Hôm nay,  

Banmethuột -- Khúc Phim Buồn

09/03/202219:13:00(Xem: 1518)

Ban_Don


 

(Viết dể nhớ Banmethuột, ngày 10 tháng 3, 1975)

 

Hằng năm cứ mỗi lần đến ngày 10 tháng 3, Hải không giấu được nỗi cảm xúc của mình, có những khi cảm xúc kéo dài đến hàng tuần, và những lần như vậy, anh cơ hồ đi lại những khu phố thân quen của Banmethuột một thời thơ mộng và đáng yêu. 

 

Thoảng chốc mà đã mấy mươi năm, tóc anh đã điểm bạc, bạn bè trang lứa biết bao nhiêu kẻ đã ra đi, nhưng trong lòng anh, khi nhớ về quê hương cũ, vẫn nghe lòng sục sôi thời tuổi trẻ, trong huyết quản anh, dòng máu luân lưu cuồn cuộn như thủa trai tráng một thời, và bao mến yêu nơi quê hương ấu thơ đó hiện ra mồn một trong tâm trí anh.

 

– Này, ông đã nghe tin gì chưa vậy?

– Thì tụi nó đang di chuyển về Banmethuot cấp Sư đoàn và là tụi chính quy, có phải ông muốn nói về tin này không?

 

– Ừ phải rồi, bên Cảnh sát cũng đã được Chủ nhân của 7 chiếc xe cần câu tới khai báo là xe của họ đi làm rừng đã bị tụi nó tịch thu ở khu vực Đức Lập vùng Tây Bắc, và khu Băng Đon cũng bị 3 chiếc.

 

– Không Trợ đã chụp được không ảnh hoạt động của tụi nó, đã gởi công điện cho Quân Đoàn và các đơn vị liên hệ rồi.

 

– Cũng mong là không có gì.

 

– Dĩ nhiên là không có gì, vì nơi đây là quê hương của tôi mà!  Hải vừa nói vừa cười.

 

Đó là khoảng thời gian cuối tháng 2 năm 1975, anh và Chi nói chuyện với nhau 3 tuần trước ngày 9 tháng 3 năm 1975, ngày Việt Cộng tràn ngập Chi Khu Đức Lập thuộc Tỉnh Quảng Đức, và đêm hôm ấy, lúc 2 giờ 20 sáng ngày thứ 2, 10/3/1975, cộng quân pháo kích thị xã Banmethuot, mở đầu cho trận tấn công vào thị xã này.

 

Sáng ngày 10 tháng 3, lúc 6 giờ 30 sáng, tại Ngã Sáu, trước nhà thờ Chính Tòa Banmethuot, khi xe của Ty Thông Tin còn loan đi lời kêu gọi đồng bào “ai ở yên nhà nấy, tình hình thị xã vẫn còn yên tĩnh”, thì bộ binh của cộng quân đã tràn chiếm góc Tây Bắc của Phi Trường L19 và xâm nhập khu vườn cà phê cuối đường  Phan Chu Trinh, đồng thời các chốt điểm trọng yếu của Cảnh Sát ở mặt Nam thị xã đã phải xin lệnh rút để tránh bị tiêu diệt.

 

Tình hình thị xã từ đường Võ Tánh, Phan Chu Trinh, chay. xuống Nguyễn Tri Phương kéo dài cho đến Suối Đốc Học và Khu Buôn A Lê A, A Lê B vẫn còn trong sự kiểm soát, nhưng rải rác một vài nơi như khu vực Trần Hưng Đạo, (Ty Ngân Khố đi vào) và khu Kim Mai đã có những gia đình bồng bế con, gồng gánh chạy vào trung tâm thị xã, đến nương náu trên đường Lý Thường Kiệt, khoảng giữa  Ama Trang Long, và Quang Trung, chen chúc nhau trong tiệm bi da Thanh Sơn.

7 giờ 30, sáng ngày Thứ Hai, 10 tháng 3, 1975, bộ binh của cộng quân đã từ khu vườn cà phê sau lưng Tòa Giám Mục, theo đường Phan Chu Trinh xậm nhập thị xã và chiếm khuôn viên Nhà thờ Chính Tòa, ở Ngã Sáu. Rồi tất cả như một khúc phim lần lượt hiện ra trông trí Hải. Khu nhà anh ở bị trúng đạn bốc cháy, nhà hàng Hoàng Vinh, khói lửa cuộn vòng dâng cao, thành phố náo loạn trong chốc lát, từng nhóm người tụ tập từng góc phố, từ  đường Y Yút, Khu Trường Tàu, Chùa Khải Đoan, cho tới  Khu Hoàng Diệu - Lê Văn Duyệt, Phạm Phú Quốc - Hàm Nghi…

 

Một số dân cư từ Buôn A Lê A, khu Suối Đốc Học lại gồng gánh, bồng bế nhau đổ về Trung tâm thị xã và ẩn náu trong khu chợ, sau nhà hàng Vĩnh Thuận. Cho đến lúc này, người dân thị xã vẫn chưa tin Banmethuột sẽ mất, vì hậu cứ Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh còn đó, Tiểu Khu còn đó, Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát còn đó, và nhất là tin truyền miệng cho biết Biệt Động Quân đã vào Trường Trung Học Tổng Hợp, đang di chuyển về Ngã Sáu thị xã, và Khu Tư Dinh Tư Lệnh Sư Đoàn 23 BB.

 

Nhưng rồi người dân thị xã đã tuyệt vọng khi hay tin đơn vị Biệt Động Quân xâm nhập thị xã chỉ để đưa gia đình tướng Tường, Tư lệnh Sư Đoàn 23 BB ra khỏi thị xã mà thôi.

 

– 11giờ 20, sáng ngày 10 tháng 3, 1975, 1 chiếc T54 của cộng quân  bị bắn hạ trước cổng Tiểu Khu, đường Thống Nhất.

 

– 1 giờ chiều ngày 10 tháng 3, 1975, Trung tâm Hành Quân Tiểu Khu bị pháo sập, mọi liên lạc bi gián đoạn.

 

– 2 giờ 20 chiều ngày 10 tháng 3 năm 1975, Tiểu Khu di tản ra Trung tâm huấn luyên của Trung Đoàn 45 BB, cây số 5.

 

– 3 giờ 40 chiều cùng ngày, Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc gia di tản khỏi thí xã, và Banmêthuột lọt vào tay quân cộng sản.

 

Tất cả những sự kiện ấy, và hình ảnh tan hoang của phố thị hay Cuộc Cảnh Sát Quốc Gia Xã Lạc Giao, Tòa Hành Chánh, các khu công sở…  mãi mãi như vết tích hằn sâu trong tâm trí Hải.

 

Những cuộc trả thù cá nhân, những người làm chỉ điểm viên cho cộng quân lục soát tư gia của Sĩ quan, viên chức chính phủ, những hành động trả tư thù man rợ đến nay đã mấy mưoi năm nhưng vẫn như mới xảy ra đâu đây, ở hôm qua hay tuần trước trong trí óc anh! 

 

Bao nhiêu sách vở, giấy tờ, văn khế, văn bằng, đều đem đốt hết hay bị đốt sạch, nhất là các sách ngoại ngữ, Anh Văn, Pháp Văn, Tự điển Anh Pháp hay Hán tự đều đốt hết. Duy chỉ một thứ không đốt đó là gạo, cộng quân sau khi chiếm thị xã, đã phá kho dự trữ lương thực Trung ương, trực thuộc Phủ thủ tướng lấy hết gạo chất lên các xe Mô-lô-tô-va chở về hướng Băng Don, các dụng cụ y khoa, dược phẩm của các Bảo sanh viện, bệnh viện, và các tiệm thuốc Tây, đều bị cộng quân hốt hết chở vô rừng.

 

Nỗi kinh hoàng và tình trạng khủng bố qua những việc lục soát, truy bắt, và thanh lọc xảy ra trên các khu phố, hay Chùa Khải Đoan, Trường Tàu ở đường Y Yút, đường Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Trãi, Võ Tánh, Hàm Nghi...   mãi mãi là hình ảnh khủng khiếp, và hoang mang hằn sâu trong tâm trí những người dân thị xã, nhất là các gia đình sĩ quan cùng viên chức chính phủ, binh lính, cảnh sát hay Nghĩa quân và Nhân Dân Tự Vệ.

 

10 giờ 30 sáng ngày 11/3/1975, hậu cứ Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh bị cộng quân tràn ngập, và thị xã Banmethuot hoàn toàn lọt vào tay cộng quân. Từ đó, cảnh thê lương hoang tàn càng bi thảm hơn, nhưng trong lòng người dân vẫn còn nuôi hy vọng Banmêthuột nhất đinh sẽ được giải cứu, vì 4 Quận và 4 Chi Khu trực thuộc vẫn còn nguyên ven. Các vị Quận trưởng kiêm Chi Khu trưởng đều là những sĩ quan cấp tá dày dạn chiến trường, thêm vào đó, Liên đoàn 21 Biệt Động Quân, Trung Đoàn 44BB, 45 BB chưa hề chạm trán với địch quân. 

 

Người dân thị xã lúc này lại cố gắng thoát khỏi thị xã để tránh bom đạn khi có lực lượng Tổng trừ bị đến giải tỏa. Hy vọng vẫn còn đây! Cho đến một ngày, ngày định mệnh của Banmêthuột và cũng là ngày mà những người lính anh dũng, thiện chiến của các đơn vị Biệt Động Quân, Sư đoàn 23 BB cũng như các đơn vị trực thuộc Quân đoàn II bị bức tử, đó là ngày người ta nhận được tin Quân đoàn II di tản, và ngày 17 tháng 3 năm 1975, Phòng tuyến Phước An bị chọc thủng, tất cả đã tiêu tan.

 

Hải bắt đầu cuộc chạy trốn sự truy lùng của cộng quân và các tên chỉ điểm, đám công an 30, len lỏi từng khu ngoại ô, Trần Hưng Đạo, Suối Đốc Học, đến Suối Bà Hoàng, lần ra hướng Nhà Thờ Phú Long rồi đi về hướng Quốc lộ 21, mà lòng thầm tiếc nuối bỏ lại tình yêu và kỷ niệm một thời thơ ấu, một khoảng đời oanh liệt nơi vùng đất chôn nhau cắt rún, đã nuôi dưỡng anh từ thủa ấu thơ cho đến tuổi trưởng thành.

 

Từ đây, Hải thất lạc với Chi và bao nhiêu đồng đội cùng đơn vị. 

 

Và cuối cùng anh bị bắt ở khu rẫy Buôn Kô Tam, bị dẫn bộ qua đường rừng đến Thanh An, một Quận thuộc tỉnh Plei Ku. Đoạn đường rừng mà sau nay mỗi khi nhớ lại, hay lúc kể chuyện tù cải tạo cho bạn bè nghe, anh gọi đó là đoạn đường "thương khó" vì mỗi lần bước chân đi là in nguyên dấu chân máu trên đường, da bàn chân bị lột hết, cộng quân đã bắt cởi giày đeo lên cổ, đi chân đất trên suốt quãng đường dài từ Buôn Kô Tam, Banmethuột đến Thanh An, Pleiku. Ở Thanh An một năm đi hái trà làm cỏ chung với công nhân và dân địa phương,  tù nhân  luôn luôn được cán bộ vỗ về "Đảng và nhà nước không cho các anh về, chỉ vì sợ nhân dân quá thù hận các anh, sợ họ giết các anh để trả thù". Trong khi đó, hằng ngày đi làm chung với dân, anh và các bạn tù luôn tìm thấy cá khô nướng và khoai lang nấu sẵn giấu dưới các cội trà phủ lá "Các bác ở nhà cũng không no đâu, nhưng chia sớt cho các con mà thôi, các con đánh giặc dở quá để bây giờ các bác và các con cùng chịu khổ!”

 

Câu nói làm rơi nước mắt những người tù, nên có những lần quá cảm động, anh và các bạn tù đã không nỡ lấy cá, chỉ lấy khoai mà thôi. Và đó chính là lòng thù hận của nhân dân Miền Nam dành cho ngụy quân, ngụy quyền mà cán bộ trại tù quen nói.

 

Khoảng tháng 9 năm 1976, anh được đưa về trại tù Mê Van, một mật khu của cộng quân nằm về phía Bắc, Tây Bắc Thị xã Banmethuột, cách thị xã khoảng 60 km đường chim bay. Tại đây, anh gặp lại những khuôn mặt thân quen ngày cũ như Đại Úy Nghĩa (Phụng Hoàng), Đại Úy Long (An ninh Quân Đội ), Sơn, Tế (Quân Báo). Một số viên chức Hành Chánh như anh Tăng (Ty Xã Hội), Anh Khôi, Anh Tín, và Chi, người bạn nối khố của anh, Quốc Anh, người bạn học thời Đệ Nhất. 

 

Sáu tháng sau, anh được lệnh chuyển trại cùng với 12 phạm nhân khác (phạm nhân là cách xưng của nhà tù Mê Van). Ngày chuyển trai thật cảm động, đó là giờ cơm trưa, cán bộ võ trang đến từng trại đọc tên những phạm nhân chuyển trại và ra lệnh "Ai có tên trong danh sách này, phải thanh toán nợ nần với bạn bè, ai mắc nợ những phạm nhân được lệnh chuyển trại này cũng phải thanh toán cho họ, sau khi ăn cơm xong, 1 giờ trưa, các anh tập họp trước văn phòng trại". Rồi bạn bè trong trại, người gói cho mấy miếng đường thẻ, nắm thuốc lào, chén gạo nếp… là những thực phẩm rất quí của đời tù. Anh còn nhớ Trị đến thì thầm bên tai anh "Hãy nhớ giữ gìn sức khỏe và can đảm, tất cả đều là thánh ý mà thôi", rồi đút túi cho anh 4 viên đường thẻ, trước khi anh kịp mang ba lô bước ra khỏi trại.

 

Bẵng đi một thời gian rất lâu, anh mất hết tin tức các bạn bè cũ, cho đến ngày được tha, về Sàigòn những người đầu tiên mà anh găp lại đó là Nguyễn Bá Trí (Đốc sự Hành Chánh), Hồ Sĩ Thái (Nông cơ BanmêThuột) tại nhà thờ Chúa Cứu Thế trong buổi chầu chiều thứ 7, sau giờ chầu, 3 anh em rủ nhau đạp xe theo Nguyễn Thông nối dài để đến Lê Văn Duyệt ở Cống Bà Xếp. Từ đây đạp đến chợ Bến Thành, qua Câu Lạc Bộ Học sinh Sinh Viên Nghệ Tĩnh Bình, 370 Lê Văn Duyệt, nơi mà 3 anh em một thời đã làm sinh viên nội trú suốt 4 năm, bây giờ căn nhà xây mặt tiền đã làm Tòa soạn báo Công Giáo Dân Tộc của Linh mục Trương Bá Cần. 

 

Ở đây còn chôn đầy kỷ niệm của đời làm "précepteur" và thầy giáo dạy giờ ở các tư thục. Đời sinh viên quả thật là thơ mộng, Tuy nghèo, nhưng tâm hồn lúc nào cũng thanh thản nhẹ nhàng, đầy phóng khoáng, có những lúc anh em gặp nhau, bàn tán về người đẹp, nhưng giai nhân không phải là học trò của mình mà là hai chị em cô chủ quán "Thạch Chè" nổi tiếng, nằm cùng dãy với Câu Lạc Bộ, cách một con hẻm và 4 căn phố.

 

Nói tới con hẻm này, lại nhớ tới xe đậu đỏ bánh lọt thêm dầu chuối ngon nổi tiếng nhất nhì của Thành Đô một thủa, ai ăn rồi đều muốn được ăn lại. Sài Gòn bây giờ mang nỗi buồn thảm đạm, như xác người còn đó mà hồn phách đã tản lạc nơi đâu, những căn lầu hai bên đường đều phơi đầy quần áo đủ loại đủ màu trên ban công, phố xá buồn thiu, mang nét hoang tàn, xác xơ như những phiên chợ chiều 30 Tết ở phố Quận ngày xưa. Chợ Bến Thành sầm uất và phồn thịnh thủa nào, nay xơ xác còn thua một chợ nhỏ ở các tỉnh lỵ miền núi ngày trước. Quanh chợ toàn là những mặt hàng của Khu Dân Sinh, quần áo cũ, vải miếng, dép da, bata… Đúng là thảm trạng. 

Con đường Huỳnh Thúc Kháng đã thành khu Chợ Trời nổi tiếng, danh vang đến tận miền Tây, bán đủ các mặt hàng, từ áo lót đến áo dài, nhưng toàn là đồ cũ, dân Saigòn hết tiền đem áo quần ra bán, rồi bàn ghế, đồ gia dụng, cho đến đồng hồ, dây chuyền… nghĩa là từ thượng vàng đến hạ cám đều có đủ, chỉ ngặt một nỗi là đồ đã được dân Saigon  xài rồi đem bán lại, mà khách mua dĩ nhiên gia đình cán bộ hoặc cán bộ!

 

Một Chợ Trời nổi tiếng khác là khu chợ Nguyễn Thông, chuyên bán thuốc Tây, bia và rượu ngoại. Chợ Trời có khắp nơi trên đất Saigon, Tân Bình, Chợ Thiếc, Tân Định, Thị Nghè, Bà Chiểu… Ở đâu cũng là quần áo cũ và hàng tiêu dùng.

 

Có những ngày nhàn nhạ, Hải lang thang đến các khu chợ ĐaKao, Bà Chiểu nhìn người mua kẻ bán, để nghe những câu hỏi của khách mua: “Khoai mì này có nở không chị!” “Bo bo này có bị sượng không chị!”

 

Có nhiều ngày, chợ không có khoai mì, không có bo bo, người ta ăn cháo rau muống! Và xếp hàng chờ mua khoai mì sượng của Hợp Tác Xã bán ra, hay bo bo mốc của Cửa Hàng Nhà Nước.

Sàigòn hoa lệ, Hòn Ngọc Viễn Đông, bây giờ là một bãi rác, và bỗng nhiên mùi chợ cá ở đường Trần Quốc Toản ngày nào đã không còn nghe lại nữa!

 

Ngôn ngữ ngoài chợ ở Saigòn bây giờ là "đổng hai cửa sổ, không người lái”, “cái nồi ngồi trên cái cốc”, “Thuốc lá có cán”, “đồ  rởm, báo cáo, đảm bảo…”  nghe rất lạ tai và đôi khi không hiểu đến ngớ ngẩn! Số phận những người đi tù cải tạo về lại thê thảm hơn, chế độ quản lý người tù cải tạo trở về, hết sức tùy tiện, tùy từng phường, từng quận. Có những phường, người tù cải tạo được tha về, được công an phường phát cho một cuốn tập có đóng dấu trên đầu mỗi trang, yêu cầu tù cải tạo phải viết vào đó công việc hằng ngày của mình, đi đâu, làm gì ở đâu, rồi mỗi sáng thứ Hai hằng tuần đem đến trình cho công an phường, và dầu được tha về ở tại nhà mình với vợ con, vợ vẫn phải làm đơn bảo lãnh cho chồng xin tạm trú tại nhà của chính mình, và câu cuối cùng của tờ bảo lãnh tạm trú luôn luôn là "Tuyệt đối chấp hành lệnh của chính quyền địa phương và sẵn sàng đi Kinh Tế Mới khi được chính quyền địa phương bố trí".

 

Những tù cải tạo không thể nào xin được việc làm, vì công an không bao giờ chứng nhận bản sơ yếu lý lịch cho tù, vì họ không có thường trú, nghĩa là không có tên trong tờ Hộ Khẩu của gia đình, ngoại trừ những người tốt nghiệp đại học hoặc trên đại học, tức là có cử nhân, nhưng cử nhân Văn Khoa, Luật Khoa, nghĩa là các khoa thuộc khoa học Xã hội, lại không được hưởng theo chỉ thị 8 của Võ Văn Kiệt, Bí thư Thành Ủy ký ban hành lúc bấy giờ.

 

Tháng 8, 1992, Hải theo diện HO qua Mỹ, cuốn phim xưa gác lại trong Hải, nhưng vẫn còn tiếp nối cho những người bất hạnh còn lại trên Việt Nam. Nhìn lại chặng đường lịch sử và những chiến tích lẫy lừng của Quân Lực VNCH, từ Vũng Rô, Chiến khu D... của thời nền Cộng Hòa mới phôi thai,  cho đến Mậu Thân, Dak Tô, Ben Hét, Mùa hè đỏ lửa... rồi Hiệp định Paris 27 tháng Giêng năm 1973, những tài liệu viết về chiến tranh Việt Nam, dân miền Nam càng hiểu rõ lich sử Việt Nam hơn.

 

VNCH nhận được viện trợ của Hoa Kỳ cho đến Hiệp định Paris 27/1/1973 thì viện trợ của Hoa Kỳ đã bắt đầu chấm dứt.

 

– 300 triệu viện trợ cho quốc phòng đã bị Quốc Hội Mỹ từ chối

– Nhiên liệu cắt 50%

– Vũ khí, đạn dược hạn chế tối đa, một khẩu M15, M16 chỉ còn 8 băng đạn, bom đã bị rút hết ngòi nổ. Vào thời điểm đó khi các đơn vị ở chiến trường gặp khó khăn gọi về hậu cứ xin yểm trợ, luôn luôn nhận được công điện trả lời là "HÃY TẬN DỤNG CÁC PHƯƠNG TIỆN CƠ  HỮU"  Nghĩa là: Hậu cứ không có gì để yểm trợ! Hãy sử dụng những gì anh có!

 

Đêm ngày 9/3/1975, quân cộng sản tấn chiếm chi khu Đức Lập thuộc tỉnh Quảng Đức, cách thị xã Banmethuột, tỉnh Darlắc 60 km về phía Nam, không quân yểm trợ chỉ có 2 phi vụ là bom, 2 phi vụ còn lại là dùng xăng bột bỏ vào thùng phi 200 lít để thay cho bom.

 

Với tình trạng ấy, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa có dũng cảm và thiện chiến đến đâu cũng chỉ chống chọi được từ 6 tháng đến một năm là cạn sạch khí cụ đạn dược. Trong khi đó, quân cộng sản miền Bắc vẫn nhận viện trợ liên tục của cả khối cộng sản Bắc Âu, từ Hungari, Bungari, Ba Lan, Tiệp Khắc, Đông Đức cho đến Liên Xô và Trung Cộng. Vì thế nên khi cộng sản chiếm được miền Nam, Tổng bí thư đảng cộng sản đã nói, “CHÚNG TA ĐÁNH MIỀN NAM LÀ ĐÁNH CHO LIÊN XÔ VÀ TRUNG QUỐC”.

 

Không hiểu hôm nay có đảng viên cộng sản nào còn nhớ được câu nói này không?

 

Quân lực VNCH đã rất giỏi, đơn thân độc mã chống với cả thế giới cộng sản mấy năm trời! Và cũng đến hôm nay, chúng ta hiểu rõ chính sách của Hoa Kỳ, một chính sách mang tính giai đoạn, ngắn hạn, tùy thuộc hoàn toàn vào từng đời Tổng thống và đảng cầm quyền, cũng như chiến thuật SEARCH AND DESTROY của William C. Westmoreland, hay CLEAR AND HOLD của Creighton W. Abrams, những tư lệnh của đồng minh Hoa Kỳ thời đó.

 

Chỉ thương đất nước mình là một nước nhỏ, chỉ mong những người cầm quyền hôm nay ý thức được chủ nghĩa cộng sản là một ảo vọng và Xã Hội Chủ Nghĩa chỉ là một khẩu hiệu của chính trị, như dân miền Bắc dạy người miên Nam XHCN = Xạo Hết Chổ  Nói! để thoát khỏi ách của Trung cộng, và ảnh huởng của nước lớn.

 

Vả chăng, giữa kẻ cầm quyền và người bị trị, vĩnh viễn có một khoảng cách, dù là thánh nhân đi nữa thì cá nhân cầm quyền hay đảng cầm quyền vẫn không thể thoát khỏi ma lực quyến rũ của quyền lực.

 

Gần 50 năm trôi qua, nhưng nỗi đau quay quắt chưa hề nguôi, niềm hy vọng đã trở thành mơ ước như bao chuyện thần thoại trong đời, và bao nhiêu đồng đội một thời đã rủ nhau lần lượt ra đi trong ngậm ngùi tức tưởi, mang hờn oan đến chốn tuyền đài.

 

Hải cúi xuống, giấu đi dòng lệ, cố xua đuổi những hình ảnh tang thương ngày ấy và lẩn trốn khúc phim xưa đang cuộn cuộn đi về trong trí óc anh.

 

– Nguyễn Định

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Vào ngày 6 tháng 12, 2023, nhà thơ, nhà văn, giáo sư văn học và nhà hoạt động xã hội được yêu mến người Palestine Refaat Alareer đã thiệt mạng trong một cuộc không kích từ Israel cùng với người anh, em gái và bốn đứa con của họ. Trong tuần để tang kể từ đó, những lời tri ân dành cho cuộc đời, sự nghiệp viết lách và các hoạt động nghệ thuật tích cực của Alareer đã tràn ngập khắp nơi trên thế giới. Nhiều lời tri ân được đăng cùng với bài thơ cuối cùng “Nếu tôi phải chết” được ông đăng trên Twitter của mình vào ngày 1 tháng 11 năm 2023. Cho đến nay, bài thơ chia tay như một điềm báo đau lòng của Alareer hiện đã được dịch sang hơn 40 thứ tiếng; được đọc trên các sân khấu thế giới và được viết trên các bức tường sân ga tàu điện; được in trên các biểu ngữ, bảng hiệu, cờ và diều, được giương cao trong các cuộc biểu tình đòi ngưng bắn trên khắp thế giới.
Nhà xuất bản của Ocean Vương trên Marketplace cũng như Ocean Vương trên Instagram của mình đã thông báo về cuốn tiểu thuyết mới sẽ được xuất bản vào tháng 6 năm 2025, Emperor of Gladness. “Emperor of Gladness” là cuốn tiểu thuyết thứ hai của Ocean Vương, “kể về một năm trong cuộc đời của một thanh niên ương ngạnh ở New England, người tình cờ trở thành người chăm sóc cho một góa phụ 82 tuổi bị mất trí nhớ, tạo nên câu chuyện về tình bạn. sự mất mát và mức độ chúng ta sẵn sàng mạo hiểm để đòi hỏi một trong những ân huệ quý giá nhất của cuộc đời: cơ hội thứ hai.”
Tuyển tập “9 Khuôn Mặt: 9 Phong Khí Văn Chương” của Bùi Vĩnh Phúc là những trang sách phê bình văn học độc đáo, nơi đây 9 người cầm bút nổi tiếng của Miền Nam – Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Vũ Khắc Khoan, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Tô Thùy Yên – được chiếu rọi trên trang giấy rất mực trân trọng, công phu, phức tạp, và nổi bật là kiểu phê bình văn học rất mực thơ mộng của họ Bùi.
Nhận được tin buồn nhà thơ Phan Xuân Sinh sau một cơn bạo bệnh, nhập viện vì bệnh tim mạch, hôn mê sau 10 ngày vô phương cứu chữa đã qua đời tại Texas ngày 28/2/2024. Thọ 76 tuổi...
Từ hồi trẻ, tôi đã có thói quen là những ngày giáp Tết thì bắt đầu chọn một vài bài nhạc xuân để nghe; và trong những ngày đầu năm thì sẽ đọc một cuốn sách. Thói quen “khai sách đầu xuân” có thêm một chi tiết khi tuổi quá độ “ngũ thập nhi tri thiên mệnh”: đọc một cuốn sách có chủ đề về Phật Giáo. Trong năm Giáp Thìn này, tôi chọn cuốn “Từ Mặc Chiếu Đến Như Huyễn” của một tác giả cũng tuổi con rồng: cư sĩ Nguyên Giác, cũng là nhà báo Phan Tấn Hải. Giới thiệu “tác giả, tác phẩm” dài dòng như vậy, nhưng đối với tôi, người viết đơn giản chỉ là anh Hải, một người anh thân thiết, đã từng có một thời ngồi gõ bàn phím chung trong tòa soạn Việt Báo ở phố Moran. Đọc sách của anh Hải, tôi cũng không dám “điểm sách” hay “phê bình sách”, vì có thể sẽ bị anh phán rằng “… viết như cậu thì chỉ… làm phí cây rừng thôi!” Bài viết này chỉ ghi lại một vài niềm hứng khởi khi được tặng sách, khi đọc qua cuốn sách mà cái tựa cũng đã chạm sâu thẳm vào những điều bản thân đang chiêm nghiệm.
Chúng ta thường được nghe nói, rằng mọi người đều bình đẳng trước Thượng Đế. Tuy nhiên, Thượng đế thì không ai thấy, nhưng có một thứ còn đáng sợ hơn nhân vật cổ sử đó (nếu thật sự là có Thượng Đế): đó là những trận mưa bom. Người dân Ukraine và Palestine ý thức rất rõ, vì đó là chuyện hằng ngày của họ: mọi người đều bình đẳng khi đứng dưới mưa bom. Già, trẻ, nam, nữ, trí thức, nông dân, nhà thơ, họa sĩ… đều bình đẳng: khi bom rơi trúng là chết. Cuộc chiến giữa người Palestine muốn giữ đất và người Israel từ nơi xa tới nhận phần đất mới do quốc tế trao tặng từ đất Palestine đã kéo dài nhiều thập niên. Bây giờ căng thẳng mới nhất là ở Gaza, cuộc chiến đang tiếp diễn giữa nhóm Hamas, thành phần chủ trương bạo lực của dân Palestine, và quân Israel. Trong những người chết vì bom Israel, có những người hiền lành nhất, đó là trẻ em và phụ nữ.
Thông thường khi nghe hai chữ “cô đơn” chúng ta liên tưởng đến trạng thái tinh thần yếm thế, tâm tư buồn bã, ngày tháng chán chường, thậm chí, cuộc đời trống rỗng. Có lẽ, vì ý nghĩa từ điển của từ vựng này; có lẽ, vì ảnh hưởng văn chương nghệ thuật; có lẽ vì chúng ta đã từ lâu tin như thế, mà không bao giờ đặt một nghi vấn nào. Đây là định nghĩa của “cô đơn” qua Bách thư toàn khoa Wikipedia: “Cô đơn là một trạng thái cảm xúc phức tạp và thường gây khó chịu, đáp ứng lại với sự cách ly xã hội. Cô đơn thường bao gồm cảm giác lo lắng về sự thiếu kết hợp hay thiếu giao tiếp với những cá nhân khác, cả ở hiện tại cũng như trong tương lai. Như vậy, người ta có thể cảm thấy cô đơn ngay cả khi xung quanh có nhiều người. Nguyên nhân của sự cô đơn rất đa dạng, bao gồm các vấn đề về xã hội, tâm thần, tình cảm và các yếu tố thể chất.
Vào những ngày cuối năm 2023, khi mà người Mỹ bắt đầu chuẩn bị cho những bữa tiệc Giáng Sinh, năm mới, bàn tán chuyện mua sắm, thì chiến sự giữa Isarel và Hamas chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Trên vùng đất thánh của cả ba tôn giáo lớn, những kiếp người lầm than chỉ mong có một ngày hòa bình, một ngày không bom đạn. Cũng vào những ngày cuối năm 2023, người Mỹ bắt đầu nhìn thấy một viễn cảnh Ukraine bị bỏ rơi, phải chấp nhận đổi đất lấy hòa bình. Nhiều người Việt cho rằng Ukraine sắp là một Việt Nam Cộng Hòa khác, một đồng minh bị Mỹ bỏ rơi, nhưng sau một thời gian có thể nhanh hơn nhiều.
Vào ngày 6 Tháng 12, giới truyền thông Mỹ đồng loạt đưa tin Taylor Swift, nữ ca nhạc sĩ đầy tài năng, được tạp chí Time vinh danh là “Nhân Vật Của Năm 2023” (Person of The Year). Đây là lần đầu tiên một ca nhạc sĩ được bình chọn danh hiệu giá trị này, càng nhấn mạnh thêm sự thành công và sức ảnh hưởng của cô gái hát nhạc pop-đồng quê. Trước đây, nhiều nhân vật được Time chọn từ năm 1927 là các tổng thống Hoa Kỳ, những nhà hoạt động chính trị lỗi lạc.
Bốn câu thơ này được bố tôi (nhà văn Doãn Quốc Sỹ) ghi lại như một giai thoại văn học, làm lời tựa cho tác phẩm Mình Lại Soi Mình. Bố tôi kể rằng khoảng năm 1984, phong trào vượt biên đang rầm rộ. Một người bạn mới gặp đó, mà hôm sau đã vượt biên rồi! Vào một ngày đẹp trời, bố tôi đạp xe từ Sài Gòn qua Làng Báo Chí bên kia cầu xa lộ để thăm chú Nguyễn Đình Toàn. Đến giữa cầu thì thấy chú đang đạp xe theo chiều ngược lại, cũng định đến thăm mình ở căn nhà hẻm Thành Thái. Hai người bạn gặp nhau giữa cầu. Có lẽ chú Toàn đã nhìn những cánh đồng lúa bên Thủ Thiêm, tức cảnh sinh tình, ngẫu hứng làm ra bốn câu thơ này.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.