Hôm nay,  

Mẹ con

26/03/202310:24:00(Xem: 2200)
Truyện

hoathuytien

Ở Việt Nam, hồi xa xưa đó, cuộc sống giản dị nên rất ít nhà tư có mắc điện thoại, điện thoại công cộng đặt ở các bưu điện nhưng người dân ít quen sử dụng. Khi có việc cấp bách thì đánh điện tín. Ở công sở, trường học có trang bị điện thoại, nhưng thường chỉ có các sếp lớn gọi nhau đi họp hẹn hò cờ bạc hay hoạt náo cuối tuần.

 

Gần nhà chúng tôi, khu Lê Văn Duyệt ăn sang Nguyễn Thông, chẳng mấy tư gia có điện thoại, hồi đó cũng ít nhu cầu hơn ngày nay. Mỗi lần cần liên lạc với cha tôi đóng quân ở xa, ngoài vùng I chiến thuật, mẹ tôi thường dắt chúng tôi cùng đi lên căn cứ truyền tin trong tổng tham mưu, gần Tân Sơn Nhứt. Căn cứ truyền tin quân đội gồm mấy dẫy nhà tôn tiền chế, nhưng khá khang trang, nằm dựa bên hông chùa nghĩa trang Bắc Việt.

 

Mẹ tôi thích đi lễ chùa nghĩa trang Bắc Việt dù gia đình chưa có ai an nghỉ nơi đó. Mẹ tôi hình như có một chút đặc biệt, một chút kỳ thị ngây ngô, vì trong chùa hầu hết là người Bắc di cư, các thầy, các chú, các ni, các điệu cho đến các bà đến làm công quả trong chùa đều Bắc kỳ, cả những ngôi mộ nằm xúm xít xung quanh chùa, họ sung sướng, có lẽ thế, được tọa lạc dưới chân đức Địa Tạng Vương oai nghi độ lượng, ngẫu nhiên, họ cũng quê quán Bắc Kỳ, như cụ Đào Duy Anh. Cụ Chu Văn Mậu.

 

Mẹ tôi viện cớ chùa giống y như chùa ở ngoài kia, bà bảo gác chuông thật êm đềm, chùa đầy cây cao bóng cả, sân rộng lát gạch như gạch bát tràng. Đặc biệt trong sân chùa có hai cây hoa đại, trong Nam ta gọi là bông sứ, vàng và hồng thật lớn, cành bông sứ xòe rộng như hai cái tán, tận cùng bởi những túm lá gọn hơi  xòe ra y hệt những bàn tay cứu độ chúng sinh. Hoa sứ trang nghiêm thơm ngào ngạt, hai cây đại thụ đó đứng sừng sững đối diện nhau ngay bên cầu thang rộng lên xuống trước chánh điện làm tăng vẻ uy nghi cho chùa.

 

Mẹ tôi sùng đạo, quý thầy cô pha lẫn chút đỉnh mộng mơ, bà hay nói rằng mấy cây đại sân trước và nhất là mấy cây cau cao vút sau vườn chùa làm bà luôn nhớ đến cảnh chùa Long Giáng ở Bắc Ninh, « trong Hồn Bướm Mơ Tiên ». Ồ, mẹ tôi quên bẵng đi những vườn sắn sau chùa Long Giáng của chú Lan!

 

Chúng tôi sinh sau đẻ muộn, chúng tôi không biết gì nơi quê mẹ quê cha xa xôi ấy.

 

Chúng tôi chỉ thấy đơn giản là chùa nghĩa trang tương tế của thầy Trí Dũng sao mà giông giống cảnh bao quát chùa một cột trong bức tranh sơn mài ở nhà ông nội tôi quá sức, bức tranh ấy luôn treo trong phòng khách từ bao giờ trước khi tôi được sinh ra? Này nhé, có vài cây cau cao vút, lóng lánh cẩn ốc xà cừ. Cây cao vút vượt lên trên mái ngói, trên cả tầng gác chuông loang loáng mây ngũ sắc.

 

– Cây này cây gì vậy bà nội ? Tôi hỏi nội tôi. – Cây cau cao quá hả bà? Vậy quả cau có ăn được không, có ngon không bà?

 

– Ăn được, mà để cho các bà ăn trầu cau cho sạch miệng và chắc răng. Cau không phải trái cây như cam, quýt con à.

 

– Vậy hoa cau có ăn được không bà nội?

 

– Hoa cau rất đẹp, rất thơm, mà cũng không ăn được luôn, hoa cau để già trên cây rồi để các bà ăn trầu cau?

 

– Thế sao bà nói nhà mình vẫn nấu xôi hoa cau, chè hoa cau?

 

– Không, đó là xôi đậu xanh dãi vỏ, coi nó giống màu và đẹp như hoa cau thì gọi xôi hoa cau, chè hoa cau.

 

Chán thật, vậy là từ đó tôi không vấn đáp với nội tôi về cây cau nữa. Nhưng tôi vẫn nhìn lên tấm tranh sơn mài, mỗi lần sau giấc ngủ trưa từ bộ ván dầy kê đối diện tấm tranh. Tôi vẫn nhìn lên những túm lá cau, bẹ cau thì đúng hơn, vì thấp thoáng sau những cây cau, lại có những cây hoa sứ sang trọng xòe tàn lá lưa thưa trên ngọn, ồ, xen giữa cây cau và cây bông sứ là bóng trăng vàng ẩn hiện. Thì ra bóng trăng vàng là tụ điểm cho tôi ngắm. Sau giấc ngủ trưa hè mơ màng, chậm chạp, tôi luôn ngó xem bóng trăng sau chùa còn không? Còn đó, khi nào trăng cũng ở đó, lấp ló, ẩn hiện giữa những cành cây khẳng khiu loang loáng ánh xà cừ  như thiệt như mộng. Ồ, sao mà tất cả giống như một cái bánh dẻo trung thu thập cẩm, sực nức mùi hoa bưởi thơm ngon lạ lùng!

 

Thì ra chúng tôi là yêu chùa như nhau, dù mỗi người yêu một kiểu và có một tưởng tượng riêng. Mẹ tôi còn yêu chùa bằng kỷ niệm xa xưa từ thuở bà còn đi học, còn gạo bài thì dưới bóng mát, dưới tàn cây phượng già, đầy hoa phượng đỏ và ve sầu kêu râm ran những bản nhạc ngàn năm không đổi.

 

Rồi cứ mỗi lần lên Tân Sơn Nhứt, chúng tôi lại làm một lộ trình quen thuộc như nhạc ve sầu mùa hè. Việc đầu tiên là viếng chùa, hai chị em tôi luôn dừng lại nô đùa ở cửa tam quan, chúng tôi chơi đuổi bắt quanh ba ô cửa, leo lên leo xuống gác chuông cao, nghịch ngợm thả lá cây xuống đầu người qua lại, cũng không quên đánh đu bên những rễ cây bồ đề lâu năm, cây thả dây dài như dây thung, cây đa thì phải, đây là chỗ chơi đùa lý tưởng của lũ trẻ con tưởng không bao giờ chán. Mỗi đứa ôm một rẻo cây thật chắc chơi cái trò chơi Tarzan ồn ào hào hứng, vì mỗi đứa đu một kiểu, ngang, dọc, mạnh, yếu khác nhau.

 

Mẹ tôi khỏi quan tâm tới tụi tôi, bà băng ngang sân chính, ngó mông lung lên trời, hít thở hơi bông sứ một hồi rồi mới vào thắp nhang lễ Phật. Bao giờ bà cũng không quên ghé xuống nhà ngang, là nhà bếp, chào và thăm hỏi mọi người, vồn vã như một người vừa đi xa về, mẹ tôi tới đâu ồn ào tới đó. Ra khỏi chùa, bà ra lệnh quẹo sang trái, nương theo lối đi giữa hai hàng kẽm gai, đặc biệt nhà binh, kế bên bộ tổng tham mưu, quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Chúng tôi vào nhà cậu Hàm, trong căn cứ truyền tin. Người lính gác quen mặt trên chòi cao vẫy tay cho chúng tôi đi thẳng. Mẹ tôi, theo thường lệ, đặt dưới chân lô cốt một túi quà nhỏ, có một ít lộc Phật, chuối và nửa đĩa xôi, vài trái mận đã se dạ. Còn một phần y vậy, mẹ bảo đem vào làm quà cho mợ Hàm. Cậu mợ Hàm đối với chúng tôi chỉ là họ hàng xa nhưng vì năng lui tới hóa thành thân, mẹ tôi muốn vào đây để gọi điện thoại cho bố tôi từ xa, từ vùng hỏa tuyến, Đà Nẵng, Cam Ranh và những nơi xa xôi vùng I chiến thuật.

 

Chúng tôi, tôi và em tôi, Tú và Tí, ưng tới đây để chọc hái trứng cá, ở đây những cây trứng cá sai quả chín mọng thơm ngon đầy cành mà có ai dễ gì tự do vào được  vùng quân sự này mà hái, nên chúng ra nhiều, đỏ ối, chín mọng, thơm và ngon ơi là ngon. Khi nào rồi cậu Hàm cũng hướng dẫn chúng tôi sau đó lên phòng truyền tin, ông có đầy máy móc và dây điện chằng chịt, quấn quýt. Quấn quýt nhiều lần phức tạp hơn những rễ cây đa cây bồ đề yêu quý của chúng tôi ở cửa tam quan chùa. Ông rất thiện nghệ, nghề của chàng mà, cởi chốt nọ, móc dây vào chốt kia, thay mầu dây ấn số, gọi tới, gọi lui, bao giờ ông cũng mở đầu bằng một câu quen thuộc : « Chào bằng an, bây giờ nói chuyện với bà xã nhé, vui ».

 

Mẹ tôi tiến tới, cầm điện thoại và bắt đầu nói, ôi sao bà nói lắm thế, nói hăng hơn cả lúc ở bên chùa nữa. Bà sung sướng nghe ra giọng chồng ở xa. Còn sống. Chẳng hiểu vì mệt hay cảm động, mặt hồng lên, mắt long lanh. Cũng có lúc bà gọi tụi tôi lại gần cho nói với bố mấy câu. Tôi nhận ra giọng của bố tôi ở xa rồi ở gần, thoang thoảng, thì ra cái điện thoại là như thế.

 

– Con Tú đấy à, em Tí đâu? Có nhận ra tiếng bố không ? Các con phải ngoan ngoãn học bài, các con có xuống thăm ông bà không?

 

Tôi đứng yên, tôi muốn trả lời, nhưng không biết phải làm sao.

 

– Nói vào đây, – mẹ tôi chỉ và nhắc. Tôi sợ và cố gắng ngập ngừng:

 

– Bố hả bố?

 

– Ừ, nói đi, bố nghe…

 

– Bố đang làm gì đấy ?

 

– Ơ, bố đang chờ nghe con nói…

 

Tôi mắc cỡ đặt ông nghe xuống, mẹ tôi và cậu mợ Hàm phì cười. Tôi không hiểu vội bỏ chạy! Cái thuở xa xưa, khi tôi còn nhỏ, ngô nghê và quê ơi là quê thì điện thoại là như thế đó.

 

Sau mấy chục năm sang Âu Châu, tôi biết cái điện lợi hại như thế nào và yêu quý nó là cái chắc. Mà ai cũng vậy, chẳng riêng gì chúng tôi. Chúng tôi mỗi đứa có cả lô, cả hàng chục bạn bè cần phải liên lạc với nhau luôn, chuyện bài vở, trường lớp, picnic, đại nhạc hội, v.v… toàn những chuyện phải nói lâu và nói nhiều. Mà khi chúng tôi nói điện thoại lâu thì mẹ chúng tôi làm hiệu giục thôi. Tôi vội xua xua tay, chỉ chỉ ra xa, ra hiệu là đầu dây bên kia kêu tới. Thế mà khi tôi vừa buông tay ra là mẹ tôi lên lớp ngay:

 

– Các con nói nhiều quá! – Bà quên là lúc xưa bà cũng nói còn nhiều  và lâu hơn tụi tôi. – Này, mẹ không phải trả tiền, thì đầu dây bên kia bác A bác B cũng phải trả thôi. Các con và bạn các con vô ý tứ lắm, ai trả tiền nhiều mà không tội. Làm ra đồng bạc không dễ đâu.

 

– Ơ… thế cái điện thoại thì ý mẹ để làm gì?

 

– Tối cần mới gọi nhau.

 

– Tụi con lúc nào cũng tối cần mẹ ạ.

 

– Hiện đại là hại điện đấy. Cuối tháng là tiền tăng là các con chia nhau trả cho nhà nước nhe.

 

Chúng tôi im lặng, chào thua. Mẹ tôi thêm ý:

 

– Mẹ ấy à, mẹ chỉ toàn điện thoại ở sở làm thôi. Để cho chủ nó trả, nhà nước trả.

 

Một ngày mùa đông, tối tôi ra ngoài điện thoại, ngày ấy còn điện thoại công cộng, nay thì lũ du côn đập phá nát hết rồi. Trời tháng mười, mùa đông, ở quê hương này, mùa đông của Anatole France hơi mờ mịt, tôi gặp chú tây hàng xóm cũng ra chờ điện thoại.

 

Tôi chào và vội hỏi:

 

– Nhà chú điện thoại trục trặc ư?

 

Ông hàng xóm trả lời rất thành thực:

 

– Không, mà tôi nói nhiều quá, tiền điện thoại tăng mau, Sandrine, vợ tôi mang trả nó cho bưu điện rồi.

 

– Chú để cho Sandrine tước quyền công dân dễ dàng vậy sao?

 

– Không nàng dễ thương lắm, nàng đã mua một cái hộp có khóa, khóa điện thoại ở trong, khi tôi cần, nàng mở cho tôi dùng, nhưng chỉ được nói trong mười phút thôi, lần nào tôi cũng nói quá hai mươi phút, có khi ba mươi phút… và vì vậy, thiếu tiền trả, giờ hết xài, thật là lỗi tại tôi.

 

Joël, chú hàng xóm tây nói một hơi dài, nhận tội thẳng thắn, không ngoan cố bướng bỉnh như tụi tôi. Vô lý thiệt. Sống phải nói với nhau chứ. Tôi và chú Joël đồng ý ở một điểm là sao nhà nước không bớt chi tiêu đi một khoản nào đó, để cho mọi người tự do điện thoại miễn phí dài dài.

 

Khi tôi vừa thò mặt vô nhà, đụng mẹ tôi ngay:

 

– Trời tối, lạnh, con đi ra ngoài chi vậy?

 

– Con cần gọi bạn con.

 

– Ra ngoài, tối, nguy hiểm lắm, lần sau nói ở nhà cũng được, nói vắn tắt, nhanh và gọn thôi con ạ.

 

Mẹ tôi thương, xót xa, ban lệnh mới.

 

– À, này, cứ như mẹ mà hay, mẹ toàn gọi điện thoại trong sở làm, tiện đủ cách.

 

– Sẽ có ngày chủ má sa thải má cho xem. – Tôi khẳng định.

 

– Ối trời, còn lâu mới đuổi được má, này nhé, sếp lớn thì ở xa lắc xa lơ, sếp nhỏ ngày nào cũng gọi đi lung tung, rất nhiều lần hơn cả chục nhân viên… đã bảo tiền của sở mà!

 

– Nhưng mà mẹ có sở làm tụi con có sở đâu? Hay cứ coi nhà này là một cái sở đi, tụi con làm việc cho sở má nhe?

 

Kỳ này bà ngồi im, chịu trận, không phản pháo nữa, giây lát trôi qua, thấy dễ thở, bà bồi hồi nhắc lại chuyện xa xưa, cũng vẫn bà, bà luôn thắng lợi hơn người khác:

 

– Này, cái hồi xửa xưa, còn ở Việt Nam ấy mà, má vẫn điện thoại miễn phí ở nhà cậu Hàm, ở trung tâm truyền tin của bộ tổng tham mưu, mới đó, đã gần nửa thế kỷ qua đi, các con còn nhớ không?

 

Rồi mẹ tôi ngồi im, hai tay xoa xoa mặt bàn, nét mặt có phảng phất nét đăm chiêu. Bất chợt, em tôi, Tí, nay đã lớn bộn, nó hớn hở tiến lại bên mẹ:

 

– Mẹ, mẹ khi nào cũng thích nói điện thoại không trả tiền, hồi đấy mẹ cũng làm quá, nhiều lần quá, nên ta thua, Việt Cộng nó thắng đó. Không chừng bây giờ, rồi tây cũng sắp thua… mà thua ai thì chưa biết, hay là thua Nga, thua Tầu, thua Arabe?

 

Mẹ tôi nhìn sững em tôi, hai mắt tròn xoe:

 

– Im đi, láo lếu vừa chứ, đừng có nói năng tào lao như vậy. Thua là có rất nhiều lý do, quân sự, chính trị, xã hội… nào có phải vì tí tẹo vậy mà mất nước. Khùng vừa thôi, con làm như mẹ ngớ ngẩn.

 

– Không, mẹ mà có khi nào ngớ ngẩn, thì mẹ vẫn chẳng nói một giọt nước nhỏ thêm làm tràn đầy một ly nước đầy… hay là nói như thầy vẫn giảng thì chắc mẹ chịu hơn… Này nhé, « nước mắt chúng sanh trong ba ngàn thế giới nhiều hơn nước trong bốn biển » rồi, chịu chưa ? « Tích tiểu thành đại » mà, câu này cũng mẹ hay nói! – Mẹ tôi đứng dậy, tôi tưởng mẹ đi kiếm cây chổi lông gà, nhưng không, bà vươn vai thở dài.

 

– Hai câu chuyện đó không ăn nhập gì với nhau cả, vô duyên… Mẹ mệt rồi, hai đứa ra chỗ khác, mẹ mệt, chấm dứt câu chuyện ở đây không còn gì bàn cãi nữa.

 

Nhưng chúng tôi vẫn ngồi im vây quanh cái bàn nhỏ kê trong góc bếp. Chúng tôi im lặng riêng tư nhìn vào khoảng không như gợi nhớ điều gì đã xa vời vợi. Thật ra lại gần tháng tư rồi, nhắc lại chuyện Việt Nam, vừa bực bội vừa buồn buồn. Thì đó có ai quên dễ dàng những chuyện của Việt Nam ngày mất nước. Kỷ niệm tuy thân thương, mà pha đầy gia vị cay cay, mặn mặn, đắng đắng. Dù đắng như trái khổ qua, người Việt Nam vẫn tìm cách dồn thịt, nấm, bún tầu vào hầm mà nuốt cho trôi, và cứ nghĩ là nó sẽ bổ dưỡng, mát gan, mát ruột. Cũng vậy, nhiều hình ảnh xa xưa chập chùng, chờn vờn mãi ttrong ký ức: những dẫy nhà tôn khang trang, căn phòng truyền tin Tân Sơn Nhứt trước 1975, một khoảng sân rộng bát ngát có nhiều vũng nước mưa đọng, nước trong veo, trong đến có thể soi gương được, thấy cả vùng trời mây xanh lơ trôi lãng đãng phản chiếu… phản chiếu in bóng cờ bay cờ bay… ngoài xa hơn, những cây hoa chuối hoa dong vàng, đỏ lươn tròn lươn tròn theo bờ tường làm bệ bao quanh cột cờ và ở đó, trên cao đó, thật cao, lá cờ quốc gia Việt Nam phất phới trong nắng, reo vui cùng gió lộng! Cờ vàng ba sọc đỏ.

 

Tất cả đã quá xa…

 

Xa như một vòng trái đất đã quay đi và cả một vòng thế kỷ, có khi nào vòng quay trở lại ở điểm khởi đầu?

 

– Chúc Thanh

(Cuối tháng ba, 2023)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chắc bạn cũng có nghe câu chuyện về ông Phó Thủ Tướng Đức gốc Việt, từng là đứa trẻ mồ côi bên Việt Nam. Tôi thật sự cảm động muốn khóc, không phải vì ông là người có tài, đẹp trai, ăn nói khôn ngoan hay làm lớn mà vì nếu cha mẹ nuôi không mang ông về Đức, có thể hôm nay ông cũng đã là kẻ lang thang đầu đường xó chợ ở một nơi nào đó trên đất nước Việt Nam...
Thơ của hai thi sĩ Quảng Tánh Trần Cầm & Nguyễn Hàn Chung...
thăng trầm lên xuống / như những bậc đá trên đồi xanh / tóc bay theo gió / mùa hạ êm đềm thắp lửa mặt trời / trong từng đôi mắt mong đợi / dõi cánh chim bay xa...
Ông bà Năm quê quán ở Thuận Hòa, Sóc Trăng, ông bà sinh cơ lập nghiệp cùng với và tiếp nối tổ phụ tổ mẫu nhiều đời ở quê. Họ yêu đồng ruộng, yêu vùng đất màu mỡ phù sa ruộng vườn gieo trồng thoải mái. Vậy mà sau ngày quốc nạn 30– 04– 1975, họ chật vật vì ruộng vườn, làm nhiều phải đóng thuế nhiều, làm ít thì bị tổ sản xuất phê bình kiểm thảo. Lúa mạ thiếu nước, thiếu thuốc trừ sâu, trồng tỉa khó khăn...
Trời nắng chang chang, thỉnh thoảng từng cơn gió bụi bốc lên bay rát cả mặt, dòng xe máy xình xịch chạy như mắc cửi trên đường. Hai bên lề đường có cả mấy mươi tiệm vịt quay, heo quay, những con vịt quay vàng ươm, có con thì da sậm màu hơi ngả nâu tất cả đều béo nhẫy mỡ, treo tòng teng trong tủ kiếng trông rất bắt mắt. Những con heo sữa quay vàng ruộm hoặc ngã màu cánh kiến, chủ tiệm còn gắn vào miệng nó một cái bông đỏ thắm...
Longwood Gardens là một “vườn hoa” không những nổi tiếng của Tiểu bang Pennsylvania mà còn là một trong vài vườn hoa nổi tiếng nhất của cả nước Mỹ...
Ở Mỹ người ta không ăn mỡ của động vật như heo, bò, gà vịt, vì sợ tăng cholesterol. Nếu ăn mỡ họ ăn bacon, thịt ba chỉ ướp muối. Họ chiên bacon cho giòn, ăn kèm với trứng chiên và bánh mì. Một món điểm tâm rất được nhiều người yêu thích. Tôi thích dùng mỡ nhưng chỉ dùng ở một vài món. Mỡ heo, tôi mua miếng dày, thái hạt lựu, thắng riu riu cho đến khi tóp mỡ héo lại, màu vàng nhạt ngả sang nâu. Tôi vớt tóp mỡ, để riêng ra cho khô và giòn, dùng để kho cá bống. Vì cất nhiều công, nên tôi rất quý tóp mỡ...
Vinh cầm cái ly nhỏ đưa lên “Dô. Anh em !” “Ê. Sao khẩn trương thế, mày? Chưa có miếng nhắm nào vô bụng cả!” Đặt ly xuống, nhìn khuôn mặt bị thịt của Sáu Diên đang cười, Vinh chợt thấy bực mình và cụt hứng...
Thế kỷ trước, truyện Ví Dụ Ta Yêu Nhau* của một nhà văn trẻ đã làm bao nhiêu “kẹp tóc”, “húi cua” say mê một thời. Thế kỷ này, các cô, các cậu ngày xưa, giờ đây là những bà, những ông với mái tóc mặn mà, ít tiêu nhiều muối, có phút chạnh lòng chăng, khi nghe những ví dụ dưới đây?
Hai người đang đi chầm chậm trên lối đi hẹp bằng đất thỉnh thoảng có những con đường mòn xanh mơn mởn cắt ngang, mà cứ hai năm một lần những xe đẩy chở cỏ khô hoặc lúa mì lại ùa vào những đám hoa cúc và cỏ. Những cơn mưa gần đây đã tạo thành từng vũng ao nhỏ ở những đoạn lồi lõm; nhưng ở phần giữa đường, đầy bụi bặm và rải rác có dấu vết móng ngựa, thì khúc đường cũng khá rộng để hai người có thể sánh đôi...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.