Hôm nay,  

Góc Nhạc Cổ Điển

18/11/200600:00:00(Xem: 8856)
GÓC NHẠC CỔ ĐIỂN  

Chúng tôi mong nhận được mọi ý kiến đóng góp và bài vở của bạn đọc về mọi vấn đề liên quan đến nhạc cổ điển như ca kịch opéra, ballet, kỹ thuật (recording), album mới, concert bạn mới đi nghe...Thư từ bài vở xin gởi về

classical@vietbao.com

Op. 28 là một tác phẩm đặc thù của Chopin, nó đã để lại nhiều ảnh hưởng nơi các nhà soạn nhạc khác, và họ cùng góp phần kiên định ý nghĩa và thể loại "prélude".

Chopin: Préludes Op. 28

- Trần Công Đài

"Tôi thật sự không hiểu ý nghĩa Chopin đã đặt tên cho những đoản khúc này", ta có thể thông cảm với thắc mắc này của André Gide vào thời điểm đó, vì Chopin thật sự đã mang lại ý nghĩa mới cho thể loại này. Trước đó, prélude cũng như impromptu và fantasy để chỉ loại nhạc diễn tấu ngẫu hứng, khá phổ thông vào đầu thế kỷ 19. Như thế prélude thường mang tính chất nhạc khai tấu, mở màn cho một buổi trình diễn nhỏ. Hơn nữa theo truyền thống, prelude còn được viết ra với mục đích để thử tiếng đàn. Đó là trường hợp các tác phẩm của Clementi hay Hummel.

Tuy nhiên trước đó có một tác phẩm quan trọng liên hệ đến Préludes của Chopin, đó là bộ Well-tempered Clavier* của Bach (WTC). Theo tài liệu khi Chopin về Mojorca để dưỡng bịnh, ông mang theo tác phẩm này của Bach và trong thời gian này ông đã hoàn tất bộ preludes vào những năm 1838-1839. Giống như bộ WTC, Preludes cũng gồm đủ các cung trưởng thứ, mặc dù có sự sắp xếp thứ tự khác nhau. Preludes đi từng cặp theo cung liên hệ, C trưởng - A thứ, WTC thì C trưởng - C thứ. Tuy nhiên đi vào kết cấu từng bài sự liên hệ giữa hai tác phẩm này còn sâu xa hơn nhiều.

Dòng nhạc đi thật nhanh và theo mô hình lập đi lập lại (moto perpetuo) trong các bản số 11, 14 và 19 của Préludes tương tự như Prelude số 5 Book 1 và số 21 Book 2 trong WTC. Một điểm khác, Bach và Chopin có khả năng viết dòng hòa âm đi ở dưới, rồi một dòng nhạc khác trồi lên từ cái thảm ân thanh đó, hai dòng đi gắn bó nghe như một. Điển hình cho trường hợp này là các bản số 1 và 5 của Préludes, và các preludes trong Book 1 WTC.

Quan trọng hơn hết, Chopin có lối viết đối âm (counterpoint) rất riêng biệt và phù hợp đặc biệt cho dương cầm, nhưng hẳn ông đã nghiên cứu tỉ mỉ kỹ thuật này của Bach. Mặc dù hình thức đơn giản cực kỳ của bộ Préludes như che dấu đi sự phong phú của đối âm: một chút giai điệu du dương vừa lấp ló, lập tức biến ngay vào giải âm thanh nền. Prelude số 1 là một kết hợp tinh tế của những bộ phận riêng rẽ nhưng thật gắn bó, trong khi đó số 8 thì các bộ phận hòa lẫn ở mức độ nào đó. Giống Bach, Chopin có lúc cho bè trầm đi riêng, hát giọng khác chiều với bè kia như số 9. Trong khi đó số 6 bè trầm vừa hát giai điệu riêng vừa là bộ phận hòa âm của bè kia.

Mỗi bài Prélude của Chopin là một "chiêu thức" đánh mạnh vào một "huyệt đạo", nên xét về tác dụng Préludes dùng chiêu của thời Baroque hơn là thời Classical, có khi dồn một "cú thôi sơn" như số 12 hay số 14, hay có lúc nội lực từ từ mở ra như ở số 4, số 15 (Raindrop) hay số 17. Bài bản nhìn chung gọn gàng, nhưng ở những bản hơi dài một chút ông vẫn sắp đặt khéo léo các bộ phận, chuyển động uyển chuyển gọn gàng. Rõ ràng là Chopin nắm rõ và rất ý thức về loại hình âm nhạc ông đang soạn.

Mỗi bản prélude đóng góp phần riêng của nó để tạo nên sự phong phú trong toàn bộ.

Ngay đến thứ tự của mỗi bản trong Op. 28 này cũng không thể thay đổi mà không tránh khỏi động đến cái mạch chung của toàn thể, hệt như sư dời đổi một khối đá, dòng suối trong bức tranh phong cảnh có thể làm thay đổi bức tranh thiên nhiên đó. Như thế rõ ràng có một nhạc tố vô hình quán xuyến toàn bộ và chi phối mỗi bài trong 24 bài preludes. Nhạc tố đó chính là tư tưởng của Chopin vậy.

Trở lại câu hỏi ở đầu bài của Gide, câu hỏi đó có thể diễn ý như sau "Préludes là khai tấu, vậy khai tấu cho cái gì". Để trả lời ta hãy nhìn lại toàn bộ 24 Preludes của Chopin để thấy rằng ông có mang lại một ý nghĩa, một sức nặng cho thể loại này. Như ở đoạn vừa trên có nói, mỗi prelude có một tác động đặc thù. 24 preludes có 24 tác động, từ nhịp điệu, giai điệu, hòa âm, cảm tính khác biệt và thậm chí cảm tính cá nhân của chính Chopin (số 13 làm người nghe liên tưởng đến nocturne, số 16 nhớ đến study, số 2 là funeral march và số 4 là elegy). Với 24 đoản khúc và sự liên đới của chúng trong toàn bộ về chất liệu và về thứ tự, thời lượng của mỗi bài, Chopin đã tiến đến sự hoàn thiện một thể loại âm nhạc.

Op. 28 là một tác phẩm đặc thù của Chopin, nó đã để lại nhiều ảnh hưởng nơi các nhà soạn nhạc khác, và họ cùng góp phần kiên định ý nghĩa và thể loại "prélude". Sau Chopin, prelude trở thành thể loại của những đoản khúc, một thể loại hoàn chỉnh và riêng biệt, có thể đứng "mình ên" như một tác phẩm. Ta có thể kể tới 24 Préludes của Scriabin, sắp xếp theo cung như Chopin, tới những bộ préludes của Fauré, của Rachmaninov và của Szymanowsky. Còn Debussy và Shostakovich đã đóng góp bằng cách đưa "prelude" vào ngôn ngữ của thế kỷ 20.

Giả như không có bộ Préludes của Chopin, cũng không biết tác phẩm của các vị đó sẽ mang những hình thái như thế nào nữa.

*Trong bộ Well-tempered Clavier, cứ mỗi prélude lại kèm theo một bản fugue ở cùng một cung. WTC gồm Book 1 và 2, kể cả prelude và fugue WTC gồm 48 đoản khúc. Nên WTC cũng thường được goi là bộ "48".

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chúng tôi mong nhận được mọi ý kiến đóng góp và bài vở của bạn đọc về mọi vấn đề liên quan đến nhạc cổ điển như ca kịch opéra
Khoảng cuối năm 1980, một tin đã gây chấn động trong giới âm nhạc khắp nơi trên thế giới
Những năm 1889-92 ông lưu diễn Anh, Pháp, Bỉ và mang lại nhiều thành công rực rỡ. Trong thời gian này, Albeniz sáng tác rất nhiều
Chúng tôi mong nhận được mọi ý kiến đóng góp và bài vở của bạn đọc về mọi vấn đề liên quan đến nhạc cổ điển như ca kịch opéra
Năm chó chưa hết, năm heo chưa đến có người khách phương xa ghé nhà, vui chuyện hỏi rằng, thế có nhà soạn nhạc nào sinh năm Hợi
Năm 1886 có lẽ là năm quan trọng nhất trong cuộc đời của nhà soạn nhạc Pháp Camille Saint-Saens
Chữ Requiem, theo tiếng La-Tin, có nghĩa là "yên nghỉ". Đây là chữ đầu tiên trong bài kinh cầu hồn của đạo công giáo.
Nhạc cổ điển tây phương là một kho tàng âm nhạc phong phú kéo dài vài trăm năm, nếu chỉ tính từ thời Phục Hưng
Những Cây Thông ở Thành Rome được sáng tác năm 1924 bởi nhạc sĩ người Ý Ottorino Respighi. Trình diễn lần đầu tiên
Tuần rồi Việt Báo có mời một số người thường viết cho mục Góc Nhạc Cổ Điển trong đó có kẻ viết bài này đi nghe chương trình nhạc tại thính đường mới của thành phố L.A. "Walt Disney Hall"
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.