Xin lỗi Cún

05/03/202312:32:00(Xem: 1623)
Truyện

doggy


Chị Bông hấp tấp lái xe đến văn phòng bác sĩ. Cái hẹn 4 giờ chiều nay vậy mà 4 giờ chị mới nhớ ra. Từ nhà đến phòng khám cũng mất 20 phút. Cũng may chị sẽ đi trên những con đường nhỏ vắng xe trước khi ra tới đường lớn để đến phòng bác sĩ nên chị Bông có thể chạy nhanh theo ý muốn. Chị Bông đang chạy tốc độ nhanh trên con đường Carter hai bên là khu apartment thì bỗng đâu một con chó con từ bên này đường phóng qua bên kia đường khi chiếc xe của chị vừa đến gần, chị tức tốc thắng lại ngay, chiếc xe đang đà nhanh bị đột ngột dừng lại làm chị Bông như muốn tung người ra khỏi dây seatbelt. Thế mà dường như vẫn không kịp.

 

Chị Bông cảm nhận thấy bánh xe vừa đụng phải thân mềm của con chó, nó sợ hãi chạy ra khỏi nơi nguy biến với một chân cà nhắc còn quay đầu lại nhìn cái xe như nhận dạng thủ phạm và luôn miệng kêu lên ăng ẳng, tiếng kêu đau đớn và cũng như tiếng mắng mỏ oán hờn kẻ đã vội vàng chạy nhanh chạy ẩu  gây tai nạn cho nó. Chị Bông bàng hoàng nhìn theo con chó con, đó là con chó nhỏ cỡ bằng trái dưa hấu loại dài với lông màu nâu nhạt, dù chân đau cà nhắc nó vẫn cố phóng nhanh sang phía bên kia apartment cho an toàn và mất hút vào một ngõ nhỏ.

 

Chị Bông muốn quẹo vào khu apartment, vào ngõ nhỏ ấy để xem tình hình con chó thế nào nhưng thời gian không cho phép. Chiếc xe lại lao đi cho khỏi muộn màng. Những cuộc hẹn dù ở tầm quan trọng hay không chị Bông đều tôn trọng, đúng giờ đúng giấc không muốn làm phiền kẻ khác. Hôm nay chị Bông trễ hẹn bác sĩ cả nửa tiếng lòng đã không vui, lại thêm chuyện vừa làm con chó bị thương lòng chị càng thêm áy náy lo âu. Chị chỉ mong mau chóng rời văn phòng bác sĩ để quay lại tìm con chó.

 

Lái xe về trên con đường Carter đến đúng đoạn đường lúc nãy chị Bông quẹo vào khu apartment, vào ngõ nhỏ mà con chó đã vào, là dãy nhà mang số thứ tự B. Chị lái xe chậm chậm loanh quanh từ dãy B sang những dãy lân cận để tìm con chó nhưng chẳng thấy đâu. Chắc nó đau đang nằm nghỉ dưỡng trong nhà. Con đường Carter quá quen thuộc với chị Bông suốt bao nhiêu năm nay, đường dẫn ra đường chính Pioneer để đi bất cứ nơi đâu trong thành phố. Mỗi lần đi qua chỗ “kỷ niệm” lòng chị Bông lại gợn lên một niềm đau, hình ảnh con chó hốt hoảng bỏ chạy và tiếng kêu ăng ẳng não lòng vẫn còn dư âm đâu đây. Chị luôn đi xe chậm lại và chờ đợi, hi vọng thấy con chó con lại tung tăng chạy từ khu apartment bên này sang khu apartment bên kia để chị được nguôi ngoai nỗi dày vò ân hận.

 

Có lúc rảnh chị Bông lại quẹo vào khu apartment, đến dãy nhà B tìm kiếm nhưng vẫn chưa tìm ra dấu vết con chó. Chị Bông lo sợ tưởng tượng ra những điều ghê gớm và rưng rưng nước mắt. Con chó đã lìa đời oan uổng vì một kẻ chạy nhanh chạy ẩu? con chó bị chấn thương cột sống hoặc nó phải cưa mất một chân đang tàn phế nằm liệt ở một xó nhà. Trời ơi, tội của chị to lớn quá!

 

Xong chị Bông lại vùng lên an ủi chính mình. Không, không thể nào, con chó không thể nào tàn phế hay chết được vì sau khi bị xe đụng nó vẫn chạy nhanh và tiếng kêu vẫn to khỏe cơ mà. Chị luôn cảm thấy mình mang tội với con chó ấy và muốn tìm nó nói một lời xin lỗi.

 

Xưa, ở Việt Nam nhà chị Bông có nuôi một con chó, chị thương yêu nó lắm mà cũng có lúc “vũ phu” với nó. Chị Bông hằng ngày ra nhà ngoài mặt tiền đường bán hàng đến chiều tối mới về căn nhà trong xóm, con chó luôn mừng rỡ chạy ra đón chủ, nó quấn quýt luẩn quẩn bên chân chị Bông để chờ được vuốt ve âu yếm lên đầu lên cổ nó mới thôi. Hôm ấy sẵn bực mình, chị cảm thấy bị nó bám riết vướng víu quấy rầy nên đã lấy chân hất nó tránh xa, thế mà nó không hiểu vẫn cứ sấn sổ vào,  cuống quýt mừng rỡ  làm chị Bông điên tiết lên đá một cú thô bạo, nó bị đau kêu ăng ẳng bỏ chạy xuống bếp. Lát sau chị Bông cám thấy hối hận. Chị sáng đi chiều về chứ có ngàn trùng xa cách gì đâu mà con chó mỗi ngày đều thương nhớ mừng rỡ đón chị đến thế. Tình cảm này chắc gì người đời có được. Chị xuống bếp tìm con chó, cảm động xoa đầu nó và nựng nịu:

 

– Cho chị xin lỗi Cún nhé. Lúc nãy chị bận rộn quá nên bực mình.

 

Con chó nhìn chị bằng đôi mắt đen ướt, trong đôi mắt ấy chị Bông thấy con chó của chị hiền dịu bao dung với cô chủ biết bao. Nó còn thè lưỡi ra liếm vào tay chị bày tỏ tình thân và như muốn nói rằng: “Tôi không chấp cô đâu. Nhưng lần sau cô đừng thô lỗ với tôi như thế nha”.

 

*

 

Con chó nhà nuôi năm xưa và con chó xa lạ hôm nay chị đều làm tổn thương nó dù là ngoài ý muốn, dù là vô tình.

 

Đã một tháng qua rồi.

 

Chiều nay rảnh chị Bông lại quẹo vào khu apartment, chị lái xe vòng vòng qua nhiều dãy nhà, thấy những con chó chạy chơi ngoài sân nhưng không thấy con chó nào giống con chó ấy.

Chị Bông đậu xe và đi bộ thong dong hi vọng sẽ tìm thấy dễ dàng hơn, giống chó thường thích rong chơi trong khu xóm. Chị vừa đi đến dãy B thì một con chó con từ trong ấy chạy ra, nó đang chạy về phía chị, cổ nó có dây dài lòng thòng, chắc chủ nhân vừa bị lỡ tay nên con chó xổng ra và phóng đi. Đúng thế, chị Bông thấy một bà Mỹ mập đang ì ạch đuổi theo và luôn miệng gọi:

“Buddy hãy đứng lại, Buddy hãy quay về nhà”.

 

Chị Bông hiểu ra, đợi chó đến gần chị vội nhanh chân giẫm lên chiếc dây lòng thòng làm con chó bị níu lại không thể chạy được nữa. Bà Mỹ chạy đến nắm chắc sợi dây và vui mừng rối rít với chị Bông:

 

– Cám ơn chị, cám ơn chị.  Buddy của tôi hư quá!

 

Bây giờ chị Bông mới nhìn kỹ con chó. Chị ngạc nhiên và xúc cảm bồi hồi, có thể nó chính là con chó nạn nhân của chị hôm nọ, cũng size to dài như quả dưa hấu này, màu lông nâu nâu này và nhất là một chân đau đi cà nhắc. Chỉ khác chút là hôm ấy cổ nó không bị cột dây.

 

Bà Mỹ kể:

 

– Buddy của tôi ham vui lắm, nó thường chạy sang khu apartment bên kia đường rong chơi, một lần xe ai đó tông vào bị thương một chân. Bây giờ nó đi cà nhắc mà vẫn không chừa, cứ xổng ra là nó chạy sang bên kia chơi. Vì vậy tôi phải cột dây cổ để chăn giữ nó mà có lúc cũng vuột khỏi tầm tay tôi như hôm nay.

 

Lời bà Mỹ nói đã xác định những gì chị Bông suy nghĩ. Chị Bông ngại ngùng hỏi:

 

– Vậy bà có trách móc hay giận… kẻ nào đã đụng xe vào Buddy và gây thương tích cho nó không?

 

Bà Mỹ cười hiền hòa:

 

– Tôi biết lỗi tại Buddy của tôi mà. Nó cứ phóng sang đường như thế có ngày mất mạng luôn. Bị thương tật một chân là nó còn may mắn lắm.

 

Chị Bông cảm thấy nhẹ hẳn cả lòng, chị ngồi xuống nựng nịu vuốt ve con chó và thì thầm:

 

– Buddy ơi tha lỗi cho chị nhé. Hôm ấy chị làm Buddy đau lắm mà, chị thấy Buddy chạy cà nhắc, chị nghe tiếng Buddy kêu ăng ẳng mà chẳng giúp được gì.

 

Con chó ngồi im đón nhận sự trìu mến âu yếm của chị Bông, nó nhìn chị Bông, đôi mắt cũng đen ướt và bao dung hiền dịu như con chó của chị năm xưa. Chị Bông tin là con chó đã quên đi tai nạn xuýt chết ấy và nó không còn sợ hãi hay giận hờn kẻ đã gây đau thương cho nó nữa. Chị nói với bà Mỹ:

 

– Con Buddy của bà thật xinh và dễ thương.

 

Bà Mỹ hài lòng:

 

– Tôi yêu Buddy.

 

Chị Bông vui vẻ:

 

– Tôi cũng yêu Buddy của bà.

 

Chị Bông chào bà Mỹ và xoa đầu Buddy lần nữa để tạm biệt. Chị đã gặp lại con chó, nó vẫn bình yên. Chị đã nói lời xin lỗi với nó. Và chị biết bà chủ của con chó không hề oán trách kẻ gây tai nạn cho nó.

 

Chị Bông lái xe trên con đường Carter để trở về nhà với cõi lòng thanh thản nhẹ bổng như đám mây chiều nay trên bầu trời xanh êm dịu. Chị tự nhắc nhở từ nay hãy lái xe cẩn thận trên con đường Carter này. Biết đâu con Buddy hay bất cứ con chó ham vui nào từ apartment bên này băng mình phóng qua đường sang apartment bên kia, chị sẽ không gây ra tai nạn lần nữa.

 

Nguyễn Thị Thanh Dương

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Người đàn ông đứng nhìn vào khung cửa kính to rộng của gian hàng đồ chơi trẻ con. Tiệm đóng cửa từ lâu. Có lẽ đã gần nửa khuya. Đêm Chủ nhật, khu buôn bán chẳng còn ai lui tới, lâu lắm mới có người tạt ngang tiệm 7-Eleven mua vội vài món cần thiết rồi tất tả ra xe phóng đi. Bãi đậu xe vắng lặng, hơi sương lù mù khiến không gian như hẹp lại, xập xoạng dưới những vũng sáng yếu ớt trắng nhờ, nhợt nhạt phả xuống từ mấy cột đèn trong bãi đậu xe...
Tôi trở về làng khi xã tôi đã tổ chức làm ăn theo lề lối tập thể. Công việc chính cũng chỉ là ruộng với rẫy. Ngày còn đi học tôi đã từng phụ giúp việc đồng áng cho cha tôi, sau này lại được dồi mài khá chăm trong "trại cải tạo Ngụy quân Ngụy quyền" nên việc ruộng rẫy đối với tôi cũng không xa lạ. Dĩ nhiên, dù muốn dù không, tôi vẫn phải tham gia...
Thơ của hai thi sĩ Trần Yên Hòa & Thy An...
Trưa chủ nhật tuần vừa qua, bữa tiệc mừng sinh nhật thứ 83 của tôi đã được các con cháu xúm nhau tổ chức tại nhà gia đình đứa con thứ hai của tôi. Đếm sơ đầu người thì thấy vắng tới gần một nửa, thế mà cũng trên ba chục nhân mạng, gồm cả con trai con gái, con dâu, con rể, con kết nghĩa lẫn các cháu nội ngoại ríu rít lần lượt đến khoanh tay trình diện và thưa trình với tôi, ông nội, ông ngoại. Đang ăn uống thì nhiều cú phôn liên tiếp gọi về, của những đứa con và cháu đang bận việc bất ngờ hay vì nhà ở xa, những Bắc Cali hay San Diego, không kịp đến...
“FIFA World Cup 2022,” Giải Vô Địch Bóng Đá Thế Giới lần thứ 22 đang diễn ra tại Qatar, vùng đất của thế giới Ả Rập và Hồi Giáo. Những rộn ràng sôi nổi của bạn bè xung quanh, toàn là người hâm mộ môn túc cầu, những trận đấu trực tiếp trên TV Mỹ, và những bảng kết quả từ các trận đấu được các đài truyền hình Mỹ Việt, báo chí khắp nơi loan tải từng ngày, từng giờ, đã đưa Uyên trở về với tuổi thơ, về những kỷ niệm xưa, và về cái thuở người dân miền Nam khắp nơi ham mê môn bóng tròn...
Sau hơn 2 tiếng ngồi trên máy bay tôi phơi phới đi bộ trong dòng người ngược xuôi trong phi trường tìm lối ra. Phi trường Salt Lake City-Utah đã xây lại mới hơn to lớn và đẹp hơn làm tôi càng hào hứng niềm vui nghĩ tới phút giây gặp con cháu và quan trọng nhất là ngày đi dự ra trường của cháu nội Betsy.
Thơ của hai thi sĩ Trần Mộng Tú & Đào Văn Bình
Đây là ngôi làng tiêu biểu của người Amish sinh sống ở vùng này. Làng được dựng lên để giới thiệu với du khách ghé thăm những sinh hoạt hàng ngày và những sản phẩm tiểu công nghệ có tính cách cổ truyền đặc thù của người Amish...
Khi tôi về làm dâu mợ, bà còn khá trẻ, khoảng năm mươi. Bà lanh lẹ, vóc dáng nhỏ và có khuôn mặt vui với nụ cười tươi. Bà luôn niềm nở cởi mở với mọi người. Bà như thế đó, chưa bao giờ làm buồn lòng ai và cũng chẳng ai quấy phiền chi bà...
Tôi đành vay mượn tên nhạc phẩm “Con đường mang tên em” của Trúc Phương để đặt cho con đường nhà tôi vì quá hợp lý luôn, không thể đặt tựa đề khác được. Con đường này dài hơn một cây số nhưng chỉ một đoạn đường ngắn nơi khu buôn bán gần những trại lính thật khó mà tin nổi 9 căn nhà liên tiếp nhau đã có 3 người con gái tên Thanh, thật ngẫu nhiên chúng tôi cùng lứa tuổi mới lớn, lại ngẫu nhiên nữa là có hai người cùng họ Nguyễn Thị…
300x250_CTA-Vietnamese-NguoiViet
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.