Xin lỗi Cún

05/03/202312:32:00(Xem: 1371)
Truyện

doggy


Chị Bông hấp tấp lái xe đến văn phòng bác sĩ. Cái hẹn 4 giờ chiều nay vậy mà 4 giờ chị mới nhớ ra. Từ nhà đến phòng khám cũng mất 20 phút. Cũng may chị sẽ đi trên những con đường nhỏ vắng xe trước khi ra tới đường lớn để đến phòng bác sĩ nên chị Bông có thể chạy nhanh theo ý muốn. Chị Bông đang chạy tốc độ nhanh trên con đường Carter hai bên là khu apartment thì bỗng đâu một con chó con từ bên này đường phóng qua bên kia đường khi chiếc xe của chị vừa đến gần, chị tức tốc thắng lại ngay, chiếc xe đang đà nhanh bị đột ngột dừng lại làm chị Bông như muốn tung người ra khỏi dây seatbelt. Thế mà dường như vẫn không kịp.

 

Chị Bông cảm nhận thấy bánh xe vừa đụng phải thân mềm của con chó, nó sợ hãi chạy ra khỏi nơi nguy biến với một chân cà nhắc còn quay đầu lại nhìn cái xe như nhận dạng thủ phạm và luôn miệng kêu lên ăng ẳng, tiếng kêu đau đớn và cũng như tiếng mắng mỏ oán hờn kẻ đã vội vàng chạy nhanh chạy ẩu  gây tai nạn cho nó. Chị Bông bàng hoàng nhìn theo con chó con, đó là con chó nhỏ cỡ bằng trái dưa hấu loại dài với lông màu nâu nhạt, dù chân đau cà nhắc nó vẫn cố phóng nhanh sang phía bên kia apartment cho an toàn và mất hút vào một ngõ nhỏ.

 

Chị Bông muốn quẹo vào khu apartment, vào ngõ nhỏ ấy để xem tình hình con chó thế nào nhưng thời gian không cho phép. Chiếc xe lại lao đi cho khỏi muộn màng. Những cuộc hẹn dù ở tầm quan trọng hay không chị Bông đều tôn trọng, đúng giờ đúng giấc không muốn làm phiền kẻ khác. Hôm nay chị Bông trễ hẹn bác sĩ cả nửa tiếng lòng đã không vui, lại thêm chuyện vừa làm con chó bị thương lòng chị càng thêm áy náy lo âu. Chị chỉ mong mau chóng rời văn phòng bác sĩ để quay lại tìm con chó.

 

Lái xe về trên con đường Carter đến đúng đoạn đường lúc nãy chị Bông quẹo vào khu apartment, vào ngõ nhỏ mà con chó đã vào, là dãy nhà mang số thứ tự B. Chị lái xe chậm chậm loanh quanh từ dãy B sang những dãy lân cận để tìm con chó nhưng chẳng thấy đâu. Chắc nó đau đang nằm nghỉ dưỡng trong nhà. Con đường Carter quá quen thuộc với chị Bông suốt bao nhiêu năm nay, đường dẫn ra đường chính Pioneer để đi bất cứ nơi đâu trong thành phố. Mỗi lần đi qua chỗ “kỷ niệm” lòng chị Bông lại gợn lên một niềm đau, hình ảnh con chó hốt hoảng bỏ chạy và tiếng kêu ăng ẳng não lòng vẫn còn dư âm đâu đây. Chị luôn đi xe chậm lại và chờ đợi, hi vọng thấy con chó con lại tung tăng chạy từ khu apartment bên này sang khu apartment bên kia để chị được nguôi ngoai nỗi dày vò ân hận.

 

Có lúc rảnh chị Bông lại quẹo vào khu apartment, đến dãy nhà B tìm kiếm nhưng vẫn chưa tìm ra dấu vết con chó. Chị Bông lo sợ tưởng tượng ra những điều ghê gớm và rưng rưng nước mắt. Con chó đã lìa đời oan uổng vì một kẻ chạy nhanh chạy ẩu? con chó bị chấn thương cột sống hoặc nó phải cưa mất một chân đang tàn phế nằm liệt ở một xó nhà. Trời ơi, tội của chị to lớn quá!

 

Xong chị Bông lại vùng lên an ủi chính mình. Không, không thể nào, con chó không thể nào tàn phế hay chết được vì sau khi bị xe đụng nó vẫn chạy nhanh và tiếng kêu vẫn to khỏe cơ mà. Chị luôn cảm thấy mình mang tội với con chó ấy và muốn tìm nó nói một lời xin lỗi.

 

Xưa, ở Việt Nam nhà chị Bông có nuôi một con chó, chị thương yêu nó lắm mà cũng có lúc “vũ phu” với nó. Chị Bông hằng ngày ra nhà ngoài mặt tiền đường bán hàng đến chiều tối mới về căn nhà trong xóm, con chó luôn mừng rỡ chạy ra đón chủ, nó quấn quýt luẩn quẩn bên chân chị Bông để chờ được vuốt ve âu yếm lên đầu lên cổ nó mới thôi. Hôm ấy sẵn bực mình, chị cảm thấy bị nó bám riết vướng víu quấy rầy nên đã lấy chân hất nó tránh xa, thế mà nó không hiểu vẫn cứ sấn sổ vào,  cuống quýt mừng rỡ  làm chị Bông điên tiết lên đá một cú thô bạo, nó bị đau kêu ăng ẳng bỏ chạy xuống bếp. Lát sau chị Bông cám thấy hối hận. Chị sáng đi chiều về chứ có ngàn trùng xa cách gì đâu mà con chó mỗi ngày đều thương nhớ mừng rỡ đón chị đến thế. Tình cảm này chắc gì người đời có được. Chị xuống bếp tìm con chó, cảm động xoa đầu nó và nựng nịu:

 

– Cho chị xin lỗi Cún nhé. Lúc nãy chị bận rộn quá nên bực mình.

 

Con chó nhìn chị bằng đôi mắt đen ướt, trong đôi mắt ấy chị Bông thấy con chó của chị hiền dịu bao dung với cô chủ biết bao. Nó còn thè lưỡi ra liếm vào tay chị bày tỏ tình thân và như muốn nói rằng: “Tôi không chấp cô đâu. Nhưng lần sau cô đừng thô lỗ với tôi như thế nha”.

 

*

 

Con chó nhà nuôi năm xưa và con chó xa lạ hôm nay chị đều làm tổn thương nó dù là ngoài ý muốn, dù là vô tình.

 

Đã một tháng qua rồi.

 

Chiều nay rảnh chị Bông lại quẹo vào khu apartment, chị lái xe vòng vòng qua nhiều dãy nhà, thấy những con chó chạy chơi ngoài sân nhưng không thấy con chó nào giống con chó ấy.

Chị Bông đậu xe và đi bộ thong dong hi vọng sẽ tìm thấy dễ dàng hơn, giống chó thường thích rong chơi trong khu xóm. Chị vừa đi đến dãy B thì một con chó con từ trong ấy chạy ra, nó đang chạy về phía chị, cổ nó có dây dài lòng thòng, chắc chủ nhân vừa bị lỡ tay nên con chó xổng ra và phóng đi. Đúng thế, chị Bông thấy một bà Mỹ mập đang ì ạch đuổi theo và luôn miệng gọi:

“Buddy hãy đứng lại, Buddy hãy quay về nhà”.

 

Chị Bông hiểu ra, đợi chó đến gần chị vội nhanh chân giẫm lên chiếc dây lòng thòng làm con chó bị níu lại không thể chạy được nữa. Bà Mỹ chạy đến nắm chắc sợi dây và vui mừng rối rít với chị Bông:

 

– Cám ơn chị, cám ơn chị.  Buddy của tôi hư quá!

 

Bây giờ chị Bông mới nhìn kỹ con chó. Chị ngạc nhiên và xúc cảm bồi hồi, có thể nó chính là con chó nạn nhân của chị hôm nọ, cũng size to dài như quả dưa hấu này, màu lông nâu nâu này và nhất là một chân đau đi cà nhắc. Chỉ khác chút là hôm ấy cổ nó không bị cột dây.

 

Bà Mỹ kể:

 

– Buddy của tôi ham vui lắm, nó thường chạy sang khu apartment bên kia đường rong chơi, một lần xe ai đó tông vào bị thương một chân. Bây giờ nó đi cà nhắc mà vẫn không chừa, cứ xổng ra là nó chạy sang bên kia chơi. Vì vậy tôi phải cột dây cổ để chăn giữ nó mà có lúc cũng vuột khỏi tầm tay tôi như hôm nay.

 

Lời bà Mỹ nói đã xác định những gì chị Bông suy nghĩ. Chị Bông ngại ngùng hỏi:

 

– Vậy bà có trách móc hay giận… kẻ nào đã đụng xe vào Buddy và gây thương tích cho nó không?

 

Bà Mỹ cười hiền hòa:

 

– Tôi biết lỗi tại Buddy của tôi mà. Nó cứ phóng sang đường như thế có ngày mất mạng luôn. Bị thương tật một chân là nó còn may mắn lắm.

 

Chị Bông cảm thấy nhẹ hẳn cả lòng, chị ngồi xuống nựng nịu vuốt ve con chó và thì thầm:

 

– Buddy ơi tha lỗi cho chị nhé. Hôm ấy chị làm Buddy đau lắm mà, chị thấy Buddy chạy cà nhắc, chị nghe tiếng Buddy kêu ăng ẳng mà chẳng giúp được gì.

 

Con chó ngồi im đón nhận sự trìu mến âu yếm của chị Bông, nó nhìn chị Bông, đôi mắt cũng đen ướt và bao dung hiền dịu như con chó của chị năm xưa. Chị Bông tin là con chó đã quên đi tai nạn xuýt chết ấy và nó không còn sợ hãi hay giận hờn kẻ đã gây đau thương cho nó nữa. Chị nói với bà Mỹ:

 

– Con Buddy của bà thật xinh và dễ thương.

 

Bà Mỹ hài lòng:

 

– Tôi yêu Buddy.

 

Chị Bông vui vẻ:

 

– Tôi cũng yêu Buddy của bà.

 

Chị Bông chào bà Mỹ và xoa đầu Buddy lần nữa để tạm biệt. Chị đã gặp lại con chó, nó vẫn bình yên. Chị đã nói lời xin lỗi với nó. Và chị biết bà chủ của con chó không hề oán trách kẻ gây tai nạn cho nó.

 

Chị Bông lái xe trên con đường Carter để trở về nhà với cõi lòng thanh thản nhẹ bổng như đám mây chiều nay trên bầu trời xanh êm dịu. Chị tự nhắc nhở từ nay hãy lái xe cẩn thận trên con đường Carter này. Biết đâu con Buddy hay bất cứ con chó ham vui nào từ apartment bên này băng mình phóng qua đường sang apartment bên kia, chị sẽ không gây ra tai nạn lần nữa.

 

Nguyễn Thị Thanh Dương

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
Khi tình yêu đến độ mùi mẫn, khi hai tâm hồn hòa hợp đến mức không thể xa nhau, khi trái tim đã thuộc về nhau… Người con trai cất lời: “Em bằng lòng làm vợ anh không?” Đây là giây phút tuyệt đẹp, đẹp nhất đời, đây là cái khoảnh khắc tuyệt diệu nhất của kiếp người. Tình yêu thăng hoa bay bổng, hai người quyết định về với nhau, gắn bó với nhau, bây giờ thế giới của hai người là cả một cung trời mộng, mặt đất này là cõi địa đàng bướm hoa...
Gần đây cô cũng hay nghĩ về người chồng xấu số. Đúng ra cô thấy anh trong những giấc mơ. Cô thấy anh và cô đi dạo tại những nơi chốn thơ mộng của vùng đất cố đô nơi cô sinh ra và lớn lên. Những giấc mơ lạ, bởi cô gặp anh và kết hôn với anh khi cô đã vào Nam. Anh là người miền Nam và không hề ra thăm miền đất đó bao giờ. Nhưng trong giấc mơ cô thấy cô và anh thật rõ, khi thì ngồi bên nhau trong ngôi nhà cổ của ba mạ cô ở khu Gia Hội, khi thì thơ thẩn bên bờ sông Hương gần ngôi trường Trung học thân yêu của cô, khi thì đứng dưới bóng mát ngôi nhà thờ uy nghiêm sừng sững trên một ngọn đồi.
Thơ của hai thi sĩ: Thy An & Lê Minh Hiền
Thỉnh thoảng nổi hứng, ông bảo, để ông nấu nướng, bà dọn dẹp rửa chén. Ông nấu nhanh, mắm muối mạnh tay. Khi nghe ông thông báo trổ tài món thịt heo kho trứng, bà tưởng như lượng Cholesterol phóng vút lên trần nhà...
Sau khi công sản chiếm miền Nam Việt Nam họ chủ trương lùa dân thành phố đi kinh tế mới, một đề án to lớn mà rỗng tuếch vì không hề được đầu tư chuẩn bị. Bao nhiêu gia đình đã phải ra đi dù họ không hề mong muốn. Họ đập phá nhà cửa để lấy tôn, lấy gỗ hoặc là mang đến vùng kinh tế mới để cất lại nhà cửa, hoặc bán lấy tiền, nhà gỗ nhà tôn trở thành có giá trị hơn nhà xây gạch kiên cố vì còn lấy được những vật liệu...
Ngày 12 tháng 3 vừa qua, tác giả Trần Viết Ngạc vừa ra mắt cuốn sách "Bùi Huy Tín với Thực nghiệp Dân báo và Tràng An báo” tại Vườn Ý Thảo (số 3 Thạch Hãn, TP. Huế).
Thơ của các nhà thơ Nguyễn Quốc Thái, Nguyễn Thị Khánh Minh, Lưu Diệu Vân, Trần Hạ Vi, Trần Hoàng Vy.
Thuở xưa, theo lệ thường, những cô gái được tuyển vào cung bao giờ cũng phải được các vị nữ quan hoặc các viên thái giám dạy dỗ qua một hai khóa về lễ nghi để biết phép tắc cư xử trong cung, để ôn lại bổn phận người đàn bà, v.v... Một phụ nữ từ dân giả được tuyển vào cung, dần leo lên tới địa vị quốc mẫu lẽ nào lại không trải qua những khóa giáo dục đó? Khi đã được giáo dục mà không chịu theo phép tắc, hành động vượt lễ nghi đến nỗi gây tai tiếng trong dân gian thì khó ai chấp nhận được. Những động lực thúc đẩy mấy người “đàn bà yếu đuối” ấy dám đạp đổ cả lễ nghi của triều đình thường là tình yêu, tình dục, lòng tham... Liệt kê những phụ nữ này vào hạng “lộng hành phép nước” chắc hẳn không oan!
Luật sư biện hộ cho đây là do bệnh tâm thần gây nên. Có cách nào khác để giải thích cuộc mưu sát kỳ lạ này không?
Ông Bà Ly là tên mà gia đình chúng tôi nhắc đến người bảo trợ ở thành phố Perth khi nói chuyện với nhau, gọi bằng tiếng Việt cho dễ và thân mật. Tên thật của ông bà là Colin Russell và Meg Leith. Gia đình chúng tôi được chấp nhận cho đi định cư ở Úc và đến Perth, thủ phủ của tiểu bang Tây Úc vào mùa đông năm 1980...
Thầy THÍCH PHÁP HÒA sẽ có buổi thuyết pháp tại chùa Bảo Quang vào thứ bẩy ngày 22 tháng 4 năm 2023, lúc 2 giờ chiều
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.