa Vật Lý Việt Nam.
Từ năm 1976, ông viết nhiều bài chỉ trích Đảng cộng sản Việt Nam, và hậu quả là ông bị bắt năm 1999 và bị giam giữ gần ba tháng. Ông hiện sống tại Hà Nội và luôn bị những biện pháp canh giữ gắt gao của chế độ, thậm chí còn bị công an trấn áp tinh thần bằng nhiều thủ đoạn khác nhau.

Cuộc phỏng vấn sau đây do biên tập viên Phan Dũng của Đài Á Châu Tự Do thực hiện.
Phan Dũng: Theo tin tức của các hãng thông tấn quốc tế, Đại hội 9 của Đảng Cộng sản ban đầu dự trù sẽ khai mạc tại Hà Nội vào cuối tháng Ba, nay có thể bị hoãn lại vì vấn đề tranh chấp trong nội bộ Đảng liên quan đến các chức vụ lãnh đạo cao cấp, Tiến sĩ có biết về những tin tức này không ạ"

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang: Trước hết là về thời điểm khai mạc Đại hội 9, cho tới giờ phút này thì gần như ai cũng hiểu là Đại hội sẽ không khai mạc được vào cuối tháng Ba như đã dự trù. Thế còn Đại hội có khai mạc vào tháng Tư hay sau tháng Tư thì cũng vẫn chưa dự đoán được vì cho tới bây giờ, Trung ưởng vẫn còn họp Hội nghị 11B, và sau Hội nghị này thì mới có dự kiến về thời điểm khai mạc Đại Hội 9.

Phan Dũng: Thời gian vài tuần qua, nhiều lời đồn đại trong dân chúng cho rằng hiện đang có những cuộc tranh quyền gay gắt trong nội bộ Đảng cộng sản xung quanh vấn đề ai sẽ nắm giữ các chức vụ lãnh đạo cao cấp, liệu những tin đồn này có khả tín không ạ, thưa Tiến sĩ"

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang: Tôi có nghe dư luận ở trong nước và cả lời bình luận từ hải ngoại về vấn đề này. Sự kiện này cho thấy rõ ràng đang có sự bàn thảo về việc sắp xếp nhân sự. Các Đại hội đảng từ trước đến giờ vẫn có hai nội dung chính. Một là thông qua dự thảo báo cáo chính trị để xác định chủ trương đường lối, hai là sắp xếp nhân sự. Đại hội 9 lần này cũng thế. Nhưng có lẽ Đại hội lần này, vấn đề nhân sự có thể là căng thẳng hơn những đại hội lần trước.

Dư luận đưa ra động chạm đến cả ông Tổng bí thứ Lê Khả Phiêu. Có ý kiến nói rằng đến 90 phần trăm ông Phiêu sẽ không còn "trụ lại" nữa, nhưng cũng có ý kiến cho rằng, cuối cùng thì "Nguyễn Như Vân" (Vẫn Như Nguyên) mà thôi. Hai ba cái luồng ý kiến như vậy, luồng nào cũng mạnh, mà cũng có nhiều người khẳng định khả năng A, có người khẳng định khả năng B.
Riêng ý kiến của tôi, đã từ lâu tôi đã nói với các ông ấy (giới lãnh đạo Đảng cộng sản) rằng, thứ nhất, cho đến Hội nghị Trung ương 11B này cũng vẫn chưa xác định được vấn đề nhân sự, vì ngay cả bàn luận trong Bộ chính trị rồi, nhưng khi đưa ra Trung ương, thì kết quả cũng sẽ khác. Thậm chí Hội nghị Trung ương lần 11B, đến lần 12 nó lại khác. Vì thế, vấn đề nhân sự là rất khó. Thứ hai, quan điểm của tôi trong tình hình này, tôi ít quan tâm về vấn đề nhân sự. Nói thật, ông Phiêu ở lại, hoặc nghỉ vì lý do tuổi tác hay do khuyết điểm này khác như người ta đồn đại, đối với tôi, tôi không mấy quan tâm. Vấn đề đổi mới về nhân sự, cho rằng có cái gì đột biến đi chăng nữa, thí dụ đổi mới thật mới để đưa ra những nhận thức mới, chủ trương mới vào các hoạt động của Đảng bây giờ thì tôi chưa nhìn thấy. Quả thật, tôi chưa nhìn thấy yếu tố của Gorbachev, cho nên nói thật là tôi không quan tâm nhiều về vấn đề nhân sự. Có ông Phiêu ở đấy, thì có ưu điểm này, và cũng có khuyết điểm kia. Không có ông Phiêu thì cũng có cái hay, mà cũng có cái dở. Vấn đề chủ yếu mà tôi thật sự quan tâm là làm sao tác động được vào để thay đổi đường lối, thay đổi chích sách lớn, có như thế thì mới thoát khỏi tình trạng trì trệ, thoát khỏi nguy cỡ của các cuộc khủng hoảng mới có tầm vóc to lớn. Còn nếu không tác động được để thay đổi đường lối, thay đổi chính sách lớn, thay đổi lối tư duy quá sơ cứng về chủ nghĩa xã hội, kinh tế quốc doanh, về nhận thức với thế giới, về vấn đề bạn thù, về vấn đề đánh giá Mỹ thế nào, Trung Quốc thế nào.v.v..., nếu không có những nhận thức đúng về thời đại thì dù có nhân sự A hay nhân sự B thì cũng thế.

Anh Trần Đức Lương ngày xưa rất thân với tôi, anh ấy tuy rằng không có bằng cấp nhiều, nhưng cũng tương đối thông minh và khi sống với tôi thì anh ấy cũng là người nhân ái lắm. Nhưng khi sắp xếp anh Lương vào chức vụ ấy (Chủ tịch nước) thì anh ấy cũng phải làm như thế. Tôi vẫn thường bảo anh Lương là nếu đường lối, chủ trương mà cứ như thế này, thì tôi có ngồi vào chỗ ấy, tôi cũng làm tương tự như Trần Đức Lương, chứ không thể làm khác nhiều lắm đâu.

Phan Dũng: Tiến sĩ vừa đề cập đến sự kiện là đang có những biến động mới, Tiến sĩ có thể nói rõ hơn được không ạ"

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang: Gần đây có nẩy sinh ra hàng loạt vấn đề từ trong nội bộ Đảng tung ra, tung ra từ Câu Lạc Bộ Ba Đình, Câu Lạc Bộ Thăng Long. Tôi cho rằng những tin đó không do kẻ địch "tuồn" những dư luận ấy ra, cũng không do lực lượng những anh em đấu tranh cho dân chủ tự do như ông Trần Độ, như chúng tôi, mà do chính từ nội bộ tung ra. Mà tung ra rất là gay gắt. Có tin tung ra lên án ông Lê Khả Phiêu về những vấn đề hết sức hệ trọng. Ví dụ lên án ông Phiêu thành lập cục A10 để theo dõi nội bộ, theo dõi các ủy viên Bộ chính trị; họ còn tung tin là ông Phiêu đi Trung Quốc mà họ gọi là đi "chui" và "móc ngoặc" với Trung Quốc. Thế rồi còn có tin đưa ra những tên tuổi để mà thay ông Phiêu, như tin của Câu Lạc Bộ Thăng Long nói rằng ông Trần Đức Lương sẽ thay ông Lê Khả Phiêu, thì lập tức từ Câu Lac Bộ Ba Đình lại tung tin là ông Lương đang bị nhiều đơn tố cáo. Rồi có dư luận nói rằng ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ lên làm thủ tướng, thì lại có dư luận tung tin là ông Dũng bị nhiều đơn tố cáo là bằng đại học của ông ấy là bằng đại học giả. Tất cả những dư luận đó, nói theo danh từ "bõ bã" thì họ đang đánh nhau, nên họ tung ra chứ không có kẻ địch nào làm việc ấy. Tình hình này tôi cho là bất ổn, rối loạn trong nội bộ.

Bên ngoài thì là vấn đề Tây Nguyên. Hiện nay bên trong Đảng đang có xu hướng đổ tội cho vấn đề Tây Nguyên là do ý đồ từ bên ngoài, tức là cho lực lượng tự do ở bên Mỹ, thậm chí là có bàn tay của chính quyền Mỹ "thò" vào. Nhưng theo tôi thì tất cả những vụ việc như Tây Nguyên là tích lũy của thái độ lơ là, sự yếu kém trong quản lý, sự nhầm lẫn trong chỉ đạo và trong nhận thức. Vi dụ như bây giờ người ta vẫn quan niệm chuyên chính vô sản, vẫn thích chuyên chính vô sản. Nhưng mà mũi dùi chuyên chính vô sản lâu nay lạc hướng, chĩa vào ông Trần Độ, vào ông Thanh Giang, vào ông nọ ông kia. Đáng lẽ nếu họ còn muốn dùng mũi dùi chuyên chính vô sản, họ cần phải thi hành thì họ dùi vào những chỗ như Tây Nguyên, vì nếu cho rằng kẻ địch ở đấy thì phải dùi vào đấy, chứ địch đâu ở chỗ nhà ông Trần Độ, nhà ông Thanh Giang.

Vấn đề địch ta bây giờ không phải là chuyên chính vô sản, hay là đấu tranh giai cấp mà là vấn đề đường lối của lãnh đạo, nó bộc lộ ra cái gọi là định hướng xã hội chủ nghĩa và kinh tế thị trường. Giới lãnh đạo thì quan liêu, chủ trương bưng bít, không cho tự do ngôn luận, không cho phép phản ảnh mọi sự thật nên họ đã không lường được yếu tố bất mãn, yếu tố bị bỏ bê của đồng bào thiểu số vùng cao và đồng bào nông thôn nên bây giờ đồng bào nổi dậy. Tất cả những chuyện ấy phát sinh từ sự bưng bít, sự tự đánh lừa, tự huyễn hoặc của lãnh đạo. Đó là sự bệnh hoạn. Đó là chưa kể đến vấn đề tham nhũng, tệ trạng này cũng do sự mập mờ về đường lối, do chủ trường kinh tế thị trường với cái gọi là định hướng xã hội chủ nghĩa. Tham nhũng nó tha hóa tất cả, và các tệ nạn xã hội cũng không sửa được cho nên chỗ này chỗ khác quần chúng nổi dậy.

Tóm lại, nếu họ không chịu thực sự đổi mới, không chịu công khai hóa, tự do hóa tư tưởng, tự do báo chí, thì họ tự giam họ vào cái chỗ tự đánh lừa, họ tự huyễn hoặc họ, thì xãï hội trở nên bệnh hoạn và âm binh cứ nổi lên, cho tới lúc họ không còn giải quyết nổi. Sự sụp đổ chính là do những nguyên nhân ấy chứ sụp đổ không phải do sự đấu tranh phê phán của những người dân chủ cấp tiến như chúng tôi.

Phan Dũng: Tiến sĩ nói như thế, có nghĩa là giới lãnh đạo Hà Nội hiện nay chú tâm vào việc đấu đá nội bộ hơn là chú tâm vào tình hình Tây Nguyên hay sao"

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang: Họ chủ yếu chú tâm tới việc giữ quyền, giữ chức, giữ ghế. Bây giờ mà họ còn cứ nói một cách ngoan cố về định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế quốc doanh, chẳng qua cũng chỉ vì quyền lợi của các cá nhân thuộc tập đoàn này, tập đoàn khác, của cá nhân này, cá nhân khác. Từ cái sự giả dối, mà họ phải bưng bít, phải đàn áp, phải trấn áp những trí tuệ sáng suốt thực sự của đất nước.

Khi tôi nghe đến vấn đề Tây Nguyên, tôi nổi khùng, tôi nói rằng đây là cái tội lớn của những người lãnh đạo. Họ sai lầm khi chĩa mũi nhọn chuyên chính vô sản vào địa bàn Tây Nguyên, và đó mới là nỗi đau lòng. Vì vấn đề Tây Nguyên để xẩy ra như vậy, bây giờ giải quyết là việc hết sức khó khăn. Sự sai lầm đó của lãnh đạo sẽ để lại hậu họa không phải cho riêng Đảng cộng sản Việt Nam mà là hậu họa của dân tộc này. Sau này, chính quyền nào lên, ai lên lãnh đạo, tôi cho rằng phải giỏi lắm, khéo léo lắm thì mới giàøn xếp được vấn đề Tây Nguyên. Đấy là mầm mống của Ahce, của Indonesia, của Kosovo. Cái ung nhọt ở Tây Nguyên bây giờ nó lớn rồi và tình trạng này khiến tôi rất lo lắng.

Phan Dũng: Theo nhận định của Tiến sĩ, bản dự thảo báo cáo chính trị dự trù được đưa ra trong Đại hội 9 của đảng cộng sản có những điểm nào đặc biệt"

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang: Đấu tranh cơ bản nhất hiện nay là chọn con đường nào cho đất nước, cho dân tộc. Bây giờ mà cứ khăng khăng định hướng xã hội chủ nghĩa, đi theo cái không có, theo cái không thể thực hiện được, thì đây là vấn đề gay cấn nhất. Không giải quyết được vấn đề cơ bản này thì bàn những chuyện khác như chống tham nhũng, hiện đại hóa, công nghiệp hóa là thái độ bàn nửa vời. Vấn đề còn ở chỗ phải nhận thức đâu là bạn, đâu là thù, ai là bạn chân tình, ai là người cần phải xem là thầy. Vấn đề cần đánh giá độ tin tưởng đối với Trung Quốc như thế nào, đối với Mỹ như thế nào, đối với Nga như thế nào...Tất cả những việc đó lệ thuộc vào quan điểm cơ bản là có xã hội chủ nghĩa hay không có xã hội chủ nghĩa, có còn đấu tranh giai cấp hay không còn đấu tranh giai cấp và vấn đề giai cấp trên thế giới bây giờ là cái gì và ở Việt Nam là cái gì. Đấu tranh trên thế giới có phải chủ yếu là vấn đề giai cấp hay là vấn đề dân tộc, vấn đề tôn giáo. Nhận thức cho được những vấn đề thời đại đó là một việc làm thật là quan trọng để vạch ra chính sách đối nội, đối ngoại. Nhưng trong bản dự thảo báo cáo chính trị thì tôi thấy những điểm cơ bản ấy vẫn chưa được thống nhất, chưa được đúng nên khó mà bàn lắm.

Phan Dũng: Theo nhận định của Tiến sĩ thì giới lãnh đạo hiện nay tại Hà Nội xem ai là kẻ thù chính và ai là bạn chính"

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang: (...cười) Vì không có văn bản nào công bố liên quan đến vấn đề bạn thù cho nên nói ra thì rất là khó. Tôi hiểu được vấn đề ấy, nhưng nói ra công khai thì rất phiền lụy. Vì người ta có thể bảo rằng "chúng tôi có nói thế đâu mà anh lại nói thế". Nhưng mà theo tôi, về vấn đề đối ngoại giữa Trung Quốc với Mỹ, hình như trong tuyệt đại bộ phận nhân dân, và trong đại đa số đảng viên, thì người ta đều xem Mỹ (nếu là bạn thì cũng chưa phải là bạn), là người có thể cộng tác được để xây dựng một xã hội hiện đại và đem lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân.

Còn với Trung Quốc, vì lý do này khác, ngay trong lịch sử thì Trung Quốc là một hiểm họa của dân tộc. Mới năm 1979 hai bên đã có núi xương sông máu với nhau. Họ chỉ trương lên cái xã hội chủ nghĩa để thấy rằng hai bên có thể "móc" với nhau, nhưng thực chất thì ai cũng thấy không thể dựa vào Trung Quốc, vì dựa vào họ thì rõ ràng là sai lầm, và chỉ lụn bại trong đời sống xã hội cũng như đời sống kinh tế.

Cho nên, thông qua vấn đề này mới thấy có sự khác biệt giữa lãnh đạo và quần chúng nhân dân. Nói cách khác, Đảng đi một đường, nhân dân đi một nẻo, đảng viên đi một nẻo. Khi đón tổng thống Clinton là người ta thấy ngay rồi. Khi Đảng chỉ huy đón tiếp ở Đại học Tổng hợp, thì đó là chuyện của Đảng, trong khi nhân dân cứ ào ra đường đón tiếp là việc của nhân dân. Đấy. Tấm lòng bên trong của dân chúng là như vậy.

Phan Dũng: Lúc nãy, Tiến sĩ tỏ ra lo âu là nếu giới lãnh đạo hiện nay tại Việt Nam không đi theo xu hướng chung của nhân loại, thì đất nước mình khó tránh khỏi hoàn cảnh tương tự như tình hình Indonesia, như Kosovo. Tiến sĩ có bi quan khi cho rằng những tình huống như thế có triển vọng xẩy ra tại Việt Nam"

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang: Nói rằng bi quan thìì cũng không hẳn. Tuy lo âu thế nhưng tôi vẫn tin vào nhân dân tôi, tin ở dân tộc tôi. Đến một lúc nào đó thì sẽ có một sự phát biểu chính thức của quần chúng, của nhân dân, của dân tộc. Lúc bấy giờ tôi cho là nhân dân tôi sẽ quyết định. Đến giờ phút quyết định, khi nhân dân thấy rằng không còn chịu đựng được nữa, thì nhân dân sẽ có biện pháp của nhân dân. Nhưng cái giờ đó, cái ngày đó lúc nào đến, và giai đoạn lùng nhằng này kéo dài đến bao giờ thì cũng chưa có cơ sở để bàn luận cho thật rõ rệt. Ở Việt Nam, cũng như ở một số nước xã hội chủ nghĩa, chúng ta thấy rằng yếu tố quần chúng nổi dậy, hoặc yếu tố các lực lượng dân chủ có thể trở thành một phong trào để mà lấn át đảng cầm quyền thì là cái việc khó có thể xẩy ra. Như Bắc Triều Tiên, như Cuba, "chúng nó" còn dã man, Fidel Castro, Kim Nhật Thành, chúng nó còn dã man, tồi tệ hơn đảng cộng sản Việt Nam rất nhiều, nó đầy đọa nhân dân của nó đến như thế mà dân còn không làm được gì chúng. Thế nên Việt Nam, tôi nghĩ quần chúng nổi dậy hay là các lực lượng dân chủ bị đàn áp như thế thì khó có thể lớn lên để có thể thành cái gì đứng ngang tầm được (với đảng cầm quyền). Nhưng nguy cơ này do sự ruỗng nát nó sẽ làm cho dân tộc mình ngày càng tụt lùi so với thế giới. Còn cái hướng đi tới thì nói chung, các nước xã hội chủ nghĩa phải vỡ, phải nứt từ ngay nội bộ của đảng cầm quyền và từ giới lãnh đạo Bộ Chính Trị, từ Trung ương.

Tại Việt Nam, tôi chưa thấy yếu tố một Gorbachev, nhưng mà tôi lo sợ cái kiểu đổ vỡ thì nó sẽ đổ vỡõ theo kiểu cách mạng văn hóa của Trung quốc và như thế lại xẩy ra núi xương sông máu, lại nội chiến.

Ba điều làm tôi sợ nhất.

Một là nó cứ kéo chìm cái đất nước, cái dân tộc này để phải nhầy nhụa trong hết sai lầm này đến sai lầm khác, trong những cái hủ bại, tham nhũng, sì ke, ma túy.

Thứ hai là nguy cơ của sự đổ vỡ, thậm chí là bắn nhau là nguy cơ của cách mạng văn hóa. Cách mạng văn hóa tức là không có một Gorbachev để ôm trùm lên tất cả thì phe của bè cánh Giang Thanh, bè cánh Mao Trạch Đông, tình hình đó cũng dẫn đến núi xương sông máu.

Thứ ba là các vấn đề như Tây Nguyên sẽ thành những Kosovo, những phong trào nhân dân nổi dậy .v.v... Đó là những tình huống nguy hiểm, hết sức đau lòng mà thực sự những người dân chủ cấp tiến như tôi, như ông Trần Độ, chúng tôi muốn ngăn cản sự đổ vỡ của Đảng cộng sản Việt Nam và cho hiểm họa của dân tộc, vì thế mà chúng tôi đã phải dũng cảm mà vượt qua những nỗi sợ hãi để đấu tranh cho sự dân chủ hóa, công khai hóa xã hội.

Phan Dũng: Cách đây hơn một năm, chúng tôi cũng có dịp phỏng vấn Tiến sĩ, tâm trạng của ông lúc đó không nặng trĩu những lo âu như ông vừa bầy tỏ. Phải chăng tình hình hơn một năm qua đã có những biến chuyển khiến xã hội ngày càng đi xuống, càng tồi tệ hơn, khiến ông âu lo như vậy"

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang: Đúng như thế, đúng như thế. Một vài năm trước, sau Đại hội 6, tình hình có khá lên. Sau đó, sau Đại hội 7 nó lại chìm đi. Khi mở cửa được một chút và hy vọng sẽ nhích dần lên thì cũng đỡ hơn, nhưng gần đây thì người ta thấy nhiều vấn đề không giải quyết được, đầu tư nước ngoài thì rút đi vì ai có thể làm ăn được với một cái chế độ mà nó cứ nửa vời, "nửa trăng, nửa đèn" như thế này. Từ đấy nẩy sinh ra Tây Nguyên, rồi gần đây vấn đề tôn giáo cũng quá căng thẳng .v.v...Tôi thấy sự lo ngại của tôi và của nhiều người ngày càng tăng lên.

Phan Dũng: Tiến sĩ là một trí thức được sự kính nể cả ở trong lẫn ngoài nước, đặc biệt là với giới trẻ, vì ngoài kiến thức uyên bác, tiến sĩ còn là người can đảm nói lên tiếng nói lương tri của mình về tình trạng tụt hậu hiện nay của Việt Nam. Nếu có cơ hội gởi một lời nhắn nhủ với lớp người trẻ, Tiến sĩ sẽ nói gì"

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang: Tôi tha thiết nói với các em trẻ hiện đang sống ở nước ngoài, là các em hãy rèn luyện mình trở thành những người thực sự có tài, có đức, và giữ lấy cốt lõi tốt của nhân tâm của Phương Đông để chống lại sự tha hóa của văn minh Phương Tây. Sự gìn giữ đó cần thiết vì sau này khi các em trở về nước, các em sẽ hòa hợp được với dân tộc mình. Tôi mong rằng các em hãy tin vào phẩm chất tốt của đất nước, của dân tộc mình. Đất nước mình, dân tộc mình có thể bị tập đoàn này, tập đoàn khác tha hóa trong một thời gian này, thời gian khác, thậm chí sự tha hóa đó kéo quá dài rồi, thế nhưng nó sẽ cùng tắc biến, và biến tắc thông. Cái đó là quy luật. Tôi cho rằng giai đoạn này sắp đến tình trạng cùng tắc biến và sau khi biến thì nó sẽ tắc thông. Lúc ấy các em sẽ được trở về luôn với đất nước để đóng góp cho đất nước.
Phan Dũng: Đó là lời nhắn nhủ với thế hệ trẻ Việt Nam đang sinh sống tại hải ngoại. Thế còn tuổi trẻ hiện đang ở trong nước thì sao, Tiến sĩ định nói gì ạ"

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang: Đối với thanh niên trẻ trong nước, thì tôi thực sự yêu quý các em. Tuy rằng là ...........tít tít tít tít tít (đường giây điện thoại bị cắt).

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
John Andrew Jackson vừa chào đời đã mang phận nô lệ, và được định sẵn là sẽ dành trọn kiếp sống tủi nhục trên những cánh đồng bông vải ở Nam Carolina. Nhưng, không cúi đầu trước số phận, Jackson đã thoát khỏi cảnh nô dịch, trở thành một diễn giả và văn nhân có ảnh hưởng lớn đến phong trào bãi nô. Ông cũng là nguồn cảm hứng cho tác phẩm kinh điển Uncle Tom's Cabin (Túp Lều của Chú Tom) của Harriet Beecher Stowe, xuất bản năm 1852. Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng về chế độ nô lệ này được nhiều sử gia đánh giá là đã góp phần thúc đẩy cuộc Nội chiến của Hoa Kỳ.
(Little Saigon-VB) - Để đánh dấu 70 năm cuộc di cư Bắc Nam hậu Hội nghị Geneva; và cùng nhìn lại sự kiện Cải cách Ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam dưới thời VNDCCH với tác động, hệ lụy trên cả nước đối với quốc gia, dân tộc Việt, Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt, Trung Tâm Việt Nam ĐH Texas Tech, Trung Tâm Nghiên Cứu Việt-Mỹ ĐH Oregon phối hợp tổ chức Triển Lãm Thảo Luận Cải Cách Ruộng Đất ở Bắc Việt và Cuộc Di Cư 1954: Hai Biến Cố Thay Đổi Lịch Sử Việt Nam Hiện Đại vào hai ngày: Thứ Bảy, ngày 17 tháng 8: Cải cách ruộng đất và đấu tranh giai cấp ở miền Bắc Việt Nam, 1953-1957; Chủ nhật, ngày 18 tháng 8: Cuộc di cư của gần 1 triệu người từ miền Bắc vào miền Nam năm 1954 tại Bowers Museum 2002 N. Main St, Santa Ana, CA 92706.
Ở Hy Lạp thời cổ đại, Thế vận hội Olympics không chỉ là sự kiện để các vận động viên thể hiện sức mạnh và tài năng, mà còn là dịp để những tâm hồn thi ca tỏa sáng – họ sẽ mang những vầng thơ của mình xướng lên trước đám đông khán giả đang háo hức. Và thời đó, các vận động viên cũng thường cậy nhờ những thi sĩ nổi tiếng sáng tác những bài thơ ca ngợi chiến thắng vinh quang của mình. Sau đó, những bài thơ này sẽ được các dàn hợp xướng biểu diễn trong các buổi lễ long trọng. Có một thời văn-võ đã song hành với nhau như thế.
Kể từ khi thượng nghị sĩ JD Vance được chỉ định làm ứng viên phó tổng thống của Donald Trump, các nhà bình luận đã xem xét lại cuốn hồi ký “Hillbilly Elegy” năm 2016 của Vance để tìm hiểu về bối cảnh chính trị hiện nay của Hoa Kỳ. Tám năm trước, Vance là người không bao giờ chấp nhận Trump (Never-Trumper), từng so sánh chủ nghĩa Trump (Trumpism) với “heroin văn hóa,” trong một bài viết trên tạp chí The Atlantic. Tuy nhiên, cuốn hồi ký của Vance là một tài liệu quan trọng để giải thích tại sao chính trị Hoa Kỳ ngày nay lại chuyển hướng ủng hộ Trump.
Từ khi Julius Caesar lìa đời với câu “Et tu, Brute?” (xin tạm dịch: “Cả ngươi nữa sao, Brutus?”), các vụ ám sát chính trị đã không phải là chuyện gì hiếm có. Nhưng liệu với sự phát triển của xã hội thời hiện đại, số lượng các vụ ám sát chính trị có giảm bớt hay không? Liệu vụ ám sát bất thành cựu Tổng thống Donald Trump có phải là một sự kiện ngoại lệ trong các nền dân chủ hiện đại?
Hình ảnh của súng trường bán tự động AR-15 xuất hiện khắp nơi trong đời sống công cộng của nước Mỹ: các nghị sĩ Cộng hòa đeo những chiếc huy hiệu hình AR-15. Cờ Liên minh bay với hình bóng của một khẩu AR-15 và dòng chữ "come and take it" bên ngoài Điện Capitol trong cuộc bạo loạn ngày 6 tháng 1. Chúng cũng được sử dụng để kêu gọi các biện pháp an toàn súng nghiêm ngặt hơn.Vào thứ Bảy vừa qua, khẩu AR-15 xuất hiện trên chính trường Mỹ theo một cách khác – là vũ khí được sử dụng trong vụ ám sát cựu tổng thống Donald Trump.
Campuchia có kế hoạch xây dựng kênh đào Funan Techo Canal (FTC) dài 180 km (110 dặm) từ thủ đô đến bờ biển trên Vịnh Thái Lan, một dự án trị giá 1,7 tỷ USD nhằm giảm sự phụ thuộc vào việc vận chuyển hàng hóa qua các cảng ở Việt Nam. Nhưng bài phân tích này kết luận rằng kế hoạch FTC không khả thi về mặt tài chính, sẽ có tác động môi trường nghiêm trọng và sẽ làm tình trạng khan hiếm nước ở hai nước hạ lưu thêm khắc nghiệt khi mực nước sông Mekong đã hạ xuống cực kỳ thấp dưới kỷ lục thấp nhiều năm liền rồi. Lập luận của chính phủ Campuchia rằng kênh đào sẽ làm cho vận tải hàng hóa rẻ hơn là điều không thế có, tính toán sơ bộ của tác giả cho thấy cước phí vận chuyển hàng hóa qua kênh này sẽ cao hơn so với qua các cảng ở Việt Nam để đến các nước có Mậu dịch nhiều nhất với Campuchia.
Vào ngày 4 tháng 2 năm 2022, ngay trước khi xâm chiếm Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Bắc Kinh, nơi ông và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký một văn bản ca ngợi mối quan hệ đối tác “không giới hạn”. Hơn hai năm kể từ ngày đó, Trung Quốc đã từ chối lên án cuộc xâm lược và giúp Nga nhận được trang thiết bị, từ các động cơ máy cho đến máy bay không người lái, những thứ rất quan trọng cho nỗ lực chiến tranh.
Khi đọc truyện cổ thế giới, chúng ta thường gặp một số cổ tích, trong đó chim quạ cũng biết nói, cũng giao tiếp với người. Những chuyện như thế rất là bình thường trong quan điểm Phật giáo, đặc biệt là trong các truyện Bản sinh (Jātaka) ghi lại các kiếp tiền thân của Đức Phật. Tất cả chúng sanh được tin là những vị Phật và Bồ-tát sẽ thành. Nơi đó, chữ “chúng sinh” có nghĩa là người và thú, là chim, khỉ, ngựa, cá, voi, cọp… Quan niệm đó cũng là cội nguồn của hạnh ăn chay, tránh ăn thịt. Thực tế, Đức Phật cho ăn thịt với điều kiện là Tam tịnh nhục: Kinh Jivaka Sutta ghi rằng, “Thịt có ba trường hợp không nên dùng, khi nhìn thấy, nghe thấy hoặc khi nghi ngờ (có một con vật đã bị giết cho mình ăn)…” Về sau, Phật giáo Đại thừa đưa ra quan điểm ăn chay tuyệt đối. Nghĩa là, loài vật với người là bình đẳng, như là chúng sinh.
Vòm nhiệt (heat dome) là hiện tượng thời tiết khi có một vùng áp suất cao trong khí quyển giữ chặt nhiệt lại trong một khu vực. Để dễ hiểu hơn, quý vị có thể hình dung Vòm nhiệt giống như một cái nắp vung khổng lồ đậy kín cả một khu vực, không cho không khí nóng thoát ra. Không khí nóng bị ứ đọng lại một chỗ (trời đứng gió), không thể thoát ra ngoài, sẽ làm cho khu vực đó trở nên nóng hầm hập.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.