Hôm nay,  

Mẹ con

26/03/202310:24:00(Xem: 2219)
Truyện

hoathuytien

Ở Việt Nam, hồi xa xưa đó, cuộc sống giản dị nên rất ít nhà tư có mắc điện thoại, điện thoại công cộng đặt ở các bưu điện nhưng người dân ít quen sử dụng. Khi có việc cấp bách thì đánh điện tín. Ở công sở, trường học có trang bị điện thoại, nhưng thường chỉ có các sếp lớn gọi nhau đi họp hẹn hò cờ bạc hay hoạt náo cuối tuần.

 

Gần nhà chúng tôi, khu Lê Văn Duyệt ăn sang Nguyễn Thông, chẳng mấy tư gia có điện thoại, hồi đó cũng ít nhu cầu hơn ngày nay. Mỗi lần cần liên lạc với cha tôi đóng quân ở xa, ngoài vùng I chiến thuật, mẹ tôi thường dắt chúng tôi cùng đi lên căn cứ truyền tin trong tổng tham mưu, gần Tân Sơn Nhứt. Căn cứ truyền tin quân đội gồm mấy dẫy nhà tôn tiền chế, nhưng khá khang trang, nằm dựa bên hông chùa nghĩa trang Bắc Việt.

 

Mẹ tôi thích đi lễ chùa nghĩa trang Bắc Việt dù gia đình chưa có ai an nghỉ nơi đó. Mẹ tôi hình như có một chút đặc biệt, một chút kỳ thị ngây ngô, vì trong chùa hầu hết là người Bắc di cư, các thầy, các chú, các ni, các điệu cho đến các bà đến làm công quả trong chùa đều Bắc kỳ, cả những ngôi mộ nằm xúm xít xung quanh chùa, họ sung sướng, có lẽ thế, được tọa lạc dưới chân đức Địa Tạng Vương oai nghi độ lượng, ngẫu nhiên, họ cũng quê quán Bắc Kỳ, như cụ Đào Duy Anh. Cụ Chu Văn Mậu.

 

Mẹ tôi viện cớ chùa giống y như chùa ở ngoài kia, bà bảo gác chuông thật êm đềm, chùa đầy cây cao bóng cả, sân rộng lát gạch như gạch bát tràng. Đặc biệt trong sân chùa có hai cây hoa đại, trong Nam ta gọi là bông sứ, vàng và hồng thật lớn, cành bông sứ xòe rộng như hai cái tán, tận cùng bởi những túm lá gọn hơi  xòe ra y hệt những bàn tay cứu độ chúng sinh. Hoa sứ trang nghiêm thơm ngào ngạt, hai cây đại thụ đó đứng sừng sững đối diện nhau ngay bên cầu thang rộng lên xuống trước chánh điện làm tăng vẻ uy nghi cho chùa.

 

Mẹ tôi sùng đạo, quý thầy cô pha lẫn chút đỉnh mộng mơ, bà hay nói rằng mấy cây đại sân trước và nhất là mấy cây cau cao vút sau vườn chùa làm bà luôn nhớ đến cảnh chùa Long Giáng ở Bắc Ninh, « trong Hồn Bướm Mơ Tiên ». Ồ, mẹ tôi quên bẵng đi những vườn sắn sau chùa Long Giáng của chú Lan!

 

Chúng tôi sinh sau đẻ muộn, chúng tôi không biết gì nơi quê mẹ quê cha xa xôi ấy.

 

Chúng tôi chỉ thấy đơn giản là chùa nghĩa trang tương tế của thầy Trí Dũng sao mà giông giống cảnh bao quát chùa một cột trong bức tranh sơn mài ở nhà ông nội tôi quá sức, bức tranh ấy luôn treo trong phòng khách từ bao giờ trước khi tôi được sinh ra? Này nhé, có vài cây cau cao vút, lóng lánh cẩn ốc xà cừ. Cây cao vút vượt lên trên mái ngói, trên cả tầng gác chuông loang loáng mây ngũ sắc.

 

– Cây này cây gì vậy bà nội ? Tôi hỏi nội tôi. – Cây cau cao quá hả bà? Vậy quả cau có ăn được không, có ngon không bà?

 

– Ăn được, mà để cho các bà ăn trầu cau cho sạch miệng và chắc răng. Cau không phải trái cây như cam, quýt con à.

 

– Vậy hoa cau có ăn được không bà nội?

 

– Hoa cau rất đẹp, rất thơm, mà cũng không ăn được luôn, hoa cau để già trên cây rồi để các bà ăn trầu cau?

 

– Thế sao bà nói nhà mình vẫn nấu xôi hoa cau, chè hoa cau?

 

– Không, đó là xôi đậu xanh dãi vỏ, coi nó giống màu và đẹp như hoa cau thì gọi xôi hoa cau, chè hoa cau.

 

Chán thật, vậy là từ đó tôi không vấn đáp với nội tôi về cây cau nữa. Nhưng tôi vẫn nhìn lên tấm tranh sơn mài, mỗi lần sau giấc ngủ trưa từ bộ ván dầy kê đối diện tấm tranh. Tôi vẫn nhìn lên những túm lá cau, bẹ cau thì đúng hơn, vì thấp thoáng sau những cây cau, lại có những cây hoa sứ sang trọng xòe tàn lá lưa thưa trên ngọn, ồ, xen giữa cây cau và cây bông sứ là bóng trăng vàng ẩn hiện. Thì ra bóng trăng vàng là tụ điểm cho tôi ngắm. Sau giấc ngủ trưa hè mơ màng, chậm chạp, tôi luôn ngó xem bóng trăng sau chùa còn không? Còn đó, khi nào trăng cũng ở đó, lấp ló, ẩn hiện giữa những cành cây khẳng khiu loang loáng ánh xà cừ  như thiệt như mộng. Ồ, sao mà tất cả giống như một cái bánh dẻo trung thu thập cẩm, sực nức mùi hoa bưởi thơm ngon lạ lùng!

 

Thì ra chúng tôi là yêu chùa như nhau, dù mỗi người yêu một kiểu và có một tưởng tượng riêng. Mẹ tôi còn yêu chùa bằng kỷ niệm xa xưa từ thuở bà còn đi học, còn gạo bài thì dưới bóng mát, dưới tàn cây phượng già, đầy hoa phượng đỏ và ve sầu kêu râm ran những bản nhạc ngàn năm không đổi.

 

Rồi cứ mỗi lần lên Tân Sơn Nhứt, chúng tôi lại làm một lộ trình quen thuộc như nhạc ve sầu mùa hè. Việc đầu tiên là viếng chùa, hai chị em tôi luôn dừng lại nô đùa ở cửa tam quan, chúng tôi chơi đuổi bắt quanh ba ô cửa, leo lên leo xuống gác chuông cao, nghịch ngợm thả lá cây xuống đầu người qua lại, cũng không quên đánh đu bên những rễ cây bồ đề lâu năm, cây thả dây dài như dây thung, cây đa thì phải, đây là chỗ chơi đùa lý tưởng của lũ trẻ con tưởng không bao giờ chán. Mỗi đứa ôm một rẻo cây thật chắc chơi cái trò chơi Tarzan ồn ào hào hứng, vì mỗi đứa đu một kiểu, ngang, dọc, mạnh, yếu khác nhau.

 

Mẹ tôi khỏi quan tâm tới tụi tôi, bà băng ngang sân chính, ngó mông lung lên trời, hít thở hơi bông sứ một hồi rồi mới vào thắp nhang lễ Phật. Bao giờ bà cũng không quên ghé xuống nhà ngang, là nhà bếp, chào và thăm hỏi mọi người, vồn vã như một người vừa đi xa về, mẹ tôi tới đâu ồn ào tới đó. Ra khỏi chùa, bà ra lệnh quẹo sang trái, nương theo lối đi giữa hai hàng kẽm gai, đặc biệt nhà binh, kế bên bộ tổng tham mưu, quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Chúng tôi vào nhà cậu Hàm, trong căn cứ truyền tin. Người lính gác quen mặt trên chòi cao vẫy tay cho chúng tôi đi thẳng. Mẹ tôi, theo thường lệ, đặt dưới chân lô cốt một túi quà nhỏ, có một ít lộc Phật, chuối và nửa đĩa xôi, vài trái mận đã se dạ. Còn một phần y vậy, mẹ bảo đem vào làm quà cho mợ Hàm. Cậu mợ Hàm đối với chúng tôi chỉ là họ hàng xa nhưng vì năng lui tới hóa thành thân, mẹ tôi muốn vào đây để gọi điện thoại cho bố tôi từ xa, từ vùng hỏa tuyến, Đà Nẵng, Cam Ranh và những nơi xa xôi vùng I chiến thuật.

 

Chúng tôi, tôi và em tôi, Tú và Tí, ưng tới đây để chọc hái trứng cá, ở đây những cây trứng cá sai quả chín mọng thơm ngon đầy cành mà có ai dễ gì tự do vào được  vùng quân sự này mà hái, nên chúng ra nhiều, đỏ ối, chín mọng, thơm và ngon ơi là ngon. Khi nào rồi cậu Hàm cũng hướng dẫn chúng tôi sau đó lên phòng truyền tin, ông có đầy máy móc và dây điện chằng chịt, quấn quýt. Quấn quýt nhiều lần phức tạp hơn những rễ cây đa cây bồ đề yêu quý của chúng tôi ở cửa tam quan chùa. Ông rất thiện nghệ, nghề của chàng mà, cởi chốt nọ, móc dây vào chốt kia, thay mầu dây ấn số, gọi tới, gọi lui, bao giờ ông cũng mở đầu bằng một câu quen thuộc : « Chào bằng an, bây giờ nói chuyện với bà xã nhé, vui ».

 

Mẹ tôi tiến tới, cầm điện thoại và bắt đầu nói, ôi sao bà nói lắm thế, nói hăng hơn cả lúc ở bên chùa nữa. Bà sung sướng nghe ra giọng chồng ở xa. Còn sống. Chẳng hiểu vì mệt hay cảm động, mặt hồng lên, mắt long lanh. Cũng có lúc bà gọi tụi tôi lại gần cho nói với bố mấy câu. Tôi nhận ra giọng của bố tôi ở xa rồi ở gần, thoang thoảng, thì ra cái điện thoại là như thế.

 

– Con Tú đấy à, em Tí đâu? Có nhận ra tiếng bố không ? Các con phải ngoan ngoãn học bài, các con có xuống thăm ông bà không?

 

Tôi đứng yên, tôi muốn trả lời, nhưng không biết phải làm sao.

 

– Nói vào đây, – mẹ tôi chỉ và nhắc. Tôi sợ và cố gắng ngập ngừng:

 

– Bố hả bố?

 

– Ừ, nói đi, bố nghe…

 

– Bố đang làm gì đấy ?

 

– Ơ, bố đang chờ nghe con nói…

 

Tôi mắc cỡ đặt ông nghe xuống, mẹ tôi và cậu mợ Hàm phì cười. Tôi không hiểu vội bỏ chạy! Cái thuở xa xưa, khi tôi còn nhỏ, ngô nghê và quê ơi là quê thì điện thoại là như thế đó.

 

Sau mấy chục năm sang Âu Châu, tôi biết cái điện lợi hại như thế nào và yêu quý nó là cái chắc. Mà ai cũng vậy, chẳng riêng gì chúng tôi. Chúng tôi mỗi đứa có cả lô, cả hàng chục bạn bè cần phải liên lạc với nhau luôn, chuyện bài vở, trường lớp, picnic, đại nhạc hội, v.v… toàn những chuyện phải nói lâu và nói nhiều. Mà khi chúng tôi nói điện thoại lâu thì mẹ chúng tôi làm hiệu giục thôi. Tôi vội xua xua tay, chỉ chỉ ra xa, ra hiệu là đầu dây bên kia kêu tới. Thế mà khi tôi vừa buông tay ra là mẹ tôi lên lớp ngay:

 

– Các con nói nhiều quá! – Bà quên là lúc xưa bà cũng nói còn nhiều  và lâu hơn tụi tôi. – Này, mẹ không phải trả tiền, thì đầu dây bên kia bác A bác B cũng phải trả thôi. Các con và bạn các con vô ý tứ lắm, ai trả tiền nhiều mà không tội. Làm ra đồng bạc không dễ đâu.

 

– Ơ… thế cái điện thoại thì ý mẹ để làm gì?

 

– Tối cần mới gọi nhau.

 

– Tụi con lúc nào cũng tối cần mẹ ạ.

 

– Hiện đại là hại điện đấy. Cuối tháng là tiền tăng là các con chia nhau trả cho nhà nước nhe.

 

Chúng tôi im lặng, chào thua. Mẹ tôi thêm ý:

 

– Mẹ ấy à, mẹ chỉ toàn điện thoại ở sở làm thôi. Để cho chủ nó trả, nhà nước trả.

 

Một ngày mùa đông, tối tôi ra ngoài điện thoại, ngày ấy còn điện thoại công cộng, nay thì lũ du côn đập phá nát hết rồi. Trời tháng mười, mùa đông, ở quê hương này, mùa đông của Anatole France hơi mờ mịt, tôi gặp chú tây hàng xóm cũng ra chờ điện thoại.

 

Tôi chào và vội hỏi:

 

– Nhà chú điện thoại trục trặc ư?

 

Ông hàng xóm trả lời rất thành thực:

 

– Không, mà tôi nói nhiều quá, tiền điện thoại tăng mau, Sandrine, vợ tôi mang trả nó cho bưu điện rồi.

 

– Chú để cho Sandrine tước quyền công dân dễ dàng vậy sao?

 

– Không nàng dễ thương lắm, nàng đã mua một cái hộp có khóa, khóa điện thoại ở trong, khi tôi cần, nàng mở cho tôi dùng, nhưng chỉ được nói trong mười phút thôi, lần nào tôi cũng nói quá hai mươi phút, có khi ba mươi phút… và vì vậy, thiếu tiền trả, giờ hết xài, thật là lỗi tại tôi.

 

Joël, chú hàng xóm tây nói một hơi dài, nhận tội thẳng thắn, không ngoan cố bướng bỉnh như tụi tôi. Vô lý thiệt. Sống phải nói với nhau chứ. Tôi và chú Joël đồng ý ở một điểm là sao nhà nước không bớt chi tiêu đi một khoản nào đó, để cho mọi người tự do điện thoại miễn phí dài dài.

 

Khi tôi vừa thò mặt vô nhà, đụng mẹ tôi ngay:

 

– Trời tối, lạnh, con đi ra ngoài chi vậy?

 

– Con cần gọi bạn con.

 

– Ra ngoài, tối, nguy hiểm lắm, lần sau nói ở nhà cũng được, nói vắn tắt, nhanh và gọn thôi con ạ.

 

Mẹ tôi thương, xót xa, ban lệnh mới.

 

– À, này, cứ như mẹ mà hay, mẹ toàn gọi điện thoại trong sở làm, tiện đủ cách.

 

– Sẽ có ngày chủ má sa thải má cho xem. – Tôi khẳng định.

 

– Ối trời, còn lâu mới đuổi được má, này nhé, sếp lớn thì ở xa lắc xa lơ, sếp nhỏ ngày nào cũng gọi đi lung tung, rất nhiều lần hơn cả chục nhân viên… đã bảo tiền của sở mà!

 

– Nhưng mà mẹ có sở làm tụi con có sở đâu? Hay cứ coi nhà này là một cái sở đi, tụi con làm việc cho sở má nhe?

 

Kỳ này bà ngồi im, chịu trận, không phản pháo nữa, giây lát trôi qua, thấy dễ thở, bà bồi hồi nhắc lại chuyện xa xưa, cũng vẫn bà, bà luôn thắng lợi hơn người khác:

 

– Này, cái hồi xửa xưa, còn ở Việt Nam ấy mà, má vẫn điện thoại miễn phí ở nhà cậu Hàm, ở trung tâm truyền tin của bộ tổng tham mưu, mới đó, đã gần nửa thế kỷ qua đi, các con còn nhớ không?

 

Rồi mẹ tôi ngồi im, hai tay xoa xoa mặt bàn, nét mặt có phảng phất nét đăm chiêu. Bất chợt, em tôi, Tí, nay đã lớn bộn, nó hớn hở tiến lại bên mẹ:

 

– Mẹ, mẹ khi nào cũng thích nói điện thoại không trả tiền, hồi đấy mẹ cũng làm quá, nhiều lần quá, nên ta thua, Việt Cộng nó thắng đó. Không chừng bây giờ, rồi tây cũng sắp thua… mà thua ai thì chưa biết, hay là thua Nga, thua Tầu, thua Arabe?

 

Mẹ tôi nhìn sững em tôi, hai mắt tròn xoe:

 

– Im đi, láo lếu vừa chứ, đừng có nói năng tào lao như vậy. Thua là có rất nhiều lý do, quân sự, chính trị, xã hội… nào có phải vì tí tẹo vậy mà mất nước. Khùng vừa thôi, con làm như mẹ ngớ ngẩn.

 

– Không, mẹ mà có khi nào ngớ ngẩn, thì mẹ vẫn chẳng nói một giọt nước nhỏ thêm làm tràn đầy một ly nước đầy… hay là nói như thầy vẫn giảng thì chắc mẹ chịu hơn… Này nhé, « nước mắt chúng sanh trong ba ngàn thế giới nhiều hơn nước trong bốn biển » rồi, chịu chưa ? « Tích tiểu thành đại » mà, câu này cũng mẹ hay nói! – Mẹ tôi đứng dậy, tôi tưởng mẹ đi kiếm cây chổi lông gà, nhưng không, bà vươn vai thở dài.

 

– Hai câu chuyện đó không ăn nhập gì với nhau cả, vô duyên… Mẹ mệt rồi, hai đứa ra chỗ khác, mẹ mệt, chấm dứt câu chuyện ở đây không còn gì bàn cãi nữa.

 

Nhưng chúng tôi vẫn ngồi im vây quanh cái bàn nhỏ kê trong góc bếp. Chúng tôi im lặng riêng tư nhìn vào khoảng không như gợi nhớ điều gì đã xa vời vợi. Thật ra lại gần tháng tư rồi, nhắc lại chuyện Việt Nam, vừa bực bội vừa buồn buồn. Thì đó có ai quên dễ dàng những chuyện của Việt Nam ngày mất nước. Kỷ niệm tuy thân thương, mà pha đầy gia vị cay cay, mặn mặn, đắng đắng. Dù đắng như trái khổ qua, người Việt Nam vẫn tìm cách dồn thịt, nấm, bún tầu vào hầm mà nuốt cho trôi, và cứ nghĩ là nó sẽ bổ dưỡng, mát gan, mát ruột. Cũng vậy, nhiều hình ảnh xa xưa chập chùng, chờn vờn mãi ttrong ký ức: những dẫy nhà tôn khang trang, căn phòng truyền tin Tân Sơn Nhứt trước 1975, một khoảng sân rộng bát ngát có nhiều vũng nước mưa đọng, nước trong veo, trong đến có thể soi gương được, thấy cả vùng trời mây xanh lơ trôi lãng đãng phản chiếu… phản chiếu in bóng cờ bay cờ bay… ngoài xa hơn, những cây hoa chuối hoa dong vàng, đỏ lươn tròn lươn tròn theo bờ tường làm bệ bao quanh cột cờ và ở đó, trên cao đó, thật cao, lá cờ quốc gia Việt Nam phất phới trong nắng, reo vui cùng gió lộng! Cờ vàng ba sọc đỏ.

 

Tất cả đã quá xa…

 

Xa như một vòng trái đất đã quay đi và cả một vòng thế kỷ, có khi nào vòng quay trở lại ở điểm khởi đầu?

 

– Chúc Thanh

(Cuối tháng ba, 2023)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Mỗi 30 tháng 4 là mỗi năm xa hơn ngày đó, 1975, thêm một bước nữa xa hơn, đi vào dĩ vãng. Hầu hết những người trực tiếp tham gia vào cuộc chiến trước 75, nay đã vắng mặt. Non nửa thế kỷ rồi còn gì. Khi không còn ai nữa, không hiểu những thế hệ trẻ tha hương sẽ nhớ gì? Một thoáng hơi cay? Có khi nào bạn đọc ngồi một mình chợt hát lên bài quốc ca, rồi đứng dậy, nghiêm chỉnh chào bức tường, thằng cháu nhỏ thấy được, cười hí hí. Ông ngoại mát rồi. Trí tưởng tượng của người thật kỳ diệu. Rượu cũng kỳ diệu không kém. Nửa chai vơi đi, lơ mơ chiến sĩ trở về thời đó. Lạ lùng thay, quá khứ dù kinh hoàng, khốn khổ cách mấy, khi nhớ lại, có gì đó đã đổi thay, dường như một cảm giác đẹp phủ lên như tấm màn mỏng, che phía sau một thiếu phụ trẻ đang khóc chồng. Cô có mái tóc màu nâu đậm, kiểu Sylvie Vartan, rủ xuống che nửa mặt. Nhưng thôi, đừng khóc nữa. Chỉ làm đất trời thêm chán nản. Để tôi hát cho em nghe, ngày đó, chúng tôi, những người lính rất trẻ.
Ngày 30 tháng 4 năm nay, 2024, đánh dấu 49 năm ngày Sài Gòn thất thủ vào tay cộng sản Bắc Việt (30 tháng 4 năm 1975). Biến cố này đã mở ra một tương lai đen tối cho dân tộc Việt Nam mà một trong những hệ lụy thảm khốc nhất là hàng triệu đồng bào đã bỏ nước ra đi tìm tự do, trong đó có khoảng hơn 400,000 người chết thảm giữa lòng biển cả. Cuộc chiến tranh Việt Nam kéo dài trong 20 năm đã khiến cho hơn 950,000 bộ đội và thường dân miền Bắc chết và khoảng 600,000 lính cộng sản bị thương. Trong khi đó, có khoảng hơn 700,000 thường dân và binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa thiệt mạng, cùng với 1,170,000 lính VNCH bị thương. Phía Hoa Kỳ có 58,281 binh sĩ tử thương và 303,644 lính bị thương. Đó là chưa kể số thương vong của binh sĩ các nước tham chiến ở hai miền Nam-Bắc, theo www.en.wikipedia.org.
Thế giới đang bùng nổ nhiều cuộc chiến tranh, và đang ngún lửa ở nhiều nơi khác: Trung Đông, Ukraine, Miến Điện, Đài Loan, Biển Đông… Một thời Việt Nam cũng đã trải qua nhiều cuộc binh lửa. Khi đọc kỹ Tam tạng Kinh điển, chúng ta cũng sẽ thấy có những cuộc chiến. Bản thân Đức Phật khi mới lớn cũng học kỹ thuật kiếm cung. Trong nhiều kiếp quá khứ, Đức Phật, khi còn ở cương vị Bồ Tát, cũng đã từng ra trận. Nhiều hình ảnh ẩn dụ trong kinh điển cũng cho thấy dấu tích chiến tranh: ngựa chiến, voi chiến, áo giáp, mũi tên… Và rồi tận cùng, Đức Phật nói trong Kinh SN45.7 rằng chiến thắng vinh quang nhất chính là nhiếp phục tham, sân, si – nơi đó chính là Niết Bàn. Đó là mặt trận lớn nhất, gian nan nhất.
Vào ngày 6 tháng 12, 2023, nhà thơ, nhà văn, giáo sư văn học và nhà hoạt động xã hội được yêu mến người Palestine Refaat Alareer đã thiệt mạng trong một cuộc không kích từ Israel cùng với người anh, em gái và bốn đứa con của họ. Trong tuần để tang kể từ đó, những lời tri ân dành cho cuộc đời, sự nghiệp viết lách và các hoạt động nghệ thuật tích cực của Alareer đã tràn ngập khắp nơi trên thế giới. Nhiều lời tri ân được đăng cùng với bài thơ cuối cùng “Nếu tôi phải chết” được ông đăng trên Twitter của mình vào ngày 1 tháng 11 năm 2023. Cho đến nay, bài thơ chia tay như một điềm báo đau lòng của Alareer hiện đã được dịch sang hơn 40 thứ tiếng; được đọc trên các sân khấu thế giới và được viết trên các bức tường sân ga tàu điện; được in trên các biểu ngữ, bảng hiệu, cờ và diều, được giương cao trong các cuộc biểu tình đòi ngưng bắn trên khắp thế giới.
Nhà xuất bản của Ocean Vương trên Marketplace cũng như Ocean Vương trên Instagram của mình đã thông báo về cuốn tiểu thuyết mới sẽ được xuất bản vào tháng 6 năm 2025, Emperor of Gladness. “Emperor of Gladness” là cuốn tiểu thuyết thứ hai của Ocean Vương, “kể về một năm trong cuộc đời của một thanh niên ương ngạnh ở New England, người tình cờ trở thành người chăm sóc cho một góa phụ 82 tuổi bị mất trí nhớ, tạo nên câu chuyện về tình bạn. sự mất mát và mức độ chúng ta sẵn sàng mạo hiểm để đòi hỏi một trong những ân huệ quý giá nhất của cuộc đời: cơ hội thứ hai.”
Tuyển tập “9 Khuôn Mặt: 9 Phong Khí Văn Chương” của Bùi Vĩnh Phúc là những trang sách phê bình văn học độc đáo, nơi đây 9 người cầm bút nổi tiếng của Miền Nam – Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên – được chiếu rọi trên trang giấy rất mực trân trọng, công phu, phức tạp, và nổi bật là kiểu phê bình văn học rất mực thơ mộng của họ Bùi.
Nhận được tin buồn nhà thơ Phan Xuân Sinh sau một cơn bạo bệnh, nhập viện vì bệnh tim mạch, hôn mê sau 10 ngày vô phương cứu chữa đã qua đời tại Texas ngày 28/2/2024. Thọ 76 tuổi...
Từ hồi trẻ, tôi đã có thói quen là những ngày giáp Tết thì bắt đầu chọn một vài bài nhạc xuân để nghe; và trong những ngày đầu năm thì sẽ đọc một cuốn sách. Thói quen “khai sách đầu xuân” có thêm một chi tiết khi tuổi quá độ “ngũ thập nhi tri thiên mệnh”: đọc một cuốn sách có chủ đề về Phật Giáo. Trong năm Giáp Thìn này, tôi chọn cuốn “Từ Mặc Chiếu Đến Như Huyễn” của một tác giả cũng tuổi con rồng: cư sĩ Nguyên Giác, cũng là nhà báo Phan Tấn Hải. Giới thiệu “tác giả, tác phẩm” dài dòng như vậy, nhưng đối với tôi, người viết đơn giản chỉ là anh Hải, một người anh thân thiết, đã từng có một thời ngồi gõ bàn phím chung trong tòa soạn Việt Báo ở phố Moran. Đọc sách của anh Hải, tôi cũng không dám “điểm sách” hay “phê bình sách”, vì có thể sẽ bị anh phán rằng “… viết như cậu thì chỉ… làm phí cây rừng thôi!” Bài viết này chỉ ghi lại một vài niềm hứng khởi khi được tặng sách, khi đọc qua cuốn sách mà cái tựa cũng đã chạm sâu thẳm vào những điều bản thân đang chiêm nghiệm.
Chúng ta thường được nghe nói, rằng mọi người đều bình đẳng trước Thượng Đế. Tuy nhiên, Thượng đế thì không ai thấy, nhưng có một thứ còn đáng sợ hơn nhân vật cổ sử đó (nếu thật sự là có Thượng Đế): đó là những trận mưa bom. Người dân Ukraine và Palestine ý thức rất rõ, vì đó là chuyện hằng ngày của họ: mọi người đều bình đẳng khi đứng dưới mưa bom. Già, trẻ, nam, nữ, trí thức, nông dân, nhà thơ, họa sĩ… đều bình đẳng: khi bom rơi trúng là chết. Cuộc chiến giữa người Palestine muốn giữ đất và người Israel từ nơi xa tới nhận phần đất mới do quốc tế trao tặng từ đất Palestine đã kéo dài nhiều thập niên. Bây giờ căng thẳng mới nhất là ở Gaza, cuộc chiến đang tiếp diễn giữa nhóm Hamas, thành phần chủ trương bạo lực của dân Palestine, và quân Israel. Trong những người chết vì bom Israel, có những người hiền lành nhất, đó là trẻ em và phụ nữ.
Thông thường khi nghe hai chữ “cô đơn” chúng ta liên tưởng đến trạng thái tinh thần yếm thế, tâm tư buồn bã, ngày tháng chán chường, thậm chí, cuộc đời trống rỗng. Có lẽ, vì ý nghĩa từ điển của từ vựng này; có lẽ, vì ảnh hưởng văn chương nghệ thuật; có lẽ vì chúng ta đã từ lâu tin như thế, mà không bao giờ đặt một nghi vấn nào. Đây là định nghĩa của “cô đơn” qua Bách thư toàn khoa Wikipedia: “Cô đơn là một trạng thái cảm xúc phức tạp và thường gây khó chịu, đáp ứng lại với sự cách ly xã hội. Cô đơn thường bao gồm cảm giác lo lắng về sự thiếu kết hợp hay thiếu giao tiếp với những cá nhân khác, cả ở hiện tại cũng như trong tương lai. Như vậy, người ta có thể cảm thấy cô đơn ngay cả khi xung quanh có nhiều người. Nguyên nhân của sự cô đơn rất đa dạng, bao gồm các vấn đề về xã hội, tâm thần, tình cảm và các yếu tố thể chất.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.