Chúng tôi mong nhận được mọi ý kiến đóng góp và bài vở của bạn đọc về mọi vấn đề liên quan đến nhạc cổ điển như ca kịch opéra, ballet, kỹ thuật (recording), album mới, concert bạn mới đi nghe...Thư từ bài vở xin gởi về
Với trí tưởng tượng phong phú và mạnh mẽ, nhà soạn nhạc người Nga Rimsky-Korsakov đã phù phép nguồn sinh khí vào Scheherazade.
Scheherazade
- Trần Công Đài
Tuần rồi Việt Báo có mời một số người thường viết cho mục Góc Nhạc Cổ Điển trong đó có kẻ viết bài này đi nghe chương trình nhạc tại thính đường mới của thành phố L.A. "Walt Disney Hall". Thính đường này tân kỳ, âm thanh nghe tinh xảo. Chúng tôi ngồi ở những hàng ghế trung bình nhưng âm thanh nghe chính xác, rõ từng điểm nên mọi người thấy khá lôi cuốn. Kỹ thuật âm thanh không nằm trong phần hiểu biết của người viết, hơn nữa chúng tôi có mặt nơi đây là bị hấp dẫn bởi bài bản của chương trình, nhất là bài "Scheherazade", nên xin có đôi điều về tác phẩm này.
Như tất cả các nhà soạn nhạc lừng danh, Rimsky-Korsakov có những bài "độc" -và những bài không lấy gì làm "độc" lắm, thì trong đó Scheherazade là bài tuyệt nhất. Tác phẩm này dựa theo tinh thần "Ngàn Lẻ Một Đêm", mang nhiều chất thần thoại Trung Đông, nên đối với ai đã mê chuyện ma nữ rắn tinh Ấn Độ, nghe mấy cái tên Ali Baba và 40 Tên Cướp hay Aladdin và Cây Đèn Thần là không thể bỏ qua.
Câu chuyện thần thoại Ả Rập này có lẻ tất cả chúng ta đều ít nhiều biết đến. Chuyện nàng công nương Scheherazade đêm đêm thỏ thẻ kể một chuyện thần thoại, chuyện luôn luôn bị gián đoạn vì trời sáng, nên đành dành lại kể tiếp vào đêm sau. Vì chuyện hấp dẫn quá, nhà vua không thể chém đầu nàng như lời nguyền. Trái lại những chuyến phiêu lưu kỳ bí như tiếp nối liên miên bất tận. Vô tình nhà vua bạo ngược này bị cảm hóa "giáo dục" bởi chính người đẹp thành Bá Đa. Đây mới chính thực là dụng tâm của nàng.
Nhà phê bình Barbara Heninger cho rằng tuy bản Scheherazade dựa trên huyền thoại Ả Rập nhưng mang nhiều tính Nga. Một nửa tinh thần Nga là Á châu, nếu bà Heninger cho là nó mang tính Nga thì chắc cũng là phần Nga châu Á này mà thôi. Bỏ qua nhận định dở hơi của nhà phê bình này, Scheherazade là một tác phẩm program music rõ nét, mỗi chương ông đều cho tựa đề rất "ấn tượng" như "Chuyến Đi của Sinh Bá", "Hoàng tử", "Công chúa Sheherazade" và "Lễ hội thành Bá Đa và Bão tố biển khơi". Với những tiêu đề như thế thì nghe rất "bắt", thực sự dòng nhạc còn mang trí tưởng tượng của người nghe còn đi xa hơn nữa. Cho nên, Rimsky-Korsakov cho rằng tựa đề như thế thật ra lại giới hạn sực tưởng tượng của người nghe, ông loại bỏ những tiêu đề này.
Trong cuốn hồi ký "Đời Âm Nhạc của Tôi" (1909) ông viết: "Những tiêu đề này chỉ nên coi như một chút hướng dẫn…người nghe nên để trí tưởng tượng của mình bềnh bồng trên muôn ngàn chuyện thần thoại diệu kỳ thay vì chỉ chỉ vỏn vẹn với vài hình ảnh mà bốn tiêu đề này ám chỉ."
Mặt khác, tại sao ông lại dùng tên của nàng Scheherazade để đặt tên cho toàn bộ tác phẩm này, thay vì lấy tên là "Ngàn Lẻ Một Đêm". Ông viết "Nàng là người thêu dệt nên những câu chuyện thần thoại này để hằng đêm mua vui cho người chồng đau khổ." Về mặt nhạc lý, nét nhạc tượng trưng cho Scheherazade do vĩ cầm trình bầy luôn là nền tảng quán xuyến không khí âm nhạc cho toàn tác phẩm, nó xuất hiện ở chương 1, 2 và 3, và ở chương cuối, sau bao phong ba bão táp, nó lại trở về nỉ non trước khi tan biến khi trời rạng sáng.
Trong khi đó, nhà vua chồng nàng được tượng trưng bởi nhạc cụ của dàn gỗ, có khi bởi horn. Đây cũng là câu nhạc chính của tác phẩm. Câu nhạc này nghe sao rất Trung Đông, nên có nhiều lúc nó được dùng trong nhiều sản phẩm sau này, như trong một video game hoàng tử đánh khủng long cứu công chúa mà người viết còn nhớ, dù rằng tài tử-giai nhân trong đó thì da trắng tóc vàng rất "tây".
Hai câu nhạc này là chủ đề được quay đi quay lại nhiều lần ở những góc độ khác nhau, có khi trình bầy bằng một nhạc cụ khác hay nhóm nhạc cụ.
Như khi mở đầu tác phẩm với chương Những Chuyến Đi của Sinh Bá, sau vài nốt nhạc trang trọng, thì giọng nỉ non của cây vĩ cầm rón rén từng bước yểu điệu ra mắt. Hay như trường hợp kết thúc có nhắc ở phần trên, chương Lễ Hội thành Bá Đa mở ra với ý nhạc mới, rồi bao nhiêu dâu bể kéo đến, khi biển lặng sóng êm, nàng lại ngập ngừng rón rén tha thiết ngân nga trước khi mọi âm thanh dần dần tan biến hết vào không gian và thời gian vô tận.
(Cái cách với một hay hai ý nhạc chính đưa ra, rồi quần thảo và khai triển thêm từ đó, được gọi là leifmotif của trường phái Wagner.)
Scheherazade là đỉnh cao nghệ thuật viết hòa âm cho dàn nhạc và tài phối khí của Rimsky-Korsakov. Với trí tưởng tượng phong phú và mạnh mẽ, nhà soạn nhạc người Nga này đã phù phép nguồn sinh khí vào Scheherazade.
Trong 45 phút cuốn theo dòng nhạc, người nghe như thấy hiện ra trong trí bao nhiêu hình ảnh, kinh qua bao nhiêu biến cố và bao niềm xúc động. Tác phẩm này có số Opus 35, viết cho dàn nhạc đầy đủ có thêm harp và được trình diễn lần đầu vào tháng 11 năm 1888 tại St. Petersburg dưới sự điều khiển của chính Rimsky-Korsakov.