Riêng gửi Kiều Thu
Trăng của nhà ai? trăng một phương!
Nơi đây rượu đắng mưa đêm trường.
Ờ! đêm tháng sáu mười hai nhỉ!
Tố của Hoàng ơi! hỡi nhớ thương.
Là thế! là thôi! là thế đó!
Mười năm thôi thế mộng tan tành
Mười năm, trăng cũ ai nguyền ước?
Tố của Hoàng ơi! Tố của anh!
Tháng sáu, mười hai, từ đấy nhé
Chung đôi, từ đấy nhé lìa đôi!
Em xa lạ quá, đâu còn phải
Tố của Hoàng xưa, Tố của tôi.
Men khói đêm nay sầu dựng mộ
Bia đề tháng sáu, ghi mười hai.
Tình ta, ta tiếc; cuồng, ta khóc,
Tố của Hoàng nay Tố của ai.
Tay gõ vào bia mười ngón rập
Mười năm theo máu hận trào rơi.
Học làm Trang Tử thiêu cơ nghiệp,
Khúc Cổ Bồn Ca gõ hát chơi.
Kiều Thu hề Tố em ơi!
Ta dương lửa đốt tơi bời Mái Tây,
Hàm ca nhịp gõ khói bay
Hồ, xừ, xang, xế, bàn tay điên cuồng.
Kiều Thu hề trọn kiếp thương!
Sầu cao ngùn ngụt mấy đường tơ khô
Xừ, xang, xế, xự, xang, hồ,
Bàn tay nhịp gõ điên rồ khói lên.
Kiều Thu hề Tố hỡi em!
Nghiêng chân rốn bể mà xem lửa bùng.
Xế, hồ, xang... Khói mờ rung.
Nhịp vươn sầu toả năm cung ngút ngàn.
Nguồn: Vũ Hoàng Chương, Mây, NXB Đời nay, Hà Nội, 1943
*
Thi Sĩ Vũ Hoàng Chương, Con Rồng Thi Ca Việt Nam (Sinh năm Bính Thìn 1916 - Mất năm Bính Thìn, 1957)
Sinh ngày 5 tháng Năm, 1916 tại Nam Định, Vũ Hoàng Chương là một nhà thơ lớn của Việt Nam.
Ông học chữ Hán từ trong gia đình, sau theo học trường Albert Sarrault, đỗ Tú Tài Pháp năm 1937, đi học Luật, học Toán, rồi buông hết, đi làm thơ, viết và diễn kịch!
Di cư vào Nam từ 1954, Vũ Hoàng Chương là một thi hào của miền Nam tự do, hai lần được Giải thưởng Văn chương Toàn quốc, năm 1959 và 1972. Là chủ tịch Trung Tâm Văn Bút Việt Nam, ông tham dự các hội nghị Văn Bút Quốc Tế, diễn thuyết về thi ca Việt Nam trước các diễn đàn thế giới.
Sau khi miền Nam sụp đổ, ông bị chế độ Cộng sản bắt giam trong khám Chí Hoà ngày 13 tháng Tư 1976. Khi biết đã "đạt chỉ tiêu" hành hạ thi sĩ đến sức cùng lực kiệt, chúng trả ông về nhà và vài ngày sau, thi sĩ tạ thế tại nơi mà ông gọi là "Gác Bút", ngày sáu tháng Chín năm 1976.